Noi Gương Đức Kitô

NoiGuongDucKito_logo

(từ cuốn "The Imitation of Christ" do Aloysius Croft dịch từ nguyên bản tiếng La Tinh)
Cuốn 2: ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

Mục Lục

  • Chương 01: Chiêm Niệm
  • Chương 02: Sự Khiêm Tốn
  • Chương 03: Thiện Hảo và Bình An Trong Con Người
  • Chương 04: Tâm Trí Thanh Khiết và Mục Đích Duy Nhất
  • Chương 05: Chính Chúng Ta
  • Chương 06: Niềm Vui của một Lương Tâm Tốt Lành
  • Chương 07: Yêu Mến Chúa Giêsu Trên Hết Mọi Sự
  • Chương 08: Tình Bạn Mật Thiết của Chúa Giêsu
  • Chương 09: Không Muốn Chia Sẻ Sự An Ủi
  • Chương 10: Biết Quý Trọng Ơn Chúa
  • Chương 11: Ít Người Yêu Quý Thập Giá Chúa Giêsu
  • Chương 12: Con Đường Vương Giả của Thánh Giá

Chương I: Chiêm Niệm

Chúa nói, "Vương quốc Thiên Chúa thì ở giữa anh chị em" (Luca 17:21). 
 
Vậy hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa. Hãy quên đi cái thế giới tồi tệ này và linh hồn bạn sẽ tìm được sự nghỉ ngơi. Hãy học cách khinh miệt những gì hời hợt bên ngoài, hãy tận tụy với những gì bên trong, và bạn sẽ thấy vương quốc Thiên Chúa đến với bạn, vương quốc đó là bình an và niềm vui trong Thánh Thần, là những quà tặng không ban cho những kẻ vô đạo. 
 
Đức Kitô sẽ đến với bạn để ban cho sự an ủi của Người, nếu bạn chuẩn bị một chỗ thích hợp cho Người trong tâm hồn, mà sự mỹ miều và vinh quang của nó tất cả ở bên trong, nơi Người vui thích. 
 
Do đó, hỡi linh hồn trung tín, hãy chuẩn bị tâm hồn cho Chàng Rể để Người có thể đến và ở với bạn; chính Người đã nói: "Nếu ai yêu mến Thầy họ sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến với người ấy, và lưu lại nơi người ấy" (Gioan 14:23). 
 
Vậy hãy dành chỗ cho Đức Kitô, nhưng đừng cho mọi người khác vào, vì khi có Đức Kitô bạn sẽ giầu sang và Người đã đủ cho bạn. Người sẽ lo liệu cho bạn. Người sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của bạn, như vậy bạn không cần tín thác vào loài người mong manh và hay thay đổi. Đức Kitô ở đó mãi mãi, đứng vững với chúng ta cho đến cùng. 
 
Đừng đặt quá nhiều tin tưởng vào con người yếu đuối và dễ chết, dù họ thân thiện và có ích; và đừng quá đau lòng nếu nhiều khi họ chống đối và mâu thuẫn với bạn. Những người ở với bạn hôm nay có thể chống đối bạn ngày mai, và ngược lại, vì con người thay đổi theo chiều gió. Hãy đặt mọi tin tưởng nơi Thiên Chúa; hãy kính sợ và yêu mến Người. Thiên Chúa sẽ trả lời bạn; Người sẽ thi hành điều tốt nhất cho bạn. 
 
Bạn không có mái nhà lâu bền ở đây. Dù bất cứ ở đâu, bạn là một khách lạ và người lữ hành, và bạn sẽ không được nghỉ ngơi cho đến khi trọn vẹn kết hợp với Đức Kitô. 
 
Sao bạn lại quanh quẩn tìm kiếm ở đây khi đó không phải là chỗ nghỉ ngơi của bạn? Tốt hơn hãy ở trên thiên đàng và chỉ nên rảo mắt nhìn qua những điều dưới đất. Tất cả sẽ qua đi, cùng với bạn. Vậy hãy cẩn thận đừng bám víu vào chúng để khỏi bị kẹt bẫy và diệt vong. Hãy để tâm trí lên Đấng Tối Cao, và không ngừng cầu nguyện với Đức Kitô. 
 
Nếu bạn không biết cách chiêm niệm về những sự trên trời, hãy nghĩ đến sự thống khổ của Đức Kitô và sẵn sàng chiêm ngắm vết thương Người. Nếu bạn sùng tín quay về với các thương tích ấy và quý trọng các dấu đinh của Đức Kitô, bạn sẽ thấy thật khuây khỏa khi bị đau khổ, bạn sẽ không quan tâm nhiều đến sự khinh miệt của người đời, và bạn sẽ dễ dàng chịu đựng lời phỉ báng của họ. 
 
Khi Đức Kitô ở trong thế gian, Người bị loài người khinh miệt; trong những giờ phút cần thiết nhất Người bị bỏ rơi bởi những người quen thuộc, và bạn hữu lại để mặc Người phải chịu sự khinh bỉ tận cùng. Người sẵn sàng chịu đau khổ và bị khinh miệt, bạn có dám than phiền về điều gì chăng? Đức Kitô có kẻ thù và kẻ phỉ báng; bạn có muốn mọi người đều là bạn và ân nhân không? Làm thế nào sự kiên nhẫn của bạn được tưởng thưởng nếu nó không được thử thách bằng tai họa? Làm thế nào bạn có thể trở nên một người bạn của Đức Kitô nếu không sẵn sàng chịu đựng bất cứ gì khó nhọc? Hãy đau khổ với Đức Kitô và vì Đức Kitô nếu bạn muốn vinh hiển với Người. 
 
Phải chi đã một lần bạn được kết hợp trọn vẹn với Chúa Giêsu và được nếm chút tình yêu nồng cháy của Người, bạn sẽ không còn lo gì đến sự an nhàn hay bất tiện của chính mình nhưng sẽ hân hoan trong sự nhục nhã bạn phải chịu, vì yêu thương Người sẽ làm cho người ta khinh miệt chính mình. 
 
Ai là người yêu của Đức Giêsu và của chân lý, họ thực sự là một con người nội tâm tự do không bị ràng buộc bởi các cảm xúc thiếu kềm chế, họ có thể quay về với Thiên Chúa bất cứ lúc nào và tự vươn lên để vui hưởng sự bình an tinh thần. 
 
Ai trải qua cuộc đời này với thực chất của nó, không như người đời nói và nghĩ, quả thật họ khôn ngoan với sự uyên thâm của Thiên Chúa hơn là của người đời. 
 
Ai biết sống cuộc đời nội tâm và không màng đến ngoại vật, họ không tìm những nơi chốn hay thời giờ đặc biệt để thi hành việc đạo đức. Một người thánh thiện thì mau chóng hồi tâm vì họ không bao giờ phí phạm chú ý đến ngoại cảnh. Không có ngoại vật nào, không có chuyện gì có thể cản lối họ. Họ dễ thích ứng với sự kiện khi xảy ra. Người biết sắp xếp thứ tự ưu tiên thì không quan tâm đến thái độ lạ lùng, ngoan cố của người khác, vì một người bực mình và quẫn trí chỉ vì họ để tâm đến bề ngoài. 
 
