Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN III

NĂM THÁCH ĐỐ

Chương 9 

Giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ

Một ngày nọ, khi đi suy niệm trên cánh đồng, Phanxicô đến gần nhà thờ thánh Damian, nhà thờ này đã được xây từ rất lâu và sắp sập. Như có sự thúc đẩy của Thần Khí, ngài bước vào nhà thờ cầu nguyện. Phủ phục cầu nguyện trước Tượng Chúa chịu Đóng đinh, lòng ngài cảm thấy bình thản. Và khi ngước đôi mắt đẫm lệ lên nhìn Chúa, ngài nghe bằng chính đôi tai xác thịt của mình, một Tiếng vang lên từ Thánh giá, tiếng vang này lặp lại ba lần: “Phanxicô, hãy đi sửa nhà của Ta, ngôi mà mà con thấy đó, đang sụp đổ hoàn toàn thành một đống tro tàn.” Phanxicô run rẩy, chỉ có mình ngài trong nhà thờ, và bàng hoàng trước âm thanh của một Tiếng kỳ diệu như thế, tâm hồn ngài nhận thức uy lực của lời linh thánh đó, nên ngài ngây ngất đến xuất thần. Định thần lại, ngài sẵn sàng vâng lời và tận hiến trọn vẹn mình cho mệnh lệnh sửa chữa nhà thờ vật chất hữu hình này, nhưng ý nghĩa chính yếu của thông điệp này muốn nhắm đến Nhà thờ là Giáo hội mà Chúa Kitô đã ban cho máu của Ngài, Thánh Thần dạy bảo ngài như thế, và về sau, ngài cũng bày tỏ điều này với các anh em trong dòng.1

Một vài phút sau khi được bầu làm giáo hoàng

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenNgày 13 tháng ba năm 2013, khi Jorge Mario Bergoglio tuyên bố danh hiệu mới của mình, nhiều người ở bên cạnh ngài vô cùng kinh ngạc, mà cũng đúng. Thường thì các giáo hoàng kế thừa một danh hiệu của một trong các giáo hoàng tiền nhiệm, qua đó gắn mình với uy tín và sứ mạng của người đó. Trường hợp của Gioan Phaolô II là một trong các trường hợp đặc biệt nhất. Ngài lấy danh hiệu theo giáo hoàng yểu mệnh Gioan Phaolô I, biểu hiệu cho sự tiếp nối việc tông đồ của ngài. Bênêđictô XVI lấy cảm hứng từ Bênêđictô XV, vị giáo hoàng tại vị giữa hai cuộc thế chiến. Vậy tại sao một giáo hoàng gốc dòng Tên lại chọn danh hiệu của đấng sáng lập dòng Phanxicô? Hơn hết, tại sao ngài không chọn cái tên đầy đủ “Phanxicô I”? Liệu có thể ngài nghĩ rằng tự thân cái tên đó có vẻ thực tế rồi, hay không?

Giáo hoàng Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử không dùng số thứ tự để phân biệt mình với những người kế vị có thể có về sau? Phát ngôn viên Vatican, Federico Lombardi xác nhận danh xưng của ngài sẽ tự động trở thành Phanxicô I nếu có một giáo hoàng tương lai cũng chọn danh hiệu Phanxicô. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó, tại sao một tu sĩ dòng Tên lại chọn danh hiệu Phanxicô? Thánh Inhaxiô thành Loyola cũng là một người tận tụy với người nghèo và được đánh giá rất cao với lời khấn khó nghèo. Giáo hoàng Phanxicô đã cho chúng ta câu trả lời như sau:

Trong lúc bỏ phiếu, tôi ngồi kế Tổng Giám mục Danh dự của Sao Paolo và là Giám quản Danh dự của Thánh bộ Giáo sĩ, Hồng y Claudio Hummes, một người bạn tốt, thật là một người bạn tốt! Khi sự việc bắt đầu căng thẳng, ngài đã nâng đỡ tôi. Và khi phiếu bầu đạt đến hai phần ba, thì như thường lệ, tiếng vỗ tay vang lên vì đã bầu được giáo hoàng. Ngài ôm hôn tôi, nói: “Đừng quên người nghèo!” Và những lời này cứ vang lên trong tôi: người nghèo, người nghèo. Rồi, ngay lập tức, khi nghĩ đến người nghèo, tôi nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi. Rồi khi mọi người tiếp tục đếm các lá phiếu còn lại, tôi nghĩ đến tất cả những chiến tranh mâu thuẫn. Thánh Phanxicô cũng là một con người của hòa bình nữa. Đó là cách mà cái tên này đến với tôi. Phanxicô thành Assisi. Với tôi, ngài là một con người khó nghèo, con người hòa bình, con người yêu thương và bảo vệ tạo vật của Chúa.2

Những lý do của giáo hoàng Phanxicô là quá rõ ràng. Đọc đoạn sách trong quyển Cuộc đời thánh Phanxicô do thánh Bonaventura viết, kể về việc thánh Phanxicô thành Assisi được kêu gọi trước thập giá tại nhà thờ Damian, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Sứ mạng của tân giáo hoàng còn sâu xa và khó khăn hơn việc đưa giáo hội gần lại với người nghèo nữa. “Phanxicô, hãy đi sửa nhà của Ta, ngôi mà mà con thấy đó, đang sụp đổ hoàn toàn thành một đống tro tàn.”Mệnh lệnh được trao cho thánh Phanxicô là dấu hiệu của lo sợ lẫn van nài: “Hãy đi và sửa nhà của Ta.”

Liệu Giáo hoàng Phanxicô có thể là một giáo hoàng cải cách hay không?

Phanxicô, vị giáo hoàng cải cách

Các vị tiền nhiệm của giáo hoàng hiện nay không phải là những người đổi mới. Đúng là Gioan Phaolô II có một uy tín đặc biệt, nhưng ngài không tạo ra một thay đổi trọng đại, cải cách các việc hành đạo hay trọng tâm của Giáo hội Công giáo.

Cơ cấu của Giáo hội Công giáo vẫn được chỉnh sửa qua nhiều thế kỷ, các nỗ lực biến đổi của Công đồng Vatican II chỉ mới thực hiện được phần nào mà thôi. Những thay đổi rõ ràng trong phụng vụ, giáo dân đóng vai trò lớn hơn trong một vài lĩnh vực, và các hệ thống chính trị và kinh tế của Giáo hội Công giáo được hiện đại hóa vài phần, nhưng đa số các cải cách được đề xuất hoàn toàn là con số không.

Kế hoạch cải cách của Giáo hoàng Gioan Phaolô I trong nhiệm kỳ vài tuần ngắn ngủi của ngài có nhiều tham vọng hơn các triều giáo hoàng lâu năm hơn của Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI. Phong cách giáo hoàng của Gioan Phaolô I đã bỏ đi lối phát biểu gián tiếp và kiểu sử dụng đại từ trọng thể “chúng ta” khi nói chuyện, thay vào đó, ngài chọn kiểu ngôn ngữ phổ biến và trực tiếp. Ngài đã bỏ việc ngồi trên ghế kiệu hay ngai di động (sedia gestatoria) trong các buổi tiếp khách chính thức. Và như thế, ngài đã gạt qua một bên hình ảnh giáo hoàng như thể quốc vương của Giáo hội, một lệ đã thành hình kể từ thời Trung cổ.

Khẩu hiệu của triều giáo hoàng Gioan Phaolô I là “khiêm nhượng”, Humilitas, được phản ảnh qua việc ngài từ chối đội ngọc miện4 giáo hoàng trong lễ đăng quang, thay vào đó ngài thích một thánh lễ nhậm chức đơn giản. Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đi theo lối đi của ngài đã mở ra, cũng tránh các việc trên. Một trong những phát biểu gây tranh cãi nhất của Gioan Phaolô I là, “Thiên Chúa là cha chúng ta, hơn nữa còn là mẹ chúng ta”5, khi ngài nói đến đoạn Kinh thánh trong sách Isaiah 49, 14-15.6 Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ngài là tông thư nỗ lực kiến tạo một xung lực chưa từng có cho Công đồng Vatican II, với hy vọng việc tái thực hiện Công đồng này sẽ là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử.

Ngài cũng tìm cách cải cách trong phạm vi Giáo triều và hàng linh mục cũng như thúc đẩy tái phân bổ tài vật của Giáo hội Công giáo, đòi buộc các giáo hội giàu có nhất phải chia 1% cho giáo hội ở các nước đang phát triển. Gioan Phaolô I là một đấu sĩ trong lĩnh vực chính trị. Khi Jorge Rafael Videla, nhà độc tài Argentina đến viếng Vatican, giáo hoàng đã khiển trách ông vì đã vi phạm nhân quyền ở nước mình.

Giáo hoàng Phanxicô dường như hợp với phong cách bình dân này của Gioan Phaolô I hơn là phong cách nghi thức và chuẩn mực của Bênêđictô XVI. Một vài hành động của tân giáo hoàng thể hiện được phần nào trọng tâm của ngài. Trong bài giảng đầu tiên với các hồng y và tín hữu, ngài tập trung về thánh Giuse, hiền phu của Đức Trinh nữ Maria, người chăm sóc bảo vệ cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria khi họ lâm cơn nguy khó. Từ sự bảo vệ của thánh Giuse, Giáo hoàng Phanxicô nói về thế giới ngày nay.

