Hộ Giáo

Bài viết của Joel Peters - Phạm Bảo chuyển ngữ

Phần II  

2. Kinh Thánh cho biết rằng để bổ sung cho Lời được viết, chúng ta được chấp nhận Khẩu Truyền 
 
Thánh Phaolô vừa giao phó và vừa ra lệnh nắm giữ lấy khẩu truyền. Ví dụ như, trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu Cô-rinh-tô, đoạn 11, câu 2, chúng ta đọc thấy : “Tôi có lời khen anh em đã nhớ đến tôi trong mọi dịp và nắm giữ các quy định tôi đã để lại cho anh em (Truyền Thống).” (4) Rõ ràng là ở đây, Thánh Phaolô đang gửi gấm việc nắm giữ khẩu truyền, và đặc biệt phải được ghi chép lại mà Ngài tán thưởng các tín hữu đã thực hiện điều ấy (“Tôi có lời khen”). Trong đoạn văn này thật rõ ràng cũng là sự kiện tính toàn vẹn khẩu truyền của Thánh Tông Đồ đã được duy trì một cách trong sáng, đúng như Đức Chúa đã hứa sự việc sẽ phải như vậy, qua sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần (x. Ga 16,7) 
 
Có lẽ sự ủng hộ rõ ràng nhất của Kinh Thánh đối với khẩu truyền, có thể đọc thấy trong Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca, đoạn 2, câu 15, ở đây các Kitô hữu thực sự được trao mệnh lệnh : “Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.” Đoạn văn này quan trọng ở chỗ : 
 
A/   Tỏ ra cho thấy sự hiện hữu của các truyền thống sống động trong bài giảng dạy của các Thánh Tông Đồ, 
 
B/   Dứt khoát bảo cho chúng ta rằng các tín hữu phải có cơ sở vững chắc trong Đức Tin nhờ vào việc gắn chặt với các truyền thống này. 
 
C/   Nói rõ là các truyền thống này đều là các truyền thống được ghi chép lại và cũng được khẩu truyền. 
 
Bởi ở đây Kinh Thánh nói một cách rành mạch là các khẩu truyền – nguyên thủy là khẩu truyền đáng tin cậy và của các Thánh Tông Đồ - phải được “nắm giữ” như là một thành phần hợp lệ của Kho Tàng Đức Tin (Kho Tàng Mặc Khải), vậy, bởi nguyên cớ hay lý do gì mà các tín hữu Tin Lành gạt bỏ các truyền thống ấy ? Bởi thẩm quyền nào mà họ lại khước từ huấn lệnh rõ ràng của Thánh Phaolô ? 
 
Hơn thế nữa, chúng ta phải xem xét câu văn trong đoạn này. Chữ Hy Lạp krateite được dịch ở đây là “nắm giữ”, có nghĩa là “trở nên mạnh mẽ, có uy quyền, thắng thế” (5) Ngôn ngữ này hết sức rành mạch, và nó biểu thị tầm quan trọng của việc duy trì các truyền thống này. Lẽ dĩ nhiên người ta phải phân biệt giữa Truyền Thống [Thánh Truyền] (chữ T viết hoa) là một phần của Mạc Khải từ nơi Thiên Chúa, mặt khác, và còn một mặt khác nữa, các truyền thống (chữ t viết thường) của Giáo Hội, cho dù là tốt lành, sau này đã phát triển trong Giáo Hội và không phải là một phần của Kho Tàng Đức Tin. Một thí dụ của sự việc là một phần của Truyền Thống, sau này sẽ là Bí Tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh; một thí dụ về truyền thống của Giáo Hội sau này sẽ là niên lịch ngày lễ Kính các Thánh của Giáo Hội. Bất cứ điều gì thuộc về Truyền Thống đều thuộc về sự xuất phát từ nơi Thiên Chúa và từ đây sẽ bất khả biến đổi, trong khi đó, các truyền thống của Giáo Hội đã được Giáo Hội thay đổi. Thánh Truyền được xem như là một luật đức tin nhờ vào việc tỏ ra những điều Giáo Hội đã liên lỷ tin tưởng qua hàng thế kỷ và cách thức để luôn hiểu được Thánh Truyền nơi bất kỳ phân đoạn nào mà Thánh Kinh đưa ra. Một trong các phương cách chính yếu  mà theo đó Truyền Thống đã được chuyển xuống cho chúng ta, là sự công khai thờ phượng Thiên Chúa trong giáo thuyết chứa đựng trong các các bản văn phụng vụ cổ xưa. 
 
