Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


“Mẹ thúc giục các con dâng mọi hi sinh cho Chúa với lòng yêu mến. Mẹ mong muốn các con - vốn là những người trơ vơ không tự lo liệu được - hãy bắt đầu trông cậy...”

Chương 25

MARY MARGARET

 
Có hai chuyến đi khác vào mùa xuân năm 1987 cũng đáng chú ý. Chuyến thứ nhất đến Nashville, bang Tennessee, nơi tôi đã được các nữ tu Dòng Đaminh trường Trung học Aquinas mời. Khi đến diễn thuyết ở New Orleans, tôi đã nói rõ tôi không đòi hỏi một khoản thù lao nào, ngoài vé máy bay và một chỗ trọ. Đó sẽ là tiêu chuẩn cho tôi khi đến nói chuyện về Mễ Du ở các nơi. 
 
Tôi giật mình khi biết giá vé máy bay đi Nashville là hơn 500 đô, và người liên lạc của tôi ở Aquinas là sơ Mary Louis cũng hoảng hốt không kém, vì thông báo về buổi nói chuyện đã được gởi đi khắp nơi, còn hội trường đã đặt thuê rồi. 
 
Chị than thở với tôi: “Chúng tôi chỉ có 250 đô thôi, nhưng vì chúng tôi mong ông đến quá... Tôi không biết phải làm sao.”

Tôi trả lời: “Sơ đừng lo, tôi sẽ trả phần tiền còn lại.” Chị đón tôi tại sân bay, tôi nhận ra đó là một nữ tu tuyệt vời và khiêm tốn. Tối hôm ấy, tôi được đặc ân nói trước một cử tọa gồm toàn nữ tu Đaminh. Khi bắt đầu, tôi đã nghĩ một người tín đồ Tin Lành như tôi thì có thể nói cái gì, để tạo cảm hứng cho một nhóm phụ nữ đã hiến trọn đời mình phụng sự Chúa? Dầu vậy, tôi đã có thể vượt qua được sự ngập ngừng ban đầu, và đã kể cho họ về câu chuyện và vẻ đẹp của sứ điệp Mễ Du. Một lần nữa, Chúa Thánh Linh đã có mặt và tác động mạnh mẽ, và thời gian trải qua với các ái nữ đặc biệt của Chúa khiến cả hai bên đều hài lòng. Về sau, tôi nhận ra là họ cũng giống như bất cứ nhóm nào khác, họ cũng có nhu cầu, có nỗi sợ hãi, nghi nan và có một ước muốn được biết về những phép lạ chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. 

 
Xế chiều hôm sau, tôi nói chuyện tại trường Trung học nói trên và dự kiến còn phải diễn thuyết một lần nữa vào tối hôm ấy. Hầu như đã trở thành tiêu chuẩn thông lệ, hội trường đông nghẹt thính giả, chỉ có điều gây ngạc nhiên vì đó là một buổi nói chuyện vào lúc xế chiều. Khi tôi kết thúc, có một phụ nữ chen lấn trong đám đông đang vây quanh để đến được gần tôi, níu tay tôi nói: “Ông Wayne, ông không biết tôi, nhưng tôi vừa đi Mễ Du về với một số người dân ở đây...” 
 
- “Tuyệt quá! Tôi rất mừng vì chị đi được tới đó - và được thấy...” 
 
Chị vội ngắt lời tôi: “Xin lỗi ông, nhưng vội quá, tôi đang đậu xe trái phép ngoài kia. Có nhiều người trong nhóm nhờ tôi đến nói với ông: chúng tôi mời ông dùng bữa tối nay, và chúng tôi không muốn ông từ chối chút nào. Tôi sẽ đón ông ở đây lúc 5 giờ chiều. Tôi hứa sẽ đưa ông về lại đây đúng giờ cho buổi nói chuyện tối. Như thế có được không sơ?” chị quay sang hỏi sơ Mary Louis đang đứng gần và cũng đang ngẩn ngơ như tôi. 
 
Người nữ tu nhún vai với một nụ cười: “À, cái đó tùy ông Weible!” 
 
- “Chắc cũng được thôi!” tôi nói một cách yếu ớt, vì lúc ấy tôi cảm thấy được thúc giục từ bên trong phải nhận lời mời bất thường ấy, mặc dù tôi không muốn rời khỏi khu vực này chút nào. Việc được người ta “quá mong chờ”, thật không hợp với tính tôi, vì tôi thường chỉ muốn quay về phòng, và tận hưởng vài giờ yên tĩnh. 
 
Chị ấy la lên: “Hoan hô Wayne! Tôi sẽ đến đón ông ngay phía ngoài hội trường vào đúng 5 giờ chiều.” 
 
Đúng như đã hứa, Mollie Gavigan, như người phụ nữ tự giới thiệu, đã có mặt lúc 5 giờ đúng. Trong khi lái xe về nhà, chị kể tóm tắt cuộc hành hương của 70 người dân Nashville đến Mễ Du và mới trở về. Chị bắt đầu câu chuyện: “Phần lớn chúng tôi đi Mễ Du là vì một cặp vợ chồng ở đây. Họ tên là Gino và Jeannie Marchetti, có một đứa con gái 2 tuổi là Mary Margaret bị xơ nang. Jeannie đem con đi Mễ Du, hi vọng được vào phòng “hiện ra” để con gái được chữa lành.” 
 
Chị còn nói đã có một phóng viên và một người quay phim của một đài truyền hình địa phương đi theo nhóm, để làm một phóng sự đặc biệt, tập trung vào gia đình Marchetti và ước nguyện con gái họ được phép lạ chữa lành. 
 
Nhóm 70 người này đã thấy thời tiết ở đấy vào đầu tháng ba lạnh và gió khủng khiếp - nhưng họ vẫn cảm thấy ấm áp cũng như nhiều người đã đến trước đó, vì sự hiếu khách đặc biệt của dân làng. Người bạn thân của tôi, cha Svetozar, lại một lần nữa nắm bắt được sự việc. Họ đã gặp cha lúc ngài đang đi đường, liền nhận ra ngài và xin ngài đặt tay cầu nguyện chữa lành cho Margaret. Cha Svet, theo cách đơn sơ và khiêm tốn của ngài, đã bảo Jeannie là tốt hơn nên cầu nguyện cho Margaret, con gái của họ, được hạnh phúc hơn là được khỏi bệnh. 
 
Mollie nói thêm: “Jeannie thực sự thất vọng. Đã từng đọc sách và nghe nói rất nhiều về cha Svetozar, cô ấy chỉ biết có một điều là cha có thể làm phép lạ.” 
 
Vào ngày trước khi nhóm hành hương phải ra về, gia đình Marchetti đã được phép vào trong căn phòng nhỏ của Nhà Xứ, để được có mặt lúc Đức Maria hiện ra. Sau lần ấy, Gino và Jeannie nhìn nhận rằng phép lạ đích thực là việc chính họ được chữa lành: bây giờ, họ có thể chấp nhận tình trạng của con gái họ. Mặc dù Mary Margaret trở về nhà vẫn đau đớn vì bệnh xơ nang, nhưng gia đình Marchetti đã biết vui lòng đón nhận Thánh Ý Chúa, bất luận việc gì sẽ xảy ra. 
 
- “Chuyện hay quá, Mollie.” tôi thì thầm, xúc động, vì một lần nữa, phép lạ Mễ Du đặt trọng tâm vào việc chúng ta biết chấp nhận cuộc sống, dù nó ra sao. Tôi mong sao mọi người đều biết được điều này, và tập trung vào phương diện này của các cuộc hiện ra ở Mễ Du, chứ không nhắm vào các hiện tượng hoặc phép lạ, chẳng hạn như tràng hạt đổi thành màu vàng kim loại, hoặc mặt trời nhảy múa trên không trung, hoặc cây Thập giá biến mất khỏi đỉnh núi Krizevac. Mễ Du đơn thuần là một món quà của tình yêu vô biên Thiên Chúa tặng cho mỗi người chúng ta. 
 
Nhưng, khi đến nhà Mollie và sau ít phút hỏi han Jeannie, lúc ấy đang bế Mary Margaret trên tay, tôi nhận thấy cô đang cố kềm chế những cảm xúc của mình. Cuối cùng, không chịu được nữa, cô òa lên khóc nức nở: “Tôi có thể nói chuyện với anh một mình, ở chỗ khác, được không?” 
 
Chúng tôi đi ngay vào một phòng ở phía sau. Mary Margaret thì khác hẳn với thái độ bồn chồn, đau khổ của mẹ: em ngồi trên đầu gối mẹ, tươi vui và bình thản. 
 
- “Anh nghe này, tôi biết Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi ơn biết chấp nhận bệnh trạng của con mình, và tôi đã chấp nhận. Nhưng tôi có sai không, nếu cứ tiếp tục nài nỉ xin cho con tôi được khỏi bệnh?” 
 
Lúc ấy, Jeannie âu yếm đưa mắt nhìn xuống đứa con, và bình tĩnh nói thêm: “Có lẽ tôi đã không biết ơn Chúa cho đủ vì những gì Chúa đã ban cho chúng tôi trong chuyến đi ấy.” 
Tôi biết phải nói gì hoặc làm gì cho người phụ nữ này bây giờ? Ai có thể hiểu được nỗi khổ của một người mẹ đối với đứa con, ngoài một người mẹ khác? Tôi bỗng nghe chính tôi nói: “Jeannie, cô mong muốn cho Mary Margaret được khỏi bệnh thì đâu có gì sai trái; tuy nhiên, điều cô phải làm là hoàn toàn đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, là yêu thương cháu bé và tạ ơn Chúa cho cháu, bất luận tình trạng của cháu như thế nào...” 
 
Tôi ngừng lại, ngạc nhiên vì những lời lẽ tôi vừa nói đã đến một cách dễ dàng như thế. Đối với tôi, hoặc với bất cứ ai chưa hề trải qua thử thách như vậy, thì nói những lời ấy chẳng khó khăn gì. Nhưng mọi sự đã rõ: hãy hoàn toàn phó thác và chấp nhận mọi sự xảy đến cho đời ta. 
 
Tuy nhiên, tôi vẫn linh cảm mạnh mẽ cháu bé sẽ được chữa lành, và tôi lại nghe thấy mình tự dưng nói với mẹ cháu: “Mary Margaret sắp được chữa lành.” 
 
Tôi cho tay vào túi áo khoác, rút chuỗi Mân Côi của mình ra. Tôi quý xâu chuỗi này như là một phần của chính tôi. Một phụ nữ tuyệt vời sống gần Myrtle Beach đã tự tay kết tràng hạt này bằng những hạt gọi là “nước mắt ông Gióp”, rất hợp để làm thành xâu chuỗi. Và người ấy đã tặng cho tôi như một món quà đặc biệt. Tôi đưa xâu chuỗi cho Jeannie: “Đây, tôi mong cô giữ lấy và lần tràng hạt này để cầu nguyện cho Mary Margaret.” 
 
- “Ồ, tôi không dám...” 
 
- “Không, cô phải cầm lấy!” Tôi nói thêm: “Cô nghe này, tôi sẽ đặt tay trên Mary Margaret và cầu nguyện cho cháu - ngay bây giờ.” 
 
Tôi không tin nổi mình đang làm chuyện này! Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ đặt tay trên ai mà cầu nguyện cả, nhưng giờ đây, một điều gì đó đang thúc giục tôi. Trong lòng tôi như thể đang diễn ra một cuộc chiến, vì một tiếng nói khác dường như đang bảo tôi: “Mày điên hả? Mày tưởng mày là ai mà dám làm cho người phụ nữ này hi vọng con gái mình sẽ thực sự được chữa lành?” Khi cầu nguyện xong, tôi lặp lại với Jeannie là Mary Margaret sẽ được an lành. 
 
Chúng tôi bước ra khỏi phòng, vừa sung sướng, vừa sửng sốt - và riêng tôi, khá sợ hãi. Nếu Mary Margaret không hết bệnh thì sao? Điều gì sẽ xảy ra cho người mẹ bất hạnh mà tôi đã gieo niềm hi vọng là con cô sẽ lành bệnh, nếu sau đó lại chỉ thấy là...? Tuy vậy, trong thâm tâm, tôi biết mọi sự đã diễn ra như vậy thì đúng như đã được định phải diễn ra. 
 
Chúng tôi đã có một bữa tối ngon tuyệt, và đám đông tụ họp để nghe nói chuyện tại nhà trường tối ấy cũng lại đông hơn mọi lần. Tôi từ giã Nashville ngày hôm sau, mệt nhoài nhưng hạnh phúc. 
 
Một chuyện tức cười đã xảy ra trên đường về. Số vé của chuyến bay từ Charlotte đến Myrtle Beach đã được bán nhiều hơn số ghế, nên hãng hàng không cần những người tình nguyện nhường vé lại, chờ đi chuyến sau. Vì hôm đó là thứ sáu, tôi không có gì phải vội, nên đã tình nguyện nhường chỗ - và tôi được thưởng một vé khứ hồi đến bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Bay được khoảng nửa đường, tôi mới ngạc nhiên khám phá ra rằng cái vé miễn phí này có trị giá cao hơn món tiền tôi đã bù vào chiếc vé khứ hồi đến Nashville. Một lần nữa, Thiên Chúa đã đáp lại gấp bội những gì Người nhận được. 
 
Ba tuần lễ sau, khi sắp sửa rời văn phòng đến phi trường để bay đi Indianapolis, thì chuông điện thoại reo. Đó là Jeannie Marchetti. 
 
- “Alô, Jeannie”, tôi nói, “Tôi nuốn nói chuyện lắm, nhưng nếu không chạy ra phi trường ngay bây giờ, tôi sẽ lỡ chuyến bay. Jeannie, tôi sẽ gọi cô từ Indianapolis, và...” 
 
- “Anh Wayne! Mary Margaret khoẻ hẳn rồi!” Jeannie khóc, giọng cô run lên vì xúc động: “Cháu lành bệnh rồi...!” 
 
Đầu óc, ruột gan tôi rung chuyển khi nghe chính mình nói một cách phấn khích với cô ấy: “Tất nhiên rồi! Tôi đã nói với cô là cháu bé sẽ khoẻ mà!”
 