Tuy nhiên, sự dấn thân làm “người bảo vệ” không phải chỉ giới hạn trong tính Kitô hữu của chúng ta mà thôi, nhưng còn mang một chiều kích tiên quyết là bản chất con người, và liên quan đến tất cả mọi người. Như thế có nghĩa là phải bảo vệ tất cả tạo vật, bảo vệ vẻ đẹp của thế giới thụ tạo này, chiếu theo những gì sách Sáng Thế dạy và thánh Phanxicô thành Assisi đã chỉ cho chúng ta. Nghĩa là phải tôn trọng mỗi tạo vật của Chúa cũng như môi trường chúng ta đang sống.7

Giáo hoàng Phanxicô đã phát triển sự dấn thân bảo vệ này vào bốn lĩnh vực: với lòng yêu thương, quan tâm đến từng người và mọi người, quan tâm đến gia đình và phát triển tình bạn chân thành, và gìn giữ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trong bài giảng này, trước nhiều đại diện chính trị đến từ khắp thế giới, ngài đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các chính phủ trong việc hành động bảo vệ:

Xin lắng nghe, tôi muốn đề nghị với tất cả những ai giữ địa vị có trách nhiệm trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như tất cả những ai có thiện chí, là: chúng ta hãy làm “người bảo vệ” cho tạo vật, cho kế hoạch của Thiên Chúa được ghi dấu trong tự nhiên, cho nhau, và cho môi trường. Chúng ta đừng để sự phát triển thế giới đi kèm với những dấu chỉ của hủy hoại và chết chóc!8

Ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng cái tôi nội tâm. Nếu chúng ta không giữ gìn bản thân, thì sẽ khó để bước ra bảo vệ những gì quanh mình:

Nhưng để làm “người bảo vệ”, chúng ta cũng phải canh giữ bản thân! Đừng quên là thù hận, ghen tỵ, và kiêu ngạo sẽ làm ô uế đời sống chúng ta! Là người bảo vệ, có nghĩa là canh giữ cảm xúc, tâm hồn của mình, vì đó là nơi trú ngụ của các ý định tốt cũng như xấu: những ý định xây dựng và những ý định phá hoại. Chúng ta không được sợ sự tốt lành hay thậm chí là sự dịu dàng!9

Cuối cùng, giáo hoàng xin mọi người hãy can đảm yêu thương và dịu dàng với những người chung quanh mình để không một ai nghĩ rằng tình yêu yếu hơn hận thù và cay đắng.

Tôi muốn nói thêm một điều nữa: chăm lo, bảo vệ cần đến sự tốt lành, và cần có một mức độ dịu dàng. Trong Tin Mừng, thánh Giuse xuất hiện với hình ảnh một người mạnh mẽ và dũng cảm, một người lao động, nhưng trong tim ngài, chúng ta thấy một lòng dịu dàng bao la, không phải do yếu đuối, mà là dấu chỉ sức mạnh thần khí và là năng lực để quan tâm, thương mến, chân thành mở lòng với mọi người, với tình yêu. Chúng ta không được sợ sự tốt lành, hay sự mềm mỏng dịu dàng!10

Giáo hoàng Phanxicô kết luận với một thông điệp hy vọng, lấy ý từ đoạn thư gởi tín hữu Roma 4, 18, mô tả đức tin của tổ phụ Abraham: “Người, dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.” Bài giảng này, đối chất một xã hội bị đè nén bởi sự chiếm hữu vật chất, bằng tinh thần bảo vệ và chăm lo, mà Thiên Chúa đã trao phó cho toàn thể nhân loại.

Một thái độ khác của giáo hoàng là từ chối mang chiếc nhẫn ngư phủ bằng vàng mà theo truyền thống cũng là con dấu chính thức của Vatican. Ngài chọn chiếc nhẫn bạc khiêm nhường hơn. Ngài cũng không dùng quyền trượng bằng vàng thường thấy của giáo hoàng, thay vào đó là cây quyền trượng bằng kim loại thường. Và ngài cũng từ chối xe giáo hoàng, chiếc xe thiết kế đặc biệt chống đạn mỗi khi giáo hoàng đi ra ngoài tiếp xúc với dân chúng. Vatican có một loạt xe như thế để chọn chiếc nào phù hợp cho giáo hoàng sử dụng tùy vào mức độ an ninh, khoảng cách, và tốc độ cần thiết. Ngày đầu tiên trên cương vị giáo hoàng, Phanxicô di chuyển bằng xe cảnh sát. Lần đầu tiên đi qua quãng trường thánh Phêrô, nhiều lần ngài vươn người ra để chào hỏi người dân, rõ ràng ngài quan tâm đến việc gần gũi tín hữu hơn là sự an toàn bản thân mình.

Những hành động này thể hiện cung cách của giáo hoàng, nhưng liệu chúng chỉ dừng lại ở mức thái độ đơn thuần hay không? Phải chờ thời gian mới trả lời được câu hỏi này. Điều chắc chắn là khi còn làm tổng giám mục Buenos Aires, ngài đã không ở dinh thự tổng giám mục, một cơ ngơi tiện nghi gần nhà tổng thống, và thường thì ngài di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.

Giáo hoàng Phanxicô chắc chắn là người giản dị, sẵn sàng nói chuyện với bất kỳ ai. Aldo Cagnoli, phi công của hãng Alitalia biết Bergoglio qua các chuyến đi Roma thường kỳ của ngài. Ông mô tả đương kim giáo hoàng là người mẫu mực, thay vì dựng lên các bức tường và trốn tránh sau lớp vỏ kiến thức và địa vị của mình, ngài lại là người biết cách đối diện với các phê bình, người biết tôn người khác lên, và luôn cởi mở học hỏi.11

Đi ngược lại các giá trị thời hiện đại, một thời đong đo sự vĩ đại của con người qua địa vị, tài khoản ngân hàng và danh tiếng, Cagnoli nhanh chóng khám phá ra tầm cao cả nội tâm trong việc phục vụ và đức tính khiêm nhường của Bergoglio, ông trung thực bày tỏ với các nhà báo Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti:

Tầm cao cả của ngài ở trong tính giản dị kèm theo một sự khôn ngoan hết mực, cảm thông và nghiêm túc, cởi mở tri thức và thẳng thắn, lắng nghe và học hỏi từ tất cả mọi người, nhưng vẫn làm cho người khác thấy có điều gì đó cần học hỏi nơi ngài. Tôi nghĩ là ngài khá đơn giản, nhưng cũng rất phi thường, đúng là gương mẫu cho những người ở trong và ở ngoài giáo hội, nhưng rất tiếc, người ta đã không được như vậy.12

Nếu giáo hoàng Phanxicô có nhiều đức tính như vậy, thì tại sao, như đã bàn trước đây, ngài không phải là người sáng giá khi Mật nghị hồng y gần kề? Có lẽ xã hội nói chung, và hàng giáo phẩm Công giáo giáo nói riêng, nghĩ rằng Giáo hội Công giáo cần một giáo hoàng bản lề, người có thể vượt qua được các cơn khủng hoảng hiện thời của Giáo hội nhưng không nên là một người cải cách thay đổi cấu hình và thể chế căn bản của Giáo hội Công giáo.

Một lịch trình được người khác thiết lập

Toàn thế giới đang dõi theo giáo hoàng Phanxicô, hy vọng ngài sẽ khởi xướng những thay đổi thấy rõ ngay lập tức trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Giáo hội Công giáo. Đương nhiên bản thân giáo hoàng cũng có những dự án lâu dài không chạy theo đường hướng mà truyền thông đại chúng mong chờ. Chúng ta không được quên rằng giáo hoàng Phanxicô khá bảo thủ trong vấn đề giáo lý, và sẽ không thực hiện một thay đổi đường hướng đột ngột về một vài vấn đề cấp thiết nhất.

Đa số báo chí và truyền thông tập trung vào bốn vấn đề chính: các vụ tai tiếng về ấu dâm, tính minh bạch của Vatican, lập trường của Giáo hội Công giáo về các vấn đề xã hội (hôn nhân đồng tính, phá thai, trợ tử, ...vv), và sự giảm sút về số lượng tín hữu trên toàn cầu.13 Có người còn thêm vấn đề đối thoại liên tôn vào nữa.

Các vụ tai tiếng về ấu dâm

Các vụ tai tiếng tất nhiên gây quan ngại nhiều cho giáo hội Công giáo, nhưng Bênêđictô XVI đã xử lý kỷ luật trong chừng mực cần thiết, và những gì để lại cho Phanxicô là thực hiện cùng quy tắc đó với thái độ rõ ràng đối với những người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho chuyện này.

Tai tiếng tính dục không phải là chuyện mới. Vào thập niên 1950, đã có báo cáo về nhiều trường hợp như thế, từ đó cha Gerald Fitzgerald lập nên một tổ chức tôn giáo giúp đỡ những trẻ em bị xâm phạm và trị liệu cho những linh mục phạm tội. Fitzgerald lúc đầu làm việc mục vụ giúp đỡ các linh mục sa vào nghiện rượu hoặc thuốc, nhưng rồi cha sớm thấy ra sự cần thiết phải trị liệu cho các linh mục xâm phạm trẻ em.

Cha Gerald là một trong những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo hàng giáo phẩm về sự cần thiết phải hành động ngay lập tức hầu đối diện với vấn đề này. Năm 1952, trong một lá thư gởi giám mục Nevada là Robert Dwyer of Reno, Fitzgerald đã viết:

Bản thân tôi thiên về giải pháp hồi tục cho bất kỳ linh mục nào có cáo buộc với bằng chứng rõ ràng là đã làm rối loạn đạo đức của giới trẻ, lập luận của tôi là phải giữ gìn Nhiệm thể Giáo hội hơn là khoan dung cho các cá nhân... Hơn nữa, trong thực tế, hiếm có trường hợp nào ăn năn hối lỗi thật sự... Vì thế, việc để các linh mục này tiếp tục tại chức hay thuyên chuyển qua giáo phận khác, chỉ góp phần gây thêm tai tiếng, hay ít nhất là tăng thêm nguy cơ gây tai tiếng.14

Hiệp hội thánh Luca được thành lập để trị liệu cho các linh mục như thế này hoặc mắc phải các vấn đề tương tự. Thống kê từ trung tâm mục vụ này rất đáng đánh động. Từ năm 1985 đến 2008, có 365 linh mục đã được trị liệu về chứng ấu dâm, và chỉ có 6%, nghĩa là 22 linh mục trong số đó tái phạm. Cha Fitzgerald thậm chí còn lên kế hoạch lập một nhà cho các linh mục ấu dâm trên đảo Barbados, để tách ly và phục hồi họ. Buộc phải có một dạng cải tạo cho hầu hết những trường hợp nghiêm trọng. Nhưng sau khi cha Fitzgerald qua đời, dự án này không bao giờ được thành tựu.

Trong vài năm gần đây, chỉ riêng Hoa Kỳ, đã có khoảng ba ngàn nạn nhân của các vụ ấu dâm đứng ra chống lại giáo hội Công giáo.15 Tháng ba năm 2010, Công tố viên của Vatican, Đức ông Charles J. Scicluna cũng công nhận con số này.16 Trong buổi phỏng vấn, cha Scicluna cũng xác nhận rằng giáo hội Công giáo đã kiểm lại các vụ tương tự đến tận năm 1922, năm mà văn bản Tội gạ gẫm (Crimen sollicitationis) được ban hành.17

Sau những thay đổi đầu tiên của giáo hoàng Piô XI, giáo hoàng Gioan XXIII cũng duyệt lại để xử lý các trường hợp ấu dâm. Những tuyên bố chính thức về vấn đề này là vào năm 1962, khi hồng y Alfredo Ottaviani, thư ký Thánh bộ Giáo lý Đức tin gởi một lệnh đến các tổng giám mục, giám mục, và bề trên, yêu cầu theo dõi vấn đề này và gởi tất cả trường hợp nào liên can đến văn phòng Thánh bộ.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngày 23 tháng tư năm 2002, đã kết tội các linh mục ấu dâm:

Tôi vô cùng đau khổ vì sự thật rằng các linh mục và tu sĩ, những người có nhiệm vụ giúp đỡ tín hữu sống cuộc đời lành thánh trước thiên nhan Chúa, lại để bản thân mình gây ra những đau khổ và tai tiếng thế này cho giới trẻ. Vì mối nguy hại to lớn do các linh mục và tu sĩ này gây ra, bản thân Giáo hội cũng bị khinh miệt, bị công kích vì cách nhận thức mà các lãnh đạo Giáo hội đã hành động về vấn đề này.18

Cũng trong cùng thông điệp đó, ngài nhìn nhận các lỗi lầm của Giáo hội khi xử lý vấn đề này:

Đúng thật là đã rất thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề, và nhiều lúc lời khuyên của các nhà chuyên môn đã khiến các giám mục ra những quyết định mà về sau mới thấy rõ ràng là sai lầm.19

Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng nhiều lần nói về vấn đề này, ngài là vị giáo hoàng đã thực hiện những bước lớn nhất để chặn đứng thực tế kinh khủng này. Tháng mười một năm 2005, ngài ban hành một văn bản thảo luận với tên gọi “Huấn lệnh về Tiêu chuẩn cho Nhận thức Ơn gọi liên quan đến các vấn đề cá nhân về các xu hướng tình dục đồng giới.”

Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Bênêđictô XVI đã nỗ lực ngăn chặn để vấn đề này không lan tràn thêm, nhưng các vụ tai tiếng vẫn tiếp tục bị đưa ra ánh sáng ở rất nhiều nước như Canada, Ireland, Hoa Kỳ, Mexico, Bỉ, Pháp, Đức, và Australia. Những trường hợp này đã làm cho một vài lãnh đạo giáo hội phải từ nhiệm như Hồng y Hans Hermann Groer, tổng giám mục Vienna, bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em. Một trong những vụ tai tiếng nhất là cáo buộc về cha Father Marcial Maciel ở Mexico, người sáng lập dòng Đạo binh Chúa Kitô.

Giữa năm 1950 và 2002, vấn đề này dường như đã gây hại đến 10,667 nạn nhân, với 4,392 linh mục bị cáo buộc, trong đó có 3000 linh mục đang bị điều tra. Trong 10 năm gần đây, giáo hội Công giáo đã nhìn nhận có 4000 vụ.20 Trong vài năm gần nhất, có thêm nhiều vụ đưa ra ánh sáng ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi và châu Á.

Quan điểm của giáo hoàng Phanxicô về vấn đề này như thế nào? Ngài thấy vấn đề này không liên can đến đời sống độc thân của linh mục. Ngài tin rằng, đa số trường hợp ấu dâm vi phạm trong vòng thân thiết, nghĩa là trong phạm vi gia đình. Nhiều ông bố, bố dượng, chú, bác là những kẻ xâm hại, vì thế ngài có quan điểm cho rằng thủ phạm là người mắc chứng bệnh và trước khi làm linh mục họ đã mắc bệnh rồi.21 Ngài nghĩ rằng phải hành động tức thời với các trường hợp ấu dâm:

Nếu linh mục đó là một người ấu dâm, thì linh mục đó đã là một người ấu dâm trước khi là linh mục. Còn bây giờ, khi các tai tiếng như thế xảy ra, anh chẳng bao giờ có thể giả bộ làm ngơ được. Anh không thể mang một chức trách mà lại đi hủy hoại cuộc sống của người khác.

Trong giáo phận của mình, tôi chưa gặp chuyện này, nhưng có lần một giám mục bạn gọi điện thoại hỏi ý kiến nên làm gì trong trường hợp này, tôi bảo là phải tước chức vụ của họ, họ không được thực hiện chức linh mục nữa, và phải bắt đầu điều tra theo giáo luật... Với tôi, phải xử lý như thế. Tôi không chấp nhận quan điểm bảo vệ hình ảnh không tì vết của thể chế mình được... Gần đây, chúng ta biết ở Ireland, có những vụ kéo dài đến hai mươi năm, và đương kim giáo hoàng đã nói rõ, “Tuyệt đối hoàn toàn không thể dung thứ cho tội ác này được.” Tôi thấy giáo hoàng Bênêđictô XVI rất dũng cảm và chính trực trong vấn đề này.22

Bergoglio đã đưa ra quy tắc hành động này ngay khi ngài nhận lãnh trách vụ giáo hoàng. Nhật báo Ý, Il Fatto Quotidiano cho biết giáo hoàng Phanxicô đã từ mặt hồng y Bernard Law, cựu tổng giám mục Boston, người đã phải từ nhiệm năm 2002 vì các vụ tai tiếng trong giáo phận mình. Ông đã bảo vệ khoảng 250 linh mục ấu dâm trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 2002. Khi hồng y Law muốn đến để chúc mừng, giáo hoàng Phanxicô đăm nét mặt, và nghiêm khắc nói, “Ông không được đến nhà thờ này nữa.”23

Dù Vatican không xác nhận, nhưng Il Fatto Quotidiano cho rằng giáo hoàng Phanxicô đang chuẩn bị thuyên chuyển Law đến một tu viện kín.24

Minh bạch trong các công việc ở Vatican

Các tai tiếng trong vụ được gọi là Vatileaks vẫn còn làm cho giáo triều Roma rúng động. Không một ai biết, khi nhận được báo cáo nội bộ25 về việc này, tân giáo hoàng phản ứng như thế nào,26 nhưng theo tính cách của mình, ngài sẽ không chần chừ thực hiện những xử lý thích đáng.

Mùa xuân năm 2012, một ủy ban được giáo hoàng Bênêđictô XVI ra lệnh thành lập để soạn báo cáo về vụ Vatileaks. Ba hồng y, gồm Jozef Tomko, Salvatore De Giorgi, và Julian Herranz, chịu trách nhiệm ban này. Họ đã chính thức chất vấn 30 người và gởi báo cáo đến cựu giáo hoàng vào tháng 12 năm 2012. Trước Mật nghị hồng y 2013, một vài hồng y yêu cầu được xem bản báo này,  nhưng đã bị từ chối.

Vậy nội dung bản báo cáo nổi tiếng này là gì? Một vài nhà báo, như Eric Frattini, có nói về tranh chấp nội bộ của Vatican, một bên là những người ủng hộ Tarsacio Bertone, thư ký của Giáo hoàng Bênêđictô XVI, người biết nhiều chuyện về ngài, bên kia là hồng y Angelo Sodano, trưởng Hội đồng Hồng y.27 Quyển sách gây chấn động Đức Thánh Cha: Những tài liệu mật của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI (Sua Santita. Le carte segrete di Benedetto XVI) của nhà báo Ý Gianluigi Nuzzi đã cung cấp các chi tiết về những sự vụ riêng của giáo hoàng, các thư tín, và các ghi nhớ mật. Một vài văn bản có nói về các tham ô và gian lận trong Tòa Thánh. Quyển sách này cũng nhắc đến vụ tai tiếng về khoản được cho là dâng cúng của cựu chủ tịch của RAI (Đài truyền hình Ý) để đổi lấy sự nhượng bộ của giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng như các tin tức thỏa hiệp về dòng Đạo binh Chúa Kitô và người sáng lập của họ. Tất cả những tài liệu này dường như đã bị Paolo Gabriele, người quản gia riêng của giáo hoàng Bênêđictô XVI lấy cắp và tiết lộ.

Khi được hỏi là liệu vụ Vatileaks có tác động gì trong việc chọn một giáo hoàng không phải người Ý hay không, thì hồng y của Lima, Cipriani Thorne, đã bình luận,

Tôi tin thế. Sự thật là chúng tôi không biết nhiều về vụ này. Nhưng, đúng, có thể nói là chúng ta phải biết tường tận những gì đã diễn ra và tẩy sạch nó. Rõ ràng, có một số người A hay B, những người có lẽ là gần với vụ này nhất, nhưng rồi lại được đẩy qua một bên, nhưng không như quy định, họ chẳng bị trách phạt gì. Nhưng đúng là có chuyện này.28

Tổng giám mục Lima còn bình thêm về phản ứng của ngài đối với việc bầu giáo hoàng Phanxicô,

Nhưng đúng, ngài [Phanxicô] sẽ cho chúng ta một dấu chỉ khi ngài bắt đầu chọn các phụ tá của mình. Tôi nghĩ rằng các hồng y đang lên tiếng về việc đơn giản hóa nhiều việc của Giáo triều, tăng thêm tính minh bạch, và gần lại với cộng đồng tín hữu.29

Đến bây giờ, giáo hoàng Phanxicô đã tạm thời nhận Tarsicio Bertone vào vị trí thư ký giáo hoàng, nhưng nhiều người tin rằng tân giáo hoàng cuối cùng cũng sẽ lập một đội ngũ riêng cho mình.

Về tài chính của Vatican, và việc đề nghị bán các cổ vật hay nhà thờ đang gặp khó khăn của giáo hội, giáo hoàng Phanxicô nghĩ rằng có lúc người ta nhầm lẫn giữa một viện bảo tàng, thực chất của Vatican, với một cung điện phủ đầy vàng. Nhưng do tôn giáo cần có tiền để duy trì, nên giáo hoàng nói,

Vấn đề là cách bạn dùng tiền có được từ tiền dâng cúng hay tiền thuế thập phân. Thu chi của Vatican đều được công khai, và luôn luôn bị thiếu hụt: các khoản thu được từ dâng cúng hay từ du khách của các viện bảo tàng được chuyển đến các trại cùi, trường học, các cộng đoàn ở châu Phi, châu Á, hay châu Mỹ.30

Về vụ ngân hàng Banco Ambrosiano, giáo hoàng Phanxicô đã khen ngợi giáo hoàng Gioan Phaolô II vì đã công khai kết án những âm mưu của ngân hàng Ý này.31 Dù vậy, như đã nói ở trên, dường như rõ ràng là tân giáo hoàng dự định loại bỏ sự phô trương, với ngài, việc từ thiện thật sự không phải là kiểu tự làm thỏa mãn mình. Trong nhiều sự kiện từ thiện, có những người ích kỷ lợi dụng việc giúp tha nhân để  phục vụ cho các mục đích của mình. Giáo hoàng Phanxicô thấy cách làm này đi ngược với lòng nhân đạo. Ngài xác tín tình yêu đích thực là tự đặt mình phục vụ tha nhân mà chúng ta đã tuyên bố sẽ yêu thương. Còn nếu không, nó chỉ đơn thuần là một biếm họa về từ thiện.32 Với giáo hoàng Phanxicô, người nghèo là tài sản thực sự của Giáo hội Công giáo.33

Lập trường của Giáo hội Công giáo về các vấn đề xã hội (Hôn nhân đồng giới và phá thai)

Dù ngài hoàn toàn không nghĩ giống như người tiền nhiệm, nhưng tân giáo hoàng cũng có tư duy bảo thủ như hai giáo hoàng trước. Các vấn đề về hôn nhân đồng giới và bảo vệ giá trị gia đình là hai trong những vấn đề Giáo hội Công giáo đấu tranh trong thập niên vừa qua. Quan điểm chính thức về tình dục đồng giới là: Giáo hội lên án hành động tình dục đồng giới, chứ không phải con người.

Năm 1975, Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố,

Theo luật luân lý khách quan, các quan hệ tình dục đồng giới là các hành động không có cứu cánh căn bản và thiết yếu. Trong Kinh Thánh đã lên án việc này như hành vi sa đọa trầm trọng và thậm chí là hệ quả đáng buồn của việc chối bỏ Thiên Chúa.34

Giáo hội Công giáo phân biệt giữa khuynh hướng tình dục đồng giới  (homosexuality) với hoạt động tình dục đồng giới (homosexualism). Giáo hội dạy rằng khuynh hướng tình dục đồng giới, tự nó và trong nó không phải là tội, nhưng nó có thể dẫn đến những hành động được xem là tội. Năm 1995, Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã công bố phản ứng đối với một vài luật ở Hoa Kỳ đặc biệt liên quan đến hôn nhân đồng giới và nhận con nuôi:

Những người đồng tính, với tư cách là một con người, có quyền như tất cả mọi người khác, bao gồm quyền không bị đối xử bằng các hình thức xúc phạm phẩm giá cá nhân của họ... Trong số các quyền đó, tất cả mọi người đều có quyền được làm việc, được có chỗ ở…vv. Tuy thế, những quyền này không phải là tuyệt đối. Họ có thể bị giới hạn về mặt pháp luật vì các hành xử bên ngoài của mình gây rối loạn xét theo khách quan... Có những điều khoản không phải là phân biệt bất công khi đưa các khuynh hướng tính dục vào trong luật, ví dụ như, trong việc nhận con nuôi hay nhận nuôi như con, trong việc tuyển dụng giáo viên thể dục, và trong việc tuyển quân... Khi bàn đến vấn đề chống kỳ thị, “khuynh hướng tính dục” không cấu thành một đặc tính có thể so sánh được với chủng tộc, sắc tộc, nền tảng...vv. Không như các vấn đề nêu trên, khuynh hướng tình dục đồng giới là một sự rối loạn khách quan.35

Quan điểm của giáo hoàng Phanxicô về vấn đề hôn nhân đồng giới gắn chặt với các lề luật chính thức của Giáo hội Công giáo. Với ngài, Kinh thánh đã hùng hồn trình bày nền tảng của luật tự nhiên và cũng chỉ nhìn nhận sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Ngài nhận rằng tình dục đồng giới luôn hiện hữu. Đó là một thực tế lịch sử từ xa xưa, nhưng khác biệt với ngày nay chính là thái độ của chúng ta đối với tình dục đồng giới. Giáo hoàng Phanxicô nghĩ rằng thế giới ngày nay đã biến sự kết hợp giữa hai người đàn ông thành “hôn nhân” với các quyền và các tình trạng liên quan. Ngài quả quyết rằng tuyên bố như thế là một sai lầm nhân học hạ thấp giá trị của hôn nhân truyền thống.36

Giáo hoàng cũng nghĩ như thế về việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính.

Nếu có một sự kết hợp của hai người đồng tính, thì hãy để đó là chuyện của riêng họ, đừng để bên thứ ba cũng như xã hội bị ảnh hưởng. Giờ đây, nếu sự kết hợp đồng tính này được đưa vào phạm trù hôn nhân rồi được cho phép nhận con nuôi, thì trẻ em được nhận nuôi sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả mọi người đều cần có một người cha là đàn ông và một người mẹ là đàn bà để có thể giúp họ định hình được tính cách của mình.37

Phá thai là một vấn đề gây nhiều tranh luận trong xã hội ngày nay. Để bảo vệ sự sống và quyền của thai nhi, Giáo hội Công giáo đã chiến đấu để ngăn chặn các luật cho phép phá thai. Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã nói đến vấn đề này trong tuyên bố về việc phá thai. Đầu tiên, văn kiện này nói về việc bảo vệ sự sống, trích dẫn một số câu trong sách Khôn ngoan. “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1, 13)38. Tài liệu đưa ra một số lý do để bảo vệ sự sống.

Trong sách Giáo huấn đã nói rõ ràng: “Con không được giết người bằng cách phá bỏ hoa trái trong dạ, và con không được giết hại đứa trẻ vừa mới sinh.” ... Athenagoras đã nhấn mạnh rằng Kitô hữu xem các phụ nữ dùng thuốc để phá thai là kẻ giết người, ngài lên án những kẻ giết hại trẻ em, bao gồm cả các trẻ vẫn còn trong lòng mẹ, “nơi chúng đã được Đấng Quan Phòng chăm sóc.” Tertullian có lẽ không phải lúc nào cũng nói một kiểu, nhưng dù thế, ông đã xác nhận rõ một nguyên tắc căn bản: “Ngăn trở việc sinh con là hành động sát nhân, không khác nhau lắm khi giết một đứa trẻ vừa mới sinh hay một đứa trẻ mới chớm trong bào thai. Người sẽ trở thành một con người thì đã là con người rồi.”39

Do văn kiện này được viết rồi được giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn năm 1974, nên giáo hoàng Phanxicô có thể sẽ yêu cầu cập nhật nó. Quan điểm của ngài về vấn đề này phản ánh sát những gì trong văn kiện trên, nhưng cách diễn đạt của ngài có đôi chút khác biệt. Với giáo hoàng Phanxicô, phá thai không phải là một vấn đề tôn giáo, mà là một vấn đề đạo đức. Ngài tin rằng khi một hữu thể mới được tạo thành, thì tạo vật mới này đã có DNA của riêng mình, một dạng quyền về gen ngụ ý đây là một con người. Rồi ngài cho vấn đề này thiên về mặt khoa học hơn là thần học, tách biệt với luân lý tôn giáo vì ngăn chặn sự sống là một vấn đề đạo đức. Giáo hoàng tin rằng quyền được sống là quyền tiên quyết và quan trọng nhất, và phá thai là giết chết một người không thể tự bảo vệ mình.40

Sự giảm sút tín hữu trên toàn cầu

Một trong những vấn đề áp lực với Giáo hội Công giáo là sự giảm sút tín hữu và những người sống đời tận hiến. Giáo hội vẫn tiếp tục phát triển ở Phi châu, Á châu, ngược lại ở Âu châu, Bắc Mỹ, và châu Mỹ La tinh thì giảm sút rất nhiều. Tại sao lại có sự giảm sút quá đáng như thế? Có nhiều lời giải thích cho việc này. Ở Âu châu, đặc biệt ở các nước có truyền thống Công giáo lâu đời như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, sự giảm sút đi cùng với tinh thần thế tục hóa của xã hội.

Trong chuyến thăm Tây Ban Nha, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói đến “cuộc tấn công” của xã hội thế tục hóa đối với đức tin. Trong các tuyên bố với các giám mục Tây Ban Nha vào tháng tư năm 2006, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói, “Tôi thấy được, và ủng hộ năng lực mà anh em đang truyền cho công tác mục vụ trong một thời bị thế tục hóa mau chóng này, vốn cũng có thể tác động đến đời sống nội tâm của các cộng đoàn Kitô hữu.”41 Một vài quốc gia như Ba Lan dường như đã đấu tranh với sự sụt giảm con số giáo dân và con số ơn gọi linh mục này. Ở Tây Ban Nha, 70,8% dân số cả nước tự nhận mình là Công giáo, nhưng con số người sống đạo thì xuống quá nhiều, chỉ có 13,6% người Công giáo đi lễ mỗi tuần một lần, và 59,8% hiếm khi hoặc không bao giờ đi lễ.42 Con số thống kê của các quốc gia Công giáo Âu châu khác cũng như vậy.

Ở Âu châu, vấn đề về ơn gọi linh mục thậm chí còn đáng bận tâm hơn nữa. Thần học gia Jose Maria Vigil đã gọi điều này là “sự sụp đổ” ơn gọi. Ông trích lại một phát biểu của Jose Maria Mardones trong tạp chí Sal Terra cho rằng Âu châu dường như đang lao đến một điểm “không lối về”.43

Việc thiếu các tân linh mục không nguy hiểm bằng sự lão hóa của các linh mục đương nhiệm. Tuổi trung bình của các linh mục Âu châu là sáu mươi lăm tuổi. Dù thực tế tuổi trung bình của dân Âu châu đang rất cao (chỉ có Tây Ban Nha là 41,1 tuổi)44 và dân số nói chung cũng bị lão hóa, nhưng tuổi trung bình của các linh mục còn cao hơn rất nhiều so với tổng dân số. Mardones cho rằng toàn bộ một thế hệ linh mục có thể sẽ mất đi, và sự mất mát này không thể bù đắp được.45

Khủng hoảng kinh tế ở Âu châu phần nào làm dịu đi sự khan hiếm các ơn gọi thiết tha với chủng viện. Ở Tây Ban Nha năm 2011, con số chủng sinh tăng thêm 4% so với năm 2010, nhưng sự khan hiếm linh mục vẫn lớn hơn con số linh mục mới được phong chức nhiều, và kết quả được phản ánh trong thống kê đáng báo động khi mỗi năm nước này hụt mất đi 200 linh mục. Những người ngoại quốc và một vài trường hợp người trung niên vào các chủng viện Âu châu đã làm cho tình hình bớt căng thẳng một chút. Năm 2010, chỉ có 122 linh mục được phong chức trên toàn Tây Ban Nha, và 1278 chủng sinh trong toàn thể các chủng viện nước này.46

Trong một thống kê rộng hơn về con số linh mục toàn Âu châu, sự chênh lệch giữa linh mục giáo phận với linh mục dòng là đáng chú ý nhất. Trên toàn thế giới, có khoảng 275,543 linh mục và 135,051 tu sĩ dòng; còn ở Âu châu con số này là 133,997 và 57,058, cao hơn mọi vùng khác. Số giáo dân trung bình trên mỗi linh mục toàn thế giới là 2857,51. Trên toàn thế giới, có 117,978 chủng sinh trong các chủng viện, và 25,566 chủng sinh trong các tiểu chủng viện. Sự khác biệt thật đáng đánh động. Các chủng viện ở Phi châu và Á châu đông hơn các chủng viện Âu châu, và gần với con số ở Mỹ châu.47

Còn về con số các nữ tu ở Hoa Kỳ cũng đáng chú ý, con số này đã giảm mất 50% trong chỉ hai mươi năm ngắn ngủi, từ 181,000 năm 1966 xuống còn 92,000 năm 1993.48

Con số các linh mục kết hôn hay bỏ chức vì các lý do khác nhau cũng cần được nhắc đến trong thống kê này. Ở Pháp, kể từ năm 1947, con số linh mục được thụ phong giảm 8% mỗi năm.49 Và trong giai đoạn ba mươi năm cuối thế kỷ XX, trên toàn thế giới, có khoảng 8000 linh mục và tu sĩ bỏ đời tu trì.50

Sự sụt giảm con số chủng sinh và giáo dân ở Mỹ châu, đặc biệt ở các vùng nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là mối bận tâm lớn khác của Vatican. Một vài nước cho rằng sự giảm sút này do các đòi hỏi và giới hạn của đời sống độc thân. Trong Chính Thống giáo, các linh mục có thể kết hôn nếu trước khi thụ phong họ đã kết hôn rồi. Những người khác cho rằng Giáo hội Công giáo đã giới hạn nguồn của mình khi không chấp nhận việc phong chức linh mục cho phụ nữ, một việc mà các phái Luther, Calvin, Anh giáo, và phần đông các phái Phúc âm đã làm.

Giáo hoàng Phanxicô không cự tuyệt với ý tưởng một vài điểm trong đời sống độc thân của linh mục có thể được thay đổi. Ngài tin rằng kỷ luật của đời sống độc thân sẽ được giữ, nhưng nên xác định lại, đây sẽ là vì các lý do văn hóa, chứ không phải là một chọn lựa chung. Những lời của ngài dường như vẫn đang để ngỏ vấn đề này. Như thế, ngài nói rằng, đời sống độc thân không phải là vấn đề đức tin, mà đúng hơn là vấn đề về kỷ luật. Trước năm 1100, trong giáo hội Công giáo, đời sống độc thân vẫn chưa là luật buộc. Những lời chính xác của giáo hoàng về vấn đề này là,

“Nó có thể thay đổi.”51 Như thế, ít nhất, là ngài đã đi xa hơn, xa hơn rất nhiều, những thành viên khác trong hàng giáo phẩm Công giáo, những người chỉ lắng nghe mà không chịu nói gì về vấn đề này.

Sự sụt giảm con số tín hữu trong Giáo hội Công giáo ở Mỹ châu đã tăng mạnh kể từ đầu thập niên 1970. Giáo hội đã mất rất nhiều tín hữu ở Brazil. Vào thập niên 1990, 75% dân số Brazil nhận mình theo Công giáo. Đến năm 2011, con số này giảm xuống còn 65%.52 Vậy các giáo dân Công giáo đi đâu mất? Phần lớn trong số họ chuyển qua các giáo hội Tin Lành. Một vài thống kê cho thấy con số trong các giáo hội Tin Lành đã tăng thêm đến 15,4%.53

Nhà nhân học David Stoll đã có nói đến hiện tượng thập niên 1990 này, nhưng có nhiều người khác thậm chí còn thấy sớm hơn ông nữa. Linh mục dòng Tên Prudencio Damboriena đã đề cập đến vấn đề này trong quyển sách El protestantismo en America Latina, xuất bản năm 1962 của ông.

Cho dù có một vài người chuyển từ Tin Lành sang Công giáo (và cả từ Anh giáo hay phái Luther nữa), thì giáo hội Công giáo La Mã vẫn tiếp tục thoái trào nhanh chóng ở châu Mỹ La tinh. Sự sụt giảm ở Hoa Kỳ ít cấp kỳ hơn, nhờ vào làn sóng người Công giáo nhập cư và nhờ sự trở lại của một số người lúc đầu là Công giáo nhưng đã bỏ qua các giáo hội Tin Lành một thời gian. Vậy có bí mật gì trong sự lan tràn nhanh chóng của đạo Tin Lành? Tại sao Giáo hội Công giáo không thể ngăn chặn được chuyện này? Các chương trước đã nói đến cách Giáo hội Công giáo đã cố gắng để ngăn chặn sự xuất đạo này nhưng vô hiệu. Cho đến nay, cả tác động chính trị lẫn việc phúc âm hóa vẫn chưa đủ để thay đổi tình hình.

