Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 2 : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo
2.5 Những Sai Lầm của Giáo Hội

Hỏi: Hồng-y König đã có lần nhận-định về hiện-tình Giáo-hội hoàn-vũ như sau: “Xét cho cùng, đây là một tiến-trình kéo dài cả thế-kỉ, dẫn đến sự phân-li giữa Giáo-hội và thế-giới. Đây là sự sai-biệt lớn dần giữa tình-trạng ý-thức của con người thời-đại và giáo-lí Ki-tô giáo”. Và ngài tiếp: “Chính Giáo-hội cũng phải biết phê-bình tự hỏi, đâu là phần lỗi của mình trong việc bế-tắc cảm-thông đó, để tìm cách khắc-phục”.

Rõ-ràng có sự bế-tắc cảm-thông, như Hồng-y König nói, và tôi nghĩ Giáo-hội chắc-chắn cũng có phần lỗi. Một đàng vì chúng tôi đã không tìm được ngôn-ngữ phù-hợp với nhận-thức thời nay. Có lẽ chúng ta sẽ bàn sau về những ý-niệm như tội tổ-tông, ơn cứu-chuộc, tội-lỗi, sám-hối v.v. đó là những từ nói lên một sự thật, nhưng trong ngôn-ngữ hiện-đại chúng không còn ý-nghĩa gì nữa đối với đa-số tín-hữu. Làm thế nào để ý-nghĩa những ý-niệm này lọt tai thiên-hạ được là bổn-phận hiển-nhiên phải lưu-ý của chúng tôi. Tuy nhiên, điều đó có thể thành-công chỉ khi nào chính chúng tôi sống những ý-niệm đó từ nội-tâm. Có sống những ý-niệm này thì mới hiểu và mới có thể diễn-tả ra được. Tôi cũng cần nói thêm, là truyền-thông về Ki-tô giáo chưa bao giờ là một truyền-thông chỉ để mà hiểu. Nó bao-trùm toàn-thể con người và tôi chỉ hiểu được nó khi tôi gia-nhập cộng-đoàn những kẻ đồng-hành. Như thế có hai đòi-hỏi: Trước hết là sống Ki-tô giáo thực-sự và nhờ đó hiểu-biết nó, thêm vào đó là tạo được cách diễn-tả mới qua cuộc sống thiết-thực trong cộng-đoàn những người đồng-hành.

Hỏi: Dư-luận thường nhìn Giáo-hội như một thẩm-quyền đe-doạ, chai-cứng. Tại sao giáo-quyền lại khắt-khe như thế? Lẽ ra Mẹ giáo-hội phải dịu-dàng với con-cái hơn chứ?

Đúng, nhiều người coi giáo-huấn Giáo-hội rốt cuộc chỉ là một chuỗi những cấm-đoán luân-lí – đặc-biệt trong lĩnh-vực tính-dục – và vì thế họ có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ kết-án và o-ép cuộc sống mà thôi. Có lẽ cũng tại vì chúng tôi đã lắm lúc lắm lời trong lãnh-vực này, và lời nói nhiều khi không đi đôi với sự thật và tình yêu. Nhưng tôi nghĩ một phần nữa cũng tại việc chọn đề-tài của truyền-thông. Bởi những cấm-đoán như thế là những tin-tức dễ ăn-khách và dễ hiểu. Nếu như thay vào đó người ta luận-bàn về Chúa, về đức Ki-tô hay về quá nhiều những điều căn-bản trong đức tin thì những đề-tài này có thể lại quá xa-lạ với ngôn-ngữ thế-tục, có thể khó mà tiếp-thu được. Vì thế, thay vì ngồi đó trách-cứ truyền-thông, Giáo-hội phải tự hỏi mình có thể trình-bày thế nào với dư-luận cho đúng mức. Khi rao-giảng cái cốt-lõi của đức tin, những chi-tiết riêng-rẽ sẽ được đặt đúng trong tương-quan với nhau, lúc đó những cấm-đoán nêu lên cũng có chỗ đứng trong một toàn-cảnh rộng lớn hơn và tích-cực hơn. Nhưng khi muốn đưa hết mọi thứ ra cho dư-luận biết, thì sự quân-bình sẽ mất. Vì thế Giáo-hội cần cân-nhắc nội-dung thông-đạt nội-bộ về giáo-lí chung với những gì muốn đưa ra bên ngoài, nơi nội-dung thông-tin của mình chỉ được thiên-hạ chọn-lọc tiếp-nhận một phần mà thôi.

Hỏi: Dư-luận nhiều khi có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ biết phản-ứng cố-chấp, nghiêm-khắc viện vào các giới-răn và tin rằng Chúa không để Giáo-hội sụp-đổ. Chung-quanh Giáo-hội là thế-giới linh-động, nhưng Giáo-hội xem ra không có khả-năng thay-đổi lối suy-tư, cứ khư-khư bảo-vệ quan-điểm mình. Giáo-hội tỏ ra không có bộ mặt cực-đoan, nhưng có vẻ thiếu uyển-chuyển, đóng khung kiên-cố như một pháo-đài. Sứ-điệp của Giáo-hội vì thế trống-rỗng.

Mỗi quốc-gia dân-tộc đương nhiên có cái nhìn rất khác nhau. Dưới thời áp-bức cộng-sản, người có đức tin, kể cả những kẻ không tin và người đang trên đường tìm đến đức tin như Vaclav Havel[1] chẳng hạn, có cái nhìn hoàn-toàn khác. Họ thực-sự thấy Giáo-hội rao-truyền sứ-điệp tự-do, coi Giáo-hội là một đối-lực chống lại độc-tài, coi đó là một nguồn lực có thể cung-cấp một cái gì đó cho cả kẻ không tin và giúp họ vững tin rằng những chế-độ độc-tài toàn-trị sẽ không bao giờ hoàn-toàn làm chủ được tình-hình.

Cả ở châu Phi, nơi Giáo-hội, dưới nhiều hình-thức, thường đụng-độ với nhà-nước và với tham-nhũng là quốc-nạn lớn của châu lục này, người ta không có cảm-tưởng Giáo-hội chỉ biết khư-khư bảo-vệ mình, nhưng đó là một lực năng-động, sẵn-sàng bảo-vệ cho cả các nước thuộc thế-giới đệ-tam và luôn đưa ra sáng-kiến giải-quyết tình-hình. Họ thấy Giáo-hội không chủ-trương một chính-sách viện-trợ phát-triển chỉ dựa trên vật-chất, song luôn hỗ-trợ những nỗ-lực trao-đổi sinh-động. Cả Nam Mĩ cũng có cái nhìn hoàn-toàn khác. Như vậy, Giáo-hội có thực-sự là một sức đẩy giúp tiến tới hay không, cái này tuỳ nơi sự cảm-nhận của mỗi nước. Sở dĩ Đức, một nước nằm ở Trung Âu, xem Giáo-hội chỉ là lực cản của tiến-bộ và chỉ biết lo bảo-vệ chính mình, theo tôi, phải nhìn ngược lại, là vì người ta không muốn Giáo-hội lên tiếng chống lại nhiều cái ta coi là thoải-mái và thích-hợp.

Hỏi: Giáo-chủ Gio-an Phao-lô II kêu gọi: Đừng chạy theo thế-gian. Nhưng phải chăng chính cả Giáo-hội cũng chạy theo hơn ai hết. Xem ra Giáo-hội bị dính chặt với dinh-thự, đầu-tư nhiều tiền-bạc, thời-gian và công-sức vào chuyện bảo-trì nhà-cửa của mình. Lẽ ra thay vì thế Giáo-hội phải giúp người ta hiểu rõ hơn đâu là những ơn-ích cứu-rỗi của Giáo-hội.

Tôi đồng ý với ông. Khả-năng cố-chấp là một yếu-tố rất mạnh kể cả trong Giáo-hội. Vì thế Giáo-hội có khuynh-hướng không muốn nhả ra cái tài-sản hay địa-vị đã đạt được. Khả-năng tự giới-hạn và tự cắt-tỉa chưa phát-triển đúng hướng. Tôi nghĩ đây cũng chính là vấn-nạn của nước Đức. Chúng ta có quá nhiều định-chế hơn là nhân-sự thấm-nhuần tinh-thần giáo-hội để điều-hành. Chính vì bám chặt vào guồng máy kồng-kềnh nhưng trống rỗng bên trong này mà Giáo-hội mất uy-tín. Từ đó nẩy-sinh ấn-tượng là trong một bệnh-viện hay trường học chẳng-hạn, những người không một chút gì gắn-bó với Giáo-hội cũng bị ép hành-xử theo đường-hướng Giáo-hội, chỉ vì Giáo-hội làm chủ những cơ-sở này và có quyền định-đoạt. Đây là điểm ta cần xét mình thực-sự. Nhưng tiếc thay lịch-sử vẫn luôn cho thấy là Giáo-hội không có khả-năng tự mình giũ bỏ được của-cải, mà luôn bị người ta tước-đoạt đi và sự tước-đoạt này rốt cuộc lại trở thành ơn-ích cho Giáo-hội.

Tuy-nhiên cũng có trường-hợp hơi khác; tôi nghĩ tới vụ phân-cách giữa nhà-nước và Giáo-hội Pháp dưới thời giáo-chủ Pi-ô X, nghĩa là vào đầu thế-kỉ 20. Thời đó, nhà-nước Pháp đề-nghị một mô-thức cho phép Giáo-hội tiếp-tục sở-hữu tài-sản, nhưng phải đặt dưới quyền kiểm-soát của nhà-nước. Về sự-kiện này, Pi-ô X tuyên-bố: Tài-sản tinh-thần của Giáo-hội quý hơn tài-sản vật-chất . Chúng ta bỏ tài-sản vật-chất, vì chúng ta phải bảo-vệ gia-sản tinh-thần. Tôi tin đây là một câu nói quan-trọng, đáng cho ta luôn đem ra suy-gẫm.

Hỏi: Tôi tự hỏi, tại sao Giáo-hội không có cách nào hay hơn để truyền-giảng về đạo Chúa cho chúng tôi, những kẻ mù-tịt hoặc chỉ biết sơ-sài về đạo; tại sao Giáo-hội không nói nhiều hơn về cái chiều-kích lớn-lao của Công giáo, về tự-do tư-tưởng, về thứ-tha và bác-ái. Tôi thấy thiếu vắng những nghi-lễ, phong-tục, lễ-hội mà Giáo-hội vẫn hãnh-diện và có kinh-nghiệm cử-hành từ hai ngàn năm nay. Isaac Singer[2] kể trong một cuốn sách của ông câu chuyện cử-hành lễ mùa truyền-thống của người Do-thái. Vị giáo-trưởng hát lời nguyện trước bữa ăn rồi giảng. Theo Singer, chưa bao giờ có một bài giảng cắt-nghĩa kinh Thora gây phấn-chấn nơi tín-hữu Chassidim[3] như thế. Vị giáo-trưởng đã vén cho họ thấy những bí-mật thánh. Cuối cùng vào chiều tối, người ta trải một chiếc khăn dùng cho dịp lễ lên bàn và đặt một khoanh bánh mì trên đó, một bình rượu và một cái li bên cạnh. Những người tham-dự có cảm-tưởng chiếc chòi lá[4] biến thành một căn phòng trong đền thờ. Với chúng ta, những buổi họp mặt ki-tô-hữu lại thường biến thành những cuộc lễ-hội với bia và thịt.

Đây cũng lại là chuyện hoà-lẫn giữa Ki-tô giáo và xã-hội và sự hoà-nhập cái tính-chất Ki-tô giáo vào phong-tục và lễ-hội xã-hội, như ta đã nói ở trên. Ở đây, tôi muốn đề-cập một chuyện liên-quan khác. Vị giáo-trưởng chắc-chắn đã không nói điều gì mới, nhưng nghi-thức cử-hành trang-nghiêm và với lòng tin đã làm mới lại những gì ông giảng-giải và làm chúng sống lại trong hiện-tại.

Theo tôi, trong cải-cách phụng-vụ của ta có một khuynh-hướng sai, đó là việc muốn “hội-nhập” hoàn-toàn phụng-vụ vào thế-giới tân-thời. Nghĩa là phụng-vụ phải ngắn gọn hơn nữa, những yếu-tố được coi là khó hiểu phải được lược bỏ đi; cơ-bản là phải làm sao lồng vào một ngôn-ngữ “thấp” hơn. Như vậy thì bản-chất phụng-vụ và lễ-nghi phụng-vụ sẽ bị hiểu sai từ căn-bản. Bởi trong phụng-vụ người ta không đơn-thuần hiểu cách thuần lí, như tôi hiểu một bài thuyết-trình, nhưng hiểu bằng nhiều cách, bằng mọi giác-quan và bằng cách hoà-nhập mình vào một cuộc lễ không do uỷ-ban nào bày ra, song từ thẳm sâu muôn ngàn năm hoặc từ muôn đời đang đến với tôi.

Sau khi mất Đền-thánh, Do-thái giáo vẫn bám lấy các ngày lễ và nghi-lễ ở giáo-đường và giữ được sự nối-kết với nhau qua việc cử-hành các buổi lễ lớn được coi như lễ-nghi của Đền-thánh. Lễ-nghi cũng là một cách diễn-tả hình-thức sống chung; không phải nó giúp cho đạo được dễ hiểu một cách hời-hợt bề ngoài, nhưng nó nói lên sự tiếp-nối trọng-đại của lịch-sử đức tin và có thể nói là tượng-trưng cho một sự uỷ quyền không do từ một cá-nhân nào. Linh-mục không phải là nhà hoạt-náo truyền-thông (Showmaster) đang biểu-diễn xuất-sắc một cái gì do ông tự nghĩ ra. Trái lại, ông có thể là một diễn-viên rất tồi, nhưng ông đang đại-diện cho một cái gì hoàn-toàn khác và cái đó hoàn-toàn không tuỳ-thuộc ông.

Dĩ-nhiên phụng-vụ cũng phải dễ hiểu, vì thế lời Chúa phải được đọc lên rõ-ràng và sau đó được cắt-nghĩa, diễn-tả mạch-lạc. Nhưng để hiểu minh-bạch lời Chúa còn có có những lối hiểu khác nữa. Nhất là sự hiểu-biết minh-bạch này không phải là cái do hết uỷ-ban này đến uỷ-ban nọ ở Roma, Paris hay Trier… nặn ra. Trái lại, nó cần có tính-cách liên-tục trọng-đại, tránh mọi hình-thức tuỳ-tiện, qua nó tôi thật-sự tiếp-cận cái vĩnh-cửu, nó nâng tôi lên hoà-nhập vào cộng-đoàn tế-lễ, một cộng-đoàn khác hẳn với cái do các uỷ-ban hoặc ban tổ-chức lễ-hội tự nghĩ ra.

Tôi tin rằng có một thứ chủ-nghĩa giáo-sĩ trị đã định hình, qua đó tôi hiểu hơn về đòi-hỏi truyền chức linh-mục cho phụ-nữ. Người ta coi con người linh-mục là quan-trọng, đòi vị này phải có năng-khiếu và phải thủ-diễn xuất-sắc vai-trò mình; họ coi ông mới thật-sự là trọng-tâm của buổi lễ. Rốt cuộc người ta phải tự hỏi: Tại sao lại phải chỉ là loại người đó? Trái lại, nếu vị linh-mục chịu dấu con người mình đi và chỉ hiện-diện như một đại-diện đơn-thuần thi-hành việc đức tin, thì người ta sẽ không còn tập-chú vào con người của ông nữa, và lúc đó hẳn một cái gì lớn-lao sẽ xuất-hiện. Tôi tin như thế người ta sẽ nhận ra rõ hơn cái lực và sức mạnh của truyền-thống không bị làm méo-mó. Cái đẹp và cái cao-cả của nó sẽ đánh-động cả những tâm-hồn không thể hấp-thụ mọi tiểu-tiết và hiểu chúng bằng lí-trí. Trung-tâm điểm lúc đó chỉ còn là lời Chúa được loan-truyền và diễn-giải.

Hỏi: Như vậy, để chống lại tình-trạng cào bằng và phá thiêng đó, cần phải khởi-động lại phụng-vụ cũ?

Nếu chỉ có thế thì cũng chẳng giải-quyết được gì. Theo tôi, cần độ-lượng hơn nữa cho những ai muốn duy-trì phụng-vụ cũ. Điều này chẳng có chút gì gọi là nguy-hiểm hay không thể chấp-nhận được. Một cộng-đoàn bỗng dưng cấm ngặt cái mà cho tới lúc đó vẫn được kể là cực thánh và cực cao-cả và coi việc đòi-hỏi những thứ này là bất chính, thì hẳn là có vấn-đề. Vì như vậy còn gì để tin vào cộng-đoàn đó? Có thể mai đây cộng-đoàn đó lại cấm những gì là lệnh của hôm nay? Tuy nhiên, chỉ trở về với cái cũ, như đã nói, cũng không phải là giải-đáp. Từ 30 năm nay văn-hoá chúng ta đã biến-đổi tận căn, khiến việc quay trở lại phụng-vụ toàn bằng tiếng la-tinh sẽ là một cái gì lạ-lẫm không thể thích-ứng nổi đối với nhiều người. Điều chúng ta cần hiện nay là một huấn-luyện mới về phụng-vụ, đặc-biệt cho cả các linh-mục. Phải làm cho người ta hiểu rằng khoa-học phụng-vụ không nhắm tới việc đưa ra đều-đặn những kiểu-mẫu mới như trong kĩ-nghệ xe hơi. Nhưng mục-đích của nó là dẫn con người vào cuộc lễ, giúp cho con người có thể cảm được cái mầu-nhiệm. Ở điểm này, ta nên học nơi Giáo-hội đông-phương và cả nơi các tôn-giáo hoàn-cầu, vì họ tất-cả đều hiểu rằng phụng-vụ là cái gì khác hơn việc sáng-tạo ra kinh sách và nghi-lễ, là cái gì không thể lạm-dụng được. Tuổi trẻ cảm-nhận điều này rất rõ. Họ đổ nhau về những trung-tâm, nơi phụng-vụ được cử-hành một cách long-trọng và trang-nghiêm không lố-bịch, cho dù họ không hiểu hết những lời họ nghe. Chúng ta cần nhiều trung-tâm như thế. Tiếc thay, chúng ta vô cùng dễ-dãi với những trò chơi phiêu-lưu, nhưng trái lại đối với phụng-vụ cũ chẳng có chút bao-dung nào cả. Chắc-chắn đó là con đường sai.

Hỏi: Người ta có thể xác-định được cơn khủng-hoảng của Giáo-hội bắt đầu từ lúc nào không? Đó là hậu-quả của những lỗi-lầm quá-khứ? Phải chăng Giáo-hội đã chồng-chất quá nhiều hành-trang phế-thải, quá nhiều nợ-nần, để bây giờ phải lãnh hậu-quả?

Một mặt, dĩ-nhiên là có sự liên-tục lịch-sử, ta không thể tránh-né nó được. Cũng như lịch-sử nước Đức với tất-cả những cái xấu cái tốt có ảnh-hưởng trên mọi thế-hệ, lịch-sử Giáo-hội cũng thế. Câu hỏi đặt ra: Đâu là những gánh nặng, trong đó có cả những lỗi-lầm, mà ta phải biết và thú-nhận? Nhưng bên cạnh cũng có những cái mới nơi từng thế-hệ đang sống.

Ở đây tôi muốn đề-cập tới cuộc khủng-hoảng với những nguồn-gốc không quá xa trong lịch-sử. Ngay các hoàn-cảnh lịch-sử hiện-đại cũng tạo ra đỉnh cao và vực sâu nơi Giáo-hội. Tôi luôn dùng ví-dụ này để luận-chứng: Khi chủ-nghĩa tự-do (Liberalismus) rộ nở, trong nội-bộ Giáo-hội cũng nẩy ra cuộc tranh-luận về thuyết tiến-bộ (Modernismus), mà Pi-ô X đã có phản-ứng rất mạnh. Sau thế-chiến thứ nhất cuộc tranh-luận bỗng biến mất. Ngày nay nhiều người bảo rằng, lẽ ra thời đó mình phải tranh-luận vấn-đề cho ngã-ngũ, thay vì nhấn chìm chúng. Tuy nhiên, trên thực-tế, thế-chiến thứ nhất được coi là sự thất-bại của chủ-nghĩa tự-do, và chủ-nghĩa này – được coi là lực hướng-đạo tinh-thần của thời đó – đã tàn-lụi theo cuộc chiến. Như vậy thời đó một tình-trạng ý-thức hoàn-toàn mới bổng-nhiên trỗi lên, không những trong Công giáo, mà cả trong thế-giới Tin-lành. Harnack[5], bậc đại-sư của thần-học tự-do, rút lui dành chỗ cho Karl Barth[6] với niềm tin mới cực-đoan của ông; Erik Peterson, nhà chú-giải Kinh thánh lỗi-lạc của Tin-lành và là sử-gia, quay về với Công giáo. Một phong-trào phụng-vụ mới trỗi dậy trong giáo-hội Tin-lành, nơi mà trước đó với nền thần-học tự-do người ta đã kịch-liệt chống-đối lễ-bái. Điều đó có nghĩa là những vấn-đề của thuyết tiến-bộ bỗng dưng chẳng còn được thế-hệ mới với hoàn-cảnh mới quan-tâm chút nào nữa. Chúng ta có thể nhận rõ biến-chuyển đó qua cuốn tiểu-sử tự thuật của Romano Guardini[7], ông này theo học trong thời chủ-nghĩa tự-do, sau đó lại có lập-trường quyết-liệt chống lại chủ-nghĩa tự-do.

