Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 1 : Về con người
1.3 Giám Mục và Hồng Y

Hỏi:  Năm 1977 ngài được đức Phao-lô VI tuyển-chọn làm giám-mục tổng giáo-phận München và Freising như là một “bậc thầy có tiếng của nền thần-học”. Ít lâu sau được tước hồng-y. Sứ-mạng giao-phó cho ngài lúc đó là “Hãy làm việc trong cánh đồng Thiên-chúa”. Cái gì đã đánh-động ngài khi trở thành Giám-mục München?

Dĩ-nhiên khởi đầu tôi băn-khoăn không biết mình có nên và có được phép nhận hay không. Tôi không có kinh-nghiệm mục-vụ bao nhiêu. Ngay từ đầu tôi vẫn tin là mình có ơn-gọi dạy học và tin là thời-điểm đó – lúc đó tôi 50 tuổi – là lúc tôi đã nhận ra được cái nhìn thần-học của riêng mình và nghĩ rằng mình sẽ hoàn-thành được một công-trình khả-dĩ đóng-góp vào nền thần-học chung. Tôi cũng biết tôi thiếu sức khoẻ và rằng nhiệm-vụ kia sẽ đòi-hỏi rất nhiều dẻo-dai thể-xác.

Sau khi được cố-vấn, tôi tự nhủ trong hoàn-cảnh quá đặc-biệt này, như ngày nay chúng ta đã thấy, tôi phải chấp-nhận cả cái đề-nghị xem ra ngay từ đầu không hợp với đường-hướng cuộc đời mình. Trong thời-đại hôm nay vấn-đề của Giáo-hội gắn chặt với vấn-đề của thần-học. Với hoàn-cảnh đó thì các nhà thần-học cũng phải sẵn-sàng gánh trách-vụ giám-mục. Vì vậy tôi đã nhận sự đề-cử với ý-huớng – như qua khẩu-hiệu giám-mục của tôi – làm một “Cộng-tác viên của chân-lí”. “Cộng-tác viên” ở đây tôi muốn nói đến số nhiều. Nghĩa là muốn đóng-góp đặc-sủng mình, nếu tôi được phép nói như thế, cùng chung với nhiều người cộng-tác khác, và đóng-góp khả-năng cũng như hiểu-biết thần-học của mình vào nỗ-lực lái con thuyền Giáo-hội đi đúng hướng và làm sao để di-sản Công-đồng được khai-thác đúng.

Hỏi:  Điều nổi bật là thái-độ của ngài đối với tình-trạng luân-lí đương thời sau khi bước lên ghế giám-mục. Ngài thường nói tới chuyện phá-hủy truyền-thống và tính chính-thực. Ngài đả-kích một số lực li-tâm đang gây ra tình-trạng hỗn-loạn. Hồi đó có lẽ không ai lên tiếng phê-bình thời-đại triệt-để và gay-gắt như ngài. Ngài cảnh-giác về nạn của-cải và hưởng-thụ đang bóp nghẹt con tim hoặc nói về cái cười nhạo của quỷ ma đang xuất-hiện đàng sau bao nhiêu biểu-hiện của thời-đại. Cái gì khiến ngài hành-xử như vậy? Ngài có tiên cảm nào về tương-lai không? Tại sao lại phê-bình xã-hội gay-gắt như thế?

Ngày nay người ta nói nhiều về vai-trò ngôn-sứ của Giáo-hội. Từ-ngữ đó đôi lúc bị lạm-dụng. Nhưng đúng là Giáo-hội không bao giờ được phép chạy theo thời. Giáo-hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời-đại; phải nhắc-nhở lương-tâm những kẻ có quyền, cả những người trí-thức, và cả những kẻ thờ-ơ hẹp-hòi trước những nỗi thống-khổ của thời-đại. Là giám-mục, tôi thấy có nhiệm-vụ phải làm chuyện đó. Lại nữa tình-trạng suy-đồi quá hiển-nhiên: Đức tin mệt-mỏi, ơn-gọi tu-trì sút-giảm, luân-lí đạo-đức xuống cấp ngay cả trong giới giáo-sĩ, tình-trạng bạo-lực càng ngày càng tăng v.v. Lời Chúa trong Kinh thánh và những lời của các giáo-phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng-nề những mục-tử nào làm chó câm để tránh bị phiền-toái và vì thế để cho nọc độc lan-tràn. Im-lặng không phải là bổn-phận hàng đầu của người công-dân và riêng tôi, tôi kinh-sợ cảnh một giám-mục chỉ biết an-phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền-phức và lấp-liếm xung-đột.

