Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


 “Mẹ kêu gọi các con hãy là gương mẫu cho mọi người, nhất là trong việc cầu nguyện và làm chứng...”

Chương 15

KỂ CHUYỆN

     Sáng thứ ba, tôi thức dậy trong trạng thái sảng khoái. Tôi sắp trở lại Mễ Du! Tôi nán lại trên giường một lát cho niềm vui ngấm sâu. Sau cùng, cảm thấy mình gần như bình thường, tôi nôn nóng bắt tay vào việc. Tốt hơn là ghi lại những ý tưởng trong khi chúng còn nóng hổi. Tôi ước tính phải mất ít nhất hai bài xã luận để kể về chuyến đi. 
 
    Tuy nhiên, có một đám mây nhỏ ở chân trời. Hôm qua, tôi đã nhớ lại là tôi được chỉ định nói chuyện, trong bữa điểm tâm sáng nay tại một câu lạc bộ dân sự địa phương. Bây giờ, kiếm người thay thế thì đã quá trễ; vả lại, nếu không để nói về chuyến đi của tôi đến Nam Tư như tôi dự đoán, thì tôi hoàn toàn không biết mình sẽ phải nói về đề tài gì. 
 
    Vẫn không có gì rõ rệt hơn khi tôi đến lữ quán - nơi chúng tôi gặp gỡ mỗi sáng thứ ba. “Ít nhất mình cũng đến đúng giờ”, tôi nghĩ thế khi bước vào phòng ăn lớn cũng là phòng hội nghị. Đồng hồ treo tường chỉ đúng 7 giờ 30 phút. Liếc quanh, tôi thấy đã có độ 40, 50 người có mặt - một sỉ số không tồi cho một cuộc họp đầu mùa hè. 
 
    Thường thường, tôi hay ngồi vào một trong mấy cái bàn phía sau, nhưng sáng nay, tôi phải ngồi ở bàn đầu, gần bục diễn đàn, cạnh bên chủ tịch câu lạc bộ. Chúng tôi nói chuyện xã giao và tôi không ăn nhiều được. Tôi không quen nói trước công chúng, và khi tôi phải làm, đối với tôi đó là một tai họa tôi không tránh được. Bất kể lý do hoặc số lượng thính giả, tôi luôn cảm thấy như muốn bệnh, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi và không thể theo dàn bài đã soạn sẵn để nói cho mạch lạc được. Dứt khoát, đó không phải là cái mà tôi khoái làm, nhất là trước các vị tai to mặt lớn trong giới kinh doanh. 
 
    Và bây giờ, tôi lại sắp nói với họ về Mễ Du, về một chuyện có tính chất tôn giáo. 
 
    Tôi cố gắng xếp đặt những điều tôi sắp nói, viết nghuệch ngoạc dàn bài trên khăn ăn. Khi ngẩng lên, tôi mới biết mục sinh hoạt câu lạc bộ đã xong, và ông chủ tịch đang giới thiệu tôi. Bấm chặt vào bục để giữ cho tay khỏi run, tôi đi thẳng vào đề: “Này, tôi quen hết các bạn, chúng ta là thành viên của câu lạc bộ này, và tôi đã làm việc với nhiều người trong các bạn. Tôi không biết phải nói thế nào với các bạn điều tôi sắp nói hôm nay, vì đó là điều tôi không định nói.” Tôi nghỉ một lát và hít một hơi dài: “Nhưng nếu tôi nói ra được với các bạn, tôi sẽ nói được với bất cứ ai.” 

    Với cách nhập đề đó, tôi dần dần kể cho họ nghe về những cuộc hiện ra ở Mễ Du - những gì đang xảy ra và đã bắt đầu như thế nào. Tôi nói: “Tôi đã có mặt ở đó, tôi đã gặp những người đó, tôi đã ở trong ngôi Nhà thờ đó và tôi đã cảm nghiệm những điều đang xảy ra.” 
 
    Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu nói công khai về Đức Giêsu Kitô - và bỗng nhiên, tôi không còn bối rối, không còn sợ hãi, không còn đổ mồ hôi tay... Không gì cản được tôi, tôi cứ tiếp tục suốt 40 phút, lâu gấp hai lần bình thường. Điềm tĩnh và thanh thản, tôi thao thao bất tuyệt như thể lời nói cứ trào ra khỏi miệng tôi. 
 
    Thông thường, những người có cuộc hẹn sớm hay đứng dậy ra về trước khi người nói kết thúc, và đã có những ngày thứ ba xem ra số người có những cuộc hẹn sớm lại hơi nhiều. Còn những người không mắc hẹn thì đứng lên pha cho mình một tách cà phê khác, hoặc liếc nhìn vào tờ báo mới ra. Sáng nay, không ai bỏ về, ngay cả không ai rục rịch cử động. 
 
    Cuối cùng, tôi đi đến kết luận. Tôi chỉ biết là đã đến giờ kết thúc, tôi bèn kết thúc. Tôi nói: “Tôi không biết tại sao tôi đã làm như vậy, vì thường thì tôi không bao giờ nói những điều tôi vừa nói với các bạn. Tất cả những gì tôi có thể nói, đó là: những điều này đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời tôi, đến nỗi tôi sẽ không bao giờ là tôi như trước kia nữa, và tôi chỉ có thể tạm biệt các bạn với những lời ấy thôi.” 
 
    Một phút im lặng, rồi tiếp theo là một tràng pháo tay. Tôi hoảng hốt: “Lạy Chúa, con đã nói gì?” Bây giờ, tôi mới thật sự thấy bối rối, cũng giống như lúc tôi đem bài xã luận thứ nhất về Mễ Du đi in. Như trước đây, tôi hoảng hốt nghĩ: “Giá mà tôi có thể rút lại những lời ấy! Nhưng đương nhiên là đã quá muộn!” 
 
    Ông chủ tịch đứng dậy và lẩm bẩm nói: “Đây là một trong những chương trình độc đáo nhất chúng tôi từng có.” Rồi ông cho giải tán chúng tôi, mà tôi là người thấy nhẹ nhõm nhất. Một vài người đến hỏi chuyện tôi, và tôi không thể nào quên được người đầu tiên. Ông ấy nhìn tôi và nói: “Việc đó đòi hỏi can đảm hơn bình thường mà tôi không hề có được.” Ngừng một chút, ông tiếp: “Nhưng câu chuyện thật tuyệt vời! Anh làm tôi cảm động thật đấy.” Rồi ông ta quay lưng bước đi. 
 
    Những người khác đưa ra nhiều bình luận tích cực, và cũng có vài người mời tôi đến nói chuyện tại Nhà thờ họ. Khi mọi người đã ra về, tôi ra khỏi nơi ấy, bối rối và hoang mang. Tôi vào xe, ngồi yên đó một lát. Sau đó, tôi lái xe đến văn phòng, lòng tràn đầy tri ân. 
 
    Tâm tình ấy đã biến thành nỗi hân hoan, vui sướng khi tôi đến văn phòng. Tôi cũng chẳng màng để ý đến chồng thư từ của cả một tuần lễ mà Denease đã cẩn thận chất trên bàn giấy tôi. Tôi đi thẳng tới bàn máy chữ và bắt đầu ngay bài xã luận tiếp theo, bài thứ bảy trong loạt bài về Mễ Du. Ý tưởng lưu loát không khác nào viết một lá thư cho một người bạn cũ thân thương. 
 

    Ngày 13 tháng 5 năm 1986

    Một chuyến thăm Mễ Du

 
    Cách đây vài tuần, tôi gặp một người bạn cũ tại phi trường. Lúc ấy, tôi đang đợi giờ khởi hành của chuyến đi chín ngày đến Mễ Du, Nam Tư. Qua vài lời trao đổi, tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói đi Cancun, Mêhicô, vừa lo công việc, vừa nghỉ xả hơi. Rồi anh cũng hỏi lại: “Còn anh đi đâu?” 
 
    Tôi nói ngập ngừng: “Ờ,... tôi đi Nam Tư.” 
 
    Vẻ mặt của anh nói lên tất cả, nhưng anh cũng hỏi: “Anh đi Nam Tư làm cái quái gì vậy?” 
 
    Sau gần hai tuần lễ sống ở đó, tôi có thể hiểu tại sao người ta lại thắc mắc về chuyện đi Nam Tư. Đấy là một nước xã hội chủ nghĩa, núi non hiểm trở, không mấy hiếu khách, nhất là đối với người Mỹ. Nhưng tôi đâu có đến đó với tư cách du khách! Những ai đã đọc cột xã luận này đều đặn trong sáu tháng qua, hẳn biết tại sao tôi đến Mễ Du. 
 
    Đã gần năm năm nay, ngôi làng bé nhỏ này đã lôi kéo sự chú ý của thế giới như một nơi mà Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, Thân Mẫu Đức Giêsu, được cho là hiện ra hằng ngày với sáu thiếu niên, tại ngôi làng miền núi xa xôi ấy. Mặc cho mọi nỗ lực của chính quyền nhằm gây khó khăn cho việc lui tới, hàng triệu người trên khắp thế giới đã đến và còn tiếp tục đến, để nhìn thấy tận mắt điều đang xảy ra.  

Nhà thờ Mễ Du (phía xa, chưa bị các cao ốc vươn lên che lấp) và ngôi làng bé nhỏ với những căn nhà nghèo nàn thiếu mọi thứ tiện nghi này, đã lôi kéo sự chú ý của thế giới chỉ vì đã được Mẹ Chúa Trời chọn để đến viếng thăm con cái loài người.


    Đây là điểm du lịch hấp dẫn số một tại Nam Tư. Do đó, đang khi chính quyền vẫn tiếp tục quấy rầy dân địa phương và du khách, thì họ cũng đành phải chấp nhận cho phép làn sóng người tuôn đến để thu ngoại tệ. Nhà trọ đang được cất vội vã, do chủ đất chứ không do các công ty xây dựng lớn. Mức phát triển xã hội rất chậm. Ở đấy cũng có hàng rong bán đồ ăn và đồ vật lưu niệm, nhưng không sao đáp ứng được với tỷ lệ du khách. Ngay các phương tiện vệ sinh cũng không có, cũng không có cả những tiện nghi cần thiết cho du khách được thoải mái trong mấy ngày lưu lại. Thế nhưng, hằng ngàn người vẫn đến hằng tuần. 
 
    Tin vào một biến cố như vậy đối với một thế giới kỹ thuật ngày nay quả thật là khó! Tuy nhiên, những ai đến đấy và ở lại đấy một thời gian, sẽ không còn nghi ngờ rằng một sự kiện vượt trên những lý giải kỹ thuật và khoa học đang xảy ra. 
 
    Tình trạng đa tôn giáo và đủ thứ sùng bái trên thế giới ngày nay, cộng với thái độ thờ ơ của những người đi Nhà thờ, và sự chia rẽ ý kiến ngay trong nội bộ Giáo Hội Công giáo, khiến cho người ta nghi ngờ hiện tượng siêu nhiên này. Thế nhưng, sự can dự trực tiếp của tôi và những hoàn cảnh đưa đẩy đến, khiến tôi tin rằng đó là một lời kêu gọi đích thực cho toàn thể nhân loại trên thế giới: hãy hòa giải và quay về với đường lối của Thiên Chúa. Tôi cũng tin rằng Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, chính là sứ giả. Tôi đã tin điều này trước khi đến Mễ Du. Trở về nhà, tôi càng tin chắc, không chút nghi ngờ. 
 
    Tôi cứ tự hỏi: tại sao lại tôi? Tôi là một nhà báo, mà nhà báo thì luôn đòi hỏi những sự kiện và bằng chứng cứng ngắc, lạnh lùng, có thực chất giá trị. Tôi lại không phải là người Công giáo, biết rất ít về sự tôn kính Đức Trinh Nữ Maria của Giáo Hội Công giáo. Tín lý giáo phái Tin Lành Lutêrô của tôi thực sự không biết gì về Đức Maria, ngoài vai trò làm Mẹ Chúa Giêsu của Bà. 
 
    Sự quan tâm của tôi trong việc tìm hiểu thêm về sự kiện Mễ Du chỉ là do tò mò: tôi nghĩ sẽ lấy đó làm một bài báo thú vị cho ngày lễ Giáng Sinh. Sự tò mò này đã biến thành bốn bài báo dài trong suốt tháng 12. Từ đó, chúng tôi đã nhận hơn 250 thư của bạn đọc, kèm theo bì thư dán sẵn tem và ghi sẵn địa chỉ - yêu cầu gởi cho bản sao của loạt bài ấy. Những thư yêu cầu này vẫn tiếp tục đến mỗi ngày. Sự tò mò ấy, giờ đây, đang khiến tôi ước ao sử dụng những ngày còn lại của đời tôi, để loan truyền sứ điệp Mễ Du cho bất cứ ai và cho hết những người muốn nghe. Tôi quyết định chỉ làm điều ấy thôi. 
 
