Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


“Mẹ mời gọi các con hãy nhất quyết chọn Thiên Chúa. Mẹ van xin các con hãy đầu phục hoàn toàn...”

    Chương 13

    NGƯỠNG CỬA THIÊN ĐÀNG

    Sơ Margaret có tổ chức một cuộc họp tại Nhà thờ lúc hai giờ cho một màn “chiêu đãi đặc biệt”. Không ai biết đó là cái gì, và chúng tôi đoán chừng có lẽ chị đã sắp xếp để vài thị nhân đến nói chuyện với chúng tôi. Bây giờ, ngồi dựa lưng vào tường Nhà thờ dưới ánh nắng ấm áp, trong khi đợi những người khác, tôi bỗng bật cười vì ý nghĩ viết một quyển sách về Mễ Du. Một quyển sách! Quyển đó phải khác với hằng tá quyển đã được tung ra thị trường. Hầu hết các sách đó được viết bởi các linh mục Công giáo, và đề cập phần lớn đến thời gian đầu. Rất ít sách viết về diễn tiến của sự hối cải xảy đến với rất nhiều thường dân đã đến viếng nơi này. Tôi muốn viết về sự biến đổi thiêng liêng to lớn đã đánh động anh chàng Tin Lành nguội lạnh (W.Weible) này. Và sứ điệp quan trọng từ Thiên Chúa đến cho ngôi làng xa xôi, hẻo lánh này, một cách nào đó, phải được truyền đến hằng triệu người không bao giờ có thể có phương tiện đến đây. Sứ điệp này cũng phải được truyền đến những người cần đến đây, để họ cũng sẽ trở thành tông đồ truyền bá sứ điệp khẩn cấp này khi trở về lại nhà.


    Với lại, tôi là một người Tin Lành. Điều này làm tăng thêm ảnh hưởng tác động vào việc người ta ăn năn hối cải. Tôi lắc đầu, nhận ra tôi không còn nghĩ mình là Tin Lành, hoặc coi toàn bộ hiện tượng Mễ Du là của riêng người Công giáo nữa. Đơn giản tôi là một đứa con của Thiên Chúa, đang sống ở ngưỡng cửa thiên đàng. 
 
    Bây giờ nhiều người trong nhóm tôi đã đến Nhà thờ, tôi đứng dậy nhập bọn với họ. Bên trong, người ta đã sắp sẵn ghế cho chúng tôi ngồi đằng trước. Khi chúng tôi đi lên, ngang qua những người hành hương Pháp và Ý đang ngồi rải rác đằng sau cúi đầu lặng lẽ cầu nguyện, tôi mới nhận ra nhóm chúng tôi là nhóm người Mỹ duy nhất đến Mễ Du lần này. Thực ra, trừ một ít khách hành hương Ai-len, chúng tôi là nhóm người nói tiếng Anh duy nhất trong Nhà thờ. 
 
    Cửa phòng mặc áo mở ra, và các thị nhân Marija, Vicka và Ivan bước ra. Nhưng tôi không chú ý đến các em mấy, mà chỉ chăm chú vào vị linh mục mặc áo nâu đang dẫn đường. Tôi nhận ra lập tức người có dáng mảnh khảnh, tóc thưa, đôi mắt xám hay nhìn chăm chú - mà tôi đã thấy qua một băng vidéo: cha Svetozar, tác giả của một quyển sách về Mễ Du có giá trị nhất đối với tôi. Tôi vội vàng đến chỗ sơ Margaret đang ngồi: “Sơ ơi, tôi cần gặp ông này!” Chị nhìn tôi với một nụ cười hiểu biết, điềm tĩnh trả lời: “Đừng lo, anh sẽ gặp.” Tôi trở lại chỗ ngồi, hơi bối rối vì câu khẳng định ấy, nhưng tôi rất vui. 
 
    Nhờ có cha Svet thông dịch, các thị nhân tóm lược những biến cố của tháng 6 năm 1981. Sau đó, họ trả lời những câu hỏi không tránh được mà dân chúng thường đặt ra: Đức Mẹ trông như thế nào? Người mặc áo gì? Tóc Người màu gì? 
 
    Khi nghe như vậy, tôi rất ngạc nhiên về sự kiên nhẫn của những người trẻ tuổi này. Cho đến nay, chắc là họ đã phải nghe cũng những câu hỏi ngớ ngẩn ấy đến mười ngàn lần, hoặc hơn nữa. Thế nhưng, tôi không thể khám phá ra một chút xíu mệt mỏi hay chán ngán nào trong những câu trả lời của họ - và đó hẳn là ân sủng Chúa ban để họ chu toàn ơn gọi của mình.  

