100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 84

THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU ?

Trích sách 2 Các Vua, ch.2

Tiên tri Elya biết mình sắp được Thiên Chúa Yavê đưa lên trời, ông muốn từ biệt đồ đệ là tiên tri Elida, thì nói :

-           Con hãy ở lại đây, vì Yavê sai ta đến Bê-ten.

Nhưng Elida đoán được việc sắp xảy ra, nên không chịu rời sư phụ, vì đã có các tiên tri khác báo cho ông :

-           Ông biết không, hôm nay, Yavê sẽ cất Thày của ông đi, ngay trên đầu ông.

Ông đáp :

-           Tôi cũng đã biết rồi, im đi !

Cho nên cứ lần nào Thày ông bảo ông dừng lại nơi nào, đừng theo Thày nữa, là ông cứ khăng khăng :

-           Nhân danh Yavê, con thề sẽ không từ biệt Thày !

Thế rồi, sau khi băng qua sông Yorđan, Elya bảo :

-           Hãy xin, con muốn ta làm gì cho con trước khi ta được cất rời xa con ?

Elida thưa :

-           Xin cho con phần gấp đôi về Thần Khí của Thày !

Họ đang vừa đi vừa nói, thì này một xe bằng lửa do những ngựa đỏ như lửa đến tách rời hai người và đưa Êlya lên trời trong cơn gió lốc. Thấy thế, Elida kêu lên :

-           Ôi ! Cha ôi ! Cha là binh xa, chiến mã của Israen !

Một lúc sau, không thấy bóng Thày nữa, thì Elida túm áo mình xé ra, rồi lượm tấm áo bào đã rơi tự mình Elya. Rồi ông trở về, trước sông Yorđan, Elida lấy tấm bào do Elya để lại mà đập xuống nước... và nước đã rẽ làm đôi, Elida đi qua. Các bạn tiên tri khác thấy vậy, liền tuyên xưng :

-           Thần Khí Elya đã đậu lại trên Elida.

Họ đã đến nghinh đón ông và phục lạy ông sát đất.

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Những chuyện lên trời kiểu Elya như thế trong truyện hôm nay và cũng như cách tả cuộc hội ngộ của chúng ta với Chúa Kitô ngày tận thế sau đây, đã in sâu đậm trong trí óc ta cái ý tưởng thiên đàng là đi lên trời, lên các tầng mây cao xa trên không trung. Thánh Phaolô nói như sau : “Vào thời tận thế, khi Chúa đến lại, khi lệnh vang ra, tiếng loa của Thiên Chúa phát ra, thì tự trời, chính Chúa Kitô sẽ ngự xuống, và những kẻ đã chết trong ơn nghĩa Chúa sẽ sống lại..., rồi đến lượt chúng ta, những kẻ lúc ấy còn sống sót, chúng ta sẽ được quyện lên các tầng mây làm một với họ, đi đón Chúa trên làn khí. Và như vậy, chúng ta sẽ được ở với Chúa luôn mãi” (thư 1 Thessalonikê 4.15-17).

Thế là chúng ta cứ tưởng sẽ xảy ra in đúc như thế thật. Mà quên mất kiểu nói của Thánh Phaolô là một kiểu nói mà các nhà Kinh Thánh gọi là loại văn chương khải huyền, dùng những hình ảnh kỳ bí, huyền diệu để tả những điều siêu phàm, linh thiêng… Rồi các cha giảng, cứ nói theo kiểu đó, đã làm cho ta càng đinh ninh rằng : chết là lên thiên đàng ở trên trời. Thực rất khó sửa lại, làm sao tẩy não chúng ta khỏi cái vết in sâu đậm như thế để nói rằng : chết rồi, chúng ta không lên đâu cả, không lên trên trời, lên thiên đàng ở trên các tầng mây bồng bềnh trên không trung. Chết là chúng ta vào trong vinh quang của Thiên Chúa mà sống với Chúa, với Đức Mẹ, với các thánh..., vì chẳng phải là vẫn tin rằng : Chúa ở khắp mọi nơi đó sao, tức là ở ngay đây, gần ta, quanh ta, trên vũ trụ này, và Phúc Âm nói : “Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em” đó sao ?

Xin lấy một bằng chứng ở trong Phụng vụ của đạo ta nữa, để anh chị em hiểu : Hội Thánh dạy ta mừng lễ Đức Chúa Giêsu làm Vua. Xin hỏi Vua ở đâu ? Ta đáp : Vua vũ trụ ! Lại hỏi : Vũ trụ nào ? Đáp : Dĩ nhiên là vũ trụ này. Xin hỏi tiếp : Đức Giêsu sẽ làm Vua bao lâu ? Đáp : Vua cho đến đời đời. Anh chị em đã đáp trúng. Nhưng nếu hỏi rằng : vậy nếu khi chúng ta chết, mà ai cũng nghĩ rằng chết là bỏ thế giới này mà đi về một thiên đàng ở nơi cõi trời nào khác, không thuộc thế giới và vũ trụ này, vậy thì Đức Giêsu sẽ làm Vua cái gì ở vũ trụ này, vì ta đi hết sang chỗ khác rồi ! Ngài sẽ làm Vua mà không có dân, sẽ làm Vua mấy quả đất trơ trọi này ư ? Và nếu có anh chị em nào lại nghe những đoạn Kinh Thánh thuộc văn chương khải huyền mô tả cảnh tiêu tan của vũ trụ này mà không được giải thích đúng đắn mà nghĩ rằng : Thiên Chúa sẽ đốt cháy tiêu tan thế giới này, thì xin hỏi: Lúc ấy Đức Giêsu sẽ làm vua đời đời trên đống tro tàn hay sao ? Trái lại, khi Phụng vụ Hội Thánh dạy rằng Đức Giêsu làm Vua vũ trụ này, và làm vua đời đời, hẳn vũ trụ này sẽ trường tồn, sẽ là thiên đàng của ta, ở đó ta sẽ sống hạnh phúc, có Chúa là Vua ta, ta là thần dân, là con cái, chung sống yêu thương nhau nơi vũ trụ này, song nó đã được tẩy sạch mọi tội lỗi và gian ác xấu xa, được biến đổi nên tốt đẹp viên mãn.

Sở dĩ nhấn mạnh cho anh chị em điều này, xem ra mới mẻ, là để anh chị em đừng có thái độ khinh chê trái đất, khinh chê cuộc sống trần gian - tuy nó tạm bợ, và một thời rồi sẽ hết - mà cứ mong mau lên thiên đàng hưởng thanh nhàn, vui vẻ ở đâu đâu... Biết bao bài hát, kinh đọc đều theo lối đó : “Mẹ ơi hãy mau mau đưa con về trời...”, hoặc : “Lạy Mẹ thân ái lòng con yêu mến, cho con đôi cánh để bay lên trời...”. Riết rồi, ta đâm chán ghét trần gian, coi đó là nơi bể khổ, nơi lưu đầy..., ta mong mau thoát ly... (kỳ thực, trong bụng, có ai muốn mau chết đâu)...

Các người Cộng sản thấy thái độ tiêu cực ấy của ta, vẫn thường chê : “Người công giáo không biết yêu thương đồng bào, yêu thương đất nước, không chịu tranh đấu cho hạnh phúc loài người, họ chỉ lo mau mau lên thiên đàng lãnh phần thưởng ! Thật là một cái đạo ích kỷ, đạo vụ lợi, thế mà họ vẫn luôn miệng cao rao đạo họ là đạo bác ái !”. Thoạt nghe, ta coi lời đó là phỉ báng đạo ta. Nhưng suy nghĩ kỹ lại, ta thấy rất đúng, nhất là nhờ kỳ này, ta học lời Chúa dạy về Nước Thiên Chúa, thì thấy càng đúng hơn.

Xin anh chị em cho phép nói đi nói lại, vì phải làm vậy mới gột rửa được cái ý nghĩ đi lên thiên đàng ở tít mãi trên trời. Xin nói lại : chết rồi, ta không lên đâu cả. Lúc ấy, ta sẽ mở mắt linh hồn ra, và nếu ta đã luôn sống tình yêu Chúa và yêu thương, phục vụ anh em, thì ta sẽ thấy là ta đang ở ngay trong Chúa, trong vinh quang Thiên Chúa rồi. Không lên mà cũng chẳng xuống đâu cả.

Xin lấy một hình ảnh để dễ hiểu : hãy tưởng tượng trái đất là một quả bưởi đang treo lơ lửng giữa không trung. Ta là người Việt Nam, thì do sức hút của trái đất, chân ta dính vào trái đất, đầu ta ngửng lên phía trên, khi ta nói : lên trời, ta chỉ lên trên. Còn người Mỹ, họ ở nửa vòng trái đất (coi như ở đáy quả bưởi nói trên), họ cũng bị trái đất hút vào, chân chạm đất, đầu ngửng lên, song vị trí của họ là ngược đầu với ta. Nếu ta hỏi : lên trời thì thế nào ? họ sẽ chỉ theo phía đầu của họ, tức là đối với họ là đi lên, nhưng so với ta, thì lại là đi xuống.

-           Thế thì ai đúng ai sai ? Chẳng ai đúng mà cũng chẳng ai sai. Té ra đó là một cách nói bình dân thôi, chứ trời không ở trên, mà cũng chẳng ở dưới. Khi nói, để cho dễ hiểu, ta vẫn cứ nói lên trời (và chỉ tay lên phía trên), song trí óc ta phải hiểu khác : là không lên đâu cả. Vì Trời là nơi có Thiên Chúa ngự, mà Thiên Chúa thì ở khắp mọi nơi, không ở trên cao, không ở dưới thấp, duy có điều ta đang sống trong điều kiện có xác thịt, mắt thịt ta không thấy mà thôi.

-           Vậy thì thiên đàng là ở đâu ?

Thưa : Nơi chúng ta sẽ được ở với Chúa, với Đức Mẹ, các thánh và các kẻ được cứu rỗi (mà nôm na ta gọi là thiên đàng), là chính cõi trời mới đất mới (sách Khải Huyền, ch.21-22), tức là tất cả cái vũ trụ mà từ đầu, Thiên Chúa đã tạo lập cho ta (tạo thiên lập địa) làm nơi ở, và ở đó, Thiên Chúa cũng ở cùng chúng ta.

Chớ nghĩ rằng : không phải thế, thiên đàng là ở trên trời, vì đến ngày tận thế, Chúa sẽ phá hủy tan tành cái vũ trụ này, mà tạo một cái khác, cái thứ hai, làm thiên đàng cho ta. Không phải thế đâu ! Thiên Chúa không bao giờ phá hủy (chẳng hạn bằng một trận bom nguyên tử) cái vũ trụ mà Người đã tạo dựng này đây. Kinh Thánh nói rõ : Thiên Chúa tạo dựng mọi sự là để cho nó được tồn tại (sách Khôn ngoan 1.14; 11.24-25). Chắc có người sẽ vấn nạn : Thế sao thấy nhiều đoạn Kinh Thánh khác lại nói Thiên Chúa sẽ hủy trái đất và cả vũ trụ (ví dụ 2 Phêrô 3.10-13: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; trong Ngày ấy các tầng trời xèo xèo biến sạch; ngũ hành bốc cháy tiêu tan;…”) ? Đáp : Các nhà chú giải bảo rằng : đó là lối nói văn chương qui ước, khải huyền, kỳ bí huyền diệu và phóng đại, có mục đích khuyến dụ đừng nên bám vào vật chất đời này mau qua, mà ngóng đợi các sự tốt lành, vĩnh cửu. Ngày xưa, các tiên tri cũng đe dọa sự đánh phạt của Thiên Chúa trên một thành nào thì nói : Thiên Chúa sẽ ra oai thịnh nộ, lúc ấy trời mất sáng, mặt trăng đỏ như lửa, tinh tú rụng xuống rào rào… ! Thực ra đã bao lần tả như thế, đã có thấy tinh tú nào rụng xuống như mưa đâu? Mọi vật, mọi ngôi sao vẫn y nguyên như cũ...

-           Vậy, mục đích nói các điều chúng ta nói trên đây là gì ?

Chắc chắn không để đưa ra một điều mới lạ cho vui, hay có ý đả kích cái cũ, hoặc cung cấp cho ai đó một kiến thức có tính cấp tiến, hầu trội hơn các bạn bè. Mà cốt là để anh chị em có một thái độ sống yêu mến trái đất, yêu mến các con người đang sống trên đó, mà phục vụ họ tận tình cả phần hồn lẫn phần xác, chứ đừng mong bỏ mọi sự, chê mọi sự mà lên thiên đàng. Vì sao thế ? Vì thiên đàng, như ta đã biết qua các bài kỳ trước, Đức Giêsu muốn ta theo gương Ngài mà thiết lập ngay trên trần gian này, bắt đầu ngay từ trần gian này. Hãy làm cho nơi ta ở, ta sống, ta hoạt động trở thành thiên đàng đi ! Nhất là ngay tại gia đình của mỗi người chúng ta. Tại sao có những người nói : gia đình tôi thật là một cái hỏa ngục ? Là vì ta không thiết lập Nước Thiên Chúa trong gia đình ta. Trái lại, mỗi người sống ích kỷ, thu vén, giấu diếm cho mình, mỗi người theo ý thích riêng của mình, chẳng ai thèm để ý ai mà nhường nhịn, phục vụ, giúp đỡ, động một tí là cãi nhau, mất quyền lợi một chút là chửi nhau, chỉ toàn đòi hỏi người khác phải thế này, thế nọ, mà chẳng bao giờ tự hỏi xem mình đã cư xử phải đạo với họ chưa, vv... và vv..., đại loại các việc như vậy. Như thế là gia đình ấy (nói rộng ra cả xã hội ấy) đang bị ma vương, quỉ dữ thiết lập nước xấu xa của nó, nó đang giật dây các đam mê, dục vọng, ích kỷ của mỗi người... Thêm vào đó, mỗi người lại theo tật hư nết xấu của mình mà làm rối beng, mù mịt thêm. Kết quả: đó là một địa ngục.

Hãy mau kíp mời Vua Giêsu đến ngự trị, lên ngôi Vua ngự trong gia đình (hay trong xã hội ấy) ! Hãy xin Chúa thiết lập Nước Chúa trong đó ! Hãy ra sức học hỏi luật pháp của nước ấy (tức là các sách Phúc Âm) : Chúa sẽ dạy ta phải yêu thương thế nào, xóa tan hận thù làm sao, tha thứ bao nhiêu lần, hạ mình xuống phục vụ người khác - cho dù đó là kẻ nhỏ hơn mình - như Chúa Giêsu, dù là Chúa và là Thày, mà quì xuống rửa chân (tượng trưng cho việc phục vụ) cho các môn đồ là học trò của Ngài, và cũng là thọ tạo hèn hạ trước mặt Ngài. Khó làm ư ? Hãy cầu xin Chúa là Vua ban Thánh Thần, là quyền lực Thiên Chúa giúp sức. Cứ kiên nhẫn, mỗi ngày làm khá hơn một chút là được, có lúc thất bại, thụt lùi, lúc khác lại tiến hơn để bù lại. Đối với Chúa, Ngài chỉ cần đòi ta cố gắng, thì dù ta thấy thất bại, Ngài vẫn coi là thành công. Rồi từ đó rộng ra, ta còn làm cho xã hội trở thành bớt đau khổ, bớt địa ngục mà trở nên những mảnh thiên đàng, bằng cách chia sẻ, giúp đỡ, phục vụ tha nhân... Công Đồng Vaticanô II dạy : làm như thế là ta đang dọn chất liệu cho thiên đàng, đang xây dựng Nước Thiên Chúa vậy (Hiến chế : Vui mừng và hi vọng, số 38-39). Xem như thế, điều chúng ta nói đây đã được giáo huấn của Công Đồng Vaticanô 2 dạy bảo trước. Chỉ có điều vì phải nói tổng quát nhiều việc, nên Công Đồng chỉ nói cách gọn ghẽ, hết sức ngắn và cô đọng trong ít dòng thôi.

Đó là mục đích của những bài về Nước Thiên Chúa : đưa ta đến việc đổi cách sống đạo, không còn khinh chê và muốn mau rời bỏ trần gian để chóng về thiên đàng trên trời, nhưng xây dựng thiên đàng ngay từ trần gian và ngay trên trần gian này, lập Nước Thiên Chúa, nước yêu thương và công bằng, bác ái, phục vụ, không còn đàn áp bất công ngay trên trần gian này (Hãy nhớ đến kịch truyền hình : “Không chỉ là những ước mơ”, kịch chiếu hồi tháng 8-91).

