Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA - CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA

Fr. M. Bảo Tịnh Ocist 

Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca 
Lễ thánh Biển Đức 11.07.2010

Nhân dịp kỷ niệm hai thông điệp lớn về Kinh Thánh (100 năm và 50 năm), năm 1993 Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã xuất bản một tài liệu quan trọng về “Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội”. Ủy ban này nhận thức tầm quan trọng của Lectio divina:

“Lectio divina là việc cá nhân hay cộng đoàn đọc một bản vắn Kinh Thánh, dài hay ngắn, tiếp nhận như là Lời Chúa và khai triển dưới tác động của Thánh Linh trong suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm.

Thường xuyên hoặc mỗi ngày đọc Kinh Thánh đáp ứng với cách thực hành cổ xưa trong Hội Thánh... Việc thực hành Lectio divina dưới hai hình thức, cá nhân và cộng đoàn, đẽ trở lại thời sự. Mục đích muốn đạt được đó là khơi động và nuôi dưỡng “một tình yêu thiết thực và bền vững” đối với Kinh Thánh, nguồn của đời sống nội tâm và đem lại hiệu quả cho việc tông đồ, giúp hiểu tốt hơn về phụng vụ và bảo đảm cho Kinh Thánh có một chỗ quan trọng trong việc học thần học và cầu nguyện... Cầu nguyện phải song hành với việc đọc Kinh Thánh, bởi vì cầu nguyện là đáp lại Lời Chúa được gặp thấy trong Kinh Thánh dưới sự linh hứng của Thánh Linh...”

--------------------------------------------------

Maurice Zundel: “Kinh Thánh là một Bí Tích, là tấm màn che. Qua đó, chúng ta phải khám phá ra khuôn mặt Tình Yêu”.

Benoît XVI: Ngày 16.09.2005, ĐTC Bênêdictô XVI đã khích lệ áp dụng Lectio divina trong dịp kỷ niệm 40 năm công bố hiến chế Dei Verbum của Công Đồng Vaticanô II về Mạc Khải: “Tôi muốn đặc biệt nhắc lại và khích lệ áp dụng truyền thống xa xưa của Lectio divina: việc đọc áp dụng Sách Thánh kèm theo cầu nguyện đem đến cuộc đối thoại mật thiết trong đó người đọc nghe Chúa nói, và trong cầu nguyện đáp lại lời Chúa và tin tưởng phó thác cho Chúa qua việc mở rộng lòng (x. Dei Verbum 25 18.11.1965). Nếu lectio divina được đem ra thực hiện đúng đắn, tôi xác tín rằng sẽ đem lại cho Hội Thánh một sự canh tân thiêng liêng”.

Anselme Osb: “Người ta có thể thánh thiện, rất thánh thiện mà không biết gì đến thần học, nhưng không thể thánh thiện được nếu không lắng nghe Lời Chúa, không tháp nhập vào Lời Chúa trong đức tin, không gắn bó với Chúa Ki-tô, Đấng là Sự Thật, là Ngôi Lời nhập thể, nếu không để Chúa Thánh Thần dẫn đưa mình đi trong khiêm nhu và tin tưởng”.