Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

Chương III - VII

III. BẢN CHẤT CỦA LECTIO DIVINA

* Lectio divina chủ yếu là việc nhẩm đi nhắc lại Lời.

* Lectio divina là một trải nghiệm chuyên chú lắng Chúa nói với lòng ta.

* Lectio divina việc đọc, suy niệm Kinh Thánh, nhất là kéo dài trong cầu nguyện chiêm niệm.

* Lectio divina là liên hệ đối thoại trong đức tin và tình yêu giữa ta với:

- Chúa Kitô là Đấng nói với ta,

- Trong Chúa Thánh Thần là Đấng dạy bảo ta,

- và trong ánh mắt của Cha là Đấng nhìn ta.

* Lectio divina là một trải nghiệm đi vào nội tâm và trực tiếp dẫn chúng ta tiếp cận với Chúa một cách rất đặc biệt.

* Là một tìm kiếm “hợp nhất - thông hiệp - hiện diện” được thể hiện một cách tiệm tiến trải dài theo thao tác và thực hành Lectio divina.

* Lectio divina khác hẳn với việc học Kinh Thánh. Việc học tìm đắc thủ, chiếm hữu Lời - Lectio divina dẫn đến trao hiến mình và lụy phục Lời.

“Không có Thần Khí không thể nhận biết Ngôi Lời của Thiên Chúa; sự nhận biết Con Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần mà có”

Démonstration de la prédication apostolique,

Irénée de Lyon, 7).

IV. NGUỒN GỐC CỦA LECTIO DIVINA

 

* Ngay trong nhiệm cục cứu độ xa xưa của Ít-ra-en, người ta đã cầu nguyện bằng Lời và người ta đã lắng nghe Lời trong cầu nguyện (Nơ-khơ-mi-a ch. 8)

 

* Trong việc cử hành phụng vụ trong các Hội Đường thời Chúa Giêsu người ta cũng thực hiện như thế (Lc 4, 16-30);   Ga 7, 11-52; Ga 10, 22-42).

 

* Lectio divina là một gia bảo của Giáo Hội. Các Giáo Phụ và các đan sĩ đã thực hành Lectio divina ngay từ thuở đầu.

Đàng khác Lectio divina có một truyền thống thật phong phú đã ghi đậm nét cuộc sống kinh nguyện trải dài suốt 12 thế kỷ đầu của Giáo Hội.

* Từ khoảng thế kỷ 12 người ta đã bắt đầu lơ là với Lectio divina. Thay cho Lectio divina, người ta đưa Lời vào thành môn học tại các đại học ở Tây Phương, hoặc thực hành suy nguyện theo lối Kinh Viện, hoặc suy nguyện theo lồi Dòng Tên (dựa trên nội quan và tâm lý).

* Trong nhiều cộng đoàn tu, người ta hướng đến việc đọc sách thiêng liêng (nói chung) và Kinh Thánh không còn (hay không nhất thiết) là cuốn sách căn bản cho việc đọc.

* Tuy nhiên CĐ Vaticanô II (nhất là qua Hiến Chế Mạc Khải “Dei Verbum”  đã trả lại cho Lectio divina vị thế tối hảo ban đầu.

“Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết "khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3,8). "Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô". Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ Chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì "chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh" (MK, 25.)

 

V- NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA LECTIO DIVINA

 

* Đọc trong đức tin, cũng có nghĩa là chấp nhận sự khô khan của đọan văn này, sự khó hiểu của đoạn văn khác hoặc hầu như không thể áp dụng được. Quan trọng là cứ trung thành thực thi Lectio divina nếu muốn nhận được ơn Chúa và kiên trì sẽ đạt được những kết quả.

* Chúng ta hãy nhớ rằng cuộc đối thoại nghĩa thiết và thân tình không chỉ có trao đổi bằng lời, nhưng cũng có những lúc thinh lặng đầy ý nghĩa. Những lúc thinh lặng này nói với Chúa sự trống rỗng của tôi trước sự sung mãn vô biên của Người. Người mạc khải cho tôi qua Lời của Ngưởi...