Do đó, nếu tất cả mọi điều đều tốt đẹp với bạn, và nếu bạn được sạch khỏi mọi tội lỗi, tất cả sẽ theo hướng tốt lành của bạn và có ích lợi cho bạn. Nhưng vì bạn chưa hoàn toàn chết đi chính mình và chưa thoát khỏi mọi tình cảm thế gian, sẽ có nhiều điều thường làm bạn bực mình và xao động. Không có gì làm hư hại và ô uế tâm hồn một người cho bằng sự gắn bó dơ bẩn đến các tạo vật. Nhưng nếu bạn khước từ sự khuây khoả của thân xác, bạn sẽ có thể chiêm niệm những sự trên trời và thường cảm nghiệm được niềm vui bên trong. 

Chương 2: Sự Khiêm Tốn

Đừng quá băn khoăn về những người ủng hộ bạn hay chống đối bạn, nhưng hãy cẩn thận để Chúa hiện diện trong mọi việc bạn làm. Hãy giữ lương tâm trong sáng và Thiên Chúa sẽ bảo vệ bạn, vì ác tâm của con người không thể làm hại người mà Thiên Chúa muốn giúp đỡ. Nếu bạn biết cách chịu đựng trong im lặng, chắc chắn bạn sẽ cảm nghiệm được sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Người biết khi nào và cách nào giải thoát bạn; do đó, hãy phó thác trong tay Người, vì đó là một đặc quyền của Chúa để giúp đỡ người ta và giải thoát họ khỏi mọi tai họa. 
 
Khi người khác biết được lỗi lầm của chúng ta và khiển trách, điều đó thường tốt vì nó giúp chúng ta khiêm tốn hơn. Khi một người khiêm tốn vì lỗi lầm của mình, họ dễ xoa dịu người khác và sẵn sàng làm nguôi giận những người bực tức họ. 
 
Chính người khiêm tốn mà Thiên Chúa bảo vệ và giải thoát; chính người khiêm tốn mà Chúa yêu thương và an ủi. Chúa nhìn đến người khiêm tốn và ban cho họ dồi dào ơn sủng, để sau khi chịu nhục nhã Người có thể đưa họ đến vinh quang. Chúa tiết lộ bí ẩn cho người khiêm tốn, và ân cần mời họ đến với Người. Bởi đó, người khiêm tốn vui hưởng bình an ở giữa những điều phiền toái, vì họ tín thác vào Chúa, chứ không phải thế gian. Như vậy, bạn đừng nghĩ là có chút tiến bộ cho đến khi coi mình như thua kém tất cả mọi người khác.

Chương 3: Thiện Hảo và Bình An Trong Con Người  

Trước hết hãy giữ tâm hồn bình an; sau đó bạn mới có thể đem bình an cho người khác. Một người bình an thi hành nhiều điều tốt lành hơn là một người học thức. Trong khi người dễ nóng giận biến điều tốt thành điều xấu và vội vã tin tưởng vào điều xấu, người bình an, vì chính họ tốt lành, biến đổi mọi điều trở nên tốt. 
 
Ai tuyệt đối thanh thản thì không bao giờ hồ nghi, nhưng một tinh thần giao động và bất mãn thì bực mình bởi nghi ngờ nhiều thứ. Chính họ không an tâm và cũng không để người khác yên nghỉ. Họ thường nói những điều không nên nói, và bỏ dở những điều đúng đắn nên làm. Họ lưu tâm đến trách nhiệm của người khác nhưng chểnh mảng bổn phận của chính mình. 
 
Bởi vậy, trước hết hãy rèn luyện chính mình, sau đó bạn mới có thể áp dụng kỷ cương trên người khác với sự công bằng. Bạn giỏi trích dẫn lời lẽ để tô điểm cho hành động của mình với những lý do bào chữa mà bạn không muốn chấp nhận nơi người khác, tuy đúng ra phải kết án chính bạn và bào chữa anh chị em. Nếu bạn muốn người khác chịu đựng mình, bạn phải chịu đựng người khác. Thấy không, bạn thật xa với lòng bác ái và khiêm tốn đích thật mà nó không bao giờ tức giận bất cứ ai, hoặc trở nên phẫn nộ chỉ để bảo vệ chính mình! 
 
Để làm bạn với người tốt lành và nhân từ thì không có gì vĩ đại cả, vì sự bầu bạn đó mang lại sự vui thích tự nhiên. Ai ai cũng thích một đời sống êm đềm và có những người cùng một tính tình. Nhưng để sống bình an với người thô lỗ và ngoan cố, hay với những người vô kỷ luật và những người luôn khiêu khích chúng ta, đó là một ơn sủng lớn lao, một điều đáng ca ngợi và can đảm. 
 
Một số người sống bình an trong tâm hồn và với người khác, nhưng có những người không bao giờ có bình an trong tâm hồn và họ cũng không thể đem bình an cho người khác. Những người này trở nên gánh nặng cho mọi người, nhưng họ càng trở nên gánh nặng đối với chính mình. Sau cùng, chỉ một ít người sống bình an trong tâm hồn và tìm cách đem lại bình an cho người khác. 
 
Vì vậy, trong thế giới khốn khổ này mọi sự bình an của chúng ta được tìm thấy trong sự khiêm tốn chịu đựng đau khổ hơn là thoát khỏi đau khổ. Ai giỏi chịu đựng đau khổ sẽ vui hưởng sự bình an lớn lao, vì họ đã chiến thắng chính mình, một bậc thầy của thế gian, một người bạn của Đức Kitô, và là người thừa hưởng thiên đàng.

Chương 4: Tâm Trí Thanh Khiết và Mục Đích Duy Nhất

Một người được nâng khỏi mặt đất bằng đôi cánh--thẳng thắn và thanh khiết. Phải có sự thẳng thắn trong ý định và thanh khiết trong ước muốn. Sự thẳng thắn dẫn đến Thiên Chúa, sự thanh khiết thì ủ ấp và có được Thiên Chúa. 
 
Nếu tâm hồn bạn không bị ràng buộc bởi khuynh hướng vô trật tự, chẳng có hành động tốt lành nào là khó khăn cho bạn. Nếu bạn không nhắm tìm kiếm điều gì khác hơn là làm vui lòng Thiên Chúa và sự lành mạnh của tha nhân, bạn sẽ vui hưởng sự tự do nội tâm. 
 