Hỏi:  Thời-gian giám-mục của ngài ở München đã không thiếu xung-đột, nhưng dù vậy ngài cũng đã được người ta kính-nể như là một người đề cao truyền-thống, vì ngài đã chứng-tỏ mình là “người nắm vững nhất những kiến-thức của truyền-thống giáo-huấn”. Thời đó nhật báo “Süddeutsche Zeitung” viết, ngài là người có khả-năng đối-thoại nhất trong số những người bảo-thủ trong Giáo-hội. Nhưng nhận-định trên thay-đổi nhanh-chóng, trễ nhất là kể từ ngày ngài được gọi về Rôma coi Thánh-bộ đức tin vào năm 1981. Hôm lễ chia tay ngài cũng đã tiên-báo “Không phải mọi tin-tức từ Rôma đến đều dễ nghe”.

Tới nay tôi vẫn mừng là khi còn ở München tôi đã không né-tránh xung-đột, vì như đã nói, nín thở qua sông, theo tôi, là lối lãnh-đạo tồi nhất. Ngay từ đầu tôi biết ở Rôma tôi sẽ phải làm những công-tác chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã không ngừng tìm đối-thoại và nỗ-lực đó đã mang lại rất nhiều thành-công. Giờ đây chúng tôi đã có được những mô-hình đối-thoại thường-xuyên với các hội-đồng giám-mục và các bề-trên của các hội-dòng lớn. Những đối-thoại đó đã giải-quyết được thật nhiều vấn-đề mà thoạt đầu tưởng như những khối đá chắn đường. Nhất là đã có rất nhiều trao-đổi chân-tình với các giám-mục trên thế-giới, tôi nghĩ những gặp-gỡ đó đã làm cho cả hai phía hài lòng.

Hỏi:  Ngài có cảm-thấy mình thích-hợp hoặc thậm chí được tiền-định cho vai-trò này?

Nói vậy là quá đáng. Trước đó hai hay ba năm tôi chẳng nghĩ gì tới chuyện đó. Tôi hoàn-toàn xa-lạ, chẳng có liên-hệ gì với thế-giới giáo-triều Rôma. Chỉ qua Công-đồng tôi mới học biết nó đôi chút, nhưng cũng như cỡi ngựa xem hoa thế thôi, và dĩ-nhiên là chẳng tiền-định tí nào.

Hỏi:  Ngài đã biết trước rằng Giáo-chủ người Ba-lan, mà ngài đã quen khá lâu trước đó, sẽ gọi ngài sang Rôma?

Không. Tôi làm quen với ngài trong dịp họp thượng hội-đồng năm 1977. Nhưng chỉ quen thực sự qua cuộc họp mật-viện năm 1978, nghĩa là cũng mới quen thôi. Chúng tôi thông-hiểu nhau một cách tự-nhiên. Nhưng ngài có nghĩ tới tôi không thì thực tình tôi không biết.

Hỏi:  Đó là một quyết-định hoàn-toàn cá-nhân của Gio-an Phao-lô II?

Tôi nghĩ như vậy, tôi không bao giờ hỏi ngài về chuyện đó. Cũng có thể ngài đã được cố-vấn về chuyện này. Tôi nghĩ đó là một quyết-định của cá-nhân ngài.

Hỏi:  Ngài là một người Đức, điều đó có lợi hay bất lợi?

Người ta vẫn nghĩ người Đức là người thế nào rồi. Cũng vì vậy mà người ta hay đổ những quyết-định không mấy dễ nghe cho tính cứng đầu của người Đức. Nguyên-tắc một cách quá-khích và thiếu linh-động được xem là những nét cá-biệt của người Đức. Khi người ta chế ra chữ “Hồng-y thiết-giáp” để gọi tôi thì hình-ảnh đó cũng được liên-tưởng với đặc-tính Đức. Mặt khác, chưa bao giờ có ai, ít là trước mặt tôi, tỏ ra thù-hận hoặc quá quan tâm tới vì tôi là người Đức. Mọi người đều hiểu rằng tôi không làm việc riêng cho mình, nhưng cho tập-thể và những việc tôi làm không mang tính-chất cá-nhân một người Đức, nhưng là trách-nhiệm phục-vụ và chức-vụ do giáo-triều đòi-hỏi.

