100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

 
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 27

NỮ HOÀNG SABA YẾT KIẾN SALÔMÔN HOÀNG ĐẾ

Trích sách 1 Các Vua, ch.1

Tin đồn về sự thông thái, khôn ngoan của Vua Sa-lo-môn lan ra khắp các nước, đến tai cả những người xứ Ả rập xa xôi, giữa những vùng sa mạc nóng cháy. Vậy có nữ hoàng Sa-ba, cai trị một xứ ở vùng Ả rập ấy, quyết định đến yết kiến Sa-lo-môn, vì bà đã nghe đồn về khôn ngoan của ông, cũng như về Đền Thờ nguy nga, đồ sộ ông xây để dâng kính Thiên Chúa Yavê. Bà đến Yêrusalem với đoàn quân hầu hào hoa, lịch sự chưa từng có, đem theo hàng đàn lạc đà tải vàng và hương trầm quí, cùng bao nhiêu trân châu, bảo ngọc. Bà còn đến với dự tính ra các câu đố để thử tài ông. Sa-lo-môn đã giải cho bà tất cả các câu đố hóc hiểm, không có điều nào mà ông không giải được. Khi nữ hoàng Sa-ba thấy tất cả sự khôn ngoan cao vời ấy, những đền đài, cung điện ông đã xây, những món sơn hào hải vị trên bàn ngự yến, các dinh thự của các quan triều thần, hàng ngũ và giáp binh của quân đội, các y phục gấm vóc lụa là của quần thần, và nhất là những lễ thượng hiến vô vàn vô số chiên, bò ông dâng tế lên Yavê..., thì bà không giấu nổi sự khâm phục, ngây ngất. Bà nói với Vua :

- Quả là sự thật tất cả những điều tôi đã nghe khi còn ở quê nhà về các công việc, tài năng và khôn ngoan của Hoàng Thượng. Tôi đã không muốn tin, và coi như hoang đường, bày đặt. Mãi cho đến bây giờ, tôi đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt. Thật ra, điều người ta đồn chưa bằng một nửa. Về khôn ngoan và thịnh đạt, Ngài đã trổi xa hơn lời đồn thổi ! Phúc thay các Hoàng hậu và cung phi của Ngài! Phúc thay các quần thần của Ngài, những người chầu chực luôn trước mặt Ngài và được nghe sự khôn ngoan của Ngài. Chúc tụng Yavê, Đấng đã đem lòng sủng mộ Ngài và đã đặt Ngài trên ngai của Israen, để thi hành công minh, chính đức !

Bà đã dâng tặng cho Vua 120 tạ vàng và vô số trầm hương với trân châu bảo ngọc đếm không xiết như chưa từng thấy ở Yêrusalem. Và Vua Sa-lo-môn cũng tặng lại nữ hoàng vô cùng hào phóng, xứng bậc hoàng vương. Rồi nữ hoàng đã lên đường hồi hương.

* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Nghe lời một nữ hoàng ngây ngất khen tặng sự khôn ngoan, tài năng của Sa-lo-môn, thật sướng tai ! Xét lại nguồn gốc sự khôn ngoan của Vua, ta thấy Kinh Thánh thuật rằng : ông đã cầu xin Chúa. Và điều ấy đẹp lòng Chúa đến nỗi Chúa ban kèm thêm của cải, vinh sang, quyền lực (x. 1V 3.9-13; 2Ks 1.10-12). Nhưng không phải ông ngồi chờ khôn ngoan từ trời chui vào đầu óc ông như một phép lạ. Chắc ông cũng phải học hành, tập tành, bàn hỏi...

Phần ta cũng vậy. Bài kỳ trước cho ta biết : ta được Chúa phú bẩm cho ta trí khôn và các năng khiếu tinh thần, ta cũng phải khai thác và phát triển. Đó là điều bàn ở kỳ này. Không khai thác và phát triển, thật uổng cho đời ta, và cũng là tội vô ơn đối với Đấng ban ơn.

