Tài Liệu Khác

DANH - LỢI - THÚ

Trong Chúa Nhật I Mùa Chay, cả ba bài Tin Mừng (Chu kỳ Năm A, B, C) đều nói đến việc Chúa Giêsu "để cho qủy (Satan) cám dỗ". Tuy nhiên, chúng ta có thể để ý đến một số điểm sau đây, trước khi đi đến một vài suy tư áp dụng vào tinh thần sống Mùa Chay Thánh của mỗi người chúng ta: 
 
Bài Tin Mừng Năm B trích trong Tin Mừng Thánh Mátcô (1:12-15) chỉ nhắc đến việc Chúa Giêsu 'chịu Satan cám dỗ' mà không ghi lại các chi tiết; trong khi Tin Mừng theo Thánh Mátthêu (4:1-11) (Năm A) và Tin Mừng theo Thánh Luca (4:1-3) (Năm C) thì tường thuật đầy đủ hơn; tuy nhiên, trong bài Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, thì lần cám dỗ thứ hai là cám dỗ "gieo mình xuống khỏi tường Đền Thánh", lần thứ ba là cám dỗ "vinh quang thế gian"; còn trong Tin Mừng theo Thánh Luca thì lần cám dỗ thứ hai là cám dỗ "vinh quang thế gian", còn lần thứ ba là "gieo mình xuống khỏi tường Đền thờ"; riêng lần cám dỗ thứ nhất đều là "hóa bánh ra nhiều". 
 
Cả ba lần chịu cám dỗ, Chúa Giêsu đều dùng lời "Thánh Kinh" để chống lại 'tên cám dỗ'. Sau ba lần cám dỗ không được, qủy (Satan) bỏ đi "chờ dịp khác" (theo Thánh Lucca) và "các Thiên Thần đến hầu hạ Ngài" (theo Thánh Mátthêu). Riêng Thánh Mátcô có nói đến sự việc 'Chúa Giêsu sống giữa lòai vật trong hoang địa'. 
 
Về địa điểm khi Chúa bị cám dỗ, cả ba Tin Mừng đều ghi là "nơi hoang địa", còn thời gian là sau (trong) 40 đêm ngày (nhịn ăn uống). Ngòai ra cả ba sách Tin Mừng đều ghi lại việc Cám dỗ sau biến cố Chúa Giêsu đến xin Thánh Gioan Baotixita làm "phép Rửa cho Ngài" và Thánh Thần Chúa hiện ra dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài và có tiếng từ trời nói: "Đây là Con yêu dấu của Cha…". Như vậy, biến cố Chúa chịu cám dỗ đó xãy ra vào những ngày mở đầu cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu; vì thế bài Tin Mừng theo Thánh Mátcô (Năm B) có nói đến việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời và nói: "Thời giờ đã tới; Nước Thiên Chúa đã đến gần; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng". 
 
"Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng" là chương trình sống cho Mùa Chay, và cũng là chương trình sống cho cả cuộc đời chúng ta trong suốt cuộc hành trình Đức Tin (vừa dài, vừa nhiều gian khổ, và đầy những cám dỗ thử thách) tiến về "Hứa Địa" là "Quê hương thật của chúng ta! ('Sinh ký tử quy', Sống gửi, thác về là như vậy!). 
 
Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta cố gắng thắng cơn cám dỗ; 'ma quỷ bỏ đi!' nhưng 'chờ dịp khác!' và như vậy cuộc đời của con người chúng ta luôn phải đối diện với cám dỗ và thử thách. Vì thế Giáo Hội ở trần gian còn được gọi là Giáo Hội chiến đấu (đối với Giáo Hội trên trời là Giáo hội chiến thắng, và Giáo hội đau khổ nơi luyện tội). Đã chiến đấu thì cũng có lúc thắng, lúc bại. Có những khi vì yếu đuối, chúng ta trót sa ngã phạm tội cách này, cách khác. Lúc đó chúng ta cần ăn năn sám hối và nhờ lòng tin vào "Chúa là Đấng Từ bi và Nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương…" chúng ta can đảm đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình qua sa mạc cuộc sống, nhờ 'Cột Lửa' là ánh sang Đức Tin soi dẫn… Cứ đi và đi mãi đến cuối cuộc đời. 
 
Có vô vàn cơn cám dỗ khác nhau; nhưng tất cả đều quy về ba mối chính: DANH – LỢI – THÚ… Ham danh, ham lợi ham phú quý là bản tính của con người. Ai cũng muốn địa vị cao sang, ai cũng  muốn giàu có ai cũng ham thích thú vui. 
 
Chúa Giêsu đã "để cho qủy cám dỗ" để dạy chúng ta: Phải chấp nhận cám dỗ và thử thách  (cf. Tho Roma  12, 12 ) ; nhưng để thắng cám dỗ chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa (Kinh Thánh) "vì tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng thể xác thì yếu đuối…" (Mátthêu 26:41). Hạ mình khiêm tốn, "nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro…"; Thiên Chúa yêu thương và nâng đở những người có tinh thần khó nghèo và khiêm tốn; 'vì Kinh Thánh có lời viết : Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng ; nhưng ban ơn cho những  người có lòng khiêm nhường' (Giacôbê 4:6…) . Hành trình Đức Tin là một cuộc "đồng hành"; chúng ta cần thông cảm yếu đuối của nhau, tha thứ và cầu nguyện chung cho nhau, nâng đở lẫn nhau, "chị ngã, em nâng…"  thay vi  lên mặt tự phụ, khinh chê, dèm pha và kết án người khác. 
 
"Cầu nguyện… hãm mình (ăn chay)… và sống tinh thần bác ái yêu thương (làm phúc, bố thí), là những phương thế tuyệt vời để thắng cám dỗ, để đền tội, để được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và giúp đở chúng ta trên con đường về quê thật là Nước Hằng Sống. 
 
Xin Chúa thương chúc lành cho mỗi người chúng ta trong Mùa Chay Thánh năm nay. Xin Mẹ Maria và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta. 

Linh Mục Anphong Trần Đức Phương