(Soeur Catherine)
Ông Pierre Labouré, một nông dân sống bằng nghề trồng trọt trong ngôi làng Burgundy ở Pháp. Ông có một người vợ gương mẫu thánh thiện và sanh được 11 người con, 8 trai, 3 gái. Zoé là người con thứ chín trong gia đình.
Khi Zoé được 9 tuổi thì bà mẹ qua đời, đây là chuyện làm cho Zoé vô cùng khó khăn và đau khổ bởi vì Zoé rất yêu thương mẹ. Khi còn sống bà Labouré đã dạy con cái phải hết lòng yêu mến Đức Mẹ. Bà muốn con bà nhận thức rằng Đức Mẹ trên trời cũng là mẹ của loài người. Điều này đã được ghi sâu trong tâm khảm cô bé Zoé, bởi vậy khi mẹ mất đi thì Zoé hướng về Đức Mẹ với hết cả tấm lòng yêu thương và thành kính. Cô nhận Đức Mẹ làm mẹ mình, và tấm lòng yêu mến Mẹ ngày càng sâu đậm theo thời gian.
Sau khi mẹ Zoé qua đời không lâu thì Margaret, người em dâu của cha Zoé đem cô và người em gái là Marie Antoinette về nhà chăm sóc. Sống ở nhà bà thím được hai năm thì cha của Zoé tới đem hai chị em về nhà để quán xuyến công việc nhà cửa cho ông, vì chị của Zoé muốn dâng mình cho Chúa trong tu viện Nữ Tử Bác Ái. Zoé rất sung sướng được trở về nhà. Zoé và Marie Antoinette phụ cha trông coi việc nhà, cô ráng làm cha và các anh vui lòng. Cô nấu nướng, rửa chén, và đem thức ăn ra đồng cho cha và các anh. Niềm vui của Zoé là được chăm sóc đàn bồ câu 800 con của cha cô.
Zoé được rước lễ lần đầu lúc 12 tuổi. Từ giây phút đó, tư tưởng muốn dâng mình cho Chúa bắt đầu nhen nhúm. Sáng sớm mỗi ngày Zoé thường hay đi bộ qua làng bên cạnh để dự lễ, khi thì tại nhà thờ, lúc thì trong khu nhà của các sơ Dòng Bác Ái. Ý muốn phụng sự Chúa cũng bắt đầu chiếm hữu trái tim nhỏ bé của cô.
Zoé kiên nhẫn chờ ngày Marie Antoinette chín chắn hơn để em có thể đảm đương những công việc trong gia đình. Cô bắt đầu ăn chay, đền tội các ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy một cách nghiêm túc. Ngay cả những khi vất vả, Zoé vẫn không ngưng cầu nguyện để kết hợp với Chúa. Đã nhiều lần có người muốn hỏi cưới, nhưng cô đều từ chối vì cô không muốn yêu ai ngoài Chúa Giêsu, người tình duy nất của cô.
Một lần Zoé nằm mơ, giấc mơ này đã gây cho cô một ấn tượng sâu đậm. Cô thấy mình trong một ngôi Thánh Đường trong làng. Và một linh mục già dâng Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ đó Zoé đã dự một cách rất sốt sắng. Cuối Thánh Lễ, ngài ra dấu gọi Zoé đến nhưng cô sợ hãi lùi lại không dám đến. Sau khi rời nhà thờ, cô đi thăm một người bệnh. Ở đó cô lại thấy vị linh mục già, Ngài nói: “Này con nhỏ, viếng thăm người bệnh là điều tốt. Bây giờ con tránh ta nhưng một ngày nào đó con sẽ thấy vui sướng khi gặp ta, bởi vì Thiên Chúa đã có kế hoạch cho con. Đừng quên điều đó.” Và rồi cô thức giấc. Zoé không bao giờ quên được giấc mơ về vị linh mục già đó.
Khi Zoé được 20 tuổi, cô nghĩ rằng em cô đã có thể quán xuyến công việc gia đình. Cô xin phép cha cho cô vô dòng nhưng cha cô cực lực phản đối, bởi vì ông đã dâng một người con cho Giáo Hội, hơn nữa Zoé là người con ông yêu thương, ông không muốn cô rời khỏi ông, đó là điều ông không thể nào chịu đựng nổi. Trong thầm lặng Zoé vô cùng đau khổ, cô cầu xin Chúa cất đi niềm đau này cho cô.
