100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 83

NƯỚC TRỜI NƠI CỘNG ĐOÀN TIÊN KHỞI

Như đã biết, Nước Trời được Đức Giêsu thiết lập hiện tại ngay từ trần gian này. Nước Trời ấy, Vương quốc ấy lần đầu tiên được cộng đoàn tiên khởi thực hiện cụ thể: họ đã sống đúng lý tưởng của Đức Giêsu đề ra. Đây, đoạn Công Vụ Tông Đồ thuật lại cho ta thấy:

Trích sách Công Vụ Tông Đồ 2.41tt

Những người đã nghe lời rao giảng của ông Phêrô, thì đã tin vào Đức Giêsu và chịu phép Thanh tẩy, số những người ấy lối chừng ba ngàn, làm thành cộng đoàn tiên khởi. Và đây là lối sống của họ : họ chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông đồ, và họ chuyên cần với sự hiệp thông, với việc bẻ bánh (ngày nay gọi là Thánh Lễ) và luôn chuyên cần kinh nguyện.

Hồi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ, khiến mọi người trong cộng đoàn càng thêm kính sợ Chúa, và tin vào Chúa. Về mặt xã hội, những tín hữu ấy thay thảy đều coi mọi sự như của chung : đất đai, của cải, nhà cửa..., ai có đủ dùng rồi thì đem bán đi mà đặt tiền vào quĩ chung do các Tông đồ quản lý, để phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình. Thành ra, giữa họ không có ai còn phải túng thiếu nữa. Chỉ xin ghi lại vài trường hợp đại độ lớn, chẳng hạn như có ông Giuse, biệt danh Banaba, là một lêvít, gốc xứ Kyprô, ông có thửa ruộng và đã bán đi mà đem bạc đặt dưới chân các Tông đồ.

Về mặt tôn giáo, họ sốt sắng thờ phượng Chúa hết mực : ngày ngày, họ lui tới Đền Thờ, rồi dự cuộc bẻ bánh (tức là Thánh Lễ) thường cử hành ở các nhà riêng, nơi nào rộng rãi và tiện lợi, rồi họ chia sẻ cho nhau của ăn, thức uống.

Sống như thế, nên ai ai cũng thấy lòng hân hoan, vui sướng, tâm hồn thơ thới, đơn sơ, không tính toán, hoàn toàn phú thác cho Chúa. Hơn nữa, họ không ngớt ngợi khen Thiên Chúa đã cho họ sống sung sướng trong Vương quốc đầy yêu thương, công bình, bác ái như thế.

Quang cảnh tốt đẹp của cộng đoàn ấy làm cho người ngoài, ai thấy cũng phải cảm phục. Toàn dân ca ngợi họ, mến phục họ. Hơn nữa, cộng đoàn tốt đẹp ấy còn lôi cuốn nhiều người gia nhập càng ngày càng đông.

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Một cộng đoàn, một xã hội lý tưởng như thế, ai trong chúng ta chẳng muốn gia nhập ? Ở đó, không chỉ có mặt thiêng liêng là thờ phụng Chúa, dự Thánh Lễ, rước lễ, kinh nguyện cầu Chúa và cầu cho nhau, mà còn có cả mặt kinh tế, vì người ta coi nhau như anh chị em một nhà, chia sẻ của cải cho nhau, để không ai phải túng thiếu, họ còn chia sẻ cả của ăn, đồ uống hằng ngày nữa. Còn mặt tâm lý, họ cũng đầy hân hoan, vui mừng : người có của cho đi, chia sẻ cho người thiếu mà không tiếc xót, còn cảm thấy vui mừng, hân hoan, vì coi như cho chính mình Chúa Kitô ; người nghèo nay được của ăn, áo mặc, khỏi túng thiếu, cùng quẫn, thì vui mừng ; và tất cả người cho, kẻ nhận, đều dâng lời lên ngợi khen Thiên Chúa.

Cộng đoàn ấy có thực và đã sống thực như thế, sử sách còn đó. Chúng ta thường gọi là Giáo Hội sơ khai, Hội Thánh tiên khởi.

Tại sao họ sống được như thế ?

Trước hết, đó là do họ tuân theo lời dạy của Chúa Giêsu. Ta hãy mở các sách Tin Mừng mà đọc suốt cả từ đầu chí cuối, sẽ thấy rằng : trong cả ba năm giảng dạy, Đức Giêsu không ngớt rao giảng về Nước Thiên Chúa. Khởi sự là sau khi chịu phép rửa ở sông Yorđan, bởi tay của Gioan Tiền Hô, Ngài liền rao báo : “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến lắm rồi !” (Mt 4.17). Sau đó, “Ngài rảo khắp xứ Galilê, giảng dạy trong các hội đường người Do thái, và rao truyền Tin Mừng về Nước Thiên Chúa” (Mt 4.23)... Rồi khi dạy dân chúng, Ngài nói rất nhiều về Nước Thiên Chúa, qua các ví dụ cho họ dễ hiểu : nào là Nước Trời ví như hạt cải, như men... Nước Trời ví như vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử... - Ngài không chỉ rao giảng bằng lời, mà còn bằng hành động :

1/         Bằng các việc trừ khử ma quỉ và chữa bệnh tật : Từ khi Ađam-Eva phạm tội, ma quỉ lọt vào trần gian để quấy phá, gây đau thương, chết chóc. Nó còn giật giây các tay sai để áp bức, hà hiếp, làm khổ loài người. Nó nhập vào người ta, gọi là quỉ ám, nó gây ra bệnh tật, nó xúi phạm tội... Cho nên, muốn thiết lập Nước Thiên Chúa, tất nhiên Đức Giêsu phải đẩy lùi nước của Satan, quyền lực của ma vương, quỉ dữ... (x. Mt 12.28tt). Chính Đức Giêsu đã nói : “Làm sao ai có thể vào nhà kẻ cường quyền và đoạt nhà, đoạt của của nó, nếu không trói nó trước đã, rồi đuổi nó đi, và bấy giờ mới đoạt được nhà và của cải của nó. Cũng như thế đó, ta nhờ Thần Khí của Đức Chúa Trời mà trói gò ma quỉ, đuổi nó đi, thì đó là dấu Nước Thiên Chúa đã bắt đầu đến và được thiết lập trên các ngươi”.

2/         Bằng việc tập huấn cho các môn đồ sống Nước Thiên Chúa : Qua 3 năm giảng dạy, ngoài những lúc giảng cho dân chúng, Đức Giêsu có những ngày giờ dạy riêng cho các môn đồ, nhất là nhóm 12 (gọi là Tông đồ) và tập luyện cho các ông sống thế nào cho đúng qui cách của Vương quốc ấy.

Các việc này dài lắm, xin các bạn xem trong sách Tin Mừng. Ở đây chỉ nêu ra vài điểm :

a/         Thấy các môn đồ còn theo thói quen đọc nhiều kinh, mà không thực hành mấy, giống các Biệt phái nói mà không làm, Đức Giêsu bảo : Này các môn đồ, không phải cứ nói : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là sẽ vào được Nước Thiên Chúa. Ai vào nước này, phải thi hành ý Cha trên trời. Ngày phán xét, Ta sẽ tuyên bố với những kẻ chỉ biết lẻo mép đọc kinh, miệng ê a niệm lời : Lạy Chúa, lạy Chúa rằng: Hãy xéo đi xa Ta, chúng bay là ai, Ta không hề quen biết. Rồi Đức Giêsu căn dặn : vậy phàm ai nghe lời Ta dạy và thi hành, thì ví được như người khôn, xây nhà trên nền móng bằng đá, thì không sợ mưa tràn, gió thổi, lũ lụt gì cả ! Ngược lại, chỉ nghe lời dạy mà không thực hành, thì ví như người khờ dại, đi xây nhà trên cát, mưa gió trôi cát đi là nhà sập, mất công toi ! (Mt 7.21-27). Đó là bài học Chúa dạy phải thực hành Lời Chúa.

b/         Có lúc khác, các môn đồ tranh nhau xem ai sẽ lớn hơn trong Nước Trời. Đức Giêsu không nói gì cả. Ngài gọi một đứa trẻ lại đặt giữa họ và nói : Ai kể mình hèn kém như trẻ nhỏ này, thì kẻ ấy là lớn hơn trong Nước Trời. Các môn đồ ngạc nhiên quá sức ! Vì thời đó, người ta coi thường trẻ em, coi là đồ ăn hại, là dốt nát không hiểu luật pháp, không thể làm lớn, không chức tước... Đức Giêsu lại bồi thêm câu nữa : “Ta còn long trọng tuyên bố với các ngươi : Nếu các ngươi không hoán cải, đổi cách ăn, cách ở mà nên đơn sơ, khiêm tốn như trẻ nhỏ, không những các ngươi không làm lớn đã đành, mà còn không vào được Nước Chúa nữa !” (Mt 18.1-4).

Lúc ấy, các ông không hiểu lời Chúa dạy, vì đầu óc họ cũng như chúng ta, chỉ trọng ăn trên, ngồi trốc, ham địa vị, danh vọng. Chúa lại bảo : Nếu họ muốn vào sống trong Nước Chúa, họ phải bỏ cái óc xôi thịt, ham địa vị, ham ăn trên, ngồi trốc đi, mà sống khiêm nhường, hèn kém, nhỏ bé. - Ôi, lời dạy và sự tập huấn của Chúa cũng đáng suy nghĩ cho chúng ta ngày nay dường nào !

c/         Rồi có lúc Chúa quì xuống rửa chân các môn đồ. Đó là việc làm của một tên nô lệ. Các tông đồ thấy thế đều thất kinh, riêng Phêrô trực tính, không chịu để Chúa rửa chân mình. Sau khi rửa xong, Đức Giêsu mới bảo : “Chúng con thấy đấy, chúng con gọi Ta là Chúa, là Thày, đúng. Thế mà Ta quì xuống rửa chân cho các con. Vậy, trong Vương quốc, chúng con cũng phải hạ mình phục vụ anh em, không đếm kể đến thân mình như vậy...”

Nếu kể ra thì nhiều điều Chúa dạy lắm : nào không được ly dị, nào không được làm gương xấu, nào phải tha thứ, nào phải sửa lỗi anh em..., nào phải ra đi làm lợi cái nén vàng là vốn Chủ trao cho...

Các sách Tin Mừng là sách ghi chép lại lời Chúa dạy về Nước Thiên Chúa và cách phải sống sao cho đúng trong nước ấy, nên ta có thể gọi sách Tin Mừng là Hiến pháp của Nước Thiên Chúa, hay Thủ bản của Vương quốc !

Bây giờ trở lại với Cộng đoàn tiên khởi. Vâng lời Đức Giêsu dạy, họ đã sống đúng theo qui cách Nước Thiên Chúa, có thế thôi. Song chúng ta quên chưa nói đến một điều quan trọng : Chúa Thánh Thần ! Điều này có ý nói rằng : cho dù cộng đoàn tiên khởi có vâng lời Đức Giêsu dạy, có tài giỏi và quảng đại mấy, họ cũng không thể sống đúng như lời Chúa đòi phải sống, nếu không có Chúa Thánh Thần giúp sức. Đức Giêsu biết thế lắm, nên sau khi tử nạn và phục sinh, trong 40 ngày, Ngài hiện ra cho các môn đồ và chuyên chú nói cho họ, dạy cho họ mọi điều về Nước Thiên Chúa. Xong, Ngài dặn các môn đồ rằng : Nước Thiên Chúa mà Thày thiết lập, các con chỉ có thể vào và sống nổi, nhờ chịu lấy ơn Thánh Thần, mà Thày sẽ ban xuống cho. Chính sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại như thế (1.3-5). Được lệnh Chúa truyền, họ liền họp nhau sốt sắng cầu nguyện, ròng rã nhiều ngày, và khi thấy họ đã đủ sẵn sàng đón nhận, thì vào lễ Ngũ Tuần, Đức Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngự vào trong lòng họ dưới hình lưỡi lửa... Nhờ sức Chúa Thánh Thần, thế là họ bắt đầu sống Nước Thiên Chúa và rao truyền cho người khác biết, để gia nhập làm thành cộng đoàn tốt đẹp, lý tưởng mà ta đã xem trên đầu.

