Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 15

Những lý do để tin tưởng ở tương lai

Thế kỷ 20 mở đầu đầy cả lạc quan. Nhưng có ai tưởng tượng được thế kỷ này có hai cuộc thế chiến? Nạn diệt chủng ở Arménie, Lò thiêu người Do Thái? Sự hung ác của chế độ Stalin ở tầm mức quá rộng lớn? Các tiến bộ chính trị, xã hội, khoa học, kỹ thuật không đủ để làm cho một số lớn dân chúng trên thế giới có đủ tự do và công bằng. Nói đúng ra, hố ngăn cách giữa người giàu người nghèo quá lớn. Con người là tác giả của những khám phá lớn mà cũng là tác giả của những tàn phá khủng khiếp. Các tôn giáo phải chạm trán với những thử thách của tân tiến, của đe dọa của những trào lưu chính thống, những tấn công nhiều lúc rất hung dữ. Á Căn Đình, một trong những nước đầu tiên của thế giới vẫn còn thụt đàng sau. Thế kỷ 21 sẽ như thế nào đây?

Trong buổi phỏng vấn cuối cùng, chúng tôi không muốn người đối thoại với chúng tôi đóng vai chiêm tinh gia. Chúng tôi muốn biết cha có những lý do nào vững chắc để hy vọng, đâu là các nguyên tắc mong chờ của cha và cũng là những nguyên tắc cha quan tâm cho tương lai. Có phải cha thuộc về những người nghĩ rằng quá khứ thì tốt hơn và thế giới ngày càng xấu hơn? Hay cha là người tin vào nhân loại, dù tốt dù xấu, vẫn đi tới đàng trước một cách dứt khoát? Chúng ta càng ngày càng tiến về con đường thiêng liêng hay tính siêu việt sẽ vĩnh viễn mất đất đứng? Đâu là vai trò của Giáo Hội Công giáo trong việc xây dựng một xã hội tốt hơn? Có không tưởng khi nghĩ đến một sự hiệp nhất các giáo hội kitô giáo? Số phận nào dành cho Á Căn Đình?

- Chúng ta đi theo thứ tự từng câu hỏi. Theo tôi, hy vọng có sẵn trong bản chất con người, trong những gì chúng ta có trong tâm hồn. Tôi tin tưởng ở con người. Tôi không nói con người tốt hay xấu, nhưng tôi tin tưởng nơi con người, nơi nhân phẩm và tầm cao cả của con người. Theo dòng thời gian, cuộc sống đặt cho chúng ta những vấn đề luân lý và chúng ta đặt hay không đặt các nguyên tắc hành động, vì đôi khi chúng ta bị kẹt trong nhiều tình huống và không cưỡng nổi các yếu đuối của chúng ta. Thế kỷ 20 đã có những giai đoạn đẹp cũng như xấu. Vậy chúng ta có tốt hơn hay xấu hơn trước? Nếu chúng ta quan sát lịch sử, chúng ta cũng sẽ thấy lịch sử có lúc thăng lúc trầm. Chẳng hạn, người ta nói người Trung Hoa như những cái nút bấc: có những hoàn cảnh bị nhấn xuống nhưng cũng có những hoàn cảnh khác lại trồi lên. Có nghĩa là luôn luôn tái xuất hiện. Tôi nghĩ, chung chung có thể áp dụng như vậy cho bản chất con người, cho tất cả mọi người và tất cả mọi xã hội.

- Với những gì xảy ra ở thế kỷ vừa qua, thật không dễ để tin tưởng vào con người.

- Trên thực tế, lịch sử gần như là một tai họa, một thảm họa về mặt luân lý, một hỗn độn toàn bộ của những khả năng tiếp cận với cuộc sống. Khi chúng ta nghĩ đến những đế quốc xây trên máu của người dân; sự tùng phục của các dân tộc, các nạn diệt chủng ở Arménie, Ukraine hay Do Thái… Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử gần đây hoặc xa xa hơn một chút, chúng ta sẽ rùng mình. Hôm nay, sau thánh lễ, chúng ta đọc một đoạn trong sách Sáng Thế nhấn mạnh Thiên Chúa đã hối tiếc khi tạo dựng ra con người vì tất cả những chuyện xấu con người đã làm. Và đó là một trong những chìa khóa để giải thích lịch sử. Đúng là bản văn không kể lại một sự kiện lịch sử, chỉ chú giải về mặt thần học sự xấu nơi con người. Như thế, Lời Chúa nói gì với chúng ta? Có những giai đoạn trong lịch sử, nhân phẩm bị giảm rất nhiều. Tuy nhiên sau đó, nó lại tái sinh.

- Cha có tin lập luận của cha sẽ thuyết phục được những người bây giờ quá hải sợ, hải sợ không những chỉ những gì đã xảy ra trong quá khứ mà hải sợ với tất cả những gì đang xảy ra ngày hôm nay.

- Không được sợ các bất hạnh. Điều này làm tôi nghĩ đến nhân vật Catita do Niní Marshall đóng. Khi có ai kể chuyện bất hạnh cho bà nghe, bà nói: “Chính tôi là người bà kể chuyện đó cho tôi nghe à, phải không thưa bà?” Mình cũng có thể trả lời: “Chính tôi là người bạn kể chuyện đó cho tôi nghe phải không bạn?” Luôn luôn có những kinh nghiệm còn tồi tệ hơn. Có gì khác biệt trong trường hợp các em bé bị bắt cóc, bị xẻo cơ quan để bán cơ quan và những hy sinh trẻ con mà các nền văn hóa khác làm? Con đường của sự dữ thì luôn luôn tồn tại, có một khả năng con người có thể biến thành quỷ. Dĩ nhiên nếu chúng ta sống cảnh này thì chúng ta còn khổ hơn. Dù vậy, lịch sử vẫn tiếp tục. Lịch sử vẫn tiếp tục có những tấm lòng vị tha, vẫn có văn thơ tranh tuyệt tác, vẫn có những phát minh, tìm tòi khoa học. Vì tôi tin vào tương lai trên cái nhìn nhân bản, nên tôi còn tin ở đó hơn nữa về viễn cảnh kitô, bắt đầu từ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta.

- Vậy cha thuộc vào những người tin nền văn minh nhân loại vẫn tiến bộ?

- Để trả lời câu hỏi này, trước hết tôi phải nói có hai loại “không văn minh.” Một loại liên hệ đến sự hỗn độn đã có sẵn mà trên đó khoa học (và tất cả những gì còn lại) hành động, ra lệnh và biến đổi, tạo nên tiến bộ văn hóa, khoa học, kỹ nghệ…  Dù bây giờ, con người cũng có một khả năng sáng tạo ra một loại hỗn độn, một loại hình thức “không văn minh” thứ nhì, nếu để các phát minh vượt ngoài tầm kiểm soát thì cuối cùng, các phát minh này làm chủ thống trị, nếu để các khám phá khoa học qua mặt thì chúng không còn là chủ sáng tạo nhưng là nô lệ cho những khám phá của mình. Chỉ cần xem các kinh nghiệm về các gien và sinh sản vô tính để cuối cùng có thể kết thúc kiểu kết tinh như huyền thoại con ma Frankenstein. Hoặc tranh cải về năng lượng nguyên tử. Hoặc hăng say tranh cải các luật phi nhân mà tin đó là tiến bộ. Loại hình thức vô văn hóa thứ nhì này, như tôi nói, là loại tạo ra nhiều thảm họa và cuối cùng, là loại đưa đến những thất bại lớn của con người, làm cho nhân loại, một cách nào đó, buộc phải bắt đầu lại.

- Vấn đề là, giống như Giáo Hội đã cảnh báo, khoa học tiến nhanh, các nguyên tắc luân lý thụt lùi.

- Đúng vậy. Vì thế đối thoại luân lý rất quan trọng nếu luân lý đó tốt. Tôi thú nhận, tôi có một nỗi hải sợ kinh hoàng đối với các nhà trí thức thiếu tài và các nhà luân lý thiếu lòng tốt. Luân lý là hoa nở rộ lòng tốt con người. Nó cắm rễ trong khả năng làm điều tốt của cá nhân cũng như xã hội. Trong trường hợp ngược lại, nó trở thành “luân lý dởm”, loại luân lý bề ngoài, siêu đạo đức giả, sống hai mặt. Người che mặt bằng mặt nạ luân lý thì thực chất họ không có lòng tốt. Người ta có thể chuyển vị điều này trong lãnh vực tương giao quốc tế. Lấy ví dụ trường hợp bệnh sida, căn bệnh tàn phá cả lục địa Phi châu. Dân chúng của một phần lục địa này bị huỷ diệt trong sự dửng dưng, đến nỗi người ta tự hỏi chắc có ai muốn biến vùng này thành một bãi tha ma vĩ đại của nhân loại.

- Cha có quan tâm đến tỷ lệ sinh đẻ giảm ở một số nước và số người già sống một mình ngày càng tăng không?

- Đương nhiên tôi quan tâm đến vấn đề này. Đó là một hình thức tự tử của xã hội. Năm 2022. Sẽ không có đủ tiền trong quỹ hưu bổng ở Ý, có nghĩa là nước Ý không đủ tiền trả cho người về hưu. Cuối năm 2007, nước Pháp mừng vì có tỷ lệ sinh đẻ là mỗi người đàn bà có hai con. Nhưng Ý và Tây Ban Nha thì có ít hơn một. Điều này có nghĩa là sẽ có những khoảng không gian và những thực tế xã hội sẽ được thay thế; gồm cả sự xuất hiện của các nền văn hóa khác, và có thể một loại văn minh khác. Sự xâm chiếm của những người Man Rợ năm 400 có thể sẽ được thay thế bằng một dạng thức khác, nhưng lãnh thổ của một vài người bỏ đi sẽ bị thay thế bằng những người khác. Về phương diện di dân, Âu châu có thể có nhiều kinh nghiệm về sự thay đổi trong văn hóa của họ. Dù sao thì đó không phải là một hiện tượng mới. Chúng ta đừng quên những cộng đồng kitô lớn đã có từ nhiều thế kỷ ở miền bắc Phi châu bây giờ không còn nữa.

- Về vấn đề này, làm sao hình dung được tương lai của Giáo Hội Thiên Chúa giáo? Thế kỷ mới này có là thế kỷ của đời sống thiêng liêng không?

- Giáo Hội phải đồng hành với sự phát triển của các dân tộc – với chiều kích hiện hữu, đạo đức và nhân bản của nó – với tất cả tiềm năng của nó. Giáo Hội phải làm tăng lên tiềm của nhân loại vì con người là cùng đích mặc khải của Thiên Chúa, hình ảnh của Thiên Chúa. Là người kitô, chúng ta không thể bỏ khái niệm này cũng như không thể chuyển dịch nó. Ngoài chuyện đó ra, tôi nghĩ thế kỷ mới này sẽ là thế kỷ của đời sống thiêng liêng. Dù sao, phải nhìn dưới khía cạnh này. Đức tin, tôi lặp lại, đôi khi đi kèm theo một loại thuyết hữu thần mông lung, lẫn lộn tâm lý, siêu tâm lý và luôn luôn là một cuộc gặp gỡ đích thực, sâu đậm giữa cá nhân với Thiên Chúa, giống như truyền thống kitô đã định nghĩa.

- Cha có tin là các giáo hội kitô sẽ tiến tới chỗ hợp nhất?

- Tôi rất vui mừng vì đã có những tiến bộ trong chiều hướng này và tiếp tục với phong trào liên tôn. Chúng ta, người công giáo và những người theo phái Phúc Âm, chúng ta có thể gần nhau hơn khi ở chung với người khác. Chúng ta đi tìm một hình thức đa dạng được giải hòa. Để trả lời trực tiếp vào câu hỏi: tôi không tin vào lúc này, người ta nghĩ đến một hợp nhất hay một đơn vị hoàn toàn, nhưng đúng hơn là một hình thức đa dạng được giải hòa, chúng ta cùng đi chung với nhau, cùng cầu nguyện và làm việc chung và cùng nhau chúng ta đi tìm một cuộc gặp gỡ trong sự thật.

- Cha hình dung tương lai của Á Căn Đình như thế nào?

- Xã hội Á Căn Đình có gia tài đạo đức, văn hóa… may thay, dân tộc chúng ta càng đơn giản thì càng đoàn kết. Đúng là có một vài trường hợp, một vài sự cố đáng lo, như cách đây một thời gian, có vụ hỏa hoạn xảy ra trong một khu phố ổ chuột của Buenos Aires liên hệ đến cuộc tranh chấp giữa các người nghèo, đã làm hại đến tình đoàn kết. May thay, chúng ta cũng chưa mất gia tài. Thử thách  là phải cẩn thận và che chở nó. Khi các chính trị gia bắt đầu đi tìm giải pháp bằng cách ký các hiệp ước, họ sẽ làm sai nếu họ không dựa trên sự bền vững nền tảng đạo đức của dân tộc. Họ chỉ thiết lập một bản hợp đồng đơn sơ, có thể bị bỏ vì bất cứ một chướng khí nhỏ nhặt nào. Đúng là dân tộc bị ngược đãi, bị chìm trong một tình trạng vô chính phủ nhưng chúng ta có thể hoàn tựu nhiều cho tổ quốc vì, tôi nhấn mạnh, chúng ta còn kho dự trữ gia tài.

- Vì sao cha dùng chữ tổ quốc?

- Tôi thích dùng chữ tổ quốc thay vì dùng xứ sở hay quốc gia. Xứ sở thì có tính cách địa dư, quốc gia thì có tính cách hợp pháp, thể chế. Một người thích nơi họ sống, họ không nói đó là người xứ sở hay quốc gia mà là đồng bào. Tổ quốc –có nguồn gốc từ chữ père, như tôi đã nói, có nghĩa là nhận từ truyền thống của người cha, tiếp tục duy trì và phát triển truyền thống này. Tổ quốc là gia sản của cha để lại cho ngày hôm nay và phải được trường tồn. Vì thế ai nói tổ quốc tách khỏi gia sản của nó, cũng như người nào nói muốn làm giảm giá trị của gia sản, không cho nó tăng trưởng, là sai.

- Tóm lại, cha có một tầm nhìn khá lạc quan cho tương lai của đất nước và của thế giới…

- Đó là những gì tôi cảm nhận. Tôi có thể bị lầm. Chúng ta, chúng ta sẽ không thấy nhưng các con chúng ta sẽ thấy điều này. Cũng như câu chuyện hai linh mục nói về tương lai của công đồng, một vị nói: “Một công đồng mới sẽ bỏ luật độc thân không? Người kia trả lời: “Có lẽ bỏ.” Người thứ nhất kết luận: “Dù sao chúng ta sẽ không thấy nhưng con cái chúng ta sẽ thấy.” Khôi hài, đừng lẫn lộn lạc quan với hy vọng. Lạc quan là một thái độ tâm lý đứng trước cuộc sống. Hy vọng là vượt lên cuộc sống. Đó là cái neo người ta ném vào tương lai để mình kéo được sợi giây, để mình có thể đến nơi nó ước nguyện. Đó là cố gắng trong hướng đi tốt. Hơn nữa, hy vọng là một đức tính đối thần: Thiên Chúa là trung gian. Vì tất cả những lý do này, tôi tin cuộc sống sẽ chiến thắng./

Hết trọn bộ.

Nguyễn Tùng Lâm
Dịch từ: Tôi tin tưởng nơi con người, Đối thoại với Jorge Bergoglio
Je crois en l’homme, Conversations avec Jorge Bergoglio