Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 11
SỰ VÂNG PHỤC

Chỉ có đức mến làm ta nên thánh thiện. Nhưng đức vâng phục, đức thanh tịnh và nghèo khó lại là ba phương thế để đạt tới. Vâng phục cung hiến lòng ta, khiết tịnh cung hiến thân xác ta và nghèo khó cung hiến của cải ta cho tình mến Chúa và để phụng sự Ngài. Đó là ba cánh cửa thập giá thiêng, nhưng ba cánh đó phải xây trên cánh thứ bốn là đức khiêm nhường. Tôi không nói về các đức ấy như ba lời khấn dòng : vì đó là riêng cho các tu sĩ, hoặc như lời khấn tư thường, tuy nhờ lời khấn các nhân đức được thêm nhiều ơn và công nghiệp. Để giúp ta nên thánh thiện, các nhân đức ấy không cần phải thành lời khấn, chỉ cần thực hành các đức ấy là đủ. Các lời khấn, nhất là khấn công khai, đặt người ta trong bậc sống hoàn thiện.

Nhưng, để giúp con người tới hoàn thiện, chỉ cần thực hành các nhân đức ấy. Vì giữa bậc sống hoàn thiện và sự hoàn thiện có sự khác biệt rất lớn. Ta thử nghĩ xem : không phải tất cả mọi Giám mục và tu sĩ sống trong bậc hoàn thiện, đều được nên hoàn thiện cả đâu, điều ấy đã quá rõ ràng. Vậy hỡi Philôtê, ta gắng thực hành ba nhân đức ấy, mỗi người tùy theo bậc sống của mình. Dù chúng không đặt ta trong bậc sống hoàn thiện đi nữa, song chúng sẽ giúp ta nên hoàn thiện thực sự. Vì thế, tất cả chúng ta đều bó buộc phải tập ba đức ấy, nhưng không phải mọi người đều tập cách giống nhau.

Có hai thứ vâng phục, một vì cần thiết, hai vì tự ý. Vâng phục vì cần thiết là khi con phải khiêm nhường vâng phục các bề trên trong Hội Thánh như Đức Giáo Hoàng và Đức Giám Mục, Cha Xứ và những ai được các ngài ủy quyền cho. Con phải vâng phục các người cầm quyền trong xã hội : Đức Vua và các quan đã được ngài thiết lập coi xứ sở con. Con còn phải vâng phục các người trên trong nhà, nghĩa là cha mẹ, thầy giáo, cô giáo. Gọi vâng phục ấy là cần thiết vì không ai được phép tự chuẩn mình khỏi vâng lời các bề trên ấy, là người đã được Thiên Chúa ban quyền truyền khiến và cai quản mỗi người tùy theo trách nhiệm họ đối với ta. Con hãy tuân theo các mệnh lệnh của họ, đó là điều bó buộc. Song muốn nên hoàn thiện, con hãy tuân theo cả lời khuyên bảo của họ, ngay cả nguyện vọng và xu hướng của họ ngần nào tùy đức bác ái và đức khôn ngoan cho phép con. Hãy vâng phục khi họ truyền cho con điều dễ chịu, như đi dùng bữa, đi nghỉ giải trí. Dù thấy vâng lời như thế có vẻ chẳng nhân đức gì mấy, ít ra trái lệnh lúc ấy lại là một nết xấu hơn. Hãy vâng phục trong các điều không can hệ gì, như mặc áo này hay mặc áo nọ, đi đường này hay đi đường kia, hát hay im lặng : vâng phục như thế cũng đáng khuyến khích lắm. Vâng phục trong những điều khó, cực nhọc và nhờm gớm : đây là vâng phục trọn hảo. Cuối cùng, con hãy vâng phục cách hiền từ, không cãi lại, nhanh chóng không trì hoãn, vui vẻ không âu sầu ; nhất là vì mến yêu Đấng vì yêu ta “đã vâng phục cho đến chết trên thập giá”, và theo lời thánh Bê-na-đô, Đấng thà mất mạng sống hơn bỏ vâng lời.

Để tập dễ dàng vâng lời các Bề trên, con hãy dễ dàng nhún nhường chiều ý của bạn đồng trang, nhượng bộ các ý kiến họ trong những điều không xấu, không nên cãi cọ hoặc bướng bỉnh. Con cũng hãy cố nghe theo nguyện vọng của các kẻ Bề dưới con, trong khuôn khổ lẽ phải, đừng có kiểu uy hiếp họ khi họ vẫn tỏ ra tử tế đàng hoàng.

Thật là lầm to nếu nghĩ mình sẽ vâng phục cách dễ dàng nếu mình là tu sĩ, đang khi mình thấy cực lòng khó chịu vì phải vâng phục những người mà Thiên Chúa đang đặt làm bề trên ta.

Còn vâng phục tự ý là vâng phục ta muốn chọn để vâng theo, không ai gán buộc cho ta cả. Bình thường, ít có người trong chúng ta tự chọn lấy vua hay Giám mục, cha mẹ và nhiều khi ngay cả chồng mình nữa1. Song người ta tự chọn cha giải tội, cha linh hướng cho mình. Có đôi khi người ta còn thêm lời khấn vâng phục các ngài nữa như trường hợp thánh Tê-rê-xa Mẹ, ngoài lời khấn trọng thể vâng phục Bề trên Dòng, người còn khấn riêng vâng lời cha Gra-xi-a-nô. Hoặc có thể không khấn như thế song tự buộc vâng phục một người nào, cho nên gọi sự vâng phục ấy là tự ý, vì căn nguyên nó là do ý muốn ta chọn lấy.

Phải vâng phục mọi bề trên, tùy theo quyền chức mỗi vị đối với ta. Về các điều liên quan đến trật tự và quốc gia, phải vâng phục các vua chúa. Về các điều thuộc quản trị của Hội Thánh, phải vâng phục các vị có giáo chức. Về các điều thuộc gia đạo, phải vâng phục cha, thầy, chồng. Còn về việc lương tâm, vâng phục cha linh hướng, hoặc cha giải tội riêng của mình.

Con hãy nhờ cha linh hướng sắp đặt các việc đạo đức mà con phải làm, những việc ấy sẽ được thêm giá trị và tốt đẹp, đáng mến gấp đôi : vì một phần do bản chất của chúng là đạo đức, phần khác do đức vâng lời đã xếp đặt và dạy ta làm. Phúc cho kẻ vâng phục, vì không bao giờ Thiên Chúa để họ lạc lối.

(1) Vì chế độ quân chủ và chế độ xã hội thời đó : vua là dòng dõi mà lên ngôi, chồng là do cha mẹ gả.

--- o0o ---