Công Giáo Khắp Nơi

Cô Grishma Desai là tín đồ Ấn giáo.

Cô chào đời năm 1982 tại Surat trong bang Gurajat miền Tây Ấn Độ.

Thời sinh viên, cô dọn luận án tiến sĩ về kỹ thuật y khoa tại đại học Hull ở miền Nam Anh Quốc.

Năm 2004, cô được dịp may nghe Cha Patrick Bluett – Linh Mục hoạt động mục vụ nơi thành phố Hull – nói về Ngân Quỹ Tưởng Niệm Alistair Roberts. Ngân Quỹ được thành lập do gia đình của thanh niên Anh tên Alistair Charles Roberts (1983-2001). Chàng chết thảm thương trong tai nạn xe hơi năm 2001 lúc tuổi đời vừa tròn 18.

Ngân Quỹ có mục đích tài trợ cho 10 bạn trẻ Anh – hàng năm vào dịp hè – đi làm công tác thiện nguyện phục vụ bệnh nhân tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ-Đức bên Pháp. Chính Alistair Charles Roberts từng đi Lộ-Đức 2 lần với tư cách y tá thiện nguyện. Chàng dự tính trở lại Lộ-Đức lần thứ ba thì bị tử nạn.

Niềm hy vọng đặt chân đến Kinh Thành Thánh Mẫu Lộ-Đức được Grishma Desai – tín đồ Ấn giáo – ấp ủ trong lòng sau khi cô xem xong cuốn băng Video trình bày về Đền Thánh Đức Mẹ Lộ-Đức (Cha Patrick Bluett cho mượn).

Tuy nhiên vì là sinh viên Ấn nghèo du học nước ngoài, cô thầm nghĩ không thể nào thực hiện nguyện ước. Do đó, cô ghi tên vào Quỹ Tưởng Niệm Alistair Roberts với hy vọng chiếm 1 trong 10 chỗ thiện nguyện do Quỹ tài trợ vé máy bay. Và cô được như lòng mong muốn.

Tháng 7 năm 2004, cô Grishma Desai lên đường đến Lộ-Đức cùng với đoàn hành hương các tín hữu Công Giáo thành phố Ampleforth.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ-Đức, cô được giao công tác phục vụ một cụ bà bị tàn tật nặng. Cô có bổn phận giúp bà cụ trong các dịch vụ vệ sinh.

Nhớ lại những khó khăn ban đầu ấy, cô Grishma kể.

Trước khi đến Lộ Đức, tôi chưa có kinh nghiệm giúp đỡ các vị cao niên tàn tật. Tôi thật sự lo lắng và hoàn toàn lúng túng vì không biết xử sự như thế nào. Cuối cùng, tôi nhờ một nữ y tá chỉ dẫn cách thức chăm sóc bà cụ. Sau đó, tôi có nhiệm vụ đưa các bệnh nhân hành hương ra viếng Hang Đá và tắm suối Đức Mẹ Lộ-Đức.

Đối với tôi, lần đến Hang Đá đầu tiên ấy thật tuyệt vời và là kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong tâm trí. Đặc biệt, việc các bệnh nhân tắm Nước Đức Mẹ – đối với tôi – thật là một phép rửa bằng lửa!

Những ngày tiếp theo, tuy có nhiều mệt nhọc, nhưng tôi cảm thấy thật thoải mái.

Càng quen với công việc, tôi càng cảm thấy vui tươi. Tôi như tìm thấy niềm hứng khởi và tràn đầy sinh lực để phục vụ các bệnh nhân.

Chúng tôi tạo mối liên hệ thân tình giữa các nhân viên thiện nguyện và các bệnh nhân hoặc người tàn tật. Tôi như bơi lội trong bầu không khí yêu thương chân thành, đơn sơ nhưng đậm đà, không vụ hình thức cũng không giả dối.

Ngoài các giờ phục vụ, khi được rãnh rỗi, tôi đi ngay vào Đền Thánh Đức Mẹ. Tôi lặng lẽ ngồi yên trong nguyện đường. Tôi cầu nguyện và thân thưa cùng THIÊN CHÚA.

Lộ-Đức ghi đậm nơi tôi một hình ảnh khó xóa mờ.

Hang Đá Lộ-Đức, vào ban đêm, trông thật linh thiêng.

Khi ánh sáng mặt trời tắt hẳn thì chỉ còn lại ánh sáng lung linh của các ngọn nến và tượng Đức Mẹ Lộ-Đức được một đèn điện chiếu sáng.

Tượng Đức Mẹ MARIA nổi bật trong bóng đêm như một sự hiện diện vừa nhân hậu vừa từ ái.

Cuộc hành hương đầu tiên năm 2004 do Ngân Qyỹ Alistair Roberts tài trợ cho 10 bạn trẻ thiện nguyện từ Anh Quốc đi Lộ-Đức, kết thúc tốt đẹp.

Hiền mẫu của chàng trai quá cố Alistair Roberts là bà Jane cũng có mặt trong chuyến hành hương ấy. Bà nhận xét về cô Grishma Desai:

- “Cô là tín đồ Ấn-giáo thật trang trọng. Cô minh chứng cho thấy: các bạn trẻ, dù thuộc tôn giáo nào, quốc gia nào và đến từ đâu đi nữa, vẫn được Ngân Qyỹ Alistair Roberts hết lòng giúp đỡ. Từ cái chết thảm thương của quí tử chúng tôi, quả đã mang lại những hoa trái tốt đẹp. Nước mắt chúng tôi phần nào được lau khô nhờ các công tác thiện nguyện của các bạn trẻ. Ôi, người trẻ hăng say, dễ yêu, dễ mến, thật thân thương biết là chừng nào!

… ”Lời miệng con người là nước sâu thăm thẳm, là dòng suối tràn trề, là nguồn mạch khôn ngoan… Danh THIÊN CHÚA là tháp canh kiên vững, chính nhân chạy đến là được an toàn… Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang… Người đau yếu được tinh thần nâng đỡ, nhưng tinh thần suy sụp thì lấy ai vực lên? Con người phải chịu hậu quả lời mình nói và được hưởng những gì môi miệng họ thốt ra. Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ nhận lãnh hậu quả… Tuân giữ lệnh truyền là giữ được mạng sống, khinh thường đường lối THIÊN CHÚA ắt phải mạng vong. Thương xót kẻ khó nghèo là cho THIÊN CHÚA vay mượn. Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm… Lòng kính sợ THIÊN CHÚA đem lại sự sống, cho người ta ăn no ngủ kỹ, thoát khỏi mọi tai ương” (Sách Châm Ngôn 19,4-23).

(”LOURDES magazine”, n.2 (133), Marzo-Aprile/2005, trang 37)