Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 23
CÁC VIỆC PHẠT XÁC BÊN NGOÀI

Những nhà vạn vật học quả quyết : nếu viết chữ trên hạt hạnh nhân còn nguyên vẹn rồi đem bọc vỏ lại  cho kỹ lưỡng đem trồng lại, say này các quả cây hạnh đào đều mang những chữ ấy hết. Theo đó, Philôtê, tôi không thể tán thành phương pháp của những người muốn cải thiện người ta, lại bắt đầu từ bên ngoài, từ cử chỉ bộ điệu, áo quần, tóc tai.

Theo thiển kiến tôi, phải bắt đầu từ bên trong. Thiên Chúa phán : “Hãy ăn năn trở lại cùng ta hết lòng”, “Con ơi ! hãy dâng lòng con cho ta”. Vì tấm lòng là nguồn các hành động. Hành động sao, tấm lòng là vậy ! Bạn Tình thánh mời linh hồn : “Hãy đặt ta như con dấu trên trái tim con, và trên cánh tay con” (Nhã ca 8, 6). Thật thế ! Vì ai có Chúa Giêsu Kitô trong lòng, tức cũng có Ngài trong các hành động bên ngoài. Bởi vậy Philôtê thân mến, trước hết mọi sự tôi muốn ghi khắc trên trái tim con câu thánh này : “Vạn tuế Chúa Giêsu !” Như thế tôi yên tâm, vì đời sống của con sau đó, do từ con tim phát sinh ra, như cây hạnh đào do hạt hạnh nhân, sẽ phát sinh mọi hoạt động như hoa quả của nó, tất cả đều được khắc cái chữ có phúc ấy. Như Chúa Giêsu sống trong trái tim con, Ngài cũng sẽ sống trong mọi hành vi cử chỉ : sẽ hiện ra trong mắt con, nơi miệng, nơi tay, ngay cả trong làn tóc. Lúc ấy con có thể nói như thánh Phaolô : “Tôi sống, song không còn phải tôi, Chúa Giêsu Kitô sống nơi tôi” (Galát 2,20). Nói tóm : chiếm được trái tim là chiếm được cả người. Song trái tim là nơi ta bắt đầu việc cải tổ con người, đòi ta huấn luyện nó để nó biết điều khiển cách cư xử và cử chỉ bên ngoài, ngõ hầu người ta nhìn thấy ở đó không chỉ sự thánh đức, mà còn cả sự khôn ngoan và xử sự ý tứ nữa. Vì đó tôi muốn giúp đôi điều căn dặn.

Nếu có thể ăn chay được, hãy chay lòng vài ngày ngoài các lần chay Hội Thánh buộc. Vì ngoài hiệu quả thường thức là thảnh thơi lòng trí dẹp xác thịt, thực hành nhân đức và được phần thưởng lớn lao hơn trên trời, chay lòng còn có lợi ích lớn này là cho phép sửa trị tính ham ăn uống và bắt dục tình và thân xác lệ thuộc luật tinh thần. Dù ta không ăn chay nhiều, kẻ nghịch vẫn sợ ta hơn, vì nó thấy ta biết ăn chay. Xưa các tín hữu giữ chay vào những ngày thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Con cũng hãy dùng những ngày đó mà ăn chay, được bao nhiêu là tùy lòng đạo đức của con và do phán đoán của cha linh hướng sẽ chỉ dạy.

Tôi muốn nói với con lời của thánh Hiê-rô-ni-mô nói cho bà Lê-ta : “Ăn chay lâu dài và quá độ là điều tôi không ưng, nhất là nếu người ấy còn trẻ tuổi. Theo kinh nghiệm tôi nhận thấy con lừa con mà đói mệt dọc đường, sẽ tìm cách đi chệch đường” : nghĩa là khi còn trẻ mà đã yếu ớt vì chay giới quá độ, thường lại đổi tính thành quá nuông chiều xác thịt. Có hai trường hợp con hươu chạy không mau : khi quá no bụng hay quá gầy đói. Ta dễ bị các cám dỗ tấn công khi xác ta được nuôi dưỡng quá đầy đủ hoặc khi nó quá kiệt quệ : lý do cái trên là thân xác đâm ra chướng kỳ xấc xược vì được chiều chuộng ; lý do cái dưới là thân xác đâm ra bải hoải bất lực vì quá bị bạc đãi. Nó quá béo, ta không mang nổi, nó quá gầy, nó không mang nổi ta. Thiếu điều độ trong việc ăn chay, đánh tội áo nhặm và phạt xác làm cho những năm tốt đẹp nhất của đời nhiều người đâm ra vô dụng, không phục vụ được đức bác ái. Chính thánh Bê-na-đô ở trường hợp đó Ngài hối hận vì đã quá dùng sự hãm mình phạt xác khổ hạnh. Ngược đãi thân xác ban đầu chừng nào, sẽ bị bó buộc chiều chuộng nó sau này chừng ấy. Nếu vậy dung hòa cách đối đãi cho vừa phải mà đều đều và thích hợp với nghĩa vụ và công việc của địa vị họ lại chẳng hay hơn sao ?

