Học và Sống Năm Thánh Kinh
Vì mặc khải xảy ra trong lịch sử, cho nên muốn hiểu Thánh Kinh, chúng ta cần “tìm ý nghĩa mà … các thánh sử muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong thời đại và hoàn cảnh văn hóa của họ, qua những lối văn được dùng trong thời đó” (Dei Verbum 11). Để giúp đạt được mục đích này, Hội Thánh khuyến khích chúng ta dùng phương pháp Phân Tích (Phê Bình) Lịch Sử, vì phương pháp này nghiên cứu các văn bản Thánh Kinh như các tài liệu lịch sử và tìm cách hiểu bản văn trong phạm vi lịch sử. Tuy nhiên phương pháp này không phải là phương pháp duy nhất, cần phải được sử dụng một cách cẩn trọng theo truyền thống Đức Tin của Hội Thánh.

Đại Cương về phương pháp Phân Tích Lịch Sử

Trong phương pháp Phân Tích Lịch Sử, ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới lịch sử và văn hóa mà trong đó bản văn được phát sinh, các nhân vật và biến cố trong lịch sử mà từ đó bản văn chính được tạo ra, cũng như các truyền thống được truyền khẩu hoặc được viết thành văn có trước khi bản văn cuối cùng được thành hình. 

Phương pháp này tìm cách xác định ý nghĩa nguyên thủy của bản văn qua việc tái tạo: (1) Khung cảnh nguyên thủy. (2) Môi trường lịch sử và văn hóa đầu tiên mà trong đó bản văn được sáng tác. (3) Những nguồn tài liệu, hoặc truyền khẩu hoặc được ghi chép, dùng để viết bản văn. (4) Các hoàn cảnh lịch sử và văn hóa dẫn đến việc viết bản văn. (5) Các niềm tin về thần học cũng như văn hóa của các tác giả và độc giả đầu tiên của bản văn. (6) Chủ ý của các tác giả đầu tiên.

Thực ra, có nhiều cách thế khác nhau trong việc nghiên cứu Thánh Kinh theo Phân Tích Lịch sử. Phương pháp phân tích văn thể được dùng để khám phá ra các truyền thống khẩu truyền đằng sau bản văn. Phương pháp phân tích nguồn văn để tìm ra các văn bản được sát nhập vào bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến vai trò của soạn giả hay người viết cuối cùng là người gom góp các tài liệu hoặc truyền khẩu hoặc đã được viết xuống thành bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích văn tự chú ý đến lịch sử của việc lưu truyền bản văn sau khi bản chính đã được soạn thảo. 

Sự cần thiết của phương pháp Phân Tích Lịch Sử

Đây là một phương pháp cần thiết để nghiên cứu Thánh Kinh vì các bản văn Thánh Kinh xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử và văn hóa khác với hoàn cảnh của chúng ta. Hiến Chế Tín Lý Mặc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng “mặc khải xảy ra trong phạm vi lịch sử nhân loại.” Tài liệu về Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh viết: “Thánh Kinh, thực ra, không tự mình xuất hiện như một mặc khải trực tiếp các chân lý vĩnh cửu, nhưng như chứng từ viết về những lần can thiệp của Thiên Chúa mà trong đó Ngài đã tự tỏ mình ra trong lịch sử nhân loại. Bằng một cách thế khác hẳn với các giáo lý của các tôn giáo khác, sứ điệp Thánh Kinh có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử. Cho nên không thể hiểu các bản văn Thánh Kinh cách đúng đắn nếu không nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử ảnh hưởng đến các bản văn này.”

Theo Hội Thánh thì Thiên Chúa đã chọn các tác giả Thánh Kinh, hoạt động trong họ và nhờ họ mà truyền đạt lời của Ngài. Ngài hoàn toàn sử dụng năng lực và khả năng của họ để họ viết như những tác giả thật sự (x. Dei Verbum 11-12). Đức Thánh Cha Piô XII viết trong Divino Afflante Spiritu rằng các tác giả được linh hứng của Thánh Kinh là dụng cụ sống động và hợp lý của Chúa Thánh Thần. Họ đem cá tính của mình vào các bản văn Thánh. Các phương pháp Phân Tích Lịch Sử có thể được dùng để hiểu rõ hơn về các tác giả nhân loại mà Thiên Chúa đã dùng để thông tri Lời Ngài. 

Nhờ phương pháp Phân Tích Lịch sử chúng ta có thể hiểu chính xác hơn nghĩa văn tự của các bản văn Thánh Kinh.

