Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 20 : Hội Đồng Công Tọa và hối lộ
Mt 28

Ngôi mộ trống.

 

Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: Thiên Thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như người đã nói. Các bà đến xem chỗ người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay." Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừnhận biết g, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.

Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ. Và kìa Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: "Chào chị em!" các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ lên Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."

Các thượng tế lừa đảo.

 

Các bà đang đi, thì kìa mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: "Các anh em hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.

Đức Giêsu hiện ra tại Galilê,
Và sai môn đệ đi đến với muôn dân

 

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Qua truyền thống tranh ảnh Phục Sinh, hình ảnh Đức Giêsu sống lại, ra khỏi mồ một cách vinh quang, tay cầm cờ thập giá, trước sự tán dương của các thiên thần và kinh hãi của các người giữ mộ. Đây là cách vẽ phóng túng theo ngụy thư của thế kỷ thứ hai (Phúc âm thánh Phêrô, 36-40), không có trong bốn phúc âm được Giáo-Hội công nhận là đích thực. Các thánh sử không tả giây phút sống lại của Đức Giêsu, mà chỉ tả sự việc xảy ra sau đó: nếu không có ai làm chứng cho việc sống lại, thì tất cả mọi người có thể trở nên Giêsu sống lại.


Trong phúc âm thánh Mát-thêu, hai người đàn bà là hai nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ với người sống lại, "Maria Mác-đa-la và bà Maria khác" (mẹ ông Gia-cô-bê và ông Giuse), đã được giới thiệu như những người "đã theo Đức Giêsu từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người" và làm chứng cho việc đóng đinh và mai táng Người (Mt 27:25-26). Trong khi hai môn đệ đàn bà đang đứng gần mộ, "đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ Trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên." "Thiên thần Chúa", một thành ngữ chỉ định hành động của Thiên Chúa khi Người muốn đối thoại với nhân loại (Xh 3:2-6), đã xuất hiện từ đầu trong phúc âm thánh Mát-thêu để loan báo việc Chúa ra đời và sau đó để bảo vệ Chúa Hài Đồng chống các âm mưu giết người của Hê-rô-đê (Mt 1:20-24; 2;14).

Việc can thiệp thứ ba và cuối cùng này của thiên thần nhằm xác định, một khi sự sống đến từ Thiên Chúa, thì nó không thể bị hủy diệt được. Đất rung chuyển kèm theo việc thiên thần xuống là một trong các dấu hiệu đi trước các thể hiện của Thiên Chúa trong Cựu Ước: sách Xuất Hành viết trước khi Yavê xuống núi Sinai "tất cả núi đều rung chuyển mạnh" (Xh 19:18). Trận rung chuyển này cũng đi trước việc tiết lộ thần thánh, cũng như lúc Đức Giêsu trút linh hồn và "đất rung chuyển" (Mt 27:51): cái chết của Đức Giêsu vén mở cho thấy tất cả tình yêu của Thiên Chúa, sự sống lại của Người thể hiện tất cả hệ quả của tình yêu trung thành này.

Người chết thì sống, người sống thì chết

 

Thiên thần đến lăn tảng đá phân chia dứt khoát thế giới của người chết và người sống và ngồi lên trên, trong thái độ tiêu biểu của người thắng trận (Kh 3:21): sự sống lại của Đức Giêsu, là sự thất bại chung quyết của cái chết. Một cách tương phản, sự xâm nhập bất thần của sự sống trở thành một kinh nghiệm chết chóc đối với những người canh giữ mộ: thay vì được tràn đầy sự sống do công việc của Thiên Chúa làm trên sự sống, thì những người lính canh này "hóa ra như chết". Đã không có sự sống trong họ, không những họ không cảm nhận được sự sống khi sự sống thể hiện, mà họ còn bị dìm sâu "trong nơi tăm tối và trong bóng tử thần" (Lc 1: 79). Họ tự gạt họ ra khỏi việc loan báo của Thiên Thần. Không màng đến những người lính canh quá sợ đến ngất xỉu khi Thiên Thần hiện ra, Thiên thần chỉ trấn an hai bà: "Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói." Và thiên Thần giao cho họ nhiệm vụ đi loan báo lại cho các môn đệ, Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông: ở đó, các ông sẽ thấy Người.

