Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

“Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”

(S. Jérôme)

“Biết”: Biết đây, không phải chi là một cái biết tầm thường, hoặc một cái biết chỉ thuần kiến thức. Có nhiều nhà thông thái rất biết Chúa Kitô qua kiến thức, nhưng thật ra vẫn chẳng “biết: tí nào... Phải biết theo chữ “biết” mà Mẹ Maria đã sử dụng để đối thoại với thiên thần: “Việc ấy xảy ra thế nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng”? (Lc 1,34) (PVCGK): “Comment cela se fera-t-til puisque je n’ai pas de relations conjugales”? (TOB). Bản dịch Phụng vụ HĐGMVN: “Việc đó xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến người nam”.

BIẾT”: dĩ nhiên phải qua học hỏi, nhưng biết ở đây phải qua giao tiếp, qua kết hiệp, qua trao thân... Và để biết Chúa theo cách này, chúng ta có một phương thế vô cùng hữu hiệu, vô cùng dễ dàng mà các đan sĩ ẩn tu rừng vắng xưa kia, các Giáo Phụ, các vị đại thánh trong Giáo Hội, và muôn muôn tâm hồn đạo đức đã và vẫn thực hiện, đó là LECTIO DIVINA.

Câu chuyện về cầu nguyện: 

Một hôm, một vị chức sắc nghe nói về một tập thể những vị ẩn sĩ hiện sinh sống ở một hòn đảo. Ông quyết định đến thăm dò xem có phải họ là những nhà chiêm niệm đích thực hay chỉ là một nhóm những kẻ cuồng tín. Vị chức sắc gặp những vị ẩn sĩ đang ở gần bờ biển. Ông liền tra vấn các vị ẩn sĩ như sau:

-          Có ai trong các vị ở đây đã đọc tác phẩm Đêm Tối Tâm Hồn của thánh Gioan Thánh Giá chưa?

Tất cả các vị ẩn sĩ đều lắc đầu. Vị chức sắc lại tiếp tục hỏi:

- Còn về Lâu Đài Nội Tâm của thánh Têrêsa Avila thì sao?

Một lần nữa, các vị ẩn sĩ cũng lắc đầu không biết. Vị chức sắc tiếp tục vặn hỏi các vị ẩn sĩ về linh đạo và những kinh nghiệm thiêng liêng điển hình của những vị thánh và những nhà chiêm niệm đã có tên tuổi trong Giáo Hội, nhưng chẳng có một ai trong số những vị ẩn sĩ biết về những nhân vật đó. Vị chức sắc hết sức kinh ngạc và thốt lên:

-          Thực là khó chịu làm sao. Các vị tự xưng mình là những vị ẩn sĩ, những nhà chiêm niệm, vậy mà chẳng có một ai trong số các vị biết gì về linh đạo và cầu nguyện cả.

Vị chức sắc bực bội quay lưng lại các vị ẩn sĩ và lập tức lên thuyền trở về nhà. Nhưng vừa bước lên thuyền thì trời mưa như trút, biển động mạnh, vị chức sắc cằn nhằn rằng:

- Thật là khủng khiếp nếu tôi bị kẹt lại ở đây, giữa những người giả danh là ẩn sĩ này. Những người này chẳng có chút kiến thức gì về cầu nguyện cả. Thấy vị chức sắc chê trách, các vị ẩn sĩ cầu nguyện cho ông rằng:

-          Lạy Chúa, xin làm cho trời quang mây tạnh để vị khách đáng kính của chúng con có thể ra về bình an.

Chỉ một lúc sau, trời yên biển lặng và chẳng còn mưa bão gì cả, những tia nắng đã xuất hiện, bầu trời trở nên rạng rỡ tươi tắn.

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa hai cách “biết” như vừa nói qua .

Lectio divina là cầu nguyện, cũng có thể hiểu đó là một phương pháp cầu nguyện, đọc Kinh Thánh để đi vào thông hiệp với Chúa. Đây là một cách thế cầu nguyện với Kinh Thánh, đòi hỏi phải đọc, suy nghĩ, lắng nghe và cuối cùng là cầu nguyện khởi đi từ Lời Chúa.

 

Những nguyên tắc của Lectio divina đã được bàn đến ngay khoảng năm 220 với Origène. Ông đã quả quyết rằng, để đọc Kinh Thánh có hiệu quả, cần thiết phải chăm chú, bền bỉ và cầu nguyện. Lectio divina đã được thánh Ambroise đưa vào Châu Âu.

Origène cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đọc Kinh Thánh phải chú ý trên nhiều cấp độ tùy theo ý nghĩa.

Do vậy Lectio divina đã được thực hành theo học thuyết bốn ý nghĩa của Kinh Thánh, cũng do Origène trình bày. Và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 1983 đã viết:

Các nghĩa được dùng trong Thánh Kinh

(Trích dẫn trong Sách Giáo Lý của GHCG 1983)

115  Theo một truyền thống cổ xưa, có thể phân biệt hai nghĩa được dùng trong Thánh Kinh: nghĩavăn tự vànghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng được chia thành nghĩa ẩn dụ, luân lý và thần bí. Sự hòa hợp sâu xa của bốn nghĩa này bảo đảm cho việc đọc Thánh Kinh cách sống động trong Hội Thánh được phong phú tối đa:

116  Nghĩa văn tự: Ðây là nghĩa mà lời Thánh Kinh nêu lên và được khoa chú giải khám phá ra khi tuân theo những qui luật để giải nghĩa đúng. "Tất cả các nghĩa trong Thánh Kinh đều dựa vào nghĩa văn tự" ( Thánh Tô-ma Aquinô. Tổng luận 1, 1, 10, 1. ).

117  Nghĩa thiêng liêng : Nhờ sự thống nhất trong ý định của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả các thực tại và biến cố được bản văn đề cập đến, đều có thể là những tiên trưng.

1. Nghĩa ẩn dụ: Chúng ta có thể hiểu thấu đáo hơn các biến cố bằng cách nhận ra ý nghĩa của nó trong Ðức Ki-tô. Ví dụ cuộc vượt qua Biển Ðỏ là tiên trưng cuộc chiến thắng của Ðức Ki-tô, do đó cũng là tiên trưng của phép Thánh Tẩy ( x. 1Cr 10, 2).

2. Nghĩa luân lý  Các biến cố được Kinh Thánh thuật lại phải dẫn chúng ta đến một cách ăn ở chính trực. Các biến cố đó được viết ra "để răn dạy chúng ta" (1 Cr 10, 11) ( x. Dt 3-4, 11).  

3. Nghĩa thần bí: Chúng ta có thể đọc thấy ý nghĩa vĩnh cửu của các thực tại và biến cố, khi chúng hướng chúng ta về Quê Trời. Ví dụ Hội Thánh dưới đất là dấu chỉ Giê-ru-sa-lem trên trời ( x. Kh 21, 1-22, 5).

118  Hai câu thơ thời trung cổ tóm tắt ý của bốn nghĩa như sau :

Nghĩa văn tự dạy về biến cố, 
Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, 
Nghĩa luân lý dạy điều phải làm, 
Nghĩa thần bí dạy điều phải vươn tới

(Rotulus prigiecaris I : ed A WALZ : 


Angelium 6 (1929) Augustin de Dace. ).

Lectio divina là công việc lắng nghe Chúa là Đấng nói với chúng ta qua Kinh Thánh. Cách thực tiễn, Lectio divina là thời gian đặc biệt mỗi ngày dành cho việc lắng nghe này. Trong một ý nghĩa nào đó, Lectio divina là nghệ thuật thiêng liêng đầu tiên. Nghệ thuật này, rất quan trọng, dạy cho chúng ta biết tiếp nhận “Lời mỗi ngày” thế nào và phải đem ra thực hành như thế nào. Đó là điều chúng ta xin trong kinh Lạy Cha khi chúng ta đọc: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” rồi “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Học sống nghệ thuật này luôn là điều khẩn thiết đối với Kitô hữu.

Chỉ riêng công việc lắng nghe cũng đã gồm tóm tất cả mọi huấn lệnh, và tất cả Tin Mừng. Tâm điểm của Kinh Thánh là yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Vậy yêu mến đó chính là lắng nghe Lời của Chúa Kitô và đem ra thực hành: “Nếu kẻ nào yêu mến Thầy, thì vâng giữ Lời Thầy” (Ga 14,23, x. Ga 14,15.21).

 

Công việc đầy đủ của lắng nghe được tóm tắt lại: “Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Đọc lên như thế thì chẳng có gì đơn giản hơn, nhưng thực tế cho thấy chẳng có thách đố nào đối với con người lại lớn bằng. Quả vậy:

1- Việc đem ra thực hành không phải chỉ là công việc của riêng con người. Nó không thể được thực hiện mà chỉ dựa trên sức của chúng ta. Hơn nữa

2- Lắng Nghe là công việc khởi đi từ Thiên Chúa: Chúng ta không chọn vài Lời đem vào thực hành, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng, theo cái nhìn khôn ngoan của Ngài, ban cho chúng ta “Lời của mỗi ngày”. Lời này sẽ thích ứng hơn đối với những nhu cầu thật và thiết thực nhất của chúng ta.

Trong khi thực hành việc Lắng Nghe, chúng ta gặp phải hai điều:

a- Vực thẳm ngăn cách giữa cái chúng ta biết (trí hiểu, tư tưởng) và điều chúng ta làm (ý muốn, hành động)

b- Chúng ta nhận định rằng ý muốn của chúng ta thì bệnh hoạn, nó làm khác với việc đem ra thực hành Lời Chúa được đón nhận.

3. Chúng ta không biết phải làm gì để thoát ra được; khía cạnh thực hành: việc Lắng Nghe vượt thoát khỏi chúng ta. Chính Lectio divina sẽ dạy chúng ta một cách thực tế làm cách nào để lấp đầy vực thẳm này.

Theo các luật đan tu của các thánh Pacômiô, Augustinô, Basiliô và Biển Đức, việc thực hành Lectio divina, cùng với việc lao động và tham dự vào đời sống phụng vụ, là một trong ba cột trụ của đời đan tu.

Việc hệ thống hóa Lectio divina thành bốn giai đoạn có từ thế kỷ 12. Vào khoảng năm 1150, Guigues II le Chartreux, một đan sĩ Chartreux kế vị thánh Bruno, đã viết một lá thư nhan đề “Chiếc thang của đan sĩ” (Scala Claustralium), trong đó ngài thiết lập phương pháp bốn giai đoạn: đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm. Đọc để tìm kiếm cuộc sống hạnh phúc, suy niệm tìm gặp được hạnh phúc, cầu nguyện để xin cho được hạnh phúc, chiêm ngắm là thưởng nếm hạnh phúc.

Tác giả Gia Đình Lectio Divina