Mà điều này rất quan trọng, chứ không phải là điều tốt khuyên nên làm, không làm thì không sao cả. Ta sẽ hiểu tầm quan trọng này ngay khi ta đọc từ đầu đến cuối sách Phúc Âm, ta thấy mục đích Đức Giêsu xuống thế là để thiết lập Nước Thiên Chúa, và suốt 3 năm như thế của đời sống công khai, Ngài rao giảng về Nước ấy, khi thì nói : Hãy hối cải, vì Nước Thiên Chúa đã gần bên, lúc thì dùng các dụ ngôn : Nước Thiên Chúa (hoặc Nước Trời) thì ví như Vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử ; ví như hạt cải, như người kia vớ được kho báu giấu trong ruộng... Lúc khác, Chúa tập huấn cho các môn đồ biết cách sống thế nào cho đúng trong Vương quốc ấy : không được tranh chỗ ngồi cao, mà phải hạ mình làm tôi tớ, đừng ham chức tước, phải tha thứ đến 70 lần 7..., phải để của lễ đó mà đi làm hòa trước đã, phải có tâm hồn đơn sơ, không tính toán như trẻ con... Chính Đức Giêsu đã sống và đã chết vì Nước ấy và để thiết lập nước ấy. Ngài tha thiết và ấp ủ nó trong tim, đến nỗi sau khi chết hi sinh trên thập giá, sống lại còn 40 ngày nữa lên trời, Ngài để suốt cả thời gian ấy mà dạy dỗ thêm cho các môn đồ về Nước Thiên Chúa (Công Vụ 1.3-4).

Xin kết thúc : Nếu Chúa đã sống và chết vì Nước Trời, hỏi ai là môn đồ, là tín hữu Chúa mà lại dám dửng dưng ?

Tích truyện

Quán ăn cầu nguyện

Các chị em thuộc Tu hội “Eau Vive” (Nước hằng sống), nguồn gốc từ nước Bỉ, có mở một quán ăn. Mới bước vào, khách thấy bầu không khí là lạ : thức ăn rất tinh khiết và ngon, giá phải chăng, các cô chiêu đãi lại quí khách hơn vàng. Chẳng lạ gì, vì châm ngôn của họ là : Phục vụ Chúa Kitô trong các thực khác. Khách hàng, khi đã thân quen, tò mò hỏi :

-           Tại sao các cô thuộc nhiều quốc tịch, lại có thể chung sống với nhau? Tại sao các cô không lập gia đình ?...

Bấy giờ, các chị ấy mới thuật lại cuộc sống của tu hội một cách đơn sơ, chân thành, khiến nhiều người cảm kích, có người bắt đầu tìm hiểu đạo, người khác lên đường trở về với Chúa...

Đặc biệt, sau giờ cơm tối, vào lúc 9 giờ, các chị có giờ cầu nguyện và chia sẻ Tin Mừng. Các chị thưa với khách hàng :

-           Giờ đây, chúng tôi có giờ cầu nguyện, quí vị nào muốn tham gia, chúng tôi xin kính mời, ai không tham gia, xin cứ tự nhiên.

Thế rồi các chị cùng một ít thực khách sắp ghế vòng quanh lại và bắt đầu cầu nguyện với những bài Thánh ca sốt sắng, ý nghĩa và truyền cảm. Có nhiều người, ban đầu không tham gia, dần dần thấy hay hay cũng lắng tai nghe, rồi những lần kế tiếp xách ghế ngồi phía sau tìm hiểu... Có những người đã quen và thích, thì tuần nào cũng đến quán ăn cơm một hay hai lần, cốt để tham dự buổi cầu nguyện mà họ cho là bổ ích, cũng như các món ăn bổ dưỡng các chị nấu dọn ; hơn nữa, họ còn thấy hấp dẫn và cảm động.

Quán ăn đã trở nên nhà cầu nguyện !

Nơi này cụ thể đã thành một khu vực nhỏ của Nước Thiên Chúa, nơi Chúa và con người vui sống, hạnh phúc qua món ăn ngon, bổ dưỡng thân xác, qua lời kinh, tiếng hát kết hợp với tâm hồn.

[Xin hát một bài ngợi khen Chúa, tỉ dụ : “Hãy đến tung hô Chúa, reo mừng Đấng Cứu thoát ta ! Nào cùng đến trước thiên nhan...”]