Giáo hoàng Phanxicô tin rằng bí mật nằm trong sự quan tâm mục vụ, trong việc gần gũi với giáo dân và sống sao cho giáo dân dễ tiếp cận hơn, làm sao để dễ đón nhận những người đến với Giáo hội Công giáo hơn. Giáo hội Công giáo ở Argentina gọi việc này là “chân thành chào đón.”

Giáo hoàng Phanxicô tin rằng điều mấu chốt đối với các linh mục và với tất cả tín hữu Công giáo là phải đi ra để gặp gỡ mọi người, giống như câu chuyện người mục tử bỏ lại chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc. Giáo hoàng Phanxicô tin rằng giáo dân trong giáo xứ không bị tách rời vì giáo lý cho bằng cảm thấy mình không được quan tâm cho đủ. Theo ngài, Giáo hội Công giáo phải đi ra các ngã đường để tìm đến dân chúng, biết tên biết tuổi, để có thể rao giảng tin mừng cho họ.54

Các phong trào Tân Phúc âm hóa và phong trào Phúc âm hóa Văn hóa đang đi đúng theo con đường này. Khi đi ra các nẻo đường, và khi có tác động lớn hơn về mặt văn hóa, Giáo hội tìm cách để tái Kitô hóa trong những quốc gia mà cho đến gần đây vẫn tự xem mình thuộc về Kitô giáo. Ngày 21 tháng 9 năm 2010, giáo hoàng Bênêđictô XVI dùng cụm từ Tân Phúc âm hóa khi lập Hội đồng Giáo hoàng về việc Thăng tiến Tân Phúc âm hóa.55 Ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài hiểu rất rõ và rất nhanh rằng phải chấm dứt sự ly giáo của các tín hữu Công giáo ở Âu châu và Mỹ châu. Dường như, ngài muốn tuyên bố chiến tranh với chủ nghĩa thế tục hóa đang thống trị, và khí giới chính của ngài sẽ là công cuộc Tân Phúc âm hóa.

Bênêđictô XVI đã phát triển kế hoạch này và đặt Tổng Giám mục Salvatore Fisichella làm người chỉ đạo. Tổng Giám mục Salvatore tìm sự ủng hộ từ phong trào bảo thủ nhất trong Giáo hội Công giáo, và cũng đang phát triển mạnh nhất hiện nay là Đường lối Tân dự tòng (Neocatechumenal Way), thường được biết đến với tên “Kikos”. Phong trào giáo dân này phát xuất từ những vùng nghèo nhất và nhờ hoạt động của Francisco “Kiko” Arguello, người Tây Ban Nha. Hình thức và hệ thống của phong trào này tương tự với kiểu phúc âm hóa của Tin Lành, nhưng nền tảng giáo lý rõ ràng là theo Công giáo truyền thống và bảo thủ.

Tổng Giám mục Colombia Jose Octavio Ruiz, người theo sát những nỗ lực chặn đứng sự thoái trào của Công giáo ở châu Mỹ La tinh, được đặt làm thư ký Hội đồng Giáo hoàng về việc Thăng tiến Tân Phúc âm hóa (HĐGHTTPÂH).

Toàn thể ý tưởng này bắt nguồn từ linh mục Luigi Guissani, người sáng lập Phong trào Hiệp thông và Giải phóng (Communion and Liberation Movement). Guissani là một trong những người đấu tranh cương quyết nhất chống lại các phái Tin Lành ở châu Mỹ La tinh. Trong bài báo nổi tiếng của mình “Nhận thức tôn giáo trong con người hiện đại”, Guissani đã giải thích cái mà ông tin là vấn đề thực sự của Kitô giáo: “Dường như Kitô giáo thời của chúng ta đã bị giày vò, suy yếu, mất chất, do một tác động mà chúng ta có thể xác định là “kháng cách”.56

Công cuộc Tân Phúc âm hóa có một mục tiêu được xác định rõ là: phục hồi tác động xã hội và ngăn chặn sự sụt giảm con số tín hữu trong Giáo hội Công giáo. Dù hiến chế của HĐGHTTPÂH không nói đến vấn đề này, nhưng đường lối chỉ đạo của Công nghị chung Thường niên XIII của Thượng hội đồng Giám mục đã nêu rõ:

Cùng lúc, một vài tôn giáo trên thế giới đang cho thấy sự tái thức tỉnh tôn giáo rất hứa hẹn. Tuy nhiên, những kỳ vọng tích cực này, thành quả từ việc tái khám phá Thiên Chúa và sự thiêng liêng trong các tôn giáo khác nhau, đã bị phủ bóng bởi hiện tượng chủ nghĩa chính thống cực đoan vốn thường lạm dụng tôn giáo để biện minh cho bạo lực và thậm chí cho khủng bố, một sự lạm dụng tôn giáo nghiêm trọng. “Chúng ta không thể giết người dưới danh Thiên Chúa!” Hơn nữa, sự sinh sôi nảy nở của các giáo phái tiếp tục là một thách thức dai dẳng.57

Các văn kiện của Giáo hội Công giáo ở châu Mỹ La tinh cũng thể hiện rõ sự nhấn mạnh vào công cuộc Tân Phúc âm hóa như là khí cụ để kiềm chế sự lan tràn của đạo Tin Lành.

Đối thoại liên tôn

Không nghi ngờ gì, một trong những đặc tính đáng chú ý nhất của tân giáo hoàng chính là sự chú tâm rất lớn của ngài đối với đối thoại liên tôn. Mọi người đều biết về tình bạn của ngài với giáo sĩ Skorka, một lãnh đạo có uy tín ở cộng đồng Do Thái rộng lớn ở Argentina. Ngài và Skorka là đồng tác giả quyển Từ trên trời xuống dưới thế (Sobre el Cieloy la Tierra) xuất bản năm 2010, nói về nhiều vấn đề tâm linh và xã hội.

Giáo sĩ Skorka và Hồng y Bergoglio gặp nhau mỗi tháng hai lần. Dù khoảng cách địa lý hiện giờ không cho phép họ gặp nhau, nhưng lòng quan tâm với đối thoại liên tôn vẫn không giảm.

Giáo hội Công giáo đã có một bước chuyển biến tận căn với triều giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cũng là người bạn lớn với người Do Thái và cố gắng xây nhịp cầu với Hồi giáo và các tôn giáo khác qua các cuộc gặp gỡ và hội họp do ngài tổ chức tại Assisi năm 1986, 1993, và 1996. Gioan Phaolô II đã viếng thăm hội đường Do Thái ở Roma, đã đón tiếp lãnh đạo Hồi giáo All Jamenei năm 1998, đi tĩnh tâm ở Jerusalem, các việc này đã khẳng định trọng tâm của ngài đối với đối thoại liên tôn. Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục công việc này, ngài tổ chức các buổi gặp gỡ năm 2011 với 300 đại diện của các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới.

Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp bước như thế. Ngày 20 tháng 3 năm 2013, khi tiếp đón các lãnh đạo tôn giáo từ các giáo hội và tôn giáo khác, ngài đã nói, “Tôi có một mong muốn kiên định là theo đuổi con đường đối thoại đại kết.”58 Ngày hôm đó, với tâm tình muốn đối thoại, ngài nói về nhu cầu phải hiệp nhất các tôn giáo khi đối diện với tất cả những chia rẽ và thù địch trên thế giới.59

Từ những ngày đầu của triều giáo hoàng, giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đặc biệt đến việc đối thoại với người Do Thái. Ngài đã gởi lời nhắn đến giáo sĩ Do Thái tại Roma là Riccardo Di Segni, mời ông đến dự lễ tấn phong giáo hoàng. Trên lãnh vực này, giáo hoàng Phanxicô sẽ phải xem lại một vài thay đổi mà người tiền nhiệm Bênêđictô XVI đã làm khi cho dùng lại một vài thánh lễ bằng tiếng La Tinh thời tiền Công đồng Vatican II, trong đó có những đoạn có vẻ bài Do Thái.60

Hồi giáo cũng chào mừng giáo hoàng Phanxicô, dù việc người Hồi giáo khủng bố người Kitô giáo là chuyện có thật và ngày càng gia tăng trong vài thập kỷ gần đây. Thực tế thì tất cả các tổ chức Hồi giáo ở Âu châu đã mở rộng tay chúc mừng tân giáo hoàng.

Đối thoại Công giáo-Hồi giáo đã rơi vào hoàn cảnh khó xử trong vài năm, đặc biệt sau tuyên bố có tính luận chiến của giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong đó ngài chú giải một bản văn Byzantine phê phán Mohammad.

Trong nhiều vấn đề, đặc biệt các vấn đề liên quan đến đời sống độc thân, hôn nhân đồng giới, phá thai, chức linh mục cho phụ nữ, minh bạch công việc của Vatican, và ngăn chặn vấn đề ấu dâm nghiêm trọng, có lẽ thái độ của giáo hoàng Phanxicô sẽ giống với những người tiền nhiệm. Vậy vấn đề còn lại là, nghị trình hành động của giáo hoàng Phanxicô sẽ như thế nào? Nền tảng tu sĩ dòng Tên của ngài sẽ ảnh hưởng đến cách tổ chức Giáo hội của ngài như thế nào? Giáo hội sẽ làm gì khi đối diện với sự toàn cầu hóa và mạng lưới hóa xã hội? Giáo hoàng Phanxicô sẽ kết hợp lòng quan tâm dành cho người nghèo của ngài với một hàng giáo phẩm thích phô trương như thế nào?

Giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ

Chúng ta có thể nói rằng, các giáo hoàng luôn có chất Roma, rất Ý, và phong cách cai quản rất Âu châu. Trong số 266 giáo hoàng của Kitô giáo trong suốt hai thiên niên kỷ, chỉ có 48 giáo hoàng không phải người Ý. Lý do rất rõ ràng. Giáo hoàng luôn là giám mục thành Roma, và hợp lý khi người dân Roma bầu một người Ý làm giáo hoàng, đặc biệt là trong những năm mà việc chọn tân giáo hoàng phải được người dân Roma và về sau là hàng quý tộc của họ chấp thuận.

Trong lịch sử các triều giáo hoàng, có sáu giai đoạn mà giáo hoàng không phải là người Ý:

1.Giai đoạn HyLạp (97-418). Trong giai đoạn đầu tiên này, ảnh hưởng và sự thống trị của của văn hóa Hi Lạp trên Roma rất rõ. Sau khi Đế chế Roma bị phân chia, Đế chế Roma Đông phương, hiệp nhất dưới trướng một hoàng đế duy nhất, đã tạo được tầm ảnh hưởng lớn trên Đế chế Tây phương.

Trong thời gian này, có mười ba giáo hoàng không phải người Ý. Đa số là người Hy Lạp, rồi có hai người Phi châu, một người Syria, một từ Dalmatia, và một Tây Ban Nha. Thánh Evaristus (97-105), thánh Telesphorus (125-136), thánh Hyginus (136-140), thánh Eleuterus (175-189), thánh Anterus (235), thánh Sixtus II (257-258), thánh Eusebius (309), và thánh Zosimus (417-418) là các giáo hoàng gốc Hy Lạp.

Giáo hoàng gốc Phi châu là thánh Victor I (189-199) và thánh Melchiades (311-314). Thánh Anicetus (155-166) là giáo hoàng gốc Syria, thánh (283-296) đến từ Dalmatia, và thánh Damasus I (366—384) là người Tây Ban Nha.

2.Giai đoạn Syria (685-705). Sau một thời đại kéo dài không có giáo hoàng ngoại quốc, các giáo hoàng gốc Hy Lạp và hơn nữa là gốc Syria bắt đầu có tầm ảnh hưởng trên Roma. Trong nhóm thứ hai các giáo hoàng không phải người Ý này, có năm vị đến từ Syria và ba đến từ Hy Lạp. Trong tám thế kỷ đầu của lịch sử giáo hội, Đông phương có ảnh hưởng rất lớn.

John V (685-686), thánh Sergius I (687—701), Sisinnius (708), Constantine (708-715), và thánh Gregory III (731-741) đều đến từ Syria. Các giáo hoàng gốc Hy Lạp là Theodore I (642-649), Conon (686-687), và John VI (701-705).

3. Giai đoạn Đức (996-1075). Các giáo hoàng gốc Đức trội hẳn trong giai đoạn này, chủ yếu là do quyền lực và ảnh hưởng của vương triều Ottone với các quốc vương Đức cố gắng tác động vào việc bầu giáo hoàng để mưu lợi cho đế chế của mình. Trong thời gian này, có năm giáo hoàng người Đức. Gregory V (996-999), Clement II (1046—1047), Damasus II (1048), St. Leo IX (1049-1054), và Victor II (1055-1057).

4.Giai đoạn Pháp (1057-1378). Đây là giai đoạn không có giáo hoàng người Ý lâu nhất, và là kết quả từ sự lớn mạnh của văn hóa Pháp. Trong thời gian này, Ngai Giáo hoàng được chuyển từ Roma đến Avignon, phần nào giải thích cho con số tăng đột biến các giáo hoàng Pháp. Trong giai đoạn này, có tổng cộng mười bốn giáo hoàng người Pháp, một người từ Anh, và một từ Bồ Đào Nha.

Các giáo hoàng người Pháp là Stephen IX (1057-1058), Nicholas II (1059-1061), chân phước Urban II (1088-1099), Urban IV (1261-1264), Clement IV (1265-1268), chân phước Innocent V (1276), Martin IV (1281-1285), Clement V (1305-1314, giáo hoàng đầu tiên đặt tòa tại Avignon), John XXII (1316-1334), Benedict XII (1335-1342), Clement VI (1342-1352), Innocent VI (1352-1362), chân phước Urban V (1362-1370), and Gregory XI (1371-1378).

Adrian IV (1154-1159) là giáo hoàng người Anh duy nhất cho đến nay, và John XXI (1276-1277) cũng là giáo hoàng người Bồ Đào Nha duy nhất trong lịch sử.

5.Giai đoạn Tây Ban Nha (1455-1523). Sau khi chuyển Ngai Giáo hoàng về lại Roma, bắt đầu một thời kỳ kéo dài khác với các giáo hoàng người Ý, rồi gián đoạn bằng một giai đoạn các giáo hoàng gốc Tây Ban Nha hoặc chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha.

Các giáo hoàng này là Callixtus III (1455-1458), Alexander VI (1492-1503), và Adrian VI (1522-1523), người Hà Lan.

6.Giai đoạn Trung Âu (1455-2013). Trong giai đoạn này, tất cả các giáo hoàng đều là người Ý, cho đến năm 1975, khi bầu lên giáo hoàng người Ba Lan đầu tiên, Gioan Phaolô II (1975-2005). Kế vị ngài là giáo hoàng người Đức, Benedicto XVI (2005-2013).

Sáu giai đoạn giáo hoàng không phải người Ý này, được định hình bởi những ảnh hưởng, nhiều lần về mặt chính trị, bên ngoài Roma. Giai đoạn cuối cùng, cũng là giai đoạn hiện nay, chịu ảnh hưởng do nỗ lực toàn cầu hóa cương vị giáo hoàng. Giáo hội Công giáo nhận ra nhu cầu phải cho các tín hữu hiệp nhất với giáo hoàng, và cũng nhận ra là một người đi tu, đến từ vùng nào trên thế giới, cũng có thể nhận lãnh chức giáo hoàng.

Cũng có thể chúng ta đang bước vào giai đoạn Mỹ châu. Giáo hoàng Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ châu, nhưng xu hướng này có thể tiếp diễn thêm rất lâu nữa. Các lý do cho sự chuyển vần này khá phức tạp, và một vài thành viên Giáo triều cũng như một vài viên chức cấp cao của Giáo hội Công giáo đã đưa ra một vài yếu tố chính.

Như đã nói, Âu châu đang ngày càng thu hẹp ảnh hưởng của mình trên giáo hội. Tổng Giám mục Miami, Hoa Kỳ, Đức ông Thomas Wenski, cũng xem chủ nghĩa thế tục là yếu tố ẩn sau việc bầu một giáo hoàng đến từ Mỹ châu. Ngài nói rằng, “Khi sự tập trung vào trọng tâm dân số Công giáo không còn nằm ở Âu châu nữa vì nó đã bị thế tục hóa, thì tự nhiên châu Mỹ La tinh sẽ là cái nôi cho giáo hoàng tương lai.”61

Tổng Giám mục Wenski nghĩ rằng, thật tuyệt khi tân giáo hoàng là người gốc châu Mỹ La tinh và tin rằng việc có một giáo hoàng đến từ Mỹ châu sẽ có lợi cho Giáo hội Công giáo ở cả Hoa Kỳ lẫn châu Mỹ La Tinh.62 Việc giáo hoàng đến từ lục địa Mỹ châu chắc chắn sẽ tác động đến các tín hữu Công giáo đang xa xách với một Giáo hội đang phân biệt Âu châu và ngoài Âu châu.

Các thống kê giải thích một yếu tố khác dẫn đến việc bầu ra giáo hoàng châu Mỹ La tinh: 4% các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới, khoảng hai trăm triệu người sống ở châu Mỹ La tinh. Trong số các ứng viên nổi bật của Mật nghị hồng y 2013, có một số đến từ lục địa Mỹ châu, bao gồm các ứng viên từ Hoa Kỳ, Brazil, Argentina và Honduras.