Hỏi:  Cái gì làm ngài gắn-bó với Giáo-chủ từ Ba-lan? Đó là một thứ tình-cảm thân-thuộc tự bản-chất?

Tôi gắn-bó với ngài trước hết vì tính thẳng-thắn, cởi-mở và thân-tình toát ra từ ngài. Cả tính hài-hước và lòng đạo-đức thâm-sâu không giả-dối của ngài. Người ta có cảm-tưởng ngài là một người của Chúa thật. Một người không kiểu-cách, một người thật-sự thuộc về Chúa và trên hết một người có cái gì rất riêng-tư nhờ đã trải qua nhiều kinh-nghiệm trong cuộc sống và suy-tư. Gặp ngài, ai cũng cảm được là ngài đã phải đau-khổ và đã phải nhẫn-nại lắm với ơn-gọi của mình. Ngài đã trải qua thảm-kịch hết Đức tới Nga chiếm-đóng Ba-lan, rồi tới chế-độ cộng-sản ngự-trị trên đất-nước mình. Ngài đã tự hình thành cho mình một lối nghĩ, đã làm quen với nền triết-học Đức và đã đi sâu vào lịch-sử tư-tưởng Âu châu. Và ngài cũng đã nắm-bắt được những điểm chính của nền thần-học, những điểm vượt ra khỏi những con đường có sẵn. Sự phong-phú tinh-thần, niềm vui cả trong đối-thoại và giao-tiếp, tất-thảy những cái đó làm tôi có cảm-tình ngay với ngài.

Hỏi:  Cả hai được coi là những người rất trí-thức và nhậy-cảm, trẻ và thích tranh-biện. Một quan-sát viên đã viết, cả hai trên căn-bản là những “nhà cải-cách tinh-khôn và là những nhân-vật công-đồng, nhưng cái bi-quan của họ đã khiến họ nhìn thế-giới ngày nay như đang bên bờ thảm-họa toàn cầu”. Thời đó cả hai người có bàn với nhau kĩ về con đường và đích-điểm sẽ dẫn Giáo-hội đi tới không?

Không, hoàn-toàn không. Một lần Giáo-chủ nói với tôi là ngài có ý-định đưa tôi về Rôma. Tôi trình-bày cho ngài những lí-do không muốn của mình và ngài bảo chúng ta hãy cứ suy-nghĩ thêm. Sau vụ ám-sát hụt, chúng tôi lại nói chuyện với nhau, và ngài cho biết vẫn giữ nguyên ý-định ban đầu. Tôi đáp lại rằng tôi tha-thiết với thần-học và muốn giữ lại quyền viết và phổ-biến những quan-điểm riêng của mình, và tôi cho hay việc này có lẽ không thích-hợp với vai-trò được đề-nghị. Nhưng việc đó nhiều người khác trước tôi đã làm và ngài bảo điều đó chẳng phải là một cản-trở, chúng ta có thể song-hành làm chuyện đó được. Ngoài ra không có chuyện xếp-đặt trước với nhau một chương-trình nào.

Hỏi:  Bộ tín-lí không hẳn là một cơ-quan được yêu-chuộng nhất. Ai cũng biết rằng tiền-thân của định-chế này là Toà thẩm-tra thánh. Ngài có đường-hướng nào cho chức-vụ của mình?

Trước hết, tôi muốn thay lối quyết-định cá-nhân bằng lối làm việc tập-thể và nâng tầm quan-trọng của từng uỷ-ban lên. Tôi cũng muốn đối-thoại với thần-học và giữ mối thân-tình với các nhà thần-học, và với cả các giám-mục, bởi vì kẻ trực-tiếp làm việc với chúng tôi thực ra là các giám-mục. Chuyện đó thành-công như thế nào tôi không dám nói. Nhưng chúng tôi đã nỗ-lực rất nhiều để đẩy mạnh tiếp-xúc với các giám-mục. Chúng tôi đã đi khắp thế-giới để tiếp-xúc với các Uỷ-ban đức tin và các giám-mục tại đó và bây giờ lại bắt đầu vòng lại từ đầu. Chúng tôi đã tăng-cường những cuộc gặp-gỡ nhân những chuyến viếng giáo-đô của các giám-mục và cố-gắng mở rộng nhóm cố-vấn thần-học, nhất là mở rộng vai-trò của các Uỷ-ban thần-học và Uỷ-ban Kinh thánh hết sức có thể. Đó là những tiêu-điểm đã và đang theo-đuổi của tôi.

