Chia Sẻ Lời Chúa

Vào khoảng đầu tháng Tám vừa qua (Aug 5, 07), một hồng y nổi tiếng của nước Pháp đã từ trần khi được 80 tuổi, đó là Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Pháp trong khoảng một phần tư thế kỷ (TGM Balê từ 1981-2005), và ngài đã đóng góp nhiều cho việc đối thoại tôn giáo giữa Công Giáo và Do Thái Giáo. 
 
Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger nổi tiếng vì ngài là một người Do Thái gốc Ba Lan nhưng trở lại Công Giáo lúc 14 tuổi, tên rửa tội là Jean-Marie Lustiger. Sau đó 2 năm, khi Đức Quốc Xã chiếm đóng một phần nước Pháp thì mẹ của ngài bị bắt và chết trong trại giam Auschwitz (1942). Gia đình ngài, gồm người cha và cô em thì thoát được trại tử thần nhưng người cha rất cay đắng với sự trở lại Công Giáo của con mình. Khi Lustiger chịu chức linh mục năm 1954, trong buổi lễ tấn phong ông bố không chịu ngồi trên hàng ghế dành riêng mà đứng ở cuối nhà thờ. Mỗi lần Cha Lustiger về thăm nhà, để tránh sự căng thẳng giữa cha con, ngài thường cởi áo giáo sĩ mà mặc áo thường. Và sau cùng, để giải quyết sự căng thẳng cả hai đồng ý là sẽ không đề cập đến chuyện trở lại đạo Công Giáo. Mãi cho đến khi ông bố từ trần thì ông mới gọi tên con bằng tên rửa tội, "Jean-Marie". 
 
Câu chuyện gia đình của ĐHY Jean-Marie Lustiger giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay, "Anh em tưởng rằng Thầy đến để đem hoà bình cho thế gian sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, …; cha mẹ chống lại con cái, con cái chống lại cha mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.
 
Sự chia rẽ trong gia đình của ĐHY Lustiger có thể thấy được lý do dễ dàng--vì sự khác biệt tôn giáo--nhưng còn đối với các tín hữu Kitô thì sao? Nếu chúng ta là những người cùng tin vào Chúa Giêsu thì gia đình chúng ta phải có bình an, có hạnh phúc, có phải không? Trên thực tế không phải như vậy mà có nhiều gia đình đau khổ tuy đều là người Công Giáo. 
 
Sau đây là một vài thí dụ. 
 
Gia đình ông bà Trần sắp sửa có cô con gái lấy chồng. Đây là một niềm vui lớn lao cho gia đình vì đó là cô con gái đầu lòng và vị lang quân tương lai là một bác sĩ nha khoa, trẻ trung, đẹp trai và có lòng đạo đức. Trong thời gian hai người tìm hiểu, hai gia đình cũng quen biết nhau qua các bữa ăn thân mật. Mọi sự dường như trôi chảy tốt đẹp, cho đến khi bàn tính các nghi lễ cưới hỏi thì bắt đầu có những bất đồng. Bên nhà trai thì muốn đám cưới sẽ xảy ra vào tháng Bảy, vì là dịp nghỉ hè nên thuận tiện cho những bà con ở xa về tham dự, nhưng bà Trần thì lại không chịu. Lý do được bà đưa ra là vì, "tháng Bảy là tháng mưa ngâu, làm đám cưới dịp này xui lắm!" Ông bố chú rể trả đũa, "bên Mỹ này làm gì có mưa ngâu mà xui với xẻo!" Bà Trần cũng không vừa, "Không có mưa ngâu, nhưng có 'hurricane', lại càng xui bạo!" Thế là giữa hai bên nhà trai và nhà gái đã có sự chia rẽ. Ông Trần cũng thấy khó chịu với thái độ của bà vợ, và lúc đó cô con gái mới thấy rằng mẹ mình chỉ là một người Công Giáo bề ngoài, tin dị đoan hơn tin Chúa. 
 
