Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 11

Xây dựng một nền văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ

Sự không có khả năng của người dân để tạo một gắn bó chặt chẽ với xã hội là một trong những lý do gây ra sự đi xuống của Á Căn Đình. Các tiềm năng riêng lẻ từng người không có tác dụng trên tập thể được. Trên điểm này, hồng y Jorge Bergoglio thường nhận thấy, quốc gia chịu đựng một vấn đề còn nặng hơn vấn đề không làm việc tập thể, đó là bầu khí chia rẻ thường xuyên – luôn luôn tương phản – làm trở ngại cho việc đi tìm đồng thuận và xây dựng một dự án quốc gia. Để bù lại, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu thiết lập một nền văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ.

- Xin cha triển khai thêm ý của cha?

- Phát triển một nền văn hóa thuận lợi cho cuộc gặp gỡ là điều duy nhất có thể giúp cho gia đình, cho người dân tiến đến đàng trước. Trên phần trang trí mặt tiền của thánh đường Buenos Aires là bức tranh vẻ cuộc gặp gỡ giữa ông Giuse và các anh của ông. Chúng ta có quyền đòi hỏi đâu là tương quan giữa anh em ông Giuse và giáo hội của thủ đô chúng ta. Bức tranh này được vẻ lên thời Tái tổ chức Quốc gia để nói lên niềm mong ước được gặp nhau của tất cả người dân Á Căn Đình. Đúng vậy, chưa bao giờ vấn đề này được giải quyết, vì người dân Á Căn Đình chúng ta khó hợp nhất với nhau. Đặc biệt chúng ta rất cục bộ, tạo băng nhóm rất nhanh. Số lượng danh sách ứng viên ở tiểu bang Misiones cho cuộc bầu cử lập pháp năm 2007 là đủ để thấy rõ điều này: Một ngàn chín trăm ứng viên! Còn ứng viên tổng thống năm đó, mười tám tất cả. Như thế, hoặc chúng ta là những con chim cực hiếm sở hữu mười tám người tài giỏi để phục vụ quốc gia, hoặc chúng ta là những người đần không thể nào đồng ý với nhau. Tôi nhấn mạnh: gặp nhau chẳng tốn bao nhiêu; chúng ta thường có khuynh hướng nhấn mạnh đến những điểm làm chúng ta chia rẻ hơn là nhấn mạnh đến những điểm làm chúng ta hợp nhất; chúng ta có khuynh hướng cỗ vũ cho xung đột hơn là cho đồng ý. Và tôi dám nói, chúng ta thích gây nhau.

- Có một lý do lịch sử nào nằm trong những chuyện này?

- Chắc chắn chủ nghĩa tướng soái (một hình thức chủ nghĩa quân phiệt chuyên chế đặc trưng ở các nước Châu Mỹ La Tinh) góp một phần lớn trong việc này. Các bạn đừng quên phong trào Tái Tổ chức Quốc gia nguyên thủy cũng đã dựa trên tập hợp các tướng soái này, dù họ không thành công. Khi thủ tướng Carlos Menem muốn thu hội lại tàn dư của một tướng soái như ông Juan Manuel de Rosas, họ đã gặp sự chống đối dữ dội và khi làm xong, sự kiện này được xem như một biến cố quốc gia, - di hài của một người đã chiến đấu, dù thắng dù thua -, đã được những người theo chủ nghĩa dân tộc thu hồi, biến nó thành một buổi lễ cục bộ. Ở buổi lễ, tất cả các nhân vật cao cấp đều mặc áo choàng đỏ, loại áo tượng trưng cho nhóm Rosas, biểu tượng của những người yêu Á Căn Đình). Ngay cả có một cha xứ, người xướng ca đoàn, cũng mặc áo choàng đỏ khoác ngoài áo dòng, như thế là đã chướng mắt vì ở cương vị linh mục, ông có một giá trị phổ quát vượt lên chính trị. Và như thế là thêm một lần nữa, loại biểu dương này là biểu dương sự chia rẻ quốc gia.

- Chúng con nghĩ rằng, trong giai đoạn khủng hoảng, khi tất cả những gì đã được thiết lập đều bị dao động, thì việc này có tính cách dữ dội cực kỳ…

- Trong tiếng Hy Lạp, chữ “khủng hoảng – crise-krisis” có nghĩa là “qua sàng lọc”. Cái sàng, cái rây dùng để loại bỏ những gì mình không muốn giữ. Tôi nghĩ từ bây giờ nếu chúng ta không ngắm đến một nền văn hóa thuận lợi cho việc gặp gỡ thì chúng ta sẽ gặt thất bại. Những biện pháp toàn trị của thế kỷ vừa qua – phát-xít, nazi, cộng sản hay tự do – đều hóa thành bụi. Bản chất đoàn hội của chúng lộ ra dưới võ đoàn kết thì đầy các nguyên tố vô trật tự. Sự tập hợp lại bao gồm một thử thách nhân bản hơn. Chẳng hạn, chế độ tư bản rừng rú làm cho kinh tế và xã hội ra mây khói, trong khi thử thách mà xã hội đương đầu thì ngược lại, phải thiết lập những mối liên hệ đoàn kết.

- Làm thế nào để tiến đến một nền văn hóa thuận lợi cho cuộc gặp gỡ?

- Trước mắt là suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của nền văn hóa thuận lợi cho cuộc gặp gỡ giữa người với người. Một nền văn hóa trụ trên nguyên tắc người kia mang đến cho tôi rất nhiều điều. Rằng tôi phải đi đến với người khác trong tinh thần cởi mở và lắng nghe, gạt ra ngoài các thành kiến, có nghĩa là, họ là người có ý kiến khác tôi, họ là người vô thần nên họ không có gì để mang đến cho tôi. Tất cả mọi người đều có một cái gì để cho tôi và tất cả mọi người đều có thể nhận một cái gì đó từ chúng tôi. Thành kiến là bức tường chia rẻ chúng ta. Và người Á Căn Đình chúng ta có rất nhiều thành kiến; ngay lập tức, chúng ta dán nhãn trên những người, mà xét ra, chúng ta cần đối thoại, gặp gỡ. Và vì thế, cuối cùng, chúng ta tạo ra bất hòa và tôi nhận thấy, mối bất hòa này có chiều kích của một căn bệnh xã hội.

- Và đó là vấn đề của thành kiến?

- Tôi nghĩ đó cũng là vấn đề của truyền thông, vì ba lý do: bóp méo thông tin, vu khống, bịa đặt. Méo mó thông tin là không bao giờ cho tin tức đầy đủ về một người hay một sự kiện, chỉ đi nhanh vào chuyện ngồi lê đôi mách. Đôi khi ngành truyền thông chỉ đưa ra khía cạnh xung đột, tiếp cận một cách khiếm diện. Theo tôi, bóp méo thông tin là thái độ nguy hiểm nhất. Vì không những chỉ nói một phần sự thật mà còn làm cho người nghe mất định hướng. Về mặt luân lý thì vu khống và bịa đặt nặng hơn là bóp méo thông tin, nhưng chắc chắn ít có hại hơn về mặt gặp gỡ. Mặt khác, chúng ta có tâm lý chung là thích nói xấu. Thế nào là tin đồn? Đó là sự thật được rút ra khỏi nội dung của nó. Còn chuyện xoi mói thì đưa chúng ta đến bất hòa. Một ngày nọ, có một giám mục gọi đến cho tôi, ông rất phẫn nộ vì có một người tuyên bố mà chỉ dựa trên tin đồn, chỉ một phần sự thật. Tôi khuyên ông nên bỏ qua, xem đó là chuyện ngồi lê đôi mách trong xóm.

- Các tâm lý gia giải thích rằng cá nhân nào không có bản sắc thì sẽ tìm cách khẳng định qua hành vi tiêu cực, hạ uy tín người khác…

- Đương nhiên. Người ta không nói tôi là, mà nói tôi không là. Chúng ta đi xuống theo người khác để cảm thấy mình ở trên cao. Đúng là thiếu bản sắc đi từ thiếu thuộc về. Từ đó, theo tôi quan trọng là phải phân biệt giữa quốc gia, xứ sở và tổ quốc. Xứ sở có tính cách địa dư, một vị thế địa dư-chính trị riêng; quốc gia là một guồng máy tổ chức với lịch sử, luật lệ của nó, còn tổ quốc quê hương là gia sản, và đó là những gì cao quý nhất, những gì chúng ta nhận từ những người đi trước. Những gì họ đã làm cho tổ quốc, quốc gia, xứ sở là cả một gia sản mà tôi phải trao truyền lại cho thế hệ sau, sau khi đã làm phong phú thêm. Và đó là sự khác biệt với những người bảo thủ, những người này cho rằng những gì nhận được từ gia tài của tố quốc phải giữ y nguyên. Theo tôi, đó là một cách giết tổ quốc, ngăn tổ quốc tăng trưởng. Tất cả gia sản phải được đầu tư trong một chiều kích không tưởng; gốc rễ của nó phải được gìn giữ, nhưng cũng phải cho phép con cháu chúng ta tiếp tục mơ về sự phát triển của nó. Chúng ta đừng quên những chuyện không tưởng làm chúng ta lớn lên. Đương nhiên, giam mình trong tư duy không phải là cái bẫy duy nhất mình rơi trong đó, giam mình trong gia sản tổ tiên, như tôi đã nói, là bằng lòng với những gì mình nhận mà không đi xa hơn. Nhưng cũng phải dè chứng tính không tưởng không đầu không đuôi, không tưởng điên khùng, cắt đứt với Lịch sử, với gốc rễ.

- Trong trường hợp này, làm sao khẳng định bản sắc gợi lên qua gặp gỡ?

- Theo tôi, bản sắc của một cá nhân và tổ quốc xác định qua ba khuynh hướng chủ chốt. Trước hết là có một chiều kích siêu việt ngắm đến Chúa và trao truyền cho người khác.

- Còn người không tin thì sao?

- Ít nhất họ phải vượt lên chính họ để đến với người khác, tránh sống cô lập. Không có người khác thì không có tính siêu việt. Sau đó là chiều kích đa dạng, chiều kích này làm dân chúng được phong phú. Một tính đa dạng quân bình và có tổ chức. Và cuối cùng là chiều kích hướng về tương lai, thúc đẩy mình nhìn đàng trước, đến một nơi mình muốn và mình phải đi, thay vì quay về quá khứ để chỉ nhìn những gì mình đã nhận. Ba chiều kích này dùng để bảo vệ nhân tính và tổ quốc tương đương theo nghĩa tiêu lực là: Không vô thần, có nghĩa là không có chiều kích siêu việt; không đứng ở ưu thế của những người có quyền lực, với suy nghĩ độc đoán hay bá quyền, không chấp nhận tính đa dạng; và không đứng với chủ nghĩa tiến bộ cắt đứt với Lịch sử. Cuộc gặp gỡ sẽ làm trong những điều kiện này.

- Cha có cho là cha đã làm trong khả năng của mình để góp phần xây dựng nền văn hóa thuận lợi cho gặp gỡ không? Có một số người còn dám cho rằng cha là người lãnh đạo chống chính phủ Nestor Kirchner…

- Tất cả các kiểu bất hòa đều làm cho tôi buồn. Tôi phải thú nhận đã có người trách tôi không dùng mọi phương tiện có sẵn trong tay để giải hòa với một người đang có mâu thuẫn. Loại vấn đề này cũng làm cho tôi đau buồn, tôi xem đó như một tội. Nhưng nếu cho tôi là người chống đối thì đối với tôi đó là bóp méo tin tức. Tôi tin người ta mến tôi vì các cố gắng của tôi – dù tôi thích hòa mình như mọi người trong Giáo Hội – để nối nhịp cầu với tất cả, trước hết là trong nhân phẩm.

- Sau cuộc gặp gỡ của hàng giám mục với tổng thống Kirchner năm 2003 nhân dịp ông này nhận chức, cha chưa bao giờ gặp lại ông. Chúng con có thể cho rằng về phần cha, các điều kiện đã không thuận lợi để có một buổi yết kiến với tổng thống?

- Tôi không muốn nhìn lại đàng sau. Tôi chỉ có thể tái khẳng định: thiện ý của tôi và của chung Giáo Hội là muốn xây dựng những chiếc cầu cho tất cả mọi người, nhất là trong nhân phẩm.

- Có nghĩa là nếu tổng thống Kirchner yêu cầu thì cha sẽ chấp nhận?

- Đương nhiên. Dù vậy, năm 2006, tôi có gởi thơ mời tổng thống đến dự lễ tưởng niệm năm linh mục và chủng sinh bị ám sát dưới chế độ độc tài, nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm cuộc thảm sát ở nhà thờ Saint-Patrice.

- Chúng con không bao giờ biết cha có mời…

- Chưa phải hết: vì ông không dự trù dự thánh lễ nên khi ông đến, tôi mời ông chủ tọa buổi lễ vì tôi luôn luôn xem trong suốt thời gian nhiệm chức của ông, ông là tổng thống của Quốc gia.

- Cha tiếp tục giao thiệp với những vị khác trong chính quyền?

- Chắc  chắn. Giống như mọi người. Mặt khác, khi các nhà lãnh đạo các tổ chức khác hỏi ý kiến tôi, câu trả lời của tôi không bao giờ thay đổi: Đối thoại, đối thoại, đối thoại…”