Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN I

MÙA XUÂN ĐÓ ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA TÔI

Chương 1 : Ngôn ngữ từ ký ức của ngài

Một gia đình nhập cư người Ý

Khi tôi được mười ba tháng, mẹ tôi sinh em trai thứ hai, nhà tôi có năm anh em tất cả. Ông bà tôi sống gần đó, và để giúp mẹ tôi, bà tôi đến đón tôi vào buổi sáng, đưa đến nhà bà, và đưa tôi về lại vào buổi chiều. Ông bà nói tiếng Piedmont với nhau, và tôi học theo. Cả hai ông bà đều yêu thương tất cả anh em tôi, tất nhiên là thế, nhưng tôi có một đặc ân riêng, là được đi vào ngôn ngữ ký ức của họ.1

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenCâu chuyện bắt đầu vào năm 1934 trong nhà nguyện dòng Don Bosco ở San Antonio, vùng phụ cận Almargo, Buenos Aires. Một thanh niên gốc Ý tên Mario Jose Bergoglio và một thiếu nữ tên Regina Maria Sivori cùng gốc Ý, đã âm thầm trao nhau những cái nhìn ẩn ý trong lúc linh mục đang cử hành thánh lễ. Như có một cái gì đã biết trước, một năm sau hai người kết hôn và bắt đầu một cuộc sống gia đình có năm con, mà người con cả sẽ trở thành giáo hoàng Phanxicô tương lai.

Mario Jose Bergoglio xuất thân từ một gia đình khá giả ở Piedmont, nước Ý. Thân phụ ông có hiệu bánh kẹo ở Portacomaro miền bắc nước Ý. Thời đó, Âu châu đang cố hàn gắn vết thương từ Thế chiến I, và cuộc khủng hoảng tàn phá nền kinh tế vẫn đang hoành hành khắp thế giới.

Đến cuối năm 1928, vào một buổi sáng oi bức tháng giêng năm 1929, nhà Bergoglio lên tàu Giulio Cesare để đặt chân lên cảng Buenos Aires. Ông của Jorge Mario nuôi hy vọng hùn hợp làm ăn với ba anh em của ông đã kinh doanh ngành lát đường ở Parana từ năm 1922.

Bước đầu lập nghiệp ở Argentina không thể nào hứa hẹn hơn. Gia đình đến cư ngụ ở tòa nhà Bergoglio. Tòa nhà có bốn tầng lầu, tòa nhà có thang máy duy nhất trong thành phố. Gia đình mới nhập cư này ở một tầng và bắt tay vào việc kinh doanh của gia đình.

Cuộc khủng hoảng năm 1929 dần dần ảnh hưởng đến nước Argentina đang thịnh vượng, năm 1932 gia đình Bergoglio đã phải bán đi ngôi nhà của mình. Trong các anh em có người đã lên đường đi Brazil để tìm vận may, người khác chết vì ung thư, và trong khi ông nội của Jorge Mario đang cố duy trì gia sản, thì cha của ngài phải đi kiếm việc ở một nơi khác. Cuối cùng, ông kiếm được chân làm kế toán cho một công ty.

Cuộc sống yên bình

Jorge Mario Bergoglio không sống qua những năm khủng hoảng đó, nhưng một bóng ma mới bắt đầu xuất hiện trên thế giới: Chủ nghĩa Quốc xã. Bergoglio sinh năm 1936, khi thế giới dường như đang dần hồi phục sau cuộc Đại Khủng Hoảng.

Gia đình Jorge Mario sống giản dị và không bao giờ gặp khó khăn lớn. Bà của ngài, người ngài thường nhớ với một tấm lòng yêu thương, đã trao truyền tinh thần gia đình của vùng Piedmont cho cháu, giúp đứa trẻ nhập cư này giữ cội rễ Ý. Cha ngài đưa đoàn con đến xem ông chơi bóng chày ở câu lạc bộ San Lorenzo. Cả cha mẹ đều chơi bài với năm người con, mẹ ngài nuôi dưỡng sở thích nhạc opera cho các con. Vào các chiều thứ bảy, họ cùng nhau nghe opera, và khi bà Regina thả hồn vào âm nhạc thì các con say sưa ngắm nhìn mẹ mình.

Cha của Jorge Mario còn biết nấu ăn. Do hệ quả sau khi sinh đứa con thứ năm, bà Regina bị liệt một phần, nên ông Mario Jose phải nấu ăn. Khi người vợ chỉ cho ông cách nấu các món Ý thơm ngon, thì đàn con để ý đến công thức nấu, và cuối cùng ai cũng học nấu được vài món. Jorge Mario còn là bếp trưởng khi ngài ở trường Maximo tại San Miguel, mỗi ngày chúa nhật ngài đều nấu cho các sinh viên ăn.

