Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 36

PHẢI CÓ TINH THẦN CÔNG BÌNH VÀ HỢP LÝ

Ta là người nhờ có lý trí, ấy thế mà kiếm được những người biết điều thật là hiếm, nhất là tự ái thường làm ta đi trệch lẽ phải, đưa ta vô tình tới muôn ngàn cái bất công, bất chính nhỏ song nguy hại, chúng có thể ví như những con chồn nhỏ, phá phách vườn nho mà sách Nhã Ca nói đến (Nhã Ca 11, 45). Vì chúng càng nhỏ, ta càng không lưu ý tới, và vì chúng nhiều, chúng sẽ phá hại nhiều. Những cái tôi sắp nói cho con đây con xem chẳng phải là bất công và phi lý ư ? 


Một chút gì ta cũng tố cáo kẻ khác, còn ta lại tha thứ cho mình rất nhiều. Ta muốn bán đắt mua rẻ. Ta muốn người ta cư xử công bình với người khác, còn đối với ta và tại nhà ta, thì họ phải nhân nhượng, nới rộng. Ta muốn người khác hiểu đúng và hiểu tốt về các lời ta, còn ta lại dễ mích lòng mủi lòng vì lời của họ. Ta muốn kẻ khác trao của cho ta, khi ta trao tiền đủ cho họ, thế thì ngược lại, họ giữ của họ lại và trả lại tiền cho ta chẳng vẫn là công bình sao ? Ta bất mãn vì họ không chịu nhượng bộ ta, chẳng phải họ có lý hơn mà bực tức vì ta làm rầy rà họ ư ? 


Nếu ta ưng thích một việc, ta lơ là mọi các khác ; và ta kiểm soát thải bỏ tất cả cái gì không hợp sở thích ta. Nếu có người bề dưới nào của ta không được hài lòng ta, hoặc ta đã có lần oán tức, thì dù họ làm gì, ta cũng coi là xấu, ta sẽ không ngần ngại làm cực lòng họ và luôn ta kỳ kèo tra vấn. Trái lại, có ai vừa ý ta, họ có lầm gì ta cũng bào chữa cho. Có những trẻ em có đức tính tốt mà cha mẹ không thèm nhìn đến chỉ vì chúng có một khuyết điểm thể xác nào đó. Có trẻ xấu nết khác lại được chiều chuộng vì chúng xinh đẹp. Trong mọi sự ta ưa người giàu hơn kẻ nghèo, dù họ thế nào, tốt hay nhân đức. Ta ưa chuộng kẻ áo quần bảnh bao. Ta đòi quyền lợi ta phải được tôn trọng, còn muốn người khác phải dễ dàng hơn khi đòi quyền lợi họ. Ta chi li cặn kẽ giữ gìn địa vị ta, còn muốn kẻ khác khiêm tốn và nhún nhường. Ta trách móc kẻ khác dễ dàng, nhưng không muốn kẻ khác chê trách ta. Làm gì cho kẻ khác, ta cho là nhiều, kẻ khác làm cho ta, ta cho là chẳng có mấy. Tóm lại ta giống như chim đa đa của Páp-la-gô-ni (Paphlagonie), có hai quả tim : một quả tim hiền từ, dễ chịu, nhân nhượng đối với mình ; một quả tim kia cứng cỏi, nghiêm khắc, nhặt nhiệm với kẻ khác. Ta có hai lượng : lượng để đong phần lợi của ta cho rộng rãi hết sức, và lượng kia để xẻn xo phần của kẻ khác cho càng bớt chừng nào càng hay. Lời Thánh Kinh nói : “Môi miệng lừa đảo nói lời hai lòng”, nghĩa là chúng tráo trở và có hai lường : một to để nhận, một nhỏ để trao : đó là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. 


Phi-lô-tê, con hãy gắng công bình, đều nhau, trong mọi hành động. Đặt mình vào địa vị người ta và địa vị con, như thế chắc chắn con sẽ xét đoán đúng mực. Con hãy coi mình như người bán khi con mua, và như người mua khi con bán, lúc ấy con sẽ bán và mua cách công bình. Tất cả những cái bất công tôi kể trên đây nhỏ mọn thật, vì chúng không buộc phải đền trả, ngoài ra, ta tính cách chặt chẽ trong cái có lợi cho ta. Nhưng không phải là chúng không buộc ta phải sửa mình đâu. Đó là những khuyết điểm lớn ngược lẽ phải và đức bác ái, chẳng mấy chốc sẽ thành chuyện gian manh, xảo trá. Người ta chẳng thiệt gì khi sống đại độ, cao quí, lịch thiệp và có lòng cao thượng, công bằng và hợp lý. Phi-lô-tê con, hãy nhớ siêng năng xét lòng con xem nó có đối xử với người đồng loại như con muốn lòng họ đối với con nếu con ở địa vị họ : Lẽ phải đòi vậy ! Vua Tra-gia-nô được các cận thận tâu cho biết là ngài quá ư dễ dàng cho người ta yết kiến, nhà vua trả lời : “Phải, sao trẫm chẳng phải là một Hoàng Đế dễ dãi cho người ta gặp, cũng như giả sử khi Trẫm là một người thường mà mong được gặp Hoàng Đế ư ?”.