Giới hạn của phương pháp Phân Tích Lịch Sử

Từ ngày Hội Thánh cho phép và khuyến khích dùng phương pháp Phân Tích Lịch Sử trong việc nghiên cứu Thánh Kinh. Nhiều học giả đã cố gắng dùng phương pháp này để chứng minh mọi biến cố trong Thánh Kinh. Từ đó đưa đến việc lạm dụng phương pháp này. Trước hết, phương pháp này thường có khuynh hướng nghiên cứu tiền sử của các bản văn Thánh Kinh mà không tìm hiểu ý nghĩa của toàn thể bản văn. Thứ đến, thay vì tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử được tái tạo đằng sau bản văn như các nhà phân tích lịch sử làm, một số người cho rằng phải chú tâm nhiều hơn đến những tường thuật trong bản văn Thánh Kinh. Một số các nhà chú giải dựa vào thuyết duy lý hoặc thuyết tự nhiên để tìm những cách giải thích về các phép lạ xảy ra trong Thánh Kinh theo lịch sử. Vì không tin vào phép lạ hay quyền năng biết trước lịch sử của Chúa, nhiều người đã thay thế những câu truyện được kể trong Thánh Kinh với lịch sử được họ tái tạo dựa theo các tiêu chuẩn lịch sử hiện đại, hoặc loại bỏ những truyền thống lâu đời mà họ cho rằng không phù hợp với khoa học. Thí dụ như nhiều người cho rằng việc Đức Chúa Giêsu được sinh ra bởi Mẹ Đống Trinh là huyền thoại; Tin Mừng Thánh Luca phải đuợc viết sau năm 70 vì trong đó có những đoạn văn nói quá rõ về việc Thành bị phá hủy…. Do đó người đọc Thánh Kinh chỉ còn lại một số dữ kiện tối thiểu có thể được xác nhận cách chắc chắn trong lịch sử, mà mất đi các ý nghĩa phong phú đa dạng được tìm thấy trong chính những câu truyện được diễn tả trong Thánh Kinh.

Nghiên cứu Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử thường không vượt qua giai đoạn tìm hiểu xem bản văn có ý nghĩa gì trong vị trí lịch sử nguyên thủy, để đi đến việc tìm hiểu xem bản văn muốn nói gì với chúng ta hôm nay. Vì thế Chú giải Thánh Kinh sẽ không trọn vẹn nếu chỉ phân tích lịch sử. Đức Thánh Cha Phaolô VI, ngày 14 tháng 3, 1974, đã kêu gọi các học giả phải giải thích Thánh Kinh theo giáo huấn Hội Thánh: “Công việc của anh em không phải chỉ giải thích các bản văn cổ để trở lại hình thái sơ khởi của một số bản văn Thánh Kinh. Nhiệm vụ chính yếu của một nhà chú giải Thánh Kinh là trình bày sứ điệp mặc khải cho Dân Thiên Chúa; phơi bày chính ý nghĩa của Lời Chúa ngay trong những Lời ấy trong mối liên hệ với con người hiện đại.”

Gần đây hơn nữa một số học giả bị lôi cuốn bởi các sách ngoài quy điển và một số truyền khẩu được tái tạo mà cho rằng chúng diễn tả sự bình đẳng của sứ điệp của Chúa Giêsu đúng hơn là sách Tân Ước, vì chúng không bị áp đặt bởi một Hội Thánh chuyên chế. Ngược lại phương thức của Công Giáo là nhấn mạnh sự liên tục và phát triển của của các truyền thống Thánh Kinh từ truyền khẩu và các bài viết về thời tiền sử, đến việc biên soạn cuối cùng và sát nhập vào quy điển, cùng việc liên tục sử dụng và giải thích Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh cho đến hiện nay.

Đôi khi phương pháp này mạo nhận là có tính cách khoa học khách quan cùng địa vị đặc quyền của mình. Trên thực tế, phương pháp Lịch Sử đã đưa ra những tiếp cận cùng những ước đoán khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau. Còn Hội Thánh tuy xác nhận sự cần thiết của việc nghiên cứu bản văn theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử, nhưng không cho nó là phương pháo độc nhất được dùng để hiểu bản văn Thánh Kinh. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vừa qua đã đưa ra hai hậu quả đáng tiếc của việc lạm dụng phương pháp Phân Tích Lịch sử là: (1) “Đối với những độc giả hiện nay, Thánh Kinh trở thành một cuốn sách hoàn toàn trong quá khứ, không có khả năng nói với thời đại chúng ta”; (2) “Hậu quả thứ hai trầm trọng hơn, là sự mất dạng của việc chú giải theo Đức Tin mà ‘Dei Verbum’ vạch ra. Thay vì chú giải theo niềm tin, thì lại lọt vào đó một viêc chú giải theo thực chứng và thế tục chối bỏ cả việc Thiên Chúa có thể hiện diện và lui tới trong lịch sử nhân loại” (Đề Nghị 26).

Kết Luận

Chính vì những lý do trên mà chúng ta nên đọc các sách chú giải Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử cách thận trọng, ý thức rằng phương pháp này có thể bị bóp méo bởi những thiên lệch duy lý và chủ quan. Khi giải thích Thánh Kinh, điều chắc chắn nhất là luôn luôn tuyệt đối trung thành với giáo huấn của Huấn Quyền. ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ chúng ta trước Kinh Truyền Tin ngay sau Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 26 tháng 10 năm 2009 rằng: “Một bài chú giải Thánh Kinh hay cần có cả phương pháp Phân Tích Lịch Sử lẫn phương pháp Thần học, bởi vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa trong các chữ của loài người. Điều này có nghĩa là mọi đoạn văn phải được đọc trong khi luôn để tâm đến tính duy nhất của tất cả Thánh Kinh, truyền thống sống động của Hội Thánh và ánh sáng Đức Tin. Thánh Kinh đúng là một tác phẩm văn chương, và hơn nữa, là một bộ luật của nền văn hóa phổ quát, nhưng không được cướp mất yếu tố Thiên Chúa của Thánh Kinh, mà trái lại, phải được đọc trong cùng một Chúa Thánh Thần là Đấng viết Thánh Kinh.”

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic news