Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần II

2) Ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện? 1 Pr 3: 13

Lá Thư Đầu Tiên của thánh Phê-rô có thể được viết vào năm 90. Tác giả cổ vũ và khuyến khích người kitô giữ lòng kiên định vì lúc đó họ sống trong một thế giới thù nghịch, càng ngày càng thảm hại. Vấn đề lúc đó là làm sao để tránh sự ác từ bên ngoài gieo tới, những bách hại mà mình không làm sao tránh được. Tác giả – khó nghĩ đây là thánh Phê-rô – mời gọi người kitô một phần chấp nhận đau khổ, một phần qua hiệp thông với Chúa Kitô, giữ được tự do nội tại đứng trước cuộc bách hại.

Một mô hình an ủi được đưa ra: “anh em là khách lạ và lữ hành” (1 Pr 2: 11), anh em không có xứ sở ở trần thế. Một lý do khác được đưa ra: để có thể chịu đựng nổi đau khổ do thế lực bên ngoài bức bách mình, người kitô phải xác quyết họ cùng đau khổ với Chúa Kitô và cuối cùng cái hung ác của loài người không thể làm hại họ, bởi vì họ ở trong Chúa Kitô. Như thế tác giả khuyến khích độc giả: “Ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện? Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc!” “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến.” Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1 Pr 3: 13-16).

Ở đây tác giả muốn nói đến tinh thần khắc kỷ theo đó cái ác của loài người không thể làm thương tổn hay làm hại chúng ta. Lý do mà những đe dọa không thể làm chúng ta sợ vì chúng ta tin chắc chúng ta nhiệt thành làm điều tốt. Nếu có Chúa là người nâng đỡ thì bách hại bên ngoài không thể làm hại chúng ta. Có thể nói nền tảng thiêng liêng của Thư Thứ Nhất thánh Phê-rô là “Chúa Kitô ở trong chúng ta”. Nếu xem Chúa Kitô là đấng thánh trong lòng chúng ta thì chúng ta không còn sợ những gì người khác sợ. Chúng ta không buông bỏ chiến đấu vì bất cứ một thế lực thế gian nào.  Dù người kitô đứng trước đe dọa của kẻ thù, họ cũng cảm thấy có được tự do nội tại vì họ có Chúa Kitô trong lòng. Một lý do khác để họ không nao núng là lương tâm của họ ngay thẳng. Chúng ta thấy ở đây chữ syneidesis mà triết gia Épictète rất coi trọng, đó là cái tôi nội tâm, cái tôi thiêng liêng giống như khoa tâm lý chuyển bản vị nói đến. Ai sống với cái tôi nội tâm, sống hòa hợp với chính mình thì cuối cùng sẽ không bị các thế lực, các vu cáo của người khác làm họ thương tổn.

Với lương tâm ngay thẳng cọng thêm người kitô sống trong Chúa Kitô, trong lòng họ, là cả một khoảng không gian cho Chúa. Các tấn công từ bên ngoài không thấm nhập vào được.

Độc giả của Thư Thứ Nhất thánh Phê-rô là những người bị bách hại, họ đối diện với lòng ác nhân. Ngày hôm nay, rất hiếm khi chúng ta bị bách hại vì đức tin. Ngược lại, có một loại đau khổ khác: loại đau khổ của ác nhân vô nhân.

Một bà kể cho tôi nghe tuổi thơ ấu khủng khiếp của bà. Nhiều người đàn ông trong gia đình bà đã lợi dụng tình dục bà. Bà có cảm tưởng như đã bị nguyền rủa, phải gặp chuyện này xảy ra trong gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong hoàn cảnh như vậy, mọi trị liệu đều không thành công. Tôi chỉ có thể khuyên: “Hãy đối xử một cách thánh thiện với Chúa Kitô đang ở trong lòng mình” và tin rằng Chúa Kitô đang ở trong lòng mình. Nơi Chúa Kitô ở trong lòng mình, nơi đó là nơi thiêng liêng, nguyên vẹn và không sứt mẻ. Hung ác của loài người không thể làm hại bà. Sự xấu không một quyền lực nào trên bà. Người đàn bà này không thể làm gì để “làm phai mờ” những vết thương khủng khiếp của thời thơ ấu. Bà chỉ có thể nghĩ rằng trong lòng bà có một khoảng không gian mà các thương tổn này không thể vào được, một nơi không ai đụng đến được. Bà có thể đem Chúa đến ở giữa các vết thương này để từ từ Chúa có thể chữa lành nó. Thường thường những việc này không thể làm một lần. Giống như đoạn thư đã nói, đối xử thánh thiện với Chúa Kitô trong lòng mình, sống trong ân sủng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh đau khổ, bão tố sẽ dịu dần trong lòng chúng ta.

Đoạn thư này làm tôi nhớ lại lời quen thuộc của thánh Tê-rêxa Đa-vi-la: “Không có gì làm bạn xao xuyến, không có gì làm bạn hãi sợ. Mọi sự sẽ qua. Chỉ có Chúa là không thay đổi. Kiên nhẫn sẽ có được tất cả. Người nào có Chúa sẽ không thiếu gì. Một mình Chúa là đủ.”

Đối với thánh nữ thần bí người Tây-Ban-Nha này, sống với Chúa làm cho chúng ta có tự do nội tại. Nếu đích thực Chúa ở trong lòng chúng ta, nếu chúng ta đến được với Chúa trong tình yêu của ngài và nếu như thế là đủ cho chúng ta, thì không ai trên thế gian này có thể làm hại chúng ta. Trong trường hợp này, chúng ta không có một xao xuyến nào đáng phải có đứng trước các thương tổn do những người chung quanh gây ra hay với những người cưỡng bức chúng ta.

Con đường thần bí của thánh Tê-rê-xa luôn luôn là con đường của tự do, con đường đặt chúng ta ra ngoài quyền thế của loài người, đưa chúng ta tránh xa các thương tổn do chúng ta hay do người khác gây ra. Nhưng lòng không nao núng này không thể là cái áo giáp che chở để chúng ta khỏi bị đụng chạm, đó không phải là tấm lòng dửng dưng đứng trước đau khổ nhưng là một kinh nghiệm của tình yêu. Tình yêu làm cho chúng ta cực kỳ mỏng giòn nhưng mỏng giòn này không phải là tự tùng xẻo. Tình yêu của Thiên Chúa có thể là cái khiên để chống cái hung ác của những người muốn làm chúng ta khổ. Tình yêu này mạnh hơn tất cả đe dọa bên ngoài. Một khi tình yêu được vững mạnh, chúng ta có thể thương được người bách hại, người làm thương tổn chúng ta, lúc đó chúng ta khám phá được hành động xấu xa của họ là bệnh tật mà họ phải chịu đựng và họ muốn đổ trên đầu chúng ta. Chúng ta không còn xem những thương tổn chúng ta chịu là những tấn công nhắm vào cá nhân mà chúng ta xem đó như một hình thức diễn tả các thương tổn của họ. Nếu tình yêu chúng ta đủ mạnh, chúng ta có thể làm lành cả những vết thương của những người làm chúng ta khổ. Tình yêu của Chúa Kitô, Đấng, khi sắp chết vẫn còn yêu thương được người giết mình, đã có sức mạnh để chữa lành kẻ sát nhân.

--- o0o ---