Một khi đã hiểu không thể tìm người sống giữa những người chết (Lc 24:50), hai người đàn bà vội vàng rời ngôi mộ, càng đi xa ngôi mộ, nổi sợ của họ càng biến mất, thay vào đó là vui mừng lớn lao vì gặp Đức Giêsu. Nhìn ngôi một trống, cũng như các người lính canh cũng thấy ngôi một trống, chưa cho các nữ môn đệ này tin vào sự sống lại, nhưng khi gặp Đức Giêsu sống và linh hoạt đón gặp các bà và nói: "Chào chị em" (Mt 28:9), thì khi đó họ mới tin vào sự sống lại. Thành ngữ này, chỉ xuất hiện hai lần trong phúc âm thánh Mát-thêu, đoạn kết thúc bài giảng Tám mối phước thật :"Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế." (Mt 5:12) Lời đầu tiên khi Đức Giêsu sống lại là lời nhắc lại phần thưởng cho những ai trung thành với tám mối phước thật, dù cho có bị bách hại. "Phần thưởng" này là sự sống có khả năng thắng cái chết, như từ nay chúng ta nhận thấy điều này nơi Đức Giêsu, xác nhận cho các bà những gì Thiên thần đã nói cho họ; nếu các môn đệ muốn gặp Người, thì họ phải tới Ga-li-lê.

Việc cần thiết phải đến Ga-li-lê, được nhắc lại ba lần trong đoạn kể việc Chúa sống lại, nhằm để nhấn mạnh cuộc gặp gỡ ở vùng này, không bao gồm khía cạnh lịch sử. Sự thiếu mạch lạc trong bản văn đến từ sự việc, dù Đức Giêsu đã chết, chôn, sống lại ở miền nam, đất Giuđê, Giê-ru-sal-em, các môn đệ đang ở trong vùng này, nhưng Thiên Thần lại bảo, muốn gặp Người, phải lên miền bắc, ở Ga-li-lê: tại sao phải đi hơn cả trăm cây số, và nhấn mạnh ba hay bốn lần sự quan trọng phải gặp Đức Giêsu sống lại? Trong phúc âm thánh Lu-ca và thánh Gio-an, Đức Giêsu hiện ra tại Giê-ru-sa-lem ngay ngày Người sống lại: :Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" (Ga 20:19; Lc 24:36) Cũng như thánh Mát-thêu, phúc âm thánh Mác-cô nói đến buổi hẹn ở Ga-li-lê (Mc 16:7), nhưng sau đó, thánh Mác-cô thêm vào các đoạn xuất hiện viết rằng chính ngày sống lại, Đức Giêsu "tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một, đang khi các ông dùng bữa." (Mc 16:14).

Như thế, Mát-thêu là thánh sử duy nhất nói đến Ga-li-lê cho điều kiện hiện ra của Đức Giêsu sống lại (Mt 26:23), một chỉ dẫn không bao gồm lộ trình địa dư nhưng là con đường đức tin. Cũng như các bà chỉ gặp Đức Giêsu sau khi họ đã rời xa ngôi mộ, các môn đệ cũng phải hiểu, nếu họ muốn gặp Chúa, họ phải từ bỏ Giê-ru-sa-lem, thành phố của sự chết, thành phố "giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được Thiên Chúa sai đến với nó." (Mt 23:37) Theo thánh sử Mát-thêu, Đức Giêsu không hiện ra ở Giê-ru-sa-lem một lần nào hết. Vì vậy, các môn đệ lên Ga-li-lê, và dù Đức Giêsu không chỉ định chính xác nơi gặp gỡ, họ "đến ngọn núi Đức Giêsu truyền cho các ông đến." (Mt 28:16)

Cũng như Ga-li-lê, "ngọn núi" (không có tên) không phải là một địa danh lịch sử nhưng có tính cách thần học. Ngọn núi duy nhất ở Ga-li-lê mà thánh sử Mát-thêu nhắc đến, là ngọn núi nơi đó, qua các mối phước thật, Đức Giêsu tuyên xưng chương trình nước trời của Thiên Chúa. Thánh sử muốn làm cho chúng ta hiểu, để gặp Đức Giêsu sống lại, phải lấy thế giới các mối phước thật là thế giới của mình và phải đem ra thực hành (Mt 5:1-10). Biết được Đức Giêsu sống lại không phải là việc ưu tiên dành cho một chục người cách đây hai ngàn năm, nhưng là một khả năng rộng mở cho các tín hữu ở mọi thời đại. Cái nhìn của Thiên Chúa không phải là phần thưởng dành cho tương lai, nhưng là một kinh nghiệm sống liên tục, mỗi ngày, hiện tại cho những ai "có tâm hồn trong sạch", những người rõ ràng và trong suốt, được cho là có phúc vì họ "sẽ thấy", bởi vì họ sẽ chứng nghiệm được Thiên Chúa một cách thường xuyên trong cuộc đời của họ (Mt 5:8).