Điều phải được ghi nhận là : các tín hữu Tin Lành kết tội người Công Giáo cổ động các học thuyết có tính chất “phi Thánh Kinh” hay có tính chất “tiểu thuyết” đặt nền tảng trên Truyền Thống, đồng thời họ quả quyết rằng Truyền Thống như thế chứa đựng các học thuyết đều xa lạ với Thánh Kinh. Tuy nhiên, sự quả quyết này hoàn toàn không xác thực. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Thánh Truyền không chứa đựng bất cứ những điều gì đi ngược lại với Kinh Thánh. Một số nhà tư tưởng Công Giáo thậm chí còn nói rằng không có điều gì trong Thánh Truyền mà không tìm thấy trong Kinh Thánh, ít nhất là dạng thức hoàn hảo hay còn trong trứng nước. Chắc chắn là cả hai dạng này đều chí ít là hài hòa trọn vẹn và luôn hỗ trợ cho nhau. Đối với một số các học thuyết, từ Thánh Truyền hơn là từ Kinh Thánh mà Giáo Hội rút ra được sự hiểu biết của Kinh Thánh, thậm chí các học thuyết ấy vẫn thường được ám chỉ hay nói bóng gió về các học thuyết ấy trong Kinh Thánh. Lấy thí dụ như những điều sau đây được đặt nền tảng rộng rãi trên Thánh Truyền : Bí Tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh, thư bộ Kinh Thánh, trọn đời đồng trinh của Đức Trinh Nữ Maria, ngày Chúa Nhật (hơn là ngày Thứ Bảy) là Ngày Của Chúa, và Sự Thăng Thiên của Đức Mẹ. 
 
Thánh Truyền bổ sung cho chúng ta sự hiểu biết Kinh Thánh, và vì thế, Thánh Truyền không phải là một nguồn mạch Mạc Khải xa lạ chứa đựng các học thuyết xa lạ với Kinh Thánh. Điều rất khác biệt là : Thánh Truyền phục vụ như là những kỷ niệm sống động của Giáo Hội, nhắc nhở cho Giáo Hội về những điều mà tín hữu đã tin tưởng một cách liên lỷ và một cách kiên định, đồng thời cũng nhắc nhở cho những người hiểu biết và giải thích một cách đúng đắn ý nghĩa của các đoạn văn Kinh Thánh (6). Chắc chắn điều Thánh Truyền nói với người đọc Thánh Kinh là : “Anh em đã và đang đọc một quyển sách hết sức quan trọng chứa đựng mạc khải của Thiên Chúa ban cho con người. Giờ đây, hãy cho tôi giải thích với anh em cách thức mạc khải của Thiên Chúa luôn được hiểu và đưa ra thực hành nơi những người có đức tin ngay từ thời tiên khởi của Giáo Hội.” 
 
3. Kinh Thánh gọi Giáo Hội chứ không gọi Kinh Thánh là “Cột Trụ và Nền Tảng của Sự Thật” 
 
Thật hết sức thú vị khi ghi nhận trong Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Ti-mô-thê, đoạn 3, câu 15, chúng ta thấy không phải Kinh Thánh mà là Giáo Hội – đó là cộng đoàn sống động của các tín hữu được Thánh Phaolô và các Thánh Tông Đồ sáng lập và được các người kế vị của các Thánh Tông Đồ dẫn dắt – được gọi là “cột trụ và nền tảng của Sự Thật”. Lẽ dĩ nhiên, đoạn văn này không có nghĩa là giảm thiểu tầm quan trọng của Thánh Kinh trong bất bất cứ phương diện nào, nhưng nó lại mong muốn thể hiện rằng Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập một Giáo Hội tuyên huấn và có thẩm quyền, là Giáo Hội được ủy quyền để dạy dỗ cho “muôn dân” (Mt 28,19). Ở đoạn văn khác cũng trong sách Phúc Âm này, Giáo Hội được Chúa Kitô hứa rằng các cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng nổi (Mt 16,18), Người sẽ luôn ở cùng với Giáo Hội (Mt 28,20), và Người sẽ ban Chúa Thánh Thần dạy dỗ Giáo Hội sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Đối với cái đầu hữu hình của Giáo Hội của Người, là Thánh Phêrô, Chúa phán : “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên Trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,19). Bằng chứng hết sức rõ ràng từ những đoạn văn này là Chúa đã nhấn mạnh thẩm quyền của Giáo Hội của Người và vai trò mà Giáo Hội sẽ có trong việc gìn giữ và định rõ Kho Tàng Đức Tin. 
 
Điều cũng rõ ràng là từ những đoạn văn này, chính Giáo Hội ấy sẽ không thể sai lầm được, vì giả như ở vào một thời kỳ nào đó trong lịch sử của mình, Giáo Hội có quyết định dạy điều sai lầm cho Giáo Hội như là một tổng thể các vấn đề về đức tin hay luân lý – thậm chí chỉ có tính cách tạm thời – thì Giáo Hội vẫn không ngừng là “cột trụ và nền tảng của Sự Thật”. Bởi vì một “nền tảng” hay “nền móng” bằng chính cái bản chất của nó có nghĩa là trở nên một nguồn hỗ trợ, cung cấp thường xuyên, cũng bởi vì đoạn văn nói đến trên không cho phép từ khả năng của Giáo Hội mà lại luôn luôn rõ ràng giáo huấn điều sai lầm về luân lý và học thuyết, kết luận hợp lý duy nhất là Chúa đã hết sức cân nhắc việc thiết lập Giáo Hội của Người và Người đang đề cập đến tính không thể sai lầm được của Giáo Hội khi Người gọi Giáo Hội là “cột trụ và nền tảng của sự thật.” 
 
Tuy nhiên, người Tin Lành có một tình huống khó xử ở chỗ này, là việc quả quyết Kinh Thánh đối với người tín hữu là quy luật duy nhất của Đức Tin. Bấy giờ, khả năng nào cho Giáo Hội là “cột trụ và nền tảng của sự thật” nếu Giáo Hội không được phục vụ như là một thẩm quyền vô ngộ đã được Chúa Kitô thiết lập ? Làm sao mà Giáo Gội có thể trở thành “cột trụ và nền tảng” nếu Giáo Hội không hữu hình, không có khả năng thiệt thực để phục vụ như là một thẩm quyền trong đời sống Kitô hữu ? Thực ra người Tin Lành phủ nhận Giáo Hội là “cột trụ và nền tảng của sự thật” qua việc phủ nhận Giáo Hội có thẩm quyền giáo huấn. 
 
Cũng vậy nữa, người Tin Lành hiểu cái thuật ngữ “Giáo Hội” có một ý nghĩa khác với ý nghĩa mà Giáo Hội Công Giáo hiểu về thuật ngữ này. Người Tin Lành xem “Giáo Hội” như là một thực thể vô hình, và theo họ, thuật ngữ “Giáo Hội” ám chỉ một cách chung nhất về tất cả các người tin vào Chúa Kitô trên khắp thế giới, những người được hiệp nhất trong đức tin vào Chúa Kitô, bất kể các biến đổi chủ yếu trong học thuyết và lòng trung thành với giáo phái của mình. Mặt khác, người Công Giáo hiểu thuật ngữ “Giáo Hội” có nghĩa chúng ta không chỉ là những người thực sự tin tưởng, là những người được hiệp nhất trong Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, mà đồng thời chúng ta còn hiểu rằng thuật ngữ “Giáo Hội” cũng đang đề cập đến một thực thể hữu hình có tính lịch sử, tức là, một và chỉ một tổ chức đó có thể lần ngược trở lại liên tục không đứt quãng về với tông giống của Giáo Hội cho đến ngay chính các Thánh Tông Đồ : đó là Giáo Hội Công Giáo. Chính Giáo Hội này và duy nhất Giáo Hội này, đã được Chúa Kitô thiết lập, đã duy trì tính chất tuyệt đối trước sau như một trong học thuyết qua suốt sự hiện hữu của Giáo Hội, và vì thế, duy nhất Giáo Hội này có thể được tuyên bố Giáo Hội chính là “cột trụ và nền tảng của sự thật.” 
 