Chay lòng và làm việc có sức trị dẹp và trấn áp xác thịt. Nếu công việc con làm là cần thiết hay làm sáng danh Thiên Chúa nhiều, thì tôi thích con chịu những khó nhọc do việc làm ấy gây ra hơn là ăn chay. Đó là ý Hội Thánh : Người miễn chuẩn khỏi ăn chay dù là chay buộc cho những ai làm các việc ích lợi để phục vụ Thiên Chúa và đồng loại. Người này khó nhọc vì ăn chay, người khác khó nhọc vì phục vụ bệnh nhân, viếng thăm tù nhân, giải tội, giảng, trợ giúp kẻ khốn khó, cầu nguyện và các công việc giống vậy. Cái khó nhọc này còn hơn cái khó nhọc kia, vì không kể nó cũng hãm dẹp xác thịt nó còn phát sinh các hoa quả đáng ước ao hơn. Đàng khác, chung chung ta nên giữ sức khỏe thể xác dồi dào hơn là tiêu hủy nó quá độ, vì ta có thể hủy sức khỏe khi ta muốn, nhưng không thể bồi đắp lại luôn bất cứ lúc nào ta muốn được.

Vậy theo ý tôi, ta phải tôn trọng lời Chúa Giêsu Cứu Thế phán với các môn đệ : “Chúng con hãy ăn lương thực người ta dọn cho” (Luca 10, 8). Tôi thiết nghĩ, khi ăn uống cái gì người ta dọn cho mình, ăn cách làm sao, dù ngon miệng hay không, mình không kén chọn gì cả : thì đó là một nhân đức lớn hơn là luôn ta chọn lấy món dở nhất. Dù cách sau này có vẻ kham khổ hơn, song cách trước cho nhiều dịp nhẫn nhịn hơn, bởi vì không những ta từ bỏ sở thích mà còn cả sự kén chọn. Mà để ý riêng mình uốn theo sở thích người khác và tùy theo may rủi, không phải là khổ hạnh nhỏ đâu. Thêm vào đó, thứ hãm xác ấy lại thầm kín, không làm phiền ai và đặc biệt hợp cho đời sống xã giao ! Bỏ miếng thịt này để chọn miếng khác, cái gì cũng thò đũa vào mà thử, chê món này chưa đúng vị, món kia không đẹp mắt, mỗi món là mỗi làm khó dễ : những kiểu đó cho thấy một con người yểu điệu và nghiêng chiều về chuyện ăn uống. Tôi thích thánh Bê-na-đô khi Ngài uống lầm dầu thay vì nước hay rượu hơn là nếu ngài cố tình uống nước hòa chất đắng, vì như thế là dấu ngài không nghĩ gì đến cái ngài uống. Hoàn toàn lãnh đạm với đồ ăn thức uống của ta, đó là đã thực hành hoàn hảo lời Chúa : “Hãy ăn các lương thực người ta dọn ra cho các con”. Tuy vậy, có luật trừ : thịt, thường hại sức khỏe hoặc làm nặng tâm trí. Những người dùng thịt hầm và dặm nhiều gia vị, hầm với rượu hay bị chứng đó. Cũng trừ vài trường hợp, khi cần bồi bổ sức khỏe để có thể đảm đương một công việc làm sáng danh Thiên Chúa. Sống thanh đạm đều đặn, chừng mực vẫn hơn những trai giới quá khắc khổ mà chỉ làm đôi lần, và giữa những lần đó lại xen lẫn những sự thả lỏng quá trớn.

Đánh tội, nếu dùng có chừng mực, có đặc tính đặc biệt lay tỉnh lòng ham muốn sống đạo đức. Áo gai nhặm trấn áp thân xác, nhưng bình thường những ai sống trong hôn nhân hay thể chất mảnh dẻ không khuyên dùng, cũng như người chịu nhiều nỗi thống khổ lớn khác rồi. Đã đành trong những ngày dành riêng hơn để sám hối đền tội, ta có thể dùng sau khi đã lãnh ý cha linh hướng có tính thận trọng.