Nếu tâm hồn bạn chính trực, mọi tạo vật sẽ trở thành tấm gương đời sống cho bạn và là cuốn sách dậy bảo điều thánh thiện, vì không có tạo vật nào quá nhỏ bé và quá vô dụng đến độ bạn không thấy được sự thiện hảo của Thiên Chúa. Nếu nội tâm bạn tốt lành và thanh khiết, bạn sẽ thấy mọi sự một cách rõ ràng và hiểu biết một cách đúng đắn, vì một tâm hồn thanh khiết thấu suốt thiên đàng và hỏa ngục, và là một người có nội tâm, bạn sẽ thấy được những gì hời hợt bên ngoài. Nếu trong thế giới có niềm vui, chắc chắn tâm hồn thanh khiết sẽ có niềm vui ấy; và nếu có sự khổ não và ưu phiền bất cứ đâu, một lương tâm xấu xa cũng biết rõ điều ấy. 
 
Như khối sắt quăng vào lửa sẽ mất đi những rỉ sét và cháy sáng, thì ai thực sự quay về với Thiên Chúa sẽ trút bỏ được uể oải và trở nên một con người mới. Khi một người bắt đầu trở nên lỏng lẻo, họ sợ lao nhọc và muốn sự thoải mái bề ngoài, nhưng khi họ bắt đầu chiến thắng được chính mình và can đảm bước đi theo đường lối của Thiên Chúa, họ sẽ thấy chẳng có gì quá khó khăn như trước đây họ nghĩ.

Chương 5: Chính Chúng Ta  

Chúng ta không nên quá tự tin vào chính mình, vì chúng ta thường thiếu ơn sủng và sự hiểu biết. Tự bẩm sinh chúng ta có rất ít khả năng, và thường mau chóng đánh mất khả năng ấy vì sự lơ đễnh. Thường chúng ta không biết rằng tâm hồn mình thì mù quáng. Trong khi đó chúng ta thường làm sai, và sau đó lại tệ hại hơn khi bào chữa cho hành động ấy. Có những lúc được thúc giục bởi đam mê mà chúng ta cho rằng đó là nhiệt huyết. Chúng ta bắt người khác phải lao nhọc vì những lỗi lầm nhỏ bé, và lại bỏ qua những lỗi lầm lớn hơn của chính mình. Chúng ta mau chóng nhận biết và nghiền ngẫm sự đau khổ mà người khác gây ra cho mình, nhưng lại không nghĩ gì đến sự đau khổ mà chúng ta gây ra cho họ. Nếu một người cân nhắc hành động của mình một cách đầy đủ và đúng đắn, họ sẽ không thấy có lý do gì để phán đoán người khác. 
 
Người nội tâm phải để ý đến mình trước mọi điều lưu tâm khác, và ai thận trọng lo lắng đến chính mình thì không khó để kềm hãm miệng lưỡi khi nói về người khác. Bạn sẽ không bao giờ là người chân tình trừ phi bạn im lặng trước việc làm của người khác và đặc biệt lưu ý đến chính mình. Nếu bạn để ý trọn vẹn đến Thiên Chúa và chính mình, bạn sẽ ít bị khuấy động bởi những gì bạn thấy về chính mình. 
 
Tư tưởng bạn ở đâu khi bạn không nghĩ đến chính mình? Và sau khi lo lắng đến nhiều điều khác, bạn sẽ được gì nếu bạn lơ đễnh chính mình? Nếu bạn muốn có một tâm trí thực sự bình an và một mục đích duy nhất, bạn phải gạt bỏ mọi sự sang một bên và chỉ thấy có chính bạn. 
 
Bạn sẽ tiến bộ nhiều nếu giữ mình khỏi sự ràng buộc của mọi điều tạm bợ, vì yêu quý bất cứ gì tạm bợ đều sai lầm lớn. Hãy coi không có gì là vĩ đại, không có gì là cao cả, không có gì là hài lòng, không có gì có thể chấp nhận được, ngoại trừ chính Thiên Chúa hoặc những gì thuộc về Chúa. Hãy coi sự an ủi của tạo vật là phù hoa, vì một linh hồn yêu mến Thiên Chúa sẽ khinh miệt mọi thứ kém hơn Người. Chỉ một Thiên Chúa, đời đời và vô tận, thoả mãn tất cả, đem lại sự an ủi cho linh hồn và niềm vui đích thật cho thân xác.

Chương 6: Niềm Vui của một Lương Tâm Tốt Lành  

Sự vinh dự của một người tốt lành là bằng chứng của một lương tâm tốt lành. Do đó, hãy giữ lương tâm bạn tốt lành và bạn sẽ luôn vui hưởng hạnh phúc, vì một lương tâm tốt lành có thể chịu đựng lớn lao và có thể đem đến niềm vui ngay giữa những nghịch cảnh. Nhưng một lương tâm xấu xa thì luôn bồn chồn và lo sợ. 
 
Bạn sẽ nghỉ ngơi êm đềm nếu tâm hồn bạn không khiển trách bạn. 
 
Đừng vui mừng khi chưa chu toàn bổn phận. Người tội lỗi không bao giờ cảm được niềm vui và bình an nội tâm, vì Chúa có nói, "người độc ác thì không có bình an". Ngay cả khi họ nói: "chúng tôi có bình an, không có sự dữ nào đổ xuống chúng tôi và không ai dám làm hại chúng tôi," đừng tin họ; vì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ mau phát sinh, và hành động của họ sẽ trở thành hư không và tư tưởng của họ sẽ tàn lụi. 
 
Trong sự bất hạnh mà vẫn thấy vinh dự, đó là điều không khó cho người có đức ái, vì đây là vinh dự trong thập giá của Chúa. Nhưng vinh dự của loài người thì ngắn ngủi, và vinh dự của thế gian luôn đi kèm theo sự sầu muộn. Tuy nhiên, vinh dự của người tốt lành là ở lương tâm của họ chứ không ở môi miệng người đời, vì niềm vui của người công chính thì xuất phát từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, và sự vui mừng của họ đặt nền tảng trên chân lý. 
 
Người khao khát vinh dự đích thật, vĩnh viễn thì không màng đến thời gian; và người tìm kiếm danh tiếng chóng qua hoặc tâm hồn họ không thực sự khinh miệt nó, chắc chắn họ chẳng lưu tâm gì đến vinh dự thiên đàng. 
 
Người không lưu tâm đến lời ca tụng hoặc sự khiển trách, họ sẽ có được bình an lớn lao trong tâm hồn và, nếu có lương tâm tốt lành, họ sẽ dễ mãn nguyện và bình an. 
 
Lời ca tụng không thêm gì hơn cho sự thánh thiện của bạn, sự khiển trách cũng không làm sứt mẻ sự thánh thiện. Bạn thế nào thì đúng như vậy, và lời nói không thể làm bạn tốt hơn là chính con người bạn trong ánh mắt Thiên Chúa. Nếu bạn thực sự để ý đến con người nội tâm, bạn sẽ không lưu tâm đến điều người ta nói về bạn. Người đời nhìn đến bề ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn đến tâm hồn. Người đời để ý đến hành động nhưng Thiên Chúa cân đo động lực bên trong. 
 
Đặc tính của một linh hồn khiêm tốn là luôn luôn thi hành việc tốt lành và ít nghĩ về mình. Đó là dấu chỉ của sự thanh khiết lớn lao và đức tin sâu đậm khi không tìm kiếm sự an ủi của tạo vật. Ai không muốn được coi là đúng qua hành động bề ngoài thì hiển nhiên đã tín thác vào Chúa: "Vì không phải kẻ tự cao tự đại được chấp nhận," Thánh Phaolô nói, "nhưng là người được Chúa đề cao" (2 Cor 10:18). 
 
Để bước đi với Thiên Chúa trong tâm hồn, để được thoát khỏi sự ràng buộc của cảm xúc--đây là tình trạng của một người nội tâm.

Chương 7: Yêu Mến Chúa Giêsu Trên Hết Mọi Sự  

Phúc cho ai quý trọng việc yêu mến Chúa Giêsu và khinh chê chính mình vì Chúa Giêsu. Vì Chúa, hãy từ bỏ mọi sự ưa chuộng khác, vì Người ao ước được yêu mến trên hết mọi sự. 
 
Sự ưa chuộng tạo vật thì giả dối và bất định, nhưng tình yêu Chúa Giêsu thì có thật và lâu dài. Ai bám víu lấy tạo vật sẽ suy sụp theo sự mong manh của nó, nhưng ai hy sinh chính mình cho Chúa Giêsu sẽ luôn vững mạnh. 
 
Vậy hãy yêu mến Chúa; hãy giữ tình bạn với Người. Chúa sẽ không bỏ rơi bạn như người đời, hoặc để bạn phải đau khổ vì cái chết đời đời. Đôi khi, dù bạn muốn hay không, bạn sẽ phải từ giã mọi sự. Bởi đó, hãy bám lấy Chúa Giêsu trong sự sống và sự chết; hãy tín thác vào sự vinh hiển của Người, Đấng duy nhất có thể giúp đỡ bạn trong khi mọi người khác đều thất bại. 
 
Đấng Yêu Dấu của bạn sẽ không chấp nhận những gì thuộc về người khác--Người muốn tâm hồn bạn chỉ dành cho chính Người, tại đó, Người được tôn lên làm Vua xứng với Người. Nếu bạn biết làm thế nào để hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của mọi tạo vật, Chúa Giêsu sẽ vui mừng ngự trong lòng bạn. 
 
Bạn sẽ thấy rằng, ngoài Người ra, hầu như tất cả sự tín thác của bạn nơi con người sẽ là một mất mát lớn lao. Bởi đó, đừng phó thác hoặc trông nhờ vào cây sậy lung lay trước gió, vì "mọi xác thịt là cỏ cây" (Isa 15:6) và mọi vinh dự của nó, như bông cỏ dại, sẽ héo úa. 
 
Bạn sẽ mau thất vọng nếu chỉ nhìn đến bên ngoài của con người, và bạn sẽ thường chán nản nếu tìm kiếm sự thoải mái và lợi lộc nơi con người. Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm Chúa Giêsu trong mọi sự, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy Người. Tương tự, nếu bạn tìm kiếm cho chính mình, bạn sẽ thấy chính mình--đến sự hủy hoại chính mình. Vì ai không tìm kiếm Chúa Giêsu thì họ tự làm thiệt hại cho chính mình hơn cả toàn thể thế gian và tất cả kẻ thù của họ có thể gây ra.

Chương 8: Tình Bạn Mật Thiết của Chúa Giêsu  

Khi Chúa Giêsu ở gần, mọi sự đều tốt đẹp và không gì có vẻ khó khăn. Khi Người vắng mặt, tất cả đều nặng nề. Khi Chúa Giêsu không lên tiếng trong tâm hồn, tất cả sự sung túc khác đều vô nghĩa, nhưng nếu Người chỉ nói một lời, điều đó sẽ đem lại sự an ủi lớn lao. 
 
Bà Maria Mađalêna đã chỗi dậy ngay lập tức không còn than khóc khi bà Mácta nói với bà: "Thầy đến kìa, và gọi em" (Gioan 11:28). Hạnh phúc là dường nào khi Chúa Giêsu gọi ai đó từ than khóc đến niềm vui tinh thần. 
 
Khi không có Chúa, bạn thật khô khăn và nặng nề dường nào! Thật điên dại và phù phiếm chừng nào nếu bạn mong muốn đủ mọi thứ nhưng không có Chúa! Đó không phải là sự mất mát lớn lao hơn cả mất mát thế gian sao? Vì không có Chúa Giêsu, thế gian sẽ đem lại gì cho bạn? Đời sống không có Người là một hỏa ngục không cùng, nhưng sống với Người là một thiên đàng êm dịu. Nếu Chúa Giêsu ở với bạn, không kẻ thù nào có thể làm hại bạn. 
 
Thật vậy, ai tìm thấy Chúa Giêsu là tìm thấy một kho tàng hiếm có, một sự thiện hảo trên hết mọi thiện hảo, trong khi ai mất Người là mất hơn cả thế gian. Ai sống không có Chúa Giêsu họ là người nghèo nhất trong những người nghèo, trong khi không ai giầu sang cho bằng người sống trong ơn sủng của Chúa. 
 
Biết cách trò chuyện với Chúa Giêsu là một nghệ thuật vĩ đại, và biết cách giữ Người là sự khôn ngoan lớn lao. Hãy khiêm tốn và bình an, và Chúa Giêsu sẽ ở với bạn. Hãy chân tình và thanh thản, và Người sẽ ở với bạn. Nếu bạn quay về với thế gian, bạn sẽ xua đuổi Người và mất ơn sủng của Người. Và nếu bạn xua đuổi Người và mất Người, còn ai để bạn chạy đến và còn ai để tìm kiếm như một người bạn? Bạn sẽ không thể sống tốt đẹp nếu không có người bạn, và nếu Chúa Giêsu không phải là một người bạn trên hết tất cả, bạn sẽ rất buồn và cô đơn. Do đó, bạn sẽ hành động điên rồ nếu tín thác hay hân hoan nơi bất cứ gì khác. Thà chống đối với thế gian còn hơn mất lòng Chúa Giêsu. Trong những người thân thiết với bạn, hãy coi Chúa Giêsu là người bạn đặc biệt.

Chương 9: Không Muốn Chia Sẻ Sự An Ủi  

Thật không khó để từ chối sự an ủi của con người khi chúng ta có sự an ủi của Chúa. 
 
Tuy nhiên, đó quả thật là điều vĩ đại khi có thể sống mà không có sự an ủi của Thiên Chúa hay loài người, và vì để vinh danh Thiên Chúa, sẵn sàng chịu đựng sự xa vắng của tâm hồn, không tìm kiếm cho mình điều gì cả, và không nghĩ mình có công trạng gì. 
 
Điều này có quan trọng không, nếu khi có ơn sủng, bạn vẫn vui mừng và sốt sắng? Đây là giờ phút được mọi người khao khát, vì người được ơn Chúa gìn giữ sẽ di chuyển dễ dàng. Thật tuyệt diệu khi họ không còn gánh nặng vì được Đấng Toàn Năng nâng đỡ và dẫn dắt! Vì chúng ta luôn vui mừng khi có điều gì an ủi chúng ta, và thật khó khăn lắm thì người ta mới thoát khỏi chính cái tôi của mình. 
 
Thánh tử đạo Lawrence, với linh mục của ngài, đã chiến thắng thế gian vì ngài khinh miệt mọi sự mà dường như trong đó ngài thấy vui thích, và vì yêu mến Chúa Kitô ngài kiên nhẫn chịu đau khổ khi Sixtus, vị thượng tế của Thiên Chúa, bị tách biệt khỏi ngài. Như vậy, nhờ tình yêu dành cho Đấng Tạo Hóa, ngài đã chiến thắng tình yêu con người, và thay vì sự an ủi của loài người, ngài đã chọn sự vui thích lớn lao của Thiên Chúa. Bởi thế, bạn cũng phải học cách dứt bỏ người bạn thân thiết vì tình yêu Thiên Chúa. Đừng bận tâm khi bị người bạn hắt hủi, vì biết rằng sau cùng, tất cả chúng ta đều phải chia lìa. 
 
Người ta phải chiến đấu lâu dài và can đảm với chính mình trước khi biết được cách làm chủ chính mình trọn vẹn và hướng mọi cảm xúc của mình về Thiên Chúa. Khi họ tin tưởng chính mình, họ dễ cần sự an ủi của loài người. Tuy nhiên, người yêu mến Chúa Kitô thực sự, họ thành thật theo đuổi nhân đức, họ không rơi vào sự an ủi hoặc tìm kiếm những vui thú giác quan, nhưng muốn những thử thách nặng nề và lao nhọc vì Chúa Kitô. 
 
Bởi vậy, khi Thiên Chúa ban cho sự an ủi tinh thần, hãy lãnh nhận với sự biết ơn, nhưng hãy biết rằng đó là quà tặng của Người chứ không phải công trạng của bạn. Đừng đắc chí, đừng vui mừng khôn xiết, đừng quá tự phụ, nhưng hãy khiêm tốn, thận trọng và cảnh giác trong hành động, vì giờ này sẽ qua đi và thử thách sẽ đến ngay sau đó. 
 
Khi bị lấy đi sự an ủi, đừng vội tuyệt vọng nhưng khiêm tốn và kiên nhẫn chờ đợi Chúa đến, vì Người có thể đem lại sự khuây khỏa dồi dào hơn cho bạn. 
 
Điều này không có gì mới lạ cho những ai biết được đường lối của Chúa, vì sự thay đổi vận mệnh đó thường xảy ra cho các thánh và ngôn sứ thời xưa. Vì thế có một người, khi tràn ngập ơn sủng, đã tuyên bố: "Trong sự thịnh vượng, tôi nói: 'Tôi sẽ không lay chuyển.'" Nhưng khi ơn sủng bị lấy đi, họ cho biết thêm cảm nghiệm của chính mình: "Chúa giấu mặt và con gặp khó khăn." Trong khi đó họ không tuyệt vọng; nhưng họ cầu nguyện với Chúa tha thiết hơn, "Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài, năn nỉ với Ngài là Chúa của con." Thật lâu, họ nhận được kết quả của sự cầu nguyện, và làm chứng rằng họ đã được nhận lời, "Chúa đã lắng nghe và đã xót thương con: Chúa trở thành người phù trợ con." Và họ đã được giúp đỡ thế nào? Họ nói, "Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng." (TV 30:7-12). 
 
Nếu đây là trường hợp của các vị đại thánh thì chúng ta, là những người yếu đuối và nghèo hèn, đừng nên tuyệt vọng vì có lúc chúng ta hăng say, có lúc nguội lạnh, vì tinh thần chúng ta mạnh và yếu tùy theo thánh ý của Chúa. Về điều này ông Gióp đã tuyên bố: "Ngài đã đến thăm hắn ngay từ sáng sớm, và bỗng dưng Ngài thử thách." (Gióp 7:18). 
 
Vậy, tôi có thể hy vọng điều gì, hoặc phải tín thác vào ai để được Chúa thương xót và hy vọng được ơn sủng từ trời? Vì tuy tôi có những bạn tốt, anh em chân tình, bạn hữu trung thành, có sách thánh, những luận thuyết đẹp đẽ, những thánh ca ngọt ngào, tất cả những điều đó thật có ích và làm vui lòng nhưng chúng chẳng là gì khi tôi bị ơn sủng bỏ rơi và để mặc trong cảnh nghèo hèn. Vào những lúc đó, không còn phương thuốc gì tốt hơn là kiên nhẫn và phó thác cho thánh ý Chúa. 
 
Tôi chưa bao giờ gặp được người nào thật đạo đức và nhiệt thành mà thỉnh thoảng lại không bị mất ơn sủng và không cảm thấy còn hăng hái. Không có vị thánh nào thật chuyên chăm và được khai sáng đến độ không bị thử thách trước hay sau. Thật vậy, họ sẽ không xứng đáng chiêm niệm về Thiên Chúa nếu không bị thử thách vì Chúa. Vì sự thử thách luôn luôn là dấu hiệu đi trước sự an ủi mà nó sẽ theo sau, và sự an ủi của Chúa được hứa ban cho tất cả những ai đã bị thử thách. Chúa Kitô nói, "Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả Cây Sự Sống." (Kh 2:7). Vì vậy, Thiên Chúa ban cho sự an ủi để người ta thêm can đảm chịu đựng tai ương, và cám dỗ theo sau để họ đừng ngạo mạn về những tốt lành mà họ đã thực hiện được. 
 
Ma qủy thì chưa ngủ, xác thịt thì chưa chết; bởi đó, bạn phải không ngừng chuẩn bị cuộc chiến, vì bên trái và bên phải của bạn đầy các kẻ thù không bao giờ yên.

Chương 10: Biết Quý Trọng Ơn Chúa  

Sao bạn lại tìm sự nghỉ ngơi trong khi bạn được sinh ra để làm việc? Hãy tự tìm cho mình sự kiên nhẫn hơn là sự thoải mái, hãy vác thập giá hơn là hưởng thụ. 
 
Đó là hạng người gì khi có thể được các lợi lộc vượt quá mọi vui thú và khoái lạc trần gian mà chỉ cần sẵn sàng chấp nhận sự an ủi và niềm vui tinh thần, nhưng lại không muốn chấp nhận những điều ấy? Quả thật, các vui thú khoái lạc thì phù phiếm hoặc hèn hạ, trong khi niềm vui tinh thần, được phát sinh bởi nhân đức và thấm nhập vào tâm trí bởi Thiên Chúa, thì thực sự sảng khoái và cao thượng. 
 
