Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 2 : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo
2.2 Về Tình Trạng của Giáo Hội

Hỏi: Một Giáo-hội hoàn-vũ đương nhiên phải sống trong điều-kiện thiếu đồng-bộ về thời-gian. Văn-hoá, lịch-sử mỗi dân-tộc khác nhau một trời một vực. Ki-tô giáo không chỉ gồm có thế-giới tây phương phóng-khoáng, nặng óc phê-bình và mỏi-mệt với quyền-uy. Còn có những giáo-hội đông phương đang chịu tử-đạo, những giáo-hội có khuynh-hướng xã-hội, chính-trị tại Nam Mỹ. Thêm vào đó là những khuynh-hướng đối-chọi nhau trong suy-tư và đức tin. Ngày nay xem ra trong Giáo-hội sự khác-biệt dễ nhận thấy hơn những điểm tương-đồng. Như vậy còn có sự đồng-thuận trong Giáo-hội không?

Có. Tôi thấy có, khi ta hình-dung trước mắt bức tranh các giám-mục khắp năm châu. Dĩ-nhiên kiểu-cách thảo-luận, tính-khí và hoàn-cảnh những giáo-hội các ngài đại-diện rất khác nhau. Nhưng giáo-hội Công giáo vẫn có cái công giáo tính chung, thể-hiện như qua phụng-vụ, qua các hình-thức sùng đạo, qua những quyết-định luân-lí nền-tảng, qua những xác-tín đặc-biệt. Dù Giáo-hội mang nhiều bộ mặt khác nhau, nhưng căn-bản vẫn là một Giáo-hội, diễn-tả qua sự tuyên-xưng đức tin và trong thực-tế qua sự nối-kết với Rôma, có nghĩa là nối-kết vào một niềm tin chung. Rõ-ràng ở đây có nhiều thế-giới dị-biệt sống bên nhau, nhưng mặc cho những dị-biệt lớn-lao này, họ vẫn có sự thống-nhất chặt-chẽ, có thể cùng dâng lễ chung với nhau bất cứ lúc nào, cùng đối-thoại và hiểu nhau trên những ý-niệm và yếu-tố nền-tảng chung. Tôi tin rằng giáo-hội Công giáo có phần đóng-góp quan-trọng cho nhân loại qua việc nối-kết những thế-giới dị-biệt với nhau trong một đồng-thuận căn-bản và qua đó xây những

Hỏi: Đồng-thuận căn-bản nay chỉ còn là một đồng-thuận tối-thiểu hay sao?

Không, tôi không nghĩ như vậy. Sự đồng-thuận không có hình-thể trong suốt và nhất-thống như 50 năm trước đây hay vào thời nào khác tôi không rõ. Ngày nay nó mở ra như một cánh quạt với nhiều nền văn-hoá khác nhau. Nhưng nó vẫn là một thống-nhất chặt-chẽ. Nghĩa là tất-cả đều đọc một Kinh-thánh, đọc trong cùng một tinh-thần công giáo truyền-thừa, cùng tuyên-tín những điều trong kinh Tin-kính và cùng vâng-phục một giáo-huấn chung. Điều đó được thực-hiện cách khác nhau trong những hoàn-cảnh khác nhau, nhưng người ta vẫn cảm-nhận được một sự thống-nhất mà tôi như sờ thấy được qua sự gặp-gỡ các giám-mục hoặc các nhóm thanh thiếu-niên trên khắp thế-giới. Vượt trên mọi biên-cương, bản-chất nhất-thống của giáo-hội Công giáo là một cảm-nhận rất thực-tế.

Mặt khác, cũng phải lưu-ý rằng, dù trong hoàn-cảnh thiếu đồng-bộ và đa-tạp văn-hoá, thế-giới vẫn luôn có những trào-lưu tìm về nhất-thống và đồng dạng. Kĩ-thuật và truyền-thông cũng tạo không-khí nhất-thống trên thế-giới. Máy truyền hình ngày nay đã đi vào mọi hang cùng ngõ hẻm của dân nghèo, mang tới mọi người cùng một ý-thức-hệ nào đó, kĩ-thuật giờ đây không đâu là không có mặt. Thế-giới ngày nay có sự tranh-chấp giữa hai khuynh-hướng. Một đàng là áp-lực đồng dạng kéo mọi thứ lên trình-độ kĩ-thuật thế-giới đã đạt và vào ý-hệ của nó. Mặt khác, chống lại nó, là cuộc đấu-tranh căn-tính, trong đó các nền văn-hoá riêng càng ngày càng tìm cách chống lại áp-lực đồng-hoá để giữ lại cho mình bản-sắc và diện-mạo nguyên-thuỷ. Thế mới biết cái đồng dạng và tầm ảnh-hưởng của văn-hoá kĩ-thuật, dù đã len-lỏi vào khắp nơi, vẫn chưa đủ để mang lại sự nhất-thống cho nhân-loại, một sự nhất-thống thấm đến tận tầng nội-tại thẳm-sâu nơi con người. Nhìn từ đó mới thấy hoàn-cảnh phức-tạp và , trên một bình-diện nào đó, quan-trọng hơn của Giáo-hội.

Hỏi: Ngài có thể nói rõ hơn?

Những xác-tín và cách ứng-xử tạo sự liên-kết trong Giáo-hội bám rễ sâu hơn là những lối nói và phong-thái hành-động do truyền-thông áp-đặt trên chúng ta. Xử-dụng một máy điện-toán, lái xe, xây nhà cao tầng, làm việc trong một hệ-thống dây chuyền v.v. là những việc được thực-hiện cách giống nhau khắp nơi trên thế-giới. Nhưng liên-quan tới những công-việc này lại có nhiều lối sống hoàn-toàn khác-biệt nhau. Hành-động bề ngoài giống nhau, nhưng cái đó không có nghĩa những người cùng làm một việc giống nhau có thể hiểu nhau, kính trọng nhau và chung sống hoà-bình. Yếu-tố quyết-định ở đây là những xác-tín tôn-giáo và đạo-đức, là cả một lối đào-tạo lương-tâm. Và đấy là điểm Giáo-hội lưu-ý. Rõ-ràng việc đào-tạo nội-tâm con người, một chuyện ít thấy được từ bên ngoài, là việc khó-khăn hơn nhưng đồng thời hệ-trọng hơn để liên-kết con người và giữ-gìn nhân-phẩm. Đào-tạo lương-tâm chung với một niềm tin chung là một chuyện, nhưng những xác-tín chung đó phải được biểu-tả một cách cụ-thể ra bên ngoài, bởi nếu không, chúng sẽ chẳng hiệu-nghiệm. Bởi thế, những điểm chung trong phụng-vụ chẳng hạn cũng như trong toàn-thể đời sống Giáo-hội cần được cảm-nhận một cách cụ-thể, vượt ra bên ngoài những ranh-giới văn-hoá.

Hỏi: Có thể xác-định được trong Giáo-hội đâu là những trào-lưu chính, đâu là những phong-trào hay có thể nói là những bè-phái không?