Câu chuyện thứ hai xảy ra giữa gia đình anh em nhà họ Nguyễn. Người em sang Mỹ lâu hơn người anh nên cũng làm ăn khá giả hơn người anh, nhưng vợ của người em là một người rất tính toán chứ không rộng rãi như chồng. Một ngày kia, người anh đến mượn tiền người em để làm ăn. Dĩ nhiên là người em rất sẵn sàng, nhưng vì là một số tiền lớn nên người em cần phải bàn lại với vợ. Khi nghe chồng hỏi ý kiến, cô vợ của người em cho biết là sẵn sàng cho mượn nhưng với một điều kiện là phải dùng căn nhà của người anh làm thế chân, phải làm giấy tờ sang tên để sẵn đó, phòng khi người anh không trả được, đó là chưa kể phân lời còn cao hơn cả ngân hàng. Người em cảm thấy cay đắng với vợ vì tình nghĩa anh em bị coi nhẹ hơn đồng tiền. 
 
Trong thực tế đời sống còn biết bao câu chuyện đau thương xảy ra trong một nơi thường được mệnh danh là "mái ấm gia đình." Đó là điều cay đắng. Cay đắng hơn nữa là sự đau thương, chia rẽ ấy lại xảy ra ngay trong những người mang danh là Kitô Hữu mà vị sáng lập tôn giáo lại là người luôn đề cao yêu thương, tha thứ, hy sinh! Tại sao lại như vậy? 
 
Chúng ta đang sống trong thời đại của phương tiện truyền thông, nên có thể nói không thể nào chúng ta không biết đến Chúa Giêsu, đến lời giảng dậy của Người qua sách vở, qua internet. Ngoài ra, chúng ta còn được biết những tấm gương anh hùng của các nhân chứng Phúc Âm từ xưa đến nay thường được gọi là các thánh. Vậy trở ngại chính yếu không phải là chúng ta không biết đến lời Chúa, nhưng trở ngại lớn nhất là ý riêng của mỗi một người. Chính ý riêng đó là nguyên do khiến con người tiếp tục sa đọa trong tội lỗi, tiếp tục trầm luân trong đau khổ, và đó là nguyên do gây chia rẽ trong gia đình: cha mẹ chống đối con cái, anh chị em chống đối lẫn nhau. 
 
Chúa Giêsu là Đường và là Sự Thật nhưng chúng ta có muốn theo con đường của Chúa và có muốn yêu quý sự thật hay không? Người cha của ĐHY Lustiger đã bám víu lấy truyền thống của tổ tiên dòng họ mà không muốn chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa để cho phép con mình theo Kitô Giáo. Nhiều người Công Giáo Việt Nam cũng là nạn nhân của những gia đình đưa ra truyền thống dân tộc để cản trở người khác theo Chúa Kitô. 
 
Chúa Giêsu là Tình Yêu và Người đã phải trả một giá rất đắt cho tình yêu đó, nhưng chúng ta có muốn hy sinh, từ bỏ hận thù, ghen tương, giành dựt để đem lại bình an, hạnh phúc cho chính chúng ta và cho người chung quanh hay không? 
 
Chúa Giêsu là Sự Sống nhưng chúng ta có chạy đến với Chúa để tìm câu trả lời mỗi khi có thử thách, có đau khổ trong đời sống, hay chúng ta đi tìm câu trả lời ở quyền lực, ở các phương tiện tạm bợ của trần gian? 
 