Vì muốn thay đổi tư tưởng Zoé, cha cô quyết định gửi cô đi Paris tới ở với Charles, người anh của cô hiện đang làm chủ một tiệm ăn. Zoé biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi cô ở chốn xa lạ này. Cô ở đó một năm gánh chịu mọi khốn khó mà không than vãn. Cô thật sự đau khổ. Khi bà Hubert Labouré, chị dâu của cô tới thăm cô ở Paris, bà nhận thấy điều đó và xin phép để đem Zoé về Chatillon, nơi mà bà đang quản lý một ngôi nhà nội trú. Một lần nữa Zoé cũng không được thoải mái, bởi vì nơi đây những cô gái thành thị nhìn cô như một cô gái quê mùa.
Bà Hubert tử tế, lịch thiệp, nhìn xa hiểu rộng, bà hiểu được nỗi lòng của Zoé. Bà đem Zoé đi viếng các sơ dòng Bác Ái ở Chatillon. Zoé quá ngạc nhiên khi bước vô phòng khách, cô thấy một bức ảnh có chân dung của vị linh mục già trong giấc mơ thuở nào. Khi hỏi vị linh mục đó là ai thì cô được biết ngài là thánh Vincent de Paul, vị sáng lập Dòng. Từ đó, ý muốn trở thành một nữ tu của dòng này càng lớn mạnh trong tâm tư cô.
Cuối cùng bà Hubert thuyết phục được cha của Zoé để cho cô hoàn thành tâm nguyện. Bà bằng lòng trả cho cô tất cả mọi chi phí về việc nhập dòng, và bà sung sướng được thấy cô bước vô dòng Bác Ái ở Chatillon.
Sau 3 tháng thử thách, Zoé được nhập vô đệ tử viện ở Paris, 140 Rue du Bac. Sau đó, cô đã được đặt một danh xưng mới là sơ Catherine. Sơ Catherine một ngày một thánh thiện, khiêm nhường, trung tín, thành thật và tận tụy trong mọi công việc.
Đêm 18/7/1830, sơ đang ngủ chợt thức giấc vì nghe có tiếng ai đó gọi tên mình ba lần liên tục. Sơ ngạc nhiên khi thấy một cậu bé rất đẹp độ 4 hay 5 tuổi gì đó. Cậu bé mặc đồ trắng, ánh sáng tỏa ra trên người cậu. “Tới đây,” cậu nói, “tới nhà nguyện; Đức Mẹ đang chờ sơ ở đó.” Sơ Catherine ngồi dậy trong tâm trạng sửng sốt và lo lắng. Sơ ngủ trong một nhà ngủ chung với nhiều sơ khác. Cậu bé trấn an: “Đừng sợ. Bây giờ đã quá 11 giờ đêm và mọi người đã ngủ cả rồi. Tôi sẽ đi với sơ.”
Sơ Catherine vội thay áo và đi theo cậu bé dẫn đường đi về phía trái. Những hành lang phủ đầy ánh sáng. Và lạ lùng thay cánh cửa nhà nguyện tự động mở khóa, dù cậu không cần động tay tới. Nhà nguyện cũng tràn ngập ánh sáng. Những ngọn nến trên bàn thờ đốt lên lung linh sáng rực khiến sơ có cảm tưởng như Thánh Lễ nửa đêm vậy. Sơ quì xuống bên song sắt phía trước cung thánh chờ đợi. Thời gian như kéo dài vô tận.
Đúng nửa đêm, cậu bé nói, “Đức Mẹ đang tới đó, Mẹ tới rồi.” Sơ Catherine nghe tiếng vải sột soạt và kìa một phụ nữ đẹp tuyệt trần đang bước vô cung thánh. Bà ngồi xuống trên một chiếc ghế có tay dựa. Sơ Catherine nghe tiếng tim mình đập rộn ràng. Sơ quì sụp xuống bên chân Đức Mẹ, lòng đầy tin tưởng đặt tay trên đùi Người. Giây phút đó là giây phút thần tiên nhất trong đời của sơ.
Đức Mẹ chỉ dẫn sơ những khi gặp phải khó khăn thử thách, và chỉ cho sơ biết những lúc cần thiết như vậy hãy chạy tới bàn thờ là nơi sẽ được an ủi. Đức Mẹ nói cho biết trước những bất hạnh sẽ xảy tới cho nước Pháp, đất nước này sẽ bị đảo chánh và thế giới sẽ bị khốn khổ vì một biến cố lớn. Tình hình sẽ bị nguy hiểm và kéo dài 40 năm, nhưng nhà dòng sẽ được Thiên Chúa phù trợ và Thánh Vincent giúp đỡ. Đức Mẹ nói cho biết Thiên Chúa có một sứ mạng đăc biệt để trao phó cho sơ. Sơ sẽ bị nhiều thử thách và bị phỉ báng nhưng sẽ được nhiều ơn sủng trợ giúp cho nên sơ không cần phải lo sợ. Sau khi nói chuyện với sơ Catherine khá lâu, Đức Mẹ biến mất về trời cao. Cậu bé lại dẫn sơ về nhà ngủ, lúc đó đồng hồ điểm 2 giờ sáng.
Một thời gian ngắn sau vụ hiển linh này, cuộc cách mạng nổi lên, đó là năm 1830. Máu đổ tràn lan và nước Pháp gặp thảm họa. Biến loạn không kéo dài nhưng thật khủng khiếp. Đức Mẹ đã tiên đoán một thảm họa vô cùng tệ hại xảy ra trong 40 năm. Năm 1870, chiến tranh bùng nổ gây tai hại hơn nhiều cho nước Pháp và Giáo Hội.
Sự kiện Đức Mẹ hiện ra với sơ, sơ không dám nói với ai ngoại trừ cha linh hướng. Sơ nói tất cả nhưng những điều bí mật của cá nhân thì không đề cập tới.
Đức Mẹ không hề nói sứ mạng của sơ là gì. Mẹ chỉ tới để giúp sơ chuẩn bị cho những gì sắp tới, và sơ chỉ khám phá ra điều đó vào ngày 27 tháng 11, 1830.
Một tối kia khi cả nhà dòng đang tụ họp trong căn nhà nguyện để đọc kinh tối, bỗng sơ nghe tiếng vải sột soạt. Ngước nhìn về hướng có tiếng động, sơ thấy Đức Mẹ trong chiếc áo dài mầu trắng, bên ngoài là chiếc áo choàng mầu xanh và đầu đội chiếc khăn voan trắng. Đức Mẹ đứng trên trái địa cầu, chân Người đạp trên đầu con rắn. Tay Đức Mẹ cầm một trái địa cầu nhỏ hơn. Bất chợt, các ngón tay của Người mang đầy nhẫn. Mỗi ngón tay mang ba chiếc nhẫn. Những tia sáng chói lọi từ những viên đá quí chiếu ra mọi hướng.
Sơ Catherine chăm chú nhìn sự việc xảy ra. Đức Mẹ đưa mắt nhìn xuống, và sơ nghe được một giọng nói trong tim: “Trái địa cầu mà con đang thấy là biểu tượng của toàn thế giới, đặc biệt là nước Pháp, và mỗi cá nhân”. (vì mỗi người là một phần tử trong thế giới) Rồi trái địa cầu nhỏ trên tay Mẹ biến mất. Đức Mẹ giang hai tay sáng ngời ra nói: “Hãy ngắm dấu hiệu của ơn sủng, Mẹ sẽ ban cho những ai kêu cầu Mẹ.” Và ngay lúc đó sơ Catherine hiểu được rằng Đức Mẹ sẽ đổ xuống rất nhiều ơn cho những ai khẩn cầu Người và ơn sủng sẽ được ban ra từ hai bàn tay của Người.
Rồi một khung hình bầu dục bao phủ lấy hình hài của Mẹ với một dòng chữ bằng vàng: “Lạy Đức Maria Vô Nhiễm nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội đang kêu cầu cùng Mẹ.” Tiếp đó sơ Catherine nghe tiếng nói: “Hãy làm một ảnh vảy giống như vậy. Tất cả những ai mang ảnh này sẽ được rất nhiều ơn sủng. Ơn sủng sẽ đổ trào trên những ai tin tưởng vào đó.” Thình lình tượng ảnh được lật qua phía sau và sơ Catherine thấy mặt sau là một chữ ‘M” được lồng vào một hình Thánh Giá. Dưới chữ “M” là hình hai Trái Tim, một Trái Tim cuốn vòng gai nhọn và Trái Tim kia bị một lưỡi đòng đâm thâu. Mười hai ngôi sao kết thành triều thiên trên Trái Tim này.
Sau này sơ Catherine hỏi Đức Mẹ chữ khắc ở mặt sau có nghĩa gì, Đức Mẹ chỉ nói: chữ “M” với cây Thánh Giá và hai Trái Tim cùng 12 ngôi sao đủ nói lên ý nghĩa của nó.1
Liền sau đó, sơ Catherine nói với linh mục Aladel, cha giải tội của sơ về vụ Đức Mẹ hiện ra và tấm ảnh vảy. Trong mấy tháng liền, Đức Mẹ còn hiện ra trong nhà nguyện với hình dáng như vậy nhiều lần với sơ, có khi cả trong Thánh Lễ, hay trong lúc các sơ đang tập trung cầu nguyện.
Nhiều tháng qua đi nhưng chiếc ảnh vẩy vẫn chưa được làm. Tiếng nói bên trong lại vang lên trong lòng sơ Catherine. Sơ biết rằng Đức Mẹ không được hài lòng. Sơ nói với Đưc Mẹ rằng cha Aladel không tin lời sơ nói. Đức Mẹ nói với sơ không cần lo lắng, ngày đó sẽ tới và ngài phải làm theo như ý Mẹ mong muốn bởi vì chắc chắn ngài sẽ sợ mất lòng Đức Mẹ.
Khi cha Aladel nghe nói lại như vậy, ngài biết không phải Đức Mẹ không hài lòng vì sơ Catherine, mà là không hài lòng vì ngài. Và ngài đã làm theo ý Mẹ. Hai năm sau, với sự chấp thuận của Đức Giám Mục, tấm ảnh vảy Đức Mẹ Vô Nhiễm được thành hình.
Ảnh vảy được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Bao nhiêu người được chữa lành và nhiều người được ơn trở lại, và người ta bắt đầu gọi ảnh này là ảnh “Hay làm phép lạ”. Bởi vì ảnh này gây ra những việc lạ lùng, nên Đức Tổng Giám Mục yêu cầu làm một cuộc điều tra về những sự kiện xảy ra bởi tấm ảnh vảy này.
Ngày nay ảnh này được mọi người biết đến và mang trong người. Bao phép lạ vẫn xảy ra qua sự bầu cử của Đức Mẹ. Đây chính là tặng phẩm của Mẹ ban cho chúng ta, giúp chúng ta nhớ tới sự hiện diện của Mẹ và tình yêu của Người.
Mục đích Đức Mẹ hiện ra với sơ Catherine là để khai triển lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Năm 1830, qua sơ Catherine, Đức Mẹ đã gửi đến cha Aladel một sứ điệp đặc biệt. Đức Mẹ muốn cha thành lập một hội “Con cái Đức Mẹ”. Nhiều ơn sủng sẽ được đổ xuống trên hội này. Tháng Đức Mẹ là Tháng Năm phải được mừng trọng thể. Cha thắc mắc vì thấy đã có hội con cái Đức Mẹ được thành lập cho các nam học sinh do các cha Dòng Tên huấn luyện dạy dỗ; và những bà trong hội Thánh Tâm cũng đã thành lập những đoàn thể tương tự giống vậy cho các học sinh của họ.
Cha càng nghĩ tới những gì Mẹ yêu cầu cha càng nhận thức được rằng Đức Mẹ muốn thành lập hội này mục đích để giúp đỡ những thanh thiếu niên bước đi trên con đường khó khăn, phong ba bão táp trong cuộc sống trong thế giới này. Cha không biết bắt đầu cách nào đề thiết lập một hội. Ngài dùng mọi cách để giảng giải với các em về sự nhân lành của Đức Mẹ và niềm vui được thuộc về Đức Mẹ. Thiên Chúa đã chúc lành cho ngài. Những người nghe đã được tác động bởi lời nói của ngài, nhờ đó những đoàn thể “Con cái Đức Mẹ” được thành lập trong những cô nhi viện và các trường học do các sơ dòng Bác Ái được cai quản.
Và Đức Giáo Hoàng đã đồng ý chấp thuận cho thiết lập hội ấy nơi các học sinh đang theo học tại dòng Bác Ái, với danh hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và được hưởng các ơn xá đã được Ngài ban cho hội Con cái Đức Mẹ thiết lập tại Rôma cho các học sinh của các cha dòng Tên.
Từ đây, hội Con Cái Đức Mẹ lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Cha Aladel đặt ra những qui luật, thể lệ cho hội. Tượng ảnh Đức Mẹ Ban ơn được hội chấp nhận như Huy hiệu của Hội với giải khăn mầu xanh. Hội gặt hái được nhiều kết quả mỹ mãn. Sự hăng say nhập hội ngày càng gia tăng.
Năm 1930, các hội được thành lập trên đất Mỹ hầu như được thống nhất. Nhiều chi hội được trực tiếp nhập vô tổ chức của dòng Tên ở Rôma. Cha Daniel A. Lord, một cha dòng Tên hoạt động mạnh mẽ để yểm trợ cho phong trào này cho Đức Mẹ bằng cách làm báo tập san, viết sách, và bằng cách hằng năm mở các buổi hội nghị khắp nơi trên toàn đất Mỹ.
Sứ mạng của sơ Catherine đã hoàn tất, sơ được thuyên chuyển về viện dưỡng lão ở Paris. Trong 46 năm sơ chăm sóc những người già cả. Thoạt đầu Sơ được cắt đặt làm ở nhà bếp, giữa những lớp nồi niêu soong chảo. Sơ phụng sự Chúa qua các người nghèo khổ. Sơ cũng nhận công tác coi đàn gia súc, điều này làm sơ nhớ lại cảnh gia đình thời thơ ấu.
Năm tháng qua đi, sơ đã sống một cuộc đời hèn mọn, cầu nguyện, và chăm sóc cho những người đau yếu nghèo nàn, phân phát ảnh Đức Me Ban ơn cho tất cả những ai sơ gặp gỡ.
Không một ai biết được Đức Mẹ đã hiện ra với sơ ngoại trừ cha Aladel, và ngài cũng không được phép cho bất cứ ai biết. Khi ngài qua đời, sơ Catherine vẫn không để một ai biết câu chuyện của sơ.
Một tượng Đức Mẹ Ban Ơn thật đẹp, với hai tay giang ra như đã thấy trên ảnh, đã được đặt trên bàn thờ trong nhà nguyện nhà dòng chính. Sơ Catherine nói với cha Aladel rằng Đức Mẹ muốn một tay của Mẹ cầm trái địa cầu. Cha Aladel đã phác họa bức tượng nhưng công việc chưa hoàn tất thì ngài lìa trần.
Khi sơ Catherine đến tuổi già, đau đớn vì bệnh phong thấp và không đủ sức để chăm sóc người già nữa, sơ chỉ còn làm những việc như tiếp đón khách khứa, may vá chăn mền, và trên tất cả là cầu nguyện, nhưng vẫn còn lo lắng về Bức tượng mà Đức Mẹ yêu cầu.
Một ngày kia, sơ Catherine đã làm cho mẹ bề trên ngạc nhiên muốn khóc khi nghe nói Đức Mẹ hiện ra với sơ. Bà yêu cầu sơ thuật lại mọi chuyện. Sau đó, bà đã được nghe tất cả mọi sự, và hứa sẽ đúc một tượng như vậy. Sơ Catherine vô cùng sung sướng. Và tượng Đức Mẹ tay cầm trái địa cầu đã được trưng trong nhà nguyện nhà dòng chính.
Ngày 31/12/1876, sơ Catherine qua đời, một cái chết thật bình an.. Và sơ đã được Đức Giáo Hoàng Pius XII phong thánh vào ngày 27/7/1947. Xác thánh của sơ được ướp và chôn dưới bàn thờ có tượng Đức Mẹ mang trái địa cầu trong nhà nguyện nhà dòng chính ở Pháp. Vì bàn thờ bằng kiếng nên ai ai cũng có thể chiêm ngưỡng xác Thánh Nữ một cách dễ dàng. Người đã an nghỉ ở đó trong chiếc áo dòng các sơ Bác Ái, chờ ngày sống lại.
Nhà nguyện của nhà dòng chính đã được sửa lại; và một bức ảnh lộng lẫy họa lại cảnh lần đầu Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ được treo trên tường. Chiếc ghế mà Đức Mẹ ngồi được giữ gìn như một bảo vật vô giá, được đặt kế bên xác Thánh nữ.
Ngày lễ kính ảnh Đức Mẹ Ban Ơn được tổ chức rất trọng thể trong nhà nguyện nhà dòng chính, và ngày kế là lễ của Thánh nữ Catherine Labouré cũng được tổ chức trong sự vui mừng cả thể.
Thuận Hà sưu tầm
1 “Lạy Trái Tim Tân khổ và Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội đang chạy đến cùng Mẹ”.