Dĩ-nhiên là có những trào-lưu đây đó từ đông sang tây. Trước hết phải kể tư-tưởng căn-bản của thần-học giải-phóng. Nó có tiếng vọng khắp năm châu cho phép ta nhìn nó với con mắt tích-cực. Căn-bản tư-tưởng của thần-học này là Ki-tô giáo phải tác-động lên cuộc sống con người trần-thế. Nó phải giúp con người có được tự-do lương-tâm và cũng phải đề-cao các quyền xã-hội của con người. Nhưng khi thần-học này bị lái về một chiều thì nó có khuynh-hướng chung muốn biến đạo Ki-tô thành dụng-cụ của một cuộc cách-mạng chính-trị thế-giới. Từ khởi điểm này đã khai-sinh ra quan-điểm là tất-cả mọi tôn-giáo thật ra chỉ là dụng-cụ đấu-tranh cho tự-do, hoà-bình và bảo-tồn công-cuộc tạo-dựng. Như thế chúng phải chứng-tỏ lí-do tồn-tại qua thành-công và mục-tiêu chính-trị. Quan-điểm này tuy đổi-thay theo hoàn-cảnh chính-trị, nhưng nó lan-tràn khắp các châu lục. Nó hiện đang mạnh ở Á châu và cả ở Phi châu. Nó còn xâm-nhập cả vào thế-giới Hồi giáo. Ở đó cũng đã có những nỗ-lực diễn-dịch kinh Koran theo quan-điểm thần-học giải-phóng. Những nỗ-lực này dĩ-nhiên không đáng kể trong Hồi giáo, nhưng chúng có vai-trò quan-trọng trong các phong-trào khủng-bố hồi giáo. Đối với các nhóm này, Hồi giáo đương-nhiên là một phong-trào giải-phóng chống Do-thái chẳng hạn.

Gần đây, quan-điểm giải-phóng trên đã hoà-quyện với tư-tưởng giải-phóng phụ-nữ – nếu ta được phép coi tự-do là mẫu-số chung cho tinh-thần thời-đại mới và thế-kỉ chúng ta. Phụ-nữ lúc này được coi đúng là thành-phần bị áp-bức. Do vậy mà giải-phóng phụ-nữ đã trở thành hạt nhân của mọi hành-động giải-phóng. Thần-học giải-phóng từ địa-vực chính-trị, như thế, đã chuyển sang địa-vực nhân-chủng. Giải-phóng phụ-nữ ở đây không chỉ hạn-chế trong việc giải-phóng khỏi những ràng-buộc vai-trò phụ-nữ của họ, nhưng có cùng đích là giải-phóng họ ra khỏi những hạn-chế sinh-lí tự-nhiên. Ngày nay người ta tách-biệt hiện-tượng sinh-học của phái-tính[1] khỏi những hình-thức lịch-sử của nó. Song, người ta đã không ngừng lại ở cuộc cách-mạng chống lại phái-tính-lịch-sử, mà còn muốn phá luôn hàng rào sinh-lí nơi con người: Nghĩa là con người phải được tự-do vượt ra khỏi những hạn-chế sinh-lí của mình, phải được tuỳ-tiện thay-đổi hình-hài, phải được tự-do thoát khỏi mọi rào cản của bản-chất nó. Chẳng còn những ý-niệm như “bẩm-sinh”, “tự-nhiên” nữa. Ẩn-nấp sau suy-tư đó là cuộc cách-mạng của con người chống lại những giới-hạn sinh-học của mình. Kì cùng đây chính là cuộc nổi loạn chống lại tính-cách thụ-tạo của con người. Con người phải là hoá-công tạo ra chính mình. Đó là sự lặp lại trong thời-đại mới cái cám-dỗ thời xa-xưa: Con người muốn là thượng-đế cho mình, chính là thượng-đế.

Hiện-tượng thứ ba thấy được khắp nơi trên thế-giới là nỗ-lực đi tìm bản-sắc văn-hoá riêng trong một thế-giới càng ngày càng trở nên đồng dạng, thể-hiện qua ý-niệm “hội-nhập văn-hoá”. Ở châu Mỹ la-tinh, sau khi làn sóng mác-xít đã êm, đang nổi lên trào-lưu mạnh-mẽ đi tìm lại những nền văn-hoá đã mất. “Theologia india”[2] muốn đánh thức dậy các nền văn-hoá và tín-ngưỡng tiền Cô-lôm-bô và tự giải-phóng khỏi lối sống ngoại-lai do người Âu châu áp-đặt. Ở đây ta thấy những liên-hệ chòng-chéo với phong-trào đòi quyền phụ-nữ khá hi-hữu: Phong-tục thờ Mẹ Đất và nguyên-lí nữ-tính trong Thượng-đế được đặc-biệt đề-cao. Đây là điểm tăng-cường cho những khuynh-hướng đấu-tranh đòi quyền phụ-nữ tại Âu Mĩ. Phong-trào này không muốn giới-hạn vào những lí-lẽ nhân-chủng, nhưng cả tìm cách tạo một bộ mặt mới cho ý-niệm Thiên-chúa. Vì theo họ, chính xã-hội phụ-hệ đã phóng-chiếu phụ-quyền vào Chúa, nên họ cố đẩy sự đàn-áp phụ-nữ vào trong ý-niệm Chúa. Trong sự khôi-phục những tôn-giáo cũ này yếu-tố vũ-trụ (Mẹ Đất v.v..) cũng dính-dáng tới các khuynh-hướng của Thời-mới, một trào-lưu muốn hoà-nhập tất-cả các tôn-giáo lại với nhau cũng như nối-kết người và vũ-trụ lại thành một thể nhất-thống. Trở lại vấn-đề hội-nhập văn-hoá: Phi và Á châu, đặc-biệt là Ấn-độ, cũng có phong-trào này, dĩ-nhiên với ít nhiều dị-biệt tuỳ hoàn-cảnh. Câu hỏi đặt ra là: trong chừng-mực nào có thể dùng các nền văn-hoá làm áo khoác cho các tôn-giáo khác nhau? Phải chăng chúng chỉ là những tấm áo khoác? Hay chúng là những tổng-thể sống-động? “Văn-hoá” thực sự có nghĩa là gì? Còn nhiều vấn-nạn và công-việc lớn phải giải-quyết ở địa-hạt này.

Tôi còn muốn nói tới hai đề-tài nữa đang lưu-hành trên thế-giới. Thứ nhất là chủ-trương Môi-sinh. Chủ-trương này xuất-phát từ ý-thức rằng chúng ta không được tiếp-tục đối-xử với địa-cầu như ta đang làm. Suy từ đó con người phải hổ-thẹn vì đã huỷ-diệt tạo-vật. Và cũng từ đó nẩy sinh câu hỏi, con người thật-sự là gì, phải chăng con người phải lui về vị-trí của mình bên cạnh những sinh-vật khác và những câu hỏi khác đại-loại như thế. Người ta có thể bảo-vệ môi-sinh trong tinh-thần Ki-tô giáo, dựa trên niềm tin vào công-trình tạo-dựng vũ-trụ. Niềm tin này giới-hạn cái tuỳ-tiện của con người, nó đặt ra mực-thước cho tự-do. Người ta cũng có thể chủ-trương bảo-vệ theo cách nhìn chống Ki-tô giáo, nghĩa là theo quan-điểm của Thời-mới, coi vũ-trụ này là Chúa. Đề-tài thứ hai tôi muốn đề-cập là chủ-trương Tương-đối-hoá, hiện đã trở nên rất mạnh. Nó xuất-phát từ nhiều nguồn khác nhau. Con người thời-đại tân-tiến ngày nay coi thái-độ cho rằng chỉ có mình nắm chân-lí và rằng những cái khác không phải là chân-lí hoặc chỉ là mảnh vụn của chân-lí là một biểu-hiện phản dân-chủ, bất khoan-dung và không phù-hợp với tinh-thần hoài-nghi cần có của các nhà khoa-học. Chính từ quan-điểm dân-chủ trong cuộc sống, trong đó hàm-chứa ý-tưởng khoan-dung, mà nỗi thắc-mắc không biết chúng ta, những ki-tô-hữu, có nên tiếp-tục duy-trì cái nhìn đương-nhiên của ta có về đạo không, trở thành câu hỏi nóng-bỏng.

Ở Ấn-độ vấn-nạn này dính liền với truyền-thống tôn-giáo của dân-tộc họ. Dân-tộc này luôn có đặc-tính đi tìm Thượng-đế duy-nhất trong cái không thể gọi tên. Theo đó, tất-cả những gì thuộc tôn-giáo, đều chỉ là những phản-xạ, những phóng-ảnh, những khúc xạ của một Đấng không hề bao giờ tự xuất-hiện. Như vậy không thể có một tôn-giáo đích-thực nào cả. Chúa Ki-tô ở Ấn rõ-ràng có chỗ đứng cao-trọng, nhưng trong quan-niệm họ có về Ngài, họ cho rằng cái gì có nơi Ngài thì cũng đã xuất-hiện nơi các thần-minh khác. Như thế, ở đây luồng khí dân-chủ bao-dung của thế-giới đã kết-hợp với một truyền-thống văn-hoá lớn.

Hỏi: Những trào-lưu tư-tưởng thế-giới kia có tầm quan-trọng nào hay nguy-hiểm gì cho giáo-hội Công giáo không? Xem ra công-luận ngày nay cho là chói tai khi nghe người Công giáo bảo rằng đạo họ là đạo thật, rằng đức Ki-tô không phải chỉ là một nhân-vật kiệt-xuất, rằng tôn-giáo không chỉ là một phóng-ảnh.

Tôi có cảm-tưởng câu hỏi “Người ta có thể khắng-định chân-lí tới chừng-mực nào?” và “Đạo Ki-tô có vị-trí nào trong toàn-bộ các tôn-giáo?” là những câu hỏi đang trở nên nóng-bỏng. Cuộc tranh-luận đặc-biệt sôi-nổi ở Ấn-độ, nó cũng tràn vào nền thần-học ở Nam Mỹ qua Thần-học thổ-dân. Còn ở Âu châu và bắc Mỹ thì dĩ-nhiên nó đã và đang hiện-diện khởi đi từ triết-thuyết tương-đối.

Hỏi: Ngài nghĩ gì về những luồng tư-tưởng trong Giáo-hội, mà có kẻ cho là phản-động, là thứ công giáo bảo-căn / duy-căn (katholischer Fundamentalismus)?

Đứng trước những gì đang xẩy ra, trước những bấp-bênh kinh-khủng đang đe-doạ con người khiến họ cảm thấy bổng dưng bị cướp mất quê-hương tinh-thần và nền-tảng sống, tất-nhiên họ có phản-ứng tự-vệ và khước-từ cái tân-tiến mà trong mắt họ là thứ phản lại tôn-giáo hay ít ra phản lại đức tin. Tôi muốn nói thêm ở đây là ý-niệm bảo-căn, như hiện nay đang dùng, hàm-chứa nhiều thực-tại khác nhau, cần phải xác-định rõ. Trước hết, ý-niệm bảo-căn phát-xuất từ đạo Tin-lành ở Hoa-kì trong thế-kỉ 19. Truyền thống Tin-lành là duy-kinh, có nghĩa là họ chỉ tin vào Kinh thánh và từ trước cho tới lúc đó họ không gặp khó-khăn vế ý-nghĩa kinh sách, vì việc chú-giải khá nhất-thống. Nhưng sự chú-giải Kinh thánh theo phương-pháp phê-bình lịch-sử, một hệ-quả của thời Ánh sáng, đã làm Kinh thánh giờ đây mất đi tính-cách minh-bạch như vốn có trước đó. Như vậy, cái nhất-thống, cái “căn-bản” của họ không còn nữa. Và vì không có một giáo-quyền trung-ương nên sự-kiện trên quả là một đe-doạ sống-còn cho cộng-đoàn đức tin. Thêm vào đó là thuyết tiến-hoá; nó không những làm lung-lay nội-dung sách Sáng-thế và niềm tin vào sự Tạo-dựng, mà còn biến Chúa thành ra kẻ dư thừa. Vì thế, để chống lại, họ đề ra nguyên-tắc giải-thích Kinh thánh theo nghĩa đen thật nghiêm-nhặt: Mọi giá-trị hệ-tại nơi nghĩa chữ. Chủ-trương này không những chống lại lối chú-giải Kinh thánh theo quan-điểm phê-bình lịch-sử, mà chống luôn cả giáo-quyền công giáo, vì Công giáo không cho phép lối hiểu nghĩa đen như thế. Đó là “chủ-nghĩa duy-căn” trong nghĩa ban đầu của nó. Các “giáo-phái” duy-căn Tin-lành ngày nay gặt được nhiều thành-công lớn trong việc truyền-giáo ở Nam Mỹ và Phi-luật-tân. Họ cống-hiến cho con người cảm-giác an-ninh và sự đơn-giản của đức tin. Còn “duy-căn” mà chúng ta dùng ngày nay đã trở thành một từ để chỉ đủ loại kẻ thù.

Hỏi: Hãy cứ tạm dùng chữ duy-căn. Theo ngài, đâu là những trào-lưu tốt, đâu là những trào-lưu phải đặt vấn-đề, là bệnh-hoạn, như ngài đã có lần mô-tả?

Có thể nói rằng: Yếu-tố chung trong những khuynh-hướng rất dị-biệt này, được ta gọi là duy-căn, là việc đi tìm cái chắc-chắn và cái giản-dị của đức tin. Điều này tự nó không có gì xấu, vì chung cuộc, như Kinh thánh vẫn lập đi lập lại, đức tin được dành cho những kẻ bình-dân, bé-mọn, họ không thể sống với những chi-tiết cao-siêu cầu-kì bác-học. Nếu người ta hôm nay vinh-danh cuộc sống thả-lỏng trong bất-ổn và nghi-ngờ coi đức tin là chân-lí tưởng-tượng thì chắc-chắn đó không phải là lối sống mà Kinh thánh muốn đưa ta tới. Việc đi tìm cái chắc-chắn và giản-đơn sẽ trở nên có hại khi nó dẫn đến quá-khích và cố-chấp. Khi chính ngay lí-trí bị nghi-ngờ thì đức tin sẽ bị xuyên-tạc và trở thành một thứ ý-hệ bè nhóm. Thứ ý-hệ này không chút liên-quan gì nữa với lòng cậy tin vào Thiên Chúa hằng-sống là nguồn mạch sự sống và lí-trí của chúng ta. Từ đó nẩy-sinh những hình-thái đạo-đức bệnh-hoạn, chẳng hạn như chạy tìm những cuộc hiện ra, những tín-hiệu từ thế-giới bên kia hay đại-loại như thế. Nhưng thay vì cứ lôi duy-căn ra tiếp-tục mổ-xẻ, các nhà thần-học nên tự hỏi xem họ có lỗi gì không khi hàng ngày càng nhiều người chạy trốn vào những hình-thức tôn-giáo hẹp-hòi bệnh-hoạn. Khi ta chỉ biết tra-hỏi đức tin mà thôi và không vạch ra cho nó một con đường tích-cực thì chuyện chạy trốn là việc đương-nhiên.

Hỏi: Đâu là mảnh đất lành-mạnh nhất trong Giáo-hội? Có nơi nào như là trung-tâm mới của giáo-hội Công giáo không?

Tôi không dám nói như thế. Không. Một đàng có những nơi truyền-thống đang được bảo-vệ kĩ hơn. Đàng khác có những nơi khủng-hoảng không trầm-trọng hoặc nơi đó lòng đạo đang bùng lên mạnh. Nói chung thì đâu-đâu đức tin cũng bị đe-doạ; và thách-đố hay đe-dọa, dĩ nhiên, luôn vẫn là những gì tiềm-ẩn sẵn trong đức tin.

