Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần I:

Không ai bị người khác làm thương tổn bằng chính mình làm thương tổn mình

  1. Épictète, triết gia phái khắc kỷ
  2. Con đường tiến đến tự do nội tại
  3. Thái độ đối với Thiên Chúa
  4. Con người là chứng nhân của Thiên Chúa
  5. Épictète và khoa tâm lý chuyển bản vị
  6. Épictète và lý thuyết về giao tiếp
  7. Các biên giới của tự do và lương tâm
  8. Tự do và đam mê cho con người

1) Épictète, triết gia phái khắc kỷ

Épictète sinh vào khoảng những năm 50 ở Hierapolis. Ông từng là nô lệ và bị chủ đánh đập đến què chân. Ông bị đem đến thành phố La Mã để làm nô lệ phục vụ cho ông Epaphrodite, một người cũng nô lệ như ông, được vua Néron giải phóng, Epaphrodite đối xử một cách vô nhân đạo với ông. Ở gần ông này, Épictète hiểu được rằng người nào đã từng bị đau khổ lại có khuynh hướng đi hành hạ người khác. Cùng là nô lệ, đáng lý ông Epaphrodite thông cảm cho số phận của Épictète, nhưng ngược lại, ông lại hành hạ Épictète. Không cáng đáng được các đau khổ riêng của mình, ông chuyển chúng qua người khác. Ở đây, chúng ta đứng trước một định luật nền tảng mà khoa tâm lý hiện đại không ngừng nói đến. Các thương tổn chúng ta chưa “cáng đáng” được, chúng như cục đá đeo, nó đeo theo làm chúng ta khổ hoặc chúng ta làm cho người khác khổ. Nếu chúng ta không làm khổ người khác thì chúng ta lại quay lại làm khổ chính mình, một loại tự phạt mình, tự đánh giá thấp mình, đôi khi còn tự tùng xẻo mình. Một vài loại bệnh cho chúng ta có cảm tưởng như người bệnh tự phạt người bệnh: từ chối nhìn lại tuổi thơ ấu biến thành từ chối mình, hận mình. Hoặc một cách vô thức, chúng ta đi tìm những hoàn cảnh tương tự hoàn cảnh ngày xưa chúng ta sống để tái diễn các tổn thương thời thơ ấu. Chúng ta làm việc với các vị chủ sự có tính khí giận dữ, không tự trọng làm tổn thương chúng ta y như người cha độc tài đánh đập dữ dằn con cái ngày xưa, đánh không có lý do khi rượu vào, mà đứng trước ông, đứa con không có một cách nào để tránh khỏi. Cũng có những trường hợp người bạn đời bắt người kia chịu những ức hiếp giống như ngày xưa họ bị cha mẹ ức hiếp.

2) Con đường tiến đến tự do nội tại

Épictète cáng đáng được các thương tổn của ông. Vì thế cả một triết thuyết của ông chỉ quay chung quanh câu hỏi: làm sao con người có thể có tự do khi đứng trước những thương tổn mà người khác hành hạ họ? Ông nhận thấy rằng con người có thể có tự do với điều kiện là nó muốn tự do này. Trước tiên hết, tự do này được diễn tả trong khái niệm không ai có thể làm thương tổn mình nếu không có sự chấp thuận của mình. Người khác chỉ có thể làm thương tổn mình nếu chính mình cũng làm thương tổn mình và làm cho mình khổ. Nơi triết gia Épictète, chủ đề này được lặp đi lặp lại thường xuyên. Nó là thành ngữ diễn tả tự do nội tại, một thực tế thuộc về bản chất con người. Con người được tự do trong lòng. Nếu họ để người khác làm họ khổ, đó là lỗi của họ. Bởi khi một người được phát triển trọn vẹn, khi họ tìm được quân bình, thì lúc đó, không ai có thể làm thương tổn họ, không ai áp đặt được quyền trên họ. Épictète lặp lui lặp tới khái niệm căn bản: “Không ai có thể làm cho người khác khổ, nhưng mỗi người, qua hành động của chính họ, làm điều tốt hoặc điều xấu.” Tự do nội tại được diễn tả qua câu kết luận trong quyển sách của ông, mượn tư tưởng của Socrate: “Về phần tôi, Anytos và Melitos không thể giết tôi, nhưng họ có thể làm thiệt hại tôi”. Triết gia phái khắc kỷ phân biệt giữa những việc ở trong khả năng của mình, thuộc về mình và là một phần của mình và những gì không tùy thuộc vào mình.

Đối với Épictète, tu luyện khổ hạnh là “ngăn không cho các việc bên ngoài giẫm lên miếng đất thiêng liêng của cái Tôi đích thực bên trong. Vì vậy, trước tiên hết, qua phương tiện là câ châm ngôn “mình phải biết mình”, khám phá và định ranh giới cho con người đích thực của mình”. Theo Épictète, con đường dẫn đến nội tại, trước hết phải đi qua việc khảo nghiệm nhận thức của chúng ta về thực tế. Một con đường quan trọng dẫn đến tự do nội tại: phải đặt sự việc đúng chỗ, thường thường các tư tưởng khác nhau định hướng hành động chúng ta, có khi định hướng sai cũng như các việc được xem như có giá trị trong môi trường của chúng ta. Épictète viết: “Con người không bối rối trước sự kiện nhưng bối rối vì tư tưởng họ có trong đầu”. Cái chết không khủng khiếp nhưng nó khủng khiếp trong đầu óc chúng ta. Không phải cái bình bể làm chúng ta buồn nhưng chúng ta buồn vì chúng ta xem đó là cái bình rất quý, chúng ta rất thương nó, nó dính với bản sắc của mình. Không phải mất một số tiền làm chúng ta khổ nhưng khổ là do ý tưởng chúng ta có về tiền, ý tưởng ăn sâu trong đầu là chúng ta tuyệt đối cần đến nó, không có nó, chúng ta không sống được.

Nếu chúng ta biết đặt đúng việc đúng chỗ thì chúng ta không còn khổ vì vật chất mà chỉ duy nhất vì Chúa. Như vậy đối với Épictète, prohairesis, có nghĩa đen là chọn lựa, chọn lựa điều chuẩn, ý chí tự do, tín điều. Épictète mô tả nó là khả năng căn bản và thiết yếu làm cho bản chất con người có thể có một hành động luân lý. Nó xét nghiệm các thể hiện của tri thức hay dogmata, nó quyết định lối hành động đối với các thể hiện mang tính cách phóng túng, nó biểu thị tâm điểm của nhân cách.” Người ta cũng có thể nói chọn lựa - prohairesis, , là cái Mình đích thực, là tâm điểm thiết thân nhất của con người, là lương tâm, là cấp xét xử nội tâm phán xét mọi chuyện. Ai để cho Mình đích thực của mình hướng dẫn thì người đó “không tham vọng bất cứ một cái gì ngoài tầm tay của mình, không sợ bất cứ một cái gì.” Nó “làm cho cái Tôi có một thành trì vững chắc không lấn vào, không xâm phạm vào được, nơi đó là nơi của tự do, yên tỉnh, bình lặng, dứt khoát, đại hạnh phúc, thoát khỏi đau khổ, tóm lại trong một chữ: ân sủng. Qua cuộc chiến đấu cải thiện bản thân, qua phương tiện là sự hiểu biết, con người trở nên giống Chúa”. Như thế ở đây nêu lên một khái niệm giống khái niệm của nhà tâm lý học C.G. Jung, theo ông con người đến được con người đích thực của mình khi nó mở lòng ra với hình ảnh của Chúa. Chúa mật thiết ở trong con người. Và khi Chúa ở trong ai thì người đó đến được con người đích thực của mình.

Bước thứ nhì trên con đường tu tập là đặt giới hạn cho những thệ hiện chúng ta khám phá trong con người mình và chế ngự các phản ứng gây ra do những thể hiện này. Épictète hiểu có ba mức độ khi con người đứng trước các thể hiện này: tìm kiếm, ước muốn mãnh liệt và thỏa thuận. Con người có thể lượng định – một cách có ý thức – phản ứng của mình đứng trước sự việc, đứng trước tất cả những chuyện này, con người tự hỏi đâu là quan hệ với con người nội tâm của mình. Câu hỏi kế tiếp có thể giúp: Dựa trên cái gì mà điều đó quan hệ đến tôi? Điều đó muốn nói với tôi cái gì? Tôi phải làm gì với chuyện này? Hiểu được con đường tu tập, Épictète vạch cho nhân loại một con đường: con đường giải thoát khỏi lực bên ngoài để sống với thực tế của nội tâm là phần thiết yếu của nhân phẩm.

3) Thái độ đối với Chúa

Tự do nội tại cũng quyết định cách ứng xử của mình đối với người khác và đối với Chúa. Trong liên hệ với người khác, con người cần có ba đức tính: rõ ràng, trung tín và nhất là kín đáo ý tứ. Trong quan hệ với nhau, mỗi bên cần khám phá và phát triển cá nhân tính của mình: “Vì, theo chỗ đứng mà thế giới bi thương này dành cho mình, mỗi người có cần đóng một vai trò khác, hoàn thành một nhiệm vụ khác trên con tàu cuộc đời này không?” Mỗi người là duy nhất, phải tìm chỗ của mình, nhận biết vai trò Chúa chỉ định cho mình trong thế giới bi thương này. Épictète nói đến tiếng gọi của Chúa mà con người phải vâng lời theo tiếng gọi này. Có thể đó là tiếng gọi sống độc thân cho một sứ mạng quan trọng hơn: “Trong tình trạng hiện tại, người ngốc, vì anh đang ở giữa trận đấu, anh không thể nào rời bỏ vị trí chiến đấu vì bất cứ một lý do nào, dù nhỏ đi nữa. Anh phải có khả năng quan hệ với người khác để tiếp tục làm sứ giả cho Chúa.” Épictète nhấn mạnh đến sự chú ý với tiếng gọi thiết yếu này. Nguyên do của việc quan tâm đến người khác cắm rễ trong nguồn gốc thần thánh chung của chúng ta. Không một ai bị loại ra khỏi mối quan tâm này, dù đó là người nô lệ. Épictète nói như sau: “Bạn không muốn nâng đỡ người anh em có cùng cha là thần Zéus với bạn, được sinh ra như bạn, cũng là con của cùng nòi giống, cùng nguồn gốc thiêng liêng?”

Điều quyết định để có một cuộc đời đích thực, đó là mối quan hệ với Chúa. Những bài viết của triết gia Épictète rõ ràng cho thấy triết gia này có một quan hệ cá nhân với Chúa, lòng mộ đạo của ông gần với huyền bí kitô; đúng vậy, ông lặp đi lặp lại rằng Chúa ở trong chúng ta: “Bạn là một phức đoạn của Chúa. Bạn mang trong mình một phần của Chúa... Bạn không muốn nhớ bạn từ ai mà bạn có, khi bạn ăn, khi bạn được nuôi dưỡng. Khổ cho bạn, bạn mang Chúa đi khắp nơi mà bạn không biết ngài. Bạn nghĩ là tôi nói đến một Chúa ở bên ngoài, làm bằng vàng, bằng bạc sao? Bạn mang Chúa trong lòng mà bạn không ý thức là bạn đã bôi bẩn Chúa với những tư tưởng không đúng, những hành động không trong sáng của bạn? Đứng trước hình ảnh của Chúa, bạn sẽ không dám làm một hành vi nào như vậy. Ngược lại, trong giây phút này, đứng trước mặt Chúa đang ở trong lòng bạn, đấng thấy hết, nghe hết, bạn sẽ không đỏ mặt vì có những tư tưởng này, vì đã làm những hành động này, bạn, con người không ý thức thiên chức của mình”. Bởi vì chúng ta mang Chúa trong lòng, tất cả mọi khát nguyện của chúng ta phải đồng nhất hướng về ngài. Hòa điệu sẽ gặp trong bản chất tự nhiên. Đời sống tùy theo bản chất tự nhiên sẽ hòa hợp với con người.

Sự ăn khớp này có mục đích tối hậu là tuân theo ý Chúa, có nghĩa là chúng ta luôn luôn muốn cái điều mà Chúa mong chờ ở chúng ta. “Theo ý Chúa” đó là câu châm ngôn người ta thường gặp nơi Épictète. Sự ăn khớp hoặc hòa hợp theo ý Chúa làm cho con người được tự do đích thực và có nhân phẩm: “Tôi tự do và là bạn của Chúa, vì thế tôi vui vẻ vâng lời ngài. Tôi không mong muốn cái gì khác, dù cho thể xác tôi, dù quyền lực, sức mạnh hay sắc đẹp, không một cái gì. Bởi vì Chúa không muốn tôi khao khát những chuyện đó”. Ở một nơi khác, Épictète viết: “Cuối cùng, ngẩng đầu lên, như một người được thoát ách nô lệ; dám đưa mắt hướng về Chúa và nói với ngài mà không sợ: “từ giây phút này, xin cùng con hành động theo ý ngài: tư tưởng của con thuộc về ngài. Con thuộc về ngài. Con không từ chối một cái gì mà dưới mắt Chúa là tốt; xin dẫn đưa con đến nơi Chúa muốn; xin mặc cho con chiếc áo Chúa thích”.

4) Con người, chứng nhân của Chúa

Những lời nói lên lòng tuân thuận ý Chúa như thế làm cho chúng ta hiểu vì sao các Giáo Phụ khi chú giải Thánh Kinh thường hay dùng các tư tưởng của Épictète. Là người kitô, các Giáo Phụ không muốn thua kém trong suy nghĩ của họ về nhận thân con người với Chúa và với ý Chúa. Thiên chức con người là chứng nhân của Chúa ở trần gian này, người được gởi đến, người tông đồ “mà qua hành động trong cuộc sống, làm chứng nhân cho công lý, cho lòng nhân lành của Chúa”. Tâm tư căn bản của người làm chứng cho lòng nhân lành của Chúa là tâm tình biết ơn. Épictète tạ ơn Chúa cho tất cả mọi sự: “Khi xởi đất, khi cày cấy, khi ăn uống, đừng quên ca ngợi Chúa: Chúa cao cả vì Chúa đặt vào tay chúng ta dụng cụ để chúng ta làm việc; Chúa cao cả vì Chúa cho chúng ta bàn tay, cuống họng, cái bụng; bạn phải hát lên ca ngợi Chúa trong tất cả mọi dịp để vinh danh Chúa, hát những bài hát vui vẻ nhất, thần thánh nhất để cám ơn Chúa đã thưởng cho mình khả năng hiểu các sự việc, dùng chúng một cách có phương pháp”.

Nơi triết gia Épictète, ý nghĩa của lòng biết ơn thấy rõ nhất trong thái độ của ông đối với cái chết. Một cách thiết yếu, con người là kẻ chuẩn bị cuộc hành trình. Nó không tự mình quyết định sẽ ở bao nhiêu lâu ở quán trọ. Vào giờ chết, Épictète nói như sau với Chúa: “Vì Chúa đã sinh ra con, con xin cám ơn Chúa tất cả những gì Chúa đã cho con. Thì giờ Chúa dành để con vui hưởng của cải Chúa ban cho con đã đủ.” Ông còn nói thêm: “Con đã sẵn sàng... Bây giờ, Chúa muốn con rời đại lễ trần gian; con sẽ đi. Con cám ơn Chúa vô cùng vì Chúa đã để cho con cùng tham dự đại lễ trần gian với Chúa, đã nhìn thấy công trình của Chúa, đã hòa nhập con vào thứ trật của Chúa.” Những lời nói này nói lên một tình yêu cao cả dành cho Chúa. Đây không phải là lời cầu nguyện của một triết gia phái khắc kỷ dâng lên một Chúa chung chung - sau đó, ông thở ra và ông cám ơn Chúa tất cả những gì Chúa đã ban để ông được sống – mà là lời cầu nguyện dâng lên một Chúa riêng của ông.

Épictète chết giữa năm 125 và 130. Ông không để lại một bài viết nào nhưng đệ tử của ông là Arianos đã gom các buổi nói chuyện và chép lại thành bốn tập, chúng có một ảnh hưởng rất mạnh trên các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội. Justin, Clément d’Alexandrie, Basile và Jean Chrysostome trích dẫn và tìm cách làm cho những tư tưởng này tương hợp với sứ điệp của Thánh Kinh. Họ khám phá trong Thánh Kinh các chỉ dẫn tương tự để làm cho nội tâm mình được tự do đứng trước quyền lực của người khác hay thế lực thế gian. Đối với các Giáo Phụ, Chúa Kitô đích thực là người giải phóng. Chính người mang đến cho chúng ta cái tự do này; triết lý của phái khắc kỷ quay chung quanh cái tự do này. Các thế kỷ đầu tiên, người kitô thiếu tự do nội tâm trầm trọng. Họ thường bị môi trường chung quanh ruồng bỏ vì họ không theo lối sống của thời đó. Họ thường xuyên bị bách hại, vì thế họ đi tìm can đảm trong ý nghĩ mình là con của Chúa, được tự do trong Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô chứ không thuộc về thế gian này. Những điều nay đem lại cho họ lòng tin tưởng cần thiết để có thể sống tự do nội tại, dù cho hoàn cảnh bên ngoài khắc nghiệt. Trong đức tin, họ cảm thấy mình được tự do, không làm nô lệ cho thế gian, họ được gieo cấy trong thế giới của Chúa, nơi họ sống một cuộc sống đích thực xứng đáng với nhân phẩm người kitô.

5) Épictète và khoa tâm lý chuyển bản vị

Thật là ngạc nhiên khi thấy triết gia Épictète đã đi trước khái niệm của khoa tâm lý chuyển bản vị rất nhiều. Ông nói đến một cái Tôi nguyên thủy, mắt thường không thể thấy. Khoa tâm lý chuyển bản vị nói ở đây là cái Tôi thiêng liêng ở trong thế giới nội tâm mà những vấn đề của thế giới bên ngoài không có cửa để đi vào. Đối với khoa tâm lý chuyển bản vị, con đường vào cái Tôi nội tâm phải đi qua con đường tách biệt bản sắc. Tôi quan sát các cảm nhận của tôi và tôi để ý xem nó hình thành như thế nào trong con người tôi. Rồi tôi trở về với cái tôi của tôi và tôi tự nhủ: tôi thấy được cơn giận của tôi, nhưng tôi không phải là cơn giận của tôi. Trong tôi có một lãnh vực không bị cơn giận đụng đến. Lãnh vực thân thiết này là người quan sát không bị quan sát, người chứng nhân bên trong cảm nhận các tình cảm của tôi, nhưng lại không dính vào bản sắc của chúng, không nhập thân với chúng. Đối với Épictète, con đường để đạt đến cái tôi bên trong này đi qua bằng câu hỏi: ‘Điều đó liên hệ đến tôi như thế nào? Nó có tác động đến tôi sâu xa không?” Sự tách biệt giữa những sự việc tùy thuộc vào tôi và những sự việc không tùy thuộc vào tôi đưa tôi đến thế giới nội tâm đích thực của Tôi, nơi đó các sự việc không có một quyền lực nào trên tôi. Những gì không tùy thuộc vào tôi như tài sản, sức khỏe, sự chấp nhận của người khác không có quyền lực nếu tôi không cho phép. Điều này tùy thuộc vào cách tôi nhìn sự việc, vào cách tôi chú giải thực tế.

6) Épictète và lý thuyết về giao tiếp

Épictète cũng đi trước ngành tâm lý hiện đại về sự phán xét, ông cho rằng ý tưởng của chúng ta có về sự việc quyết định sự hiểu biết của chúng ta. Chúng ta không thấy thực tế một cách khách quan nhưng nhìn nó qua một lăng kính đặc biệt. Thường thường của chúng ta trong sự việc. Vì thế, chúng ta nhìn những người chung quanh qua mắt kính phóng chiếu của mình. Chúng ta phóng chiếu các khuyết điểm của chúng ta lên họ và giải thích các hành động của họ một cách sai lầm. Triết gia người Áo Watzlawick kể điều này một cách khôi hài với câu chuyện mất búa. Ròng rã cả tuần từ ngày mất búa, anh chàng mất búa nghi ngờ người láng giềng ăn cắp. Nhất cử nhất động của người láng giềng anh đều thấy nét của người ăn cắp búa. Cuối cùng để khỏi bị ám ảnh, anh chạy đến nhà người láng giềng, bấm chuông và hét lên: “Thôi, tôi cho ông giữ cái búa chết tiệt đó đó.”

Trong rất nhiều bài viết, ông Watzlawick phân tích cách các suy nghĩ trong đầu chúng ta làm nảy sinh ra thực tế. Chúng ta không bằng lòng nắm thực tế qua lăng kính phóng chiếu màu mè, chúng ta còn chế ra cách riêng để nhìn nó. Ông nhắc lại vụ tin đồn ở Orléans năm 1969 mà tất cả báo chí Pháp hồi đó đều đăng tải. Người ta nói rằng ở các phòng thử áo trong các tiệm áo quần, các phụ nữ nạn nhân của bạo lực bị gây mê và mất tích trong những địa đạo bí mật. Có hai mươi tám bà bị mất tích. Tin đồn này có tính cách bài Do Thái. Cuối cùng cuộc điều tra cho biết đó chỉ là những tin đồn không căn cứ. Watzlawick nói: “Thêm một lần nữa, tin đồn về vụ Orléans chứng tỏ cho thấy không cần thiết phải có các sự kiện để dựng lên một thực tế và giải thích nó; chỉ cần có thành kiến ăn sâu là có thể cung cấp được “bằng chứng”, hạn nhất là khi nó cùng được nhiều người chia sẻ.” Những chuyện dựng đứng tạo nên một thực tế khó mà chối cãi được. Lúc nào nó cũng để lại một cái gì đó. Nếu người ta loan tin đồn một vị linh mục nào đó có con, dù cho tin đồn không căn cứ, thì người ta không thể nào nhìn ông mà không có thành kiến.

Rất nhiều người chạy theo ảo tưởng và tin đồn. Họ cho những gì họ tưởng tượng trong đầu là sự thật, những gì người khác nói là thật, rồi tin vào đó. Chúng ta tạo nên hình ảnh của một người, nghĩ về họ, nhưng sự thật người này không có một nét nào giống với sản phẩm tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta nhìn người khác theo ý tưởng chúng ta dựng lên. Nếu chúng ta đưa họ lên trời thì họ làm bất cứ cái gì, dù ngu xuẩn nhất, chúng ta cũng cho là tuyệt vời, ngoại hạng, phi thường. Ngược lại, nếu chúng ta nhìn họ qua cặp mắt kính giận dữ, tuyệt vọng thì lúc đó họ sẽ là người yếu đuối, dối trá, vô tâm, đạo đức giả... Tóm lại, muốn sống cho công chính ở thế gian này, quan trọng là phải xem xét các phóng chiếu, các tri thức của mình, nhìn con người và sự việc dưới ánh sáng của Chúa. Chỉ có lúc đó, chúng ta mới có cái nhìn công chính đối với người và việc và khi đó chúng ta mới ứng xử tự do được. Lúc đó, sự việc không còn làm thương tổn chúng ta, bởi vì chúng không đối nghịch chúng ta như chúng ta vẫn thường nghĩ. Đó cũng là cách lý luận của người bị bệnh tưởng, lúc nào họ cũng nghĩ có người ám hại mình: họ chăm chăm nghĩ ai cũng muốn hại họ trong khi chẳng ai chú ý đến họ. Pascal Bruckner đã thu gom đầy đủ các ví dụ về chứng truy hại này, đương sự tự tạo cho mình một sự thật riêng bởi vì họ từ chối đứng trước thực tế, họ muốn mình là nạn nhân.

7) Các biên giới của tự do và lương tâm

Tự do bao gồm trong điều này: biết đâu là biên giới của mình, phân biệt rõ ràng giữa người và mình. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh tự do này trong đoạn phúc âm thánh Mác-cô: 3, 1-6, Chúa Giêsu không để cho người Pha-ri-sêu ngăn công việc của ngài: giải phóng và chữa lành. Chúa kêu người bại tay ra đứng giữa và khiêu khích người Pha-ri-sêu khi hỏi họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3: 4). Họ phải cho ý kiến. Khi họ cho ý kiến, rõ ràng là ý tưởng của họ về Chúa và về con người đều sai lầm, nhất là làm thương tổn đến con người. Chúa Giêsu cho thấy cách nhìn của họ sẽ giết hại con người. Nếu tôi xem con người là nô lệ cho lề luật, nếu tôi cho lề luật là tuyệt đối, cuối cùng tôi sẽ hành động không đúng, bởi vì tôi giết người, tôi không cho họ một cơ hội để sống. Nhưng người Pha-ri-sêu im lặng. Họ không có can đảm nói lên quan điểm vô nhân đạo của họ, làm như vậy, họ sẽ tự tố họ. Ngược lại, khi họ im lặng, họ muốn làm cho Chúa Giêsu bối rối. Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu thật thượng thừa. Sự im lặng của họ không làm Chúa Giêsu nhường bước. “Giận dữ và buồn khổ”, người rảo mắt nhìn từng người một. Sự phẫn nộ tạo nên khoảng cách giữa Chúa Giêsu và những người khác để Người tự do hành động. Trong cơn giận, Người nêu bật cái khác biệt giữa Người và người khác: “Đây là bạn với vấn đề của bạn, với tấm lòng chai cứng, với sự cứng ngắt, với nổi sợ, với tính hẹp hòi của bạn. Và đây là tôi, tôi là người cảm nhận được sứ mệnh Thiên Chúa giao cho là chữa lành người này.” Chúa Giêsu hành động một cách tự do bởi vì Người vạch một biên giới rõ ràng giữa Người và những người Pha-ri-sêu, không lấy vấn đề của họ làm vấn đề của mình. Người phân biệt rõ giữa đương sự và vấn đề của họ. Chúa Giêsu chống sự cứng lòng của họ nhưng Người xem họ là những con người. Điều đó diễn tả qua việc Người cảm thấy buồn, tiếng Hy Lạp chữ syllypoumenos có nghĩa là “đau khổ với, cảm nhận với.” Chúa Giêsu không cắt đứt liên lạc của Người với những người này. Người cảm thấy mình liên kết với họ. Người buồn vì thấy họ bị lòng chai đá ràng buộc đến không còn tự do, không còn là con người thật của mình. Sự tự chủ trong hành động của Người là dấu hiệu tự do nội tại của Người. Chúa Giêsu không để cho người Pha-ri-sêu có quyền trên Người, dù cho sau này họ lập mưu giết Người. (Mc 3, 6)

Lời giảng dạy của triết gia Épictète và sau đó là các Giáo Phụ của Giáo Hội tiếp tục hướng dẫn chúng ta bây giờ cũng như đã từng dạy dỗ cho người đời xưa. Bây giờ cũng vậy, chúng ta cũng khát nguyện được tự do nội tại. Làm sao trong nghịch cảnh, chúng ta giữ được nhân phẩm? Chúng ta có hoàn toàn bị số phận chi phối, bị những biến cố bên ngoài đè bẹp hay phần lớn những gì xảy đến với chúng ta tùy thuộc vào chúng ta, vào cách chúng ta sống đời sống nội tâm, vào cách chúng ta xử lý vấn đề? Làm sao tôi có thể cảm thấy tự do trong lòng khi sống trong một xã hội chỉ đánh giá tôi qua hiệu năng của tôi? Tôi phải đi ra khỏi xã hội này hay tôi cảm thấy được tự do nội tại trong nghề nghiệp của tôi, tự do đối với những tiêu chuẩn người khác dùng đánh giá tôi. Tôi thường nghe người ta than phiền, sống trong xã hội này, họ không thể nào sống như họ muốn. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi cụ thể, thì hiển nhiên những người này cũng dùng cùng các tiêu chuẩn của xã hội này. Họ muốn được tự do, đương nhiên, nhưng họ cũng muốn địa vị của họ khá hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, được người khác mến mộ hơn. Như thế, họ không thể nào có được tự do hoàn toàn. Một người cha gia đình cần tiền lương để nuôi sống gia đình, tuy nhiên ông cũng không được để nhu cầu tài chính này lấy đi tự do nội tại của ông.

Chúng ta chỉ có được tự do khi chúng ta suy nghĩ đúng cuộc đời này phải như thế nào. Nếu tôi không quan tâm đến thăng tiến nghề nghiệp, đến kiếm nhiều tiền thì lúc đó tôi sẽ có tự do nội tại. Tôi có thể chiến đấu để hãng tôi có những cơ cấu tốt, tôi có thể bơi ngược dòng. Tôi làm được vì tôi không tìm bản sắc của tôi nơi phản ứng của chủ hay nơi sự đồng ý của người khác nhưng từ Chúa. Nếu tôi biết bám rễ vào Chúa, tôi sẽ có tự do, tôi sẽ không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về tôi hoặc lo lắng mình không được họ chấp nhận. Đương nhiên tôi phải ý thức các giới hạn của tôi và phải hành động một cách thông minh. Tôi không thể chống tất cả mọi người như Đồng Qui-Xốt. Tôi phải lượng định phần tự do của tôi, xem lòng tin tưởng vào Chúa sẽ dẫn tôi đi đến đâu. Nhưng thường thường, những người có được tự do sẽ không đi tranh đua với người khác, về lâu về dài họ sẽ là người đứng vững với thế giới bên ngoài. Ai phản đối lại cấp trên một cách hợp pháp thì thế nào cũng sẽ được cấp trên tôn trọng. Ngược lại, nếu cấp trên không chấp nhận, cho nghỉ việc vì bị chỉ trích ngay thẳng và chân tình, thì cấp trên đó không xứng đáng để mình ở lại phục vụ, mình sẽ bị mất tự do. Chỉ trong tự do, tôi mới sống đúng nhân phẩm của tôi. Thường xuyên gò mình để được người khác cho là tốt và để leo lên bậc thang cao hơn trong nghề nghiệp sẽ làm mình mất tự do và nhân phẩm, sẽ thay đổi con người của mình và sẽ làm mình bệnh về mặt thể xác cũng như tinh thần.

