Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần II:

11) Các dạng thức diễn tả thiên tính trong con người chúng ta

Theo bức Thư Thứ Nhì của thánh Phê-rô, chúng ta nhận ơn thông dự vào đời sống thật bởi vì chúng ta được Chúa Kitô kêu gọi và chúng ta tin vào lời loan báo của các thánh tông đồ. Thánh Phê-rô muốn chúng ta hiểu như thế mới thực sự xứng đáng là người kitô, tin vào sứ điệp Sách Thánh nói với chúng ta. Chỉ lúc đó chúng ta mới sống thực sự hợp với thiên tính của chúng ta. Nhưng quan điểm mới mẻ này cần được diễn tả một cách cụ thể. Đó là lý do tác giả đã nêu ra một loạt các đức tính mà người kitô phải cương quyết thực hành, nhờ ân sủng vô biên của Chúa, mới thực sự là người được hưởng ân huệ. Và như thế bản chất thiên tính của người kitô mới rọi sáng dưới mắt thế gian: “như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em.” (2 Pr 1: 19). Trải rộng ra đây là một chuỗi với tám vòng, vòng đầu tiên là đức tin và vòng cuối cùng là tình yêu. Loại chuỗi như thế này người Hy Lạp ngày xưa rất thích. Ở đây người kitô hoàn thành một bổn phận cao quý: vì thông dự vào thiên tính, họ thể hiện trong thực tế tất cả các đức hạnh rất quen thuộc của người Hy Lạp.

Loạt chuỗi đức hạnh bắt đầu bằng đức tin. Đó là nền tảng trên đó người kitô xây dựng cuộc sống.

Có đức tin mới có dũng cảm, có sức mạnh, có nhiệt tình. Ai có đức tin họ sống với một ý thức rõ rệt, một năng lượng mới. Họ không sống theo những gì của họ mà theo một nguồn suối thần thánh, nguồn suối không bao giờ cạn. Họ không thiếu sức mạnh.

Có sức mạnh mới có hiểu biết, ngộ đạo. Hiểu biết ở đây là biết minh định tốt xấu, là thấy thực tế đích thực, nhìn thực tế như Chúa đã tạo dựng và đã nghĩ đến. Hiểu biết là có một tầm nhìn đúng, không có những lý thuyết giả tạo như triết gia Épictète nói. tri trực, hiểu biết, tri ngộ là những điều người ngày xưa cũng nhất ngày nay đề thiết tha mong muốn. Ngày xưa, con đường thần bí là con đường dẫn đến tri ngộ sự việc.

Có hiểu biết mới sống tiết độ. Con người là chủ thể làm chủ lấy mình, con người không sống theo bản năng, không bị bản năng quy cách hóa. Biết sống tiết độ là biết tổ chức cuộc sống cho mình, không bị người khác cũng như bất cứ một quyền lực nào khác dẫn dắt. Tiết độ cũng có nghĩa là tiết dục. Ai làm chủ được mình thì cũng có thể tự mình quyết định cái gì mình nên nhận, cái gì mình nên từ chối. Không bắt buộc phải có tất cả; cũng phải có chuyện mình từ chối. Tiết dục không phải là khổ tu cực nhọc, nhưng là một tự do quyết định, đòi hỏi kiên nhẫn, dai sức tập tành, bền bỉ và liên tục. Tiết dục là biết bảo vệ mình khỏi các cám dỗ thuyết phục đến từ bên ngoài, kéo mình làm những chuyện mà tự đáy sâu tâm hồn mình lên án.

Kiên nhẫn có nghĩa đen là chịu đựng, là ở bên dưới, nói vâng với những gì đến với mình, không nâng lên mình cao so với thực tế nhưng ở dưới nó, có nghĩa là thực tế làm sao thì chấp nhận như vậy, tin những gì Chúa mong chờ.

 Kiên trì và bền bỉ làm mình kính sợ Chúa, sùng kính và tôn trọng đứng trước mệnh lệnh của Người. Người sùng kính, nói cách khác là người kính sợ Chúa, là sống trong Chúa. Họ xây nhà trên đá chứ không trên cát, trên các ham muốn tột độ làm họ đi xa tâm hồn họ. Theo giáo sư Grundmann, lòng sùng kính hay kính sợ Chúa “là sự hiểu biết cái gì thuộc về Chúa, cho phép con người biết xem trọng ý Chúa, nối kết mình với Chúa và sống trong sự tin tưởng vào Chúa.” Điều lý thú đáng xem ở đây là khái niệm căn bản của khôn ngoan theo truyền thống Do-thái là: “Bước đầu của Minh Triết là lòng kính sợ Đức Chúa.” Thành ngữ được dùng ở đây là thành ngữ tiêu biểu của văn hóa Hy Lạp: “Lòng cung kính sợ hãi trước mặt Chúa là khởi đầu của thực nghiệm.” Ai biết một cái gì về Thiên Chúa và huyền nhiệm không thể nào hiểu được và có một lòng kính trọng thì người đó bắt đầu có một kinh nghiệm sâu xa về cái thực và về bản thể. Họ có thể đi đến sự hiểu biết này, một hiểu biết mà các nhà thần bí của tất cả các tôn giáo coi như mục đích tiến trình thiêng liêng của họ.

Từ sùng kính đến tình huynh đệ, tình yêu cho người anh em, tình yêu giữa anh chị em. Ai ở trong Chúa thì người đó không sống khép mình nhưng sống thoáng đạt để yêu thương anh chị em. Họ dấn thân vào cuộc sống. Họ phát triển một tinh thần trách nhiệm và nhạy cảm với nhu cầu của người anh em.

Từ đó đi đến tình yêu, tình yêu nhắm đến tất cả, đến Chúa, đến nhân loại, đến các tạo vật. Tình yêu là hoa trái của đức tin và dấu hiệu của một đời sống mới. Nó lan tỏa trong con người, lấp đầy men mới để gieo rắc đến thế giới bên ngoài, nơi những người họ gặp gỡ.

Tình yêu là vòng cuối cùng của tám vòng trong xâu chuỗi. Tám là con số của toàn hảo, của trọn vẹn và của vĩnh cửu. Vì thế các bồn nước rửa tội là bồn có tám cạnh. Phép rửa tội là phép mang thiên tính đến cho con người. Như vậy chuỗi dây với tám vòng là mô tả bản chất thiên tính, mà chúng ta được thông dự nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nó mô tả đời sống có sự hiện diện của cứu rỗi và giải thoát của Thiên Chúa và vì thế là một đời sống thánh thiện.

--- o0o ---