Vì giây phút cám dỗ thì luôn gần kề, vì sự tự do giả tạo của tâm trí và sự quá tự tin nơi chính mình là những trở ngại lớn cho cuộc thăm viếng của Chúa, người ta không thể vui hưởng cuộc viếng thăm ấy như họ muốn. 
 
Thiên Chúa ban dồi dào ơn an ủi, nhưng con người thật xấu xa khi không biết ơn Chúa. Vì vậy, ơn sủng không thể lan tràn trong chúng ta khi chúng ta không biết ơn Đấng Ban Phát, khi chúng ta không trả lại Nguồn Phát Sinh. Ơn sủng luôn được ban cho người biết ơn, và những gì thường ban cho người khiêm tốn sẽ bị lấy đi khỏi người kiêu căng. 
 
Tôi không khao khát sự an ủi mà nó lấy đi sự thống hối, tôi cũng không lưu tâm đến sự chiêm niệm mà nó dẫn đến sự kiêu ngạo, vì không phải tất cả những gì cao sang đều thánh thiện, hoặc tất cả những gì ngọt ngào đều tốt lành, hoặc mọi ao ước đều thanh khiết, hoặc những gì chúng ta thân thương đều hài lòng Thiên Chúa. Tôi sẵn sàng chấp nhận ơn sủng mà qua đó tôi trở nên khiêm tốn hơn và biết thống hối, sẵn sàng từ bỏ cái tôi của mình. 
 
Người được dậy bảo bởi ơn sủng và được hiểu biết bởi kinh nghiệm đau thương, sẽ không bao giờ dám cho mình có điều gì tốt lành, nhưng thường thú nhận sự nghèo túng và trống rỗng của mình. Hãy dâng cho Chúa những gì là của Chúa và quy cho chúng ta những gì của chúng ta. Vậy hãy dâng Người lời cảm tạ vì ơn sủng Người ban, và hãy quy cho chúng ta trách nhiệm và hình phạt vì tội lỗi gây ra. 
 
Luôn luôn ở chỗ thấp nhất và chỗ cao nhất sẽ được ban cho bạn, vì chỗ cao nhất không thể hiện diện nếu không có chỗ thấp nhất. Các thánh là những người cao trọng trước mặt Thiên Chúa, họ là những người tự coi mình là thấp nhất, và càng khiêm tốn bao nhiêu họ càng vinh hiển bấy nhiêu. Vì họ không ao ước sự kiêu căng, họ ngập tràn chân lý và vinh hiển trên trời. Được Chúa củng cố và kiên cường, không cách chi họ kiêu ngạo. Họ quy cho Thiên Chúa bất cứ gì là tốt lành mà họ lãnh nhận; họ không khen nhau để được vinh dự nhưng chỉ tìm vinh dự xuất phát từ một mình Thiên Chúa. Họ mong ước Chúa được ca tụng trên hết mọi sự qua chính cuộc đời họ và các thánh của Chúa--đây là mục đích không thay đổi của họ. 
 
Do đó, hãy biết ơn, khi nhận được quà tặng nhỏ nhất và bạn sẽ xứng đáng lãnh nhận món quà lớn hơn. Hãy coi quà tặng nhỏ nhất là lớn nhất, tầm thường nhất là điều đặc biệt. Và, nếu bạn chỉ tìm kiếm phẩm giá của Đấng Ban Phát, không món quà nào quá nhỏ hay vô giá trị. Mặc dù Người trao cho hình phạt và tai họa, hãy chấp nhận chúng, bởi vì Người hành động cho phúc lợi của chúng ta trong bất cứ điều gì Người cho phép đổ xuống chúng ta. 
 
Ai muốn giữ ơn Chúa phải biết ơn khi được ban cho và kiên nhẫn khi bị lấy đi. Hãy cầu xin để lại được ban cho; hãy thận trọng và khiêm tốn đừng để mất ơn Chúa.

Chương 11: Ít Người Yêu Quý Thập Giá Chúa Giêsu

Chúa Giêsu luôn có nhiều người yêu quý thiên đàng, nhưng ít người vác thập giá của Người. Chúa Giêsu có nhiều người ao ước sự an ủi, nhưng ít người lưu tâm đến thử thách. Chúa Giêsu có nhiều người muốn chia sẻ bàn tiệc thánh, nhưng ít người muốn tham dự việc chay tịnh của Người. Mọi người đều muốn hạnh phúc với Người; nhưng ít ai muốn đau khổ vì Người. Nhiều người theo Chúa đến việc bẻ bánh, nhưng ít ai uống chén đắng của Người. Nhiều người tôn sùng phép lạ của Chúa; ít ai gần với sự tủi hổ Thập Giá. Nhiều người yêu mến Chúa khi không gặp khó khăn; nhiều người chúc tụng và ngợi khen Chúa khi họ được Người an ủi. Nhưng nếu Chúa Giêsu lánh mặt và bỏ rơi họ chỉ chốc lát, họ sẽ than phiền hoặc thực sự chán ngán. Ngược lại, những ai yêu mến Người thực sự và không vì muốn tìm sự an ủi cho mình, họ sẽ chúc tụng Người trong mọi thử thách và lo âu cũng như khi vui sướng được an ủi. Ngay cả khi Người không ban cho họ sự khuây khỏa, họ vẫn tiếp tục chúc tụng Người và luôn luôn muốn cảm tạ Người. Thật mạnh mẽ dường nào tình yêu chân thật dành cho Chúa Giêsu--tình yêu không dính chút tư lợi và ích kỷ! 
 
Không phải là những người luôn tìm kiếm sự khuây khỏa xứng được gọi là kẻ làm thuê hay sao? Không phải là những người luôn nghĩ đến lợi nhuận và thắng lợi cho mình chứng tỏ rằng họ yêu chính mình hơn Chúa Kitô hay sao? Có thể nào tìm thấy người khao khát phục vụ Chúa vô vị lợi? Thật hiếm người có sức mạnh tinh thần đến độ khước từ mọi sự. Và ai có thể tìm thấy người thực sự có tinh thần nghèo khó để thoát khỏi mọi ràng buộc của tạo vật? Giá trị của họ dường như được mang đến từ phần đất xa xôi nhất. 
 
Nếu một người cho đi tất cả tài sản, điều đó chẳng là gì; nếu họ thật lòng sám hối, điều đó nhỏ bé; nếu họ biết đủ mọi kiến thức, họ vẫn xa tít mù; nếu họ có nhân đức lớn và nồng nàn đạo đức, họ vẫn thiếu một điều vĩ đại, và nhất là, một điều cần thiết nhất cho họ. Điều đó là gì? Khi từ bỏ tất cả, họ từ bỏ chính mình, hoàn toàn khước từ chính mình, và hy sinh mọi yêu thích riêng tư. Và rồi, khi họ đã thi hành mọi việc biết là phải làm, hãy coi là không có gì, hãy coi là nhỏ bé những gì có thể được coi là vĩ đại; hãy thành thật cho mình là đầy tớ bất xứng. Vì sự thật là: "Khi đã làm tất cả những gì theo mệnh lệnh các con hãy nói: 'chúng tôi là các đầy tớ vô dụng.'" (Luca 17:10). 
 