* Thường Lectio divina không đem lại kết quả tức thời. Đó là một thao tác và một đam mê thực hành bền lâu; người ta không thể gặt hái ngay ngày hôm sau cái người ta mới gieo. Phải nhiều kiên nhẫn và âu yếm chờ đợi. Đàng khác, nếu bạn để Lời chiếm hữu được bạn, bạn sẽ sớm được hạnh phúc nghe được ngay cả sự thinh lặng của Lời.

* Trong nơi thinh lặng và cô tịch mà bạn đã chọn để thực hành Lectio divina, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Kẻ Thù xúi giục bạn bỏ trốn, làm cho bạn cảm thấy sự cô tịch thật nặng nề, làm cho bạn lo ra chia trí bằng mọi thứ, gây cho bạn đủ thứ ý tưởng trần tục.

Bạn đừng để mình bị đốn ngã, đừng chán nản thất vọng nhưng hãy chống trả bởi vì Chúa không ở xa bạn và Người cùng với bạn chiến đấu trong cuộc chiến này.

Nếu bạn gặp cám dỗ bỏ trốn, hãy chống cự, ngay dù bạn phải ở lại không thốt nên lời, trong thinh lặng, bạn hãy cứ chống cự. Bạn cần phải làm quen với những giây phút cô tịch, thinh lặng, từ bỏ, nếu bạn muốn gặp được Thiên Chúa trong cầu nguyện một mình.

VI. KẾT QUẢ CỦA LECTIO DIVINA

 

* Kinh nghiệm về Lectio divina thực hành mỗi ngày mài dũa cái đói và cái khát Lời này là Lời vẫn luôn làm cho đói cho khát mà chẳng bao giờ cho bạn được hoàn toàn no thỏa hay đã khát.

* Những ai đã tiến triển trong việc thực hành Lectio divina đều nghiệm thấy rằng càng ngày càng cần ít những lời đi và càng phải tăng thêm LỜI.

* Sự chuyên chăm thực hành Lectio divina là dấu chỉ mức độ cuộc sống thiêng liêng của ta. Tất cả sự tiến triển thiêng liêng đều phát sinh từ việc ĐỌC và SUY NIỆM KINH THÁNH. Điều ta không biết, ta học được trong Kinh Thánh và điều ta đã học biết, ta giữ lại trong suy niệm, và điều ta đã suy niệm sẽ giúp làm ta đáp lời (Cầu Nguyện).

* Ngôn sứ Amos đã nói: “Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này,
không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Đức Chúa”
 (Am 8, 11).

 

Nếu là những người “thiêng liêng”, ta sẽ đói khát và chỉ có Lời mới có thể làm cho nỗi đói khát của ta được no thỏa.

* Chúng ta không thể là những người mót lúa lơ đễnh trong Kinh Thánh, thỉnh thoảng “lượm” một vài Lời! Phải đắm chìm mình trong Kinh Thánh, phải “sống chết” với Kinh Thánh, phải làm quen với Kinh Thánh để trong thâm sâu của con người mình, Kinh Thánh chất đầy trí nhớ của ta. Vì, cuối cùng, Kinh Thánh là một cuốn sách bộc lộ những điều kín ẩn và bí mật cho những ai siêng năng tiếp cận với Kinh Thánh.

(Theo một tài liệu của đan viện Lérins)

LECTIO DIVINA

 

1. Lectio:

Đọc là mở rộng tâm hồn con người cho Lời Cứu Độ của Chúa tiến vào qua việc lắng nghe. Ta để cho Lời nuôi dưỡng ta, bởi vì Lời được đọc lên không nhằm cung cấp thông tin, mà nhằm việc biến đổi tâm hồn.

2. Meditatio:

Suy niệm là việc lặp lại những lời hoặc những câu đã lôi kéo chú ý của ta. Ở đây không nhằm luyện trí óc, hoặc suy tư về Lời hoặc câu ấy, nhưng là nhờ việc lặp lại nhiều lần, ta quy phục để cho Lời thâm nhập sâu hơn vào bản chất con người của ta cho đến khi ta nên một với bản văn.

