Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 14 : Ông thánh phạm thượng 
Ga 5: 1-18

Đức Giê-su chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bết-da-tha

 

Đức Giê-su chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bết-da-tha. Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giêsu lên Giê-ru-sa-lem. Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không? “Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát.

 

Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: “Anh hãy vác chõng mà đi!” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: “Vác chõng mà đi”? “Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! “ Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát. Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

 

Giữa sáu ngày lễ trong phúc âm thánh Gio-an, chỉ có một ngày lễ không được nêu tên, chỉ gọi là ngày lễ của “những người Do-thái” (Ga 5: 1), một thành ngữ thánh sử không chỉ định chung cho dân tộc Ít-ra-en nhưng cho các nhà cầm quyền tôn giáo và các nhà lãnh đạo dân chúng. Theo niên lịch của thánh Gio-an thì lễ không tên này có thể là lễ Ngũ Tuần nhắc lại việc ban bố Lề Luật trên núi Si-nai:” lễ Ngũ Tuần là ngày lề Luật được ban.” Thánh sử cho biết lễ diễn ra ở thành Giê-ru-sa-lem, nơi “hồ tắm” đúng hơn là hồ chứa nước mưa mà thánh sử gọi là hồ “Bết-da-tha.” Trong phúc âm thánh Gio-an, có ba lần thánh sử dùng các danh từ tiếng hê-brơ, và cả ba lần đều có liên hệ đến việc giết Chúa Giêsu: ở hồ nước “Bết-da-tha”, họ đã quyết định giết Chúa (Ga 5: 2-18); một hội đồng có tên là “Gáp-ba-tha” kết án Chúa (Ga 19: 13-16); và đồi “Gôn-gô-tha” nơi Chúa bị hành quyết (Ga 19: 17-18).

Thánh sử nói lễ này là lễ của “người Do-thái” là để nhấn mạnh lễ này dành cho những người lãnh đạo mà thôi, trong khi dân chúng thì được mô tả là gồm những người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt chứ không phải là dân chúng mừng lễ. Ngày mà các người lãnh đạo mừng Lề Luật là ngày mà thánh sử vạch ra cho thấy các kết quả của việc áp dụng Luật trên dân chúng. Trở thành công cụ để thống trị, Luật dùng để đè nén và làm hao mòn sức sống của con người, làm cho con người không còn khả năng thấy (mù), không còn tự lập (què quặt) và hết sức sống (bất toại). Không quan tâm đến nỗi khổ của dân chúng, họ mừng lễ và buổi lễ huy hoàng che giấu mặt trái của dân chúng đau khổ: “có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.”

Số 38 là con số làm nhớ lại thảm kịch Xuất Hành, từ lời hứa đem lại tự do đến sự thảm bại hoàn toàn bởi vì không một ai trốn khỏi Ai-cập lúc đó đến được đất tự do vì tất cả đã chết trong sa mạc: “Chúng ta đi ba mươi tám năm cho đến khi tất cả thế hệ các chiến sĩ biến hết khỏi trại, như Đức Chúa đã thề với họ.” (Đnl 2: 14) Cố ý dùng số 38 và không nói chính xác bệnh gì chứng tỏ tình trạng bất toại của người đàn ông này là tình trạng thê thảm của dân tộc, một dân tộc không hy vọng: như tổ tiên trong sa mạc, họ không có được tự do và nằm chờ chết. Đất hứa biến thành đất nô lệ. Hạnh phúc Chúa bảo đảm là ảo tưởng, luôn luôn xa vời, xa nguồn hy vọng, xa nguồn an ủi và biến thành thất vọng: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời! “ (Ez 37: 11)

Thiên Chúa, kẻ phá đám

 

Các người cầm quyền mừng lễ, lười biếng không chịu suy nghĩ vì đối với Chúa mừng lễ thật sự là “làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” (Is 1: 17) và mừng lễ không phải là những lễ lạc huy hoàng:

Ta chán ghét những ngày đại lễ của các ngươi.
Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta,
Ta không chịu nổi nữa.
Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn;
các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe.
Vì tay các ngươi đầy những máu. (Is 1: 14-15) 

Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
(Am 5: 23)

 

Chúa không nghe đàn ca xướng hát mà nghe “lời than của những người nghèo” (G 34: 28). Đấng Tạo Dựng không biết đến các nghi lễ của những kỳ mục Do-thái dâng lên, con mắt Người hướng về dân Người, nạn nhân hy sinh cho buổi lễ này: “Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu... “Chúa Giêsu thấy những gì nhà cầm quyền không thấy, lên tiếng trước “Anh có muốn khỏi bệnh không?” và khuyến khích họ đi trên con đường tự do: “Anh hãy trổi dậy, vác chõng mà đi!” Hành động của Chúa Giêsu thực hiện lời hứa Chúa săn sóc dân Người: “Ta sẽ chăn dắt đoàn chiên ta..., sẽ băng bó con nào bị thương và sẽ chữa lành con nào bị bệnh” (Ed 34: 1-31), theo sách tiên tri Ê-dê-ki-en, chống những kỳ mục Ít-ra-en chỉ biết lo cho mình và không chăn dắt đàn chiên, chiên đau yếu không làm cho mạnh; chiên bệnh tật không chữa lành, chiên bị thương không băng bó.”

Đoạn chữa lành người bất toại trong phúc âm thánh Gio-an là việc vi phạm đầu tiên trong hai việc vi phạm ngày nghỉ sa-bát của Chúa Giêsu. Thiên Chúa chấm dứt việc tạo dựng vào ngày thứ bảy, đó là sự thật không chối cãi mà không ai dám nghi ngờ. Chúa Giêsu đã nghi ngờ. Chúa Giêsu không đồng ý với tác giả sách Sáng Thế với học thuyết được dạy chính thức: “Ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2: 1) và Chúa Giêsu khẳng định: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc và tôi cũng làm việc.” (Ga 5: 17) Đối với Chúa Giêsu, không những việc tạo dụng chưa xong mà nó “sốt ruột ngóng chờ” ngày Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn để nhân lọi được làm “con Chúa” (Rm 8: 19). Đó là chương trình dự định của Chúa Cha mà Chúa Giêsu làm việc không ngơi nghỉ để mang đến cho mọi người hành động sống động của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu kéo dài việc Tạo Dựng qua hiệp thông với sự sống, dù trong ngày sa-bát, ngày mà mọi sinh hoạt bị cấm và sách Talmud còn cấm săn sóc kẩn cấp người bệnh: “Không được săn sóc cả một vết thương bị gãy, cũng không được ngâm nước lạnh.” Lại thêm một lần nữa, hành động của Chúa Tạo Dựng phá đám buổi lễ của Chúa Lập Pháp và buổi lễ phụng vụ được khử trùng cho sạch lại bị bôi bác bởi sự đột nhập của cuộc sống.

Ngôi đền tội lỗi

 

Người đàn ông bị cột chặt vào với cái chõng từ nhiều năm nay trở thành người tự lập “anh đi được” đã làm cho các kỳ mục giận dữ, họ phản ứng một cách tiêu cực trước việc anh lành bệnh. Đã không tỏ tình đoàn kết với người bệnh nay được khỏi hẳn và đi được trên đôi chân của mình, họ đe dọa anh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được vác chõng.” Đúng vậy, sự vi phạm luật của Chúa Giêsu kết thúc qua người bệnh khi anh này vác chõng đi, một công việc bị cấm vào ngày sa-bát. Không tuân giữ luật sẽ bị chết (Is 31: 14): “Hãy hết sức cẩn thận: đừng gồng đừng gánh mà đi qua các cửa thành Giê-ru-sa-lem trong ngày sa-bát.” (Gr 17: 21)

Trong đoạn kể, câu “vác chõng” được lặp lại bốn lần để nhấn mạnh sự kiện lay động nhà cầm quyền. Chúa Giêsu ra lệnh cho người bất toại: “Anh hãy trổi dậy, vác chõng mà đi.” Các người có quyền cũng ra lệnh cho người bất toại, nhưng ngược lại: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được vác chõng.” Vâng lời nhà cầm quyền thì người bệnh sẽ bị trói buộc trong cái bất toại của anh; đón nhận lời Chúa Giêsu sẽ làm cho anh có thể đi được trên đôi chân của mình. Vì lý do đó, bây giờ các nhà cầm quyền lưu ý đến tác giả chữa lành: “Ai đã bảo anh: Vác chõng mà đi?” Trên thực tế, điều họ lo lắng không phải là người bất toại vi phạm luật, nhưng đã có một ai đó thúc giục dân vi phạm luật, kèm theo thúc giục này là dấu chỉ của sự sống. Đối với đám đông, Chúa Giêsu chữa lành bệnh có thể là dấu hiệu từ trời và được dân chúng mong chờ từ lâu để giải phóng toàn dân: “chờ cho nước động”, thực hiện thị kiến của tiên tri Ê-dê-ki-a” thấy một cánh đồng “các xương khô chính là toàn thể nhà Ít-ra-en” và trên các xương khô này thần khí sẽ đem sự sống trở lại: “Chúng tôi được hồi sinh và đứng thẳng lên” (Ed 37: 10-11)

Trong lúc đó người được khỏi bệnh lại nhận lời cảnh báo nghiêm khắc: “Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn hơn trước.” Đối với thánh sử, ở lạïi trong ngôi đền là tự nguyện chấp nhận sự thống trị của đạo giáo và từ bỏ phong phú của cuộc sống mà Chúa Giêsu vừa ban, có nguy cơ còn tệ hơn bất toại: chết. Trong phần nói đầu của phúc âm thánh Gio-an, “tội” được coi như “tội của thế gian” (Ga 1: 29) là tự nguyện rời bỏ sự sống, quay về với bóng tối, bóng tối tượng trưng cho cái chết. Đối với các nhà kỳ mục cầm quyền tôn giáo, tội là vi phạm luật; đối với Chúa Giêsu, tội là đi ngược với sự sống. Đối với các kỳ mục tôn giáo, cái tốt cái xấu tùy vào việc tuân giữ Luật hay không, đối với Chúa Giêsu, nó tùy thuộc vào thái độ trong các quan hệ nhân bản. Không phải con người phải chấp nhận Luật mà Luật phải có nội dung tôn trọng người.

Trên thực tế, các nhà cầm quyền không hề quan tâm đến Luật, họ là những người đầu tiên vi phạm Luật nếu Luật đụng đến quyền lợi của họ: “Ông Mô-sê đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!” (Ga 7: 19) Họ bắt dân chúng tuân giữ Lề Luật là chỉ nhằm cai trị dân chúng. Khi vâng lời, dân chúng nhận biết uy quyền của họ và qua đó, để họ ấn định các giới hạn, để họ có quyền “chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh” (Lc 11: 46). Nếu vi phạm ngày nghỉ sa-bát đánh dấu ngày đầu tiên các nhà cầm quyền bức bách Chúa Giêsu thì khi Chúa Giêsu gọi Cha của mình là Chúa Cha thì đã làm cho những người này mang trong đầu ý nghĩ sẽ giết Chúa Giêsu “người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5: 18) Chương trình của Thiên Chúa trên nhân loại – làm cho mọi người trỡ nên con của Chúa (Ga 1: 12) – bị nhà cầm quyền tôn giáo xem như đây là tội ác có thể bị tử hình, bởi vì nó làm ung rã nền tảng của một hệ thống tôn giáo xem mình là trung gian cần thiết giữa Chúa và con người. Và Chúa Giêsu lại vén mở những ai tự cho mình là giảng dạy nhân danh Chúa thì lại không biết, trên thục tế: “Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người, các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng” (Ga 5: 37) Khi lời này đến với họ, họ cho đây là lời phạm thượng, tồi tệ xứng đáng mang tội chết: “chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga 10: 33) Thiên Chúa mà sự thánh thiện thể hiện qua việc giải phóng dân Người (Ed 20: 41) sẽ bị xem là phạm thượng bởi những người cho mình có quyền cai trị dân chúng nhân danh Chúa: những nhà cầm quyền tôn giáo mà “cha của ông là quỷ, ngay từ đầu đã là tên sát nhân.” (Ga 8: 44)