Dù gia đình Bergoglio có cuộc sống khá thoải mái và không chật vật gì về kinh tế, nhưng Mario Jose nghĩ tốt nhất vẫn nên để cho người con cả học cho biết giá trị của hy sinh và lao động. Khi Jorge Mario học xong cấp hai, người cha khuyến khích con đi tìm việc. Đức giáo hoàng Phanxicô nhớ lại, người cha đã nói: “Vì con đã lên cấp ba, con nên đi tìm việc. Cha sẽ tìm cho con một việc gì đó để làm trong thời gian nghỉ.”2

Gợi ý này đã gây ngạc nhiên. Vì gia đình ngài tuy không có những thứ xa xỉ như xe hơi và những chuyến nghỉ hè thoải mái, nhưng còn lâu mới cần làm thêm để kiếm tiền. Jorge Mario đã đi lau chùi mấy năm nơi văn phòng kế toán của cha, và trong suốt năm trung học thứ ba, ngài được nhận vào làm việc văn phòng. Đến năm trung học thứ tư, ngài phải xoay xở thì giờ để vừa đi học vừa đi làm ở phòng thí nghiệm. Chàng sinh viên trẻ này ở văn phòng từ bảy giờ sáng đến một giờ trưa, rồi vội vã đến trường, vừa chạy vừa ăn, và chỉ về đến nhà sau tám giờ tối khi xong lớp học.

Kinh nghiệm này làm cho chàng thanh niên trẻ trở nên cứng cỏi và khi  là hồng y, nghĩ lại về những gì mình đã học được trong suốt những năm tháng đó, ngài nói: “Tôi vô cùng biết ơn vì cha tôi đã bắt tôi làm việc. Làm việc là một trong những điều đã tôi luyện tôi trong đời. Đặc biệt trong phòng thí nghiệm, tôi học được cái tốt và cái xấu trong nỗ lực của con người.”3

Chàng trai trẻ Argentina này đã học được giá trị của làm việc, và nguyên tắc đạo đức về công việc của cậu đã làm cho cậu trở thành một người làm việc không biết mệt mỏi. Về giá trị của làm việc, Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh:

Không phải di sản văn hóa, không phải sự dạy bảo gia đình, không phải giáo dục đã cho tôi phẩm giá. Mà chỉ có một điều, là làm việc.Chúng ta ăn những gì mình kiếm được, chúng ta nuôi sống gia đình mình bằng những gì kiếm được. Vấn đề không phải là kiếm được nhiều hay ít. Nếu nhiều, thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta có lẽ có được của cải sung túc, nhưng, nếu không làm việc, thì phẩm giá con người sẽ vỡ vụn ra mà thôi.4

Các bạn cùng học ở Buenos Aires gần Flores nhớ lại thời niên thiếu của ngài. Amalia, một trong các bạn thời thơ ấu, và có lẽ là người bạn gái đầu tiên của ngài khi họ được mười hai hay mười ba tuổi, đã kể cho một vài nhà báo nghe rằng, cậu Jorge Mario đã đến cầu hôn bà.5 Bà bảo rằng cậu nói là nếu không cưới được bà, cậu sẽ đi tu làm linh mục.

Susana Burel, một trong những hàng xóm đã kể cho Hãng Tin EFE rằng Jorge Mario “ham học và có óc hiếu kỳ. Ngài được nuôi dạy trong một gia đình tốt, và đó là vấn đề then chốt, gia đình rất quan trọng.”6

Ngài là học sinh gương mẫu của trường trung học công lập Antonio Cervino thuộc giáo xứ Santa Francisca Javier Cabrini. Khi được bổ nhiệm làm cha sở vùng phụ cận Flores, Jorge Mario đã dâng thánh lễ đầu tay ở đây.

Giống như đa số thanh thiếu niên ở Buenos Aires vào thập niên 1950, cuộc sống đầu đời của Bergoglio tương đối yên bình và đơn giản. Thế giới dần dần hàn gắn được các vết thương sau Thế Chiến II, nhưng Chiến Tranh Lạnh lại đang bừng chớm. Thời đó, nhờ chiến tranh, Juan Domingo Peron cai trị một nước Argentina thịnh vượng, phục hồi được nền công nghiệp và thương mại của mình. Thành phố Buenos Aires phát triển lớn chưa từng có, và ngày càng đẹp đẽ hơn, vang danh là “Đại” Buenos Aires. Trong bối cảnh này, một thanh niên đang ưu tư, quả tim giằng xé giữa một thiếu nữ và ơn gọi linh mục. Như một hành động vô thức, chàng thanh niên đã có một quyết định sẽ thay đổi dự định tương lai của mình và đặt chàng vào một con đường tạo nên lịch sử.

Các chú thích:

1. Tôi tin tưởng ở con người: El jesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010).

2. Như trên.

3. Như trên.

4. Như trên.

5. Alida Juliani Sánchez, Bản tin El Nuevo Herald, EFE News Agency, 14-03-2013,
http://www.elnuevoherald.com/2013/03/14/1431312/vecinos-de-la-infancia-del-papa.html.

6. Như trên.