Hỏi: Là người đứng đầu Bộ tín-lí và là thành-viên của Bộ rao-giảng Phúc-âm ngài hẳn có cái nhìn bao-quát. Phớt qua tình-trạng của Giáo-hội hoàn-vũ bằng những nét chấm-phá như trên hẳn chưa đủ, song ít ra nó cũng hé mở cho ta nhìn vào những đề-tài khác nhau.

Ta có thể đi vào chi-tiết tình-trạng của từng nước không? Trước hết ở Âu châu, bắt đầu với nước Ý được không? Giáo-hội Ý luôn có nhiều dị-biệt: Giáo-hội miền bắc khai-phóng, trong khi ở miền nam lại bình-dân và nặng truyền-thống hơn. Rõ-ràng có sự phân cực giữa cánh cấp-tiến và cánh bảo-thủ và ảnh-hưởng của phong-trào giáo-dân càng ngày càng lớn mạnh.

Nước Ý cũng không tránh khỏi sự phân cực, nhưng theo quan-sát của tôi thì vấn-đề ở đó không mạnh như ở Đức. Dĩ-nhiên thần-học ở Ý cũng đã thu-nhận và chịu ảnh-hưởng nhiều phong-trào nặng đầu-óc phê-bình. Sự phân-rẽ giữa những người Dân-chủ Thiên Chúa giáo không chỉ nói lên ảnh-hưởng của nhiều trường-phái khác nhau trong giáo-hội Công giáo ở Ý, mà còn phản-ảnh những xung-động sâu-xa hơn của thần-học. Nhưng sự ràng-buộc với giáo-triều và giáo-quyền qua giáo-chủ đã đâm rễ ở Ý sâu hơn ở Đức và đó là cái làm họ đoàn-kết với nhau rất mạnh bất chấp mọi căng-thẳng.

Đúng, Công giáo ở miền nam Ý khác ở miền bắc. Miền nam đặt nặng tình-cảm, phong-tục, truyền-thống và rước-sách nhiều hơn. Miền bắc thì duy-lí và chịu ảnh-hưởng của trung Âu nhiều hơn. Và như tôi đã nói, thần-học nước này cũng không nhất-thống và có những giáo-sư thần-học ưa chỉ-trích giảng dạy cả trong các đại-học của giáo-chủ (Giáo-hoàng học-viện). Tuy nhiên ở Ý không có những cuộc đụng-độ gây-cấn như trong các nước phía bắc, song họ luôn cố gắng hợp-nhất cách này hay cách khác. Một điều nữa cũng đã đi vào truyền-thống của Ý là họ vẫn xem giáo-chủ với giáo-quyền của ngài làm điểm qui-chiếu nòng-cốt cho cuộc sống.

Dĩ-nhiên số người dự thánh lễ và ơn gọi tu-trì ở Ý có giảm đi, cũng giống tình-trạng ở các quốc-gia âu châu khác. Nhưng dù sao vẫn còn một ý-thức công giáo, đôi khi rất lỏng-lẻo nơi hầu hết người Ý, kể cả những người thuộc các đảng cánh tả hoặc cộng-sản cũ. Người ta vẫn thấy họ xưng mình là công giáo, dù đạo ít ảnh-hưởng trên lối nghĩ và hành-động của họ. Lòng đạo của người Ý đã thấm vào bản-sắc và văn-hoá của họ, sâu hơn ở Đức.

Hỏi: Người ta bảo giáo-hội Ý xem ra đã mệt-mỏi và họ hiện che-đậy tình-trạng này chủ-yếu bằng những dự-án văn-hoá?

Dĩ-nhiên Ý cũng không tránh được mỏi-mệt và, như ông nói, cũng đã có hiện-tượng tìm nương-tựa nơi khác. Nhưng cũng có rất nhiều giáo-xứ sống-động và có rất nhiều sinh-hoạt giáo-dân. Ở đây, mọi chuyện không có hình-thức tổ-chức qui-cũ như ở Đức, nhưng theo tôi, những sinh-hoạt tự-phát thường mạnh và sống-động hơn. Số ơn gọi linh-mục, chẳng hạn, ở giáo-phận Rôma hiện nay cao hơn con số 50 năm về trước.

Hỏi: Việc sụp-đổ hệ-thống chính-trị lay-động giáo-hội Ý mạnh tới mức nào?

Ở Ý khó mà nói được rằng có chuyện gì bị lay-động đến mức nào khi có một hệ-thống chính-trị sụp-đổ. Các chính-quyền cứ đổ mà chẳng có chi thay-đổi. Đúng là đường-lối chính-trị của Hội-đồng-giám-mục Ý đã phải đổi, sau khi đảng Dân-chủ Thiên Chúa giáo vỡ. Chính trong những năm cuối của đảng này, mục-tiêu đoàn-kết người công giáo, đặc-biệt trong lãnh-vực chính-trị người công giáo phải tỏ ra đoàn-kết đúng với trách-nhiệm chính-trị của mình, đã được người ta đưa lên hàng đầu. Dù sao cũng không tránh được việc sụp-đổ của đảng Dân-chủ Thiên Chúa Giáo, và vì thế Hội-đồng giám-mục Ý phải huỷ-bỏ mục-tiêu trên. Có điều giáo-hội Ý giờ đây rút về trung-lập chính-trị và đưa ra mục-tiêu “vượt đảng”, có nghĩa là kêu-gọi tín-hữu công giáo, dù thuộc đảng nào đi nữa, thì cũng vì tinh-thần trách-nhiệm mà thống-nhất với nhau trong các vấn-đề đạo-đức luân-lí. Nghĩa là một chính-sách mới kêu-gọi sự đồng-thuận của tất-cả những người công giáo bất luận thuộc chính đảng nào trong các vấn-nạn đạo-đức then-chốt.

Hỏi: Ngài ủng-hộ lập-trường đó?

Phải. Nếu nó thành-công thì rất tốt, bởi vì có được sự đoàn-kết căn-bản vượt trên mọi chính đảng.

Hỏi: Cả với những người cộng-sản?

Dù sao cũng nên hợp-tác với PDS, tổ-chức hậu-thân của đảng Cộng-sản Ý[3]. Nhưng như ông thấy đó, PRC vẫn bám chặt vào các nguyên-tắc mác-xít.

Hỏi: Khác hẳn với bên Đức, các đợt trưng-cầu ý-kiến về những vấn-đề liên-quan tới Giáo-hội ở Ý xem ra không có gì đáng để ý. Có phải là vì họ ít chú-ý đến những vấn-đề tín-lí, mà lại đặt nặng vấn-đề xã-hội và về những áp-dụng thực-tiễn của Ki-tô giáo? Khác-biệt ở đâu? Dân Ý quan-tâm điều gì?

