Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN II 

HỒNG Y CỦA CÁC TU SĨ DÒNG TÊN

Chương 5 : Các Tu sĩ Dòng Tên

Đạo quân của các giáo hoàng

Một tu sĩ dòng Đa Minh hiếu kỳ hỏi một tu sĩ dòng Tên: “Có đúng là các tu sĩ dòng Tên luôn trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác phải không?”

“Mà ai nói cho anh biết chuyện đó vậy?”

Cuộc đời của thánh Inhaxiô Loyola

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenInigo de Loyola Lopez de Recalde sinh năm 1491 tại lâu đài Loyola ở tỉnh Guipuzcoa nước Tây Ban Nha. Ngài là con út trong gia đình tám người con, nên tương lai buộc phải phục vụ trong quân đội hoặc đi tu. Khi bá tước Castille, Juan Velazquez de Cuellar, ngỏ ý với cha ngài để mình nhận dạy dỗ cho một trong số các con trai của ông, người được chọn là đứa con út Inigo.

Inigo sống tại thành phố Arevalo ít nhất là mười một năm, thỉnh thoảng có ghé đến Villadolid cùng với thầy mình. Năm 1517, Velazquez bị thất sủng sau cái chết của Vua Công giáo Ferdinand. Không lâu sau, ông qua đời, và người vợ góa của ông gởi Inigo cho Công tước Najera là Antonio Manrique de Lara, thời đó đang là phó vương Navarre.

Inigo nổi bật ở Navarre vì lòng dũng cảm và quyết tâm của mình, nhất là trong Chiến tranh giữa các vùng của Castile (Guerra de las Comunidades de Castilla) và trong các cuộc xung đột ở Guipuzcoa. Nhưng một biến cố đã thay đổi triệt để cuộc đời ngài. Năm 1521, các đạo quân Pháp - Navarre dấy binh tái chiếm lãnh địa Navarre. Inigo tham gia cố thủ tại lâu đài Pamplona. Cuộc chiến khốc liệt, hai chân Inigo bị trúng đại pháo, chàng phải trở về nhà để điều trị. Trong thời gian buộc phải nằm dưỡng bệnh, chàng trai trẻ bắt đầu đọc sách, và điều này đã làm thay đổi cuộc đời ngài mãi mãi.

Trong số tất cả những bản văn ngài đọc, có quyển Cuộc đời Chúa Kitô (Vita Christ) do Ludolph thành Saxony của dòng Bruno viết, quyển Truyện Cổ Tích Vàng (Legenda aurea) của Jacobus de Voragine, và nhiều sách hạnh các thánh. Theo như chính ngài viết trong tiểu sử, cuộc đời của ngài đã thay đổi, từ một người lính điển hình hay lang chạ, hay gây gỗ, trở nên một con người sốt sắng tìm kiếm sự thánh thiện:

Và khi đã đã được ánh sáng thiêng liêng soi rọi qua việc đọc các sách đạo đức, ngài mới nghiêm túc nghĩ kỹ về cuộc đời đã qua của mình, và về những việc đền tội chồng chất phải làm để chuộc lại những tội lỗi đã gây ra.

Từ những suy nghĩ này, ngài nảy ra khát khao thánh thiện muốn theo gương các thánh, quyết tâm của ngài chưa rõ ràng lắm, chỉ thề hứa mình sẽ làm những gì các thánh đã làm với sự giúp đỡ của ơn Chúa. Sau khi bình phục, mong muốn độc nhất của ngài là hành hương đến Jerusalem. Ngài ăn chay trường và tự đánh tội để thỏa lòng ăn năn đang chiếm trọn tâm hồn một kẻ đầy Thần Khí.1

Chàng trai trẻ Inigo kết hợp quân kỷ và thần nghiệm của mình để lập nên Dòng Chúa Giêsu, hay còn gọi là Dòng Tên. Lúc đầu, ngài dự định sẽ đến Đất Thánh ngay lập tức, nhưng rồi ngài dành chừng mười tháng ở Manresa, Tây Ban Nha, để giúp đỡ cho các bà đạo đức. Ở đó, ngài sống trong hang động, suy niệm và chay trường. Trải nghiệm đó cho ngài rút ra được hình thức tiên khởi của Linh Thao, vốn sẽ là cột trụ chính cho hoạt động mục vụ của ngài. Đến hai mươi sáu năm sau, năm 1548, quyển sách trọn vẹn về Linh Thao mới được xuất bản.