Hồng y Cipriani từ Lima, Peru, nói rõ rằng trong Mật nghị hồng y, mọi người đều thắc mắc cùng một câu hỏi. Hồng y cho biết, “Tất cả đều thắc mắc và tự hỏi, liệu bây giờ có phải là lúc để cân nhắc về một ứng viên từ châu Mỹ La tinh hay không.”63 Hồng y Cipriani cũng chỉ ra rằng các vụ tai tiếng trong Giáo triều, đặc biệt là vụ rò rỉ các giấy tờ của giáo hoàng Bênêđictô XVI đã dẫn đến việc buộc phải có một giáo hoàng không phải người Ý. Hồng y cũng tiếp tục nhấn mạnh một lý do nữa, có lẽ là lý do quan trọng nhất, đó là ngăn cuộc di dân khổng lồ từ các giáo xứ Công giáo sang các giáo hội Tin Lành. Ngài nói:

Các giáo phái là câu trả lời cho sự trống vắng và thinh lặng của Giáo hội, vốn đã nhiều lần thổi phồng quá mức một loạt những tranh luận chuyện thế tục mà quên rằng mình đang nắm giữ kho tàng của Chúa Kitô, kho tàng đức tin. Tôi nghĩ giáo hoàng sẽ cho chúng ta một tiếng gọi thức tỉnh hướng về kho tàng đức tin này.64

Một bài báo trên tờ Wall Street Journal với tựa đề “Ở Châu Mỹ La Tinh, người Công giáo thấy mình được nâng đỡ”, đã cho thấy nguyên do chiến lược địa chính trị vì sao môt giáo hoàng từ Mỹ châu có thể dẫn dắt giáo hội ngăn chặn được làn sóng Tin Lành. Bài báo bàn về hy vọng tràn trề khắp châu Mỹ La tinh khi nghe tin bầu ra một giáo hoàng người Argentina. Việc này cũng chạm đến sự giảm sút nặng nề con số tín hữu Công giáo ở lục địa này, đặc biệt ở Brazil, nơi bây giờ chỉ còn chưa đến 50% dân số nhận mình là Công giáo.65

Hosffman Ospino, giáo sư về tôn giáo tại trường Boston, đã trả lời trên tờ Wall Street Journal rằng một giáo hoàng châu Mỹ La tinh có lẽ sẽ đưa một số lớn những người Công giáo không sống đạo trên toàn lục địa này trở lại với giáo hội.66

Đa số các nguyên thủ châu Mỹ La tinh đều đến dự lễ đăng quang của giáo hoàng Phanxicô. Từ tổng thống Argentina, người có mối quan hệ mâu thuẫn với tân giáo hoàng, cho đến nguyên thủ Ecuador và Mexico và tổng thống Brazil, toàn bộ các nhà lãnh đạo ở châu Mỹ La tinh dường như rất hài lòng với việc bầu ra một giáo hoàng ở châu lục của mình. Ở Hoa Kỳ, việc bầu một giáo hoàng đến từ lục địa Mỹ châu có lẽ là mở đầu cho những tin tốt lành nữa sẽ đến với các tín hữu Công giáo trong một thời gian dài. Các vụ tai tiếng về ấu dâm đã khiến đa số các giáo phận rơi vào tình trạng bị hoài nghi, và ngày càng suy yếu trước sự soi mói chưa từng có của giới truyền thông.

Một Tòa Thánh theo phong cách La Tinh sẽ như thế nào? Liệu tính bộc trực vui vẻ của người La Tinh sẽ thay đổi nghi thức cứng ngắc của Vatican hay không? Liệu gốc La Tinh của giáo hoàng Phanxicô có đưa Vatican lại gần với người dân hơn các triều giáo hoàng mới đây và cả về trước hay không? Liệu việc chọn giáo hoàng này có thay đổi bản đồ tôn giáo ở Mỹ châu hay không?

Các chú thích:

1. St. Bonaventure, The Life of Saint Francis (London: J. M. Dent, 1904).

2. 16-3-2013, Buổi gặp Giới Truyền Thông:

http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/march/documents/papa-francesco _20130316_rappresentanti-media_en.html.

3. St. Bonaventure, Life of Saint Francis.

4. Ngọc miện giáo hoàng là mũ có ba tầng tượng trưng cho giáo triều, có hình thức giống mũ hồng y, có hai giải ru băng tượng trưng cho chức tổng giám mục. Được dùng giống các thượng tế Do Thái trong sách Cựu Ước mô tả.

5. Gioan Phaolô I, “Angelus,” 10-09-1978,

http://www .vatican. va/holy_father/john_paul_i/angelus/documents/hf _jp-i_ang_10091978_en.html.

6. Isaiah 49:14-15: “Xion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”

7. 19-3-2013, bài giảng của giáo hoàng Phanxicô,

http://www.vatican.va/holy_father/francesco/homilies/2013/documents/papa-francesco _20130319_omelia-inizio-pontificato_en.html.

8. Như trên.

9. Như trên.

10. Như trên.

11. Tôi tin tưởng ở con người: Eljesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010).

12. Như trên.

13. Terra Colombia, “Los cuatro grandes retos del papa Francisco,” 18-3-2013,

http://noticias.terra.com.co/internacional/renuncia-y-sucesor-de-benedicto-xvi/los-cuatro-grandes-retos-del-papa-francisco,56d60eb10fd7d310VgnVCM4000009 bccebOaRCRD.html.

14. USA Today, 31-3-2009,

http://usatoday30.usatoday.com/news/religion/2009-03-31 -catholic-abuse_N.htm.

15. 25-6-2012,

http://articles.philly.com/2012-06-25/news/32394491_l_canon-lawyer-catholic-priests-catholic-bishops.

16. 13-03-2010,

http://sociedad.elpais.com/sociedad/2010/03/13/actualidad/1268434809_850215 .html.

17. Như trên.

18. 23-4-2002,

http://www.vatican.va/resources/resources_american-cardinals-2002 _en.html.

19. Như trên.

20. 7-02-2012,

http://www.dailymail.co.uk/news/article-2097643/Vatican -investigated-4-000-cases-child-sex-abuse-10-years-U-S -cardinal-reveals.html.

21. Rubin và Ambrogetti, El jesuita.

2. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

23. 15-03-2013, http:// www.dailymail.co.uk/news/article-2293785/Pope-bus-Francis -shows-hes-man-people-hops-board-minibus-church-day -job.html.

24. 16-03-2013, http:// latino.foxnews.com/latino/news/2013/03/16/pope-francis -controversy-arises-with-disgraced-us-cardinal-bernard-law.

25.18-03-2013,

http://www.reuters.com/article/2013/03/18/us-pope-leaks-idUSBRE92H0O320130318?feedType=RSS&feedName=worldNews&utm_source =feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A +Reuters%2FworldNews+(Reuters+World+News).

26. Như trên.

27. Eric Frattini, Los cuervos del Vaticano (Madrid: Espasa, 2012), 28. 17-03-2013, http://www.eldia .es/2013-03-17/internacional/internacional 15.htm.

29. Như trên.

30. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011)..

31. Như trên.

32. Như trên.

33. Như trên.

34.29-12-1975, http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith _doc_l 9751229_persona-humana_en.html.

35. 23-07-1992,

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con _cfaith_doc_ 19920724_homosexual-persons_en.html.

36. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

37. Như trên.

38. 18-11-1974,

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents /rc_con_cfaith_doc_19741118_declaration-abortion_en.html.

39. Như trên.

40. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

41. 8-07- 2006,

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/letters/2006/documents/hf_ben-xvi_let_20060708_spanish -bishops_en.html.

42. Estudio no. 2.960, 19-10-2012,

http://datos.cis.es/pdf/Es2960mar_A.pdf.

43. Jósé Maria Vigil, “Crisis de la Vida Religiosa en Európa,”  CETR,

http://www.cetr.net/es/articulos/sociedad_en _cambio/crisis_de_la_vida_religiosa_en_europ.

44. http:// www.lne.es/vida-y-estilo/salud/2012/04/04/esperanza-vida -espana-819-anos/l 223893.html.

45. Vigil, “Crisis de la vida religiosa en Európa.”

46. 18-03-2012,

http://www.cadenaser.com/sociedad/articulo/200-sacerdotes-ano-crisis-vocaciones /csrcsrpor/20120318csrcsrsoc_l O/Tes.

47. Obras Misionales Pontificias Espana, “Estadísticas: Sacerdotes,”  2009,

http://www.omp.es/OMP/misioneros/estadisticas

/sacerdotes.htm.

48. Jósé Maria Iraburu, “Causas de la escasez de vocaciones,” 2nd ed. (Pamplona: Fundación Gratis Date, 2004), 2,

http://www .vocaciones.org.ar/archivos/1 .pdf.

49. Hervé Legrand, “Crisis de las vocaciones sacerdotales: Ayer y hoy,” http://www.seleccionesdeteologia.net/selecciones/Hib/vol25/100/100_legrand.pdf. Originally published in French, “Crises du clergé: hier et auiourd’hui; essai de lecture ecclésiologique,”  Lumiére et vie 33 (1984).

50. Iraburu, “Causas de la escasez de vocaciones.”

51. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

52. 13-03-2013,

http://www.bbc.co.uk/mundo/noticias/2013/03/130313 _brasil_america_latina_papa_conclave_iglesia_rg.shtml.

53. 30-07, 2010, http://elpais.com/diario/2010/07/30/internacional

/1280440809_850215 .html.

54. Rubin và Ambrogetti, El jesuita, 56.

55. 21-09-2010,

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/apost_letters/documents/hf_ben -xv i_apl_20100921 _ubicumque-et-semper_en.html.

56. Luigi Guissani, “Religious Awareness in Modern Man,” Communio 25, no. 1 (1998): 130,

http://communio-icr.com /articles/PDF/giussani25-1 .pdf.

57. Synod of Bishops, “XIII Ordinary General Assembly, The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith, Lineamenta,” point 6, October 2012,

http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20110202_lineamenta-xiii-assembly_en.html.

58. 20-03-2013,

http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/march/documents/papa-francesco_20130320_delegati-fraterni _en.html.

59. Như trên.

60. 17-03-2013, http://noticias.univision.com/benedicto-xvi-renuncia

/ conclave/article/2013-03-17/el-primer-paso-del-papa #axzz200ZHew9N.

61.14-03-2013,

http://wlrn.org/post/south-florida-reaction-americas-first-pope.

62. Như trên.

63. 17-03-2013,

http://www.eldiariomontanes.es/rc/20130317/mas-actualidad/sociedad/momento-papa-latinoamericano-asia-201303172014.html.

64. Như trên.