Học và Sống Năm Thánh Kinh
Trong bài bài trước chúng ta đã tìm hiểu về các định nghĩa khác nhau về Lời Chúa. Lời Chúa còn hơn cả các sách Thánh Kinh, vì Lời Chúa chính là Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng xuống trần để mặc khải cho chúng ta trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta tìm hiểu cách tóm tắt về mặc khải của Thiên Chúa và mặc khải này được lưu truyền thế nào trong Hội Thánh.
 

Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua sự nhân lành và khôn ngoan của Ngài, và mặc khải mầu nhiệm ý định của Ngài cho chúng ta qua Ðức Kitô. Ngài đã truyền dạy cho con người cách tiệm tiến, để họ có thể đón nhận mặc khải siêu nhiên của Ngài. Mặc khải này đạt tới cao điểm nơi con người và sứ mạng của Ngôi Lời Nhập Thể, là Đức Chúa Giêsu Kitô (GLCG 51-53)

I.  Các Giai Ðoạn Mặc Khải

  • • Ðầu tiên Thiên Chúa tỏ mình ra bằng cách luôn cung cấp cho con người những bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài qua các tạo vật hữu hình. Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ và ban cho các ngài ân sủng cùng đức công chính nguyên thủy. Sau khi hai ông bà phạm tội, Ngài đã nâng các ngài lên bằng lời hứa ơn cứu độ và tiếp tục săn sóc nhân loại (GLCG 54-55).
  • • Sau trận Ðại Hồng Thủy, Thiên Chúa lập Giao Ước với ông Noe. Ngài chia con người ra thành nhiều dân tộc với ngôn ngữ khác biệt để giới hạn tội kiêu ngạo của bản tánh loài người. Giao Ước với ông Noe vẫn có hiệu lực cho Dân Ngoại cho đến khi Tin Mừng được loan báo khắp thế gian (GLCG 56-58).
  • • Thiên Chúa chọn ông Abram và ông đã đáp lạiNgài đổi tên ông là Abraham, và hứa cho ông thành tổ phụ của nhiều dân tộc (GLCG 59-61).
  • • Thiên Chúa Hình Thành Dân Israel . Thiên Chúa chọn dân Israel làm Dân Riêng của Ngài. Khi dân Israel làm nô lê tại Ai Cập, Ngài đã tuyển chọn ông Môsê để giải phóng họ, đã thiết lập Giao Ước với họ, và ban cho họ Mười Ðiều Răn để họ nhận biết Ngài và phụng sự Ngài như một Thiên Chúa hằng sống, chân thật và duy nhất. Qua các ngôn sứ, Ngài đã nuôi dưỡng họ trong đức tin, và trong niềm hy vọng Cứu Ðộ qua một Giao Ước Mới được viết trong lòng họ (GLCG 59-64).

II. Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Trung Gian và viên mãn của tất cả Mặc Khải

Qua Ðức Kitô, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc mặc khải của Ngài. Sau Chúa Giêsu và các Thánh Tông Ðồ thì không còn một mặc khải công khai nào nữa. Tất cả các mặc khải tư và thị kiến đều phụ thuộc vào Mặc Khải của Thiên Chúa qua Ðức Kitô. Chúng không bổ túc, nhưng giúp chúng ta sống trọn vẹn Mặc Khải chính này (GLCG 65-73).

Việc Lưu Truyền Mặc Khải Của Thiên Chúa

“Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”, tức là “nhận biết Chúa Giêsu Kitô”. Mặc Khải này được truyền lại cho chúng ta trong Hội Thánh qua các Thánh Tông Ðồ và những người kế vị các ngài. (GLCG 74)

I. Truyền Thống các Tông Ðồ (Tông Truyền)

Ðức Kitô truyền cho các Tông Ðồ rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Tin Mừng này là nguồn gốc của mọi chân lý cứu độ và quy luật luân lý. Các Thánh Tông Ðồ truyền lại Tin Mừng các ngài nhận được bằng hai cách, truyền khẩu qua lời giảng dạy, và bằng văn tự qua Thánh Kinh. Các ngài trao nhiệm vụ này lại cho các giám mục là những người kế vị các ngài trong việc lưu truyền những giáo huấn của Ðức Kitô. Sự lưu truyền sống động này được hoàn thành nhờ Chúa Thánh Thần, và được truyền lại cách không gián đoạn cho đến tận thế, được gọi là Thánh Truyền(GLCG 75-79).

II. Liên quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền

Thánh Kinh và Thánh Truyền có chung một nguồn là Thiên Chúa. Cả hai đều làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô được hiện diện và sinh hoa kết quả trong Hội Thánh. Nhưng hai cách lưu truyền thì khác nhau. Thánh Kinh là Lời Chúa được ghi lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Thánh Truyền là trọn vẹn Lời Chúa mà Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần đã trao phó cho các Thánh Tông Ðồ, và truyền lại cho những người kế vị các ngài.

Ngoài Thánh Truyền, còn có các "truyền thống" thần học, kỷ luật, phụng vụ hoặc thờ phượng. Những truyền thống này có thể thay đổi, nhưngThánh Truyền thì không thay đổi được (GLCG 80-83).

III. Việc giải thích Gia Tài Ðức Tin

Thánh Kinh và Thánh Truyền hợp thành một Kho Tàng Đức Tin, và được các Tông Ðồ trao phó cho toàn thể Hội Thánh để giữ gìn và truyền lại cho đến tận thế. Nhiệm vụ giải thích cách trung thực Lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền được ủy thác cho Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, nhân danh Đức Kitô. Huấn quyền là các giám mục hiệp thông với Đức Thánh Cha. Huấn Quyền chỉ dạy những gì đã được truyền lại mà thôi. Chúng ta có nhiệm vụ vâng phục Huấn Quyền như Chúa Giêsu đã truyền trong Luca 10:16.

Khi những chân lý thiết yếu được Huấn Quyền long trọng công bố như là các tín điều, thì tất cả dân thánh phải tin. Toàn thể tín hữu được đồng chia sẻ sự hiểu biết và sử dụng các tín điều và những chân lý khác được Chúa mặc khải. Hơn nữa, toàn thể tín hữu không thể sai lầm trong đức tin khi họ cùng với các Ðức Giám Mục “đều đồng ý về những chân lý liên quan đến đức tin và luân lý".

Nhờ Chúa Thánh Thần, sự hiểu biết về đức tin có thể gia tăng trong đời sống Hội Thánh qua việc các tín hữu suy niệm, học hỏi và nghiên cứu thần học, và cảm nghiệm và sống Lời Chúa (GLCG 84-100).

Kết Luận

Vì khả năng hiểu biết của loài người có hạn và phát triển theo thời gian nên Thiên Chúa đã mặc khải cho con người cách tiệm tiến. Đầu tiên qua các công trình tạo dựng của Ngài, rồi từ từ qua các tổ phụ, các ngôn sứ, và sau cùng là Đức Kitô. Đức Kitô là sự viên mãn của mặc khải. Sau Đức Kitô và các Tông Đồ thì không còn mặc khải công nữa. Tất cả các mặc khải tư đều phụ thuộc vào mặc khải của Đức Kitô. Mặc khải được truyền lại trong Hội Thánh qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy mặc khải đã được hoàn tất nơi Đức Kitô, nhưng loài người vẫn không thể hiểu biết trọn vẹn mặc khải. Nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hội Thánh mỗi ngày một hiểu biết rõ hơn về mặc khải, và kho tàng hiểu biết này được truyền lại trong Hội Thánh qua các Thánh Tông Đồ, các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh, và tất cả các tín hữu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Huấn Quyền để gìn giữ Hội Thánh khỏi sai lạc trong việc giải thích và lưu truyền mặc khải của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta không được cắt nghĩa Lời Chúa theo ý riêng, mà phải theo truyền thống sống động của Hội Thánh. Trong bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về Thánh Kinh theo giáo huấn của Hội Thánh.

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic News