Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 24
TRÒ CHUYỆN VÀ CÔ TỊCH

Tìm dịp bắt chuyện hay trốn tránh đều là hai thái cực đối với đời đạo đức của người sống giữa thế gian. Trốn tránh là vì khinh thị người đồng loại và tìm tòi là do tại ăn không ngồi rồi và vô dụng. Phải yêu người như mình. Để tỏ ra ta yêu họ, không được trốn tránh họ. Và để tỏ ra ta yêu ta, ta phải ở lại trong mình. Mà người ta chỉ ở với mình khi ở một mình. Thánh Bê-na-đô nói : “Hãy nghĩ đến mình, rồi đến kẻ khác”. Vậy, nếu không có gì thúc bách tiếp chuyện hay đón khách tại nhà, con hãy ở một mình và trò chuyện với lòng mình. Nhưng nếu cần phải tiếp chuyện, hay vì lý do chính đáng nào con phải đi nói chuyện, hãy vì Chúa mà đi, Philôtê ; và con hãy đối xử với nguời đồng loại cách tử tế và niềm nở.

Người ta gọi là trò chuyện xấu những trò chuyện vì ý xấu, hoặc kẻ dự vào là những kẻ xấu nết, phóng túng, bừa bãi. Phải tránh những cuộc trò chuyện ấy như ong mật tránh đám ong bầu và ruồi trâu. Kẻ bị chó dại cắn, nước bọt, hơi thở và mồ hôi họ đều có nộc độc, nguy hiểm cách riêng đối với trẻ con và người thể chất yếu ớt ; kẻ xấu nết càn dỡ cũng vậy, ai đi lại với họ chỉ gặp nguy hại, cách riêng những người đạo còn non yếu, mỏng manh.

Có những trò chuyện vô ích, song phải dùng khi giải trí, để giúp khuây khỏa sau những việc nghiêm trang. Cũng không nên quá mức trong chỗ này, chỉ nên dành cho chúng những giờ phút buổi giải trí thôi.

Các trò chuyện khác có mục đích lương thiện, như thăm viếng nhau và đôi cuộc hội họp để chúc mừng người ta, cũng không nên thực hành các điều này cách mê man cuồng nhiệt, đàng khác đừng bất lịch sự đến nỗi khinh rể chúng. Vậy hãy khiêm tốn nết na làm bổn phận ấy, hầu tránh khỏi sự quê kệch lẫn nhẹ dạ.

Còn các trò chuyện hữu ích, như giữa những người đạo đức, lành thánh với nhau, thì Philôtê, gặp được các cuộc trò chuyện như thế luôn thật là một lợi ích lớn lao cho con. Gốc nho trồng giữa các cây dầu ô-liu trổ sinh các trùm nho sai quả và có mùi dầu ô-liu thơm tho ; linh hồn sống ở giữa những người nhân đức chắc sẽ hưởng lây các nhân đức của họ. Tự mình ong đất không làm ra mật, song chúng giúp cho ong mật làm ; để tập cho ta có lòng đạo đức, nói chuyện với các linh hồn đạo đức là một lợi ích lớn lao.

Bất cứ trò chuyện thế nào, lòng ngay thật, đơn sơ hiền lành và khiêm tốn luôn được ưa chuộng. Có những người không làm một cử chỉ, điệu bộ nào mà không cầu kỳ kiểu cách làm cho ai nấy đều ngán. Cũng như kẻ đi dạo mà cứ đếm từng bước, kẻ mở miệng là hát, ai mà chẳng bực mình ; thì kẻ điệu bộ kiểu cách, lúc nào cũng khuôn sáo, làm cho cuộc nói chuyện đâm tẻ nhạt. Những hạng người đó không nhiều thì ít vẫn thường hợm mình luôn. Bình thường trong câu chuyện phải có sự vui tươi ôn hòa. Thánh Rô-mu-al-đô và Antôn được người đời ca tụng hết sức vì nét mặt và lời nói các ngài luôn đượm vẻ vui tươi, hoan hỉ và lịch sự, mặc dù các ngài sống vô cùng khổ hạnh. “Hãy vui với kẻ vui”, đó là lời thánh Phaolô nói (Roma 12, 15). Tôi nhắc lại một lời nữa của Ngài : “Hãy luôn hoan hỉ song ở trong Chúa chúng ta. Chớ gì sự khiêm tốn(1) của anh em tỏ bày ra trước mọi người” (Philíp 4, 4). Để vui trong Chúa, thì muốn vui về điều gì tùy ý song phải là điều mang tính chất lương chính. Nói thế, vì có những chuyện thong dong tùy ý mà không lương chính. Sau đó, muốn tỏ ra khiêm tốn, con đừng có chướng kỳ ngạo nghễ, là điều luôn luôn đáng trách. Hạ bệ người này, bêu xấu người kia, châm chích kẻ khác, làm cực một kẻ khờ dại : toàn là những trò đùa bỡn vui cười dại dột và ngạo ngược.

Ngoài sự tĩnh mịch tâm trí là nơi con có thể lui vào sống với Chúa ngay giữa mọi câu chuyện náo nhiệt như đã chỉ dạy trên kia, con cũng phải luôn yêu thích sự tĩnh mịch thực sự bên ngoài. Không phải bảo con đi vào sa mạc như thánh nữ Ma-ria Ai-cập, thánh Phao-lô, thánh An-tôn, Ác-sê-niô và các đấng thánh ẩn tu khác, nhưng đôi lần đi vào phòng riêng của con, trong vườn hay nơi nào khác tùy thích. Ở đó con có thể đem trí về lại trong lòng mình và nuôi dưỡng tâm hồn bằng đôi ba điều suy ngắm hay ý tưởng tốt lành thánh thiện, hoặc bằng đôi đoạn sách đạo đức, bắt chước thánh Giám Mục thành Na-diăng như ngài viết về mình : “Tôi một mình thả bộ lúc hoàng hôn và để dòng thời gian trôi lặng lẽ trên bãi biển.

ôi có thói quen dùng cách đó để giải trí và làm khuây khỏa những điều buồn bực thường ngày”. Sau đó ngài nói đến các cảm nghĩ thánh thiện do cảnh ấy gợi lên trong lòng ngài, như trên kia đã ghi lại (Phần II Chương 13). Thánh Ao-gu-ti-nô thuật lại về thánh Am-brô-siô rằng : nhiều lần vào phòng ngài (vì ngài không cấm cửa ai hết), Ao-gu-ti-nô thấy ngài đang đọc sách, sau khi đợi ít phút không dám khuấy động, Ao-gu-ti-nô lặng lẽ quay ra vì nghĩ : Vị Chủ chiên chỉ có chút ít giờ này là rảnh rang để bồi dưỡng và bồi đắp tinh thần sau bao công việc bận rộn nên không dám làm ngài mất thì giờ.

Phúc âm cũng chép lại : sau khi nghe các tông đồ kể lại cho Chúa Giêsu việc giảng dạy và các công việc các vị làm, Chúa nói : “Chúng con hãy vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Marcô 6, 31).

--- o0o ---

1: Chữ “khiêm tốn” ở đây tác giả cố ý dùng thật ra không đúng nghĩa, phải dịch : lòng tốt.