Quy luật phát triển đều thấy có ở mọi vật có sự sống. Ngay các súc vật cấp thấp cũng đã thấy : gà con không chỉ cần hơi ấm, thức ăn, song gà mẹ gọi con theo, tập cho biết bới đất tìm sâu. Càng thú vật cao đẳng, sự tập luyện càng nhiều : mèo mẹ bắt chuột về vờn trước mặt mèo con. Đến loài khỉ, loài cá heo, có thể xếp hạng “thông minh” bậc nhất, biết làm bao trò xiếc như ta thường xem trong ti vi : đó cũng nhờ loài người biết tận dụng, khai thác các khả năng của chúng. Tuy nhiên, khả năng chúng chỉ có hạn. Còn loài người, quan năng tinh thần có khả năng hầu như vô biên, sức tiến bộ vô tận.

Vậy, vài điều phác sơ sau đây, không có ý dạy, song để nhắc nhớ các bậc phụ huynh :

1/ Ngay từ bé, tập cho con em phát huy khả năng tinh thần. Thường chúng ta đợi chúng lớn khôn. Thế không đúng. Ngày nay, các nhà tâm lý giáo dục coi mấy năm đầu là thời kỳ vô cùng quan trọng ! Đó là thời kỳ các em thu được rất nhiều vốn liếng hiểu biết đủ thứ làm nền tảng cho cả đời sau này. Cách đây ít lâu, trong tạp chí Liên Xô, thấy nói đến tập bơi cho các em mới chập chững biết đi, tập nói hai ba sinh ngữ cho các em lên hai tuổi... Ta xem đó ! Người ta gửi các em vào Vườn trẻ hoặc Mẫu giáo có đủ chuyên môn để giúp các em biết hát, múa, nhận định màu sắc, phát triển các quan năng ngay từ ấu thời ! Ở đây, chỉ xin các phụ huynh một lưu ý : trẻ con hay đặt các câu hỏi đủ thứ : Tại sao thế này ? Cái gì đó ? vv... Đó là trí khôn đang mở ra. Ta đừng sốt ruột, nóng nảy, la mắng các em quấy rầy ta ; mà nên ra sức giải đáp vừa tầm cho các em. Đối với chúng, phụ huynh đang là các thần tượng, quyền phép, tài ba, hãy tranh thủ giữ ngôi vị cao cả ấy, hãy tranh thủ lòng tin tưởng ấy nơi con em mình.

2/ Đến lúc lớn, phụ huynh giúp các em ý thức khả năng tinh thần và sự cần thiết phát triển chúng tối đa nhờ trường học, nhờ khoa học, nhờ sách báo, nhờ các phương tiện truyền thông. Xin lưu ý phụ huynh về tuổi dậy thì của con em : lúc mà các thần tượng ca nhạc, màn ảnh ciné, ngôi sao bóng đá... rất có ảnh hưởng ; vì lúc ấy, các thiếu niên đang có tâm hồn khao khát những lý tưởng cao cả, rộng lớn. Tùy sự hướng dẫn mà chúng hấp thụ ảnh hưởng tốt hay xấu. Lúc đó cũng là lúc chúng đi theo bạn bè, ham thích các cuộc tiêu khiển... Ở khía cạnh này, con em ta chịu ảnh hưởng tốt hay xấu, lợi hay hại cho suốt đời. Học Thày không tày học bạn !

