Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 18 : Quả tim người mẹ
Mt 20: 17-34

Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đưa nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: « Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy. »


Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: « Bà muốn gì? » bà thưa: « Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy. Đức Giêsu bảo: « Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? » Họ đáp: « Thưa uống nổi. » Đức Giêsu bảo: « Chén của Thầy, các ngươi sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được. »

 

Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: « Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. »

 

Khi Đức Giêsu và môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-cô, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa có hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Đức Giêsu đi ngang đó, liền kêu lên rằng: « lạy Ngài, lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương chúng tôi! » Đức Giêsu dừng lại, gọi họ đến và nói: « Các anh muốn tôi làm gì cho các anh? » Họ thưa: « Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra! » Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc họ nhìn thấy được và đi theo Người.

 

Trong bốn bà mẹ được nêu lên trong phúc âm của thánh Mát-thêu, bà là người duy nhất thánh sử không nêu tên, và khi nhắc đến bà, người ta không nhớ bà là vợ ông Dê-bê-đê mà chỉ nhớ bà là mẹ của các con trai bà. Người đàn bà này chỉ sống cho các con, và bà chỉ được biết đến như « mẹ của các con ông Dê-bê-đê (Mt 20:20). Bà cũng được nhắc đến như một người trong nhóm các bà « đã đi theo Đức Giêsu từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người » (Mt 27:55). Nhưng mục đích tối hậu của việc giúp đỡ này thể hiện qua việc can thiệp, cho thấy tham vọng ấp ủ lâu ngày và làm cho người đàn bà này có một hình ảnh tiêu cực trong phúc âm thánh Lu-ca, một thánh sử nêu cao vai trò phụ nữ trong phúc âm của người, đáng lý người nên kiểm duyệt cắt bỏ đoạn này.

Đức Giêsu lên Giê-ru-sa-lem và đây là lần thứ ba Người tìm cách làm cho các môn đệ hiểu chương trình của Người: « Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy. » (Mt 20:18-19) Đức Giêsu không thể nào nói rõ hơn: lên Giê-ru-sa-lem, Con Thiên Chúa sẽ không mang mủ triều thiên của Đền Thánh, nhưng bị đóng đinh vào thập giá, nơi người sẽ chết như một kẻ « chúc dữ của Thiên Chúa » (Đnl 21:23; Gl 3:13). Đức Giêsu tìm cách làm cho các môn đệ biết Người không lên Giê-ru-sa-lem để cất đi quyền lực của những người đang giam giữ Người, nhưng để bị giết bởi những người đại diện cho Thiên Chúa và cho Xê-da. Hai lần khác, Đức Giêsu cũng tìm cách làm cho các môn đệ hiểu ý nghĩa của việc lên Giê-ru-sa-lem, nhưng các môn đệ không nắm vững được. Lần đầu tiên là lần bị ông Phê-rô dứt khoát xua đuổi, ông không đánh giá cao chút nào chương trình chết chóc này (Mt 16:21-23). Lần thứ nhì, trong thoáng chốc các môn đệ tỏ vẻ lo lắng, sau đó viễn cảnh họ còn sống nhưng không có người lãnh đạo đã tạo nên một cuộc tranh luận xem ai là người được thần hứng của nhóm: « Ai là người lớn nhất trong nước trời? » (Mt 18:1) Lần thứ ba này, lời tuyên bố của Đức Giêsu về cái chết gần kề và sự sống lại, bị gián đoạn vì hành động không thích ứng cuả một người đàn bà: « Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin. »

Thánh sử nhấn mạnh đến cử chỉ quỳ gối trước mặt Đức Giêsu, nhưng thật sự, cách bái quỳ này chỉ là một cử chỉ khiêm tốn che giấu ước muốn nâng cao lên hơn các người khác. Thật thế, lời cầu xin có tính cách ra lệnh của người đàn bà là: « Hãy ra lệnh cho hai con tôi, một đứa ngồi bên hữu, một bên tả Người trên nước trời. » Lời cầu xin này cho thấy bà mẹ, và hai đứa con đi theo bà, hoàn toàn không nghe những gì Đức Giêsu vừa loan báo; mù quáng, bà đang ở trong giấc mơ vinh quang của bà « vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu, Mt 13:14). Ngồi bên hữu, bên tả một người có nghĩa là có cùng quyền lực với người đó (1V 2:19). Bà vợ của ông Dê-bê-đê muốn các con bà có một sự nghiệp huy hoàng, đòi Đức Giêsu tuyên bố ngay lập tức chức vị của Gia-cô-bê và Gio-an như những bộ trưởng trong nước của Người. Bình giảng đoạn này, thánh Giê-rôm không đếm xỉa tới sự can thiệp của bà mẹ các con ông Dê-bê-đê, điều người cho là « do sự sốt ruột, một tính tiêu biểu của nữ tính..., một sai lầm của người đàn bà bị tình mẫu tử điều khiển ». Bà mẹ nào mà không muốn con mình có địa vị... Nhưng bà không biết bà đang đưa các con đến chỗ mất địa vị và làm nhóm môn đệ tan rã.

Thay vì trả lời cho người đàn bà, Đức Giêsu quay trực tiếp về hai môn đệ và hỏi họ có đồng ý với lời cầu xin của bà mẹ, có ý thức những khó khăn to lớn mà họ phải chạm trán khi muốn ở bên cạnh Người và sẽ trở thành hiện thực trong việc Người bị lên án tử hình không. Đối thoại diễn ra trong trạng thái lập lờ. Đối với các môn đệ, « ngồi bên hữu và bên tả » có nghĩa là chiếm những chỗ đầu tiên trong dinh thự; đối với Đức Giêsu, đó là khả năng đối diện với sỉ nhục và một cái chết ô nhục: « Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không? » hai môn đệ tự phụ, sẵn sàng tiếp nhận tất cả để có được quyền lực, đã hiên ngang trả lời, không một chút nghi ngờ: « Thưa uống nổi. » Đây chỉ là vấn đề thời gian. Trong vài ngày nữa, trong bữa ăn với Đức Giêsu, họ sẽ khẳng định một cách anh hùng, họ sẽ cùng chết với Người (Mt 25;35), nhưng ngay lập tức sau bữa ăn, ở vườn Giết-sê-ma-ni, cuối cùng khi họ đối diện « cái chén » sắp uống, họ sẽ tỏ cho thấy họ là những người nhát gan, chỉ mạnh trong khả năng không hiểu biết của họ. Đức Giêsu yêu cầu họ ở lại với Người trong những giây phút kinh khủng trước khi Con Người bị bắt « như tên cướp, với gươm giáo gậy gộc » (Mt 26;55), họ sẽ trả lời bằng cách ngủ say sưa, nhưng lại sẵn sàng dậy ngay lập tức khi vừa có dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên đe dọa mạng sốngï, họ chạy trốn như những con thỏ hèn nhát: « Tất cả môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết » (Mt 26:56) mà trước đó, Người đã nói: « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo » (Mt 16:24) nhưng khi đến nơi chịu đóng đinh, bên hữu bên tả Đức Giêsu, không phải là các môn đệ này, mà đúng hơn là « hai tên cướp. » (Mt 27:38)

Trong lúc đó, lời đề nghị của bà mẹ các môn đệ đã tạo ra phản ứng tức khắc cho tranh chấp nội bộ giữa những người theo Đức Giêsu, « mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó », không phải vì hậu ý của họ, nhưng vì lý do tranh chấp trước đây, mà mọi phương tiện đều cho phép để chiếm những chỗ quan trọng nhất (Mt 18:1). Tất cả môn đệ đều tin chắc đang đi theo một Đấng Thiên Sai chiến thắng trên con đường khải hoàn. Và với một lòng kiên nhẫn thần thánh, Đức Giêsu thử làm cho họ hiểu thêm một lần nửa Người là ai và những gì Người muốn làm, và rằng nước trời của Người không phải là nước trời của họ tưởng tượng. Ý tưởng nước trời của họ xây dựng trên quyền lực và thống trị không những làm cho họ xa nước trời của Đức Giêsu loan báo, mà làm cho họ giống như người lương dân cai trị bởi các thủ lãnh và thượng cấp có quyền lực. Rồi Đức Giêsu báo cho họ biết cộng đoàn của Người sẽ không mượn cơ cấu quyền lực đã có sẵn của xã hội: « Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. » Đức Giêsu đã giảng dạy cho họ « trò được như Thầy đã là khá lắm rồi » (Mt 10:25), và bây giờ Người yêu cầu họ học ở Người « đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. » (Mt 20:28)

Những cột trụ mù quáng

 

Tiếp theo lời yêu cầu của bà mẹ Gia-cô-bê và Gio-an và việc đụng chạm với mười môn đệ còn lại, thánh sử viết một đoạn rất quan trọng, bởi vì đây là việc chữa lành cuối cùng của Đức Giêsu, một cơ hội cuối cùng để nhận từ Người sự sống trước khi Người bị chết. Hai nhân vật chính ở đây là hai người mù. Qua hai nhân vật này, thánh sử muốn thể hiện thái độ mù quáng của Gia-cô-bê và Gio-an, mà do tham vọng quyền lực hướng dẫn, họ không « thấy » con đường theo thánh ý Thiên Chúa của Đức Giêsu. Trong lúc Đức Giêsu tự xem mình như một người phải đối diện với những lời vu cáo và bách hại, Người mời các môn đệ chạm trán một cách anh dũng thái độ khinh thường của xã hội « chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà » (Mt 10:25), những người mù này là hình ảnh của các môn đệ, không có khả năng để thấy, thay vì đi theo Đấng Thiên sai « bị rẻ rúng trong chính quê hương mình và trong gia đình mình » (Mt 13:57), họ đuổi theo giấc mơ danh vọng.

Để làm dễ dàng việc nhận diện hai môn đệ đầy tham vọng với hai người mù, qua phong cách viết văn khéo léo, thánh sử để tất cả môn đệ biến mất trong câu chuyện, chỉ để lại hai người mù và đám đông. Rồi thánh sử ghi một loạt chữ cho phép độc giả nhận thấy hai con ông Dê-bê-đê trong hai người mù. Gia-cô-bê và Gio-an đã yêu cầu ngồi bên hữu và bên tả người trên nước trời. Hai người mù cũng ngồi, nhưng ngồi « ở vệ đường », một thành ngữ được dùng trong dụ ngôn người gieo giống của phúc âm thánh Mát-thêu (Mt 13:1-23). Như hạt giống gieo bên vệ đường, lời giảng dạy của Đức Giêsu bị mất vì tham vọng và ước muốn quyền lực « quỷ dữ »: Hễ ai nghe lời rao giảng Nước trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. » (Mt 13:19) Qua những hình ảnh này, thánh sử muốn chỉ cho thấy những ai bị tham vọng và quyền lực thống trị thì hoàn toàn ngang bướng với lời gieo-giảng của Đức Giêsu, cũng như hai môn đệ theo dõi giấc mộng làm lớn, trong khi Đức Giêsu nói đến cái chết: « Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. » (Mt 13:14)

Khi nghe Đức Giêsu đi ngang qua, hai người mù bắt đầu kêu lên: « Lạy Ngài, lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương chúng tôi! » Lời kêu này cho thấy lý do mù quáng. Hai người mù, cũng như các môn đệ biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, cũng như « con vua Đa-vít. » Người « con » trong truyền thống Do thái, có nghĩa là người giống người cha trong cách ứng xử. Các môn đệ là những người mù vì họ nghĩ Đức Giêsu là « con vua Đậvít », có nghĩa là Đức Giêsu sẽ là vua Ít-ra-en, sẽ thống nhất tất cả bộ lạc và sẽ bành trướng vương quốc, và cũng như vua Đa-vít, Người sẽ cho bạn hữu thân tín các địa vị quan trọng nhất (2Sm:15-18). Nhưng Đức Giêsu là « con Thiên Chúa hằng sống » (Mt16:16), chứ không phải là « con vua Đa-vít » (Mt 22:41-45). Trong chương trình dự định của Đức Giêsu, có một vương quốc, nhưng đó là vương quốc Thiên Chúa, chứ không phải vương quốc Ít-ra-en. Chính Đức Giêsu, người cũng nới rộng giới hạn của vương quốc, bằng cách cho sự sống cho người khác chứ không cất đi sự sống như vua Đa-vít, người thích đổ máu. Nếu Thiên Chúa không cho phép Đa-vít xây đền thờ cho Thiên Chúa, bởi vì hai tay ông « đã làm máu đổ quá nhiều » (1Sb 22:8), Đức Giêsu, nguồn của sự sống, qua máu của Người sẽ trở thành đền thờ của Thiên Chúa (Ga 2:19-21).

Đức Giêsu nói với hai người mù cũng cùng một câu mà Người nói với bà mẹ của hai môn đệ: (« Bà muốn gì? »): « các anh muốn tôi làm gì cho các anh? » Hai người mù-môn đệ xin Đức Giêsu cho họ thấy lại, và Đức Giêsu, được Thiên Chúa gởi đến « để mở mắt những người mù » (Is 42:6), « sờ vào mắt họ, tức khắc họ nhìn thấy được. » Các môn đệ bây giờ hình như có thể đi theo Người, chứ không phải chỉ đồng hành với Người; nhưng việc chữa lành của Đức Giêsu tỏ ra vô hiệu và con mắt đã được sáng ra lại quay về bóng tối: khi Đức Giêsu bị bắt ở vườn Giết-sê-ma-ni « mắt họ nặng trĩu » (Mt 26:43). Đức Giêsu đã yêu cầu Gia-cô-bê và Gio-an (cùng với Phe-rô) « canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ » (Mt 26:41). Ba nhân vật này, được coi là “cột trụ” của cộng đoàn, đã ngủ say sưa thay vì tĩnh thức và cơn cám dỗ đã lôi cuốn họ.