Thấy người lại nghĩ đến thân, chúng ta thấy cộng đoàn tiên khởi lại nghĩ đến cộng đoàn xứ đạo chúng ta, chúng ta chắc ai cũng muốn cộng đoàn xứ đạo - một mảnh của Vương quốc - cũng sống sao cho tốt đẹp, giống như cộng đoàn tiên khởi... Chúng ta đã nhập vào Nước Thiên Chúa rồi bởi đức tin và Phép Rửa. Chỉ có điều ta không sống trong Vương quốc Chúa đúng theo qui cách Chúa đòi hỏi. Chúng ta thiếu cái gì để sống được như vậy ? Thưa : nói tắt là thiếu hai chuyện: thứ nhất, thiếu học hỏi hiến pháp Nước Thiên Chúa (tức sách Tin Mừng), thứ hai, thiếu ơn Chúa Thánh Thần, do ít cầu xin với Ngài.

Cầu chúc anh chị em hãy cố bổ khuyết hai thiếu sót ấy, hầu làm cho không những xứ đạo, mà còn ngay cả gia đình mỗi người, trở nên cộng đoàn tốt đẹp như cộng đoàn tiên khởi ; nói khác đi, đó là làm cho gia đình và xứ đạo anh chị em trở nên một thiên đàng ngay dưới trần thế.

Tích truyện

Một bà mẹ viết cho đứa con nhỏ : “Mẹ viết vài dòng này cho con. Sáng nay ở trường về, đi trước mẹ mấy bước, con đã đi qua một người đàn bà đáng thương đang bế trên tay một đứa bé xanh xao, ốm yếu. Người ấy xin con tiền. Con nhìn sững bà ta và con không cho gì hết, dù mẹ biết con có tiền trong túi. Nghe mẹ bảo đây con : đừng dửng dưng đi qua trước người nghèo khổ đang ngửa tay xin mình giúp đỡ, và nhất là trước bà mẹ xin con một đồng cho con của mình. Con hãy nghĩ rằng : có thể đứa bé ấy đang đói, hãy nghĩ đến nỗi khắc khoải của người đàn bà đáng thương. Thỉnh thoảng, con phải biết chia sẻ một đồng tiền từ túi con, để đặt vào lòng bàn tay một cụ già không nơi nương tựa, một đứa trẻ không có bánh ăn. Người nghèo khổ thích được trẻ em giúp đỡ, vì như vậy ít tủi nhục hơn cho họ. Đối với đứa trẻ, việc bố thí vừa là một việc bác ái, lại vừa là một lời an ủi đơn sơ. Mẹ nói vậy, con có hiểu không ? Nói cách khác, một đồng tiền từ tay đứa bé trao tặng, đó còn là một đóa hoa nữa. Con hãy nghĩ rằng : con chẳng thiếu thốn chi hết, còn người nghèo thì thiếu thốn mọi thứ. Trong lúc con ước mong được sung sướng, thì họ chỉ cầu xin cho khỏi chết đói... Con nhỏ của mẹ, con hãy suy nghĩ và đừng bao giờ hành động như buổi sáng hôm nay nữa con nhé ! Mẹ hôn con, con yêu của mẹ !”