3. Oratio:

Cầu nguyện là đáp trả của trái tim với Thiên Chúa. Khi nhận đầy tràn Lời Cứu Độ thì ta nói lên lời đáp. Theo thánh Cyprianô: “Trong Kinh Thánh Chúa nói với ta, và trong cầu nguyện ta nói với Chúa”.

4. Contemplatio:

Khi ta trung thành với Lectio sống động, sẽ có lúc ta được cảm thức chính sự hiện diện của Chúa. Nó không là sản phẩm do hoặt động của ta, cũng không phải là phần thưởng cho ta.

5. Missio hay Actio, Operatio:

Sự việc đã ra khác do thực hành Lectio, nhưng ta còn thấy mình được mời gọi dấn thân vào những hoạt động khác nữa nhằm giúp tha nhân. Thiên Chúa kều mời ta hành động và ban sức lực cho ta, hướng dẫn bước đi của ta trên đường bình an, giúp ta thực hành sứ vụ.

(Cha  M. Basil Pennington Ocso)

VII. THỰC HÀNH LECTIO DIVINA

 

 

a- Địa điểm thực hành Lectio divina

 

* Tìm một nơi cô tịch và tĩnh lặng giúp bạn dễ cầu nguyện với Cha trong thầm kín... để có thể chiêm ngắm Người cách an bình.

* Cố gắng tạo cho nơi đã chọn giúp bạn dễ giữ được sự thinh lặng bên ngoài là điều cần thiết tiên quyết cho thinh lặng nội tâm.

* Tu phòng (nếu có) của bạn là nơi lý tưởng nhất để cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa.

* Địa điểm chọn lựa chính là nơi Chúa lôi kéo bạn tới để nói với bạn cách thân tình “lòng với lòng”. Nên cẩn thận chọn lựa địa điểm để sống giờ Lectio divina.

* “Thầy ở đó và gọi em” (x. Ga 11,38). Để nghe được tiếng của Chúa, bạn phải dẹp bỏ những tiếng khác... Để nghe được Lời, bạn phại hạ thấp giọng nói của bạn...

b- Thời gian để lắng nghe Lời

 

* Có những lúc thích hợp hơn cho thinh lặng: giữa đêm, sáng sớm, hay tối khuya.

* Xếp đặt tùy theo thời khắc biểu ngày sống của bạn, nhưng luôn phải trung thành giữ thời khắc này. Nếu có thể được thì nên ấn định giờ cho Lectio divina, tránh thay đổi lung tung.

* Lectio divina phải được thực hành “mỗi ngày”, tốt nhất là vào cùng giờ ấn định. Nếu người ta chỉ dành cho Lectio divina những giờ trống (không biết làm gì khác)... kết quả sẽ có nguy cơ nghèo nàn theo mức độ thực hành. Không đúng đắn tí nào nếu chi dành cho Chúa số thời gian thừa thãi trong ngày, coi như Chúa chỉ để trám cho đầy chỗ trống. Phải dành ưu tiên cho Lectio divina khi xếp chương trình cho ngày sống.

* Thời lượng dành cho Lectio divina phải đủ dài, không chỉ từng khắc vụn vặt, vì cần phải có một thời gian dài đủ để lòng bạn có thể lắng trầm, an tĩnh để đi vào cầu nguyện. Nửa giờ là tối thiểu. Một giờ là tốt nhất. Những ngày tĩnh tâm nên dài thêm...

* Đối với các đan sĩ, phải thực hành Lectio divina mỗi ngày vào một giờ khắc thích hợp và kéo dài đủ có thể đi vào đối thoại với người bạn trung thành nhất.

* Trước khi đi vào Lectio divina, bạn hãy hồi tâm và xác tín rằng chính Chúa muốn nói với bạn và chờ đợi bạn đáp lời. Đừng bao giờ quên rằng, trong Lectio divina, chính Chúa sẽ làm thỏa mãn ước vọng mà chính Người đã khơi gợi trong lòng bạn.

c- Một con tim để tiếp nhận Đấng nói với tôi

 

* Khi thực hành Lectio divina, bạn hãy nhớ tới dụ ngôn “người gieo giống” diễn tả việc Chúa đang gieo Lời của Người. Trong thực tế, bạn là một trong các loại đất này: sỏi đá, hay đường đi cho mọi người dẫm trên, đầy gai, hoặc là một thửa đất tốt. Lời phải rơi vào trong bạn như trong thửa đất tốt và, “sau khi đã lắng nghe Lời với một tâm lòng tốt lành và kết hợp, bạn giữ lại Lời và làm cho Lời sinh hoa kết trái qua việc kiên trì” (x. Lc 8, 15).

 

* Con tim được dựng nên cho Lời và Lời cho con tim. Bạn hãy thường xuyên đọc lại cách chậm rải thánh vịnh 118, một thánh vịnh dài về lắng nghe Lời Chúa, cho tới khi Lời của Người biến thành lời của bạn. Con tim của bạn phải trở thành con tim của một người môn đệ luôn phục tùng những điều thuộc về Chúa, có thể trải nghiệm Lời, sẵn sàng lắng nghe, cũng có thể suy niệm và nắm giữ các lời của Người trong lòng bạn, theo gương Mẹ của Chúa (x. Lc 2,19 và 51).

 

d- Xin giúp đỡ: khẩn cầu Chúa Thánh Thần

 

* Trước khi đi vào thực hành Lectio divina, cần phải nài xin Chúa cho có những tư thái xứng hợp để tiếp nhận Lời của Người trong niềm kính sợ Chúa (thờ phượng và với lòng tôn kính).

* Mỗi lần đọc Lời của Người đều có một diễn biến nào đó. Tùy theo đức tin của ta, bản văn diễn ra dưới con mắt ta và Chúa Kitô giải thích bản văn đó cho lòng ta. Do vậy vô cùng cần thiết phải chuẩn bị đọc Lời bằng cách dành một thời gian cầu nguyện. Một lời kinh, một câu hát khẩn nài Chúa v.v...

* Bạn hãy mở Sách Kinh Thánh để trước mặt bạn. Hãy tập sử dụng Sách Kinh Thánh với niềm tôn kính đặc biệt. Kinh Thánh là bánh Lời Chúa được bẻ ra phân phát cho bạn.

* Hãy xác tín rằng khi đối diện với Sách Kinh Thánh, bạn không đối diện với một cuốn sách mà đối diện với chính Chúa Kitô-Lời.

* Hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vì chỉ có mình Người mới có thể giúp chúng ta hiểu được Lời. Hãy để Chúa Thánh Thần ngự xuống trong bạn để sức mạnh của Người cất khỏi mắt bạn màn che. Chỉ Thánh Thần có thể sinh ra Lời trong bạn như xưa Người đã làm cho các ngôn sứ, cho Chúa Giêsu, cho các thánh sử.

* Bạn hãy chờ đợi Người, bởi vì, dù có đến trễ, chắc chắn Người cũng sẽ đến. Sớm hay muộn, nếu bạn kiên trì, bạn sẽ nghe được ngay chính trong bạn, lời của Người hữu hiệu và bạn sẽ không còn cảm thấy cô độc nhưng được đồng hành, đối diện với bản văn Kinh Thánh, như viên quan người Êti-ôpi mà tông đồ Philiphê giải thích cho về bản văn Isaia (Công Vụ Tông Đồ 8, 26-38).

 

* Nếu không khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Lectio divina vẫn chỉ là một thao tác của con người, một cố gắng của trí tuệ. Bạn phải vượt xa mức độ đó nếu muốn đi vào trong đàm đạo thân thương và cầu nguyện với Chúa là Đấng nói với bạn và chờ đợi bạn đáp lời.

(Theo một tài liệu của đan viện Lérins) 

Tác giả Gia Đình Lectio Divina