Hình chụp năm 2006. Từ những năm đầu tiên Đức Maria hiện ra đến nay, Vicka vẫn đứng chỗ này để rao truyền sứ điệp của Mẹ cho các đoàn người hành hương như thế… có vẻ như không hề biết mệt mỏi, vì luôn vẫn nở nụ cười trên môi…


     Đó là một ơn gọi mà tôi chẳng thèm muốn, ghen tị. Bên ngoài nhà của Vicka, luôn luôn có những nhóm người đứng xếp hàng tràn cả ra đường, chờ đến lượt nghe cô nói và đặt câu hỏi với cô. Với người Philippin sẽ mất 20 phút, rồi người Ý, rồi người Đức, v.v... Cứ như thế suốt ngày, nhưng cô không phàn nàn: cô chỉ đang làm điều mà Gospa (Đức Mẹ) yêu cầu cô. 
 
    Tôi cũng vậy, nhưng cho đến nay vẫn có phần nào thiếu sẵn sàng, hăng hái. Âm thầm, tôi hi vọng sự dấn thân viết cuốn sách ấy sẽ khuyến khích tôi để tâm vào toàn bộ sứ điệp mà Đức Maria đã ban cho tôi. 
 
    Khi buổi nói chuyện chấm dứt, tôi cố chen đến gần cha Svet, nhưng lại bị đè bẹp bởi đám đông đang xô đẩy, chen lấn từ tứ phía của Nhà thờ. Rõ ràng, người ta đã truyền miệng nhau rằng cha Svet đang có mặt ở đây với các thị nhân - và lập tức, Nhà thờ thành đông nghẹt. Sau đó, điều tôi biết được là thấy ông bị người ta bao vây, phần lớn là dân làng, ông cố vươn tay ra trên họ để ban phép lành: ông làm tôi nghĩ đến một ứng cử viên tổng thống ở bên nhà. Còn những người bao vây ông thì rộn ràng, hớn hở: ông giống như một ngôi sao điện ảnh đối với họ. 
 
    Khi cảnh huyên náo đã lắng xuống và khi có được cơ hội, tôi liền nắm chặt tay cha: “Thưa cha, tôi là một nhà báo Mỹ. Tôi chỉ muốn cha biết là cuốn sách của cha có ý nghĩa biết chừng nào đối với tôi. Cha đã viết với cả trái tim và tâm hồn. Tôi rất sung sướng được gặp cha!” 
 
    Nắm chặt tay tôi, ông nói khẽ: “Anh vui lòng đợi tôi một chút!”, rồi tiếp tục ban phép lành cho đám đông. Tôi đứng đó, sững sờ. Ông muốn gì ở tôi? Khi người cuối cùng đã được chúc lành, ông ra dấu cho tôi đi theo đến phòng mặc áo, một căn phòng nhỏ tiếp giáp với bàn thờ, nơi các linh mục mặc áo lễ và chuẩn bị dâng lễ. Tôi bước theo, cảm giác như đang bước chân trên đất thiêng. 
 
    Vừa mới bước qua cửa nhà mặc áo lễ, một gia đình ba người Croát lao vào, nài xin cha Svet cầu nguyện cho một người con gái thuộc gia đình họ đang gặp rắc rối - tôi đoán đại khái như vậy. Khi đã xong việc với họ và họ đi rồi, ông đóng cửa lại, quay sang tôi, đặt hai tay trên vai tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi: “Anh Wayne, tôi muốn xin anh một đặc ân: Tôi đã hoàn tất bản thảo quyển sách thứ hai tôi viết về Mễ Du, và tôi cần một nhà văn người Mỹ hoặc người Anh giúp tôi phần biên tập. Anh có thể ở lại đây mười hay mười lăm ngày nữa để giúp tôi không? Hay là anh về rồi trở lại đây?” 
 
    Tôi muốn ngã lăn ra: thật chẳng khác gì nhà đại danh họa Michelangelo đang xin một anh thợ sơn giúp đỡ. “Thưa cha, tôi ư? Làm sao tôi có thể giúp...” 
 
    - “Không.” ông cắt ngang, “Anh chính là người ấy. Tin tôi đi, tôi biết mà”, rồi đăm đăm nhìn tôi. 
 
    Tôi giải thích cho ông biết tôi đã lập gia đình, có hai con nhỏ ở nhà và may mắn lắm tôi mới được cơ hội đến đây, vậy đừng nói chi đến việc ở nán thêm một thời gian nữa. “Nhưng,” tôi nói thêm, “được làm việc với cha là một vinh dự. Tôi sẽ về nhà, rồi sẽ liệu sau.” 
 
    Sau cùng, ông thở dài nói: “Vâng, tôi sẽ chờ anh báo lại. Nếu không, có lẽ anh có thể giúp tôi từ bên Mỹ. Sơ Margaret sẽ đem theo bản thảo của tôi về và làm cho anh một bản sao tại Trung Tâm Hòa Bình. Nếu cần, anh có thể trở lại đây tháng sau với tập bản thảo. Còn nếu không, anh có thể gởi lại bản thảo đã sửa chữa xong cho tôi qua nhóm Trung Tâm Hòa Bình, khi họ trở lại Mễ Du.” 
 
    Tôi đáp: “Vâng, có lẽ được. Ít ra, tôi cũng sẽ cố gắng.” 
 
    Ông ôm chặt tôi và nói: “Chúa ở với anh, Wayne!” 
 
    Tôi băng qua lối đi giữa Nhà thờ - giờ đây đã vắng vẻ, chỉ trừ một vài người đang cầu nguyện - để ra ngoài đi tìm sơ Margaret. Trong thâm tâm, tôi thấy khó mà trở lại Mễ Du được, nhưng tôi sung sướng rộn ràng vì ông lại còn yêu cầu tôi việc ấy nữa. Đến khi tôi gặp sơ Margaret, tôi hỏi một cách ngạc nhiên: “Chị có biết cha nhờ tôi làm cái gì không?” Chị cười, đáp: “Biết.” 
 
    - “Vậy chị có thể cho tôi hay điều chị biết mà tôi không biết không?” 
 
    - “Tôi có nói với cha Svet là trong nhóm này có một nhà văn người Mỹ và cha rất mừng.” 
 
    - “Cái gì làm cho cha nghĩ là tôi có thể làm việc đó?” 
 
    Chị nhún vai nói: “Nếu cha nói anh làm được, thì có nghĩa là anh làm được.” 
 
    Tôi cho là còn nhiều điều khác nữa trong vụ này, hơn là những gì sơ nói với tôi, nhưng ngay lúc đó, Maureen với đám người trong nhóm chúng tôi xuất hiện, xôn xao muốn biết chi tiết tại sao cha Svet lại muốn gặp tôi nói chuyện; do đó, tôi không thể nói chuyện tiếp với sơ Margaret. Tôi tự dặn: sau này sẽ gặp lại để tìm hiểu thêm về vị linh mục thánh thiện này và về quyển sách mới của ông. 
 
    Vài ba người trong nhóm, khi nghe nói về ánh sáng mà tôi được thấy trên núi sáng hôm ấy, đã rủ tôi sáng hôm sau đi lên núi thật sớm với họ; cho nên tối nay tôi phải đi ngủ sớm, dặn họ trễ nhất là bốn giờ sáng phải ra khỏi nhà, nếu muốn được ngắm cảnh mặt trời mọc. 
 
    Sáng hôm sau, có hai người đã thật sự đi được: Maureen và một thanh niên tên Paul. Khi bắt đầu lên đường, Paul hỏi: “Này, Wayne, anh đi được bao xa khi bắt đầu thấy ánh sáng đó?” 
 
    - “Vài cây số.” 
 
    - “Lúc ấy anh đã băng qua cây cầu dẫn tới Mễ Du chưa, hay là sao? Mà nói chính xác thì nó giống cái gì?” 
 
    Tôi cứ bước tới như thể không nghe anh ta nói gì, chỉ đề nghị vừa đi vừa lần hạt Mân Côi. Paul rất dễ bị kích thích, bồn chồn muốn thấy bất cứ hiện tượng nào dính dấp đến Mễ Du. Ý định của anh tuy tốt, nhưng đây không phải là lúc, là nơi để chuyện trò. Đây là lúc cầu nguyện và suy gẫm trong yên lặng với Chúa. Tôi rất mừng khi Maureen xướng lên những kinh đầu của chuỗi Mân Côi. 
 
    Sáng nay, chúng tôi không thấy ánh sáng. Maureen và Paul thất vọng, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi biết kinh nghiệm hôm qua là dành riêng cho tôi, để thêm một bằng chứng không thể chối cãi về sứ vụ mà tôi đang được yêu cầu đảm trách. 
 
    Khi chúng tôi đến chân núi, Maureen muốn cầm chắc sẽ đến được đỉnh núi vào đúng lúc mặt trời mọc, cho nên cô bước nhanh khi chúng tôi bắt đầu leo lên. À, làm gì có chuyện tôi để cho Maureen đi nhanh hơn! Thế là tôi phóng theo, bỏ lại Paul trèo lên chuệnh choạng, nặng nề phía sau. Anh ta gọi theo: “Ê, làm gì mà mấy cha đi nhanh dữ vậy?” 
 
    Chúng tôi đến chặng thứ nhất của Đàng Thánh Giá và hổn hển đọc kinh, xong Maureen lại vọt đi như một con linh dương. Tôi bám sát phía sau. Chúng tôi leo bốn chặng theo kiểu đó, cho tới khi Paul xuất hiện, trông như sắp chết, van vỉ: “Mấy cha làm cái gì vậy?” 
 
    Maureen nhún vai: 
 
    - “Tôi làm thế này để đền tội một cách đặc biệt, nhưng không có nghĩa là anh cũng phải làm.” 
 
    - “Tôi cũng đền tội”, tôi thêm vào, cương quyết đi chung với cô. 
 
    Bầu trời phía sau đồi Podbrdo bây giờ bắt đầu sáng rồi, mặt trời có thể mọc lên bất cứ lúc nào, mà chúng tôi thì muốn ở trên đỉnh để ngắm cảnh đó. Mồ hôi nhỏ giọt ướt đẫm, chúng tôi đã đến nơi - và thật đáng công! Không đầy một phút sau khi chúng tôi cầu nguyện xong ở chặng đàng Thánh giá cuối cùng, toàn bộ ngọn núi bỗng biến thành một biển vàng và kim cương ánh sáng lóng lánh. Một mình dưới chân thập giá, Maureen và tôi lặng lẽ thưởng thức khoảnh khắc đó. Vài phút sau Paul tới, quá hụt hơi, không nói lời nào.  

Toàn cảnh làng Mễ Du từ núi Krizevac nhìn xuống. Ở giữa làNhà thờ Thánh Giacôbê với hai ngọn tháp cao; rải rác trong vùng là những thôn xóm, chen vào giữa là những vườn trồng nho và thuốc lá, là những phương tiện sinh sống chính của làng nhỏ bé và nghèo nàn này.


     Ba đứa chúng tôi ngồi lại nói chuyện, uống nước trái cây và chia nhau một ổ bánh mì “nhà làm” mà tôi mua tại một tiệm ở Citluk. Khi nhìn quanh, tôi ngán ngẩm vì khối lượng rác vương vãi trên đỉnh núi. Tôi nhặt lên một lon Coca Cola rỗng, rồi một mảnh giấy gói kẹo, rồi một hộp cơm mới ăn hết nửa, và tôi đem đến cái hố rác được đào bên cạnh đỉnh núi. Mọi thứ ở đó đẫm ướt sương đêm, tôi chùi tay vào quần sau khi dọn dẹp mấy thứ đã nhặt. 
 
    Bỗng nhiên, tôi chú ý thấy một vật gì giống như một tấm ảnh đang nằm phía trên cùng, rồi nhặt lên. Đó là một tấm ảnh Đức Giêsu lớn bằng tấm bưu thiếp. Mà lạ quá, nó lại hoàn toàn khô ráo, trong khi tất cả đều đẫm sương. Không có ai ở trên núi khi chúng tôi lên đến đỉnh, cũng như không có ai đi xuống núi ngang qua chúng tôi. Như vậy, tấm ảnh phải ở đó ít nhất suốt đêm qua. 
 
    - “Maureen!” tôi gọi, “Lại đây. Tôi không tin nổi!” 
 
    Cho cô xem tấm ảnh, tôi nói rất khẽ: “Nó khô rang!” 
 
    - “Ôi, tôi muốn nó, tôi muốn nó!” cô kêu lên, ôm chặt tấm ảnh vào người, mà không để ý là nó hoàn toàn khô. 
 
    Khổ thân tôi, vì tôi cũng muốn nó quá - nhưng rồi chợt nhớ đến món quà được xem thấy ánh sáng mà hôm trước tôi đã được. 
 
    - “Tấm ảnh này từ đâu ra?” tôi tự hỏi. Lật qua mặt sau, tôi thấy không có gì, ngoại trừ một hàng chữ đề ngày tháng viết bằng tay: 18 tháng 6 năm 1986. “Chắc là của người châu Âu,” tôi quan sát, “vì ngày đặt trước tháng. Nhưng tại sao lại chỉ đề ngày tháng? Và tại sao lại đề trước sáu tuần nữa kể từ hôm nay?” 
 
    Maureen chỉ biết lắc đầu, đưa ảnh cho Paul xem rồi hí hửng cất vào túi. Sau đó, chúng tôi đi xuống, để kịp dự Thánh Lễ buổi sáng. Bức ảnh kỳ bí và ngày tháng sắp tới ghi sau lưng cũng bị quên luôn. 
 
    Mỗi chúng tôi đều biết rõ hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của mình ở Mễ Du, vì thế, xem ra mọi sự đều rõ nét, mọi cảm nghĩ đều bén nhạy một cách đáng kể. Dần dần, tôi nhận ra mình không muốn rời nơi này một chút nào: một điều điên rồ! Tôi nhớ Terri, nhớ bọn nhóc và muốn gặp lại họ đến chết được... Nhưng trong Thánh Lễ sáng hôm ấy, tôi thấy những cảm xúc của mình dâng lên thật cao. “Chúa ôi!” tôi thầm thĩ, “Đây là ngày cuối cùng của con ở đây!” Tim tôi tan nát, vì mặc dù có lời yêu cầu của cha Svet và ước muốn riêng của tôi được làm việc với ông, tôi thật sự vẫn nghĩ có thể mình sẽ không bao giờ trở lại đây được. 
 
    Thời gian còn lại trong ngày trôi qua rất nhanh - quá nhanh. Nơi nào tôi nhìn, tôi đều thấy có một cái gì khác nữa mà tôi muốn ghi nhớ mãi. Mặt trời lặn dần trên dãy núi về phía Tây. Và thoáng chốc đã đến lúc tới Nhà thờ lần hạt Mân Côi trước giờ Thánh Lễ tiếng Croát. Khi bước vào, mắt tôi chợt thấy mấy tòa giải tội ở cuối Nhà thờ. Mỗi bên có ba tòa, trước mỗi tòa có tấm bảng nhỏ ghi chữ: Hvrotski (tiếng Croát), Deutsche (tiếng Đức), English (tiếng Anh), Francais (tiếng Pháp)... 
 
    Như thường lệ, mọi hàng ghế đều chật cứng người; nhưng ở hàng chót bên tay phải, người ta nhường một chỗ cho tôi và mời tôi ngồi chung. Người ta bắt đầu đọc kinh, nhưng tôi không chú ý đến việc lần hạt, mà chỉ nghĩ đến việc xưng tội. Trong suốt mấy ngày cuối, tôi cứ nghĩ đến việc đi xưng tội. Vì là một tín đồ Tin Lành, nên chuyện này quá mới lạ với tôi. Bên Tin Lành Lutêrô, chúng tôi xưng tội công khai như một phần trong buổi thờ phượng; nhưng tôi muốn bật ngửa, khi thấy rất đông khách hành hương xếp hàng nối đuôi nhau cả trong lẫn ngoài Nhà thờ, để đến lãnh bí tích đặc biệt này. Nhiều người trong nhóm cũng đã hỏi tôi có muốn xưng tội không. Khi tác động dồn dập của Mễ Du mỗi ngày thêm chồng chất, nhiều khách hành hương cảm thấy cần phải tẩy sạch tâm hồn, bằng cách xưng thú tội lỗi mình. Với một số người, đó là lần đầu tiên trong nhiều năm... Bằng hành động này, họ sẽ niêm phong những cảm nghiệm Mễ Du của mình trong lòng suốt đời.

Để biểu hiện sự hối cải, người ta đi xưng tội. Vì thế Mễ Du trở thành toà giải tội cho tất cả thế giới.


    Tôi cũng muốn làm việc đó nữa, nhưng tôi lại là người Tin Lành. Tôi chịu bí tích này có được không? Tôi hỏi sơ Margaret, nhưng chị không biết. Tôi là người Tin Lành đầu tiên chị đưa đến đây. Một mặt, bí tích này dành cho người Công giáo, nhưng mặt khác, làm sao người ta có thể từ chối bí tích này với một người muốn ăn năn một cách đàng hoàng? Tôi cũng hỏi Maureen, cô ấy khuyến khích tôi đi xưng tội. Cô còn dặn: “Nhưng, làm gì thì làm, anh đừng gặp ông cha Arcadius, ông cha có bộ râu trắng và cặp mắt dữ tợn đó. Tôi đã có lần xưng tội với ông, ông rất nghiêm khắc với người Công giáo - hoàn toàn không thích hợp cho một người Tin Lành đi xưng tội lần đầu tiên!” cô nói với một cái nháy mắt. 
 
    Sau cùng thì quyết định là do tôi, cho nên tôi định sẽ đợi đến lúc về nhà. Nếu tôi vẫn cảm thấy thôi thúc, tôi sẽ xin mục sư Lutêrô của tôi nghe tôi thú tội. Tôi cố tập trung vào việc lần hạt Mân Côi. Nhưng khi giờ lễ buổi chiều bằng tiếng Croát đến gần, lòng tôi càng thêm tan nát bởi ý nghĩ đây sẽ là Thánh Lễ cuối cùng của tôi. 
 
    Cuối cùng, không chịu được nữa, tôi liền đứng dậy, ra khỏi Nhà thờ. Khi đi ngang qua tòa cáo giải dành cho người nói tiếng Ý, vì lý do nào đó, tôi bỗng liếc nhìn xuống cái bảng nhỏ, rồi nhìn vào đôi mắt của ông linh mục cao lớn, mập mạp đang đứng đó. Ông hỏi nhỏ: “Muốn xưng tội bằng tiếng Ý hả?” 
 
    - “Dạ không, tiếng Anh”, tôi trả lời bằng tiếng Anh rồi chực bước đi. Nhưng ông đã hiểu lầm ý định của tôi. Vừa cười tươi rói vừa nắm vai tôi, ông đẩy tôi thẳng vào cái buồng gỗ nhỏ, tức tòa cáo giải, ở bên cạnh. Ở đó có đặt cái bảng nhỏ ghi chữ “tiếng Anh”. Tôi bị sốc: bỗng nhiên, tôi thấy mình đang đi xưng tội, dù có muốn hay không!  
    Khi quỳ xuống trên tấm ván cứng, tôi mới biết đầu gối tôi đau đến mức nào, vì suốt tuần tôi đã quỳ rất nhiều - lần đầu tiên trong đời. Nhìn qua khung cửa nhỏ có che màn, tôi trông thấy nét mặt nhìn nghiêng của một linh mục có bộ râu trắng, mà tôi nhận ra ngay là vị tu sĩ ẩn dật thường đến các đền thờ như Lộ Đức và Fatima, để giúp các nơi hành hương này trong việc ngồi nghe người ta xưng thú tội lỗi. Đây đúng là ông cha Arcadius mà Maureen đã cảnh giác tôi! Thôi, bây giờ thì trễ rồi! 
 
    Ông nói nhẹ nhàng: “Thế nào, con của cha?” 
 
    Tất cả những gì tôi nhớ được chỉ là câu mình đã xem trong một cuốn phim ở đâu đó: “Thưa cha, xin chúc lành cho con, vì con đã phạm tội.” Thế rồi, ông đợi, tôi cũng đợi; tôi không biết phải nói gì tiếp theo. 
 
    Cuối cùng, tôi tuôn ra: “Con muốn xưng tội, nhưng không biết phải làm sao. Con chưa bao giờ làm chuyện này. Con là người Tin Lành.” 
 
    Linh mục thình lình quay đầu lại: “Con là gì?” 
 
    Tôi lẩm bẩm: “Thưa cha, người Tin Lành.” 
 
    Hai đầu gối tôi đau điếng, mồ hôi toát ra như tắm. Bấy giờ, tôi chỉ muốn đứng lên và chạy. Ông nhìn tôi chăm chú rồi nói: “Thôi được, cha sẵn sàng nghe con xưng tội, nhưng cha không được quyền ban phép giải tội cho người ngoài Công giáo.” 
 
    Tôi hoàn toàn không hiểu ông đang nói gì: “Vậy à, thưa cha. Cái đó không thành vấn đề.” Lại im lặng. Rồi ông nói: “Nào, con nói đi.” 
 
    - “Thưa cha, con không biết phải làm sao.” 
 
    Ông lắc đầu, ngừng một lát rồi nói: “Cha sẽ nhắc lại mười giới răn, còn con chỉ cần trả lời có hoặc không.” 
 
    Tôi tự nhủ: tôi không tin chuyện này lại đang xảy ra! Ông bắt đầu nêu lên từng giới răn một. Tôi nhẹ cả người khi ông đọc đến câu “Chớ giết người”. Cuối cùng, tôi đã có thể trả lời “không”. 
 
    Khi đã xong, ông nói: “Khi trở về Mỹ, nếu con muốn đi thú tội, thì nên đến với mục sư của con.” 
 
    Tôi đáp: “Xin cám ơn cha!” rồi vọt lẹ ra ngoài. Ra đến ngoài, hai chân tôi run lẩy bẩy. Tôi gấp gáp gọi taxi về Citluk. Đến nơi, tôi xuống xe và bước lên con đường đất dẫn về nơi chúng tôi trọ, nhưng tôi không về mà vẫn tiếp tục đi. Tôi rung động sâu xa, nhưng cũng nhận thức rằng tôi thật sự cảm thấy tuyệt vời - được tẩy sạch đến tận cùng sâu thẳm tâm hồn tôi như chưa từng có. Rồi tôi lại nghĩ đến việc mới vừa xảy ra. Tôi phá lên cười. Tội nghiệp ông cha! Trong hai chúng tôi, chưa chắc ai đã run rẩy hơn ai. 
 
    Tôi trở về phòng trọ, đi tắm và thu dọn hành lý, vì đây là đêm cuối cùng, và tôi muốn sáng sớm mai sẽ có chút giờ rảnh. Tôi đã quyết định đi (từ nhà trọ tới) Mễ Du thêm một lần nữa - lần này không phải để lên núi, nhưng để có thời gian ở một mình trong Nhà thờ, trước Thánh Lễ bảy giờ sáng. Ngay sau đó, chúng tôi sẽ ra đi đến Dubrovnik. 
 
    Tôi đi ngủ trước khi những người khác về, và đang khi chờ giấc ngủ đến, tôi thấy vui biết bao vì đã đi xưng tội. Nó chẳng làm tôi trở thành Công giáo hoặc không Công giáo vì việc đó. Sự thú tội đã thật sự làm nơi tôi những gì mà nó đã làm nơi nhiều người khác: nó ghi khắc mãi mãi vào lòng tôi những cảm nghiệm Mễ Du. 
 
    Rồi tôi lại nhận ra thêm một điều khác nữa: từ khi đến Mễ Du, tôi ít nghĩ về Đức Maria, cho dù Người đang hiện ra hằng ngày. Tôi thấy xấu hổ, vì để khởi sự, chính Người đã đem tôi đến đây. Tuy nhiên, tôi cảm thấy Người không bận tâm về chuyện đó, Người thích lui vào phía sau hơn, để hướng người ta đến với Con của Người. Trong trường hợp tôi, chắc chắn là Người đã thành công: sau tuần lễ này, mối quan hệ giữa tôi với Thiên Chúa trở nên thật hơn và trực tiếp hơn bao giờ. Đó là một mối quan hệ riêng tư, gần gũi, thân mật, và tôi cảm thấy nó sẽ tiếp tục mãi, cả khi tôi về nhà. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy mình đang thầm thì: “Ôi, Giêsu! Con yêu mến Chúa!”, hoặc: “Ôi, Giêsu! Con xin cảm ơn!” Trước kia, chưa bao giờ tôi cầu nguyện như vậy; thực ra, cả cuộc đời tôi từ nay sẽ không còn như trước nữa - đó chính là trọng tâm của (sứ điệp) Mễ Du. 
 
    Sáng hôm sau, khi đang rảo bước trên con đường nay đã thành quen thuộc với tôi, không khí trong lành và mát mẻ của buổi sáng sớm như đang kết tinh lại tất cả những biến cố đã xảy ra trong tuần. Tôi thấy ở đó một sự tiến triển rõ nét và thiêng liêng cho tôi. Chắc chắn, tôi cũng đã thấy có sự chuyển biến dần dần nơi những người khác: người đàn bà mập mạp ưa phàn nàn trên xe buýt, nay đã dịu đi và bình tĩnh; những linh mục đã đến với vẻ lãnh đạm chai lỳ thì nay, khi tuần lễ chấm dứt, hầu như đã trở nên hăng hái, nhiệt thành.


    Phần tôi, tôi cứ nói mãi: “Lạy Chúa Giêsu, con không thể nghĩ là con có thể bỏ đây mà đi được. Con đang ở đây, ở ngưỡng cửa của thiên đàng, và con thực sự không muốn về nhà.” Và rồi, tim tôi lại cứ nhớ mong Terri, Kennedy và Rebecca, và cứ ước ao tôi có thể đưa cả mấy mẹ con tới đây.

Đây là cửa thiên đàng. Từ Mễ Du ra về, mang theo một nỗi nhớ quay quắt chỉ mong ngày trở lại…

 
    Khi tôi tới Nhà thờ, Nhà thờ trống trơn - lần đầu tiên tôi được thấy như vậy. Tôi nghĩ không có gì đáng ngạc nhiên, vì còn ít nhất một tiếng đồng hồ mới đến giờ Lễ. Tôi quỳ vào hàng ghế đầu, và ngay lúc đó, cảm xúc trào dâng trong lòng tôi. Tôi tự nhủ: mình không nên làm như thế này, nhưng nước mắt vẫn không sao cầm lại được. Tôi thầm thĩ: “Ôi Giêsu, con biết là chúng con phải ra đi bây giờ, nhưng con không thể...” 
 
    Thời gian như tan biến, bỗng nhiên, Maureen và nhiều bạn khác trong nhóm đến ngồi bên cạnh tôi. Cô mỉm cười nói nhỏ: “Ê, đồ lén lút! Tại sao không cho tụi tôi biết anh đến đây sớm?” 
 
    Tôi nhìn cô rồi vội vàng quay đi đáp: “Tôi cần được ở một mình, vậy thôi.” Tôi không tài nào cầm được nước mắt. Thánh Lễ tiếng Anh thì ít người hơn và thân mật hơn lễ buổi chiều. Trong phần hiệp lễ, tôi cảm nghiệm được sự hiện diện êm ái, dịu dàng của Chúa, mà tôi sẽ không bao giờ quên. Khi Thánh Lễ chấm dứt, tôi vội vàng ra ngoài. Tôi chỉ muốn được ở một mình. Chỉ còn nửa giờ nữa trước khi xe buýt đến đưa chúng tôi đi Dubrovnik - và cuộc hành hương của chúng tôi sẽ chấm dứt. 
 
    Tôi nhanh chân đi vòng ra phía sau Nhà thờ, nơi không ai có thể thấy tôi. Bây giờ, mặt trời đã lên cao, và bầu trời không một đám mây. Tôi quỳ gối xuống khóc nức nở, không sao kềm chế: “Lạy Chúa là Chúa Trời con, xin đừng đưa con đi khỏi nơi này!” Tôi trở nên một đứa trẻ - đứa con của Chúa - mà chúng tôi được nghe nói đến suốt trong tuần. Cảm xúc đã vượt quá khả năng diễn đạt của ngôn ngữ; tất cả những gì tôi có thể lặp đi lặp lại chỉ là: “Giêsu - Giêsu - Giêsu.” 
 
    Dần dần, tôi nhận thấy có một sự bình an kỳ diệu đang ngự trị trong lòng, cho tôi biết sẽ không bao giờ lìa xa Mễ Du về tinh thần. Nhưng đã đến giờ trở về - và sống mỗi ngày với những gì tôi đã cảm nghiệm nơi đây. 
 
    Cuối cùng, tôi đứng lên, đưa mắt nhìn lên ngọn Krizevac, để thu lấy hình ảnh cuối cùng cái biểu tượng của ngôi làng bé nhỏ xinh đẹp này. Tôi nhìn lại lần nữa - và mở to mắt nhìn trừng trừng: không có cây Thập giá! 
 
    Tôi nheo mắt, chớp mắt, quay đi, quay lại - vẫn không có Thập giá! Bị sốc, tôi moi túi xách lấy máy ảnh ra, nhìn qua ống nhắm: không có gì hết! Tôi chụp mấy tấm làm bằng chứng, vì đã từng chụp ngọn núi - với Thập giá - cũng từ một góc độ ấy. Đi thong thả ra phía trước sân Nhà thờ, tôi gặp Maureen và một người khác trong nhóm, anh Bob Veasey, giờ đã thành bạn thân. Chỉ tay lên ngọn núi, tôi điềm tĩnh nói: “Nhìn kìa!” 
 
    Bob cười toe: “Biết rồi! Tụi tôi cũng không thấy Thập giá!” 
 
    Suốt mười hoặc mười lăm phút, chúng tôi đăm đăm nhìn vào đỉnh núi, rồi giờ khởi hành đến. Khi chúng tôi đã ngồi vào chỗ và liếc nhìn ngọn Krizevac lần cuối, khôi hài thật: cây Thập giá đã trở lại, và ai cũng trông thấy rõ ràng. 
 
    Quay lại phía Bob, tôi nhẹ nhàng nói: “Đó là lời chào tạm biệt đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể có được. 
 

    ---o0o---