100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 85

ĐỨC GIÊSU, NHÀ CÁCH MẠNG XÃ HỘI VĨ ĐẠI

Một trong những cái khó nhất để anh chị em chấp nhận các loạt bài kỳ trước trình bày về Nước Thiên Chúa như là một nước cụ thể, một xã hội mới, một trật tự xã hội mới công bằng, yêu thương và không còn áp bức..., đó là từ bao nhiêu năm nay, ta đã nghe giảng, nghe dạy về Đức Giêsu là một vị Cứu chuộc hoàn toàn thiêng liêng : Đức Giêsu là Đấng Cứu chuộc linh hồn ta để đem ta về nước thiên đàng. Thật là khiếm khuyết. Thiên Chúa dựng nên con người có hồn, có xác, sao lại chỉ cứu có một phần thôi ? Khảo sát lại các sách Tin Mừng, ngày nay, người ta thấy Đức Giêsu không phải chỉ là Đấng Cứu chuộc phần linh hồn thôi, mà còn cả phần xác nữa, không chỉ cứu cá nhân mỗi người tin vào Ngài, mà còn muốn lập cả một trật tự xã hội chung nữa. Sau đây, ta hãy nghe đọc lại một đoạn Tin Mừng tiêu biểu nhất mà xem Chúa dạy làm sao :

Trích Phúc Âm Thánh Luca 4.16-22

Sau khi ăn chay trong rừng vắng và thắng cám dỗ Satan rồi, Đức Giêsu đến Galilê, trong quyền năng của Thần Khí, và Ngài bắt đầu rao giảng, trước hết trong các Hội Đường (tức nhà thờ của người Do thái). Mọi người ca tụng Ngài, tiếng tăm Ngài bắt đầu lan ra mọi vùng xung quanh.

Một hôm, Ngài về làng Nadarét, nơi Ngài được dưỡng dục suốt thời thơ ấuvà thiếu niên. Theo lệ thường, Ngài đến dự lễ ngày chúa nhật (gọi là ngày Hưu lễ) ở Hội đường Nadarét. Theo thói tục thời đó, ai có uy tín và hiểu Kinh Thánh, đều được mời đọc sách Thánh và giảng lời Chúa, không chỉ dành riêng cho linh mục hay tư tế. Người cán sự đưa cho Ngài sách tiên tri Ysaia. Ngài mở ra và đọc đoạn này :

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đầy, cho người mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa”.

Cuộn sách lại trả cho người cán sự, Đức Giêsu ngồi xuống bắt đầu giải nghĩa đoạn sách Kinh Thánh. Mọi người trong Hội Đường chăm chú nhìn Ngài, sẵn sàng nghe Ngài. Ngài lên tiếng nói :

-           Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn sách này...

Và từ câu chấm phá quan trọng đó, Ngài cắt nghĩa cho họ hiểu sứ mệnh Ngài đang làm như thế nào : đem Tin Mừng cho người nghèo khó là cho những người ngu dốt, ít học, không thông lề luật, khiêm tốn, nghèo khổ. Rồi cho người mù được thấy là khai sáng cho họ biết Thiên Chúa Cha là ai, đồng thời chữa cả bệnh mù phần xác. Rồi người giải oan cho kẻ bị áp bức là những người bị chà đạp, thấp cổ, bé miệng, không biết kêu ai, mà trong xã hội thời đó, thường là những người nghèo, phụ nữ, trẻ em, góa phụ, cô nhi...

Ngài giảng xong, thì mọi người nghe đều thán phục về các lời nói đầy ân sủng xuất bởi miệng Ngài.

*          Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Qua bài Phúc Âm trên, ta thấy rõ : Đức Giêsu công bố chương trình cứu thế của Ngài : tất cả nằm gọn trong bài Tin Mừng ấy. Rõ ràng toàn là những việc cứu nhân độ thế, cứu khổ cứu nạn phần xác, tuy không bỏ phần hồn. Người nghèo nói đây là nghèo đói, túng bấn thực sự, người ngồi tù là tù thật sự, chứ không như xưa kia người ta cắt nghĩa lệch đi là người bị cầm tù phần linh hồn (= bởi phạm tội, thì  ma quỉ cầm tù hồn họ). Còn kẻ đui mù là kẻ không thấy, chứ không phải kẻ mù mắt linh hồn ; kẻ áp bức là các kẻ bị người ta dùng quyền lực, tiền tài đàn áp, áp chế, không kêu oan vào đâu, chứ không phải kẻ bị tội lỗi, đam mê, dục vọng áp bức phần linh hồn...

Nếu ta đã đọc Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu luôn làm theo chương trình đó : nào chữa người câm, người điếc, chữa người mù, què, bất toại, còng lưng, kinh phong, quỉ ám... Khi ông Gioan Baotixita (ngày nay gọi là ông Gioan Tẩy Giả) từ trong ngục sai hai môn đệ thường thăm nuôi ông, đi đến hỏi Đức Giêsu rằng : “Thày tôi hỏi Ngài có phải là Đấng Thiên Chúa xức dầu và sai đến cứu thế gian không ?”, Đức Giêsu lấy việc làm minh chứng chức vị Cứu thế của Ngài, nên Ngài đáp : “Các ngươi đã thấy ta làm cho người mù được chữa sáng mắt, người què được đi, kẻ chết sống lại, người câm nói được, ma quỉ bị trục xuất. Các ngươi cứ về kể các điều mắt thấy tai nghe đó cho Thày các ngươi. Ta làm các việc đó đúng như lời tiên tri Ysai đã báo trước”. Thực thế, Thiên Chúa đã muốn cứu thế gian đầy đau khổ, đầy áp bức, đầy bất công, thì Người đã cho các tiên tri báo trước là một ngày kia, Người sẽ sai xuống thế một Người Con, để cứu người ta khỏi các đau khổ ấy. Cho nên bây giờ, đến lúc Người Con ấy - tức Đức Giêsu - xuống làm đúng như vậy, thì người ta cứ nhìn quả mà biết cây, nhìn việc làm mà biết người Thiên Chúa sai.

•                       Nghe đến đây, anh chị em sẽ thắc mắc : chúng tôi thấy Đức Giêsu làm các việc đó, coi như là việc bác ái, thương xót, vì Chúa thương người ta khổ sở, thì Chúa làm phép lạ cứu giúp, chứ có thấy tính chất cách mạng, giải phóng gì đâu ?

Đáp : Nói như thế là chưa hiểu cho sâu sát. Theo mắt Thiên Chúa nhìn, thì tất cả mọi đau khổ, xác hồn của nhân loại là do tội, mà tội là do ma quỉ xúi giục. Kẻ tội lỗi là người phó mình cho quyền ma quỉ xui khiến làm điều xấu, gây bệnh tật và chết chóc cho hồn xác họ (Rm 5.12 và Mt 9.1-8). Nay, Đức Giêsu đến chữa lành, tức là Ngài giải phóng họ khỏi quyền lực quỉ ma, khỏi áp chế của tội lỗi. Thánh Phaolô nhận định : “Anh em hãy hân hoan cảm tạ Cha..., Đấng đã kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm của quỉ dữ, mà chuyển anh em vào vương quốc của Con chí ái Người” (Coloxê 1.14). Cho nên, khi Đức Giêsu chữa bệnh, Ngài luôn coi đó là một việc giải phóng con người. Trong sách Tin Mừng, có một đoạn nói cho ta thấy rõ cái ý ấy hơn cả. Thánh Luca thuật chuyện Đức Giêsu chữa lành một phụ nữ bị còng lưng đã 18 năm, lưng bà còng xuống không ngẩng lên được. Chữa xong, khi người ta trách Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Hưu lễ, cấm làm việc xác, Đức Giêsu đáp : “Quân giả hình, ngày nghỉ việc xác, các ngươi lại chẳng cởi bò hay lừa mình khỏi chuồng và dẫn đi uống nước sao ? Còn người đàn bà này là con cháu A-bra-ham, Satan đã cột trói nay là 18 năm, thì lại không được cởi trói cho bà vào ngày Hưu lễ ư ?”

Anh chị em nghe Đức Giêsu nói gì đó ? Người bị bệnh còng lưng, mà Đức Giêsu lại nhìn thấy là bị Satan cột trói suốt 18 năm. Nay Ngài chữa lành, Ngài nói là Ngài cởi trói, cởi xiềng xích cho bà. Cởi trói là một việc giải phóng, giải phóng phần xác, giải phóng khỏi Satan đang áp bức bà ! Tiếc rằng ngày nay chúng ta quen nghĩ đến Satan chỉ như là một ác quỉ cám dỗ linh hồn ta mà thôi, chứ không biết nhìn như Chúa, thấy nó là kẻ làm khổ ta cả hồn cả xác, cá nhân cũng như xã hội. Cái nhìn của ta còn nông cạn ! Vì ta chỉ nhìn cái gì trước mắt, bề nổi, chứ không thấy bề chìm. Đau khổ, bệnh tật, ta chỉ coi nó là do trời đất, gió mưa, tai nạn hay do người khác làm..., ta không nhìn sâu đến cội rễ cuối cùng là ma quỉ và tội lỗi đã gây nên. Nhưng Đức Giêsu thấy sâu như thế ! Nên Ngài phải đuổi nó đi, trục xuất nó, để giải phóng người ta, để làm Nước Chúa trị đến (x. Lc 11.14-22).

•                       Đến đây, lại có người nói : chúng tôi bắt đầu hiểu về giải phóng, song vẫn chưa thấy Đức Giêsu là nhà cách mạng trên mặt xã hội !

Đáp : Bạn sẽ thấy như thế, nếu bạn nhận ra được điều này : Satan quỉ dữ và đồng bọn của nó luôn hành động giấu mặt. Chúng là loài không có thân xác (thuần là thiêng liêng), nên ta không thấy. Muốn hoạt động, chúng phải nhập vào người ta. Nhập cách tàn bạo thì gọi là ma nhập, là quỉ ám, nhưng khi nhập cách tinh khôn, khéo léo, nhẹ nhàng, thì ta không biết, nên không ngờ. Cách này là cách thông thường chúng hay dùng hơn cả, tức là chúng nhập vào tâm hồn và xúi nghe theo chúng, làm điều ác, tội lỗi. Trong Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu gọi Giuđa là quỉ sứ (Ga 6.70). Vì sao ? Thánh Gioan cắt nghĩa : Trong bữa ăn tối (tại nhà Tiệc ly), ma quỉ đã gieo vào lòng Giuđa cái ý định nộp Đức Giêsu. Và sau khi Chúa trao cho y một miếng bánh nhúng vào nước chấm, thì Satan đã nhập vào y (Ga 13.2,27). Vậy, trước mắt Thiên Chúa, người làm tội ác, làm khổ anh em đồng loại, là những kẻ đã để cho ma vương quỉ dữ nhập vào, khống chế, điều khiển họ, xúi giục họ nghe theo ý ác độc phá hoại, tàn ác của chúng. Ngay cả Thánh Phêrô, vì ý tốt muốn cho Thày đừng bị đau khổ, đã xúi Đức Giêsu đừng lên Yêrusalem chịu Thương khó nhục nhã và đau đớn, nghĩa là xúi Ngài làm ngược ý Cha đã định, tức thì bị Đức Giêsu mắng : “Hãy xéo đi sau Ta, hỡi Satan ! Ngươi làm cớ cho ta vấp phạm” (Mt 16.23), ý Chúa bảo Phêrô đã để Satan nhập vào lòng mà nghĩ ra những ý tưởng nghịch lệnh Chúa Cha, vậy Phêrô đã thành ra quỉ Satan mất rồi.

Khi đến thế gian, Đức Giêsu nhìn thấy cả xã hội của Ngài, và cả thế giới thời Ngài đầy dẫy những người cậy quyền lực do tham lam, ích kỷ mà đàn áp người nghèo, người cô thân cô thế... Ngài thấy ngay cả trong tôn giáo, Đền Thờ, Hội đường, phẩm trật, chức sắc trong đạo cũng có những người như thế... ; nên Ngài đứng lên bênh vực những kẻ bị áp bức, giải oan cho họ, chống lại mọi hình thức đàn áp, đè bẹp, khinh khi, loại trừ, để giải phóng con người - dù đó là một người hèn kém, nghèo khổ - nhưng họ cũng là những con người trước mặt Thiên Chúa, cũng có phẩm giá quí trọng như mọi người khác. Áp bức ấy là những gì ? Đây chỉ xin nêu một ví dụ của những áp bức ấy mà thôi. Trong xã hội thời ấy, đàn bà bị một số phận rất hèn kém. Người ta cần đàn bà, vì vấn đề sinh lý, sinh con đẻ cái, nhưng ngoài xã hội, họ vẫn khinh khi, coi như không đáng kể. Vì đàn bà hồi đó thường là không được đi học nên dốt nát, không biết Kinh Thánh và lề luật. Luôn luôn bị kinh nguyệt, nên họ bị coi là vật nhơ uế, những lúc đó không được vào Đền Thờ, vào nơi thánh, không được đi dự lễ... - Người chồng có thể chỉ vì một bữa cơm không lành, canh không ngọt mà viết tờ ly dị, đuổi vợ đi, lấy vợ khác... Không bao giờ nơi công cộng, người đứng đắn và có địa vị xã hội, được phép nói chuyện với người đàn bà, dù là vợ mình đi nữa, nói chuyện như thế là mất danh dự. Người cha muốn gả con gái cho ai tùy ý, nó không có quyền lựa chọn, không có quyền tự do yêu ai. Đàn bà bị liệt vào sổ một món hàng người ta tậu được. Trong sách luật có một câu phản ánh điều đó: “Ngươi không được ham muốn nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, chiên dê, tôi tớ, và vợ đồng loại”.Vì thân phận hèn kém như thế, nên người Do thái coi mình là kẻ được chúc phúc, được làm đàn ông, còn kẻ bị chúc dữ mới phải làm đàn bà. Có lời kinh này tỏ rõ ý tưởng ấy : “Lạy Yavê, tôi xin tạ ơn Ngài, vì đã chẳng sinh tôi ra làm một người đàn bà!”

Đức Giêsu đến, Ngài chống lại tất cả mọi lối khinh khi, áp bức ấy. Ngài nói chuyện với phụ nữ Samari, Ngài ngồi giảng cho cô Maria, em bà Matta, đến nỗi bà chị phát bực mình vì em không đi làm bếp, chỗ của đàn bà là ở dưới bếp, chứ không phải là ngồi bên chân Thày mà nghe giảng. Đức Giêsu để cho một nhóm phụ nữ đi theo mình giúp việc vật chất, tài trợ cho nhóm Ngài và giúp việc dạy giáo lý cho phụ nữ tân tòng (Lc 8.1-3). Đức Giêsu để cho người đàn bà tội lỗi hôn chân, xức dầu, xõa tóc lau chân... Còn nhiều điều nữa không kể ra hết... Tất cả các việc ấy cho thấy Ngài tỏ vẻ kính nể, trân trọng phẩm giá người phụ nữ, nhất là khi người ta đến hỏi có được phép rẫy vợ không, Đức Giêsu trả lời dứt khoát : không ! Vì Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, hai bên bình đẳng, không có quyền hơn trên người nữ, để rẫy bỏ họ được !

Cố nhiên, những việc làm và lời nói ấy của Đức Giêsu chọc giận người Do thái lắm. Ngài lật đổ cả một trật tự từ xưa vẫn đã vững bền. Đó là cách mạng chứ còn gì nữa ? Vì thế, họ coi Ngài là một tên phản đạo, một tên cách mạng, một tên phá đổ trật tự truyền thống. Họ coi Ngài như cái gai phải nhổ đi, và họ tìm cách giết Ngài. Nhưng Đức Giêsu không hề sợ hãi, Ngài cứ làm việc Cha Ngài trao cho là thiết lập một Nước mới, trong đó không còn đàn áp, bất công, khinh chê, không còn ai phải loại trừ, bất kể họ là thành phần xã hội nào... Đó là Nước Chúa, là Vương quốc mà chúng ta mấy kỳ này đang bàn đến. Cởi trói mọi thứ gông cùm xiềng xích chẳng phải là giải phóng ư ? Lật đổ những cái từ xưa vốn đàn áp, áp bức con người, chẳng phải là cách mạng xã hội sao ? Đức Giêsu là người đã làm như thế, không riêng gì cho một người, không riêng gì cho một dân Do thái. Ngài làm thế cho tất cả thế giới. Điều gì Ngài làm chưa xong, Ngài bảo chúng ta là môn đồ làm tiếp. Điều Ngài làm nhỏ ở xứ Phalêtin, Ngài dạy ta làm rộng ra cho cả thế giới.

Chỉ có điều là cuộc cách mạng xã hội và tôn giáo của Đức Giêsu không ồn ào, không gây chấn động. Vì Đức Giêsu không dùng bạo lực, không hô hào chiến tranh, không cổ võ dùng khí giới, quân đội, xe tăng, phi cơ, súng đạn, không chiếm đất làm lãnh thổ, không cần một dinh thự hay một hoàng cung. “Vì Nước của Ta không thuộc về thế gian này”.

Vậy Ngài dùng khí giới gì ?

Thưa : khí giới cách mạng của Ngài là kêu gọi người ta hoán cải : “Hãy hối cải, vì Nước Thiên Chúa đang đến”. Ai hối cải thì vào đây, cùng nhau ta lập một vương quốc mới ! Vì sao Chúa lại kêu gọi sự hoán cải ? Thưa : sở dĩ loài người bất công, tàn ác là do con tim, trong đó thiếu vắng tình mến Chúa, yêu người. Hãy hối cải, quay trở về bằng con tim với Thiên Chúa, tin vào Chúa, mến Chúa, và yêu thương loài người, thì đại cuộc cách mạng của Chúa sẽ thành công. Cứ xem bao nhiêu cuộc cách mạng trên thế giới : họ tưởng họ làm thay đổi được xã hội, nhưng vì trái tim họ không tin Thiên Chúa, không yêu thương con người, họ vẫn để trái tim hận thù, tham ô, gian ác, thế là họ đã để ma vương, quỉ dữ thống trị lòng họ, vì vậy mà hỏng hết. Đâu lại hoàn đấy và có khi còn tệ hơn trước.

Chỉ mình Đức Giêsu làm cho con người đổi trái tim, hoán cải thực sự, nhờ vào sức gì ? Thưa: nhờ sức của Chúa Thánh Thần, mà Ngài đã lãnh được từ tay Chúa Cha, do bởi cuộc Tử nạn phục sinh của Ngài. Và Thánh Thần là sức mạnh vô địch của Thiên Chúa, Đức Giêsu sẽ phân phát cho ai tin vào Ngài, muốn sống trong Nước của Ngài. Chỉ Thánh Thần mới có sức hoán cải trái tim chai đá, tội lỗi, luôn ích kỷ và muốn áp bức người khác để mưu lợi cho mình, thành trái tim biết yêu thương. Có Thánh Thần, người ta trước kia ích kỷ, nay biết san sẻ cơm ăn, áo mặc ; trước tàn ác, áp bức, nay cúi xuống phục vụ anh em mình...

Cuối cùng, ngày phán xét, Thánh Matthêô 25.31-46 cho chúng ta thấy cảnh Đức Giêsu-Vua sẽ xét xử mọi người chiếu theo chương trình Ngài đã vạch ra, mà ta đọc ở đầu bài này : Ai đem Tin Mừng cho người nghèo, ai đã cho người đói ăn, khát uống, ai đã thăm viếng người tù đầy, giải oan kẻ bị áp bức, thăm nom, chữa trị cho người đau ốm, bệnh tật..., thì Vua nói : Các con là kẻ được chúc phúc, hãy vào trong Nước hằng sống và Nước yêu thương dọn sẵn cho các con, mà các con đã góp phần tạo lập. Còn ai làm ngược lại, Vua phán : Hãy xéo đi xa Ta, vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ và các thần, các bộ hạ, các kẻ giống như chúng, vì đã không biết yêu thương, không biết xây dựng vương quốc yêu thương, chỉ biết sống ích kỷ và tàn ác. Các ngươi giống như ma quỉ, hãy xéo đi theo ma quỉ mà ở với chúng trong nơi cực hình muôn kiếp, ở đó, tha hồ mà ghen ghét, mà đàn áp nhau, mà làm khổ nhau cho đến đời đời.