II. LECTIO DIVINA LÀ GÌ?
Lectio divina trước hết là Sách Kinh Thánh, là Sách Thánh được đọc và suy niệm bằng đức tin, với sự đơn sơ, tai lòng mở rộng, hiện diện trước Tôn Nhan Chúa, trong an bình và thinh lặng: "Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe". Người ta phải được nuôi dưỡng trực tiếp bằng Lời Chúa, trực tiếp sống Lời Chúa, với tất cả tự do nội tại của người con Chúa. Lời Chúa tôi vừa nghe đây nói với tôi điều gì? Chúa nói với tôi điều gì?. "Hãy nghe, hỡi con, hãy ghé tai lòng con" (Tu luật Biển Đức). Đó chính là ý thức của con tim, ý thức của nội tâm. Dĩ nhiên ý thức này của con tim cũng bao gồm trí tuệ (trí tuệ được soi sáng bởi chân lý: "Gustate et videte" (hãy nếm thử và hãy nhìn xem).
Người ta đi vào Kinh Thánh, người ta đọc Kinh Thánh để tiếp nhận Kinh Thánh bằng đức tin, như một lương thực thần thiêng. Người ta đọc Kinh Thánh để nghe Lời Chúa trong một giao tiếp riêng tư cá nhân, để nhận biết Chúa, để nghe Chúa đích thân trực tiếp nói với tôi, để lắng nghe điều Người muốn nói với tôi.
"Hỡi con, hãy biết rằng khi con tham dự thần vụ, thì con nói, con đàm đạo với Chúa, và khi con đọc Sách Thánh, thì qua mực và giấy, chính Chúa nói với con, giáo dục và dạy dỗ con những điều cần thiết để con sống trong Người" (Rabban Youssef Bousnaya, dans Pl. Deseille, L'Evangile au désert).
Mở sách Kinh Thánh và hãy nhìn thấy duy nhất một mình Chúa Giêsu. Chúa Thánh Linh thúc đẩy chúng ta mở Nhà Tạm Kinh Thánh. "Không nên xem sách Kinh Thánh như là một cuốn sách, cho dù là thiêng liêng, nhưng phải xem sách Kinh Thánh như là một Nhà Tạm, một nơi ưu tiên để gặp gỡ Bạn Tình Chí Ái”. Chính Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta nỗi niềm đói khát Bánh Lời Chúa. Cũng chính Người ban cho chúng ta trí thông minh để hiểu các bản văn Kinh Thánh. Một khi chúng ta làm công việc của mình thì Chúa Thánh Linh sẽ tiếp sức và làm cho chúng ta hưởng nếm Lời Chúa êm dịu dường nào! Thánh Linh làm cho Lời Chúa được sinh sản dồi dào trong chúng ta như ngày xưa nơi Trinh Nữ Maria vào ngày Lễ Truyền Tin (x. Isaia 55, 10-11).
Nhờ làm quen với Lời, chúng ta có thể đọc được những bí ẩn của con tim nơi gương mặt Chúa Kitô. Kinh Thánh là tấm lưới và phải nhìn khuôn mặt của Người Bạn Tình qua tấm lưới này, như được mô tả trong sách Diễm Ca: “Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song” (Dc 2,9).
Đọc Lời Chúa tức là tìm kiếm gương mặt Chúa Kitô, trên đó tỏa sáng vinh quang của Chúa Cha (2Cor 4,6: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng nời trên gương mặt Đức Kitô”).
“Mục tiêu riêng của Lectio divina, một mục tiêu duy nhất nói lên cái tên gọi của mình, là Kinh Thánh” (G.M. Colombas).
Qua Lectio divina chúng ta chuẩn bị tất cả để, trong tiến trình lectio-meditatio-oratio, một sự “viếng thăm của Ngôi Lời” có thể xảy ra (Bernard de Clairvaux); Như thế Lectio divina là mở ra cho việc Thánh Linh dẫn người cầu nguyện đi sâu thêm vào ý thức mối liên hệ đạo làm con đối với Cha. Rupert de Deutz viết rằng tình yêu được khơi động trong chúng ta nhờ việc đọc này là một diễn tả tác động của Thánh Linh, Đấng là tình yêu của Thiên Chúa. Cha ban cho chúng ta Kinh Thánh để trong Kinh Thánh ta học biết Con. Với Lectio divina, người cầu nguyện mở tai để lắng nghe, cầu nguyện qua lắng nghe; và, trong lắng nghe, cuộc sống của Thiên Chúa được mặc khải trong ta và đưa ta vào tham dự cuộc sống của Ba Ngôi. Ta thực hành Lectio divina, nhưng thật ra Lectio divina thể hiện diễn tiến đó.
Lectio là “divina” (thuộc về Chúa) khi Lectio divina là nơi gặp gỡ giữa Lời Chúa và trái tim, tâm lòng của con người: điều này không những chỉ xảy ra khi Lectio được thực hiện với bản văn Kinh Thánh là bí tích thật “chứa đựng Lời Thiên Chúa (DV 24), nhưng cả mỗi khi ta tiếp cận Kinh Thánh với ước mong triệt để tiếp nhận một sự Hiện Diện. Kinh Thánh đưa Lectio divina biến thành nghệ thuật gặp gỡ với Chúa qua hành trình từ lắng nghe đến nhận thức, và từ nhận thức đến tình yêu. Tiến động này ta nhận ra được trong Shema Israel (“hãy lắng nghe, hỡi Israel: Đức Chúa là Đấng Duy Nhất… Ngươi hãy yêu Đức Chúa” (Đnl 6,4-5) và là tâm điểm của tất cả Kinh Thánh (x. Mc 12,29-30: Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”), đó cũng là tiến động giao tiếp mà Lectio divina dẫn tới, và đạt đến việc tham dự vào tình yêu, có nghĩa là tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa: “Con hãy yêu mến”. Lectio divina là thế đó, tâm điểm của tất cả cuộc sống cải tiến, cải hóa, hối cải và thần hóa. Trong ý nghĩa này Lectio divina sẽ là một diễn tiến đưa người cầu nguyện đi vào sống, cử hành một bí tích, bí tích Lời: Qua đó người cầu nguyện gặp gỡ, tiếp nhận chính Chúa, để cho Chúa thần hóa mình.
ĐGH Léon XIII nói về tác động của Chúa Thánh Thần trong các tác giả được linh hứng viết Kinh Thánh:
“Nhờ sức mạnh siêu nhiên, chính Ngài đã linh hoạt và thúc đẩy viết và Ngài trợ giúp các tác giả đó khi họ viết, để họ suy nghĩ đúng, trung thành viết lại và diễn tả chính xác với một chân lý không hề lầm lạc tất cả những gì Ngài truyền cho họ viết, và chỉ viết điều Ngài truyền cho họ viết: nếu không, chính Ngài sẽ không là tác giả của toàn bộ Kinh Thánh”
(Léon XIII, Tông huấn “Providentissimus Deus”, 18.11.1893).
Tác giả Gia Đình Lectio Divina