Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 30
ĐÔI ĐIỀU CĂN DẶN THÊM VỀ LỜI NÓI 

Lời nói phải êm đềm, thẳng thắn, thật thà, ôn tồn, đơn sơ và trung tín. Đừng hai lòng, xảo trá và lừa lọc. Đã hẳn không phải luôn luôn nói tất cả mọi sự thật, nhưng không được bao giờ nói sai sự thật. Con hãy quen không bao giờ cố tình nói sai sự thật, dù để bào chữa, dù cớ gì khác, vì nhớ rằng : Thiên Chúa là Thiên Chúa sự thật. Nếu nhỡ miệng nói dối mà có thể chữa ngay, nhờ sự cắt nghĩa hay sửa lại, con hãy chữa. Để chữa lỗi, một tiếng cáo lỗi chân thành thì đẹp đẽ và có thế lực hơn là nói dối biết bao.

Dẫu đôi khi, người ta có thể nói loanh quanh khéo léo mà che bớt hay giấu sự thật đi cách kín đáo và khôn ngoan, nhưng chỉ được dùng cách ấy trong chuyện quan hệ khi vinh dự và công việc Chúa đòi hỏi rõ ràng. Ngoài ra, các kiểu nói mánh khóe đều nguy hiểm, như lời Thánh Kinh nói : Chúa Thánh Thần không ngự trong tấm lòng xảo trá và nước đôi. Chẳng có sự tinh khôn nào tốt và đáng chuộng bằng sự đơn sơ. Khôn khéo phàm trần và mánh lới xác thịt là của con cái thế gian, con cái Thiên Chúa bước đi ngay thẳng và lòng không khúc khuỷu. Đấng khôn ngoan nói : “Ai bước đi đơn sơ, bước đi trong bằng an”. Nói dối, hai lòng và giả bộ tỏ ra một tinh thần yếu nhược và ti tiện.

Thánh Au-gu-ti-nô viết trong tập thứ tư của cuốn “Tự Thuật” rằng : linh hồn mình và linh hồn bạn đã kết hợp thành một, nên sau khi bạn quá cố, đời sống này trước mắt ngài chỉ còn là đáng ghét, vì ngài không muốn sống một nửa như thế, song đàng khác, cũng vì thế mà ngài sợ rủi mình chết, thì bạn sẽ phải chết hẳn cả. Những lời này ngài nhận thấy có vẻ giả tạo và kiểu cách quá nên ngài sửa lại trong cuốn “Cải Chính” của ngài và mệnh danh cho các lời đó là dớ dẩn. Con thấy đó, Phi-lô-tê, linh hồn cao đẹp thánh thiện ấy cũng yếu mềm trước tâm tình khách sáo giả tạo đó !

Đức trung tín, sự ngay thẳng và thật thà trong lời nói thật là vẻ hòa mỹ của đời sống người tín hữu. “Con dốc lòng : sẽ coi chừng bước đi để khỏi phạm tội nơi miệng lưỡi… Ôi Chúa ! xin hãy canh gác miệng con ; hãy đóng chốt lưỡi con lại…”. Đó là lời cầu của vua Đavít. (Ca vịnh 38, 2)

Vua Lu-y căn dặn chớ nên phản đối ai trừ phi đó là một chuyện tội hay có hại lớn nếu ta im lặng. Mục đích là tránh mọi cãi cọ và đấu khẩu. Khi cần phải nói ngược lại ai, hay nói nghịch ý kiến ai, ta nên hiền từ và khéo xử để khỏi áp bức tâm trí người kia, vì gay gắt đả kích điều nọ điều kia cái đó chẳng lợi gì cho ai cả.

Nói ít như các bậc Quân tử thời xưa khuyên dặn, không cố ý bảo phải nói ít lời, nhưng đừng nói những lời vô ích. Vì trong vấn đề ăn nói, không chú tâm về lượng cho bằng phẩm. Và tôi thiết nghĩ nên tránh hai cực đoan :

1) Quá trịnh trọng và quá nghiêm nghị, từ chối không chịu góp phần vào chuyện, như thế tỏ vẻ thiếu tin cậy hay khinh miệt. Còn nói huyên thuyên không ngớt miệng, không để cho người khác nói thì cũng là nhẹ dạ, nhẹ lòng.

2) Thánh Lu-y cho rằng khi hội họp với nhau mà hai ba người thầm thì riêng rẽ, nhất là lúc ngồi chung bàn ăn, là điều không tốt. Như thế làm cho người ta nghi mình nói xấu kẻ khác. Ngài nói : “Kẻ ngồi cùng bàn ăn, nếu có điều gì vui cười hãy nói cho mọi người nghe. Nếu có chuyện cẩn mật, thì im lặng đừng nói”.

--- o0o ---