Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Dẫn Nhập

Phúc âm được viết là để khơi dậy lòng tin vào Chúa Giêsu Na-da-rét. Thánh sử Gio-an khẳng định rõ ràng các chương đoạn “được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20: 31). Trong thư thánh Phao-lô gởi tín hữu thành Rô-ma, có một chỉ dẫn rất quý giá “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10: 17). Dù vậy, rất nhiều người mở quyển phúc âm ra lại bảo đọc phúc âm không những không mang lại đức tin mà còn làm cho họ nghi ngờ về đức tin của họ. Không những là khó, chắc chắn là khó rồi, vì sống theo lời giảng dạy đòi hỏi một trình độ trưởng thành và dấn thân, nhưng nó còn khó vì các bản văn thường tạo ra một thách đố cho lối suy nghĩ hợp lý bình thường. Mà ngạn ngữ lại nói phải có đức tin để tin những gì phúc âm viết. Khẳng định như thế đặt để tín hữu trong cái vòng luẫn quẫn: họ không hiểu Phúc Âm vì họ không có lòng tin này, mà lòng tin có được là do hiểu biết Phúc Âm ...

Phải nhận thấy rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên với phúc âm không phải dễ: ngay những dòng đầu tiên, người ta có cảm tưởng như mở một quyển sách ngụ ngôn hay chuyện huyền thoại. Như trong các chuyện ngụ ngôn, các hoàn cảnh không đúng sự thật, toàn những chuyện thiên thần giải quyết tất cả các vấn đề, chuyện quỷ thần tạo những chuyện kỳ quái. Thời điểm nào mới có thiên thần? Lúc nào cầu xin thiên thần cũng được sao? Còn bây giờ? Tại sao không còn thiên thần? Trả lời không “thấy” vì không có lòng tin thì dễ quá. Nhưng thánh Lu-ca khẳng định là tư tế Da-ca-ri-a không có đức tin khi thiên thần Gáp-ri-en hiện ra với ông (Lc 1: 20).

Hành động của Chúa Giêsu thì không dễ hiểu. Trong suốt cuộc đời Ngài chỉ chữa lành khoảng một chục người phung. Vì sao Ngài lại không chữa lành tất cả? Và nhất là vì sao bây giờ Ngài không chữa lành nữa? Ngài, đấng có thể làm cho người chết sống lại, lại chỉ làm cho ba người được sống lại: cô gái Gia-i-a, người con trai bà góa thành Na-im và ông La-da-rô... Còn những người khác? Họ ở vào danh sách chờ ngày sống lại vào ngày tận thế chăng?

Gọi là để khơi dậy đức tin nhưng các “phép lạ” lại đặt ra rất nhiều nghi vấn. Chúa Giêsu nuôi hàng ngàn người ăn nhờ “năm cái bánh và hai con cá” (Mt 14: 17), điều này muốn nói gì? Thời buổi này cũng còn rất nhiều người đói như thời Chúa Giêsu... Khi nào Chúa lại làm phép lạ lại? Chúa Giêsu bảo đảm rằng ai tin ở Chúa sẽ làm “những việc còn cao lớn hơn” cả những việc Chúa đã làm (Ga 14: 12). Nếu cho rằng sau Chúa Giêsu, không có một ai có thể làm cho bánh và cá nhân lên, thì có phải sau hai ngàn năm kitô-giáo, không có ai có “đức tin to hơn hột cải” sao? (Lc 17: 5) Chúa Giêsu bảo đảm với các đồ đệ họ cũng sẽ “chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, làm cho người phong hủi được sạch bệnh và trừ khử ma quỷ” (Mt 10: 8), nhưng người ta cũng dễ dàng thấy ngay cả trong giáo hội kitô, người bệnh khó mà lành, người chết vẫn chết, bệnh phung vẫn bị xem là hình phạt của trời, còn quỷ thần thì xua loài người vào hỏa ngục của thù hận.

Bài giảng trên núi” mà Phúc Âm xem như bài giảng quan trọng nhất của Chúa Giêsu thì mở đầu bằng một câu chói tai: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.” (Mt 5: 3) Trên thực tế không có một ân phúc nào lại đáng sợ và làm cho người ta gạt đi như ân phúc này: hễ có dịp là người nghèo từ bỏ cái nghèo của mình một cách không thương tiếc, họ còn chế nhạo Chúa Giêsu ca tụng ân phúc cao cả này. Còn những người không nghèo thì họ không hiểu tại sao họ phải cảm nhận “được phúc” khi đứng vào hàng ngũ những người khốn cùng của thế giới, thay vì làm thế nào để giảm nghèo, giảm khốn khổ.

Khi Chúa Giêsu nổi giận

Người có đầu óc lý lẽ bình thường sẽ thường xuyên đụng chạm với những chuyện phi lý và rời rạc trong sứ điệp cũng như trong các chuyện phúc âm kể. Làm sao hiểu được câu: “Ai được có thì cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mc 4: 25), làm sao câu này lại không gây tranh cãi để tìm đâu là công chính? Làm sao hiểu được đoạn người mù ở Bết-sai-đa được Chúa Giêsu đưa ra khỏi làng để chữa bệnh, khi lành Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng” (Mc 8: 26)?

Một đoạn thử thách với đức tin hơn các đoạn khác là đoạn Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả (Mc 11: 12-14). Tìm và không thấy quả, Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả “muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày!” (Mc 11: 12-14). Đương nhiên là ngày hôm đó Chúa Giêsu không vui, sau khi nguyền rủa cây vả, Chúa Giêsu vào Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Thánh sử đã nói rõ ràng “vì đó không phải là mùa vả” (Mc 11: 13). Đoạn này chỉ làm mất định hướng: hoặc Chúa Giêsu không có lý hoặc thánh sử bị lầm khi nhấn mạnh đây không phải là mùa vả.

Rất nhiều trở ngại khi đọc phúc âm làm nên phải cầu nguyện để xin ánh sáng của Thần Khí giúp cho chúng ta hiểu cho đúng lý. Người ta có thể đọc phúc âm để khơi dậy đức tin thay vì đòi hỏi phải có đức tin để chấp nhận một cách mù quáng các câu chuyện, các sứ điệp ngược với lý lẽ không? Đó chỉ là vài trong số rất nhiều vấn đề và những câu hỏi nêu lên để đọc có suy xét và không vướng vào cuồng tín. Một phần vấn đề là do người đọc đứng trước một bản văn dịch từ hai ngàn năm nay từ một ngôn ngữ mà bây giờ là ngôn ngữ chết, chuyển tải một văn hóa đông phương rất khác với văn hóa tây phương.

Các suy nghĩ trong quyển sách này muốn trả lời cho các câu hỏi này, để nói với các “tín hữu chưa tin” khi họ mở quyển phúc âm lần đầu tiên khám phá tài nguyên phong phú ẩn dấu trong những bản văn thiết yếu này, nền tảng của đời sống kitô.