Học và Sống Năm Thánh Kinh
Hội Thánh có một truyền thống giải thích Thánh Kinh phong phú. Truyền thống này đã bắt đầu ngay từ trong Tân Ước, khi mà Cựu Ước được giải thích theo những liên quan với Đức Kitô, và được các Giáo Phụ đầu tiên khai triển thêm, cùng được hệ thống hóa trong thời Trung Cổ. 
 

Mặc dầu các học giả hiện đại đã dùng “các phương tiện và những trợ cụ mới cho việc chú giải Thánh Kinh”[1] như Đức Thánh Cha Piô XII khuyến khích, nhưng nền tảng đã được các Giáo Phụ thời Hội Thánh Sơ Khai xây dựng vẫn tiếp tục nâng đỡ những nghiên cứu về ý nghĩa của những bản văn Thánh Kinh. Các Giáo Phụ không bó mỉnh vào một ý nghĩa của bản văn nhưng để cho bản văn nói lên sứ điệp của mình nhiều cách khác nhau. Những cách khác nhau này phù hợp với những bậc thang ý nghĩa của một bản văn, còn được gọi là “các nghĩa của Thánh Kinh”.

Có hai nghĩa chính của Thánh Kinh là nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng.

Nghĩa văn tự là nghĩa đen của chính những lời văn. Đó là nghĩa được tác giả nhân loại trực tiếp muốn nói đến”[2]. Nó được trình bày bằng nhiều cách khác nhau như nghĩa văn phạm, nghĩa thông thường, nghĩa mà tác giả nhân loại có ý nói đến, tác giả Thiên Chúa có ý nóí đến, nghĩa lịch sử và cả nghĩa hiển nhiên. Nhấn mạnh đến những cách diễn tả khác nhau là quan nìệm cho rằng “nghĩa văn tự là ý nghĩa được truyền đạt bởi những lời của Thánh Kinh”[3]. Nghĩa văn tự được khám pha ra nhờ nghiên cứu cẩn thận và chu đáo bản văn Thánh Kinh qua việc sử dụng tất cả mọi công cụ chú giải sẵn có, như các trợ học cụ về văn phạm, các bằng chứng khảo cồ, phân tích lịch sử và văn chương, xã hội học và nhân củng học cùng tất cả những gì khác cần thiết để mở rộng sự hiểu biết về nghĩa văn tự của bản văn Thánh Kinh. Tầm quan trọng của nghĩa văn tự được Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh từ lâu trong việc nhìn nhận rằng "tất cả các nghĩa trong Thánh Kinh đều dựa vào một nghĩa, là nghĩa văn tự".[4]

Nghĩa thiêng liêng được nói đến khi điều mà những chữ trong bản văn, tức là nghĩa văn tự, có ý nói đến, cũng có một ý nghĩa xa hơn.[5] Như được khai triển trong Kitô giáo, nghĩa thiêng liêng đi liền với “ý nghĩa được diễn tả bời bản văn Thánh Kinh khi được đọc dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong phạm vi Mầu Nhỉệm Phục Sinh của Đức Kitô và đời sống mới phát sinh từ đó”.[6] Gỉải thích Cựu Ước cách thiêng liêng là điều nổi bật của các Giáo Phụ, vì các ngài tin rằng Cựu Ước được Thiên Chúa dùng để chuẩn bị cho Con của Ngài. Các Giáo Phụ thời Hội Thánh Sơ Khai dùng nhiều từ để chỉ nghĩa thiêng liêng của bản văn, như nghĩa ẩn dụ, nghĩa thần bí và nghĩa luân lý.[7] Lằn ranh giữa những từ này thường không rõ ràng, và nghĩa của chúng thường chồng lên nhau. Thật vậy, có khi những từ này được các Giáo Phụ thời sơ khai dùng thay đổi lẫn nhau.

Đến thời Trung Cổ, ba nghĩa khác biệt của Thánh Kinh xuất hiện: nghĩa ẩn dụ (gồm cả nghĩa loại suy), nghĩa luân lý và nghĩa thần bí.

Nghĩa ẩn dụ là ý nghĩa được che dấu đằng sau bản văn. Nghĩa này nhấn mạnh rằng các tác giả thời xưa sáng tác các tác phẩm của họ bằng một ngôn ngữ tiềm ẩn. Họ viết một đàng nhưng ý định của họ thì khác. Có nhiều đoạn trong Thánh Kinh Do Thái tối nghĩa hay có vẻ bất nhất, hoặc nội dung có vẻ không thể chấp nhận được khi xét theo tiêu chuẩn của những thời đại sau này. Nhờ dùng phương pháp ẩn dụ, Hội Thánh thời sơ khai có thể cắt nghĩa những bất nhất ấy, những hành vi khả nghi của những nhân vật trong đó, cùng sự thô bạo của nó. Cách giải thích ẩn dụ đã được tìm thấy ngay trong Tân Ước. Chẳng hạn như trong Thư gửi tín hữu Galatê (Gal 4:22 -26), Thánh Phaolô so sánh Ismael với Giao Ước Sinai và Isaac với Giao Ước Mới, là Giêrusalem trên Trời. Phương pháp giải thích ẩn dụ là phương pháp thông dụng nhất trong Hội Thánh Sơ Khai từ thời Thánh Clêmentê thành Alexandria (150 đến 211/215 AD) cho đến thế kỷ thứ tư. Giáo phụ Ôrigen, sống trong thế kỷ thứ 3, là một đại diện lớn nhất của loại giải thích này.

Nghĩa loại suy cho rằng những gì đi trước Đức Kitô là hình bóng của điều phải đến. Các nhân vật hay biến cố trong Cựu Ước được hiểu là “tiên trưng” của các nhân vật hay biến cố trong Tân Ước, còn những nhân vật hay biến cố này là những “đối hình”. Cựu Ước, khi cắt nghĩa theo thuyết loại suy, được coi là dự kiến hay báo trước các biến cố sẽ xảy ra. Việc vượt qua Biển Đỏ được coi như một tiên trưng của Bí Tích Thánh Tẩy. Việc ông Isaac vác củi để hiến tế của chính ông trong chương 22 của sách Sáng Thế Ký được coi là một tiên trưng của việc Chúa Giêsu vác thập giá lên núi Calvê. Một số đại diện của giải thích loại suy là giám mục Diôrô thành Tarsô, Thánh Gioan Kim Khẩu, và Theodore thành Mopsuêstia. Loại suy được tìm thấy trong các tác phẩm chú giải Thánh Kinh của Thánh Augustinô và Thánh Giêrônimô cùng với cách giải thích ẩn dụ.

Trong khi phương pháp ẩn dụ coi nghĩa văn tự là không mấy quan trọng, thì phương pháp loại suy vẫn tôn trọng nghĩa văn tự bởi vì phương pháp này được đặt nền tảng trên nghĩa văn tự của bản văn. Tuy nhiên cả nghĩa loại suy lẫn nghĩa ẩn dụ đều vượt trên nghĩa văn tự của bản văn trong Hội Thánh Sơ khai. Đối với những người theo thuyết loại suy, các lời văn chỉ sang phía bên kia của mình; đối với người theo thuyết ẩn dụ, các lời văn thay thế cho một điều gì khác.

Hai nghĩa thiêng liêng khác, là nghĩa luân lý và nghĩa thần bí, được định nghĩa theo tiêu điểm của chúng.

Nghĩa luân lý liên quan đến những bài học luân lý được rút ra từ bản văn Thánh Kinh. Nếu những biến cố trong quá khứ của dân Israel “được viết xuống để chỉ dạy chúng ta” (1 Cor 10:11), thì chúng ta có thể học phải sống thế nào bằng cách cẩn thận chú tâm đến lịch sử của dân Israel, các lời của các ngôn sứ, và những lời khuyên nhủ tìm thấy trong truyền thống khôn ngoan của Israel -- thực ra là toàn thể Thánh Kinh.

Nghĩa thần bí đại diện một sự chuyển hướng tiêu điểm về tương lai, đặc biệt là thời sau hết hay cánh chung. Phương pháp này nhìn vào cùng đích của cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc đời như là chúng ta “đang được dẫn lên”[8] về nhà ta ở trên Trời.

Bốn ý nghĩa này của Thánh Kinh, nghĩa văn tự, nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa thần bí, được thịnh hành trong Hội Thánh từ thời Giáo Phụ Gioan Cassianô đến nay. Thánh Gioan Cassianô đã viết: “Một thành Giêrusalem có thể được hiểu bốn cách khác nhau, theo nghĩa lịch sử như một thành phố của người Do Thái, theo nghĩa ẩn dụ như là Hội Thánh của Đức Kitô, theo nghĩa thần bí như là thành của Thiên Chúa trên trời ‘là mẹ của tất cả chúng ta’ (Gal 4:26), theo nghĩa luân lý như là linh hồn của một nguời”.[9] Một bài thơ đơn sơ được gán cho Augustinô thành Dacia tóm tắt quyết tâm dùng bốn ý nghĩa của Thánh Kinh trong thời Trung Cổ: “Văn tự dạy về biến cố; ẩn dụ dạy vể điều phẳi tin; luân lý dạy về điều phải làm, và thần bí dạy vể điểm phải đạt đến”.[10]

Từ thời Cải Cách Tin Lành đến nay, tuy có những tiến bộ về việc áp dụng các phương pháp khoa học trong việc nghiên cứu Thánh Kinh mà chúng ta sẽ bàn đến trong bài sau, nhưng bốn ý nghĩa này của Thánh Kinh vẫn là những điều căn bản hướng dẫn người Công Giáo trong việc đọc Thánh Kinh.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết theo The Senses of Scripture của GSPauline A. Viviano, PhD trong Tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HĐGMHK.


[1] ĐTC Piô XII, Divino Afflante Spiritu (1943), s. 33

[2] Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh (1993), s. 131.

[3] Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, câu 116

[4] Thánh Tôma Aquinô. Tổng luận 1,1,10, 1- GLCG 116.

[5] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, 1, 10

[6] Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh (1993), s. 135

[7] Từ Raymond Brown, The Sensus Plenior of Sacred Scripture (Baltimore, MD: St. Mary’s University, 1955), 46: Đôi khi theoria được hiểu như ẩn dụ, nhưng theo trường phái Antiochia thì từ này nóin về “nhận thức về tương lai mà một ngôn sứ thưởng thức qua trung gian của những hoàn cảnh hiện tại mà ngôn sứ đang diễn tả.”

[8] Từ anagoge của Hy Lạp có nghĩa là “đang được dẫn lên.”

[9] John Cassian, Conferences, trans. Colm Luibheid (New York: Paulist Press, 1985), 160

[10] Henri de Lubac, Medieval Exegesis: The Four Senses of Scripture, dịch giả Mark Sebanc (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1998), 1. Bản văn La Tinh đọc: Littera gesta docet, quid credas allegoria, Moralis quid agas, quo tendas anagogia (chú thích 1, p. 271). Được tìm thấy trong Rotulus pugillaris ấn hành năm 1206 bởi Augustine of Dacia

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic News