Đức Mẹ

PHÉP LẠ MỄDU

CHAR VAN, MỘT CHỨNG NHÂN TUYỆT VỜI

Lời mở đầu:  “Char Van, một người bị tai nạn xe hơi.  Bà đi Mễdu không phải vì đức tin, cũng không phải vì bà yêu Chúa mến Mẹ, song là để trốn nợ.  Sau đó bà đã được chữa lành và trở lại đạo làm chứng nhân cho Đức Mẹ và cũng là tông đồ đắc lực của Mẹ từ ngày đó.  Bài này được dịch từ tài liệu trong ngày đại hội Đức Mẹ Mễdu tại California.” 
 
“Chắc một số quí vị đã biết tôi hoặc đã đọc trong tờ chương trình của đại hội nói tôi là một trong những người trở lại đạo.  Tôi thích nói thế vì tôi đã gặp nhiều người nói với tôi là:  ‘Anh rể tôi mới trở lại đạo; chị dâu tôi mới trở lại đạo…’  Chúng ta quen nói là mới trở lại đạo, tôi không biết tới khi nào chúng tôi mới được gọi là người Công Giáo? 
 
Khi mới trở lại là người Công Giáo, nghe nói về Áo Đức Bà, tôi lấy làm hăng hái khi biết rằng những ai mặc Áo Đức Bà sẽ không phải qua lửa Luyện Tội.  Tôi liền mặc áo này ngay tức khắc.  Như quí vị đã nghe phần nào về sự hoán cải của tôi.  Khi về tôi bán đài Radio và làm cho một hãng quảng cáo tại thành phố New Orleans.  Đó là một hãng quảng cáo lớn, họ chuyên môn làm các quảng cáo trên TV.  Một buổi sáng, chúng tôi phải đến phúc trình trong một căn phòng họp rất lớn.  Ngay giữa phòng họp có một cái bàn đá cẩm thạch thật to.  Mọi người trong phòng họp đang coi lại giấy tờ.  Tôi không biết trường hợp sau đây có thể xảy ra cho quí ông không, nhưng quí bà thì biết Áo Đức Bà khi mang trong người đôi khi nó dính vào áo.  Sáng hôm đó, tôi phải chạy tới chạy lui lo nhiều chuyện để thân chủ có cảm nghĩ tốt về tôi.  Trong khi đang nói chuyện với thân chủ, cỗ Áo Đức Bà bị dính ngay trước cổ tôi.  Tôi thấy mọi người nhìn tôi giống như có cái gì dính trên mặt vậy, nhưng không ai nói gì hết.  Cuối cùng ông thân chủ không thể im lặng được nữa bèn lên tiếng:  “Bà có cái gì dính trên cổ áo.”  Nhìn xuống thấy là Áo Đức Bà, tôi cầm lên hôn và để lại trong áo.  Ông thân chủ ngạc nhiên hỏi:  “Cái gì vậy?”  Tôi trả lời:  “Bảo hiểm về lửa.” 
 
Để thấy sự làm việc của Chúa Quan Phòng.  Sau buổi họp, tôi lái xe đưa người thân chủ về hãng để coi về việc quảng cáo.  Nếu cái xe của tôi cũng giống như  xe của quí vị thì trên xe nào là tràng hạt, cassettes, sach báo tùm lum.  Sau khi vào xe, ông nhìn xung quanh, rồi nhìn tôi nói:  “Nhìn bà không giống là người sùng đạo.”  Tôi có cuốn sách của Way Weible ở dưới sàn viết về chuyến đi Mễdu.  Tôi bắt đầu kể cho ông ta nghe câu chuyện mà tôi sắp kể cho quí vị nghe đây.  Tôi cho ông ta coi sách báo và tất cà những thứ khác.  Ông nói với tôi:  “Lúc trước tôi cũng là người Công Giáo.”  Tôi nói: “Một khi ông là người Công Giáo thì lúc nào cũng là người Công Giáo.”  Ông nói: “Tôi đã bỏ không đi nhà thờ lâu lắm rồi.  Lần cuối đặt chân đến nhà thờ là lúc tôi rửa tội cho đứa con út của tôi.  Đứa con lớn của tôi bây giờ đã 20 tuổi.”  Tôi bảo ông:  “Ông hãy đem cuốn sách về đọc.  Một khi ông là người Công Giáo thì mãi mãi là người Công Giáo.”  Đến nơi, chúng tôi đi vô và không nói gì thêm nữa.  Sau lần đó, ông đến văn phòng chúng tôi có chuyện để bàn.  Ông nói: “Tôi muốn nói cho bà hay là cả gia đình tôi bây giờ đều đi lễ trở lại, chúng tôi còn lần hạt trong gia đình.”  Quí vị thấy không, đó là kết quả của cỗ Áo Đức Bà, bảo hiểm về lửa. 
 
Như đã nói trên, tôi là người trở lại đạo.  Trong gia đình tôi có ba người.  Mẹ tôi đạo Baptist, cha tôi theo Lutheran.  Khi tôi 12 tuổi, cha mẹ tôi rửa tội cho tôi trong nhà thờ Escopilian.  Tuy thế trong gia đình tôi chẳng ai sống đạo nào ra đạo nào cả.  Khi lớn lên tôi làm trong ngành truyền hình, tôi có thêm một đạo mới nữa là đạo tiền.  Tôi làm việc cho đài phát thanh ở thành phố New Orleans.  Tôi chỉ làm trong lãnh vực truyền thanh.  Tôi muốn làm chủ một đài phát thanh.  Tôi có một người bạn hùn tiền để tìm mua một đài phát thanh.  Chúng tôi không đủ tiền để mua một đài phát thanh trong thành phố New Orleans nhưng mua được hai đài phát thanh AM và FM ở thành phố Mississipi.  Để có thể mua được hai đài phát thanh đó, chúng tôi phải mang cầm hết những gì chúng tôi có.  Lúc đó là thập niên 80, thời gian tham tiền bạc, sự may rủi rất nhiều nhưng sự tưởng thưởng cũng không ít.  Sau khi mua xong hai đài phát thanh này, tôi có một cái nhà lớn trên mảnh ruộng vài mẫu.  Tôi nuôi ngựa.  Khi làm tôi cũng làm thật to. 
 
Vào một ngày Hollowen, chúng tôi tổ chức buổi tiếp đãi một vài thân chủ giầu có.  Chúng tôi 18 người ngồi đằng sau, ngoài người tài xế, trên một chiếc xe vận tải không mui chở đầy rơm đi trong khu đất nhà tôi trên con đường nhỏ.  Tôi còn mướn người đi núp trong bụi và thỉnh thoảng nhảy ra để nhát chúng tôi.  Chúng tôi đang vui vẻ, cười nói.   Thình lình tôi nhìn thấy trên không một đám khói từ hướng nhà kho.  Nhìn quanh tôi nói:  “Hình như nhà kho của tôi bị cháy.”  Nhưng lúc đó mọi người đang vui nên nói:  “Chắc không phải nhà kho đâu.”  Đi thêm một quãng nữa tôi thấy quả đúng là nhà kho đang bị cháy.  Tôi thầm nói:  “Những người trên xe này không biết ở đâu có điện thoại cũng không biết vòi nước ở đâu, với tốc độ cái xe vận tải này phải kéo 18 mạng, tôi có thể chạy nhanh hơn chiếc xe đang đi bây giờ.”  Nghĩ xong tôi liền nhảy ra khỏi xe.  Trong lúc hấp tấp tôi không bị té nhưng không đủ nhanh, tôi đã bị va vào bánh xe của chiếc vận tải và té xuống, rồi bánh xe lăn qua chân tôi.  Chân bị kẹt và tôi bị lôi đi thêm khoảng 20 feet.  Khi bị đè dưới các bánh xe thì ngững người trên xe tưởng tôi chết.  Họ la lên cho ông tài xế dừng lại.  Họ la to:  “Dừng lại, dừng lại.”  Lúc đó, ông ta lại nghĩ vì nhà kho cháy nên họ la to, vì thế ông cứ chăm chú lái xe cho chóng tới nơi.  Rồi ông tự hỏi:  “Tại sao những người này lại muốn mình dừng lại?”  Cuối cùng ông quay lại đằng sau và dừng lại, lúc bấy giờ ông mới thấy tôi đang bị kẹt trong bánh xe. 
 
Để tránh cho tôi thoát khỏi cảnh kẹt, ông de xe lại và cán lên chân tôi một lần nữa.  Tôi lăn ra bên đường và nằm ở đó.  Vì sống trong vùng hẻo lánh, xe cứu thương không tới được, muốn có xe chữa lửa tới đã là điều khó khăn.  Tôi nằm bên vệ đường gần hai tiếng đồng hồ, nhưng cũng chẳng có xe cứu thương tới chở đi.  Không hiểu xe của ai có cái ghế có thể ngả ra phía sau nên họ đã chở tôi tới nhà thương  gần nhất.  Ông bác sĩ sau khi khám nói: “Chúng tôi không tìm thấy mạch máu nào trên chân của bà, vì bà nằm bên  đường khá lâu.  Chân của bà bị đè nát bấy hết, bây giờ không còn mạch máu nào nữa, chúng tôi phải cưa chân bà.”  Tôi nói:  “Tôi muốn một bác sĩ khác khám lại để thêm ý kiến.”  Tôi thuyết phục họ chở tôi tới một bệnh viện khác cách đó khoảng 30 dặm.  Khi đến đó, ông bác sĩ này cho biết:  “Điều đáng mừng là chúng tôi đã tìm được một mạch máu nhỏ trong chân bà.  Điều đáng lo là từ trước tới giờ tôi không thấy một cái chân nào bị gẫy nát, tệ hơn cái chân của bà.  Cái xương lớn, xương nhỏ trong chân bà bị gẫy hai nơi.  Mắt cá chân bị nát bét, chúng tôi không thể để một miếng thép mà cũng không thể bỏ vào một miếng sắt, vì không có gì để giữ lại được hết, chúng tôi chỉ có thể sắp lại các mảnh vụn của xương lại và hy vọng là bà có thể mang cái chân sắt bên ngoài như những người bị tê liệt phải mang, và bà có thể đi lại với cái chân đó. 
 
Khi nghe nói chân tôi không bị cưa là tôi mừng quá rồi.  Tôi nghĩ nếu phải mang cái chân bằng sắt, tôi có thể cột chân vào miếng ván trượt tuyết lôi đi, như vậy tôi không cần phải đi làm.  Nhưng nghĩ đến hai cái đài radio mới mua xong với tất cả gia tài của tôi, tôi cần phải đi làm trở lại nếu không sẽ mất hết tất cả.  Thế là bác sĩ bắt đầu xếp các mảnh vụn xương chân tôi lại, công việc đó rất chậm, đòi hỏi một thời gian rất dài.  Chờ cho chân lành lại tôi không thể đi đâu được chỉ ngồi một chỗ trong thời gian mấy tháng trời. 
 
Thời gian nằm nhà, mỗi lần điện thoại reo, nhắc lên chỉ thấy toàn là những người đòi nợ hoặc là cần tiền trả lương cho các nhân viên đài Radio.  Tôi bắt đầu chán nản vì thấy không cách nào kiếm được nhiều tiền để thoát ra khỏi cái tình trạng khó khăn lúc đó.  Tôi không để dành tiền để dự trù những tai biến như thế này; càng ngày tôi càng chán nản hơn.  Nếu có ai trong quí vị đã từng trải qua cái giai đoạn khó khăn trong cuộc đời giống như tôi bấy giờ thì chắc quí vị cũng có cái ý nghĩ như tôi là không còn một ai để ý đến mình; nếu mình chết hoặc sống họ cũng mặc kệ.  Nhưng nếu mình không có tiền trả nợ một tháng thì biết bao người để ý và gọi điện thoại liên tục. 
 
Tôi luôn là một con người khả quan nhưng lúc đó tôi lâm vào tình trạng tuyệt vọng.  Tôi nghĩ ra cách duy nhất để ra khỏi tình trạng này này là tự kết liễu đời mình, coi như là một lối thoát vì không có giải pháp nào khác.  Nhưng lúc đó một người bạn tốt của tôi, chị là một người Công Giáo rất mộ đạo.  Chị đến thăm và nói:  “Tôi muốn kể cho chị nghe về Mễdu.”  Tôi ngạc nhiên lập lại: “Mễdu?”  Chị tiếp:  “Tôi thường đến với nhóm cầu nguyện hàng tuần trong nhà thờ nhỏ cách đây hơi xa vào mỗi tối thứ Sáu, ở đó họ đều nói về Mễdu.  Họ chia sẻ về những việc lạ đang xảy ra tại đó, và rất nhiều người khi đi về cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn.  Họ đã tìm được bình an trong tâm hồn.”  Tôi nói:  “Tại sao tôi cần đi Mễdu?  Nếu muốn đi thì chỗ tôi đi phải là Mississipi để trông coi hai cái đài Radio của tôi.”  Bạn tôi lại nói:  “Tôi không thể nào giúp chị về vấn đề tài chánh, nhưng nếu Ý Chúa cho chị mất tất cả thì tôi mong chị được soi sáng để vui lòng chấp nhận và vâng theo Thánh Ý Chúa,  như vậy không phải là cái ơn đặc biệt hay sao?”  Tôi đáp:  “Nhưng tôi không muốn chị mất tất cả.”  Bạn tôi nói:  “Tôi chỉ đề nghị là chị để tôi đem chị đi Mễdu thôi.”  Tôi trả lời:  “Cám ơn lòng tốt của chị nhưng tôi không muốn đi đến đó.” 
 
Bạn tôi ra về nhưng mỗi ngày đều đến thăm tôi.  Mỗi ngày tôi nằm trên giường nghe điện thoại reng đều là những người đòi nợ.  Chị bạn tôi vẫn đến thăm mỗi ngày đều nói về Mễdu.  Chị kể về những người đã tìm được bình an trong tâm hồn và họ không muốn nghĩ đến những vật chất thế gian, những gì lúc trước đối với họ là cần thiết thì sau đó không còn là cần thiết nữa.  Và rồi khi nằm đó cứ nghe lập đi lập lại về Mễdu, Nam Tư.  Ý nghĩ ‘không ai có thể tìm tôi ở Mễdu’, đúng là một nơi lý tưởng để trốn tránh mọi người.’  Buổi chiều sau đó khi chị đến thăm tôi, tôi hỏi:  “Lời đề nghị của chị vẫn còn đấy chứ?”  Chị hỏi lại:  “Đề nghị gì?”  Tôi nói:  “Chị muốn đưa tôi đi Mễdu đó.”  Chị tưởng tôi được ơn soi sáng nên mừng rỡ:  “Đúng vậy.”  Tôi nói:  “Tôi muốn đi.”  Chị nói: “Chị muốn đi, như vậy chúng ta phải nói chuyện với bác sĩ để coi ông ấy có thể cho chị đi được không, và nếu ông ấy nói đi được thì tôi sẽ dẫn chị đi.” 
 
Sau đó tôi gọi cho mẹ tôi.  Như đã nói lúc trước tôi là con một.  Lúc bấy giờ mẹ tôi chỉ cầu mong cho tôi không kết liễu đời mình, còn nếu tôi muốn lên cung trăng cũng được.  Bà cùng đi với tôi đến văn phòng bác sĩ.  Tôi nói với ông là tôi muốn đi Mễdu.  Ông hỏi tại sao?  Tôi trả lời tôi cũng không biết nữa, nhưng nếu tôi mua được sự bình an ở đó thì tôi sẽ đi.    Mẹ tôi lại nói: “Bác sĩ ơi, tôi rất lo lắng cho con tôi, nếu được thì xin bac sĩ giúp nó.”  Ông coi lại cái chân của tôi rồi cho chụp hình; khi trở ra ông nắm lấy bàn chân tôi, và ngay mắt cá.  Ông nói: “Bà thấy đau không, cả mấy tháng nay chân bà băng bột nên bà không thấy đau.  Tôi có nghe nói về Mễdu, nơi đó núi đá rất nhiều, nếu bà qua bên đó mà hụt chân thì bà sẽ khóc lóc đau đớn lắm.”  Tôi nói:  “Tôi không cần biết, tôi chỉ muốn ra khỏi nước Mỹ.”  Mẹ tôi lại hỏi bác sĩ coi có cách nào không.  Ông hỏi đi bao lâu. Tôi nói 10 ngày.  Ông nói:  “Tôi có thể để vào chân bà trong một cái khuôn sắt nặng và bà có thể đi được.”  Chị bạn tôi nói:  “Như vậy thì tốt quá, chúng mình không nên đi vào tháng 6, vì đó là dịp kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra sẽ có rất đông người đến đó.”  Nhưng rồi sự xui khiến, chuyến đi mà chúng tôi dự tính đã bị hoãn lại, cuối cùng chúng tôi cũng phải đi vào tháng 6, đúng dịp kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra.  Trong thời gian đó, tôi luôn lẩm bẩm:  “Mình sẽ đi Âu Châu.”  Tôi chưa bao giờ đi Âu Châu, vì đang chán đời tôi cần đi một chuyến.  Biết khi qua đó tôi sẽ phải ở nhà người ta nhưng tôi cứ mãi nghỉ rằng những căn nhà đó chắc là những biệt thự nhìn ra biển, cần phải đi cho khuây khỏa mới được. 
 
Ngày ra phi trường, cổng máy bay lại là cổng cuối cùng ở phi trường, mà tôi thì khập khễnh vì chân mang cái khuôn nặng chình chịch.  Lên máy bay, người  hành khách ngồi phía trước đẩy cái ghế ra sau làm tôi chẳng có chỗ để duỗi cái chân băng bột.  Tôi muốn nói với quí vị rằng máy bay đáp xuống, tôi không ở trong trạng thái tốt, nhưng tôi an ủi với chính mình rằng:  “Mình đang đi Âu Châu, mình đang đi Âu Châu, mình đáng được hưởng những cái này.”  Xuống máy bay, người ta cho biết thêm một tin không tốt là phải mất thêm hai tiếng đồng hồ nữa mới tới, nhưng dọc đường có nhiều cảnh đẹp.  Sau khi lên xe Bus, quí vị nhớ rằng tôi không phải là người Công Giáo, nhưng đã nghe họ lần hạt quá nhiều trên xe Bus khiến tôi thuộc lòng luôn khi tới nơi.  Bây giờ tôi chỉ muốn xuống xe mà thôi. 
 
Khi tới Mễdu, tôi chưa bao giờ thấy cái cảnh này trong đầu, chỗ nào cũng người là người; người thì khóc, người thì cầu nguyện; người thì xưng tội ngoài trời.  Và rồi từ cái máy phóng thanh ngoài nhà thờ vang ra những tiếng lần hạt có hơn 100 thứ tiếng.  Tôi ra ngoài nhìn tới nhìn lui và hỏi:  “Chỗ này đây sao, quang cảnh giống như Thiên Chúa muốn nói tận thế trong 20 phút nữa.”  Tôi chưa từng thấy cái cảnh nào chán nản như vậy.  Lúc đó tôi còn đang buồn bã tự hỏi:  “Mình đang làm gì đây, đây là nơi mình sẽ phải ở trong 10 ngày kế tiếp?  Biển ở đâu?”  Tôi đi vòng vòng, trong đầu không tưởng nổi là mình đang ở đây.  Rồi người hướng dẫn tới nói sẽ chỉ cho tôi phòng trọ. 
 
Tôi đi ra khỏi nhà thờ, miệng lẩm bẩm không thích nơi này, không ngờ mình đâm đầu vào chốn này những 10 ngày.  Chắc tôi là người duy nhất cằn nhằn, và chắc lúc đó tôi giống như người bị ma nhập.  Mấy người lôi tôi ra đằng sau nhà thờ trong khi miệng tôi lẩm bẩm bực tức vì tôi đã bị những chuyện buồn trước đó.  Cùng đi trong chuyến đó là một chị bạn làm nghể dạy học, (Anne) chị ta dạy lớp ba, chị  chuyên lo cho những đứa trẻ phá phách này nọ.  Chị nói với tôi:  “Chị có muốn đi coi mấy tiệm bán đồ kỷ niệm không?”  Tôi nói:  “Làm gì cũng được.”  Hồi đó, bên kia đường trước nhà thờ có một tiệm bán đồ kỷ niệm.   Với cái chân băng bột đi đứng khó khăn, tôi và chị Anne dẫn nhau tới đó.  Trước khi tới cửa tiệm, chúng tôi thấy một nhóm người khá đông đứng vòng tròn đang nhìn lên vòm trời.  Tôi cũng nhìn lên và thấy cái vòng đang quay, đang đập rồi nhảy múa,  tỏa ra nhiều mầu trên nền trời.  Tôi hỏi:  “Cái gì vậy?”  Một người đàn bà quay lại nói:  “Phép lạ mặt trời.”  Bà nói như hét và tôi cũng hét lại:  “Thôi đừng giỡn bà ơi, đó đâu phải là mặt trời, vì ai cũng biết là không thể nào nhìn thẳng vào mặt trời được.”  Bà ta lại nói:  “ Phép lạ mặt trời.”  Tôi quay lại nói với chị Anne:  “Những người này nói đó là mặt trời nhưng không phải đâu.  Tôi làm việc trong ngành truyền hình, truyền thanh nên biết rằng có nhiều việc lạ mà họ có thể làm được nếu dùng đường dây fiber Optic.  Tôi nghĩ là họ đang làm trò gì đây.”  Bạn tôi nhỏ nhẹ:  “Nếu việc đó giúp những người này có thêm đức tin thì hãy để mặc họ.” 
 
Bấy giờ người hướng dẫn của nhóm đi đến nói:  “Tôi tìm được nhà mà chúng ta sẽ trọ ở đó.  Bây gờ chúng ta về phòng để nghỉ ngơi.”  Họ không cần giục tôi cũng đi cho lẹ để tôi có thể đến nhà đó và hy vọng tôi sẽ được nghỉ ngơi trong bình an.  Bây giờ nghĩ lại, lúc đó vào giữa năm 1980 mà họ nhét 5,7 gia đình ở chung trong một căn nhà chỉ có một phòng tắm.  Tôi nhủ thầm, thôi thì mặc đến đâu hay đến đó. 
 
Sáng hôm sau thức dậy, quí vị biết chúng tôi làm gì không?  Chúng tôi phải đi lễ, sau thánh lễ họ nói:  “Bây giờ chúng ta sẽ leo đồi Hiển Linh – nơi Đức Mẹ hiện ra - họ gọi đó là đồi nhưng tôi cho đó là núi, nhất là trong khi chân tôi bị băng bột.  Nhóm chúng tôi giống như nhóm các trẻ bị lùa đi học.  Người nào cũng phải đeo một bảng tên.  Họ hẹn cả nhóm sẽ gặp nhau ở dưới chân đồi.  Sau khi điểm danh hết mọi người trong nhóm thì cũng đã 12 giờ trưa.  Lúc đó là tháng Sáu, trời nắng chang chang mà chúng tôi phải leo đồi.  Tôi tự nhủ:  “Đây là một việc làm ngu dại nhất từ trước tới nay, không biết tôi đang làm gì ở đây nữa.  Khi xuống đến nơi tôi để ý thấy có quán càfê nhỏ ở dưới chân đồi bèn nói:  “Tôi xuống quán càfê kia ngồi đó uống nước cho đỡ mệt.”  Họ nói:  “Đợi một chút chúng tôi sẽ cùng đi.”  Xuống tới quán, tôi ngồi xuống và gác chân lên gọi một chai bia.  Còn hai chị bạn gọi hai lon Coca.  Vừa lúc bà hướng dẫn đến nói: “Nhanh lên, các người uống nhanh lên nhé.”  Tôi hỏi:  “Nhanh để làm gì?”  Bà nói:  “Mình còn phải leo núi nữa.”  Tôi hỏi lại:  “Tại sao phải leo hai cái núi trong một ngày, đâu phải là chúng tôi hết việc vui để làm đâu, cứ từ từ, mình còn ở đây một thời gian mà.”  Bà ta nói:  “Tại chị không biết đó thôi, tối nay là ngày kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra, Mẹ sẽ ban sứ điệp cho toàn thế giớio trên đỉnh núi đó.  Bà ta rất phấn khởi và thích thú giống như một đứa bé được đi chơi Disneyland và muốn mọi người đi lên Space Mountain, và Pirate của Caribien trong một ngày vậy.  Tôi nói:  “Từ từ đã, tôi sẽ không leo núi hôm nay đâu.” 
 
Hai người bạn đang ngồi với tôi bắt đầu nói với nhau:  “Chị đi với nhóm đi còn tôi ở lại.”  Chị kia nói:  “Không, chị đi tôi ở lại.”  Tôi phải cắt ngang:  “Không ai phải đi với tôi, cũng không ai phải ở lại với tôi cả.”  “Như vậy thì chị sẽ làm gì một mình ở Mễdu?”  Tôi nói:  “Tôi sẽ ngồi lại đây uống bia và nhìn các người leo núi.”  Hai chị bạn nói:  “Nếu chị không đi thì tụi tôi phải về lấy bình nước. giỏ đeo lưng và đèn pin.”  Tôi nói:  “Được, tôi thấy ở phía cuối đường có một quán càfé khác gần núi hơn, tôi sẽ đến đó ngồi để nhìn các chị leo núi cho rõ.”  Nói rồi chúng tôi đi về hướng đó.  Lúc đó, tôi không biết có phải tại trời nắng nóng hay là tại tôi mới uống bia, tự nhiên có một giọng nói:  “Có thể tối nay có một việc trọng đại xảy ra trên núi mà cô không có mặt tại đó để tận mắt nhìn thấy.”  Nghe vậy tôi liền nói:  “Tôi sẽ leo núi với tất cả mọi người.”  Chị bạn trả lời:  “Chị đi không được đâu, chị đi chậm lắm.”  Tôi khăng khăng:  “Nhưng tôi sẽ leo núi.”  bạn tôi nói: “Thôi để gọi taxi để chở chị đến đó cho kịp giờ.”  Nhưng hôm đó là ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra nên khách rất đông, chúng tôi không thể nào kiếm ra được chiếc taxi trống.  Bạn tôi nói: “Hay là mình tiếp tục đi về hướng đó, họa may có taxi nào chở khách đến chân núi và trở về thì mình có cơ may đón được.”  Nhưng nói thì dễ vì taxi chạy nhanh trên con đường chúng tôi đang đi.  Bụi bặm bay lên làm quần áo chúng tôi thật dơ dáy.  Bỗng có một chiếc chạy qua.  Quí vị có biết một lúc nào đó tự dưng mình nhìn vào mắt người nào và người đó cũng nhìn lại mình, rồi cả hai cùng nhìn nhau một khoảnh khắc.  Tôi và người tài xế cũng nhìn nhau như vậy.  Lúc đó ông ta đã có khách trên xe, nhưng ông cũng dừng lại và nói tiếng địa phương.  Tôi nói với Anne đi bên cạnh:  “Chị Anne, ông ấy nói là cảnh sát đã chặn con đường phía trước đi lên núi, nhưng ông ta biết có một đường khác có thể đến chân núi.”  Anne ngạc nhiên hỏi: “Sao chị biết ông ấy nói vậy?”  Ông tài xế cứ gật đầu như thể điều tôi nói là đúng.  Lúc đó Jeannie nói:  “Chị hỏi ông ấy coi bao nhiêu tiền?”  Thế là chúng tôi leo lên taxi.  Ngọn núi về hướng này nhưng ông chạy về hướng khác.  Ông để máy cho nhạc Rock’n Roll vào máy nói:  “Nhạc Mỹ.”  Tôi thầm nói trong lòng:  “Xin Chúa đừng để chúng con ba người đàn bà hành hương đầu tiên bị hành hung ở đây.”  Sau đó đúng như lời ông ta nói, chúng tôi đã đến chân ngọn núi gần ngay chặng đường Thánh Giá Thứ Nhất. 
 
Đường lên núi thoạt nhìn thì thấy dễ nhưng rất khó leo.  Lúc bắt đầu lên thì không dốc lắm.  Tôi nói:  “Tôi có thể leo lên được.  Tôi cố gắng leo chừng nào tốt chùng đó, sau đó tôi sẽ ở một chặng đường Thánh Giá và đợi các người xuống.”  Thú thật với quí vị điều này, đôi khi mình nghe về một điều gì và điều đó xảy ra cho mình.  Khi còn ở Mễdu mọi người chạy ngược chạy xuôi khoe khoang tràng hạt của họ đổi mầu.  Chính chị Anne cũng nói là tràng hạt của bà nội chị mang theo cũng đổi mầu vàng, cho nên tối đến tôi vào nhà tắm đứng trước kiếng kéo lỗ mũi lên và nhìn vào lông mũi, bởi vì, tôi quả quyết rằng họ xịt thuốc trong không khí để tràng hạt đổi mầu.  Và nếu như vậy tôi cũng hít thở cái chất đó, và chất đó sẽ dính vào lông mũi tôi.  Nói như vậy để quí vậy thấy là tôi không có một chút đức tin. 
 
Trở lại vụ leo núi.  Tôi nhìn xung quanh và thấy cả trăm ngàn người leo núi.  Một số người đi chân đất trên những hòn đá nhọn hoắc.  Một số người lết lên bằng đầu gối.  Nhiều người già cả, bệnh tật cũng tìm cách leo lên bằng cách chống gậy hoặc có người cõng họ lên.  Nhìn họ tôi thấy đức tin vững mạnh của họ.  Tôi tự nhủ:  “Nếu tôi có đức tin bằng phần nhỏ của họ thôi cũng đủ rồi.”  Tôi bắt nghĩ ngợi, trước tiên có thể nói là mình tội lỗi, nghĩ lại về vụ laser disc, lông trong mũi, tôi nói:  “Tôi biết, tôi bị làm sao rồi, tại tôi không có đức tin.”  Khi leo lên chặng thứ ba, tôi ao ước chỉ cần được chút đức tin của những người này là cũng tốt rồi.  Tôi muốn cầu nguyện nhưng vốn liếng kinh sách của tôi chỉ là đọc kinh khi còn nhỏ trước khi leo lên giường ngủ để phó thác linh hồn cho Chúa.  Tôi biết mình cần phải nói gì.  Bằng một cách giản dị và chân thành tôi bắt đầu cầu nguyện:  “Lạy Chúa, xin chữa lành vết thương trong đầu con.”  Rồi  tiếp tục leo núi. 
 
Đến chặng thứ bốn, bạn tôi muốn ngồi nghỉ mệt chốc lát.  Chúng tôi tránh qua một bên để những người đi sau tiếp tục lên.  Từ đàng xa tôi thấy một ông thầy tu mặc chiếc áo trắng có cái mũ dính liền phía sau.  Ông vác một cái chân chống máy chụp hành mà không có máy, ông đi về hướng tôi đang ngồi, ông nhìn tôi và nói:  “Bà biết không khi còn ở bên Đức tôi có cái may mắn…”  Tôi thầm nghĩ ông này là ai mà tại sao lại đến nói chuyện với mình?  Ông tiếp: “Tôi được diễm phúc gặp bà Têrêsa Newman.”  Tôi nhìn ông nhưng không biết Têrêsa Newman là ai.  Tôi nói:  “Ông gặp được nhiều thành phần…”  Ông nói:  “Bà không biết Têrêsa Newman là ai à, bà ấy là người lãnh nhận những vết thương của Chúa Giêsu, và tôi đã được hân hạnh gặp bà ấy.”  Ông ấy lấy tràng hạt ra, cầm thánh giá trên xâu chuỗi và nói:  “Tôi được diễm phúc để thánh giá trên một dấu thánh của bà ấy.  Từ đó trở đi, Thánh Giá này đã chữa lành rất nhiều người như bịnh ung thư và các bịnh tật khác.  Tôi muốn bà cho phép tôi để Thánh Giá lên trên đầu của bà..”  Ngay lúc đó trong đầu tôi có ba ý nghĩ:  Thứ nhất, có người đang đọc được ý nghĩ của mình.  Thứ hai, nghĩ đến điều gì thánh thiện trong đầu.  Thứ ba ý nghĩ nào là ý nghĩ thánh thiện?  Tôi nhìn ông nói ‘được’. 
 
Ông đến gần và để Thánh Giá lên trán tôi nói:  “Tôi muốn bà đọc bẩy Kinh Lạy Cha, bẩy Kinh Kính Mừng, bảy Kinh Sáng Danh.”  Thưa quí vị tôi đọc Mà không bị trở ngại nào hết vì tôi thuộc lòng những kinh đó.  Ông lại nói:  “Khi bà lên tới đỉnh núi hãy đọc Kinh Tin Kính.”  Tôi rùng mình và thầm nghĩ ‘Kinh Tin Kính là gì?’  Lúc bấy giờ chị bạn tôi đang núp sau tảng đá để hút thuốc nhìn về phía tôi, thấy vậy chị nói:  “Để vào chân chị ấy chứ không phải vào đầu.”  Ông nhìn về phía chị ta như thể nói đức tin của chị còn kém lắm.  Ông lặp lại những gì chúng tôi phải làm và tiếp tục đi.  Tôi nhìn theo ông.  Ông đi đến một nhóm khác, họ chưa nói gì thì ông đã nói tiếng Mễ với họ và họ cũng nói lại tiếng Mễ với ông.  Rồi ông qua một nhóm khác và bắt đầu nói tiếng Pháp, và y như rằng họ là người Pháp; dường như ông biết họ là người nước nào trước khi ông đến nói chuyện với họ.  Khi tôi thấy lại ông là chặng thứ bẩy.  Ông coi có vẻ mệt mỏi và đứng lại một chỗ để lấy sức.  Tôi đến gần ông hỏi:  “Ông có muốn uống một chút nước không?”  Ông không nói một lời mà nhìn tôi chằm chặp.  Ông cầm lấy bình nước uống và trả lại cho tôi.  Ông nhìn tôi cười với nụ cười như xuyên qua cả người tôi.  Khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi nhìn quanh quất để tìm ông thày tu lạ lùng nhưng chẳng thấy đâu hết.  Tôi cứ nghĩ rằng một người ăn mặc như ông với cái mũ dính đằng sau áo thì rất dễ tìm nhưng tôi thất vọng. 
 
Khi chúng tôi lên tới đỉnh núi, nhiều người cười với tôi bởi vì tôi nói có cả trăm, hai trăm ngàn người.  Tôi nói sao mà nhiều thế.  Họ cứ leo lên, tiến lên, giống như cha Slawko đã nói:  “Mọi người xô đẩy nhau được vào trong phòng Đức Mẹ hiện ra.’  Còn tôi, thì cứ lùi lại, đi càng xa cây thánh giá càng tốt.  Tôi leo lên một tảng đá vừa đi vừa nói:  “Bị gẫy chân, bị gẫy chân.”  Và tôi bắt dầu cầu nguyện.  Chắc tôi là người duy nhất tối hôm đó trên đỉnh núi cầu cho Đức Mẹ đừng hiện ra cho mọi người thấy vì con không muốn thấy gì cả.  Nếu một người trong đám điên cuồng này nghĩ là họ thấy Đức Mẹ thì tất cả mọi người sẽ bị đẩy xuống ngọn núi này.  Tôi lại kêu thầm:  “Mẹ hãy để cho con là người không thấy nhưng tin.” 
 
Trời bắt đầu tối.  Một chiếc trực thăng bay đến, nó bay vòng vòng phía trên đầu.  Thời bây giờ cộng sản Nam Tư không muốn người dân tụ tập đông đúc bên ngoài.  Chiếc trực thăng cứ bay vòng vòng trên đỉnh núi, tôi thầm nhủ:  “Có thể cái trực thăng này sẽ bắn tạch tạch vào đám đông này để làm gương cho những người khác, tôi quay lại nói với chị bạn như thế.  Chị ta nói:  “Chết như vầy thật quá là sung sướng.”  Tôi nói:  “Chị điên rồi à?”  Bấy giờ là lúc các thị nhân đã lên tới đỉnh núi.  Cả núi đồi yên lặng như tờ, đến nỗi cả cây kim rớt xuống cũng nghe thấy.  Khi nói tới những điều này tôi không nói là có ơn Chúa Thánh Thần soi sáng.  Cây Thánh Giá như rực sáng; và khi cây Thánh Giá rực lên như vậy thì tôi thấy Chúa Giêsu trên Thánh Giá đó.  Đó là hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trên cây Thánh Giá.  Nhìn Chúa giống như bị đánh rất thảm thương.  Trên đầu Chúa đội mũ gai rất là to, to như cái ổ chim chứ không phải là cái mũ gai nhỏ như chúng ta thường thấy trên các ảnh tượng.  Tôi thấy Chúa và nghĩ rằng chắc là mình đang tưởng tượng.  Đứng đằng sau là chị Anne.  Anne một mắt không thấy đường, còn mắt kia cũng không nhìn thấy rõ.  Lúc bấy giờ chúng tôi đứng rất xa cây Thánh Giá.  Tự nhiên chị Anne cúi xuống nói nhỏ bên tai tôi:  “Có phải chị nhìn thấy Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá không?”  Tôi thầm nghĩ:  Vinh danh Thiên Chúa.  Nếu chị nhìn thấy Chúa Giêsu với con mắt không tỏ thì tôi biết chắc rằng mình đã thấy Chúa Giêsu.  Tôi quay sang chị Jeannie, chị đang khóc và nói: “Tôi cũng thấy Chúa Giêsu.”  Chúng tôi ôm chầm lấy nhau.  Bỗng dưng những người xung quanh quay sang nói:  “Chúng tôi đâu có thấy cây Thánh Giá rọi sáng, các chị nói thế nào ấy, chúng tôi có thấy gì đâu.” 
 
Sau khi Đức Mẹ hiện ra với các thị nhân.  Mọi người vội vã xuống núi để nghe về sứ điệp của Mẹ gửi đến tối hôm đó coi thế nào.  Chúng tôi nhường cho họ xuống trước, mọi người đi xuống quá nhanh, trong khi chân tôi bị băng bột không đi nhanh được cho nên chúng tôi phải ngủ lại đêm trên núi tối hôm đó.  Tối đó cũng có rất nhiều người ngủ lại.  Tôi nói cho quí vị biết như là một phép lạ, đêm đó không một người nào đi vệ sinh.  Tôi để ý coi có ai đi ra đằng sau hòn đá hay bụi gì không nhưng chẳng một ai cả.  Sáng hôm sau khi xuống núi, việc đầu tiên của tôi là vào phòng vệ sinh, tôi không biết phải diễn tà như thế nào, người tôi như bị điện giật.  Ngay lúc đó tôi quả quyết rằng Thiên Chúa và Đức Mẹ thật sự hiện hữu.  Đức Mẹ là một người mẹ đang nói với tôi rằng:  “Hãy trở lại, con đang đi trên con đường sai lầm.  hãy đến đây, con của Mẹ.  Mẹ đang dẫn con như một người Mẹ thật đang dìu dắt đứa con thơ.”  Tôi thầm nói:  “Đây là sự thật, mình giống như đang trên con đường đầy sương mù rồi tự dưng màn sương biến mất, và mình có thể thấy được mọi sự một cách rõ ràng.”  Tôi chạy nhanh ra khỏi nhà vệ sinh và nói:  “Các chị đừng nói với ai nhé, khi nào về nhà tôi sẽ trở lại đạo Công Giáo.”  Hai người bạn của tôi òa lên khóc, tôi thắc mắc:  “Tại sao các chị lại khóc, đáng lý ra các chị phải mừng cho tôi mới đúng chứ?”  Họ nói:  “Điều duy nhất chúng tôi cầu xin trong chuyến đi này là cho chị được ơn trở lại với Chúa. 
 
Vì thế tôi nói với quí vị đừng bao giờ nản chí.  Hãy cầu nguyện.  Nếu tôi được ơn trở lại thì ai cũng hy vọng được ơn trở lại.  Và từ đó, mỗi ngày tôi cảm nghiệm được thêm là mình đang đi trên con đường sai lầm.  Tôi phải trở lại con đường sáng.  Đó là sự thật, tôi biết rằng khi về nhà tôi sẽ thay đổi đời sống.  Khi về nhà trước tiên là tôi muốn tháo cái băng ở chân ra vì nó quá nặng nề, mục tiêu của tôi là được mang cái niềng chân thay vì cái băng bột nặng chình chịch.  Giống như có miếng càrốt ngay trước mắt dụ tôi vậy.  Tôi biết rằng tôi phải trải qua một thời gian đau đớn để tập cho chân được cứng cáp trở lại. 
 
Khi về nhà, mẹ tôi cùng đi với tôi đến gặp bác sĩ.  Ông nói sẽ tháo cái băng bột đó thay thế bằng một cái khác mỏng và nhẹ hơn.  Từ ngày bị gẫy chân tôi vẫn đến gặp một chuyên viên chụp hình quang tuyến.  Anh còn đang đi học và dự định sẽ làm đám cưới.  Khi tôi vào chụp hình anh ấy hỏi:  “Chuyến đi hành hương của bà ra sao; bà thấy như thế nào?”  Chẳng lẽ nói là tôi thấy Chúa Giêsu.  Tôi chỉ nói, chuyến đi rất tốt và có kết quả.  Anh chụp hình xong và bảo tôi ra ngoài đợi.  Trong phòng đợi có khoảng 20 người đang ngồi đọc báo để chờ tới phiên mình.  Vừa mới ngồi xuống thì người chụp quang tuyến chạy ra la to:  “Bà đã được chữa lành, bà đã được chữa lành.  Vinh danh Chúa.”  Tôi làm hiệu:  “Suỵt…” và thầm nghĩ  là ông này đang chế riễu tôi vì biết tôi vừa đi Mễdu về.  Những người ngồi trong phòng đợi ngừng đọc báo, cái nhìn của họ như hỏi tôi rằng:  “Ông ấy nói bà được hữa lành, cái đó có nghĩa gì?” 
 
Lúc đó cô y tá đi ra phòng đợi, bình thường cô kêu tôi vô phòng khám bịnh, vì cô ta là người cưa cái băng bột của tôi, sau đó tôi thường phải đợi đến 45 phút thì ông bác sĩ mới vô phòng khám bệnh.  Cô nói với tôi:  “Bà có nghe không?”  Tôi thấy bối rối.  Rồi ông bác sĩ cũng chạy ra phòng đợi.  Có bao giờ quí vị thấy bác sĩ chạy ra phòng đợi đâu, nhưng lúc bấy giờ ông ta đã ra phòng đợi.  Mẹ tôi hỏi:  “Bác sĩ, như vậy là thế nào?”  Ông nói:  “Tôi không biết nữa, tôi phải khám lại cái chân của bà ấy xem.”  Chúng tôi vào phòng khám.  Lần này thì chính ông bác sĩ là người cưa cái chân băng bột của tôi chứ không phải cô y tá như thường lệ.  Khi tháo băng bột ra, ông làm từ từ vì biết rằng cái mắt cá chân, xương đã vụn ra hết.  Ông muốn biết là tôi có thể nhúc nhích mấy đầu ngón chân được không.  Tôi làm theo và hỏi:  “Như vậy hả?”  Tôi bắt đầu quay tròn cái bàn chân.  Ông kinh ngạc.  Tôi cũng nhìn và nói với mẹ tôi:  “Con có thể đi lại được, con có thể đi lại được rồi.”  Ông bác sĩ chạy ra khỏi phòng khám bịnh và trở vào với một bác sĩ khác.  Họ nhìn vào tấm hình chụp quang tuyến treo trên cái đèn bên tường.  Họ lật đi lật lại tấm hình, bàn cãi sôi nổi.  Mẹ tôi khóc.  Tôi đi tới đi lui.  Mẹ tôi nói:  “Bác sĩ, có thể nào đây là phép lạ Mễdu?”  Bác sĩ nói:  “Tuyệt đối không có sự liên hệ giữa hai tấm hình X-Ray.  Trước lúc Mễdu xương bị nát nhiều nơi, và lúc về xương đã trở thành lành lặn y nguyên.”  Cảm tạ Chúa.  Lúc bấy giờ tôi có đem theo một số ảnh tượng Mễdu về, tôi liền chạy ra phòng ngoài và phát cho mỗi người một tấm ảnh.  Ông bác sĩ gọi lại:  “Khoan đã, bà vừa bị kích động mạnh, bà vẫn còn phải tập lại cho chân cứng cáp.  Bây giờ bà cần cái đồ để tập đi.”  Nhưng tôi nói:  “Không cần, tôi lái xe về nhà ngay bây giờ.”  Và từ đó tôi không cần phải tập đi lại, không cần phải thuốc men cho khỏi đau nhức gì cả.  Cảm tạ Chúa. 
 
Trên đường về nhà, tôi nói với mẹ tôi: “Mẹ không được tiết lộ việc con được chữa lành cho ai biết hết.”  Tôi nghĩ rằng những việc chữa lành chỉ xảy ra cho những người sùng đạo bên Âu Châu vào những thế kỷ 12 thôi.  Tôi đi đến nhà thờ nơi cô bạn Công Giáo lần đầu nghe về Mễdu trong nhóm cầu nguyện.  Ông cha sở ở đó đã biết hết câu chuyện xảy ra cho tôi.  Tôi gọi điện thoại để tâm sự và tham khảo với ngài.  Cha nói với tôi là bất cứ lúc nào có gì khó khăn thì cứ gọi ngài.  Có khi tôi gọi lúc 12 giờ khuya, lúc 2 giờ hay 3 giờ sáng…Cuối cùng ngài bực mình nói:  “Bà đừng làm to chuyện quá trong việc này, phép lạ chữa lành này không phải chỉ để ích lợi cho người chữa lành thôi mà còn để cho người khác thấy và tăng thêm đức tin.”  Đó là nguyên nhân tại sao tôi đến để nói cho quí vị biết “Chúa Giêsu là Đấng chữa lành’.  Lúc đó tôi khóc và nói với cha, tôi cảm thấy như không xứng đáng được chữa lành.  Cha nói:  “Quả thật, bà không xứng đáng, và bà sẽ không bao giờ xứng đáng, như vậy bà đừng nghĩ ngợi thêm gì cả.”  Tôi muốn nói cho quí vị biết thêm là, chúng tôi đều biết Chúa Giêsu chữa lành tôi, nhưng chúng tôi không biết là Chúa làm phép lạ đó lúc nào và nơi nào.  Có thể lúc tôi đang ở trên máy bay về.  Nhưng tôi biết chắc một điều là khi ông thày tu đến nói chuyện với tôi ở chặng thứ bốn, thật sự là một ngẫu nhiên vì chúng tôi đều biết rằng chặng thứ bốn là lúc Chúa gặp Đức Mẹ.  Thêm một điều là sứ điệp đêm hôm đó Đức Mẹ ban ra trên đỉnh núi là:  “Tối hôm nay Mẹ ban cho chúng con món quả để được ơn trở lại và chúng con dùng món quà đó để kêu gọi những người khác trở lại.” 
 
Khi tôi hồi tưởng đến sự trở lại của tôi, tôi nghĩ đến đoạn Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave.  Khi bà Isave thấy Đức Mẹ, bà cũng tìm được Chúa Giêsu và lập tức đứa con trong bụng bà cũng cảm nhận được  Chúa.  Cũng y như vậy, tôi tự dưng biết rằng Chúa Giêsu và Đức Mẹ là hiện hũu thật sự không cần phải nghi ngờ.  Có lần tôi thấy một cái bảng hiệu đằng sau một chiếc xe để:  “Nếu bạn không tìm được Chúa Giêsu hãy tìm Mẹ của Người.”  Thật đúng như vậy, tôi tin có Chúa và Đức Mẹ, và đó là đức tin chân thật.  
 
Tôi muốn trở lại đạo, tôi gọi cha Francis:  “Thưa cha, con muốn trở lại đạo.”  Cha nói:  “Đâu phải mới được phép lạ xảy ra trong đời sống là bà muốn trở lại đạo đâu.”  Tôi hỏi:  “Con phải làm gì để được trở lại đạo.”  Thú thật với quí vị cái chữ giáo lý tân tòng bằng tiếng Mỹ là RCIA, có nghĩa là muốn được vào trong CIA thì rất khó mà vào.  Nhưng cũng may là cha Francis có thời giờ để dạy riêng cho tôi vì lúc đó tôi vẫn còn làm chủ đài Radio, và tôi phải đi tới đi lui đâu có thì giờ mà học giáo lý tân tòng hằng tuần.  Cha rất tận tâm và chịu khó dạy riêng cho tôi. 
 
Sáu tháng sau ngày tôi leo lên ngọn núi ở Mễdu, tôi đã rước lễ lần đầu vào đêm Giáng Sinh.  Và năm sau đó, mẹ tôi được rước lễ lần đầu.  Quí vị không thể nào ngờ được sự việc Chúa làm trong đời sống quí vị.  Quí vị tưởng là quí vị biết mình sẽ đi về đâu.  Không đâu, nếu không có Chúa. 
 
Cuộc nói chuyện đầu tiên của tôi tựa là ‘Không có điện thoại ở Mễdu’.  Cuộc nó chuyện thứ hai là ‘Bây giờ Chúa muốn con làm gì’.  Nhiều người nghĩ rằng khi một người được một phép lạ là trúng số độc đắc, chắc là người đó sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc muôn đời.  Nhưng thật sự không phải vậy.  Khi tôi về sau chuyến đi Mễdu, mọi sự trở nên khó khăn hơn.  Tôi khám phá ra rằng khi một người đi hành hương hoặc được ơn trở lại, những người đó như được châm một ngọn lửa ‘Tôi quyết theo Chúa Giêsu.  Hãy ghi tên tôi để tôi trở thành quân lính cho Chúa.’  Khi tôi hành hương về, tôi phải làm nhiều việc nhưng đó là một đề tài khác, tôi sẽ kể cho quí vị nghe vào dịp khác. 
 
Quí vị có nhớ khi tôi nói về bà Têrêsa Newman không?   Có một lần khi tôi nói chuyện ở một nhàH người bạn, có người đưa cho tôi cuốn sách nói với tôi là tôi nên đọc cuốn này.  Có một đoạn nói về bà Têrêsa Newman.  Khi tôi mở cuốn sách, ở trang đầu viết là bà sinh ngày 8 tháng 5, Thứ Sáu.  Tôi để ý liền vì đó cũng là ngày sinh nhật của tôi.  Sau đó, sách viết bà bị gẫy chân đang khi dập tắt ngọn lửa cháy trong nhà kho của bà.  Chân bà cũng bị gẫy rất nặng.  Nhưng nhờ lời cầu nguyện bà đã được chữa lành cách đặc biệt.  Thấy vậy tôi liền gọi cha Francis và đọc cuốn sách cho ngài nghe, tôi hỏi ngài nghĩ sao về cuốn sách.  Cha nói tôi nên mua thêm một cuốn sách khác.  Tôi làm theo lời ngài và mua một cuốn sách khác, tác giả cuốn sách đó là Albert Stiel.  Thú thật với quí vị mọi sự Chúa đã sắp đặt sẵn.  Trong một buổi nói chuyện khác có người cho biết là ông Albert Stiel có coi cuốn phim tôi nói chuyện.  Tôi hỏi ông ấy còn sống à?  Tôi được biết ông hiện đang sống ở California.  Mỗi khi có dịp là tôi thường liên lạc với ông.  Có lần tôi đem theo nhóm quay phim qua bên Đức cùng với ông Albert quay phim về cuộc đời bà Têrêsa Newman.  Chúng tôi đã quay hơn 27 tiếng đồng hồ nói về tiểu sữ của bà, và chúng tôi sẽ làm xong cuốn phim vào cuối năm nay. 
 
Có nhiêu người không biết về bà Têrêsa Newman.  Quí vị có biết là hơn 30 năm bà chỉ sống vào Bánh Thánh không?  Bà không bao giờ xuống cân.  Chúng tôi đang cố gắng gom góp tài liệu về bà và hy vọng bà sẽ được phong thánh.  Albert là một nhân vật chính trong việc vận động cho bà Têrêsa được phong thánh.  Tôi nghĩ lại là nếu không có việc làm tôi sẽ bán đài Radio để quay sang nghề quảng cáo nên tôi học hỏi rất nhiều về công việc điều hành đài truyền hình, và tôi phải có kinh nghiệm quay phim. 
 
Chắc một số quí vị cũng biết là tôi có đài Radio về đạo.  Chương trình được phát thanh năm ngày trong tuần.  Nhưng bây giờ thì sự việc đã thay đổi.  Chúng tôi sẽ đi về lãnh vực TV.  Đức Mẹ đang giúp chúng tôi làm ăn rất tốt lành nhưng tôi hy vọng rằng sẽ có một ngày chúng tôi sẽ có 10 đài về đạo Công Giáo vì chúng ta rất cần những đài về đạo Công Giáo, đó là nguyện vọng của tôi.  Tôi sẽ cố gắng làm việc với Đức Hồng Y Hannon ở Orleans để làm vài chương trình về đạo trong TV.  Tôi không muốn kêu gọi những người hát trong nhà thờ.  Tôi muốn kêu gọi những người không biết nhà thờ như tôi lúc trước.  Tôi muốn chụp những người từ cửa sau.  Ném cho họ một chút vui và chêm vào đó một chút đạo. 
 
Khi nghĩ lại về việc tôi trở lại, nó bắt nguồn từ cô bạn đạo gốc của tôi.  Chị ấy không phải như Mẹ Têrêsa nhưng khi chị ấy thấy một người bạn đang gặp khó khăn thì chị biết rằng chị cần lèo lái người bạn đến với Chúa.  Cha Francis đã từng nói với chúng tôi:  “Các con hãy cùng đi rao giảng về phép lạ Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ, hãy ra đi hai người một,  các con cũng vậy hãy đi từng cặp.”   Chị không bao giờ nhồi đạo lý vào tôi, chị cầu nguyện với tấm lòng chân thành, chị dẫn đường cho tôi qua sự cầu nguyện.  Nếu quí vị biết những người chưa biết Chúa hãy cứ tiếp tục cầu nguyện cho họ, đừng nản chí, tiếp tục cầu nguyện cho họ như bạn tôi đây.  Chị lúc trước làm trong hãng điện thoại lớn, chức vụ rất cao nhưng chị vừa xin nghỉ việc để có thì giờ đi rao giảng về Chúa. 
 
Chúng tôi xin quí vị cầu nguyện cho công việc chúng tôi đang làm để rao giảng tin mừng.   Tôi rất cám ơn Chúa đã chữa lành cái đầu óc tôi và ban cho tôi một đức tin.  Quí vị biết Chúa lắng nghe mọi lời cầu nguyện của chúng ta và Chúa trả lời sự cầu nguyện của chúng ta với đường lối của Chúa và thời gian của Người.  Xin Chúa chúc lành cho quí vị và xin cám ơn quí vị. 
 
Liên Lê dịch