Cuối cùng Inigo quyết định đến Roma trước khi đi Jerusalem. Sau một thời gian ngắn lưu lại Đất thánh, ngài về bán đảo Iberia, ở đó, từ năm 1526 đến năm 1527, ngài học thần học tại Đại học Alcala de Henares. Tuy nhiên, cảnh sát mật của Tòa dị giáo, nghi ngờ những lời giảng dạy của ngài về tự thẩm và nội quan, do đó ngài trốn đến Salamanca, rồi cũng phải nhanh chóng tiếp tục trốn đi nơi khác.

Năm 1528, cuối cùng, Inigo đặt chân đến Paris, nơi ngài gặp những người đồng hương Tây Ban Nha cùng chia sẻ mối quan tâm về tôn giáo như ngài, về sau họ cùng gia nhập dòng với ngài. Các tu sĩ dòng Tên đầu tiên, học cùng lớp với John Calvin, và vài năm sau, họ trở thành những người giỏi nhất trong việc tố cáo những lời giảng của tư tưởng gia người Pháp này.

Thành lập Dòng Tên

Việc thành lập dòng Tên bị rắc rồi vì nhiều sự cố, và để đối diện với các vấn đề kinh tế, Inigo, lúc này đã đổi tên thành Inhaxiô, kiếm tiền từ vùng Flanders và Anh quốc. Sau đó, năm 1534, tại nhà thờ thánh Phêrô ở Montmartre, Paris, vào ngày lễ Đức Mẹ Mông triệu Thăng thiên, Inhaxiô và các đồng bạn long trọng thề hứa “phụng sự Thiên Chúa, bỏ lại sau lưng mọi sự thế gian.”2 Lúc đó, Inhaxiô bốn mươi bốn tuổi. Thời đó, ai cũng nghĩ là ngài đang thành lập một dòng truyền giáo để rao giảng phúc âm cho những vùng chưa có đạo, nhưng hóa ra lại là một dòng giảng dạy và biện giáo, đặc biệt tích cực hoạt động chống lại chủ trương Kháng cách đang lan rộng gần như khắp toàn cõi Âu châu.

Các thành viên dòng Tên cùng lên đường tiến về Venice, Ý quốc, để đi cùng đoàn viễn chinh chống lại người Thổ, nhưng sự ngờ vực của một bộ phận Tòa dị giáo đã một lần nữa khiến kế hoạch của Inhaxiô phải thay đổi. Ngài quyết định tốt nhất nên lập một hiến pháp cho dòng và cố gắng có được sự phê chuẩn chính thức của giáo hội Công giáo cho các hoạt động mục vụ của dòng Tên.

Năm 1540, Inhaxiô và các đồng bạn viết hiến pháp dòng, và giáo hoàng Phaolô III, sau một vài trì hoãn, cũng đã chấp thuận. Một vài đặc tính của dòng mới này gây khó chịu cho nhiều người. Dòng Tên chỉ tuân lệnh một mình giáo hoàng, và không ở dưới bất kỳ thẩm quyền giáo hội hay bất kỳ giáo phận hay giám mục nào, không cần lập các tu viện chính thức, và dòng phải tuân theo triệt để lời thề khó nghèo. Các tu sĩ dòng Tên cũng khước từ bất kỳ chức vị nào trong giáo hội. Họ là đạo quân thiện chiến của Thiên Chúa.

Ngoài công việc truyền giáo đầy ấn tượng của mình ở Á châu và Mỹ châu, đóng góp quan trọng nhất của dòng Tên trong thế kỷ XVI và XVII là vai trò chủ đạo trong cuộc chiến tôn giáo chống lại chủ trương Kháng cách. Lời bình luận của tu sĩ dòng Tên Rouquete rõ ràng cho thấy dòng là sự bảo vệ vững chắc cho Công giáo chính thống và đã trở thành cánh tay vươn dài của giáo hoàng:

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, về mặt lịch sử, “chủ trương quyền độc tôn của giáo hoàng” là một khẳng định thực tế cho “thuyết ơn cứu độ phổ quát.”