Có mười một môn đệ. Giuđa vắng mặt, người mà "thà đừng sinh ra thì hơn" (Mt 26:24). "Ngọn núi" là nơi cho những ai chấp nhận các mối phước thật, đã chọn, trong tinh thần nghèo khó, chia sẽ một cách quảng đại những gì họ có và con người của họ. Giuđa không thể ở đó. Ông ta, "thằng ăn cắp" (Ga 12:6), là người thờ "Thần Tài", mà việc thờ cúng thật tàn nhẫn, thường xuyên đòi hỏi con người hiến vật cho nó. Với ba chục đồng bạc, giá của một người nô lệ, Giuđa đã bán Đức Giêsu và bán chính mình. (Mt 26:14-16; St 21:32). Vì tiền, Đức Giêsu gặp cái chết thể lý, còn Giuđa, "đứa con hư hỏng" (Ga 17:12) cũng vì tiền, đi đến việc hủy diệt vĩnh viễn con người của mình, chìm sâu trong cái chết đời đời (Mt 10:28; 27:3-10).

Các thượng tế của "Thần Tài"

 

Trong khi các bà mang sứ điệp của sự sống, thì các người lính canh cũng mang một sứ điệp, nhưng sứ điệp của sự chết. Các bà sẽ đến gặp các môn đệ, mà lần đầu tiên và từ nay, Đức Giêsu gọi họ là "anh em", bởi vì họ "thi hành ý muốn của Cha" (Mt 12:50). Các người lính canh đến gặp các kẻ thù của Người, những người thi hành "các ước muốn của cha họ, là ma quỷ, ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân" (Ga 8:44). Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Các người lính canh, sau khi được hối lộ một "số tiền lớn", "làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến cho người Do Thái đến ngày nay." Lính canh là những người La mã làm việc cho quan tổng trấn. Họ là những người thống trị đất Pa-lét-tin: những người xâm chiếm này lại bị chinh phục bởi "một số tiền đáng kể". Chuẩn bị sẵn để phản bội quan tổng trấn, để thề dối, chỉ vì một chút tiền, các người lính canh này thật sự là những tên lính đánh thuê, sẵn sàng bán con người mình cho ai trả giá cao nhất.

Đoạn các người lính canh bị mua chuộc chỉ thấy trong phúc âm thánh Mát-thêu, nơi tiền bạc luôn luôn ở dưới ánh sáng của thảm họa, và như dụng cụ của thần chết trong tay của kẻ thù của Thiên Chúa, trong tay "Thần tài", thần-trục-lợi. Với tiền bạc, các thượng tế chiếm được Đức Giêsu, do Giuđa phản bội và bán Người; với tiền bạc, bây giờ họ thử tìm cách ngăn việc loan báo Đức Giêsu sống lại. Đức Giêsu đã nói không thể cùng một lúc "thờ Thiên Chúa và Thần tài." Nếu, đứng trước lựa chọn giữa hai khả năng, "các người Pha-ri-sêu, vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy thì cười nhạo Đức Giêsu" (Lc 16:13-14), các thượng tế, họ cũng không ngần ngại chọn vị thần nào để họ phục vụ. Họ sẵn sàng chọn "Thần tài", vị ngụy thần áp bức và mang đến cái chết. Ai thờ tiền thì không thể nào là chứng nhân của sự sống lại, nhưng chỉ là một trong những người bị loại. Giuđa, vì tiền đã phản bội thầy của mình, còn các vị thượng tế, vì tiền đã phản bội Thiên Chúa.

Các vị thượng tế và các người Pha-ri-sêu giấu sự thật để bảo vệ đặc quyền của mình, Họ xem Đức Giêsu là "tên bịp bợm" và sự sống lại là một "chuyện bịp" (Mt 27:63-64) vi phạm điều mà các thánh sử gọi là "tội nói phạm thượng đến Thần Khí" (Mt 12:31-32). Hội đồng công tọa, đã họp để lên án tử hình Đức Giêsu (Mt 26:3.59; 27:1.7.62), bây giờ lại họp để ngăn chận việc loan báo Người sống lại. Và thánh sử Mát-thêu kết thúc trên sự tương phản sắp đặt giữa hai lời "giáo huấn": trong lúc những lời cuối cùng của nhà cầm quyền tôn giáo ra lệnh cho các người lính canh giấu đời sống của người sống lại, thì lời giáo huấn cuối cùng của Đức Giêsu nói với các môn đệ nhắm đến một đời sống không hủy diệt cho toàn nhân loại: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần." (Mt 28:19)