Người Chủ Chăn

Kinh Truyền tin chúa nhật 7-2-10

Chủ đề của bài huấn dụ trưa chúa nhật dựa trên tất cả ba bài đọc Sách Thánh của thánh lễ, nói đến việc Chúa kêu gọi ông Isaia, ông Phêrô và ông Phaolô. Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng họ đã tin tưởng vào quyền năng của ơn thánh Chúa và đã đáp trả cách quảng đại. Đây là một bài học cho tất cả những ai đã được Chúa kêu gọi đi theo Người để phục vụ Tin mừng, đặc biệt là các linh mục trong năm thánh này. Ngoài tư tưởng suy niệm dành cho cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi, sau khi ban phép lành Toà thánh, đức thánh cha đã dành đôi lời cho Giáo hội Italia dành chúa nhật đầu tháng 2 hằng năm cho ngày bảo vệ sự sống: sự sống của các thai nhi cũng như sự sống của những người già cả yếu liệt, đang gặp thêm nguy cơ trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Sau cùng ngài cũng loan báo sẽ cử hành Thánh lễ tại đền thánh Phêrô vào sáng thứ 5 tuần này, dành cho các bệnh nhân, nhân ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ-đức. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Phụng vụ chúa nhựt thứ V mùa Thường niên trình bày cho chúng ta đề tài ơn gọi. Trong một thị kiến uy nghi, ngôn sứ Isaia cảm thấy mình hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa ba lần Thánh, khiến ông đâm ra hoảng sợ và nhận ra sự bất xứng của mình. Nhưng một thiên sứ Sêraphim đã thanh tẩy môi miệng của ông với cục than đỏ cháy và xóa bỏ tội lỗi của ông. Thế rồi ông cảm thấy sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi, và thưa: “Lạy Chúa, này con đây, xin sai con đi” (x. Is 6,1-2-3-8). Những tâm trạng vừa nói cũng xảy ra trong câu chuyện mẻ cá lạ lùng được thuật lại trong đoạn Tin mừng. Chúa Giêsu mời ông Simon Phêrô và các bạn hãy thả lưới; các ông tin vào lời Chúa và đã đánh được một mẻ cá đầy. Đứng trước việc lạ lùng ấy, ông Simon Phêrô đã không ôm choàng đức Giêsu để tỏ bày niềm hoan hỉ vì thu lượm được nhiều cá quá mức trông mong, nhưng, theo như thánh sử Luca ghi lại, ông đã quỳ xuống trước mặt Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con đi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu trấn an ông và nói: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi quăng lưới chài người” (x. Lc 5,10); và rồi ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Người.

Cả ông Phaolô nữa, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Giáo hội, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng ông nhìn nhận rằng ơn Chúa đã thực hiện nơi mình nhiều điều kỳ diệu, và bất chấp những giới hạn của mình, Chúa đã trao cho ông nhiệm vụ và vinh dự được loan truyền Tin Mừng (x. 1Cr 15,8-10). Trong cả ba kinh nghiệm vừa kể, chúng ta thấy rằng cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa đưa con người đến chỗ nhìn nhận sự nghèo nàn và bất xứng của mình, giới hạn và tội lỗi của mình. Tuy nhiên, bất chấp sự mỏng dòn ấy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ, đã biến đổi cuộc đời của con người và kêu gọi nó hãy đi theo Người. Lòng khiêm tốn, được bày tỏ nơi ông Isaia, ông Phêrô, ông Phaolô, mời tất cả những ai đã nhận được ơn Chúa gọi thì đừng chú trọng đến những giới hạn của mình, nhưng hãy nhìn cắm mắt vào Chúa và lòng khoan nhân của Người, để thay lòng đổi dạ và hân hoan từ bỏ tất cả mọi sự vì Người. Thực thế, Chúa không nhìn điều mà người ta cho là quan trọng: “Người đời thấy vẻ bề ngoài, nhưng Chúa nhìn tấm lòng” (1Sm 16,7), và làm cho những kẻ nghèo nàn yếu ớt nhưng đặt niềm tin nơi Người, trở nên những tông đồ và những kẻ loan truyền ơn cứu độ kiên cường.

Trong Năm dành cho các linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ruộng hãy gửi thợ đến vụ gặt, và xin cho những kẻ nghe thấy tiếng Chúa kêu mời đi theo Người, sau khi đã phân định chín chắn, được biết đáp trả với lòng quảng đại, không dựa trên sức lực của mình, nhưng mở rộng tấm lòng để cho ơn Chúa tác động. Cách riêng, tôi mời gọi tất cả các linh mục hãy làm sống lại tâm tình sẵn sàng hăng say để mỗi ngày đáp lại tiếng Chúa gọi với tấm lòng khiêm tốn và tin tưởng giống như ông Isaia, ông Phêrô và ông Phaolô.

Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ Maria tất cả các ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi vào đời sống thánh hiến và linh mục. Xin Mẹ hãy gợi lên trong lòng mỗi người lòng ước muốn đáp lại “Xin Vâng” với Chúa với niềm hân hoan và sẵn sàng.

Bình Hòa