100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

 
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 57

CÁI LƯỠI LÀ LỬA... HỎA NGỤC

Trích sách 1 Sa-mu-en, ch.21 và 22

Khi Đavít chạy trốn vua Sao-lê, đang muốn giết ông vì ghen tị, thì một hôm, ông đến làng Nôb, ở đó có đặt Khám Giao Ước của Thiên Chúa. Ông ra mắt vị Tư tế A-khi-mê-lếch và xin Người cho ông ăn. Tư tế đáp :

-           Tôi không có sẵn bánh thường, chỉ có bánh thánh, bánh dâng hiến cho Thiên Chúa.

Ta nên biết : bánh này chỉ có tư tế mới được phép ăn. Ăn xong, Đavít nói với Tư tế :

-           Ông có sẵn cây giáo hay cây gươm nào không ?

Tư tế đáp :

-           Chỉ có cây gươm của Gôliát mà ông đã hạ sát ở thung lũng Cây Sến. Ông muốn lấy cú lấy.

Đavít cầm lấy, lên đường chạy trốn xa mặt vua Sao-lê. Nhưng không ngờ, hôm ấy, có một người đầy tớ thân tín của vua Sao-lê, tên là Đô-ếch, đang ở đó, y đã lén thấy tất cả mọi việc, nên đã về tố cáo với Vua Sao-lê. Vua sai đi triệu Tư tế A-khi-mê-lếch và cả gia đình đến. Vua nổi giận quát :

-           Tại sao ngươi đã cho Đavít ăn, lại còn cấp khí giới cho nó ? Thế là ngươi đồng lõa với hắn chống lại ta !

Tư tế thực tình tâu :

-           Tôi không hề biết Đavít bị Vua phế bỏ, tôi vẫn tưởng ông là phò mã và là cận vệ thân tín của Vua. Xin Đức Vua đừng bắt tội tôi tớ của ngài và cả gia đình tôi !

Nhưng Nhà Vua phán :

-           Thế nào ngươi và tất cả gia đình ngươi cũng phải chết.

Quay lại quân cấm vệ, Vua ra lệnh :

-           Hãy tuốt gươm xử tử các người này đi !

Nhưng các cấm vệ của Vua đứng im không nhúc nhích, vì họ không muốn tra tay giết hại Tư tế của Thiên Chúa. Vua mới bảo Đô-ếch :

-           Ngươi hãy quay lại chém các tư tế đi !

Đô-ếch đã vung gươm chém chết cả thảy hôm đó là 85 người, bắt đầu từ A-khi-mê-lếch và tất cả dòng dõi con cháu tư tế ấy. Vua Sao-lê chưa hả giận, ông còn sai tuốt gươm làm cỏ tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ con và ngay đến chiên dê, bò lừa của làng Nôb. Chỉ còn lại khám Giao Ước cô độc trong một làng chìm trong im lặng, giữa các tử thi đẫm máu !

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Tất cả cuộc chém giết tàn ác ấy, ai là thủ phạm đầu tiên ? Thưa : cái lưỡi độc địa của tên Đô-ếch ! Hắn biết Vua đang tức giận Đavít, thế mà hắn tố cáo tư tế là một người vô tội, ngay tình, vẫn tưởng Đavít là phò mã của vua... Như thế, hắn đã phạm trọng tội, hơn nữa, hắn lại vu cáo cho Tư tế cái ý xấu là có ý đồng lõa với Đavít... Hậu quả của một lời tố cáo, vu khống ghê gớm đến thế đó : Cả một làng bị giết hết ! Cả một dòng dõi tư tế bị tru diệt ! Quả đúng như lời Thánh Giacôbê nói: Cái lưỡi là lửa... của hỏa ngục ...(Gc 3.6).

Chúng ta đang học về điều răn thứ 8 : chớ làm chứng dối ! Thực ra, phải nới rộng thêm : cấm hết mọi hình thức gian dối, lừa đảo, nịnh hót, giả hình, tố cáo láo, vu vạ, bội thề, chỉ trích vô cớ, bôi nhọ, nói xấu, nói hành... kể ra không xiết.

1/         Kỳ này, ta bàn đến việc tố cáo, vu cáo, hoặc làm chứng dối. Các điều này, ngoài cái tội nói dối, nói gian không đúng với sự thực, còn thêm tội gây thiệt hại cho người ta, như sẽ bị tù, bị phạt, bị bồi thường, bị mất công ăn việc làm, hoặc mất thanh danh... Tất cả những thiệt hại vật chất và tinh thần ấy, người vu cáo phải đền bồi cân xứng. Khi đi xưng tội, đừng tưởng chỉ xưng suông là xong cả và yên lương tâm rồi !

2/         Về việc bội ước, bội thề : Ta cũng phải thẳng thắn, chính trực ngay trong lời hứa hay cam kết nữa. Cũng thường gọi là sự trung tín với lời hứa, lời thề..., từ những việc lớn như cam kết trong hôn nhân, hay lớn hơn nữa, các hiệp ước giữa trường quốc tế..., cho chí các việc hứa hẹn thông thường, nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày. Kẻ hứa mà không giữ, người đời đều gọi là kẻ hèn. Cho nên, đã hứa là làm, đã hẹn là đến, đến đúng giờ. Nếu không, cũng là một thứ lừa dối ; phải xin lỗi, nếu thực có những chuyện bất ngờ xảy đến cản trở. Trong chuyện buôn bán, đã hứa bán một đồ gì, thế mà về nhà nghe nói ra nói vào, tiếc của, thụt lui không bán nữa, đem bán cho người khác để được giá cao hơn : đó là bội ước. Tốt nhất là đừng vội hứa hẹn gì, hãy đắn đo trước đã. Cho dù hứa với một đứa trẻ, thì người chính trực cũng không nuốt lời. Chúng ta còn nhớ tích ông Mạnh Tử, nghe thấy vợ dỗ con đang khóc và hứa là chiều bố về, bố giết heo cho con ăn... Mạnh Tử phải sai giết heo thật để khỏi phụ lời hứa với con. Mạnh Tử thật là người quân tử ! Mà ta lại còn là con Chúa nữa, chẳng lẽ không bằng quân tử sao ? Thêm một chuyện nhỏ làm ví dụ : Ta thường hứa cầu nguyện cho người nọ, người kia, ta có nhớ cầu cho họ như đã hứa không ? Còn lời hứa của ta với Chúa trong phép Rửa tội, hứa với người, ta cố giữ, chẳng lẽ hứa với Chúa, ta lại coi thường ?

Khi người Tây phương nói câu : “Tôi nói lời danh dự !”, thì có chết họ cũng làm cho bằng được, thật đáng ta khâm phục bắt chước. Bên Đông phương, người ta cũng có câu khí khái không kém : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” : một lời hứa nói ra, thì cỗ xe bốn ngựa chạy theo cũng không kịp để lấy lại. Đó là con người biết tự trọng. Còn người không biết tự trọng thì thế này : nếu có ai xúc phạm danh dự và tự ái của ta, thì ta đùng đùng nổi giận, đòi bồi thường danh dự, đang khi đó, ta tự bôi nhọ danh dự bằng cách dễ dàng nuốt lời hứa, nói dối trá... ; thế là đòi người khác trọng mình, mà mình không trọng mình.

Do đó, giữ lời hứa, lời kết ước là điều khó. Phải có can đảm. Nhưng, thế mới là đáng mặt làm người và làm con Chúa.

3/         Về sự cẩn mật và im lặng : Đã đành, khi nói phải nói thật, nhưng không phải bất cứ điều gì cũng nói. Không biết làm thinh khi cần là ngu ngốc và thiếu cầm mình tự chủ. Tức là có những điều mình không nên nói, không được phép nói, như trường hợp một bí mật phải giữ kín, hoặc nói ra một điều gì phương hại đến kẻ khác, tức là lỗi bác ái : chẳng hạn bí mật của gia đình, con cái không được lộ cho người ngoài, hoặc bí mật giữa bạn bè, giữa hội đoàn..., chắc ai cũng nghe thấy nói về bí mật nghề nghiệp : linh mục phải tuyệt đối giữ kín những điều nghe được trong tòa cáo giải ; bác sĩ, luật sư cũng vậy...

Phải biết giữ im lặng ! Nghe tưởng chừng dễ, nhưng thực tế rất khó. Kinh Thánh dạy : “Có một thời để nói, có một thời để làm thinh”. Thật là một ơn lớn cho ai biết nói một câu tử tế vào đúng lúc cần thiết. Kinh Thánh còn dạy :

Kẻ nín thinh, được kể là khôn,

  Kẻ đa ngôn thì bị ghét bỏ.

  Người khôn làm thinh đợi dịp

  Kẻ khoác lác chẳng kể chi thời” (Huấn ca 20.5-7).

Cách ngôn Ả rập có câu : “Khi bạn nói, làm sao lời nói hữu ích hơn là im lặng”. Thánh Phaolô dạy : “Đừng có lời hư từ nào xuất từ miệng anh em, nhưng lời lẽ phải lương thiện, có hiệu lực xây dựng và sinh ích cho người nghe” (Ep 4.29).

•  Về điểm cẩn mật và biết làm thinh, đừng nói khi không nên, thiết tưởng chị em phụ nữ phải đề phòng hơn. Vì từ cổ chí kim, từ đông sang tây, đều một mực nói : các cô, các bà hay cà kê, dê ngỗng, kể chuyện chồng, chuyện con, chuyện hàng xóm, láng giềng... thôi thì đủ thứ, nói ngày nói đêm không bao giờ hết. Vì thế, mới có câu chuyện đố vui này : Hỏi tại sao người đàn bà thường sống lâu hơn đàn ông ? - Đáp : Vì họ còn nhiều chuyện phải nói, và nói chưa hết, thì chưa chết được.

Do đó, “đa ngôn, đa quá”, Kinh Thánh cũng như cách ngôn ta đều nói vậy (Cn 10.19). Người phụ nữ phạm không biết bao lỗi lầm vì lời nói bừa bãi và vì nói nhiều : nào nói xấu, nói hành, kể chuyện riêng tư của người ta làm mất thanh danh, nhất là hay phịa ra nhiều chi tiết, thêm thắt cho chuyện mình kể thêm thú vị, thành ra nói dối lúc nào không hay...

Xin chị em phụ nữ hãy nghe Lời Chúa dạy : “Nơi môi miệng con, hãy có then cài, cửa đóng” (Hc 28.25). Hãy nghe nhiều hơn nói ! Nghe rồi đưa lên đầu để suy nghĩ, lựa lọc, chứ đừng vừa nghe là tọt xuống trái tim, thế là gặp dịp đầu tiên, liền tuôn ra liền, vì trái tim không có cái lọc, không có cái thắng !

Cách riêng phải càng giữ miệng lưỡi trong cuộc sống gia đình với chồng, với con. Kinh Thánh đã cảnh cáo :

Đàn bà oang oác lắm mồm,

  Như loa thúc trận hết ngày lại đêm,

  Chồng nào phải sống cảnh trên

  Suốt đời như giữa trận tiền chiến tranh” (Hc 26.27).

•  Riêng với thanh thiếu niên, xin lưu ý điều mà ngày nay hay mắc phải là nói tục, chửi thề. Một thói tục xấu xa và ngoại đạo đã làm ô uế cửa miệng rất nhiều thanh thiếu niên công giáo. Xin phép cho nói rõ ra, đó là những câu : “Đù má”, “Địt mẹ” và đại loại những câu tục tĩu, bẩn thỉu như thế, không thể chấp nhận được trên môi miệng của những người con cái Chúa, là những người chỉ biết nói lời yêu thương, miệng chỉ biết chúc phúc, chỉ nói những lời tốt đẹp xây dựng. Chúa Giêsu đã cảnh cáo nghiêm nghị :

Lòng ứa đầy những gì thì miệng nói ra cái ấy.

Kẻ ác thì tự kho ác mà kéo ra điều ác.

Nòi rắn độc, làm sao các ngươi có thể nói

ra điều lành, khi lòng các ngươi đầy sự ác.

Mà Ta bảo các ngươi, mọi lời hư từ nói ra,

người ta sẽ phải trả lẽ ngày phán xét” (Mt 12.34-37).

Tích truyện

Đời Chiến quốc, có người tên Biện Hòa tìm được ở núi Kim Sơn một viên ngọc, đem dâng vua Lê Vương. Vua trao cho thợ ngọc xem, thì y bảo là đá. Vua giận, sai chặt chân trái của Biện Hòa. Đến đời vua Bảo Vương, Hòa lại đem viên ngọc dâng lên. Thợ ngọc lại bảo là đá, nên Hòa bị chặt thêm chân mặt. Qua đến đời vua Sở Văn Vương, Hòa định đem ngọc đi dâng nữa, nhưng vì cụt hết hai chân, nên ôm ngọc mà khóc 3 ngày 3 đêm đến chảy máu mắt. Có người hỏi, thì Hòa đáp :

-           Không phải vì tôi muốn được thưởng mà đi dâng ngọc, song tôi đau đớn chỉ vì ngọc mà lại bảo là đá, ngay mà bảo là gian.

Vua nghe được chuyện, sai thợ ngọc đập viên đá ra, thì quả có một viên ngọc phách vô cùng đẹp đẽ. Liền đặt cho ngọc ấy là ngọc Biện Hòa. Nhưng lúc ấy, hai chân của Biện Hòa chẳng còn nữa. Cũng chỉ vì lời tâu sai!

-----oOo-----