Thuyết cứu độ phổ quát tất yếu này sẽ chỉ là một từ rỗng tuếch nếu không thành tựu trong sự vâng phục thực sự hay sự hợp nhất như một của Kitô giáo, vì thế Inhaxiô muốn nhóm của mình được đặt dưới quyền điều động của giáo hoàng... và là người bảo vệ cho sự hợp nhất của Công giáo, một điều chỉ thành tựu nhờ việc phục tùng có hiệu quả người đại diện của Chúa Kitô là giáo hoàng.3

Giáo hoàng đã nhờ các tu sĩ dòng Tên giám sát tính chính thống của các quốc vương Công giáo và cố gắng để đưa những người Tin Lành về với Giáo hội Công giáo.

Bất kỳ nơi nào trên đất Âu châu mà quyền lợi của Roma đòi hỏi phải kích động dân chúng chống lại đức vua hay bất kỳ quyền thế trần tục nào gây khó khăn cho Giáo hội, dù là bằng việc vận động, tuyên truyền hay thậm chí nếu cần là nổi dậy, thì Tòa thánh biết rõ là để làm những việc này, chẳng có người nào đáng tin cậy, giỏi giang, và dũng cảm hơn là các cha dòng Tên.4

Vậy dòng Tên làm thế nào để đạt được các mục tiêu của mình? Khí cụ chính yếu của dòng luôn là giáo dục. Dòng lập các trường học trên khắp thế giới nhưng đặc biệt là ở những nước theo Tin Lành. Những trường này nhắm đến việc đào tạo thành phần ưu tú và quý tộc của mỗi vương quốc. Khi họ tiến hành thay đổi tâm thức các sinh viên ưu tú của mình, thì vấn đề chỉ là thời gian trước khi họ đưa được các thánh lễ về lại tinh thần chính thống Công giáo. Cách tiếp cận này đã được thực hiện rất tốt ở các vương quốc như Ba Lan, Bravia, Rhinelands, Saar, Hungary, và Áo quốc. Các tu sĩ dòng Tên cũng đến Trung Quốc năm 1583, và tiếp tục mở đầu các sứ mạng truyền giáo ở châu Mỹ, đặc biệt là ở Peru và Mexico.

Dòng Tên trong các thế kỷ kế tiếp

Các thế kỷ kế tiếp, đặc biệt là thế kỷ XVII và XVIII, khi các nước tìm cách thu gom cho mình ngày càng nhiều quyền lực và của cải thậm chí bằng cách xâm phạm Giáo hội Công giáo, thì các tu sĩ dòng Tên bị họ xem là kẻ thù quốc gia. Các quốc vương chuyên chế hiến tặng các nhà thờ quốc hữu cho phái Tin Lành trong khi đó Roma mất dần dần ảnh hưởng trên các vương quốc này. Những phong trào như thuyết Jansen và chủ nghĩa Pháp giáo lên tiếng biện hộ cho sự tách ly ngày càng lớn với Roma cũng như việc giới hạn quyền lực kinh tế và chính trị của Roma. Trong các lãnh địa theo Tin Lành, người ta ngày càng mất tin tưởng vào Dòng Tên, đến mức John Adam, cố tổng thống Hoa Kỳ đã từng bình luận rằng,

Tôi không thích việc dòng Tên xuất hiện trở lại... Nếu trên đời này có một nhóm người đáng bị nguyền rủa muôn kiếp ở đời này và đời sau ở hỏa ngục, thì đó là nhóm tu sĩ Dòng Tên. Dù vậy, vì sự khoan dung tôn giáo bắt buộc, mà chúng ta đành phải cho họ một chỗ trú thân.5

Ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thiên về Tin Lành khác, người ta sợ dòng Tên đến nỗi, họ bắt đầu lan truyền những thuyết âm mưu cho rằng dòng Tên và giáo hoàng chống lại Hoa Kỳ, đặc biệt trong số đó là tổng thống Abraham Lincoln. Một trường hợp đặc biệt đáng chú ý là một tuyên bố giả định (vì không có văn bản chính thức hay bằng chứng nào về nó), trong đó nhà luận chiến tôn giáo đáng ngờ Charles Paschal Telesphore Chiniquy đã nêu ra lời bình luận của Abraham Lincoln về Dòng Tên:

Cuộc chiến này sẽ chẳng giờ có thể xảy ra nếu không có sự tác động ma quỷ của các tu sĩ dòng Tên. Chính giáo hoàng đã khiến chúng ta phải nhìn mảnh đất này bị nhuộm máu của những đứa con ưu tú nhất... Về việc này, tôi nói ra đây theo những gì tôi biết về quốc gia này, bởi nếu người dân biết toàn bộ sự thật, cuộc chiến này sẽ trở thành một cuộc chiến tôn giáo, và nó sẽ ngay lập tức trở thành hoang dã và khát máu hơn gấp chục lần... nếu người ta nghe được những gì mà Giáo sư Morse đã kể cho tôi về những kế hoạch của chính Roma muốn thủ tiêu nền Cộng hòa này.6

Một vài người cho rằng dòng Tên đứng sau vụ ám sát Tổng thống Lincoln, và dường như mọi phái đều nghi ngờ dòng Tên về nhiều âm mưu và tội ác khác nhau nữa. Trong khi người ta không bao giờ chứng minh được phần lớn những luận điệu đang lan tràn chống lại dòng Tên, thì tại những nước như Tây Ban Nha, danh tiếng dòng Tên ngày càng suy sụp nhanh hơn vì những ngờ vực như thế và vì một vài hoàn cảnh nhất định nữa.

Đáng chú ý là, một trong những nguyên do lớn nhất gây nên ngờ vực cho dòng Tên chính là quyền lực kinh tế to lớn của họ, khi họ mạnh đến mức trở thành là người cho vay và người bảo lãnh thậm chí cho cả một chính quyền quốc gia. Mạng lưới cho vay toàn cầu này gần giống với những gì mà các Hiệp sĩ dòng Đền Thờ làm trước đó vài thế kỷ. Năm 1647, giám mục Palafox, người được giáo hoàng Innocent VIII gởi đến Mỹ châu, đã viết thư cho giáo hoàng nói rằng, “Tôi thấy tất cả tài sản, tất cả bất động sản và kho báu của Lãnh địa Mỹ châu này, đều nằm trong tay dòng Tên.”7

Dù những cáo buộc dòng Tên là giả dối, nhưng sự thật là Âu châu bắt đầu loại trừ họ: Ở Pháp năm 1763, rồi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1767. Các triều đình yêu cầu giáo hoàng Clement XIV phải cấm dòng Tên hoạt động hoàn toàn. Năm 1773, giáo hoàng Clement XIV ra chiếu thưDominus ac Redemptor, trong đó ngài chính thức cấm dòng Tên hoạt động. Tổng quyền dòng Tên là Lorenzo Ricci, và cố vấn của ngài bị tống giam không cần xét xử tại Castel Sant’Angelo, Roma. Nhiều tu sĩ dòng Tên tìm cách trú ẩn ở Nga, nơi sắc lệnh này không có hiệu lực, và họ được Catherine Đại đế tạo điều kiện cho ẩn náu.

Phục hồi Dòng Tên

Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX là giai đoạn không thể nào hỗn loạn hơn được nữa. Cách mạng Pháp và các phong trào giành độc lập trên toàn lục địa Mỹ châu đã đặt giáo hội Công giáo vào thế bí, và giáo hoàng Pio VII quyết định phục hồi dòng Tên. Mục tiêu của việc phục hồi dòng Tên là để đương đầu với hội Tam Điểm và những người theo chủ nghĩa tự do, vốn đang đe dọa hủy diệt giáo hội Công giáo, đặc biệt là ở Âu châu.

Cuối thế kỷ XVIII, giám mục John Carroll, một cựu tu sĩ dòng Tên đã thành lập Đại học Georgetown ở Washington, DC. Nên sau khi dòng Tên được phục hồi vào đầu thế kỷ XIX, Georgetown trở thành một trong những trường đại học đầu tiên trở lại dưới tầm ảnh hưởng của dòng.

Ở Nga, các tu sĩ dòng Tên bước ra khỏi nơi trú ẩn để tái hợp lại với dòng. Họ phải đối diện với một vài khó khăn lớn, bao gồm việc thống nhất nước Ý vào năm 1870, và việc biến mất các lãnh địa Giáo hoàng. Tổng quyền dòng Tên trốn khỏi Roma khi bị chính quyền mới của Ý gây áp lực, và Tòa thánh cũng tuyên bố mình là tù nhân của chính quyền này. Từ Fiesole, Ý quốc, Tổng quyền Lufs Martin tiếp tục dẫn dắt Dòng.

Trong suốt những năm đầu thế kỷ XX, tổng quyền của dòng là cha Franz Xaver Wenz, người Đức, và tổng số tu sĩ dòng Tên là khoảng mười lăm ngàn người. Cha Wlodimir Ledochowski, người Ba Lan, tổng quyền dòng trong Thế chiến I, đã tái tổ chức và đổi mới dòng. Dòng Tên đã chịu những biến cố lớn khi nền Cộng hòa thứ hai của Tây Ban Nha giải tán dòng ở nước này năm 1932, và rồi còn nhiều khó khăn suốt Thế chiến II nữa.

Một thay đổi trong Thần học và Giảng dạy của Dòng Tên

Sau chiến tranh, cha Jean-Baptiste Janssens, người Bỉ, nhận chức tổng quyền. Cùng với các thần học gia khác trong dòng, bao gồm Jean Danielou, và Henry de Lubac, cộng với tu sĩ dòng Đa Minh Yves Congar, cha Janssens đã phát triển một trường phái suy tư mới ở Pháp gọi làTân Thần học (Nouvelle Theologie). Từ đó, các tu sĩ dòng Tên biến đổi từ thành lũy bảo vệ cho tính chính thống của Công giáo trở thành đội quân tiên phong tiến bộ của giáo hội.

Giáo hoàng Piô XII và Giáo triều Roma xem xét Tân Thần học của dòng Tên với thái độ hoài nghi, như thể đó là một mối đe dọa đến sự hiệp nhất và chính thống của giáo hội Công giáo. Năm 1950, trong Tông huấn Humani generis, giáo hoàng lên án nhiều nguyên tắc của dòng. Từ thâp niên 1950 trở đi, sự tự do hóa của Dòng Tên gây quan ngại nhiều cho Tòa Thánh.

Một mặt, nhà khảo cổ học dòng Tên là Pierre Teilhard de Chardin, đã lên tiếng bảo vệ các thuyết về tiến hóa. Mặt khác, thần học gia dòng Tên là John Courtney Murray cũng đứng ra bảo vệ tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn. Vatican phản ứng chống lại cả hai lập trường này, và tổng quyền dòng đã phải ra lệnh cho Teilhard từ bỏ giới hàn lâm và ký một văn bản rút lại những tuyên bố gây tranh cãi của mình. Trong thập niên 1960, việc trục xuất toàn bộ linh mục ra khỏi Cuba đã ảnh hưởng đến dòng Tên và các trường học của dòng ở đây.

Năm 1965, cha Arrupe được bầu làm tổng quyền, và ngài tiếp tục đi theo tâm điểm xã hội của những người đi trước. Lúc này, giáo hoàng Phanxicô tương lai của chúng ta vừa học xong, và bắt đầu cuộc đời linh mục và tu sĩ dòng Tên. Thánh Jose Maria Rubio và thánh Alberto Hurtado của dòng Tên đã đi đầu trong việc thay đổi trọng tâm sứ vụ của dòng. Họ trở nên những mẫu gương đẹp nhất cho sứ mạng mục vụ hướng đến “những người nhỏ bé nhất.” Những nỗ lực cứu giúp người nghèo và tầng lớp lao động được củng cố bằng việc thiết lập các công đoàn và việc sử dụng lời giảng như phương tiện thức tỉnh xã hội. Công đồng Vatican II và thắng lợi của một vài quan điểm hợp với dòng Tên, chẳng hạn như thuyết của Murray về tự do tôn giáo, một lần nữa lại đặt dòng vào vị trí trọng tâm trong công việc truyền giáo của giáo hội Công giáo. Một thần học gia dòng Tên khác là Karl Rahner, đã phát triển một thần học mục vụ, trong đó đánh giá cao giáo dân như là “những kitô hữu ẩn danh.”

Sau Công đồng Vatican II, giáo hội Công giáo chứng kiến một con số lớn chưa từng thấy các linh mục cởi áo từ nhiệm, nhiều người trong số họ quyết định phục vụ như những mục sư có gia đình hay làm các công việc thế tục khác. Các tu sĩ dòng Tên cũng trải qua một cuộc suy thoái lớn về số lượng khi có đến tám ngàn linh mục bỏ dòng.

Xử trảm Dòng Tên

Giáo hoàng Phaolô VI cố gắng bảo vệ dòng Tên, nhưng nhiều giáo phận lên tiếng chỉ trích. Giáo hoàng đã phải yêu cầu dòng Tên quy phục thẩm quyền giáo phận, một điều đi ngược lại với lời khấn thứ tư và là cốt lõi của dòng. Tân giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lợi dụng cơn bệnh của tổng quyền dòng lúc đó là cha Arrupe, để nắm quyền dòng Tên và ngăn chận thần học giải phóng đang lan tràn nhanh chóng trong dòng. Với một mức độ can thiệp quá lớn, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ định một đại diện của giáo hoàng và một người được ủy quyền điều hành dòng Tên, bỏ qua cả cơ chế bầu tân tổng quyền. Dòng Tên chấp nhận quyết định của giáo hoàng, dù nhiều người trong dòng xem quyết định này là bất thường.

Năm 1983, Tổng Công hội Dòng được triệu tập và bầu cha Peter Hans Kolvenbach, người Hà Lan làm tổng quyền thứ hai mươi chín của dòng Tên. Kolvenbach đã thay đổi định hướng của Dòng, giới hạn tầm ảnh hưởng về mục vụ giáo dục và chú trọng nhiều hơn đến người tị nạn và người nhập cư.

Trong thập niên 1980 và 1990, một vài tu sĩ dòng Tên đã bị sát hại vì bảo vệ người nghèo tại nhiều quốc gia châu Mỹ La tinh, trong đó có cha James F. Carney ở Honduras năm 1983, cha Ignacio Ellacuría và năm cha khác nữa ở El Salvador. Những vụ sát hại các linh mục dòng Tên cũng xảy ra ở Phi châu, Ấn Độ, và Đông Nam Á.

Áp lực từ Tòa thánh, đặc biệt là từ những giáo hoàng thiên về tinh thần bảo thủ như Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã tác động lớn đến dòng Tên trong những năm gần đây. Vatican đã buộc Thomas Reese, biên tập viên thuộc dòng tên của tuần báo Công giáo America phải từ chức. Năm 2007, Tòa Thánh cũng lên án tác phẩm của Jon Sobrino, thần học gia dòng Tên người Tây Ban Nha ở El Salvador. Trong hai triều đại giáo hoàng gần đây nhất, Tòa thánh Roma đã có xu hướng thiên nhiều hơn về các dòng có tính bảo thủ, như dòng Biển Đức, và dòng Đạo binh Chúa Kitô. Vào đầu thế kỷ XXI, dòng Tên tiếp tục giảm về số lượng, chỉ còn hai mươi ngàn, đa số hoạt động tại châu Mỹ La tinh, Phi châu và Ấn Độ.

Một tu sĩ Dòng Tên có trở thành giáo hoàng được không?

Vậy việc bầu một linh mục gốc dòng Tên làm giáo hoàng tác động đến giáo hội Công giáo như thế nào? Liệu đó có phải ngầm ý sự chuyển sang cánh tả của Giáo triều Roma hay không? Thông thường thì một tu sĩ dòng Tên có được nhận trọng trách giáo hội quan trọng như thế hay không? Một vài người đã lên tiếng chất vấn, trong số đó, có cả các tu sĩ dòng Tên. Theo bộ luật Dòng Tên, tất cả những ai được phong giám mục đều không còn nằm trong quyền hạn của Dòng.

Inaxio Arregi, linh mục dòng Tên và là cựu biên tập viên tin tức của Đài Vatican, đã phát biểu rằng khi vị giáo hoàng đương nhiệm chấp nhận chức vụ giám mục, ngài đã không còn thuộc về dòng Tên nữa.

Tôi không nghĩ là bây giờ hay trong tương lai, Bergoglio đang hay sẽ phụ thuộc vào dòng Tên. Bạn phải nhớ rằng khi một tu sĩ dòng Tên làm giám mục, thì người đó không còn dưới quyền các giám quản trong dòng và họ sẽ trả lời trực tiếp với hàng giáo phẩm của Giáo hội Toàn cầu.8

Các tu sĩ dòng Tên khác dường như rất hài lòng với việc bầu tân giáo hoàng này. Linh mục dòng Tên James Martin, tác giả quyển sách Hướng dẫn của tu sĩ dòng Tên đến (gần như) Tất cả mọi sự, đã viết một bài trên Mạng Truyền hình cáp (CẦN) về khả năng rất thấp cho một tu sĩ dòng Tên có thể trở thành giáo hoàng.

Trước hết, hầu hết các hồng y đều xuất thân là linh mục giáo phận. Như thế có nghĩa là hầu hết đều được học trong chủng viện giáo phận và được đào tạo trong những hệ thống giáo xứ Công giáo, cụ thể là cử hành Thánh lễ, rửa tội trẻ em, chủ tọa hôn lễ, và làm việc gần gũi với các gia đình trong giáo xứ. Phần đông mọi người có lẽ dễ hiểu được cuộc sống của họ hơn. Họ bắt đầu là những linh mục coi xứ, rồi đượcgiáo hoàng phong giám mục, tổng giám mục, và kế đến là hồng y.9

Còn các tu sĩ dòng Tên là một dòng nhỏ bên trong giáo hội Công giáo, và đơn giản theo thống kê, thì rất hiếm có được một giáo hoàng xuất thân từ một dòng tu. Nhưng lý do thứ hai mà James Martin trình bày về việc tấn phong đầy bất ngờ chức giáo hoàng cho một tu sĩ dòng Tên, thì còn thuyết phục hơn nữa:

Cũng thế, các tu sĩ dòng Tên đôi khi cũng có chút ngờ vực Vatican. Có nhiều lý do cho việc này, và trong đó có nhiều lý do rất phức tạp. Thứ nhất, như tôi đã nói trước, đó là vì “sự khác biệt” của chúng tôi. Thứ hai, công việc chúng tôi làm với người nghèo và người bên lề xã hội đôi khi đánh động một số người, khiến họ thấy chúng quá thực nghiệm, cấp tiến, và thậm chí là nguy hiểm. Một tu sĩ dòng Tên cao niên đã nói, 'Khi bạn làm việc nơi lằn ranh, đôi khi bạn phải bước qua biên giới.10

Có lẽ vấn đề quan trọng nhất trên tất cả là, làm sao mà Jorge Mario Bergoglio lại trở thành một ứng viên hàng đầu cho cương vị Giáo hoàng?

Các chú thích:

1. Ignatius Loyola, Tiểu sử thánh I-Nhã, J. EX. O'Conor, SJ (New York: Benziger Brothers, 1900)

2. Tiểu sử thánh I-Nhã,
http://www.jesuitas.es /index.php?option=com_content&view=article&id= 168.

3. Robert Rouquette, Thánh I-Nhã và nguồn gốc của Dòng Tên. Saint Ignace de Loyola et les origines des Jésuites (Paris: Albin Michel, 1944).

4. René Fulop-Miller, Quyền lực và Bí mật của Dòng Tên, Power and Secret of the Jesuits (1930; repr. Kessinger, 1997).

5. John Adams to Thomas Jefferson, May 5, 1816; trích trong Fulop-Miller, Power and Secret of the Jesuits.

6. Charles Paschal Telesphore Chiniquy, Fifty Years in the Church of Rome (New York: Fleming H. Revell, 1886).

7. Trích từ Paul Hoensbroech, Fourteen Years a Jesuit: A Record of Personal Experience and a Criticism, vol. 2 (New York: Cassell, 1911).

8.15-03-2013,
http://www.deia.com/2013/03/15/mundo/dejo-de-ser -jesuita-cuando-fue-obispo.

9. James Martin, 14-03-2013,
http://religion.blogs.cnn .com/2013/03/ 14/my-take-what-it-means-for-one-of-my -brothers-to-become-pope.

10. Như trên.