3/ Phụ huynh không chỉ cho con em đến trường, hay phú thác cho các linh mục, dì phước lo trau dồi khả năng con em, nhưng còn phải khuyên các em tham gia các phong trào thanh thiếu niên, các hội đoàn, sự giao tiếp xã hội, các lớp huấn nghiệp, các lớp học tâm sinh lý, dự bị hôn nhân... Tất cả đều phải liên kết, hợp tác với gia đình và phụ huynh, để đào tạo năng khiếu của tâm hồn, của trí khôn cách hài hòa : Cuộc đời sẽ mở rộng để đón những em nào, ngoài vốn liếng học hành, còn biết ca, biết đàn, biết vẽ, chụp hình... Cuộc đời sẽ đáng sống và tươi đẹp hơn cho những em nhiều khả năng : đá bóng, chơi banh, chơi cờ tướng, cờ quốc tế, biết làm thủ công, biết tháo vát, biết lái xe, biết vẽ, vv...

4/ Nói như thế, để phụ huynh đừng chỉ nhắm cho con đi học lấy bằng, hoặc không được thì học một nghề gì để đi làm có tiền, để làm ông nọ ông kia, có tiền của mà sống cho sung sướng và nuôi vợ nuôi con. Đừng nhắm điều ấy mà thôi, nhất là đừng nhắm sớm quá ! Đã hẳn, đó là điều thực tế và cần thiết. Nhưng tiền của chưa đủ để con người hạnh phúc, để con người đúng là con người. Trong báo Phụ nữ Thành phố Hồ chí Minh, ngày 22-11-86, có bài viết về hạnh phúc, có trích câu này của một nhà triết gia hi lạp, ông Hê-ra-cơ-lít : “Nếu hạnh phúc dựa trên vật chất mà thôi, thì ta có thể nói con bò có hạnh phúc”, khi đã ăn cỏ no bụng. Không ! Con người không là con bò, chỉ cần tiền để ăn no bụng, mặc áo đẹp... Con người còn có tinh thần, linh hồn ; nên phải đào tạo các quan năng ấy. Không phải chỉ làm con em ta thành một thợ giỏi, một bác sĩ, một kỹ sư hay gì gì..., nhưng trước tiên là thành một con người, theo đúng nghĩa con người, hướng về cả ba mặt : Chân - Thiện - Mỹ.

• Đến đây, ta có thể đặt câu hỏi : Bỏ lơ việc phát triển các quan năng tinh thần (trí và đức) có tội không ? Chắc chắn có, nặng hay nhẹ tùy theo mức độ của sự chểnh mảng, cũng như đã nói về sự lơ là không phát triển hoặc bảo vệ mạng sống và thể xác vậy.

Nhưng đáng buồn là nhiều người không biết chuyện đó. Nguyên do sự không biết này là vì sức khỏe và các sự vật chất dễ nhận thấy hơn, và bởi thế, ta chú trọng vào chúng quá nhiều. Tỉ dụ : đói cơm thì thấy bụng cồn cào, chân tay rã rời, chứ trí khôn thiếu học hỏi, tâm hồn thiếu Lời sự sống của Chúa, có ai cảm thấy thiếu đâu ? Một cái chân bị tai nạn làm gẫy, đi đứng không được, thì dễ thấy khổ sở, thiệt thòi hơn là một bộ óc lười biếng, thiếu suy nghĩ, không biết sử dụng “chất xám”, hay một linh hồn thiếu ơn Chúa, thiếu tình mến Chúa...

Vậy lơ là, chểnh mảng là có tội. Tội ấy :

a/ Phạm đến Chúa : vì vô ơn, bạc nghĩa : Thiên Chúa ban quan năng tinh thần cho ta như một cái vốn, ta không biết làm lợi ra. Hãy nhớ đến dụ ngôn Chúa Giêsu nói về các nén vàng trao cho đầy tớ, người không làm lợi đã bị phạt nặng.

b/ Phạm đến chính mình : Vốn tinh thần Chúa ban để ta sửa soạn cho tương lai và cuộc đời, sao cho đẹp và xứng đáng như Chúa mong ước. Chúa muốn ta nên giống như Đức Giêsu, Con Chúa, được chừng nào hay chừng ấy, và về đủ mặt. Thế mà, ta lại để trí khôn ngu dốt, tối tăm, tâm hồn bần tiện, ích kỷ, độc ác..., thành một thằng người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm..., không thể nào xứng với Nước Trời của Chúa được.