Có lẽ phải nói ngay các cuộc trưng-cầu ở Bỉ và Pháp hoàn-toàn không có tiếng vang và ở Mỹ chắc cũng chẳng đi đến đâu. Trưng-cầu ý kiến có lẽ là nét đặc-thù của Đức. Ở Bỉ, người ta đã phải sửa lại nhiều chỗ trong bảng câu hỏi của Đức để tạo sự quan-tâm. Ở những nước khác ra sao, tôi không biết. Theo chỗ tôi hiểu, ở Ý chả mấy ai chia-sẻ điểm tin mừng – tin dữ[4], bởi vì trong tin mừng dĩ-nhiên cũng mang tính đe-doạ giúp con người thắng vượt được những yếu-đuối của mình. Cũng chả mấy ai ở Ý có ý-kiến về cái đòi-hỏi mơ-hồ phải coi các giáo-hội khác như là anh chị em. Người ta cũng thừa biết, anh chị em không luôn là hình-ảnh mẫu-mực cho cuộc sống hoà-thuận bên nhau. Còn chuyện độc thân, ai cũng biết, đã tạo ra nhiều vấn-đề và thảm-kịch cho con người, nhưng cũng phải thực-tế mà thấy rằng cuộc sống lứa-đôi cũng không đơn-giản hơn. Vì thế người ta chấp-nhận độc thân như là một phần văn-hoá công giáo; dù có nhiều vấp ngã, nhưng độc-thân chứa-đựng nhiều nét cao-cả và cần-thiết. Chúng ta có thể có những lí-luận tiếp-tục đại-loại như thế. Ý không có cảnh li-khai Giáo-hội, nhưng có sự phân-cách giữa Catolici và Laici. Laici là những người tranh-đấu cho một lí-tưởng nhà-nước và nhân-sinh-quan đã thể-hiện rất rõ qua cuộc Cách-mạng Pháp. Hội-viên tam-điểm – những người đã có công lớn trong việc thành-lập quốc-gia Ý – là những Laici điển-hình, họ tự coi là lực-lượng bảo-đảm cho lí-tưởng trên. Giữa hai thành-phần đó có sự kình-chống. Đến thế-chiến thứ hai thì lại có thêm thành-phần cộng-sản. Vấn-đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tạo cân-bằng giữa các lực-lượng đó, và đâu là điểm cần và có thể tổng-hợp, đâu là điểm phải loại-trừ.

Hỏi: Giờ nhìn qua Tây-ban-nha.

Ở Tây-ban-nha khủng-hoảng vào thời kết-thúc chế-độ Franco và của cuộc chuyển-tiếp sang thể-chế dân-chủ đã trùng-hợp với khủng-hoảng hậu công-đồng (Vaticanô II). Chúng gây xáo-trộn lớn trên Giáo-hội nước này. Cho tới lúc đó, giáo-hội Tây-ban-nha, qua lối tổ-chức của giáo-hội này, đã đồng-hoá rất chặt-chẽ với xã-hội và ngay cả với nhà-nước. Nay người ta thấy điều đó là sai. Giáo-hội phải tách ra khỏi thể-chế xã-hội và phải đặt lại đường đi cho mình. Cuộc đổi mới đột-ngột này đã làm giảm ơn gọi linh-mục và tu-sĩ, gây phân-hoá trong địa-hạt thần-học, làm nẩy-sinh nhiều trào-lưu thần-học nặng khuynh-hướng chỉ-trích. Đến nay hãy còn tồn-tại khuynh-hướng ki-tô giáo và thần-học nặng tính phê-bình chỉ-trích đó. Tuy nhiên một phong-trào sống đạo mới, sống-động, theo tinh-thần công-đồng cũng đã thành hình, tách ra khỏi truyền-thống cũ của giáo-hội nhà-nước.

Hỏi: Ở Pháp, theo một cuộc thăm-dò ý-kiến năm 1994, có 83% người có đạo chủ-trương chỉ cần tuân-phục lương-tâm. Chỉ 1% tín-hữu công giáo còn tin vào giáo-huấn chính-thức của Giáo-hội.

Phải, trên một bình-diện nào đó Pháp là nước bị tục-hoá mạnh nhất ở Âu châu. Vả lại lòng kiêu-hãnh của người Gô-loa xưa nay vẫn là một nét đặc-trưng trong Giáo-hội. Nhưng nên tin các con số thống-kê tới mức nào? Đúng là công giáo Pháp khá đa dạng, có những phong-trào rất nặng tính chỉ-trích, đọc báo “Golia” hay “Témoignage chrétien” là đủ thấy. Đối lại cũng có cánh đặt nặng truyền-thống. Phong-trào của giám-mục Lefrèvre hoặc các phong-trào khác đặt nặng truyền-thống trong Giáo-hội không đâu mạnh như ở Pháp. Do vậy Giáo-hội này mang những đối-kháng gay-gắt. Nhưng ở đây cũng nổi lên những luồng sống đạo tươi-mát và sinh-động. Chúng không được thống-kê lưu-ý tới, nhưng có giá-trị nhân-bản cao và tiềm-ẩn sức mạnh định-hình tương-lai.

Hỏi: Lúc này, thay-đổi lớn-lao nhất diễn ra ở Đông Âu. Các giáo-hội Đông Âu, trước đây dưới thời cộng-sản là những giáo-hội đề-kháng, nay hẳn phải nắm một vai-trò hoàn-toàn mới trong xã-hội.

Tôi không có được thông-tin chính-xác về những nước này, bởi vì chúng tôi tại giáo-triều không thấy hoặc thấy rất ít những luồng thần-học nặng tính chỉ-trích phê-bình trổi lên từ các nước ấy. Hun-ga-ri có phong-trào Bokor do linh-mục Bulány thuộc dòng Piariste sáng-lập. Đó là những xứ đạo nền-tảng nảy sinh qua kinh-nghiệm bị đàn-áp, họ chủ-trương hoà-bình triệt-để như một hình-thức diễn-tả khuynh-hướng sống Ki-tô giáo một cách cực-đoan và càng ngày càng mạnh-mẽ phê-bình những giám-mục bị gán cho tội đầu-hàng chế-độ. Tiếc rằng mọi cố-gắng giàn-hoà cho tới nay đều không thành-công. Thay vào đó phong-trào này trái lại hiện liên-kết chặt với các trào-lưu thần-học thích chỉ-trích và chống phẩm-trật ở các nước phương tây. Bất luận ai thuộc tôn-giáo nào cũng có thể gia-nhập Phong-trào, miễn là chấp-nhận bác-ái yêu-thương là qui-tắc sống quan-trọng nhất cho mình. Ở Tiệp và Cộng-hoà Slô-vác nẩy-sinh từ nhóm các linh-mục “chui” một chiều-hướng thần-học cũng nặng phê-bình chỉ-trích, nhưng sự-kiện đó đã không có tiếng vang. Hiển-nhiên là sau thời-kì bị bách-hại các giáo-hội đó không dễ gì trở lại thời giáo-hội quốc-doanh như trước đây. Và từ căn-bản đó phải lập lại một cộng-đoàn tín-hữu mới có tinh-thần tự-do và phải xác-định lại tương-quan mình với xã-hội. Nhìn thế đủ thấy còn nhiều vật-lộn nội-bộ. Nhưng nói chung gian-khổ đã khiến lòng tin thêm can-cường và tạo nên một thứ kháng-chất đối với một số cám-dỗ.

Hỏi: Đặc-biệt ở Ba-lan có những biểu-hiện, mà ít là ở Tây Âu từ lâu ta không thấy nữa. Tôi muốn nói là khuynh-hướng gắn-bó giữa Giáo-hội với những trào-lưu đặc-biệt trong chính-trị và ngay cả với từng nhân-vật.

Đó là một con đường đặc-thù, mà tôi cũng không rõ lắm. Điều phải nhớ là lịch-sử Ba-lan đã trải qua những thăng trầm lớn và trong những thăng trầm lịch-sử đó yếu-tố công giáo đã hiện ra như nét bản-sắc chính của dân-tộc này. Công giáo đã hòa-trộn một cách rất độc-đáo với lòng yêu nước và tình-cảm dân-tộc của Ba-lan. Cả khi Ba-lan không hiện-hữu như một quốc-gia: Qua Giáo-hội Ba-lan vẫn tồn-tại là Ba-lan, qua Giáo-hội đất nước này vẫn giữ được mối liên-kết nội-tại chặt-chẽ mặc cho những chia-cắt đất-đai Vì thế Giáo-hội đã có thêm vai-trò chính-trị mà ngày nay cần phải được xét lại, phải được sống cách khác và chịu-đựng cách khác. Tiến-trình đó đã được bắt đầu, nhưng nó không thể hoàn-tất trong ngày một ngày hai được.

Hỏi: Chỉ có công giáo Anh là xem ra mạnh hơn. Xưa nay đối với giáo-triều Rôma thì Anh vẫn là đứa con cưng hoang-đàng?

Trong Anh-giáo vẫn còn rất nhiều yếu-tố công giáo. Nhìn như thế nước Anh với Anh-giáo là một mô-hình đặc-biệt, đứng lơ-lửng ở giữa. Một mặt, Anh tách khỏi Rôma và nhất quyết giữ khoảng-cách với Rôma. Chỉ cần nhớ lại lời ông Hobbes[5] thì rõ: Một quốc-gia phải có tôn-giáo, và đặc-biệt hai thứ công-dân này phải loại đi: đó là đám vô-thần và bọn theo Giáo-chủ (Rôma), vì bọn này qui-phục một vương-quyền ngoại-bang. Như vậy, một mặt có thái-độ dứt-khoát tránh xa, mặt khác lại có gắn-bó chặt-chẽ với truyền-thống công giáo. Trong Anh-giáo những trào-lưu muốn tăng-cường di-sản công giáo vẫn luôn sống-động. Luôn có hai đối-cực kì-lạ, một bên muốn diễn-tả tin-lành hơn, một bên lại muốn diễn-tả công giáo hơn. Khủng-hoảng hiện tại của giáo-hội Anh nói lên điều đó. Một tình-trạng mới đã phát-sinh do hai sự-kiện – mở rộng nguyên-tắc đa-số cho những vấn-đề về giáo-huấn và việc chuyển thẩm-quyền quyết-định về những vấn-đề giáo-huấn cho giáo-hội mỗi quốc-gia. Cả hai điểm này tự chúng đều vô lí, là vì một giáo-huấn đúng hay không đúng không phải là do đa-số hay do giáo-hội quốc-gia ấn-định. Phải hiểu làn sóng chống truyền chức cho phụ-nữ và làn sóng trở lại đạo Công giáo diễn ra trong không-khí chống-đối đó. Nhưng dù sao đi nữa ngay cả giáo-hội nhà-nước cũng không muốn để mất các yếu-tố công giáo, và vì thế đã chủ-ý chấp-nhận các giám-mục chống lại việc truyền chức cho phái nữ và qua đó dung-nạp những thành-phần thân Công giáo trong Anh giáo. Luôn có một tiềm-năng công giáo lớn trong Anh-giáo, như ta đã thấy rất rõ qua cuộc khủng-hoảng hiện nay.

Hỏi: Tại Nam Mỹ, các giáo-phái Tin-lành mới đã lôi-kéo được hàng triệu tín-đồ, tín-hữu công giáo đua nhau chạy theo họ. Ở Ba-tây, quốc-gia công giáo lớn nhất thế-giới, đang bùng lên những xung-đột tôn-giáo thật-sự giữa Công giáo và các giáo-phái. Phải chăng đó là hậu-quả của sự thất-bại của thần-học giải-phóng – hay ngược lại giả như Rôma đã khuyến-khích thần-học giải-phóng thì cơ-sự đã không xẩy ra như thế?

Ở đây có nhiều chẩn-đoán khác nhau, và chúng tôi cũng chưa có được những hiểu-biết cụ-thể. Rất nhiều người nói rằng thần-học giải-phóng đã chẳng bao giờ chiếm được lòng những người nó quan-tâm nhất: thành-phần nghèo đói cùng-cực nhất. Chính thành-phần này bỏ nó, vì họ không cảm được những hứa-hẹn đầy tri-thức tính của nó, mà chỉ thấy mất đi cái ủi-an và ấm-cúng của tôn-giáo. Vì vậy họ đổ theo giáo-phái. Dĩ-nhiên những người ủng-hộ thần-học giải-phóng không đồng ý với quan-điểm này. Những lối giải-thích trên cũng có phần khá lớn sự thật. Những hứa-hẹn về một thế-giới tươi-đẹp quá xa-vời đối với tầng lớp những người cùng-đinh, nên họ lại càng muốn ở lại với cái đạo vốn có, cái đạo đi vào đời sống của họ. Chính tầng-lớp này ùa theo giáo-phái, nơi cung-cấp cho họ những yếu-tố mà họ không còn tìm được trong những cộng-đoàn tôn-giáo sặc mùi chính-trị.

Cũng có những tố-cáo ngược lại cho rằng các giáo-phái đã dùng tiền và nhiều phương-thế mờ-ám khác để lôi-cuốn tín-đồ. Cái đó có phần đúng, nhưng không thể hoàn-toàn giải-thích được sự-kiện giáo-phái lan-tràn như hiện nay. Nói chung, chỉ có những phái thiên về đặc-sủng hoặc ngũ-tuần (Pentekoste), nghĩa là những giáo-hội Thánh-linh, là ăn-khách nhất. Song cả những giáo-phái gọi là duy-căn với giáo-huấn nghiêm-nhặt cũng thế. Sự thành-công của các nhóm đặc-sủng Ngũ-tuần cho thấy người ta chờ-đợi nơi giáo-hội một lối sống đạo thoải-mái tự-nhiên và nhiều gắn-bó cộng-đoàn cụ-thể hơn. Nghĩa là bớt đi giáo-điều, nhường chỗ cho cảm-nghiệm về niềm vui sống đạo trực-tiếp. Trào-lưu duy-căn thì cho thấy người ta cần một điểm tựa niềm tin vững-chắc trước những thất-bại ở trần-thế.

Xét chung, sự vững-bền của các giáo-phái không đáng kể. Người ta thay-đổi giáo-phái như thay áo. Và những chuyển-đổi này thường cũng có nghĩa là bước đầu của bỏ đạo. Các diễn-biến này dĩ-nhiên cũng gắn liền với những biến-chuyển xã-hội, với tiến-trình đô-thị-hoá ngày càng mạnh. Người dân bỏ xứ đổ vào những khu ổ chuột quanh các đô-thị, nơi đó chưa có mặt tôn-giáo có qui-cũ hoặc còn vắng bóng những cộng-đoàn tiếp-đón để giúp họ có được một quê-hương tinh-thần mới. Như vậy nguyên-nhân thật đa-diện, không nên có một chẩn-đoán quá đơn-giản.

Hỏi: Tại Hoa-kì một số lớn giám-mục cho hay trong tương-lai sẽ bốp-chát trả lời giáo-triều Rôma bằng công-văn?

Không phải nhiều, chỉ có tối đa 30 vị. Tôi đã nói chuyện với một trong những vị cầm đầu và vị đó nhấn mạnh rằng đã có sự hiểu lầm. Ngài nói, chúng tôi là những tín-hữu công giáo tốt, trung-thành với Giáo-chủ, chúng tôi chỉ muốn đưa ra những phương-thức tốt hơn mà thôi. Tôi đã đọc kĩ bản văn liên-hệ và đã cho hay rất tán-đồng với nhiều điểm trong đó, nhưng cũng có vài điểm tôi cho là cần xét lại. Tôi có thể nói rằng, không có việc Hội-đồng Giám-mục Hoa-kì kình-chống Rôma. Trong Hội-đồng có nhiều quan-điểm, điều này tốt, trong đó có một vài quan-điểm có lẽ thật hơi quá-khích. Sau 15 năm ở vị-trí của tôi hiện giờ, tôi có cảm-tưởng quan-hệ giữa Rôma và Hoa-kì đã khá hơn nhiều. Nói chung, chúng tôi có một tương-giao rất tốt với Hội-đồng Giám-mục Hoa-kì. Đó là một Hội-đồng với những đầu-óc trí-thức lớn, lòng đạo sâu, với nhiều chủ chăn tuyệt-vời, có nhiều đóng-góp to-lớn về giáo-huấn cho Giáo-hội hoàn-vũ. Mỗi năm hai lần các đại-diện Hội-đồng sang thăm chúng tôi, các cuộc gặp-gỡ đều rất tâm-đắc.

Hỏi: Giáo-hội Bắc Mỹ có lợi-dụng được gì từ làn sóng đức tin đang nổi lên ở đó không?

Có. Tôi nghĩ là có. Mặc dù không nên đánh-giá quá cao một số diễn-tiến và những cuộc tụ-họp đông-đảo tín-hữu công giáo, nhưng xuyên qua các hình-ảnh đó, ta thấy được giới-trẻ đầy nhiệt-tình đạo-đức tại đây đang nhìn Giáo-hội như một nơi nương-tựa và họ xem Giáo-chủ (Rôma) như một mẫu-mực và là một “leader” tôn-giáo của họ. Đã có nhiều cởi-mở và phát-triển tốt-đẹp trong 15 năm qua. Ở đây không chỉ có phong-trào trở lại Công giáo của các mục-sư tin-lành, nhưng còn có cả sự tương-giao hoàn-toàn mới-mẻ với những người Anh giáo trước đây từng đả-kích kịch-liệt giáo-hội Công giáo. Trong nghị-hội quốc-tế ở Cairô[6] và Bắc-kinh đã có sự xích lại gần nhau rất độc-đáo giữa Anh-giáo và Công giáo, chỉ vì Anh-giáo nhận ra Công giáo không phải là một mối đe-doạ Kinh-thánh, như họ trước kia vẫn tưởng, và không bị quyền-hành của giáo-chủ lấn-át, nhưng là một bảo-đảm để Kinh thánh được coi trọng. Những gần-gũi mới-mẻ đó chưa nhanh-chóng đưa tới hợp-nhất, song chúng cho thấy Công giáo có thể là một lối sống « Mỹ » được.

Hỏi: Cái gì làm bùng lên phong-trào đạo-đức mới ở Hoa-kì?

Chắc-chắn do nhiều yếu-tố mà tôi không thể phân-tích vì không biết nhiều về nước Mỹ. Nhưng đã có một ý-muốn quay về với đạo-đức và khát-vọng tìm về tôn-giáo. Cũng có sự phản-kháng chống lại siêu quyền-lực của văn-hoá truyền-thông. Cả câu nói của bà Hillary Clinton: “Hãy tắt truyền-hình đi, đừng để nó lèo-lái nữa” cũng cho thấy có một làn sóng lớn đang muốn nói lên: Chúng tôi không muốn thần-phục văn-hoá này thêm nữa.

Hỏi: Châu Phi. Người công giáo da đen luôn cảm thấy bị Rôma đối-xử như con ghẻ và không ngừng đấu-tranh để được nhìn-nhận giá-trị. Trên chính lục-địa này Giáo-hội gặp nhiều khó-khăn trong việc dung-nạp những lễ-nghi và đặc-thù văn-hoá địa-phương. Chẳng hạn, trong thánh lễ có được phép gióng trống hay nhảy múa không, hay phải giải-quyết cách nào với tục đa thê. Có những người xác-nhận: “Tôi là một tín-hữu công giáo tốt, và ba người vợ của tôi cũng vậy”. Đồng thời còn có cuộc chạy đua với Hồi giáo, một tôn-giáo xem ra hấp-dẫn hơn với dân châu Phi, vì họ tin rằng văn-hoá của họ dễ hội-nhập vào đó hơn.

Người ta nói, châu Phi là một lục-địa của hi-vọng, nhưng ta cũng biết, đó cũng là lục-địa đầy vấn-nạn và căng-thẳng lớn. Thật hổ-thẹn cho chúng tôi, khi những cuộc tàn-sát rùng-rợn nhất lại xẩy ra trên hai nước công giáo Ruanda và Burundi. Điều đó khiến chúng tôi phải đặt vấn-đề làm sao để Tin mừng thấm sâu hơn vào đời sống xã-hội của lục-địa này.

Sau kì Thượng hội-đồng châu Phi và sau nhiều lần gặp-gỡ các giám-mục địa-phương, tôi không có cảm-giác châu Phi cảm thấy bị Rôma xử tệ. Thực ra, mọi người châu Phi đều hãnh-diện được là thành-phần – và là thành-phần bình đẳng – của một giáo-hội cao-cả như giáo-hội Công giáo. Một giám-mục hay hồng-y châu Phi cũng có giá như một vị người Ý, Tây-ban-nha hay Hoa-kì. Từ đáy lòng rất nhiều người thực sự trung-thành với Rôma, yêu quí Giáo-chủ và vui-mừng với lí-lịch công giáo. Khi chúng tôi đề-cập tới những vấn-đề đó hay tới những tranh-luận thần-học, các giám-mục châu Phi luôn phát-biểu thế này: Nếu thật-sự có ai hành-động quá trớn thì đó chính là các nhà thần-học Âu châu chứ không phải Phi châu. Nói như vậy có lẽ quá đơn-giản, nhưng quả thật những kẻ chỉ-trích gắt-gao thường là người Âu. Nói thế không có nghĩa là không có vấn-đề phải bận-tâm ; dĩ-nhiên ở đó cũng có rắc-rối. Nhưng không thể nói rằng có bầu khí bài Rôma trong thần-học Phi châu.

Ông đã đề-cập tới hai lãnh-vực chính, hai khía-cạnh hội-nhập văn-hoá: Hôn-nhân và phụng-vụ. Tôi tin rằng chuyện đa thê đã bị Âu châu hiểu hơi sai. Đây không phải là vấn-đề tình-cảm, mà chủ-yếu là vấn-đề tài-sản và xã-hội. Làm sao có thể bảo-đảm được đời sống của những phụ-nữ ấy? Làm sao để họ có được một địa-vị yên-ổn trong xã-hội? Bởi vì thật ra họ lấy nhau không phải vì tình, mà đó là một cuộc hôn-nhân giữa hai bộ-tộc, một cuộc trao-đổi gia-sản. Nói chung, đây không phải là một vấn-đề tình-cảm, nhưng thực sự là câu hỏi, làm sao một phụ-nữ chẳng còn chồng và vì vậy chẳng còn dây nương-tựa chắc-chắn nữa có thể vẫn có một chỗ đứng chính-đáng trong xã-hội. Như vậy đây thực ra là một vấn-đề thuộc cơ-cấu xã-hội, và là câu hỏi, làm sao tìm ra được những cơ-cấu trong đó chấp-nhận đơn thê là đơn-vị cơ-bản. Nhiều giám-mục Phi châu lạc-quan về chuyện này. Tôi không thể đánh-giá từng trường-hợp được.

Trong phụng-vụ có đủ không-gian tự-do cho những tập-tục và tình-cảm phi châu thể-hiện. Mặt khác, vấn-đề hệ-trọng là không để cho phụng-vụ trở nên quá rườm-rà và vẫn giữ được nét trong-sáng của nó. Nhiều người Phi cũng nghĩ như vậy. Họ cũng như chúng tôi cho rằng hội-nhập văn-hoá không nên bắt đầu ngay từ phép thánh-thể.

Hồi giáo tràn vào Phi châu như thác đổ, một phần cũng nhờ thế-lực tài-chánh, và họ tự coi mình là đạo cao-cả thích-hợp với người châu Phi. Dĩ-nhiên người Phi phải vượt lên trên các tôn-giáo bộ-lạc của mình, và Hồi giáo ghé vào tai họ: Chúng tôi là đạo cao-cả cho Phi châu vì giáo-lí chúng tôi không rắc-rối và luân-lí chúng tôi lại hợp với các bạn. Lí-luận này có ăn-khách, nhưng không phải khắp nơi. Cũng không nên quên, trong phong-trào nô-lệ, Hồi giáo thuộc đội-ngũ đi tiên-phong và đã chẳng kính-trọng gì dân da đen. Nhất là Hồi giáo không có một nhượng-bộ nào hết cho việc hội-nhập văn-hoá. Hồi giáo là của người Ả-rập, và ai muốn vào Hồi giáo, phải mặc lấy lối sống ả-rập, không có chuyện hội-nhập gì cả. Như vậy đạo Hồi, cũng như đạo Kitô, chỉ mới tạo nên được một lớp kem trên mặt đời sống người Phi mà thôi, trong lúc chiều sâu của họ thì vẫn là hoàn hỗn-thần. Cuộc tranh-giành tạo bộ mặt tôn-giáo cho Phi châu như vậy còn nhiêu-khê và lâu dài.

Hỏi: Á châu. Người ta tiên-đoán vùng Thái-bình dương sẽ nắm vai-trò kinh-tế và chính-trị quan-trọng trong thế-kỉ tới. Hậu-quả nào cho Giáo-hội?

Rất khó nói. Cho tới nay, trừ Phi-luật-tân ra, Giáo-hội chưa đặt chân vững được lên lục-địa này. Điều đó không có nghĩa là Ki-tô giáo ở đây không giữ vai-trò gì cả. Nó đã biến-đổi các tôn-giáo hiện có và đã bằng nhiều cách thấm sâu vào xã-hội địa-phương. Nhật-bản có rất ít công giáo, con số tín-hữu trước sau không thay-đổi. Nhưng người Nhật rất thích các tập-quán và văn-hoá Ki-tô giáo. Ki-tô giáo do vậy đã trở thành một thực-tế xã-hội, không phải trong ý-nghĩa là người Nhật chấp-nhận nó suốt đời, nhưng nó là một yếu-tố góp phần gây ảnh-hưởng trên xã-hội.

Ở Ấn-độ số tín-hữu công giáo rất ít, nhưng Tân ấn-giáo, một tôn-giáo hiện đang mở rộng tầm ảnh-hưởng trên thế-giới, đã thu-nhận nhiều yếu-tố Ki-tô giáo vào tôn-giáo tương-đối phóng-khoáng của họ. Tiếp đến Trung-quốc vẫn là một miền đất hoang-vu đối với ta, số tín-hữu không đáng kể nhưng có được ảnh-hưởng tinh-thần. Sở-dĩ chính-quyền cộng-sản rất quan-tâm đến Ki-tô giáo là vì họ thấy nó có thực lực. Tuy nhiên, những chuyện đó rồi ra sẽ gây ảnh-hưởng gì trên vai-trò mới của Á châu trong cộng-đồng thế-giới, điều này tôi không dám quả-quyết.

Hỏi: Giáo-hội lâm vào tình-thế gay-go mới vì tín-hữu càng ngày càng bị bắt-bớ khắp nơi.

Đúng, và dưới nhiều hình-thức. Ở Trung-quốc, dù đã có dấu-hiệu bao-dung, người ta vẫn đàn-áp Ki-tô giáo, nhất là Công giáo trung-thành với Rôma. Không chỉ ở Trung-quốc mới xẩy ra như thế, nhưng tại một loạt các nước khác cũng vậy. Đâu-đâu và thời nào đạo Chúa cũng bị bách-hại. Còn thêm một mối nguy mới càng ngày càng lớn mạnh, đó là trào-lưu tân thời coi Ki-tô giáo hoặc đạo Công giáo là một ý-hệ thiếu bao-dung và phản tân-tiến nên tìm cách gây áp-lực lên nó. Theo tôi, mối nguy này đã khá lớn, dù nó chưa gần kề trước mắt. Tuy nhiên cái áp-lực xã-hội bắt Giáo-hội chủ-yếu phải thích-nghi với những tiêu-chuẩn hiện-hành thì đã có rồi.

Hỏi: Như thế đã là bị bách-hại rồi sao? Giữa việc người công giáo bị các chế-độ độc-tài hoặc hồi giáo nhốt tù hoặc tra-tấn và việc họ bị các chế-độ chính-trị ở tây phương đẩy ra bên lề xã-hội phải có sự khác-biệt chứ?

Dĩ nhiên đó chưa phải là bách-hại Ki-tô giáo. Từ này dùng ở đây không chỉnh. Nhưng hiện đã có không ít lãnh-vực đời sống ngày nay đòi-hỏi phải thật can-đảm nếu muốn tuyên-xưng mình là ki-tô-hữu. Nhất là mối nguy gia-tăng đến từ các loại Ki-tô giáo xu-thời. Thiên-hạ vui-mừng đón nhận họ, khen họ là thứ tốt đời đẹp đạo và đem họ ra để so-sánh mà gán cho thành-phần tín-hữu không xu-thời là thứ duy-căn quá-khích. Mối nguy độc-tài tư-tưởng càng ngày càng tăng, và ai không theo nó thì bị đẩy ra lề, khiến nhiều người tốt không dám xuất-hiện trong hàng-ngũ những kẻ không xu-thời. Nền độc-tài bài Ki-tô giáo trong tương-lai có lẽ tinh-vi hơn những gì ta biết tới ngày nay. Bề ngoài xem ra có thiện-cảm với tôn-giáo, nhưng với điều-kiện là không được đụng đến cách sống và lối nghĩ của nó.

_____________________



[1]
 Nghĩa là người ta phân-biệt hai loại phái-tính nơi con người: phái-tính sinh-lí (biologische Sexualität) và phái-tính do quá-trình lịch-sử tạo nên (Gender).

[2] Theologia India = Thần-học thổ-dân. Khi lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ châu những nhà thám-hiểm và thương-buôn Âu châu tưởng là họ đã tới Ấn-độ, nên đã gọi thổ-dân vùng đất mới này là “người Ấn-độ” ‚Indianer, Indian’. Từ đó chữ Indianer cũng có nghĩa là thổ-dân xưa ở Mỹ châu.

[3] Đảng cộng-sản Ý – PCI – lập năm 1921, tan-rã năm 1990 sau khi khối cộng-sản Đông Âu sụp-đổ. Số đảng-viên còn lại tách thành hai nhánh; nhánh lớn PDS khá ôn-hoà, nhánh nhỏ PRC – Rifondazione communista – vẫn bám vào giáo-điều mác-xít.

[4] Bảng câu hỏi trưng-cầu của Đức nêu ra vấn-đề tin mừng và tin dữ, ý nói Chúa rao-giảng tin mừng, nhưng ngày nay Giáo-hội lại dùng đe-doạ mà giảng đạo.

[5] Hobbes (1588-1679): triết-gia người Anh.

[6] Hội-nghị Liên-hiệp-quốc năm 1994 ở Cairô, thủ-đô Ai-cập, bàn về dân-số và phát-triển. Nghị-hội ở Bắc-kinh; Trung-quốc, năm 1995 bàn về phụ-nữ.