Người Chủ Chăn

Phần 2. Nội Dung Buổi Cầu Nguyện Thánh Linh

Sau đây là một trong những hình thức của buổi họp Thánh Linh, có thể thay đổi tùy theo nhu cầu từng nơi.

2.1 Tiếp đón

* Hát bài mở đầu
* Vài lời chào đón mở đầu, giới thiệu người mới cho những bạn cũ nếu có
* Nêu ra những ý chỉ cầu nguyện cho buổi họp hôm nay

« Vậy anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh thiên Chúa » (Rm 15,7)

2.2 Nghi thức hòa giải và giải thoát

Để đón nhận Chúa Thánh Thần một cách hữu hiệu hơn, chúng ta nên làm một nghi thức hòa giải với Thiên Chúa: chúng ta xin lỗi Chúa vì những lỗi mà chúng ta phạm đến Ngài. Chúng ta xin Chúa hãy lấy ra khỏi tâm hồn chúng ta những gánh nặng đang ngăn trở chúng ta ca ngợi Chúa.

2.3 Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

Khi tâm hồn chúng ta đã được giải thoát mọi vướng bận, chúng ta sẽ dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần nói trong chúng ta. Trong giờ này, chúng ta hãy mời Ngôi Ba Thiên Chúa đến ngự trị trong buổi họp.
Có thể hát 1 bài về Chúa thánh Thần

2.4 Ca ngợi

Có thể làm dưới nhiều hình thức:
* Hát ca ngợi
* Cầu nguyện ca ngợi
* Cầu nguyện bằng tiếng lạ
* Nhảy múa
v.v...

2.5 Phần học hỏi và công bố Lời Chúa

Cho dù nhân số họp nhóm là bao nhiêu, nhưng không thể thiếu một người đứng ra lãnh trách nhiệm « ngôn sứ ».

Nếu trong nhóm chưa có người lãnh trọng trách này, chúng ta nên cầu nguyện ngay để xin Chúa soi sáng cho biết người nào thích hợp. Nên nhớ rằng, người được ủy nhiệm rao giảng Lời Chúa ở đây có thể là bất cứ người nào. Một khi Chúa đã chọn, chúng ta không nên đặt vấn đề tại sao lại là người này mà không phải là một người khác đầy đủ kiến thức hơn.


Bài học hỏi có thể dựa trên nền tảng những Lời Chúa trong Thánh Kinh hay dựa trên một đề tài cụ thể nào đó (chẳng hạn như đề tài chữa lành). Sau đó, chúng ta nên dành một vài phút để suy gẫm về những điều vừa nghe và để đón nhận những điều vừa học hỏi được.


Nếu bài học dựa trên một đề tài nào đó, chúng ta đừng quên nêu ra những lời trích dẫn từ trong Kinh Thánh.

2.6 Làm chứng

Việc làm chứng rất là quan trọng, vì chúng ta làm rạng Danh Chúa. Đức tin của cộng đoàn ngày càng thêm vững chắc hơn qua những nhân chứng sống động này.


« ...nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là nhân chứng của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất. » (Cv 1,8)


Tuy nhiên, chúng ta cần có một người để điều khiến giờ giấc làm chứng này để tránh những việc không hay xảy ra như : nói quá nhiều về mình, thay vì làm rạng danh Chúa thì lại qui về cái tôi của mình.

Người điều khiển phải hết sức khéo léo để tránh làm tổn thương tự ái của người khác và cũng đề giúp mọi người làm sáng tỏ một số vấn đề nếu có.

2.7 Cầu nguyện theo nhu cầu

Nếu có thể được chúng ta nên lồng những nhu cầu của chúng ta trong sự ca ngợi hơn là trong việc xin ơn.


Thí dụ, thay vì Lạy Chúa, con xin Chúa hãy đến chữa lành chị con đang nằm ở bệnh viện, chúng ta có thể nói : « Lạy Chúa, con xin ca ngợi và chúc tụng về những gì Chúa sẽ làm cho chị của con. Nguyện xin mọi sự xảy ra đều làm sáng Danh Chúa, ôi lạy Chúa Giêsu là Vua của con ! »

2.8 Đặt tay cầu nguyện

2.9 Thông báo

2.10 Hát kết thúc