- “Sao anh biết được?” Jeannie vừa cười vừa khóc vì quá vui sướng, “Tức là, sau khi cha Svet đặt tay trên cháu mà cầu nguyện, rồi sau đó được vào trong phòng hiện ra, và bây giờ thì...” 
 
- “Jeannie, sự khỏi bệnh đã khởi sự từ Mễ Du. Lúc đó, cô không hiểu ý cha Svet, nhưng khi ngài bảo hãy cầu nguyện để cháu bé hạnh phúc, tức là ngài bảo cô hãy chấp nhận Ý Thiên Chúa, bất luận mọi kết quả. Tôi không hiểu làm sao mà tôi biết được, nhưng Thánh Linh của Chúa hành động theo những cách mà không một ai hiểu được. Tôi chỉ biết một điều là tôi cảm thấy tôi cần đặt tay cầu nguyện trên cháu bé, và tôi biết cháu sẽ khoẻ. Tôi sẽ gọi lại cho cô nhé, bây giờ tôi phải đi.” 
 
Tôi tiếc phải ngừng ngang câu chuyện với Jeannie, nhưng máy bay không chịu chờ tôi - mặc dù trong lòng sung sướng cực độ, đến nỗi tôi cảm thấy như mình vẫn có thể đến được Indianapolis mà không cần có chiếc máy bay ấy. Được làm dụng cụ để Thiên Chúa thể hiện ơn chữa lành thật tuyệt diệu biết bao - và cũng đáng sợ biết bao! 
 
Người đón tôi tại phi trường là cô Mary Ann Barothy, một chuyên gia về giao tế công cộng và là người đã sắp đặt chuyến đi Indianapolis này. Cô cho tôi biết chúng tôi sẽ lái xe tới Terre Haute, để thăm và nói chuyện ngắn tại tu viện St. Mary, thuộc Trường Woods College. Một lần nữa, tôi lại được nói chuyện với một nhóm nữ tu. 
 
Khi chấm dứt buổi nói chuyện, tôi nhớ đến tràng hạt mà tôi đã tặng cho Jeannie Marchetti. Lòng vẫn còn tràn ngập sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ về tình trạng đã cải thiện của cháu Mary Margaret, tôi kể cho họ nghe câu chuyện đó và việc tôi được thúc đẩy đặt tay cầu nguyện cho cháu bé như thế nào. Rồi tôi kết luận: “Các chị thấy đấy, Thiên Chúa đã lấy đi một món quà nhỏ như cỗ tràng hạt, vốn rất quý giá đối với tôi, và để đổi lại, Người cho cháu bé này cùng với cha mẹ cháu ơn được hạnh phúc. Mary Margaret đang lành mạnh.” 
 
Khi chúng tôi từ giã Mẹ Bề Trên và một số nữ tu ở phía ngoài căn phòng tôi vừa nói chuyện, một nữ tu cao tuổi bước về phía tôi, hai tay bà chìa ra, trong đó là một cỗ tràng hạt bằng hồng ngọc tuyệt đẹp. Bà nói: “Anh hãy cầm lấy cái này!” đôi mắt bà long lanh giọt lệ, “Tôi giữ tràng hạt này đã hơn 25 năm, nay tôi muốn anh cầm lấy - và trao cho bất cứ ai cần được chữa lành.” 
 
Chúng tôi ai nấy đều bàng hoàng. Hành động gần như một cái máy, tôi cho tay vào túi áo khoác và rút ra một cỗ tràng hạt nhỏ, gồm những hạt tròn bằng gỗ xâu lại với nhau bằng một sợi dây. Terri đã bỏ nó vào túi áo tôi khi tôi chuẩn bị lên đường, bảo rằng nàng đã mang tràng hạt ấy về từ chuyến đi Mễ Du - và nàng còn nói: “Có thể anh sẽ gặp ai đó cần đến tràng hạt này chăng.” 
 
- “Thưa sơ, đây!” tôi vừa nói vừa trao tràng hạt cho bà. “Tôi xin tặng sơ cái này để đổi lấy cái kia. Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc đã chúc lành cho cỗ tràng hạt này tại phòng hiện ra ở Mễ Du.” 
Thời gian như ngừng trôi, và tất cả chúng tôi được bao phủ bởi một bầu khí thánh thiện khôn tả. Tâm tình ấy đã theo tôi trong suốt chuyến đi 5 ngày tại vùng Indianapolis, và chính nó đã củng cố ơn gọi của tôi: Thiên Chúa thật sự muốn cho sứ điệp tình yêu của Người, được đổi mới qua những cuộc hiện ra tại Mễ Du, phải được lên đường truyền bá khắp nơi. 
 

---o0o---

Trở Lên Trên