Tùy theo sức lực mỗi người, mỗi đêm nên ngủ đủ giờ để ngày có thể tỉnh táo mà làm việc. Kinh Thánh, bởi trăm nghìn cách, cũng như gương sáng của các thánh, và lý lẽ tự nhiên cho thấy buổi sáng là lúc tốt nhất và phong phú sinh lực nhất trong cả ngày. Đàng khác, vì Chúa Giêsu được mệnh danh là Mặt Trời Bình Minh và Đức Mẹ là buổi Rạng Đông, nên tôi tưởng gắng đi ngủ sớm buổi tối là việc công đức, hầu có thể dậy sớm ngày mai. Buổi sớm là trời êm đẹp, yên lặng và ít bận rộn nhất. Chim chóc cũng mời đón ra chỗi dậy sớm và ca ngợi Thiên Chúa. Như thế dậy sớm vừa lợi cho sức khỏe, vừa giúp sự thánh thiện.

Ba-la-am cưỡi lừa đi tìm gặp Ba-lác, nhưng vì ông không có chủ ý tốt, nên thiên thần đón ở đường, cầm gươm dọa giết. Lừa trông thấy thiên thần, ngừng lại ba bốn lần, có điệu bất kham. Ba-la-am đánh lừa dữ dội cho nó tiến bước, đến lần thứ ba con lừa nằm khụy xuống, nhưng bởi một phép lạ đã nói lên tiếng rằng : “Tôi làm gì mà ông đánh tôi ba lần thế ?”. Mắt của Ba-la-am được mở ra, ông thấy thiên thần, và nghe tiếng người nói : “Tại sao đánh lừa ? Nếu nó không lùi bước trước mặt ta, thì ngươi đã bị tay ta giết mà tha nó rồi”. Lúc ấy ông Ba-la-am nói : “Lạy ông, tôi có tội, vì tôi không biết người đón tôi ở đường” (Dân số 22, 12 và tiếp). Con thấy chưa, Philôtê, Ba-la-am là nguyên nhân tội ác, thế mà ông ta lại đánh đập con lừa đáng thương kia khụy xuống. Đời ta cũng thường xảy ra như vậy. Người vợ kia, thấy chồng hay con ốm, thì ăn chay, mặc áo gai nhặm, đánh tội như Đa-vít đã làm trong trường hợp tương tự. Buồn thay, bạn ơi, bạn đánh đập con lừa, bạn hành hạ thân xác bạn, nó chẳng làm gì để bạn đau buồn cũng như để bạn bị Chúa tuốt gươm thịnh nộ. Tốt hơn hãy sửa tấm lòng quá chiều chồng, thờ chồng đi đã, tấm lòng nuông chiều thả lỏng con cái phạm muôn nghìn nết xấu, làm nó đâm kiêu ngạo, khoe khoang, tham danh vọng.

gười khác thấy mình hay sa phạm nặng nề trong tội dâm dục : sự cắn rứt rúc rỉa trong lương tâm như lưỡi gươm nhọn đâm xé lòng bắt họ kính sợ Thiên Chúa. Rồi, hồi tâm lại, người đó tự nói : À, xác thịt phản trắc, thân thể bất trung, mày đã phản bội ta ! “Thế là họ hung hăng làm dữ thân xác, ăn chay quá độ, đánh tội vô chừng, mặc áo nhặm liên lỉ ! Hỡi linh hồn đáng thương, nếu xác thịt ngươi có thể nói được như lừa của Ba-la-am, hẳn nó sẽ nói : “Quân khốn khiếp, sao mày đánh ta ?” Hỡi hồn tôi, chính mày mới đáng bị Chúa báo thù, chính mày là can phạm. Tại sao mày dẫn tao đến các cuộc chuyện trò xấu xa ? Tại sao mày dùng mắt, tay, môi tao vào việc dâm đãng ? Tại sao mày khuấy khuất tao bằng bao tưởng tượng nhơ uế ? Hãy có những ý nghĩ tốt, thì tao sẽ không có những cử động xấu. Hãy đi lại với người liêm chính, tao sẽ không bao giờ bị xao động bởi dục tình. Than ôi ! chính mày ném tao vào lửa mà lại muốn tao không bị cháy ư ? Mày đem khói lửa ném vào mắt tao mà lại muốn chúng không cháy lên ư ? Trong các trường hợp ấy, Thiên Chúa nói với bạn : “Hãy đánh, hãy đập, hãy chém, hãy vò nát tim các ngươi trước hết, ta thịnh nộ là thịnh nộ chúng”. Đã hẳn, muốn khỏi ngứa không chỉ tắm rửa, nhưng nhất là lọc máu và bồi bổ gan ; để chữa các nết xấu cũng vậy, đã hẳn là phải hãm mình phạt xác, nhưng tối cần là phải tẩy luyện các tâm tình ta và tăng cường trái tim ta. Vậy, trong mọi sự ở mọi nơi, chỉ nên dùng các khổ hạnh thể xác sau khi lãnh ý của vị hướng dẫn.

--- o0o ---