Hỏi:  Ngài cũng muốn tạo ảnh-hưởng?

Tôi hơi sợ làm điều đó, bởi vì khi ta muốn đặt ý riêng lên trên thì lúc đó mình cũng có thể dễ đưa quá nhiều cái riêng-tư vào chức-vụ. Nhưng điều cũng làm cho tôi hứng-khởi là được đóng-góp suy-tư và tiếp tay trong khả-năng mình trước hoàn-cảnh khó-khăn của Giáo-hội.

Hỏi:  Có bao giờ ngài cảm-thấy như đang nắm quyền-lực trong tay?

Có, nhưng rất ít. Bởi vì chúng tôi thật ra chẳng có quyền gì nhiều. Chúng tôi chỉ có thể kêu-gọi các giám-mục và tới lượt họ các giám-mục lại phải kêu-gọi các nhà thần-học hoặc các bề-trên hội-dòng. Hoặc là chúng tôi cố-gắng tạo cơ-hội trao-đổi. Dĩ-nhiên cũng có những biện-pháp kỉ-luật, mà chúng tôi cố-gắng tối-đa tránh dùng đến, chúng tôi thật ra không có quyền hành-pháp. Nhưng trong mọi trường-hợp cần có thiện-chí và đồng lòng của cả hai phía trong mục-đích phục-vụ Giáo-hội.

Hỏi:  Tôi muốn hỏi là ngài có cảm thấy mình có quyền không?

Có lẽ một cách khách-quan thì thế nào cũng có chút quyền trong đó, nhưng cá-nhân tôi không cảm-thấy mình có quyền gì thật lớn. Bởi vì thật ra cuối cùng cũng chẳng có vũ-khí nào khác hơn ngoài lí-lẽ và lời kêu-gọi vì đức tin. Chỉ khi hợp với đường-lối Giáo-hội và kẻ trong cuộc chấp-nhận thì việc làm của chúng tôi mới có ý-nghĩa. Tôi ít khi có cảm-giác mình là người quyền-thế.

Hỏi:  Trong bài giảng ngày chia tay giáo-phận để về Rôma, ngài ví mình là một kẻ hoài-nghi, than rằng đã gieo nhiều nhưng chẳng có gặt, và rồi tự hỏi: “Sứ-vụ này thật có cần-thiết không?”. Và tiếp: “Phải chăng ta cần một Giáo-hội hoàn-toàn khác và một chức-vụ hoàn-toàn khác. Và kẻ hoài-nghi cũng cảm thấy gánh nặng cô-đơn càng ngày càng khó thở, và cuộc sống độc-thân, cái mà mình thoạt tiên không muốn nhưng chấp-nhận vì một ơn-gọi khác, có còn ý-nghĩa gì không. Mình cảm thấy bị bóng tối bủa vây, và rốt cuộc muốn trở thành một con người bình-thường như những người khác, muốn chỉ còn là chính mình.” Khiến người nghe phải thắc-mắc, không biết con người yếu tin đó và ngài Hồng-y đang kể chuyện có phải là một không.

Thật tiếc tôi không còn nhớ gì về bài giảng đó. Dĩ-nhiên một người có đức tin phải nêu lên cho mình những câu hỏi đó. Trong giáo-trình “Nhập-môn Ki-tô giáo” tôi cũng viết đức tin không loại-trừ thắc-mắc. Khi không còn thắc-mắc, đức tin có thể sẽ dần khô héo. Đây không phải là những câu hỏi mơ-hồ, song là những điều bắt chính tôi phải trả lời. Có thể nói chúng đã được gài sẵn trong sự phó-thác nền-tảng của đức tin. Không thể gạt phăng những vấn-nạn đó ra khỏi sự phó-thác nền-tảng này, nhưng bằng cách nào đó có thể chấp-nhận chúng.