8) Tự do và đam mê của con người

Một khía cạnh quyết định của đời sống kitô không được Épictète bàn đến đủ. Đương nhiên ông nói đến việc con người quan tâm để sống đủ bởi vì con người có thể tìm thấy một tia sáng thần thánh trong lòng mình. Tuy nhiên khía cạnh yêu đến mức có thể hy sinh mình cho người khác, giống như Chúa Giêsu làm gương, chỉ có một chỗ hạn chế trong tư tưởng của ông. Vì thế, những người kitô đầu tiên, vừa theo tư tưởng tự do của phái khắc kỷ, vừa giải thích nó theo một cách mới vì chính Chúa Kitô đã giải phóng để đưa họ đến tự do. Nếu chúng ta nhìn gương hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta thoát khỏi tình trạng tự khép kín và sẽ được tự do để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có thể hy sinh vì tình yêu cho người khác. Ai thương, trước tiên hết, người đó phải tự giải thoát mình trước. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không bị người họ yêu thương làm đau khổ, vì chính ra tình thương lại làm cho mình mỏng giòn. Không có tình yêu nào mà không đau khổ. Nhưng tổn thương trong một tình yêu đích thực thì không giống với tổn thương do chính mình gây cho mình. Hơn nữa, tình yêu thường vén mở cho chúng ta thấy căn bệnh cũ đã làm chúng ta đau nhưng nó cũng chữa lành các vết thương hiện tại.

Tự do nội tại là tự do dẫn đến tình yêu, giải phóng mọi chai đá, mọi khép lòng và ước muốn riêng của mình. Tự do trong yêu thương đòi hỏi điều kiện tự do mà triết gia Épictète nói: giải thoát khỏi những điều sai mà chúng ta nhìn về thế gian này, có nghĩa là nô lệ cho những đam mê như giận dữ, buồn bã, sợ hãi, ghen tuông. Là người kitô, ngày nay chúng ta còn phải học hỏi ở triết gia Épictète cách để giải phóng chúng ta, để chúng ta có một cái nhìn đúng về tự do, về sự tùy thuộc của chúng ta vào thế gian này – diễn tả qua các đam mê. Nhưng mục đích tự do của chúng ta là ở chỗ khác. Nơi triết gia Épictète, mục đích tự do là để có được bình an nội tâm và tâm hồn không bị rối loạn. Hiểu theo một nghĩa tuyệt đối, điều này có thể dẫn đến việc quay vòng vòng chung quanh mình, yêu mình một cách quá độ. Đối với người kitô, mục đích của tự do là tình yêu để mình có thể hy sinh mình, để người khác có thể làm mình thương tổn. Nhưng mục đích muốn có ở đây không phải là tình yêu kềm cặp, đè nặng làm chúng ta đôi khi phải từ chối yêu thương. Đúng hơn, đây là tình yêu để chúng ta tự do phục vụ một người hay một nhóm, vẫn phục vụ mà vẫn tự do trong giới hạn của mình, có thể nói “không” nếu cần phải nói.

Tôi biết có nhiều vị mục sư để cho tình thương vùi dập họ. Họ cảm thấy bắt buộc phải đáp ứng tất cả mọi yêu cầu, mọi mong chờ của cộng đồng. Họ nghĩ làm như vậy là bắt chước cách yêu thương của Chúa. Trên thực tế, trong tình yêu của họ, họ không được tự do như Chúa. Dùng tự do của mình, Chúa tách biệt loài người ra để ở gần với Chúa Cha. Người không bao giờ cảm thấy buộc phải đáp ứng tất cả mọi yêu cầu. Chúng ta thấy rõ trong cách Chúa đối xử với người phụ nữ Sy-rô-phy-ni-xiên, bà nghĩ mình chạm vào áo Người là có thể được lành. Thường thường tình yêu của chúng ta không đến từ tự do nội tại mà do áp lực làm vừa lòng mọi người, được mọi người cho là tốt, lâu ngày áp lực này sẽ làm chúng ta nhức đầu; khi tình yêu có nguồn cội ở tự do nội tại thì chúng ta không cảm thấy nhức đầu. Thân xác là biểu nhiệt kế đúng nhất để đo tính xác thực của tự do, nó cho thấy việc làm của chúng ta được quyết định bởi những đòi hỏi bên ngoài, bởi nhu cầu muốn mọi người thấy mình tốt, được biết đến, hoặc sợ làm người khác thất vọng, không được họ ủng hộ. Nếu tình yêu chúng ta đến từ những nhu cầu riêng của mình, đến từ mong chờ cấp thiết của người khác thì lúc đó chúng ta sẽ tự làm khổ mình. Đó là những ý tưởng sai chúng ta có về sứ vụ của mình chứ không phải chính sự vụ làm tổn thương chúng ta.

--- o0o ---

Trở Lên Trên