Sau đó họ sẽ thực sự nghèo nàn và tinh thần trơ trụi, và cùng với ngôn sứ họ hãy nói: "Con cô đơn và nghèo khổ" (TV 25:16). Tuy nhiên, không ai giầu có hơn người đó; không ai quyền thế hơn, tự do hơn người biết từ bỏ mọi sự và nghĩ mình là người chót hết trong tất cả.  

Chương 12: Con Đường Vương Giả của Thánh Giá

Đối với nhiều người, "hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình và theo Tôi" (Mt. 16:24), dường như khó khăn, nhưng sẽ khó khăn hơn nữa khi phải nghe lời sau cùng: "Hỡi tên bị nguyền rủa, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời" (Mt 25:41). Những ai giờ đây nghe lời thập giá và sẵn sàng đi theo thì không sợ phải nghe án phạt đời đời ấy vào ngày phán xét. Dấu thập giá sẽ xuất hiện trên trời khi Chúa đến xét xử. Và rồi tất cả những tôi tớ của thập giá, là những người khi còn sống đã tự ý kết hợp với Đấng Bị Đóng Đinh, sẽ đầy tin tưởng mà đến gần Chúa Kitô, đấng xét xử. 
 
Vậy, tại sao bạn lại sợ khi vác thập giá mà nhờ đó bạn có thể được thiên đàng? Trong thập giá là sự cứu độ, trong thập giá là đời sống, trong thập giá là sự bảo vệ khỏi kẻ thù, trong thập giá có thấm nhập sự ngọt ngào thiên đàng, trong thập giá là sức mạnh của tâm trí, trong thập giá là niềm vui tinh thần, trong thập giá là nhân đức cao trọng nhất, trong thập giá là sự thánh thiện tột cùng. Không đâu có sự cứu độ linh hồn hoặc hy vọng sự sống vĩnh cửu cho bằng trong thập giá. 
 
Bởi vậy, hãy vác lấy thập giá của bạn và theo Chúa Giêsu, và bạn sẽ bước vào sự sống vĩnh cửu. Chính Người sẽ mở đường cho bạn khi Người vác thập giá, và trên đó Người đã chết cho bạn, để bạn cũng có thể vác thập giá của mình và khao khát được chết trên đó. Nếu bạn cùng chết với Người, bạn cũng sẽ sống với Người, và nếu bạn cùng chia sẻ sự đau khổ của Người, bạn cũng sẽ được chia sẻ sự vinh quang của Người. 
 
Thế đấy, trong thập giá là tất cả, và mọi sự tùy thuộc vào cái chết của bạn trên thập giá. Không có cách nào khác đến với sự sống và bình an nội tâm đích thật cho bằng con đường thánh giá và hãm mình hàng ngày. Hãy đi bất cứ đâu bạn muốn, tìm kiếm bất cứ gì bạn muốn, bạn sẽ không tìm thấy một con đường nào khác cao hơn, hoặc ít được tán dương nhưng an toàn hơn cho bằng con đường thánh giá. Hãy sắp đặt mọi sự theo như ý muốn và phán đoán của bạn, và rồi bạn vẫn thấy một số đau khổ luôn luôn phát sinh từ đó, dù muốn hay không, và bởi vậy bạn sẽ luôn tìm thấy thập giá. 
 
Hoặc bạn sẽ cảm nghiệm cái đau đớn thể xác hoặc bạn sẽ phải trải qua sự đau khổ tinh thần trong linh hồn bạn. Có lúc bạn cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, có lúc bị khốn khổ bởi những người chung quanh và, tệ hơn nữa, bạn sẽ thường bất mãn chính mình. Bạn không thể thoát khỏi, bạn không thể nguôi ngoai bởi bất cứ sự chữa trị hay khuây khỏa nào nhưng phải gánh chịu một khi đó là ý Chúa. Vì Người muốn bạn tập cách chịu đựng thử thách khôn nguôi, để quy phục trọn vẹn về Người và bạn có thể trở nên khiêm tốn qua những đau khổ. Không ai hiểu được sự thống khổ của Đức Kitô một cách thấu đáo và thực sự cho bằng người có số phận đau khổ như chính Người. 
 
Bởi đó, thập giá luôn luôn sẵn có; nó chờ đợi bạn ở bất cứ đâu. Bất kể bạn đi đâu, bạn không thể tránh khỏi thập giá, vì bất cứ đâu bạn đến bạn luôn luôn mang theo chính bạn và luôn luôn tìm thấy chính bạn. Cứ xoay đến bất cứ đâu bạn muốn--ở trên, ở dưới, bên ngoài hay bên trong--bạn sẽ thấy thập giá trong mọi sự, và bất cứ đâu bạn phải có sự kiên nhẫn nếu bạn muốn sự bình an tâm hồn và muốn được triều thiên vĩnh cửu. 
 
Nếu bạn tự ý vác thập giá, nó sẽ đưa dẫn bạn đến mục tiêu bạn muốn mà ở đó thực sự không còn đau khổ, nhưng ở đây thì vẫn có. Nếu bạn không sẵn lòng vác thập giá, bạn tự tạo cho mình một gánh nặng và ngày càng gia tăng, tuy bạn vẫn phải vác thập giá ấy. Nếu bạn quăng thập giá ấy đi, bạn sẽ tìm thấy một thập giá khác và có lẽ còn nặng hơn trước. Sao bạn mong đợi thoát khỏi điều mà không ai có thể tránh được? Có vị thánh nào mà không có thập giá hay không có thử thách ở trần gian? Ngay cả Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng biết sự thống khổ của Người từng giờ phút ở trần gian. "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại… và rồi mới vào trong vinh quang của Người" (Luca 24:46, 26). Sao bạn lại tìm một đường lối khác hơn đường lối này, đường lối vương giả của thánh giá? 
 
Toàn thể cuộc đời Chúa Kitô là một thập giá và sự tử đạo, và bạn lại tìm sự ngơi nghỉ và an lạc cho chính mình? Bạn tự lừa dối mình, bạn sai lầm nếu bạn tìm kiếm đủ mọi thứ nhưng không muốn đau khổ, vì cuộc đời hay chết này thì đầy những bất hạnh và được ghi dấu với thập giá đủ mọi phía. Thật vậy, một người càng thăng tiến tâm linh bao nhiêu, họ sẽ tìm thấy thập giá nặng nề hơn bấy nhiêu, bởi vì khi tình yêu của họ gia tăng, sự đau khổ vì đầy ải lại càng tăng thêm. 
 