c/ Phạm đến người khác và cộng đồng xã hội : Mọi người và cả xã hội đã giúp ta, kẻ nhiều, người ít, để ta sống, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được mọi thứ đồ dùng... ; nay ta thành nhân, đến lượt ta phải “trả nợ” hay đóng góp phần ta vào xã hội, cho mọi người... Đó là bổn phận báo ơn, đền đáp. Nếu ta chỉ là một kẻ suốt đời sống bám vào người khác, vô dụng cho gia đình, cho xã hội, cho quốc gia... ; thử nghĩ xem như thế không có lỗi sao ? và lỗi nặng nữa.

Tất cả các điều vừa nói đây, có lẽ anh chị em lấy làm lạ tai, vì ít khi nghe các Cha giảng đến. Có lẽ vì chúng ta không đi học thêm giáo lý, nên không được nghe, hoặc có khi các đấng giảng dạy không bao giờ đề cập đến, chỉ toàn nói về đạo đức, thiêng liêng thôi chăng ? Thôi thì cái thiếu sót ấy được bù đắp ở bài suy niệm Lời Chúa hôm nay.


Như thế, gia đình chúng ta có lý để đền tạ với Chúa, vì đã không làm điều phải làm, đã thiếu sót bổn phận với Chúa, với mình, với xã hội.

Tích truyện

Cô Ê-len Ken-lơ (Hélène Keller), từ nhỏ đã bị mù và điếc, do bệnh viêm màng não. Sau đó, bệnh trạng thêm nặng, bị câm nữa, thành ra cuộc đời em Ken-lơ hoàn toàn bị giam kín trong đêm tối và im lặng : em không nhìn thấy, không nghe gì và cũng không nói được một câu nào. Thật là tình trạng khủng khiếp ! Một ngày kia, vì thương cảm số phận đen tối của em, có người đã khéo tìm được cách liên lạc với trí khôn em : người ấy cầm tay em, đặt dưới một vòi nước, đang lúc ấy làm một cái dấu hiệu trên tay em. Như một tia chớp loé, em hiểu cái tương quan giữa làn nước lạnh và dấu hiệu. Em hồi hộp cảm động : em hiểu là từ nay, có thể lấy bàn tay làm dấu hiệu là đòi được uống nước... Và cứ thế, em tìm ra nhiều dấu hiệu khác để chuyển ý của em, ngược lại, người ta làm những dấu hiệu trên bàn tay em để nói với em... Sáu tháng sau, Ken-lơ đã có thể đọc và viết bằng chữ Brai, chữ nổi của người mù. Đến năm 16 tuổi, cô đi học trường trung học, 24 tuổi đỗ tiến sĩ bằng ba thứ tiếng Đức, Pháp và cổ ngữ. Đã hẳn, cô dành được các thắng lợi đó giữa muôn vàn khó khăn không thể tưởng tượng, với một sức mạnh ý chí lớn tựa núi non. Thế rồi, cô dâng đời mình phục vụ các người cũng bị xấu số như mình. Thoạt tiên, cô viết nhiều sách, kể lại kinh nghiệm của mình, các mò mẫm, các cố gắng... Rồi cô đi nhiều nơi diễn thuyết, nhờ đó, trong ít lâu, cô đã thu được một triệu đô la để giúp các bạn đau khổ. Cô đi như thế, vòng quanh trái đất tới sáu lần. Văn hào Mác-Tuanh tặng cô biệt hiệu : “Một thí dụ sống động của nghị lực, ý chí và trí khôn nhân loại, khiến thắng được các liệt bại thể xác tưởng như không thể thắng nổi”.

Còn chúng ta, những người lành lặn, có đủ cả ngũ quan và các quan năng, tại sao lại để chúng đâm liệt bại vì thiếu ý chí, thiếu cố gắng ?

-----oOo-----