Tình-trạng trên còn kéo dài thêm một thời-gian sau thế-chiến thứ hai. Nhưng rồi, rất nhanh, thế-giới phồn-vinh xuất-hiện, còn vượt trội hơn cả thời Belle Époque[8] nữa. Nhờ đó một thứ chủ-nghĩa tân tự-do xuất-hiện, và cũng từ đó Ki-tô giáo bỗng dưng bị coi là lạc-hậu, ngược đời và phản-chứng hơn cả tình-trạng trước thế-chiến thứ nhất.

Nói ra như vậy để hiểu rằng các hiện-tượng khủng-hoảng cũng phải được nhìn trong bối-cảnh lịch-sử mỗi thời-đại. Cho tới một điểm nào đó tôi công-nhận Karl Marx đúng, khi ông bảo tình-trạng ý-thức của một thời-đại là phản-ảnh của toàn-bộ cơ-cấu xã-hội và kinh-tế thời-đại đó.

Hỏi: Biết đâu có thể những nỗ-lực tự thanh-tẩy mạnh-mẽ cũng đang tác-động trong tiến-trình suy-thoái hiện nay của Giáo-hội?

Tôi xác-tín những nỗ-lực tự thanh-tẩy đang hoạt-động. Nhưng dĩ-nhiên không nên đơn-giản hiểu rằng sự mất-mát đức tin, chán-chường trong đức tin tự chúng là những tiến-trình tự thanh-tẩy. Tình-thế cống-hiến cơ-hội thanh-tẩy, nhưng không phải ai cũng sử-dụng nó như nhau. Ở đây lại phải trở về với chuyện bám vào tài-sản và định-chế như đã nói trên. Hoàn-cảnh có thể dẫn tới thanh-tẩy. Nhưng không chỉ vì thoái-trào mà người ta đương-nhiên chịu thanh-tẩy.

Hỏi: Khó mà đo mức-độ thành-công của Giáo-hội, ít ra không thể dùng các tiêu-chẩn chính-trị hay kinh-tế, dùng số đảng-viên hay lượng thu-nhập để đo được. Tuy nhiên đức Ki-tô có nói với mấy người quản-lí đã được chủ giao tài-sản, là họ phải trông-coi và làm tăng-gia của-cải đó – đặc-biệt kể cả bằng phương-tiện thiếu chính-thống.

Câu hỏi đầu tiên là phải diễn-dịch dụ-ngôn sao cho đúng? Việc Chúa dùng câu chuyện ngân-hàng, dùng việc thương-mại để khuyên người ta sinh lời món tiền sẵn có, chớ nên hiểu là Ngài muốn dạy về phương-pháp. Cả chuyện Chúa nói về người quản-lí bất chính – một dụ-ngôn đặc-biệt khó hiểu –, Ngài nói: Dù sao anh ta cũng đã tìm được một lối giải-quyết, hãy khôn-ngoan như anh ta. Đây không có nghĩa là ta nên sử-dụng các phương-tiện lường-gạt. Nhưng phải hiểu là ta cũng phải khôn-ngoan, tỉnh-táo và biết nắm cơ-hội; rằng ta cũng phải có chút tưởng-tượng và sáng-tạo. Dụ-ngôn chắc-chắn cũng có nghĩa là, nếu ngây-thơ và vững tin tâm-niệm rằng tôi đạo-đức, tôi hạnh-phúc theo kiểu-cách của tôi, còn những gì người khác làm thì chẳng liên-can gì tới tôi cả, hành-xử như thế chắc-chắn là bất-cập. Đức tin thật ra là một món quà tôi nhận được để tặng tiếp cho người khác, là thứ không ai có thể có được trọn-vẹn nếu chỉ muốn giữ cho riêng mình.

Một Ki-tô giáo được đón-nhận thực-sự trong tâm-hồn luôn bao-hàm động-lực thôi-thúc tôi phải chia-sẻ nó với người khác. Nếu tôi khám-phá ra một lối đi, một lối hành-xử đúng, rồi tự bảo, à như vậy là đủ cho tôi rồi, thì cách ứng-xử đó là sai. Bởi như thế là chính lúc đó tôi phá-hủy cái tôi đã khám-phá. Cũng hệt như khi ai đó gặp được niềm vui lớn mà không muốn thông-báo cho kẻ khác biết thì đó chẳng phải là niềm vui đích-thực. Như vậy quả thực động-lực trao tặng là một thành-tố của sứ-mạng mà Chúa Ki-tô đã trao lại cho môn-đệ mình; cũng như việc Ngài khuyến-khích ta có sáng-kiến và can-đảm, dù có phải đương-đầu với nguy-cơ mất-mát. Vì thế ta không thể bình chân như vại mà nói, không sao, Chúa đã không hứa là có đông-đảo quần-chúng đi theo, Ngài không nhắm tới thành-công, chúng tôi đã làm hết bổn-phận mình, còn việc ai theo ai không thì rồi ra sẽ hay. Giáo-hội luôn phải có tâm-trạng bất an gây nên bởi ý-thức rằng mình đã nhận được một món quà dành cho cả nhân-loại.

Mặt khác cũng có lời: “Tôi phái anh em đi như chiên giữa bầy sói”, và “Anh em sẽ bị bách-hại”. Như thế có nghĩa là Chúa báo trước cho biết công-việc của ta cũng luôn gắn liền với chính số-phận của đức Kitô. Và tôi tin rằng ki-tô-hữu phải sống trong tình-trạng căng-thẳng đó. Không thể có tình-trạng tự-mãn theo nghĩa: Chúng tôi đã đạt mức rồi, không thể hơn được nữa – trái lại nghĩa-vụ Chúa trao cho ta luôn mới, đòi-hỏi ta phải là những quản-lí giỏi, biết tìm cách sinh lợi như Chúa dạy, nhưng đồng thời chẳng bao giờ có được trong tay thành-công trọn-vẹn.

______________________

[1] Vaclav Havel: Thi-sĩ và kịch tác-gia người Tiệp, đứng đầu một nhóm trí-thức chống lại chế-độ cộng-sản và sau khi cộng-sản nước này đổ đã được dân bầu lên làm tổng-thống nước Tiệp.


[2]
 Singer (1907-199): Nhà văn Ba-lan gốc Do-thái, di cư qua Mỹ năm 1935, giải Nobel văn-chương năm 1978.


[3]
 Chassidim: một giáo-phái Do-thái giáo tại Đông Âu.


[4]
 Chòi lá: Tín-hữu Chassidim thường mừng lễ mùa truyền-thống trong các chòi lá hoặc trong phòng trang-hoàng với lá cây.


[5]
 Harnack (1851-1930): Nhà sử và thần-học tin lành người Đức.


[6]
 Barth (1886-1968): Nhà thần-học tin-lành, người Thụy-sĩ.


[7]
 Guardini (1885-1968): linh-mục, triết-gia tôn-giáo và nhà thần-học, lãnh-đạo phong-trào thanh-niên và phong-trào phụng-vụ tại Đức.


[8]
 Belle Époque: thời hoàng-kim ở Âu châu, quãng từ 1890 tới 1914, một thời hoà-bình, xã-hội trở nên giàu-có nhờ kĩ-nghệ và kĩ-thuật tân-tiến, nhờ phúc-lợi mới cuộc sống con người đâm ra buông-thả.