    Những gì tôi đã thấy và đã cảm nghiệm không dễ diễn tả bằng lời. Nó lại càng khó chấp nhận, khó tin đối với nhiều người. Thế nhưng, tôi đã có mặt ở đó và tôi hiểu những gì tôi thấy và những gì tôi cảm nghiệm. Tôi đã thấy mặt trời múa, di chuyển, xoay tròn và nhợt nhạt đến nỗi tôi có thể nhìn trực tiếp bằng mắt trần. Điều không thể có nhưng tôi đã thấy. Nó chính là cái mặt trời mà bạn và tôi đều thấy hằng ngày.  

Thập giá xi măng trên núi Krizevac rực sáng và bốc lửa. Giữa lửa có hình người (có lẽ đang được luyện tẩy). Cảnh kỳ diệu này do một nữ ký giả tình cờ chụp được ban đêm, không dùng một xảo thuật nào.


    Tôi cũng đã thấy cây Thập giá khổng lồ - đúc bằng xi măng, nặng 14 tấn, dựng chót vót trên một đỉnh núi nằm tận xa phía sau Nhà thờ Mễ Du - hoàn toàn biến mất vào một buổi sáng quang đãng và chan hòa ánh nắng. Cũng chính cây Thập giá đó được tôi quan sát - vào một buổi sáng sớm khi trời còn tối - đã sáng rực lên và chói lòa như thể nó được bao bọc bởi đèn điện. Một điều chắc chắn không thể có đó là: không có điện ở trên núi, thế mà tôi đã thấy hiện tượng ấy... 
 
    Còn nhiều nữa, nhưng vấn đề ở đây là người ta không thể giải thích những hiện tượng này. Chúng thường diễn ra vào lúc Đức Trinh Nữ Diễm Phúc đang hiện ra cho các em. Có người thấy, có người không thấy. Nhiều người khác đã thấy vào những lúc mà tôi không thấy. 
 
    Tuy nhiên, hiện tượng quan trọng nhất tại Mễ Du không phải là các sự kiện vượt trên tự nhiên, nhưng là sự dấn thân tuân hành hầu như nhất trí của dân làng đối với các sứ điệp mà Đức Maria đã gởi đến cho họ. Ngôi làng này là một mẫu rất gần với hình ảnh một cộng đoàn hoàn thiện, sống trong tình yêu và gắn bó với đường lối của Thiên Chúa. 
 
    Trước khi những cuộc hiện ra bắt đầu vào tháng 6 năm 1981, cộng đoàn này mặc dù đơn giản, quê mùa, lạc hậu và thiếu thốn vật chất, nhưng về nhiều mặt, họ không khác gì những cộng đoàn của chúng ta. Họ cũng có những tệ nạn như rượu chè, gian lận, tham lam, ẩu đả... Các ngày Chúa nhật, họ đi Nhà thờ rất thưa thớt.

    Ngày nay, lối sống này không còn nữa. Không chỉ vào ngày Chúa nhật, mà cả các ngày thường, Nhà thờ cũng luôn chật ních người tham dự. Sống tận tình cho Chúa là hướng đi chính của đời họ. Đây mới thật là phép lạ, là sứ điệp đích thực của Mễ Du. Đấy chính là điều người ta nhấn mạnh cho khách hành hương lưu tâm. 
 
    Một trong các thiếu niên được thấy Đức Maria hằng ngày nói rằng điểm sáng trong ngày của em không phải là sự hiện ra của Thân Mẫu Đức Giêsu, mà là tham dự Thánh Lễ tại Nhà thờ. Đó là điều mà Đức Trinh Nữ Diễm Phúc mong muốn nơi tất cả chúng ta. 
 
    Vậy thì câu chuyện dẫn đến đâu? Tuần sau có thể sẽ là bài báo cuối cùng của tôi về vấn đề này.... Tôi cũng sẽ rất sung sướng được đến nói chuyện với bất kỳ nhóm nào và chiếu băng vidéo cho họ xem. Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả là tôi sẽ cố hết sức trung thành nắm giữ sứ điệp Mễ Du. Ước mong sao sứ điệp của Đức Maria sống mãi trong tất cả chúng ta. 
 

    * * *

 
    Hai tuần sau, bài báo thứ tám và là bài cuối cùng về Mễ Du đã được viết ra dễ dàng:

     Ngày 28 tháng 5 năm 1986 
    Lời cuối cùng về Mễ Du

     Hai tuần trước đây, tôi trở về từ một chuyến đi chín ngày đến Mễ Du, nước Nam Tư, một làng nhỏ bé miền núi, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, được cho là đang hiện ra với một nhóm sáu thiếu niên. Các cuộc hiện ra - như người ta gọi thế - đã xảy ra từ 24 tháng 6 năm 1981 đến nay, một thời gian kéo dài gần 5 năm. Tháng 12 vừa qua, tôi đã viết một loạt bốn bài xã luận đề cập đến biến cố tôn giáo siêu nhiên này, và tiếp đó là một số bài tường thuật cập nhật vào đầu năm nay. 
 
    Đây sẽ là bài cuối cùng tôi viết về Mễ Du... Bài cuối cùng này có liên quan đến nhiều sứ điệp mới nhất được Đức Maria ban. Tuy vậy, xin cho phép tôi nói lạc đề một chút về một trong những người đã đến Mễ Du với nhóm Trung Tâm Hòa Bình của chúng tôi. 
 
    Anh Frank Fiamingo Jr., bị liệt hai chân. Anh 33 tuổi, nhưng đã sống với chiếc xe lăn 19 năm. Lý do đến Mễ Du của anh rất đặc biệt đối với tôi. 
 
    Cha mẹ anh Frank, ông Frank và bà Yolanda sống tại đây, trên Grand Strand, Surfside Beach. Chỉ cần gặp ông Frank ít phút, bạn sẽ biết ngay ông là một trong những người hạnh phúc nhất, lạc quan nhất mà bạn đã từng gặp. Bà Yolanda thì trầm tĩnh và luôn có vẻ một người biết tự chủ. Cả hai rất tận tâm phục vụ Giáo Hội và gia đình họ. Và điều đó dễ nhận ra. Điều làm cho tôi thấy chuyến đi của họ đến Mễ Du vô cùng đặc biệt, là họ đã biết được sự kiện Mễ Du qua các bài báo tôi viết trong tháng 12. Lúc ấy, họ đã điện thoại cho anh Frank Jr. đang sống tại Columbus, bang Ohio, và quyết định cả ba người sẽ cùng đi chung với nhóm chúng tôi. 
 
    Tôi hỏi anh Frank, một nhà nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Y khoa, tiểu bang Ohio, tại sao anh quyết định đến Mễ Du, và anh có nghĩ sẽ được chữa lành tại đó chăng. 
 
    Anh suy nghĩ rất cẩn thận trước khi trả lời: “Tôi nghĩ tôi cũng có cùng một lý do như anh và các người khác trong nhóm. Tôi muốn tìm hiểu thêm về những gì đang xảy ra ở đây. Tôi đến vì những lý do riêng và cũng để bồi dưỡng về mặt thiêng liêng cho tôi.” 
 
    Anh nghỉ một lát, rồi tiếp: “Nhưng để trả lời câu hỏi kia của anh, không, tôi không đến để cầu mong một sự chữa lành về thân xác.” 
 
    Tôi cho là không ngoa, khi nói anh đã tìm thấy những gì anh muốn tìm tại Mễ Du. Anh được Vicka, một trong các thị nhân đã được trông thấy Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày, tiếp đón nồng nhiệt. Vicka chụp ảnh chung với anh và gia đình, cũng như đọc kinh chung với họ. Về sau, anh cũng được mời vào căn phòng nơi Đức Maria hiện ra, và anh đã có mặt một lần trong lúc Đức Maria đến. 
 
    Anh Frank Fiamingo Jr. rời Mễ Du cũng với tình trạng như khi anh đến: trên một chiếc xe lăn; nhưng tôi cũng lại cho là không ngoa nếu nói anh ra về cũng hạnh phúc, sung mãn, dồi dào phần tâm linh như mỗi người trong nhóm chúng tôi. 
 
    Mỗi ngày thứ hai và thứ năm, Đức Trinh Nữ Maria ban cho các em những thông điệp cho giáo xứ Mễ Du và đồng thời cho cả thế giới. Người gọi tất cả mọi người là “Các con thân yêu”. Mỗi sứ điệp đều được kết thúc bằng: “Cám ơn các con đã đáp lời Mẹ kêu gọi”. 
 
    Chiều thứ năm, ngày 6 tháng 3 (năm 1986) : 
 
    “Các con yêu dấu, hôm nay, Mẹ kêu gọi các con mở tâm hồn ra cho Chúa hơn nữa, để Người có thể hoạt động qua các con. Các con càng mở tâm hồn ra bao nhiêu, các con càng lãnh nhận hoa trái bởi đó nhiều bấy nhiêu. Một lần nữa, Mẹ muốn kêu gọi các con cầu nguyện.” 
 
    Chiều thứ năm, ngày 27 tháng 3 (năm 1986): 
 
    “Các con yêu dấu, Mẹ cám ơn về những hi sinh của các con. Mẹ mời gọi các con làm một hi sinh to lớn hơn: là hi sinh vì yêu. Không yêu thương, các con không thể chấp nhận Mẹ và Con Mẹ. Không yêu thương, các con không thể làm chứng về những cảm nghiệm của các con cho người khác được. Bởi vậy, Mẹ mời gọi các con hãy bắt đầu sống yêu thương trong tâm hồn các con.”


     Chiều thứ hai, ngày 17 tháng 4 (năm 1986): “Các con yêu dấu, bây giờ, các con đang bận tâm về các thứ vật chất, và vì những sự ấy, các con đã đánh mất hết những gì Thiên Chúa muốn ban cho các con. Mẹ kêu mời các con, hỡi các con yêu dấu, hãy cầu xin Chúa Thánh Linh ban cho các con những ơn hiện tại các con đang cần, để các con có thể làm chứng cho sự hiện diện của Mẹ tại đây và cho mọi điều Mẹ đang ban cho các con. Các con yêu dấu, hãy phó thác các con cho Mẹ, để Mẹ có thể hướng dẫn các con một cách trọn vẹn. Đừng bận tâm về vật chất thế gian!” Sứ điệp chiều thứ hai, ngày 5 tháng 5 rất đặc biệt. Hầu hết những người trong nhóm chúng tôi đã có mặt lúc các em nhận sứ điệp. Chúng tôi được cho biết vào lúc 9 giờ 45 phút tối hôm đó, một trong các thị nhân nói rằng Đức Maria đã mời một số khách hành hương Mễ Du đi lên Đồi Hiện ra, để dự một cuộc hiện ra đặc biệt với các em. Trời tối như mực, nhưng chúng tôi vẫn trèo lên được lối mòn dốc dác, lởm chởm đá dẫn đến đỉnh đồi, nơi đã diễn ra những cuộc hiện ra đầu tiên. Lúc Đức Maria hiện ra, Người rất sung sướng và hài lòng nói với các em: “Ngợi khen Chúa Giêsu!” Rồi Người cầu nguyện trên chúng tôi và chúc lành cho chúng tôi. Sau đó, khi một trong các thị nhân “gửi gấm” chúng tôi cho Người, thì Người lại chúc lành chúng tôi lần nữa. Sứ điệp của Người chiều hôm ấy như sau: “Các con yêu dấu, Mẹ muốn cộng tác với các con, và trước nhất, Mẹ muốn các con làm tông đồ truyền bá sứ điệp của hòa bình, hòa giải, cầu nguyện, ăn chay và thống hối. Mẹ khuyến khích mọi người trong các con sống các sứ điệp này, nhằm thay đổi lối sống của các con.” Sau đó, Người nói Người rất hạnh phúc vì tất cả chúng tôi đều có mặt ở đấy. Rồi Người ra đi trong ánh sáng chói lòa của cây thập giá. 
 
    Tôi chỉ có thể kết thúc bài báo này như cách Đức Maria kết thúc những lần hiện ra với các em thị nhân: “Hãy ra đi trong bình an của Thiên Chúa!” 
 

    * * *


    Giờ đây, sau khi kết thúc bài cuối cùng của loạt bài về Mễ Du, tôi liền chuẩn bị cho chuyến trở lại đó. Khi bắt đầu biên tập bản thảo của cha Svet, tôi đã nhận ra rằng đây sẽ là một công việc khó khăn, vì tiếng Croát và tiếng Anh hết sức khác nhau. Tôi đã khâm phục người đàn ông này với quyển sách thứ nhất của ông ấy biết bao, nhưng quả thực, quyển kế tiếp này đòi hỏi một công việc biên tập rất lớn. Terri cũng đã đọc vài phần của bản thảo và nàng rất cảm kích - một điều mà tôi rất biết ơn, - và giờ đây, nàng đã hăng hái khuyến khích tôi trở lại Mễ Du. 

    Hầu như trước khi chúng tôi kịp nhận ra, thì ngày lên đường đã đến, ngày 15 tháng 6. 

    ---o0o---