Bằng việc so sánh, Đạo Tin Lành đã biết đến lịch sử của những chao đảo và thay đổi của học thuyết, và không hoàn toàn đồng ý hai tên gọi này – thậm chí nơi các đề tài chủ yếu trong học thuyết. Những thăng trầm và thay đổi ấy không thể được coi như là một nền móng hay “nền tảng của sự thật”. Khi nền móng của một công trình kiến trúc trồi sụt hay được bố trí không thích hợp, thì ngay những thứ chống đỡ cho công trình kiến trúc ấy cũng không đáng tin cậy (xem Mt 7,26-27). Nhờ thực hành mà niềm tin của Đạo Tin Lành đã phải chịu đựng sự thay đổi cả trong các tên gọi và qua sự liên tục xuất hiện các tên gọi mới, những niềm tin này giống như một nền móng trồi sụt và biến động. Tuy nhiên, những niềm tin ấy không ngừng đưa ra lời chống đỡ cần thiết để duy trì công trình kiến trúc mà họ gìn giữ, và sự toàn vẹn của công trình kiến trúc ấy bị tổn hại, rõ ràng là Chúa không dự định cho những người đi theo Chúa xây dựng căn nhà tâm linh của mình trên một nền móng không thể tin cậy như thế.  

4. Đức Kitô bảo chúng ta hãy phục tùng Đấng Thẩm Quyền của Giáo Hội 
 
Trong Sách Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, đoạn 18, từ câu 15 đến câu 18, chúng ta thấy Đức Kitô chỉ dẫn cho các môn đệ của Người về cách thức sửa chữa cho một người anh em trong đức tin. Trong ví dụ này, nói một cách rốt ráo, Chúa xác định Giáo Hội hơn là Kinh Thánh như một thẩm quyền cuối cùng để mà thưa gửi. Chính Người nói rằng nếu người anh em phạm tội : “Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17) – tức là, như một người ngoài bị thất lạc. Hơn thế nữa, Chúa còn long trọng tái nhấn mạnh huấn quyền vô ngộ của Giáo Hội trong câu 18, Người nhắc lại lời tuyên bố trước đây về uy quyền tháo-buộc (Mt 16,18-19), lúc này Người hướng dẫn cho các Thánh Tông Đồ là một nhóm, hơn là chỉ cho Thánh Phêrô : “Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên Trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 18,18) 
 
Lẽ dĩ nhiên còn có những trường hợp khác trong Kinh Thánh mà Chúa không viện đến Kinh Thánh, nhưng trong những trường hợp ấy, Người giảng dạy Thánh Kinh như một Đấng có thẩm quyền; Người không để cho các cân Kinh Thánh tự giảng dạy. Thí dụ như : Người trả lời với những Kinh Sư và người Biệt Phái bằng việc dùng Kinh Thánh một cách chính xác bởi những người ấy luôn định làm cho Người vấp ngã bằng việc dùng Kinh Thánh. Trong những trường hợp ấy, Chúa thường chứng minh người Kinh Sư và Biệt phái đã hiểu Kinh Thánh cách sai lầm như thế nào, và từ đó Người sửa chữa các sai lầm ấy bằng việc làm sáng tỏ Kinh Thánh một cách đúng đắn. 
 
Các hành động của Người không nhằm tranh luận về Kinh Thánh phải là duy nhất (sola), hay tranh luận về một thẩm quyền từ trong Kinh Thánh, còn trong thực tế, là thẩm quyền duy nhất của người Kitô hữu. Điều khá trái ngược là : bất cứ khi nào Đức Kitô chỉ dẫn cho những người đến nghe Người giảng dạy về Kinh Thánh, Người cũng cho họ thấy lời giải thích có thẩm quyền và không thể sai lầm của Người về các câu Kinh Thánh, đồng thời Người cũng chứng minh rằng Kinh Thánh không tự giải thích 
 
Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng thừa nhận thẩm quyền và sự không thể sai lầm của Kinh Thánh. Nhưng học thuyết Công Giáo chính là quy luật tức thời của Đức Tin đối với Kitô hữu, là huấn quyền của Giáo Hội – một thẩm quyền giáo huấn và giải thích cả Kinh Thánh lẫn Thánh Truyền, như Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, đoạn 18, từ câu 17 và câu 18 đã chỉ ra. 
 