Nhưng một người như vậy, tuy bị đau khổ trong nhiều phương cách, thì không phải là không hy vọng được an ủi, bởi vì họ biết rằng phần thưởng lớn lao đang đến với họ vì thập giá họ vác. Và khi họ sẵn sàng vác thập giá ấy, mỗi một day dứt thử thách được biến đổi thành hy vọng an ủi từ Thiên Chúa. Ngoài ra, thân xác càng đau khổ bao nhiêu, tinh thần lại càng được kiên cường bấy nhiêu vì ơn sủng bên trong. Điều thường xảy ra là, vì muốn được đồng hình dạng với thập giá Chúa Kitô, một người được vững mạnh bởi sự yêu chuộng thử thách và gian khổ đến độ họ không ao ước gì hơn là sẵn sàng chịu đau khổ, vì họ tin rằng họ càng được Thiên Chúa chấp nhận nếu họ có thể chịu đựng đau khổ nhiều hơn vì Chúa. 
 
Chính nhờ ơn sủng của Chúa Kitô, chứ không phải nhân đức của một người, mà họ có thể đạt được điều đó qua sự hăng hái tinh thần trong thân xác bạc nhược để biết yêu quý và có được điều mà một cách tự nhiên chúng ta ghét bỏ và xa lánh. 
 
Để vác thập giá, để yêu quý thập giá, để trừng phạt thân xác và bắt nó quy phục, để tránh những vinh dự, để chịu đựng sự khinh miệt một cách vui vẻ, để coi thường chính mình và muốn bị khinh miệt, để chịu đựng bất cứ tai ương và mất mát nào, để ước ao không có ngày nào được thành công ở trần gian--đây không phải là phương cách của loài người. Nếu bạn trông nhờ vào chính mình, bạn không thể nào thi hành được bất cứ điều gì, nhưng nếu bạn tín thác vào Chúa, sức mạnh sẽ được ban cho bạn từ trên trời và thế gian cũng như thân xác sẽ tùng phục theo lời của bạn. Bạn sẽ không sợ ngay cả kẻ thù, là ma qủy, nếu bạn được võ trang với đức tin và được ghi dấu với thập giá Chúa Kitô. 
 
Vậy hãy tự đặt mình làm một đầy tớ trung tín và tốt lành của Chúa Kitô, để can đảm vác thập giá của Chúa, Đấng vì tình yêu đã chịu đóng đinh vì bạn. Hãy sẵn sàng chịu đựng nhiều tai họa và nhiều loại khó khăn trong cuộc đời khốn khổ này, vì cuộc đời này luôn có khó khăn và bất hạnh, dù bạn ở bất cứ đâu; và dù bạn trốn ở bất cứ đâu bạn sẽ tìm thấy cuộc đời ấy. Cuộc đời phải như vậy; và không có cách nào tránh khỏi những thử thách và sầu khổ của đời sống nhưng phải gánh chịu chúng. 
 
Hãy uống chén đắng của Chúa với sự quý mến nếu bạn muốn trở nên bạn hữu của Người và góp phần với Người. Hãy để sự an ủi cho Thiên Chúa; hãy để Người thi hành theo ý Người muốn. Về phần bạn, hãy sẵn sàng gánh chịu những đau khổ và coi đó là sự khuây khoả lớn lao nhất, vì tuy bạn một mình phải gánh chịu tất cả, những đau khổ của đời này thì không thể nào sánh với sự vinh hiển sẽ đến. 
 
Khi bạn phải đến mức độ mà sự đau khổ trở nên ngọt ngào và chấp nhận được vì Chúa Kitô, lúc ấy hãy coi mình có phúc, vì bạn đã tìm thấy thiên đàng ở trần gian. Nhưng một khi sự đau khổ làm bạn khó chịu rồi tìm cách trốn tránh, lúc ấy bạn sẽ bất hạnh, và sự thử thách bạn tìm cách tránh né sẽ theo bạn bất cứ đâu. Nếu tâm trí bạn chỉ nghĩ đến những điều phải nghĩ, đó là, sự đau khổ và sự chết, không lâu bạn sẽ ở trong một trạng thái tốt đẹp hơn và sẽ tìm thấy bình an. 
 
Tuy bạn được đưa lên tầng trời thứ ba với Thánh Phaolô, không phải nhờ đó bạn được đảm bảo khỏi bị đau khổ. Chúa Giêsu nói: "Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta" (Cvtđ 9:16). Vậy, để đau khổ hãy ở trong số phận của bạn, nếu bạn muốn yêu mến Chúa Giêsu và phục vụ Người mãi mãi. 
 
Nếu bạn đáng phải chịu đau khổ vì danh Chúa Giêsu, vinh dự thật lớn lao được dành cho bạn, niềm vui thật lớn lao được dành cho các vị thánh của Thiên Chúa, sự khai sáng thật lớn lao bạn sẽ được! Vì ai ai cũng ca ngợi sự kiên nhẫn nhưng chỉ một vài người muốn thực hành điều đó. 
 
Vậy, với lý do tốt lành, bạn phải sẵn sàng chịu đau khổ ít nhiều vì Chúa Kitô một khi thế giới này có quá nhiều đau khổ. 
 
Hãy ý thức rằng bạn phải sống một cuộc đời chết dần mòn; một người càng chết đi chính mình bao nhiêu, họ càng sống cho Chúa bấy nhiêu. 
 
Không ai thích hợp với thiên đàng nếu họ không tự quy phục chịu khổ cực vì Chúa Kitô. Ở trần gian này, không có gì đáng được Thiên Chúa chấp nhận, không có gì hữu ích cho bạn hơn là sẵn sàng chịu đau khổ vì Chúa Kitô. Nếu có sự lựa chọn, bạn nên ao ước chịu đau khổ vì Chúa Kitô hơn là vui thích với những khuây khoả, vì như thế bạn sẽ trở nên giống Chúa Kitô hơn và giống các thánh hơn. Công trạng và sự tiến bộ của chúng ta không ở những an lạc và vui thú nhưng thật ra ở sự chịu đựng cơ cực và đau khổ. 
 
Nếu quả thật có điều gì tốt hơn và hữu ích hơn là sự đau khổ cho sự cứu độ con người, thì Chúa Kitô đã cho thấy điều ấy qua lời nói và việc làm. Nhưng rõ ràng Người cổ vũ các môn đệ và tất cả những ai muốn theo Người hãy vác thập giá, khi nói: "Ai muốn đến theo Tôi, hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá hàng ngày của mình và theo Tôi" (Luca 9:23). 
 
Do đó, khi chúng ta đọc và tìm kiếm những điều đã được viết xuống, hãy coi điều này là kết luận sau cùng--là qua những đau khổ chúng ta mới được vào vương quốc Thiên Chúa.


Trích trong  www.nguoitinhuu.com