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng có những vị tử đạo không vì áp lực của gia đình mà bỏ đạo. Tỉ như trong cuộc bắt đạo dưới thời Minh Vương (1700), có bà Agnes Bưởi bị bắt khi đưa xác cha từ Đồng Nai về quê chôn cất ở Nha Trang. Bà có 2 con nhỏ, 7 và 10 tuổi. Sau khi biết tin bà bị bắt vì theo đạo, ông chồng đưa hai con đến dụ dỗ bà bỏ đạo để về với chồng con, bà can đảm nói với chồng: "Này anh, em xin anh đừng khóc lóc buồn phiền. Chính Chúa thương cho em được ơn trọng như thế này. Ðó là một vinh dự cho cả anh và các con, sao anh lại khóc. Em xin anh một lần nữa đem hai con về nhà chăm sóc chúng nó, dậy chúng biết kính sợ Thiên Chúa và nhắc chúng rằng em vẫn nhớ đến anh và các con trong nước Thiên Ðàng. Em hy vọng sẽ được phúc tử đạo sớm". Và bà Agnes đã được toại nguyện, bà được tử đạo đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, 25-12-1700. 
 
Qua tấm gương của ĐHY Jean-Marie Lustiger và các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta mới thấy ý nghĩa của bài đọc II mà Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta: "Anh chị em thân mến, phần chúng ta, được biết bao nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì trong cuộc chạy đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin… Hãy nghĩ đến Đấng đã cam chịu biết bao chống đối của kẻ tội lỗi, để anh chị em đừng sờn lòng nản chí. Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu". 
 
Chúa Giêsu đem lửa xuống thế gian và Người ao ước lửa ấy bùng cháy lên. Lửa ấy là gì? Qua cuộc đời và lời rao giảng của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tóm tắt lửa ấy là lửa yêu mến, khao khát "Nước Cha được trị đến, ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời." Chúa Giêsu bừng cháy vì tình yêu nhân loại, vì nóng lòng muốn đưa mọi người về với Chúa Cha qua cái chết của Người trên thập giá—đó cũng là một sự thanh tẩy, không phải bằng nước nhưng bằng máu, không để thanh tẩy chính Người nhưng để tẩy sạch tội lỗi nhân loại. Và Chúa Giêsu đã sống theo ý của Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng. 
 
Qua cuộc đời của Chúa Giêsu, Người đã khai mở một con đường để đưa loài người về với Thiên Chúa, nhưng con đường ấy không phẳng phiu, trơn tru như chúng ta mong muốn. Chúa Giêsu đã sống con đường ấy không phải vì Người thích đau khổ, hoặc muốn thấy chúng ta đau khổ, nhưng chỉ vì Người là Chân Lý nên lối sống của Người thường ngược với sự gian dối, mánh mung của thế gian, bởi thế những ai theo Chúa thường bị đau khổ vì thua thiệt khi sống ngay thẳng, liêm chính. Lối sống của Chúa là nhân từ, thông cảm nên thường ngược với vũ lực, hận thù, tranh giành, bởi thế những ai theo Chúa thường là nạn nhân đau khổ hơn là kẻ chiến thắng. Lối sống của Chúa là để giúp chúng ta thanh luyện linh hồn để được hợp nhất với Chúa Cha, bởi thế thường trái ngược với lối sống dễ dãi, tội lỗi của thế gian. Tuy nhiên, chúng ta có sự lựa chọn. 
 
Theo Chúa thì đi vào con đường hẹp, theo thế gian thì ung dung thoải mái, rộng rãi thênh thang, nhưng con đường ấy sẽ đưa chúng ta đến đâu? Từ bỏ ý riêng của mình mà theo ý Chúa thì không phải dễ, vì chúng ta phải bớt đi sự kiêu ngạo mà biết khiêm tốn nhìn thấy thiếu sót của chính mình; theo ý Chúa thì phải thông cảm với khuyết điểm của người khác để đem lại sự hài hòa; theo ý Chúa thì phải kiên nhẫn chịu đựng thua thiệt, nhưng đem lại bình an cho tâm hồn. Gia đình chúng ta có bình an, có niềm vui hay không là tùy thuộc sự lựa chọn của mỗi người chúng ta. 
 
Pt Giuse Trần Văn Nhật