Cũng phải ghi nhận rằng sự ngụ ý (có lẽ còn rõ ràng nữa là đàng khác) trong đoạn văn này của Thánh Mát-thêu là sự thật mà “Giáo Hội” đã phải là một thực thể hữu hình, cụ thể, được thiết lập theo dạng thức có phẩm trật. Nói cách khác, ai mà biết được người phạm tội phải được xem xét giải quyết như thế nào ? Nếu định nghĩa của người Tin Lành về “Giáo Hội” là chính xác, thì người phạm tội sẽ phải “nghe” từng người hay mọi tín hữu đang hiện hữu, đồng thời hy vọng rằng sẽ có sự nhất trí đồng lòng giữa những người ấy có liên quan đến vấn đề tranh luận tại chỗ. Sự vô lý vốn có trong viễn cảnh này rất dễ dàng nhìn thấy rõ. Cách thức duy nhất mà chúng ta có thể làm cho lời tuyến bố của Chúa có ý nghĩa ở chỗ này là thừa nhận đây là một tổ chức xác định, mà ở đó người ta có thể kiện cáo và có thể có được một phán quyết từ tổ chức đó. 
 
5. Chính Kinh Thánh nói rõ bản thân chưa đủ là một người thầy dạy, mà phải cần đến một người giải thích. 
 
Kinh Thánh nói trong Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Ti-mô-thê, đoạn 3, câu 17, là người của Thiên Chúa “nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”. Như chúng tôi đã viết ở phần trên, câu này chỉ có nghĩa là người của Thiên Chúa được trang bị đầy đủ bằng Kinh Thánh; không bảo đảm là người của Thiên Chúa tự động biết cách giải thích Kinh Thánh như thế nào cho đúng. Câu này chỉ tranh cãi tối đa cho sự dồi dào chất liệu của Kinh Thánh, một luận điểm đang được một số nhà tư tưởng Công Giáo hiện nay nắm giữ. 
 
 “Dồi dào về chất liệu” có nghĩa là Kinh Thánh theo cách nào đó chứa đựng tất cả mọi sự thật thiết yếu để tín hữu biết đến; nói cách khác, “các chất liệu” như thế sẽ phải hiện diện hoàn toàn hay ít nhất là phải được nói một cách ngụ ý. Mặt khác, “dồi dào về hình thức” có nghĩa là Kinh Thánh không chỉ chứa đựng tất cả sự thật thiết yếu, mà cũng còn trưng ra những sự thật ấy hết sức trong sáng, hết sức trọn vẹn và theo dạng thức dễ hiểu. Nói cách khác, những sự thật ấy sẽ theo một dạng thức khả dụng, và vì thế sẽ không có nhu cầu nào cho Thánh Truyền để bổ sung và làm cho sáng tỏ các Sách Kinh Thánh, hoặc không có nhu cầu nào cho huấn quyền vô ngộ giải thích Kinh Thánh một cách đúng đắn hay “phân chia cách đúng đắn” Lời Thiên Chúa. 
 
Bởi Giáo Hội Công Giáo tin rằng tự bản thân Kinh Thánh không đủ, Giáo Hội vốn dạy rằng Kinh Thánh cần có người giải thích. Như thế, nguyên do mà Giáo Hội Công Giáo truyền dạy bao gồm trong 2 phần : thứ nhất – vì Đức Kitô bằng thẩm quyền của Người, đã thiết lập Giáo Hội Hằng Sống để rao giảng. Người không chỉ trao cho các môn đệ của Người một quyển Kinh Thánh, nguyên vẹn và đầy đủ, rồi bảo họ đi ra ngoài, tạo ra nhiều bản sao để phân phát hàng loạt, cho phép người ta giải thích với nhau bất cứ điều gì có thể; thứ hai – chính Kinh Thánh nói ra rằng Kinh Thánh cần có người giải thích. 
 
Liên quan đến điểm thứ hai, chúng ta đọc thấy trong Thư thứ hai của Thánh Phêrô, đoạn 3, câu 16 nói rằng trong các thư của Thánh Phaolô có “những chỗ khó hiểu, những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nỗi xuyên tạc [bóp méo], khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong.” 
 
Trong một câu này mà chúng ta ghi nhận có ba điều quan trọng về Kinh Thánh và lời giải thích của Kinh Thánh là : 
 
a)    Trong Kinh Thánh có những đoạn văn không rõ ràng hay không có khả năng sẵn sàng hiểu được, có sự kiện biểu thị sự cần thiết cho người giáo huấn có thẩm quyền và không thể nhầm lẫn làm cho các đoạn văn ấy trở nên trong sáng và dễ hiểu (8)
 
b)    Không chỉ có khả năng người ta có thể “xuyên tạc” hay bóp méo ý nghĩa của Kinh Thánh, mà đó là trong thực tế, người ta đã và đang làm từ những ngày sơ khởi của Giáo Hội. 
 
c)    Bóp méo ý nghĩa của Kinh Thánh có thể đưa đến kết quả “tiêu vong” trong một câu nào đó, thật là một điều tai hại không thể tránh. Hiển nhiên là từ các điều cân nhắc ấy mà Thánh Phêrô không tin Kinh Thánh là quy luật duy nhất của Đức Tin, nhưng còn hơn thế nữa. 
 
Trong Sách Công Vụ Tông Đồ, đoạn 8, từ câu 26 đến câu 40, chúng ta đọc thấy trình thuật về người phó tế là Thánh Phi-líp-phê và viên quan thái giám người Ê-thi-óp. Trong tình huống này, Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt ông Phi-líp-phê đến với vị quan lại người Ê-thi-óp khi ông Phi-líp-phê được biết người này đang đọc Sách Ngôn Sứ I-sai-a, ông hỏi vị quan thái giám một câu hỏi hết sức đích đáng : “Ngài có hiểu điều Ngài đọc không ?” Cho dù còn đang choáng váng thì câu trả lời của viên quan người Ê-thi-óp vẫn là : “Làm sao mà tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải ?” 
 
Trong khi ông Thánh Phi-líp-phê này (được biết như là “nhà truyền giáo”) không phải là một trong mười hai Tông Đồ, dù sao ông vẫn là người được các Tông Đồ giao nhiệm vụ (thao khảo Cv 6,6) và là người loan báo Phúc Âm theo thẩm quyền (tham khảo Cv 8,4-8). Bởi thế, công việc loan báo của ông phản ánh hợp pháp Tông Huấn. Trọng điểm ở đây là lời tuyên bố của vị quan người Ê-thi-óp xác nhận sự việc Kinh Thánh tự thân không đủ là một người giáo huấn học thuyết Kitô Giáo, còn những người nghe Lời Chúa thì phải cần một người có thẩm quyền để hướng dẫn đúng đắn cho họ, ngõ hầu họ có thể hiểu được điều Kinh Thánh nói. Nếu tự thân Kinh Thánh thục sự đầy đủ, thì viên quan thái giám sẽ không mơ hồ về ý nghĩa của các đoạn văn trong Sách I-sai-a. 
 
Cũng có lời phát biểu trong Thư thứ hai của Thánh Phêrô, đoạn 1, câu 20 rằng : “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh.” Ở đây chúng ta thấy tự thân Kinh Thánh biểu đạt rõ ràng và quả quyết là các vị ngôn sứ trong Kinh Thánh không quan trọng đối với cá nhân nào phải tìm đến sự giải thích của vị ngôn sứ ấy. Điều gây ấn tượng nhất là câu văn này được nói trước bằng một tiết đoạn nói về lời chứng của các Tông Đồ (2 Pr 1,20) và sau đó là một tiết đoạn nói về các thầy dạy giả hiệu (2 Pr 2,1-10). Rõ ràng là Thánh Phêrô đang thực sự đối chọi lời giảng dạy của các Thánh Tông Đồ với lời giảng dạy của các tiên tri giả và các thày dạy giả hiệu, và Ngài đang ám chỉ đến sự giải thích riêng như là một điểm mấu chốt giữa hai điều ấy. Hàm ý rõ ràng là lời giải thích riêng là một con đường mòn mà theo đó một cá thể chuyển hướng từ huấn quyền và bắt đầu đi theo sự dạy dỗ lầm lạc. 
 
Còn tiếp 
 

=================================================

 
4/    Chữ được dịch là “quy định” cũng còn được dịch là “lời dạy” hay “truyền thống”, thí dụ như trong New Internation Version đưa ra chữ “lời dạy” với một chú thích “hay truyền thống”. 
 
5/    Vine, op. Cit., trang 564. 
 
6/    Một thí dụ về kỷ niệm có tính chú giải Thánh Kinh này có dính dáng đến Sách Khải Huyền, đoạn 12. Các Thánh Giáo Phụ tiên khởi đã hiểu “Người Nữ mặc áo mặt trời” nhắc đến Sự Thăng Thiên của Đức Trinh Nữ Maria. Một số người quả quyết rằng học thuyết này không xuất hiện cho đến năm 1950 (là năm mà Đức Giáo Hoàng Piô XII chính thức xác định học thuyết) tiêu biểu cho sự mơ hồ về lịch sử Giáo Hội. Thực ra, niềm tin này được gìn giữ ngay từ thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, nhưng nó không được chính thức xác định cho đến thế kỷ thứ 20. Hãy nhớ là Giáo Hội thường không cần xác định một học thuyết chính thức cho đến khi học thuyết ấy chính thức bị người ta thách thức (thường là người dị giáo). Những dịp ấy đã gây ra việc cần thiết chính thức xác định “các thông số” cho vấn nạn của học thuyết. 
 
7/   Huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo công bố rằng “Giám Mục Đoàn”, các vị kết thừa các Thánh Tông Đồ, cũng có ơn bất khả ngộ khi các Ngài “thi hành huấn quyền tối thượng” kết hợp với Đức Thánh Cha, “nhất là trong một Công Đồng Chung” (tham khảo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo # 891). Cũng vậy, “tháo-buộc” là thuật ngữ của các Giáo Sỹ Do Thái, nó ám chỉ đến quyền tuyên bố các lời giải thích và giáo huấn theo thẩm quyền. Đức Kitô đã dự tính rõ, sau này với các Tông Đồ của Người, dưới sự lãnh đạo của Thánh Phêrô (bởi một mình Thánh Phêrô được nhận quyền giữ chìa khóa Nước Trời), có quyền đưa ra các lời giải thích và giáo huấn theo thẩm quyền này. 
 
8/    Người Tin Lành khẳng định Kinh Thánh tự giải thích, thì lời khẳng định đó chẳng có gì hơn là một sự thi hành một cách vô ích. Họ tự cho rằng một người có thể giải thích đúng mọi lời Kinh Thánh bằng cách so sánh lời ấy với phần còn lại của lời giảng dạy. Vấn đề với dòng suy lý để tranh luận này có thể biểu thị dễ dàng. Cứ yêu cầu mười người đưa ra các lời giải thích tương ứng với đoạn văn Kinh Thánh được nêu ra, quý vị có thể nhận được cũng chừng ấy mười lời giải thích khác nhau. Nếu Kinh Thánh có thể tự giải thích, như các người Tin Lành tuyê bố, thì tại sao quý vị không luôn nhận được mười lời giải thích đồng nhất, cho dù quý vị để cho những người ấy một lượng thời gian dư giả để tìm hiểu và nghiên cứu ? Còn nến những lời giải thích đa dạng này chỉ là sự thật đối với mười người này, thì hãy hình dung đến các kết quả, khi quý vị nhân bội các con số ấy lên đến hàng trăm hay hàng ngàn hoặc hàng triệu người. Lịch sử đã nhìn thấy kết quả như thế rồi, và danh xưng của nó là Đạo Tin Lành.