Tài Liệu Khác

KINH TIN KÍNH

TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA

Tôi tin kính Đức Chúa Trời 
là Cha phép tắc vô cùng 
dựng nên trời đất      
 
Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất 
là Chúa Cha toàn năng, 
Đấng tạo thành trời đất, 
muôn vật hữu hình và vô hình

 
Tín điều đầu tiên và số một trong kitô giáo, tuyên xưng chân lý: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Khi người Do thái hỏi Đức Giêsu về điều răn thứ nhất, Ngài trả lời: “Điều răn đứng đầu là: ‘Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi’...” (Mc 12:29-30). Tuyên xưng như thế bao giờ cũng kéo theo bổn phận yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Tất cả những gì khẳng định trong Kinh Tin Kính đều giải thích cho tín điều này. 
 

    Tôi Tin

 
    Tôn giáo nào cũng dựa vào lòng tin của các tín hữu; lề lối sống đạo hoặc sinh hoạt phụng tự nào cũng tùy vào lòng tin ấy. Nói đến khía cạnh khách quan hoặc nội dung của lòng tin, là nói đến đức tin. 
 
    Kinh Tin Kính bắt đầu với chữ “tôi” vì việc tuyên xưng đức tin là hành động cá nhân và đòi hỏi phải hết mình cam kết nắm vững cùng sống theo những điều mình khẳng định. Nói “tôi tin” chứ không nói “tín ngưỡng của Kitô giáo là...” hoặc “ý kiến của tôi là...” Tôi tin có nghĩa là làm chứng về Thiên Chúa, là vững chắc tin nhận chân lý tôn giáo ấy, bởi đã được Lời Chúa và chứng từ của Hội Thánh cảm hóa. Hơn nữa, các cá nhân thường tuyên xưng đức tin cùng với cộng đồng, khiến những cái “tôi” cá nhân ấy kết thành một “chúng ta” – xét theo diện hướng nội – và “chúng tôi” – xét theo diện hướng ngoại. Mặt khác, người công giáo không bao giờ đọc kinh này theo tư thế là một cá nhân cô lập, nhưng như là người ở trong Hội Thánh, như là thành phần của Giáo hội. Vì thế, cũng có những công thức tín biểu bắt đầu bằng “chúng tôi”, chẳng hạn như tín biểu của công đồng Nixê-Côngxtăntinốp (bằng tiếng Hylạp), Latêranô IV (bằng tiếng Latinh) (DS 800), hoặc bản dịch tín biểu trong Sách Lễ tiếng Anh. 
 
    Tin là gì? Sách Giáo Lý Công Giáo giải thích rằng: “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người mình với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả những chân lý Thiên Chúa đã mạc khải” (số 150). Vậy, “tin” là cách hiểu biết, qua đó, nhờ ánh sáng Thiên Chúa nâng đỡ, con người chấp nhận những điều Người mạc khải. Chính vì thế, xét về mặt thần học, đức tin là một nhân đức siêu nhiên. Thiên Chúa tự do đến gặp gỡ và mời gọi con người tiếp xúc với Người để nhờ đó mà được thành tựu trong chân lý và tự do. Lòng/đức tin luôn luôn quy chiếu về một nội dung, và nội dung đó là “sự kiện Đức Kitô”. Thật vậy, đức tin phát sinh từ “biến cố phục sinh”; một biến cố vừa là đối tượng vừa là chứng cớ cho đức tin, như thánh Phaolô đã nhận định: nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin chúng ta cũng là vô ích vô cố (x. 1Cr 15:2-5.14). Vì vậy, đức tin kitô dựa trên sự thật lịch sử. 
 
    “Tôi Tin” nói lên tính cách đối thoại. Trước hết vì đó là thái độ đáp ứng lời Thiên Chúa mạc khải. Kitô hữu chỉ tin vì Thiên Chúa mời gọi... Điểm khởi đầu của lòng tin là ơn Chúa; Đức Giêsu đã nói rõ: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi không lôi kéo” (Ga 6:44), và trong một ý nghĩa tương tự, thánh Phaolô cũng đã viết: “... không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12:3). Vì thế, giáo lý công giáo gọi đức tin là một ân huệ. Công đồng Vaticanô II nói rõ rằng: “Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, là nhân đức siêu nhiên do Người phú bẩm. Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và có sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý’.” (DV 5). 
 
    Kinh Thánh ghi rõ: “Hỡi Ítraen, hãy nghe...” (Đnl 6:4), và đáp trả lời ấy, dân đã tin tưởng. Trong cuộc đối thoại đức tin, bao giờ Thiên Chúa cũng chính là Đấng đưa ra sáng kiến, khởi sự, mời gọi, v.v., con người chỉ biết thuận theo. Quả thế, tất cả những gì Thiên Chúa làm hay nói đều là “lời” truyền chuyển ý của Người đến cho con người. Và khi được ghi thành sách, tức Kinh Thánh, những “lời” ấy được gọi là Lời Chúa. Xưa nay, mỗi khi nghe đọc Sách thánh, là Ítraen thưa “Amen”, nghĩa là đúng vậy, chúng tôi tin nhận. Nguồn xuất phát của mọi niềm tin là Lời Chúa. Về điều này, thánh Phaolô đã làm chứng khi nói: “Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10:17). Karl Rahner định nghĩa kitô hữu là “người nghe theo Lời”. Ngoài cuộc đối thoại với Thiên Chúa, còn có cuộc đối thoại trong Giáo hội; trong nghi thức Rửa tội, Giáo hội hỏi: “Có tin Thiên Chúa...”, và người dự tòng thưa: “Tôi tin!” Rồi dự tòng chịu phép Rửa “trong đức tin của Giáo hội.” Đức tin không phải là sở hữu riêng tư, nhưng là ơn Chúa ban trong “cộng đồng tín hữu,” mang tính chất liên đới và thông hiệp trong mầu nhiệm “các thánh thông công”. Lòng tin của mỗi tín hữu được củng cố bởi lòng tin chung của cộng đoàn và có khả năng phấn khích lòng tin của các đồng đạo. Vì thế, công khai sống đạo là giúp cho lòng tin của cá nhân cũng như của cộng đoàn ngày càng thêm kiên vững; còn sống tách rời cộng đoàn là đưa đức tin đến chỗ tiêu tán dần. Hơn nữa, đức tin đòi hỏi phải biết lưu tâm đến mối tương quan đối thoại với thế giới, với xã hội, ngay trong môi trường cụ thể mình đang sống. Đức tin là một ân huệ và vì thế, là một sứ vụ; đón nhận Lời Chúa chính là để làm chứng cho Chúa. Làm cho trở thành tín hữu, Thần Khí cũng làm cho nên ngôn sứ (x. Cv 2:17-18; Kh 19:10). Nhờ sống lòng tin, tín hữu có được một lối cư xử mới đối với thế giới, bởi biết nhìn mọi sự trong ánh sáng đức tin: tín hữu “thấy” mọi sự trong một cách thức mới (lãnh vực của vương quốc Thiên Chúa) và thấy mọi người như anh em, con của Cha chung ở trên trời. Tự bản chất, đức tin bao gồm một chiều kích đối ngoại, thúc đẩy tín hữu hướng “ra ngoài” để gặp gỡ muôn vật – ý thức đó là tác vụ Chúa đã trao phó – và mọi người như là thành phần của cùng một gia đình chung. Đó là lãnh vực của tác vụ đối thoại. 
 
    Đức tin và lòng tin đáp ứng – tức chấp nhận biến cố cứu độ – là cách con người tham dự vào biến cố ấy. Thánh Pholô nói rõ rằng: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và lòng bạn tin Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10:9-10). Nhờ đức tin, tín hữu tham dự vào biến cố Thiên Chúa hóa thành người, và đã chết cùng sống lại vì con người để con người được sống với Người. Là sự kiện lịch sử thuộc về quá khứ, nhưng với tính cách là mầu nhiệm cứu độ, biến cố ấy vẫn còn tồn tại trong Hội Thánh. Đó là cái “tồn khoản” mà thánh Phaolô khẩn khoản yêu cầu Timôthê phải giữ kỹ (x. 1Tm 6:20), tức là giáo lý đức tin mà phẩm trật Giáo hội có trách nhiệm bảo toàn nguyên tuyền và chuyển giao nguyên vẹn đến với mọi thế hệ loài người hầu nhờ đó họ được thông phần vào ơn cứu độ. Như vậy, là di sản của Giáo hội chứ không phải sở hữu riêng tư của cá nhân, đức tin đã và đang được bảo toàn như là chân lý khách quan. 
 
    Thần học nêu ra ba khía cạnh trong thái độ tin vào Thiên Chúa: a) “tin rằng” có Thiên Chúa, tức trí khôn chấp nhận chân lý này; b) “tin Thiên Chúa dạy sự thật,” tức chấp nhận đối tượng của đức tin vì Thiên Chúa làm chứng; và c) là “tín thác” vào Thiên Chúa hết lòng mình. Hành động tin bao gồm lý trí, ý chí và tâm hồn; thế nên, có lý để kết luận như sau với thánh Âugutinô: “tựu trung tin vào Thiên Chúa là gì? Là tin mà yêu, là tin mà thương, và trong khi tin thì đi vói Người và nhập đoàn chi thể của Người (Hội Thánh)” (In Joannem, 29). 
 
    Tin tất phải có tự do và phải xác tín chắc chắn. Không bao giờ Thiên Chúa ép uổng ai; và Giáo hội không ngừng minh bạch dạy rằng không ai có quyền buộc ai phải tin và theo một tôn giáo nào. Tin là hành vi con người và vì thế là hành vi tự do, thể hiện qua trí khôn và ý chí. Đó là giáo lý chính thức Vaticanô II đã dạy ở trong sắc lệnh về tự do tôn giáo (DH), và Giáo luật đã ghi lại ở nơi điều 748, 2.  
 
     Niềm tin cũng là thái độ xác tín chắc chắn, vì dựa vào những lẽ chứng hợp lý và kiên vững. Trước hết là uy tín của chính Thiên Chúa, là Đấng không thể sai lầm hay lừa dối. Ngôi Lời đã nhập thể “để làm chứng cho sự thật” – như Đức Giêsu đã xác định rõ với Philatô – và sau này các tông đồ đã làm chứng và chuyển thông cho các thế hệ về sau, và “chúng tôi biết rằng chứng của (các) ông là chứng chắc thực” (Ga 21:24). Giáo hội còn khẳng định rằng “vì được Thần Khí xức dầu (x. Dt 13:15), nên khi toàn thể các tín hữu cùng tin, thì không thể sai lầm” (LG 12a). Trí khôn có thể nhận biết và kiểm chứng một số lớn trong các lý do ấy, như: các phép lạ của Đức Giêsu và các thánh, các lời tiên tri đã được ứng nghiệm, đặc biệt là biến cố Đức Kitô sống lại, cùng chứng cứ của những vị đã tận mắt chứng kiến các sự việc ấy và đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng. Vì thế, lòng tin vẫn một mực kiên vững, và dù có gặp muôn khó khăn chăng nữa thì cũng chẳng chút nghi ngại, như J. H. Newman đã quả quyết. 
 
    Thế mà tin và biết xem như nghịch nhau, khiến có kẻ cho rằng đức tin và khoa học không đội trời chung với nhau. Giáo hội thì trái lại, luôn nêu cao sự thật này: bởi là Đấng mạc khải các mầu nhiệm, Thiên Chúa cũng là Vị sáng tạo lý trí, nên hai bên không thể mâu thuẫn với nhau; Thiên Chúa không thể nghịch lại với chính mình. Thánh Tôma đề ra nguyên tắc nói rằng: “bất cứ chân lý nào, và bất cứ ai nói lên, thì cũng đều do bởi Thánh Thần.” Công đồng Vaticanô II cũng dạy rằng khoa học đích thực thì chẳng mảy may trái nghịch với đức tin, “vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều do bởi một Thiên Chúa mà ra,” và mạnh mẽ khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu những bí ẩn của sự vật, vì chính Đấng Tạo Hóa đã ban cho họ khả năng và cơ hội để làm công tác ấy (x. GS 36b). Theo Đức Gioan Phaolô II, đức tin và lý trí là hai thực thể “tương tại,” tức ở trong hoặc chứa đựng lẫn nhau. 
 
    Trải dài theo dòng lịch sử, nhiều tín hữu đã sống theo lý tưởng đức tin. Sau khi cho biết “đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy,” thư gửi dân Do thái viết tiếp: “nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11:1-2), và lược kê ra các tổ phụ đã sống niềm tin ấy, từ Aben cho đến Đức Kitô “là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12:2). Đáng kính đặc biệt là Đức Maria: “người có phúc vì đã tin...” (Lc 1:45), rồi đến các thánh trong suốt lịch sử, cách riêng là các vị đã chết vì đạo, các martyres, nghĩa là các “chứng nhân”. 
 
     Tôi Tin Kính Đức Chúa Trời 
 
    Đối tượng căn bản của đức tin kitô là Chúa Trời, nghĩa là mầu nhiệm tuyệt đối mà loài người gọi bằng danh xưng “Thiên Chúa” hoặc bằng những danh từ tương tự. Hầu như trong mọi ngôn ngữ đều có một danh xưng để gọi tên mầu nhiệm triệt để tối cao này; tiếng Việt cũng như tiếng Hán, thì có danh xưng là “Trời”. Từ điển giải thích từ ấy như sau: “Lực lượng siêu tự nhiên, coi như ở đâu trên trời cao, sáng tạo và quyết định số phận muôn loài trên mặt đất...” Khái niệm tương tự như thế thường thấy nơi nhiều tôn giáo. Vì vậy, để tránh hết mọi tình trạng mập mờ trong điểm then chốt này, Kitô giáo đã dùng từ ghép “Chúa Trời” hoặc “Thiên Chúa”, và như thế bảo đảm được tính chất ngôi vị của Mầu nhiệm tuyệt đối. Đấng Tuyệt đối không phải là một “cái gì” mà là một “ai đó”. 
 
    “Chúa Trời” có nghĩa là gì? Là tên gọi của kinh nghiệm nguyên thủy và phổ quát trong nhân loại, là nguồn cội của sự hiện hữu, của ý nghĩa cuộc sống và lịch sử. Có kẻ phủ nhận tên gọi ấy mang một ý nghĩa khách quan; như thế là vì họ chẳng có kinh nghiệm nào liên quan đến một Vị “Trời”, Đấng tạo thành và cai quản muôn vật. Trong một số xã hội, hiện đang có một màng khói vô thần, dày đến độ có sức ngăn cản không còn nghe được tên “Thiên Chúa”, chứ đừng nói chi đến kinh nghiệm về Người; nhiều người đã trở thành như kẻ điếc đứng bên ca đoàn: họ không nghe được tiếng hát tiếng đàn. Dù sao, đâu đâu con người cũng vẫn còn nói về “Thiên Chúa” hoặc về thực thể tương tự. Ấy nghĩa là gì? Là để trả lời cho câu hỏi về những thực tại cuối cùng của đời người, cho hết mọi câu hỏi, cho khả năng nêu lên câu hỏi của loài người; con người muốn biết lý do cuối cùng của mọi sự vật; ấy chính là “Thiên Chúa”. Triết lý hỏi: tại sao có những cái hiện hữu thay vì không có gì cả? Lý do của toàn bộ vũ trụ ở đâu? – Tại “Ai” đó, tại Đấng Tạo hóa... mà triết lý gọi là “Hữu thể tất yếu”. Trong lãnh vực đạo đức học, đâu là nền tảng cuối cùng của các giá trị và các bổn phận..., ấy chính là “Thiên Chúa”, mà người xưa gọi là “Thiên mệnh”. Tại sao tôi phải “vâng lời” tiếng nói của lương tâm? Vì là lời của “Ai” đó cao hơn tôi, vượt quá trên tôi vậy. Và không biết bao nhiêu kinh nghiệm trong đời người ám chỉ tới “bên kia,” tới một “chân trời vô tận,” v.v., như một chiều kích của chính tôi. Những kinh nghiệm tự nhiên này và nhiều kinh nghiệm mang tính chất tôn giáo hơn, đều quy chiếu về một điểm, như nhiều tang vật tổng hợp với nhau thành một bằng chứng không gì lay chuyển nổi. Vì thế, công đồng Vaticanô I tuyên bố rằng: “Từ những loài thụ tạo, con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể nhận biết cách chắc chắn về Thiên Chúa như là nguyên lý và cùng đích của mọi loài” (DS 3004; x. DV 6). Đức Gioan Phaolô II nhận định rằng: “Theo tông đồ [Phaolô], kế hoạch sáng tạo nguyên thủy giả thiết lý trí có khả năng để dễ dàng vượt qua bên kia những dữ kiện hữu hình mà đạt tới căn nguyên của mọi sự: Đấng Tạo hóa” (Fides et Ratio, 1998, số 11). Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, con người cần có thêm ánh sáng của mạc khải để đi đến chỗ tin chắc chắn Thiên Chúa hiện hữu. 
 
    Nên lưu ý là mọi tư tưởng về Thiên Chúa đều dựa vào một kinh nghiệm tự nhiên, và chính vì thế mà không có đủ khả năng diễn tả những thực tại siêu nhiên. Tất cả những khái niệm về Thiên Chúa đều có tính cách loại suy, tức vừa một phần nào đúng với đối tượng vừa thiếu sót phần lớn hơn phần đúng. Ngôn ngữ về Chúa Trời thường dùng phép ẩn dụ và thơ phú, như “cha” hoặc “mẹ”, “công chính” hoặc “trung thành”, “đá tảng” hoặc “lửa cháy”, v.v. Thiên Chúa siêu việt vượt quá các phạm trù loài người; Người không phải là nam cũng không phải là nữ, không ở nơi này hay thời kia, v.v. Nhưng, con người chỉ có thứ ngôn ngữ như thế, và dù có bất toàn khiếm khuyết thì nó cũng vẫn phải được dùng đến; vì vậy, khi nói bất cứ gì về Thiên Chúa thì cũng phải hiểu: đúng vậy, nhưng còn hơn thế nữa, còn khác nhiều nữa... Nói về mặt tiêu cực thì dễ hơn: Thiên Chúa không phải là điều này hay điều nọ; vì thế có một dạng “thần học phủ định” (negative theology) hoặc “thần học vô ngôn” (apophatic theology). Còn nói về mặt tích cực thì khó hơn; vì thế, thần học chỉ biết run sợ mà đưa ra một số ít điều, lắm khi chỉ bằng cách ướm thử, hoặc, như thánh Phaolô nói, “họ cố tìm kiếm Thiên Chúa và may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người” (Cv 17:27). 
 
    Nhiều nhà tư tưởng hiểu lầm về Đức Chúa Trời: hoặc là họ phủ nhận nội tại tính của Người, như hữu thần thuyết (deism) – ý thức hệ này quan niệm Thượng đế như là Hữu thể tuyệt đối siêu việt đến nỗi không còn lo chi đến vũ trụ mình đã tạo thành, hệt như thợ đồng hồ đối với chiếc đồng hồ ông đã chế tạo; cho nên lịch sử hoàn toàn nằm trong tay loài người, chẳng có chuyện Thiên Chúa nào quan phòng cả – hoặc trái lại, họ theo phiếm thần thuyết (pantheism) cho rằng Thiên Chúa trùng lẫn với thế giới vạn vật, và như thế tất cả chỉ là một; thuyết này xuất hiện dưới dạng tôn giáo như trong Ấn độ giáo, hoặc mặc lấy hình thức tục hóa như trong học thuyết của B. Spinoza (1632-1677), coi “Thiên Chúa là thiên nhiên.” Gần giống như vậy thì có panentheism, bán phiếm thần thuyết, một trào lưu triết học ở Âu châu hồi các thế kỷ 18-19, chủ trương cho rằng dù Thiên Chúa có khác với vũ trụ, thì thật ra hết mọi sự đều ở trong Người và Người trực tiếp chi phối mọi sự. Gần đây, đã có A. N. Whitehead (1861-1947) với nhiều nhà triết học và thần học ở Hoa Kỳ đã khai triển một dạng thần học gọi là thần học quá trình (process theology); họ cho ‘quá trình’ có chỗ đứng ưu tiên so với hữu thể, và quan niệm Thiên Chúa như là “đang thành,” Người “hữu hạn” và vì mến thương chúng ta nên đã trở thành “bạn đồng hành, cùng chịu khổ và biết cảm thông” với chúng ta; tư tưởng của trường phái này chưa rõ ràng. Khác với deism, như E. Kant nhấn mạnh, thì có theism, tức thuyết nhận là có thần linh vừa siêu việt vừa nội tại, đấng tạo thành và quan phòng trời đất cũng như lịch sử, tương tự như đọc thấy ở trong Do thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Giới bình dân (và có khi cả người trí thức) hình dung Thiên Chúa như một con người tốt nhất, mạnh nhất, giỏi nhất, v.v., Người có thể làm mọi sự tùy ý (nhưng “ý” ấy lại thuộc cùng một loại với ý con người), luôn nhúng tay vào cục diện lịch sử và tiến hóa, để làm những điều thiên nhiên tự nó không làm nổi. 
 
    Theo đức tin kitô, Thiên Chúa là a) Đấng đáng phải phụng thờ và phụng sự (x. Đnl 6:4-5), và là b) Đấng phải được công nhận là Hữu thể tuyệt đối, vĩnh cửu, bất biến, toàn trí, toàn năng, sáng tạo mọi sự. Rồi Kinh Thánh cho biết thêm Người vô hình nên không ảnh tượng nào (hoặc ý niệm nào) có thể diễn tả, nhưng Người lại gần gũi âu yếm như người mẹ: “Mẹ nào quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó cưu mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã ghi khắc ngươi trên lòng bàn tay Ta” (Is 49:15-16). Thiên Chúa vừa ở trong mọi sự vừa vượt lên trên mọi sự; Người can thiệp vào trong dòng lịch sử, nhưng lại để loài người tự do tự trị, là Chúa của Ítraen và là Thượng đế của thiên hạ, vừa thưởng phạt hành vi con người vừa ban cho nhưng không hạnh phúc đời này và đời sau, v.v. Nói về Thiên Chúa, thì cần phải dùng nhiều câu bổ túc cho nhau, vì ngôn ngữ loài người không bao hàm nổi mầu nhiệm tuyệt đối. 
 
    Kinh Tin Kính Nixê – như thường đọc trong Thánh Lễ – và phần lớn các tín biểu bằng tiếng Hylạp đều nêu rõ duy nhất tính của Thiên Chúa: “Tôi tin kính một Thiên Chúa.” Tín biểu các Tông đồ không có từ “một” vì có lẽ bên phương Tây, lúc công thức được ghi biên, độc thần giáo đã trở thành phổ quát và vững chắc đủ, không cần phải nói rõ đến điểm hiển nhiên này nữa. 
 
    Thiên Chúa chỉ có một; bởi tự bản tính Đấng Tuyệt Đối phải là duy nhất, vì nếu có nhiều, tất mỗi “thần” phải là “tương đối” và chỉ tham gia được từng phần vào hữu thể tối cao. Lão tử đã suy đoán ra chân lý này: “Người khôn ngoan nắm giữ Duy nhất nguyên thủy, là tiêu chuẩn của muôn vật dưới bầu trời” (Đạo đức kinh, 22). Như Téctullianô đã nói, “nếu Thiên Chúa không duy nhất tất không phải là Thiên Chúa.” Nếu “tin vào Thiên Chúa” là phủ nhận vô thần, thì tin “Thiên Chúa duy nhất” là phủ nhận đa thần. Xưa Ítraen đã phải sống đối lại với tôn giáo Canaan và các thần linh của nó; vì thế, Đệ Nhị Luật tuyên báo: “Ítraen hãy nghe: Chúa là Thiên Chúa chúng ta chỉ có một” (Đnl 6:4), và qua ngôn sứ Isaia, Chúa phán: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác!” (Is 45:18). Trong một bối cảnh đa thần, thánh Phaolô đã viết: “Mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất – quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều – nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8:5-6). 
 
    Quả vậy, cảnh “lắm thần nhiều chúa” ấy bây giờ vẫn còn: thần tiền, thần quyền, thần khoái lạc, v.v. “Một Thiên Chúa” là tin mừng giải phóng ta khỏi ách nô lệ của đa thần chủ nghĩa tân thời: thần tổ quốc, thần kinh tế, thần an ninh... Những ngẫu thần do dư luận, chủ nghĩa và cả khoa học chế tạo ra: chủ nghĩa muốn thay thế tôn giáo, khoa học muốn thay thế đức tin, lợi nhuận muốn thay thế lý tưởng luân lý, v.v. Bất cứ gì đòi hỏi phải hy sinh con người cho nó thì đó chính là ngẫu tượng. Các kitô hữu đầu tiên bị tố cao là “vô thần”, vì họ từ chối bái phục các thần linh của xã hội trong thời và nơi họ sống; có lẽ hiện giờ cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tại với ánh sáng đức tin để mà can đảm đối đầu với các ngẫu thần thời nay là các giá trị giả của nó. Hồi thế kỷ 3, thánh Xyprianô đã nhận định: 
 
    “Muốn chuẩn bị anh em ta để công khai tuyên xưng Thiên Chúa với cả lòng tin kiên định... [thì] trước hết phải khẳng định các ngẫu tượng do loài người chế tạo thật ra không phải là thần linh, bỏi lẽ những điều do người ta chế tác tất chẳng thế nào cao quý hơn kẻ đã làm chúng, và chúng cũng chẳng có thể che chở hoặc cứu độ được ai (x. Ca 135:15-18; Kn 13:1-4; 15:15-17; Xac 20:4). Một khi đã phá hủy thái độ tôn kính đối với các ngẫu tượng, thì cần phải dạy cho tín hữu tôn thờ một mình Đức Chúa Trời mà thôi, như đã viết: ‘Ngươi phải bái lạy Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ phượng một mình Người’ (Mt 4:10; Đnl 6:13); và ở một chỗ khác: ‘Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta’ (Đnl 5:7; Xac 20:3)... ‘Vì sự sống đời đời chính là: nhận biết Cha, là Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô’ (Ga 17:3)” (Ad Fortunatum, 4,1-2). 
 
    Quả vậy, tin vào Thiên Chúa tức là cùng với thánh nữ Têrêsa thưa lên rằng: Chỉ Thiên Chúa là đủ... Đã nhận được Thiên Chúa thì không còn thiếu chi nữa.” Ngoài ra, đó chính là điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi”; không còn chỗ cho một “thần” nào khác. 
 
     Là Cha Toàn Năng 
 
    Sau khi tuyên xưng niềm tin vào Đức Chúa Trời, tín biểu bắt đầu giải thích chân lý này theo mạc khải kitô. Phần đầu nói lên đức tin chung của các tín hữu độc thần giáo, đặc biệt – ngoài Kitô giáo – là Do thái và Hồi giáo. Các tôn giáo thường chú ý đến “các tên gọi dành cho Thiên Chúa.” Hồi giáo có tới 99 tên để chỉ về Người; Kinh Thánh Cựu Ước cũng dùng hằng trăm tên gọi, hay đúng hơn, thuộc từ để nói về Thiên Chúa. Nhưng, là vô hình thì Thiên Chúa cũng vô âm, nghĩa là không tên gọi nào diễn tả được Người, như Lão tử đã từng nhận định: “Đạo có thể được gọi tên không phải là Đạo...” 
 
    Tuy nhiên, con người vẫn cần gọi tên Người, vì vô danh là bất tất. Ngày xưa dân Do thái và các dân láng giềng quan niệm tên là biểu trưng của bản thân con người; vì thế, kẻ tin ở ma thuật, tưởng rằng hễ biết tên là chi phối được con người; họ chỉ cho người thân tín biết tên riêng của mình. Còn về Chúa Trời họ biết tên chung là El, hoặc danh hiệu cao quý của Người là El Shaddai (Thiên Chúa Toàn năng) hoặc gọi Người bằng Chúa, Adonai, hoặc Đấng Tối Cao... Tuy nhiên, khi Chúa Trời xuất hiện với Môsê và tự giới thiệu trong tư cách là “Thiên Chúa của Abraham, Ixaác và Giacób” thì lập tức Môsê hỏi tên riêng của Người là gì. “Này, tôi đây, tôi sẽ đến với con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông các ngươi đã sai tôi đến vói các ngươi! Và nếu họ sẽ nói với tôi: ‘Tên Người là gì?’ thì tôi sẽ nói làm sao với họ?” Và Thiên Chúa tiết lộ tên của Người: “Ta có sao Ta có vậy” – như cha Nguyễn Thế Thuấn đã dịch – hay là “Ta là Đấng Hiện Hữu,” cũng gọi là Giavê (x. Xh 3:13-16). Theo Sách Giáo Lý, danh xưng bí nhiệm khôn tả này “chứa đựng chân lý: chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu. Bản dịch Bảy Mươi và kế đó là truyền thống Hội Thánh đã hiểu danh thánh của Thiên Chúa theo nghĩa đó: Thiên Chúa là sự viên mãn của hiện hữu và của mọi sự trọn hảo, không khởi nguyên, không cùng tận. Trong khi các thụ tạo là gì và có gì đều phải lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, thì duy chỉ mình Người là tự hữu và Người thế nào là do chính Người” (số 213). 
 
    Giải thích như thế quả là sâu thẳm, nhưng lại quá nặng về triết lý tính. Kinh Thánh quan tâm nhiều hơn đến tính chất tôn giáo. Mạc khải thánh Danh của mình là Chúa mạc khải chính mình như một Thiên Chúa của dân, hằng lắng nghe lời kêu cầu, như một Thiên Chúa sẵn sàng phục vụ: một Thiên Chúa khiêm nhường. Thiên Chúa không phải là một điều, một sức năng vô lượng nhưng lại vô ngã, song là một “Kẻ” muốn lắng nghe và sẵn sàng đáp trả. 
 
    “Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai nghe tiếng con cầu...” (Tv 17:6). “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Giavê, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện xin” (Tv 130:1-2). 
 
    Người chăm lo cho số phận dân nghèo bị bức hiếp và can thiệp để giải phóng họ. Chúa Giavê xuất hiện trước tiên như là Đấng giải phóng, rồi tiếp đó mới như là Đấng tạo hóa. Trong Cựu Ước, cuộc xuất hành khỏi Ai Cập được quan niệm như là biến cố sinh ra dân Ítraen; chẳng thế mà qua miệng tiên tri Hôsê, Đức Giavê đã có thể nói: “Từ Ai cập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11:1): Giavê là cha, Ítraen là con. Ngôn sứ Isaia đã nói rõ: 
 
    “Quả chính Ngài là cha chúng con! Chúng con không được ông Ápraham biết đến, không được ông Ítraen nhìn nhận, còn Ngài, lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở” (Is 63:16). 
 
    Các dân tộc Sêmít thường gọi El (Thượng đế của họ) bằng cha, với ý nghĩa, trước hết, là Chúa tể và Vị che chở; tuy nhiên, họ cũng quan niệm thần linh có phái tính nam nữ và hầu như sinh đẻ cũng theo con đường sinh lý. Ítraen đã xóa sạch quan niệm ấy, vì Đức Giavê của họ là hoàn toàn siêu việt, có một không hai, duy nhất, tự túc, v.v. Giavê là cha vì đã chọn các tổ phụ, giải phóng và thiết lập dân tộc, che chở họ; trong một bài ca, Môsê gọi đồng bào mình là “ngu si” vì không biết nhìn nhận chân lý này: “Há chính Người chẳng phải cha ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố?” (Đnl 32:6). Người đã làm tất cả vì lòng thương, như Giêrêmia đã ghi rõ: 
 
    “Ếphraim có phải là đứa con Ta yêu dấu? một đứa con Ta rất mực mến yêu? Vì mỗi lần nhắc tới nó, ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật là nhiều” (Gr 31:20). 
 
    Lúc đầu, họ coi Đức Giavê là cha của toàn dân; rồi từ thời Đavít, Đức Chúa cũng được gọi là cha của nhà vua, như đọc thấy ở nhiều nơi (x. 2Sm 7:14t; Tv 2:7; 89:27t; 110:3); cuối cùng, sau cuộc lưu đày (thế kỷ 6 trước công nguyên), xuất hiện quan niệm “nghĩa tử”, tức người công chính được coi là “con Thiên Chúa” (x. Tv 27:10; 103:13; và trong văn chương khôn ngoan: Cn 3:12; Hc 23:1-4; Kn 2:13-18; 5,5). 
 
    Lẽ dĩ nhiên, gọi Thiên Chúa là “cha” thì phải hiểu theo nghĩa ẩn dụ hoặc loại suy! 
 
    Đối với kitô hữu, chính Đức Giêsu đã mạc khải thánh Danh:  
 
    “Những kẻ Cha ban cho Con... Xin gìn giữ họ trong danh Cha... Con đã cho họ biết danh Cha và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17:11.26). 
 
    Đức Kitô đã dạy các môn đệ cầu xin: “Lạy Cha chúng con ở trên trời!” Nên chú ý là “Cha chúng con” chứ không phải là “Cha tôi”, vì Đức Giêsu muốn thiết lập một “gia đình”, và phải đặc biệt ý thức về tình liên đới này lúc cầu nguyện. Nhưng Đức Giêsu cũng nhấn mạnh đến tính cách cá nhân của mối quan hệ “Cha-con” ở trong Kitô giáo (x. Mt 6:4.6.18). Vậy, Thiên Chúa là Cha của ai? Đức Giêsu cho thấy tính phổ quát trong phụ tính Thiên Chúa: Cha của tất cả, dù họ biết Người hay không, cả đến những kẻ thù ghét Người nữa! (x. Mt 25:32tt). Dù có hiểu lệch lạc về Thượng đế, nhiều người Hy lạp cũng gọi Người là cha của mọi sự. Trong bối cảnh trí thức ấy, Tatianus (một kitô hữu sống hồi thế kỷ 2), đã gọi Thiên Chúa là “Cha của hết mọi vật thể và mọi sự vô hình,” bởi họ quan niệm phụ tính kia phát sinh từ việc tạo dựng. Nhưng đối với Kitô giáo, Thiên Chúa là Cha trước hết, của Đức Giêsu Kitô. 
 
    Niềm tin kitô về Thiên Chúa là Cha phát nguyên từ kinh nghiệm của bản thân Đức Giêsu. Từ trong thâm tâm mình, Ngài cảm thấy Đức Giavê là abba, tức ‘bố’ của riêng mình (x. Mc 14:36). Vì  thế Gioan đã có thể viết: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con một vốn là Thiên Chúa... chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). “Biết” không có nghĩa là Đức Giêsu ban cho ta nhiều kiến thức mới về Cha trên trời, mà có nghĩa là làm cho chúng ta “quen Người” như một người con quen cha mình. Như Đức Giêsu quen Abba, Bố mình, kitô hữu cũng được gọi Thiên Chúa như vậy, nhờ Thánh thần, như thánh Phaolô nói: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Abba, Cha ơi!’” (Rm 8:16). Trong Con Một, chúng ta là con cái Chúa Cha. Thần học giải thích: Đức Giêsu là “Con tự nhiên”, trong khi kitô hữu là “con nuôi”, là dưỡng tử. Còn phúc âm thì ghi lại lời của chính Đức Giêsu nói về tương quan với Chúa Cha: “Cha của Ta và Cha của các anh em” (Ga 20:17), và không bao giờ Ngài nói: Cha chúng ta! Danh “Cha” là tên gọi khi cầu nguyện, hoặc khi tung hô, khen ngợi, v.v., như thánh Phaolô viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2Cr 1:3). 
 

    * * *

 
    Ở đây, xin được bàn đến một điểm hết sức quan trọng, đó là đức tin về Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Kinh Tin Kính dứt khoát tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, không kém gì Do thái giáo hay Hồi giáo. Thế mà bây giờ lại nói về “Thiên Chúa là Cha” và “Thiên Chúa là Con” và tiếp dưới đây, sẽ nói về “Thiên Chúa là Thần Khí.” Há có thể dễ dàng phối hòa hai khẳng định có vẻ mâu thuẫn như vậy được sao? 
 
    Giáo lý về Một Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một giáo thuyết Giáo hội đã diễn dịch từ một vài tiền đề trừu tượng; nhưng chính là kết quả của quá trình suy tư về kinh nghiệm của bản thân Đức Giêsu và Giáo hội sơ khai. Quả thật “Tam Vị” chẳng qua chỉ là một danh xưng khác để chỉ về “Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô.” Phúc âm cho thấy: không bao giờ Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng theós, “Thiên Chúa” (trên thập giá là trường hợp đặc biệt duy nhất và hàm chứa một ý nghĩa khác: Mt 27:46), mà luôn luôn bằng danh hiệu là “Cha” và xưng mình là “Con” theo một nghĩa tuyệt đối, như sẽ thấy sau (x. Mt 11:25-27). Nhưng Người “Con” này có những ưu phẩm tuyệt đối của chính Thiên Chúa: là chủ của thiên nhiên (khi làm phép lạ, nhất là bước đi trên mặt hồ hoặc dẹp yên biển động), tha tội, là chủ của ngày Sabát và Đền thờ, v.v.; rốt cuộc, Ngài đã có thể nói: “Cha và Ta chỉ là một” (Ga 10:30); vì thế, sau biến cố phục sinh, các môn đồ đã có thể hợp lý tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20:28). Thêm vào đó, Đức Giêsu còn giới thiệu một Vị khác, nói là: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần” (Ga 14:26), mà Cha sẽ sai đến nhân danh Ngài. Thánh Thần hiện xuống ngày lễ ngũ tuần và hoạt động trong Hội Thánh như là Đấng Toàn năng: tha tội, làm cho kẻ chết sống lại, thông biết mọi sự “ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2:10), v.v. (sẽ bàn chi tiết hơn trong phần dưới). Cuối cùng lại có mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh dạy rằng phải “làm phép rửa nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19). Vậy là Hội Thánh đã và đang sinh ra bởi Ba Vị này trong cùng một tác động duy nhất. Vì thế, tông đồ Phaolô cầu chúc cho Giáo hội “được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13), và tóm lược duy nhất tính của đức tin chung với lời xác định này: “Chỉ có một thân thể (tức là một Hội Thánh), một Thần Khí... Chỉ có một Chúa (là Đức Kitô)... Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người...” (Ep 4:4-6). 
 
    “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo ‘phẩm trật các chân lý đức tin.’ ‘Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi’” (Sách Giáo Lý, số 234). 
 
    Đây là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Đức Chúa duy nhất tỏ lộ cho ta gặp được ba mặt của Người, và Kinh Tin Kính diễn tả ba cách tin nhận Mầu nhiệm tuyệt đối ấy. Thiên Chúa của nhất thần giáo không phải là một Đấng đơn độc, và khi nói thế – tức khi tuyên xưng Một Thiên Chúa Ba Ngôi – thì chúng ta cũng thú nhận là đa thần giáo cũng có được một mảnh chân lý nào đó. Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là một câu đố đưa ra cho trí khôn con người, nhưng là dấu chứng Thiên Chúa vượt quá sức trí óc thụ tạo. Nếu Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4:16), ắt phải gồm nhiều bản vị tương quan liên đới... Tóm lại, Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa chúng ta thờ hơn là vấn nạn thần học chúng ta cố giải thích cho được. 
 
    Tuy nhiên, vì đức tin là hợp lý, nên từ đầu, suy tư thần học đã cố để tìm hiểu thêm bao nhiêu có thể, về mầu nhiệm này; có khi đúng có lúc sai, thần học đã cố phát minh hoặc hiểu theo một cách mới, nhiều ý niệm khác nhau, như: “bản thể,” “bản vị,” “tương quan,”  và nhất là đã phải tìm cách phân biệt rõ giữa “bản tính” (nature) và “bản ngã” (person). Theophilus thành Antiôchia (n. 182) và Téctullianus (n. 213) đã nói về một trias (Hylạp) hoặc trinitas (Latinh) để hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi trong một bản tính (thiên tính) với ba bản ngã; nhưng phải hiểu các ý niệm ấy theo cách loại suy. Như thế mới thấy đức tin thì đơn giản và chắc chắn, còn thần học thì phức tạp và ngập ngừng. Thánh Âugutinô viết: “Vì Cha không phải là Con và Con không phải là Cha, và Thánh Thần, cũng được gọi là Ân huệ của Thiên Chúa, khác với cả Cha lẫn Con, thì chắc hẳn phải là ba... Nhưng khi hỏi ba gì? Ngôn ngữ loài người khó mà trả lời ngay được vì thiếu ngôn từ chính xác. Vì thế, ta nói có “ba bản ngã” (persons), không phải vì ta muốn nói bản ngã đích thực, nhưng vì ta không chịu lặng im” (De Trinitate V, 10). Ba “bản ngã” trong Thiên Chúa khác hẳn với ba bản ngã loài người: ba con người có chung một bản tính (nhân tính) trừu tượng, vì cụ thể họ có ba bản tính; còn Thiên Chúa cụ thể chỉ là một bản tính (thiên tính). Nơi loài người, bản ngã là trung tâm độc lập, quyết định với lý trí và ý chí riêng; còn trong Thiên Chúa, lý trí và ý chí chỉ có một. Ba Bản Ngã nơi Thiên Chúa đều có chung mọi sự, trừ ra quan hệ với nhau. 
 
    Đức tin Kitô giáo tuyên xưng Thiên Chúa chỉ có một, nhưng còn hơn nữa... Chúa Cha được quan niệm như Thiên Chúa nguồn cội, còn Chúa Con là Thiên Chúa được sinh ra, và Thánh Thần là Thiên Chúa được nhiệm xuy. Tuy nhiên, Cha không phải là Thiên Chúa hơn Con, và Thánh Thần thì không kém gì Thiên Chúa. Ba Ngôi uy quyền như nhau, bằng nhau, không phải là ba phần hoặc ba khía cạnh của một Thiên Chúa, song là ba cách thể Thiên Chúa toàn vẹn. Tín biểu Quicumque tuyên xưng: 
 
    “Đức tin công giáo hệ tại ở điểm này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không  phân chia các bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu.” 
 
    Nói về Mầu nhiệm tuyệt đối, Giáo hội thường dùng ngôn ngữ biểu tượng hơn là ngôn ngữ duy lý, nhất là trong các bài thơ, các bài tụng ca và trong các nghi thức thờ phượng. Kinh nghiệm kitô sơ khai được kết tinh với việc phụng tự Cha và Con trong Thánh Thần. Trong đời sống kitô, mọi sự đều bắt đầu với bí tích Thánh tẩy nhân danh Cha và Con và Thánh thần, và kết thúc với câu kinh tán tụng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần,” hoặc với công thức của thánh Basiliô: sáng danh Chúa Cha với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Âugutinô so sánh Tam Vị với ba năng lực của một tâm hồn: trí nhớ, trí khôn và ý chí, hoặc như người yêu, người được yêu và tình yêu. Thánh Patrick đã dùng cây lá chụm ba (shamrock) để minh họa về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho người dân Ai len; còn thánh Inhã thì “nghe ra” Tam Vị như là hợp âm của ba nốt nhạc. Ba Ngôi là đối tượng của kinh nghiệm thần nghiệm hơn là của thần học. 
 

    * * *

 
    Tuyên xưng “tôi tin Thiên Chúa là Cha” là chúng ta làm gì? Là chúng ta làm chứng cho Người và công khai nói lên căn tính kitô của mình. Đức tin kitô cảm nhận Chúa Trời không phải là xa lạ, nhưng rất gần gũi, không phải là vô danh nhưng có tên gọi xác định rõ, tỏ hiện dưới bộ mặt không phải là nghiêm khắc đe dọa nhưng là đầy yêu thương trìu mến của một người cha nhân hậu. Hơn nữa, Đấng vô hình ấy đã tỏ hiện trong Đức Giêsu, như chính Đấng Cứu Thế đã nói: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Còn đối với chúng ta, yếu tính không chỉ đơn thuần nằm ở chỗ chúng ta là con người, nhưng còn ở chỗ chúng ta là con Thiên Chúa; quả thật đó là một vinh dự hết sức to lớn, với một sứ mạng cao cả đi kèm theo. Thánh Gioan viết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự là như vậy!” (1Ga 3:1). Đây là nguồn gốc thâm cố nhất của nhân phẩm chúng ta. Từ đó phát sinh sứ mệnh cao cả Đức Giêsu đã nhắc lại: “Hãy nên hoàn thiện như Cha chúng con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Cụ thể mà nói, sứ mệnh ấy đòi hỏi phải làm điều thiện cho mọi người, không phân biệt tốt xấu, như Cha hằng làm mặt trời mọc lên cho tất cả, bất luận tốt xấu; đòi hỏi phải coi mọi người như anh em một nhà, ngay cả đến kẻ thù; đòi hỏi phải cư xử thế nào cho mọi người nhận ra nơi mình bộ mặt của Chúa Cha. 
 
    Có người sẽ không muốn gọi Thiên Chúa là Cha. Có kẻ đã sống qua kinh nghiệm về một người cha ác độc, vô nhân, và từ đó mang một hình ảnh tiêu cực về người cha, khiến họ coi “cha” là xấu, rồi do thế, không thể nào nhìn Chúa Trời là cha, không thể gọi Người bằng danh xưng ấy. Phong trào nữ quyền cũng lên tiếng tố cáo truyền thống – cả truyền thống Kinh Thánh nữa – là cổ võ chế độ phụ quyền, gây nhiều bất công cho nữ giới; họ còn nêu lên một lý do khác, đó là việc tôn giáo dùng những danh từ giống đực để xướng danh Thiên Chúa, để chỉ về các chức vụ, các phẩm trật v.v.; họ chủ trương dùng các danh từ giống cái để thay vào đó, và gọi Thiên Chúa bằng “Mẹ”. Có gọi sao thì Thiên Chúa cũng vẫn là vô hình, thiêng liêng, hoàn toàn siêu việt, vượt ra ngoài mọi cách xếp loại nam nữ của con người. Mặt khác, Kinh Thánh cũng giới thiệu một Thiên Chúa với nhiều đặc nét nữ tính của lòng thương xót và trìu mến, thái độ thùy mị và hiền lành, v.v. Con người, nam cũng như nữ, đều là hình ảnh của Thiên Chúa đúng như ý của Đấng Tạo hóa đã muốn ngay từ khi dựng nên chúng ta (x. Stk 1:27). Hơn nữa và dù sao Đức Giêsu cũng đã gọi Thiên Chúa bằng Cha và đã dạy các môn đệ làm như thế; vậy, tốt hơn là nên nghe lời và noi gương Ngài. 
 
    Thật ra, gọi Thiên Chúa bằng Cha là gióng lên cho mọi thứ phụ quyền một lời thức tỉnh, giúp cho mọi người cha nhớ là phải biết ra sức noi theo gương mẫu của Cha ở trên trời. Cũng vậy, khi tuyên xưng “Cha toàn năng” là ngầm lên án hết mọi hình thức lạm dụng quyền bính. Cha ở đây là tình yêu nguyên thủy, là nguồn mạch của hết mọi quan hệ mẫu-tử, phụ-tử, phu-phụ, quân-thần, v.v. và v.v. Vì lý do đó, thánh Phaolô hình dung thấy Giáo hội “quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3:14-15). Và dĩ nhiên là khi áp dụng cho Thiên Chúa, mọi ngôn từ đều mang ý nghĩa ẩn dụ. 
       
    Toàn Năng 
 
    Kinh Tin Kính gọi Chúa Cha là “toàn năng”: đó là thuộc từ duy nhất ở đây cũng như trong đa số các tín biểu khác. Cùng với thuộc từ ‘toàn năng’, tín biểu Quicumque (hoặc của thánh Athanasiô), còn tuyên xưng Thiên Chúa là “phi tạo, vô biên, vĩnh cửu.” Những tín biểu xưa nhất thì dùng cụm từ “Cha toàn năng” (x. DS 1), tức dùng từ Hy lạp là pantokrátor, mà bản LXX vẫn thường dùng để dịch từ Hipri là Sađđai, chẳng hạn ở trong các câu Jb 22:17; 32:8; 33:4, với ý nghĩa là Đấng toàn quyền cai quản trời đất. Thật vậy, Cựu Ước gọi Thiên Chúa bằng Sađđai (toàn năng) chừng 50 lần, và Đức Giavê bằng Sebaot 267 lần, cũng với ý nghĩa “toàn năng”. Trước đây, kinh “Thánh, thánh, thánh” trong Phụng vụ Thánh Lễ đã dịch là: “Thiên Chúa đạo binh,” còn bây giờ thì dịch là: “Chúa tể càn khôn”; nhưng dù dịch thế nào thì ý nghĩa cũng vẫn là “toàn năng”. Tân Ước dùng từ pantokrátor để chỉ về Thiên Chúa 10 lần. Toàn năng ám chỉ đến vưong quyền của Đức Chúa, và Đức Chúa vương đế là một người cha. Trong lời kinh Đức Giêsu dạy ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con... nước Cha trị đến!” Thiên Chúa cũng được gọi là toàn năng. Còn sách Khải huyền thì viết rõ: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Ta là Alpha và Omega, là Đấng hiện có, đã có và đang dến, là Đấng Toàn Năng (pantokrátōr)” (Kh 1:8). 
 
    Khi suy về Thượng đế, triết lý thường quan niệm Đấng Tối Cao là toàn quyền, có thể làm mọi sự, muốn gì thì có khả năng làm vậy. Hồi giáo nêu lên thuộc từ này. Thần học công giáo dạy Thiên Chúa làm được những gì có thể làm được, vì những gì mâu thuẫn tự bản chất thì thật ra không thể có được. Và những gì nghịch với các thuộc từ chỉ về đặc tính của Thiên Chúa cũng đều là mâu thuẫn, đều không thể có; thí dụ: Đấng Thánh thì chẳng có thể phạm tội, Đấng công chính thì chẳng có thể làm điều bất công, v.v. Thiên Chúa có thể làm bất cứ gì tùy ý, và ý ấy tất hợp lý; hơn nữa, ý ấy và tình thương là một. Cũng phải lưu ý đến thực tại vũ trụ và lịch sử: Thiên Chúa không thể làm những gì mâu thuẫn với bản chất của tạo vật, như chẳng hạn làm một cục đá tự do. Về lịch sử cũng vậy: không thể thu hồi trở về quá khứ những điều đã xảy ra, làm như thể đã không bao giờ xảy ra. Thần học phân biệt giữa toàn quyền tuyệt đối và toàn quyền theo trật tự. Tuyệt đối mà nói, toàn năng thuộc bản tính Thiên Chúa, tức mầu nhiệm tuyệt đối, mà trí khôn thụ tạo không thể thấu hiểu. Còn theo trật tự, thì Thiên Chúa đã đặt định kế hoạch sáng tạo cùng cứu độ; mà bởi vì nơi Thiên Chúa ý chí, trí khôn và quyền lực bao giờ cũng nhất nhất, cho nên Người “phải” chu toàn kế hoạch, bởi tự bản chất Người trung thành, và không bao giờ tự mâu thuẫn. Thánh Tôma tiến sĩ viết: 
 
    “Nơi Thiên Chúa, quyền năng và yếu tính, ý chí và trí tuệ, khôn ngoan và công bình là một [trong hành động], cho nên không có gì trong quyền năng của Thiên Chúa mà không nằm trong ý muốn chí công hay trong trí tuệ khôn ngoan của Người” (Sum.Theol. I, 25,5 ad 1). 
 
    Hiện nay, nơi nhiều môi trường trí thức, giáo huấn về Thiên Chúa toàn năng đang gặp nhiều khó khăn. Lạ thay, nhiều người dễ dàng tin vào Thiên Chúa là Cha hơn là toàn năng. Như thế có lẽ là vì đã sống qua kinh nghiệm sự dữ nhan nhản giữa xã hội và lịch sử, và thấy Thiên Chúa làm như lánh mặt, bất lực; nhưng cũng có lẽ là vì con người đã trở nên như mạnh hơn, thành một thứ “con tạo”, và đi đến chỗ sánh mình với Thiên Chúa; cũng có lẽ vì từ “toàn năng” gợi lên hình ảnh của chế độ chuyên chế độc đoán; hay là vì thấy một Thiên Chúa làm người yếu đuối, thấp hèn, gần gũi và liên đới với tiện dân, với dân đen... ? Dù sao, nhiều người cũng sẵn sàng bỏ rơi đặc tính toàn năng để ôm chầm lấy lòng nhân hậu của Cha trên trời. Nguy hiểm tiềm ẩn trong thái độ ấy là nếu không toàn năng, thì Thiên Chúa chỉ là bất lực; mà bất lực thì chẳng có thể cứu rỗi được ai! Hơn nữa, cầu nguyện với một Đấng vô năng vô lực như vậy thì còn có nghĩa lý gì nữa! Tôn giáo mất hết ý nghĩa. Thế nên, cần phải xác tín tuyên xưng cả hai: Thiên Chúa là Cha và là toàn năng. Phải cầu nguyện không phải để Thiên Chúa làm theo ý của ta, song là để “ý Cha thể hiện dưới đất” nơi bản thân chúng ta... như Đức Giêsu đã làm: “Abba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự,” rồi xin tránh cho khỏi chịu khổ, nhưng tin tưởng và thành thực thưa tiếp: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha” (Mc 14:36). 
 
    Dù nhiều lần đề cập đến “Thiên Chúa toàn năng,” Kinh Thánh cũng không đặt vấn đề theo lối nhìn siêu hình học, mà chỉ muốn tiến bước theo ánh sáng của trình tự cứu độ. Khi nói với Đức Maria: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37), là sứ thần muốn ám chỉ đến việc Thiên Chúa can thiệp vào trong tiến trình lịch sử theo kế hoạch Người ấn định; hoặc khi nói rằng “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27), Đức Giêsu muốn nói về khả năng cứu rỗi của ân sủng. Và dĩ nhiên, bao giờ cũng giả thiết là có sự ưng thuận và hợp tác từ phía con người. 
 
    Xét về mặt lý thuyết, vấn nạn khó giải đáp nhất nằm ở nơi mối tương quan giữa toàn năng tính của Thiên Chúa và sự tự do của con người. Suốt nhiều thế kỷ, các nhà học thức đã cố lý giải và bắt bẻ, nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Không thể nào đối chiếu so sánh được giữa hai loại tự do: của Thiên Chúa và của con người, vì Thiên Chúa không ở trên cùng một bình diện với các tạo vật; và nguyên nhân tác tạo là Thiên Chúa và những nguyên nhân thụ tạo, không phải là “hai loại nguyên nhân” cạnh tranh, chống chọi nhau, bởi lẽ Thiên Chúa siêu việt siêu nghiệm không ngừng tác động “trong” các nguyên nhân thụ tạo, khiến chúng hoạt động theo bản chất của chúng. Trên bình diện đức tin, toàn quyền tính của Chúa Cha chính là nguồn cội của niềm hy vọng và cậy trông. Hồi thế kỷ 3, Ôriginê đã nhận định như sau: “Chúng tôi vững tin rằng Thiên Chúa vô thể, toàn năng và vô hình, nhưng đồng thời cũng vững vàng và bất di bất dịch tuyên xưng tín điều dạy rằng Người hằng chăm lo cho mọi sự.” Còn thánh Âugutinô thì nói: “Tôi tin Thiên Chúa, là Cha toàn năng: một lời tuyên xưng thật vắn gọn, mà cũng thật mạnh mẽ! Vừa là Thiên Chúa vừa là Cha, Thiên Chúa thì toàn năng, và Cha thì nhân hậu. Phúc cho chúng ta được có một người Cha như Thiên Chúa.”  
 
    Trong viễn cảnh này, vấn đề sự dữ thường được nêu lên: nếu Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu thì tại sao lại có sự dữ? Thật ra, đó không phải là một vấn đề, mà là cả một mầu nhiệm; và vấn đề đó không trái với toàn năng tính, nhưng là với toàn thiện tính. Nếu nói về cái gọi là sự dữ vật lý (như động đất, bão lụt hoặc ung thư, chẳng hạn), thì đó chỉ là chuyện Thiên Chúa để những luật tự nhiên hoạt động theo tính chất của chúng; giả như cứ bất tình lình Thiên Chúa chặn ngắt các định luật ấy, thì liệu còn có thể có khoa học nữa không? Còn nói về sự dữ luân lý (thí dụ: tội lỗi hoặc đau khổ do ác ý gây nên), thì nếu Thiên Chúa ngăn chận không cho xảy ra, hẳn Người sẽ bị tố cáo là không tôn trọng quyền tự do chính Người đã ban cho con người. Tuy nhiên, lý luận như thế có vẻ quá giản dị, và ắt là những ai đang chịu khổ sẽ suy luận một cách khác. Mầu nhiệm tội ác quả là quá tối tăm; thế nên, ai muốn hiểu thêm thì phải đọc những tác phẩm chuyên khảo về vấn đề.[1] 
 
    Theo ngôn ngữ đức tin, thì phải nói rằng Thiên Chúa và mọi đặc tính của Người đều là mầu nhiệm, sự dữ là mầu nhiệm, tội ác là mầu nhiệm... tức là con người không hiểu ra nổi những thực tại ấy thật sự là gì; vậy thì làm sao mà lý hội được mối hòa hợp giữa các thực tại đó? Phải hiểu sự thiện là gì, hạnh phúc là gì, thế giới đúng sai thế nào thì mới có thể so sánh với thực tại hiện có. Thế giới là thế nào: tốt? xấu? hay cả hai? Dù sao vì có sự dữ và con người phải chịu khổ, nên loài người mới cố gắng thay đổi, cải tiến thực tại, cố gắng hiểu mình và vũ trụ, và bắt buộc phải khiêm nhường nhìn nhận giới mức hạn hẹp của mình... Đó là kết quả tốt! Sự dữ là vô nghĩa, không thể nào chấp nhận được; nhưng nếu biết cam kết quyết tâm chống lại sự dữ thì mới nhận ra được ý nghĩa và mới sáng tạo được sự thiện. “Vấn đề” sự dữ là một vấn đề của con người và do con người gây ra. Con người tức giận chống lại sự dữ vì nó tiết lộ những giới hạn của con người, vì nó biết con người bất lực chống lại nó: con người sẽ luôn luôn thua và sẽ thua cho tới cùng, cho tới lúc chết. Vì thế con người khó chịu, nhất là hạng trí thức, và cố kiếm kế để tự bào chữa bằng cách đổ lỗi cho Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bó tay bất lực, Người lại toàn năng, và vì toàn năng nên Người khoan dung vô hạn. Chẳng thế mà Giáo hội hằng nêu bật sự việc Thiên Chúa tỏ cho thấy mình toàn năng cách đặc biệt nhất là khi tha tội. Còn Sách Khôn Ngoan thì ghi rằng: 
 
    “Chúa xót thương hết mọi người vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (Kh 11:23-14). 
 
    Nhiều công đồng đã diễn đạt Kinh Tin Kính bằng những công thức đặc biệt tùy theo nhu cầu riêng của hoàn cảnh, như chẳng hạn, công thức của công đồng Latêranô IV (năm 1215) nhằm chống lại lạc giáo Albigenses, trong đó, tín biểu các tông đồ được giải thích rộng hơn: 
 
    “Chúng ta tin vững và thành tâm tuyên xưng rằng Thiên Chúa thật chỉ có một, là Đấng vĩnh cửu, vô biên và bất biến, trí năng không hiểu nổi, toàn năng và khôn tả, là Cha và Con và Thánh Thần” (DS 800). 
 
    Những thuộc tính của Thiên Chúa thì nhiều; thần học thường chia làm hai loài: xác định như duy nhất và hiệp nhất, có tính “ngôi vị”, chân thật, hoàn thiện, toàn năng, toàn trí, toàn tại (hiện diện ở mọi nơi), toàn mỹ... và phủ định như đơn thuần (không thể phân chia), vô lượng, bất biến... Tuy nhiên, phải nhận rằng tất cả các ưu phẩm ấy chỉ là một; trí khôn con người phân biệt, chẳng hạn, công bình và thương xót, nhưng trong Thiên Chúa chỉ là một. Lý trí con người hiểu theo lối phân tích, mà Thiên Chúa thì lại cần phải hiểu theo cách tổng hợp; con người sinh hoạt trong thời gian, tức là diễn tiến lần lượt, còn Thiên Chúa thì lại hiện hữu trong vĩnh cửu: mọi sự đều diễn ra cùng một lúc trong hiện tại. Có thể hỏi: bởi đâu mà thần học biết được các ưu phẩm của Thiên Chúa? Thưa là cách lý luận như sau: Chúa Trời sáng tạo mọi sự, vì thế các tạo vật “phản ảnh” những ưu phẩm của Tác giả làm nên chúng; do đó, cứ đem các đặc tính tốt của tạo vật rồi thanh cao hóa đến vô tận, và áp dụng cho Thiên Chúa, thì biết các ưu phẩm của Người. Dĩ nhiên là phải dùng lối loại suy. 
 
    Vì thế, nếu thuộc tính căn bản của mọi tạo vật là “có” là “hiện hữu” (hữu thể), thì Thiên Chúa là Hữu thể tuyệt đối; nhưng các tạo vật hiện hữu một cách bất tất, nên khi áp dụng cho Thiên Chúa thì cần phải thanh cao hóa ý niệm hữu thể để có được ý niệm “Tự Hữu”, “Hiện thể thuần túy” hoặc “Hữu thể tuyệt đối”. Nếu sinh vật “sống”, thì Thiên Chúa là “Đấng Hằng Sống”, “Đấng Bất Tử”, là “Nguồn Sống”, v.v. Mà suy luận như vậy quả là quá trừu tượng; dù sao, các khái niệm ứng chỉ về Thiên Chúa đều là những “khái niệm cùng tột” (concepts limit). 
 
    Kinh Thánh thường dùng cách nói cụ thể và không ngại “nhân hình hóa” Thiên Chúa, tức là nói về Người như là một con người; nguồn gốc của dạng ngôn ngữ này không phải là triết lý, mà là kinh nghiệm. Vì vậy, Thiên Chúa được gọi là tình yêu, là sự sống, là ánh sáng... Một khi đã được thanh cao hóa, kinh nghiệm ấy gọi Người là Đấng Thánh. Trong Tân Ước, các kitô hữu sơ khai tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng toàn năng qua việc loan báo Người đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Khi nghĩ về Đấng Toàn năng, người ta thường hình dung Người đang dựng nên vũ trụ; còn các kitô hữu thời đầu thì nghĩ đến sự kiện cụ thể hơn: “Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết”... “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có” (Rm 4:24.17). Họ đã từng có kinh nghiệm về sự hiện diện của quyền lực tối cao ấy nơi Đức Phục sinh, Đấng “được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Họ đã sống kinh nghiệm về quyền năng của Thần Khí (x. 1Tx 1:5; 1Cr 2:5, v.v.) qua lời giảng dạy của các tông đồ. Toàn năng, Chúa Trời không dùng quyền bính của mình để tạo ra một chế độ cực quyền chuyên chế, không khư khư nắm giữ tất cả cho mình, trái lại quảng đại chia sẻ quyền toàn năng cho Đức Kitô: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị” (Dt 1:13; Ep 1:20), cũng như cho Hội Thánh, như thấy được trong các phép lạ làm qua tay các tông đồ (x. Cv 3:2; 4:7, v.v.), khiến các tín hữu được “ứa tràn hy vọng trong quyền năng của Thánh Thần” (Rm 15:13). 
 
    “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (1Tm 1:17). 
 
    Dựng Nên Trời Đất 
 
    Thành quả hiển nhiên nhất của quyền toàn năng là cuộc sáng tạo vũ trụ. Kinh Tin Kính bằng tiếng Hylạp nói là: “làm” trời đất; bằng tiếng Latinh lúc đầu đã dùng từ conditor (Đấng thiết lập, sáng lập), rồi về sau đổi thành creator; như thế có lẽ là vì ảnh hưởng của bản Kinh Thánh Phổ thông (Vulgata), bởi bản này dịch câu St 1:1 là: “Khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo (creavit) trời đất.” Ở đây, “sáng tạo” mang ý nghĩa thần học, tức là làm nên mọi sự từ hư không. Ngoài ra, còn ghi thêm những lời minh họa đọc thấy trong tín biểu Nixê: “muôn vật hữu hình và vô hình.” 
 
    “Huấn giáo về sáng tạo có một tầm quan trọng cơ bản, liên quan đến chính nền tảng của đời sống nhân bản và đời sống kitô hữu, vì nêu rõ câu trả lời của đức tin kitô giáo cho câu hỏi căn bản mà con người của mọi thời đại thường đặt ra cho mình: ‘Chúng ta từ đâu tới?’ ‘Chúng ta đi đâu?’ ‘Nguồn gốc của chúng ta là gì?’ ‘Cùng đích của chúng ta là gì?’ ‘Mọi vật hiện hữu từ đâu tới và đi về đâu?’ Hai câu hỏi về nguồn gốc và cùng đích không tách rời nhau, chúng có tính cách quyết định đối với ý nghĩa và định hướng cho cuộc sống và hành động của chúng ta” (Sách Giáo Lý, 282).
 
    Nguyên thủy và chung điểm gắn liền với nhau. Kinh Thánh bắt đầu với câu: “Lúc khởi thủy Thiên Chúa (Elohim) sáng tạo trời đất” (St 1:1), và nhắc lại trong phần cuối lời Thiên Chúa phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:5), bởi vì cả hai – tức alpha và omega, là Đầu và Cuối, là khởi điểm và chung điểm (x. Kh 1:8; 22:13) – đều nằm trong tay của Chúa Trời và của Chúa Kitô. Thật ra, công trình sáng tạo mà Thiên Chúa đã hoàn tất lúc đầu, thì đối với chúng ta, sẽ thành tựu vào lúc cuối. 
 
    “Sáng tạo” là gì? St 1:1 dùng động từ Hipri là bárá mà trong Kinh Thánh, bao giờ chủ từ cũng là Thiên Chúa. Các tạo vật có thể dùng vật liệu có sẵn mà chế tạo, gầy dựng nên một sự vật; nhưng tuyệt đối, duy chỉ Thiên Chúa mới có khả năng sáng tạo, dựng nên mọi sự từ không không, ngay lúc đầu khi chưa có một tạo vật nào hiện hũu, khi chưa có một thứ nguyên liệu nào cả: Người muốn gì là điều ấy có. Sách Khải huyền tán tụng Thiên Chúa vì “do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4:11). Kinh Thánh đã phải đối chiếu những truyền thuyết và truyện thuật về sáng thế sẵn có trong các dân tộc lân bang, trong đó các thần linh phải vất vả lắm mới nắm được hỗn độn để nắn thành vũ trụ; trái lại, hễ Chúa Giavê nói là có: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Khí cụ Thiên Chúa dùng là lời, để sáng tạo cả nguyên liệu lẫn thành phẩm. 
 
    Kinh Thánh trình thuật công cuộc sáng tạo nơi hai chương đầu của sách Sáng thế. Mười một chương đầu của sách Sáng thế không phải là lịch sử theo nghĩa đen, song là lời tựa, bài giới thiệu lịch sử, trình bày những ý nghĩa tiềm ẩn ở phía hậu cảnh của mọi biến cố lịch sử. Văn thể giống như thần thoại. Chương I xuất xứ từ truyền thống tư tế Giêrusalem, là một bài thơ rất hay, dùng một dạng ngôn ngữ thấm đậm ảnh hưởng của tiên tri Isaia và của văn chương khôn ngoan, hình thành sau cuộc lưu đày xảy ra khoảng thế kỷ 5 trước c.n. Chương hai cổ xưa hơn – có lẽ là đã có mặt từ hồi thế kỷ 10 tr.c.n. – dùng văn thể linh hoạt, miêu trình Thiên Chúa theo lối nhân hóa và theo cách kể chuyện của các thần thoại. Nhưng giáo huấn về sáng tạo thì đã có mặt trong các sách tiên tri, đã từng được Thánh vịnh ca tụng, và các hiền nhân suy cứu (x. Hc 42:15tt). Bởi vì Thiên Chúa chỉ có một và hoàn toàn siêu việt, nên Người là tác giả của mọi sự. Người sáng tạo một cách tự do và dựng nên một thế giới tốt, tốt theo mọi chiều kích của nó; St 1 nhắc đi nhắc lại điểm đó: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” Người dựng nên loài người trong một cách thức đặc biệt, như một tạo vật Chúa ưu ái cách riêng, có khả năng đối thoại với chính Thiên Chúa, có nam có nữ với phẩm giá như nhau, để cho nhau, và được trao cho sứ vụ quản lý thế giới. Ngắm nhìn thế giới, đặc biệt là con người, kiệt tác của Thiên Chúa, tín hữu tất phải ngỡ ngàng, cất cao lời ca tụng Đấng Tạo hóa (x. Tv 8). Niềm tin ấy cũng chính là nguồn an ủi có sức cũng cố lòng can đảm tôn giáo, như đọc thấy trong trường hợp bà mẹ của 7 anh em Macabê qua lời nói với các con: “Hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô...” (2Mcb 7:28). 
 
    “Thiên Chúa sáng tạo trời và đất” (St 1:1), rồi tiếp đó trình thuật cắt nghĩa: sáng tạo không gian và chia làm hai: trên và dưới, cho các tinh tú, mặt trời và mặt trăng ở trên, và các thú vật, chim và cá ở dưới; sáng tạo thời gian, và các loài vật khác lần lượt nối tiếp nhau xuất hiện cho đến con người; cuối cùng là ngày nghỉ. Không do ngẫu nhiên, cuộc sáng tạo là do Thiên Chúa muốn và đã diễn ra theo kế hoạch do chính Người đặt định, có trật tự, có mục đích là để chia sẻ hạnh phúc cho vạn vật (vì thế Thiên Chúa thấy chúng đều tốt cả), nhất là cho con người: khi dựng nên con người, bản văn dùng động từ bárá, sáng tạo, ba lần (x. St 1:27); rồi Thiên Chúa ban cho con người nam nữ có quyền trên các tạo vật khác, ngỏ lời với con người, và thấy đó “quả là rất tốt đẹp!” Trái với những gì các tôn giáo láng giềng và nền triết lý lệch lạc lân bang quan niệm, Kinh Thánh cho thấy các tạo vật không phải là những đối thủ cạnh tranh với Thiên Chúa, mà là những thành viên phục vụ hoặc đối tác trong công cuộc bảo quản và phát triển vũ trụ. 
 
    Tân Ước giả thiết giáo lý về sáng tạo. Thánh Phaolô dựa vào giáo lý này mà khởi sự loan báo tin mừng về Đức Kitô cho dân ngoại, như ngài đã nói với dân chúng thành Athêna: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm ra...” (Cv 17:24). Nhưng đi xa hơn, Tân Ước nêu bật vai trò của Đức Kitô trong công cuộc sáng tạo. Ngày từ đoạn khởi đầu, phúc âm Gioan nói rõ: “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3). Lời Chúa trong Cựu Ước chỉ là biểu tượng của ý Giavê, bây giờ Ngôi Hai được gọi là Lời và đã trở thành Đức Giêsu. Ngài chết và sống lại, ngồi bên hữu Đấng Tối cao và, trong ánh sáng ấy, Giáo hội không chỉ nhận ra Ngài là “trưởng tử của mọi tạo vật” (tức là vị đứng đầu) mà còn hiểu rằng “trong Ngài muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Cl 1:15-16). Vì đức tin kitô mang tính chất Tam Vị và Đấng Tạo Hóa là Chúa Giavê – trong Cựu Ước là Thiên Chúa của Ítraen, nhưng trong Tân Ước là Cha của Chúa Kitô – nên phải “quy chiếu” cuộc sáng tạo về với Ngôi Cha; còn Ngôi Con, tức Đức Giêsu, thì giữ vai Trung gian, như Thư Do thái viết: “Thiên Chúa... nhờ [Đức Kitô mà] dựng nên vũ trụ” (Dt 1:2). 
 
    Ai Sáng Tạo? 
 
    Vậy, thần học tìm hiểu về bản chất của Đấng Sáng tạo, và cách chung trả lời: Đấng ấy là Thiên Chúa. Đó cũng là niềm tin của Do thái giáo và Hồi giáo. Giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi giải thích rằng những hành động ngoại tại của Thiên Chúa, tức ở nơi lãnh vực thụ tạo, thì đều là hành động chung của cả Ba Ngôi. Tín biểu của thánh Atanasiô tuyên xưng: “Như Cha toàn năng thì Con cũng toàn năng và Thánh Thần cũng toàn năng; tuy nhiên, không có ba vị toàn năng, mà chỉ một,” và vì thế chỉ có một Đấng Sáng tạo, chứ không phải ba. Mặt khác, trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi Ngôi Vị hoạt động theo một cách thức riêng; thế nên Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con sáng tạo, Chúa Thánh Thần sáng tạo trong cùng một tác động duy nhất, nhưng hoạt động chung ấy mang đặc nét riêng cần lưu ý khi suy luận hoặc cảm nghiệm về hoạt động ấy. Kinh Thánh và Kinh Tin Kính đều ghi Thiên Chúa (Cha) là Đấng Tạo hóa, tuy nhiên đó chỉ là cách nói của truyền thống kitô. Khi suy nghĩ về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, các giáo phụ thường phát biểu cách dè dặt và cũng chính xác hơn rằng: Chúa Cha sáng tạo nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Những điều chúng tôi nói ở trên quy gán cho Chúa Cha và những điều chúng tôi sẽ nói sau đây cũng quy gán cho Người như là nguồn gốc tuyệt đối của mọi sự ở trong Thiên Chúa; một Ngôi không thể tách biệt khỏi hai Ngôi kia, hoặc làm chi mà hai Ngôi kia không cùng ở và cùng làm. Sách Giáo Lý giải thích rằng: 
 
    “Mặc dầu công cuộc sáng tạo được quy cách riêng cho Chúa Cha, nhưng chân lý của đức tin cũng dạy rằng Cha, Con và Thánh Thàn là nguyên lý duy nhất và bất khả phân của việc sáng tạo” (số 316). 
 
    Vậy thì vai trò sáng tạo của Chúa Kitô là như thế nào? Thánh Phaolô cho biết vạn vật nhờ Người mà có (x. 1Cr 8:6) và “trong Người muôn vật được tạo thành... tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người... và tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1:16-17). Thư Do thái áp dụng cho Đức Kitô lời của thánh vịnh 102: “Lạy Chúa, lúc khởi đầu, Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Ngài tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa vẫn còn hoài...” (Dt 1:10tt). Vai trò “đặc thù” của Đức Kitô là cứu chuộc, vì thế Kinh Thánh cho hiểu là cả hai: công cuộc sáng tạo và công cuộc cứu độ đi đôi với nhau: “Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:20); vì rốt cuộc Thiên Chúa đã “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới một đầu là Đức Kitô” (Ep 1:10).  Nguyên tắc để hiểu vai trò Đức Kitô là căn tính của Người: Người là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha (Ga 1:1), là Khôn ngoan (x. 1Cr 1: 24) và “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1:3), là “trưởng tử của mọi loài thọ tạo,” nhờ và cho Người mọi sự được dựng nên và trong Người mọi sự tồn tại (x. Cl 1:15-17), thành ra Đức Kitô là “thợ” làm nên trời đất, là mẫu mực và là mục đích của vạn vật. Vì Đức Kitô vừa là Tạo hóa vừa là tạo vật, nên nhờ và trong Người, giá trị của vật chất được tăng cao; mọi thụ tạo đều mang trong mình một “yếu tố kitô” (christic element), một thứ “năng động hy vọng” đang không ngừng thúc đẩy đà tiến phát  hướng tới một tình trạng hoàn hảo; thư Rôma nói về sự việc “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ” ngày được giải thoát khỏi cảnh hư nát hiện giờ (x. Rm, 8:19-21). Trong Chúa Kitô, con người ý thức được mối liên đới giữa các “tạo vật mới” mà kitô hữu đã trở thành nhờ ân sủng (x. Gl 6:15), với môi trường thiên nhiên. Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự tốt đẹp; thế mà bây giờ đã ra hư nát, ngược với ý của Đấng Tạo hóa; tuy nhiên, hy vọng vẫn còn đó, vì Thiên Chúa vẫn muốn tiếp tục nhờ Đức Kitô mà hòa giải muôn vật lại với mình (Cl 1:20). Vai trò của Đức Kitô ở trong quá khứ, giữa thời hiện tại và trong tương lai vẫn là thế. 
 
    Phụng vụ Giáo hội gọi Chúa Thánh Thần là Creator Spiritus, Thần Khí Tạo hóa. Sách Giáo Lý trích dẫn phụng vụ Đông phương: “Ngự trị, thánh hóa và ban sinh khí cho vạn vật là việc được dành cho Chúa Thánh Thần... bởi là Thiên Chúa, Ngài giữ gìn các tạo vật trong Chúa Cha và Chúa Con” (số 70). Truyền thống đã tin như vậy; thánh Irênêô († 202?) hình dung cảnh tượng Chúa Cha sáng tạo nhờ hai bàn tay là Chúa Con và Thần Khí. Kinh Thánh miêu tả Lời và Hơi của Thiên Chúa như là nguồn gốc sinh thành mọi sự (x. St 1:2tt); “Bởi lời Giavê các từng trời đã được dựng nên, bởi hơi khí miệng Người có các cơ binh hết thảy” (Tv 33:6). Nhưng Ngôi Vị này lại mông lung như gió. Sách Châm ngôn ghi lại như sau lời Khôn ngoan nói lúc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ: “Khi Người đặt nền móng cho đất, ta hiện diện bên Người như tay thợ cả...” (Cn 8:29-30); sau này truyền thống hiểu “khôn ngoan” ấy tượng trưng Thần Khí. Như là “Hơi” của Đức Giavê, Thần Khí là nguồn sống, vì thế Thánh vịnh hát: “Người sai khí của Người, chúng sinh được tạo thành và Người đổi mới mặt đất” (Tv 104:30; x. Jb 33:4). Văn kiện được gọi là Fides Damasi (bản tuyên tín của giáo hoàng Đamasô, khoảng năm 380) đã nêu rõ: “Nếu ai không nhận rằng Chúa Cha đã làm mọi sự, tức hữu hình và vô hình, nhờ Chúa Con và Thánh Thần, thì đó là kẻ lạc giáo” (D 77). Trong vũ trụ, Thần Khí đang hằng giây phút, sinh động hóa mọi sự – “Thần Khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất...” (Kh 1:7) – một cách siêu nghiệm; bởi Thánh Thần không phải là “linh hồn” của vũ trụ, cũng không phải là một yếu tố thuộc vũ trụ, mà là một Ngôi Vị trong Thiên Chúa. Vai trò của Người là hoàn tất công việc của hai Ngôi Vị kia: ban sự sống, thánh hóa, đưa mọi sự đến mức thành tựu trong Thiên Chúa. 
 
    Tựu trung, mọi thụ tạo đều bởi Tam Vị mà ra, nhưng lại mang “dấu ấn” đặc thù của mỗi Vị: vì bởi Chúa Cha mà ra, nên tạo vật mang tính chất “nghĩa tử” như em của trưởng tử là Đức Kitô; vì do Chúa Con làm ra, nên tạo vật là “tiếng nói của Lời” như thánh Tôma đã từng nhận định; vì do Thần Khí gầy dựng, nên muôn loài là “quà tặng của Đấng Ân Huệ” và, do đó, có khả năng thông hiệp với nhau như là hữu thể tương thuộc. 
 
    Lý Do Sáng Tạo 
 
    Đức tin giúp cho hiểu rõ rằng Thiên Chúa sung mãn, không cần đến bất cứ một điều gì; vì thế, nếu Người đã sáng tạo vạn vật, thì đó là hành động hoàn toàn tự do. Thánh vịnh 136, một bài thơ rất hay viết về Thiên Chúa và vũ trụ, không ngớt lặp đi lặp lại câu điệp tán tụng tình thương muôn ngàn đời của Thiên Chúa: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương... Hãy Tạ ơn Giavê vì Chúa nhân từ... tầng trời cao Chúa tạo dựng tài tình, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”  Công đồng Vaticanô I đã xác định: 
 
    “Thiên Chúa duy nhất chân thật ấy [đã dựng nên vũ trụ] với ý định hoàn toàn tự do, vì lòng nhân hậu và quyền toàn năng của Người, không phải để tăng thêm hoặc đạt được hạnh phúc cho Người, nhưng là để tỏ ra sự hoàn hảo của Người qua những điều tốt lành Người ban cho các tạo vật” (DS 3002). 
 
    Chống lại những thuyết sinh xuất (emanationism), như ngộ giáo hoặc phiếm thần thuyết, Giáo hội khẳng định là các tạo vật không phát ra từ Thiên Chúa như ánh sáng từ mặt trời, tức tự bởi bản tính của nó. Vaticanô I kết án thuyết sinh xuất và thuyết chủ trương rằng bản tính Thiên Chúa biến hóa thành mọi sự (DS 3024). Chủ nghĩa duy tâm – là chủ thuyết do G.W.F. Hegel (1770-1831) đề xuất – với một số biến dạng của chủ thuyết này, coi lịch sử là Đấng Tuyệt đối đang biến hóa, và cần thiết phải biến hóa như thế. Nhà thần học Anton Günther nghĩ rằng Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vì tình yêu và vì thế bắt buộc phải dựng nên, bởi Người phải yêu mến chính mình; Vaticanô I đã kết án ý kiến này. Cuối cùng, Vaticanô II quả quyết: “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và nhiệm mầu, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ” (LG 2). 
 
    Ý định nhiệm mầu ấy xuất hiện rõ ở trong lịch sử cứu độ; vì thế công đồng mạnh dạn khẳng định thêm rằng: “Thiên Chúa đã dựng nên hết mọi tạo vật cho con người” (GS 39a). Lý do là vì St 1:26-28 cho thấy Thiên Chúa sáng tạo con người – và chỉ con người –  “theo hình ảnh của Người,” rồi phó thác cho con người quả đất và hết mọi giống loài ở trong đó. Mặt khác, cả Kinh Thánh lẫn thần học đều xác định mục đích của mọi sự là vinh quang Thiên Chúa; vậy, cụ thể, thánh Irênêô († 202?) nhận định thế này: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống.” Thánh Gioan tông đồ vén mở cho thấy Thiên Chúa là tình yêu; nhưng tình yêu vốn dĩ sẵn sàng tự trao ban chính mình cho người mình mến thương. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, hẳn là mỗi Ngôi Vị tự trao ban chính mình cho hai Ngôi Vị kia. Hơn nữa, Kinh Thánh còn nói rõ về kế hoạch cứu độ, tức là về ý định của Thiên Chúa đối với loài người, một loài người dù là tội lỗi thì Người cũng vẫn yêu thương tha thiết đến nỗi đã ban cho Con Một mình (x. Ga 3:16); và nếu đã ban Con một rồi, thì “lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta!” (Rm 8:32). Vì thế, thư Êphêsô mới nói: “Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ... nhờ tình thương... trong kế hoạch yêu thương... để làm cơ nghiệp riêng... và ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:3-12). Thánh ca này tóm gọn những lý do căn bản của việc Thiên Chúa sáng tạo: vì vinh quang Người, qua con người, và trong tất cả mọi sự, vì tình thương. Thật ra, toàn bộ quá trình sáng tạo (đối với con nguời chúng ta thì diễn ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai) có mục đích là làm cho “Đấng tác tạo muôn loài phải trở nên ‘mọi sự trong mọi người’ (1Cr 15:28), để cùng lúc làm vinh danh Người và tạo hạnh phúc cho chúng ta” (AG 2). Thánh Irênêô đã suy tư về điểm này và nói là Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và đặt loài người vào trong đó, để có ai mà chia sẻ cho hạnh phúc của mình. Đó là niềm hãnh diện cho loài người chúng ta, nhưng đồng thời cũng cho thấy trách nhiệm nặng nề trong tác vụ quản lý vạn vật. 
 
    Thế Nào? 
 
    Kinh Thánh bắt đầu: “Lúc khởi đầu...” Nên lưu ý, ở đây “lúc khởi đầu” hiểu theo nghĩa thần học, chứ không phải theo nghĩa vũ trụ học. Thiên Chúa tạo hóa không phải là nguyên nhân đầu tiên trong chuỗi các nguyên nhân của cuộc biến hóa vũ trụ; cũng như “lúc khởi đầu” ấy không phải là giây phút đầu tiên của thời gian; bởi thời gian cũng phải được tạo thành, cũng là một thụ tạo; “lúc khởi đầu” cũng không phải là điểm trước thời gian, vì như thế là mâu thuẫn. “Lúc khởi đầu” không thể là đối tượng của khoa học. Thiên Chúa vĩnh cửu dựng nên mọi sự trong vĩnh cửu. 
 
    Thứ đến, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ “từ hư vô” (ex nihilo), tức không dùng bất cứ một thứ “nguyên liệu” nào. Trong Cựu Ước, sách Macabê II đã ghi rõ giáo huấn này rồi. Tân Ước giả thiết giáo huấn ấy; như đọc thấy trong thư Do thái: “những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11:3), và trong thư Rôma: Thiên Chúa “làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có” (Rm 4:17). Giáo hội hằng cẩn trọng chuyển đạt giáo lý tông truyền này. Hồi thế kỷ 2, cuốn Pastor Hermae đã viết: “Trước hết hãy tin rằng chỉ có một Thiên Chúa đã sáng tạo và hoàn thành mọi sự, và đã làm nên tất cả từ không có ra cái có” (Mand. 1,1, khoảng n. 140). Thánh Irênêô (khoảng n. 200) lý luận: “Hẳn là loài người chẳng có thể làm ra được cái gì từ hư vô, mà phải dùng cái đã sẵn có, nhưng Thiên Chúa siêu việt hơn con người đến nỗi chính Người làm cho có cả bản chất của các tạo vật, mà trước đó chẳng có gì” (Adv. haer. 2.10.4). Vì thế, thánh Âugutinô đã sâu sắc thốt lên: “Chúa ơi! Ngài đã dựng nên trời đất, không từ bản chất Ngài, vì nếu vậy chúng đã phải ngang hàng với Con Một và với chính Ngài nữa; vì không thể nào có gì có thể ngang hàng với Ngài trừ ra cái từ Ngài mà ra. Và Chúa ơi! chẳng có gì hiện hữu với Ngài khi Ngài đã sáng tạo các điều này, ôi Ba Ngôi Một Thiên Chúa! Vậy, từ hư vô Ngài đã sáng tạo trời đất, trời lớn và đất nhỏ, vì Ngài toàn năng và hoàn thiện có thể làm nên mọi sự tốt đẹp, cả trời lớn lẫn đất nhỏ” (Confessiones 12,7). Công đồng Vaticanô I tuyên xưng: “Chúng ta tin rằng Thiên Chúa không cần có gì hiện hữu trước đó, hoặc cần một sự trợ lực nào, để sáng tạo” (DS 3022), và công tuyên tín khoản số 5 ghi rằng: “Nếu ai không tuyên nhận vũ trụ và mọi sự trong nó, cả những gì thiêng liêng lẫn những gì vật chất, với trọn bản chất của chúng, đều đã được Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô, thì phải bị tuyệt thông” (DS 3025). Có kẻ lý luận lố bịch rằng “hư vô” là nguyên liệu của cuộc sáng tạo! 
 
    Dù Thiên Chúa sáng tạo trong vĩnh cửu, thì thành quả cũng ở trong thời gian, và vì thế cuộc sáng tạo diễn tiến “từ khi khởi sự cho đến lúc hoàn tất”; thần học gọi đó là “sáng tạo liên tục.” Các tạo vật không thể tiếp tục hiện hữu trừ phi Thiên Chúa tiếp tục đỡ nâng; như hình ở trong gương soi: người soi gương đi là hình biến mất; cũng thế, Thiên Chúa ngưng đỡ nâng thì vũ trụ biến mất. Tư tưởng này xuất hiện đặc biệt bên Đông phương, nhất là với thánh Maximô Confessor († 662); tác giả Linh Thao, thánh Inhã, cũng chiêm niệm Thiên Chúa “như đang làm việc trong mọi thọ tạo” (số 236). Cũng như ý niệm “sáng tạo từ hư vô” nêu bật Thiên Chúa siêu việt, hoàn toàn khác với thế giới, thì cũng thế ý niệm “sáng tạo liên tục” nêu bật Thiên Chúa nội tại, hiện diện giữa lòng thế giới. Công đồng Vaticanô II gọi Thiên Chúa là “Đấng bảo trì muôn loài muôn vật, và làm cho chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng” (GS 36); về mặt tôn giáo, đó là nền tảng của niềm tin vào Chúa Quan phòng; và thần học dùng chân lý này để hòa giải giữa đức tin và khoa học. Thuyết tiến hóa hiện đang được phổ biến, nhưng không có nghĩa là Thiên Chúa không còn có mặt trong vũ trụ; trái lại, dù là siêu việt, Đấng tạo hóa đang không ngừng làm cho muôn loài tiến hóa theo bản tính riêng của chúng. Thần học cổ truyền đã dùng từ concursus để chỉ về sự việc Thiên Chúa hộ trợ các nguyên nhân thọ tạo; tuy nhiên, đừng vì thế mà lầm tưởng Thiên Chúa và tạo vật hoạt động và đạt tới kết quả trên cùng một bình diện. Ý nói là tạo vật bao giờ cũng tùy thuộc vào và thuộc về Tạo hóa, nghĩa là Thiên Chúa hằng làm cho mỗi sự vật hoạt động theo bản chất của nó; nói cách khác, trong thế giới thụ tạo, mọi nguyên nhân đều là thụ tạo và kết quả cũng là thụ tạo. 
 
    Trường hợp đặc biệt trong vũ trụ hữu hình là con người. Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của mình. Thần học hiểu “hình ảnh” này theo nhiều cách; nhưng ở đây chỉ nên lưu ý đến khả năng “sáng tạo”. Nói rằng con người là “con tạo” thì không có gì là sai quấy; bởi thiện ý của Thiên Chúa là làm nên con người có tự do với trí khôn để thấu hiểu và ý chí để quyết định. Qua con người, Thiên Chúa tạo nên lịch sử. Những biến cố lịch sử quả là do con người gây nên (vì thế phải chịu trách nhiệm); nhưng Thiên Chúa “hộ trợ” con người trên bình diện hữu thể. Chẳng hạn, khoa học có tiến phát cũng là do con người (nhưng là con người đã nhận được khả năng Thiên Chúa ban cho: cả trí khôn lẫn nguyên liệu). 
 
    Vấn Đề  Hiện Tại 
 
    Thiên Chúa dựng nên một thế giới tốt đẹp và phong phú, có vật chất và tinh thần, có tất yếu và tự do, có không gian và thời gian, có tự nhiên và siêu nhiên, có hòa hợp và mâu thuẫn... Thiên Chúa làm nên mọi sự: những thiên hà và thủ phủ, những lượng tử và khúc giao hưởng, tình yêu và những phương trình... tất cả: cái gì mà có thì đều là tạo vật do Người làm nên. Thiên Chúa dựng nên mọi sự đầy sức năng động với đà tiến hóa, hoàn hảo đến nỗi làm như phát triển đều đặn tự chính chúng, và nếu không biết nhìn với con mắt đức tin thì tưởng là Thiên Chúa vắng mặt. Nhưng thánh Phaolô xác quyết: “Đấng làm Chúa Tể trời đất... ban cho mọi loài sự sống, hơi thơ và mọi sự... Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:24tt). Chính Đức Giêsu cũng miêu tả cho thấy Thiên Chúa đang mặc đẹp cho hoa huệ ngoài đồng, nuôi ăn chim trời và làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt (x. Mt 5:45; 6:26tt). 
 
    Tuy nhiên, thế giới đang thấy trước mắt xem ra là một thế giới bất toàn bất hảo, trong đó cá lớn nuốt cá bé, người vô tội phải chết oan, và cả thiện chí cũng chẳng tránh được nguy cơ gây hại. Sách Sáng thế cho thấy là đã có tội, con người đã không vâng lời Thiên Chúa và phải ra khỏi địa đàng, rồi anh giết em vì ghen tị... Chuyện thuật về địa đàng lúc đầu (x. St 2) hoặc lúc cuối (x. Is 11) đều mang cùng một ý nghĩa: Đây không phải là một thế giới như Thiên Chúa đã muốn, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục thương ban hy vọng cho nhân lọai. Ngày nay khoa học viễn tưởng hứa hẹn về một thế giới hoàn hảo nhờ kỹ thuật kỳ diệu; nhưng nếu con người không trở lại, không cải thiện hoàn lương nền đạo đức, thì khoa học kỹ thuật sẽ trở thành ngày càng nguy hại hơn. 
 
    Thử lấy một thí dụ cụ thể là vấn đề sinh thái. Thiên nhiên đang lâm nguy trầm trọng vì con người đã và đang bóc lột nó quá đáng. Hồi xưa, khi giải trừ xong tính thần thoại trong thiên nhiên, tức là không còn coi trời hoặc đất như là thần linh, thì đã giải phóng loài người khỏi nhiều cấm kị; nhưng khi thiên nhiên đã trở thành “vô thần” – không còn ảnh hưởng gì của các loại thần linh như trước kia đã tưởng – thì lòng tham lam ích kỷ không đáy của loài người không còn bị giới hạn. Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa ban cho nhân loại quyền thống trị các tạo vật (x. St 1:28); đó có thể là bước khởi đầu của tinh thần thám hiểm, khảo sát và khoa học với không biết bao nhiêu là kết quả tích cực, mà tiếc thay, cũng chẳng thiếu chi kết quả tiêu cực. Khi con người quên là mình có quyền quản lý chứ không có quyền chuyên chế, thì không còn có gì chận đứng nổi đà chiếm hữu ăn lãi. Mặt khác, Kinh Thánh nhấn mạnh đến dây liên đới giữa loài người với muôn vật trong thiên nhiên, và đến số phận tương thuộc giữa hai phía; đặc biệt là tính chất “thánh” của sự sống. Khi một sinh vật chết, tôi cũng chết đi một chút. Cách mạng kỹ nghệ (thế kỷ 19) đã làm cho của cải của những giai cấp hữu sản tăng lên vùn vụt, đến một mức khó tả, nhưng đồng thời lại nô lệ hóa nhiều dân nước và giai cấp khác, cũng như tạo ra thói quan niệm vũ trụ như một chiếc máy, và trạng thái đối đầu giữa nhân loại và thiên nhiên. Tôn giáo có sức hòa giải con người với thiên nhiên, bằng cách nêu cao một dạng linh đạo tự nhiên giúp cho biết nhận rõ loài người và muôn vật phát sinh từ cùng một gối cội, sống trong một mối liên đới hỗ tương; biết nhìn vũ trụ như là đền thờ của Thiên Chúa, trong đó Thần Khí đang hoạt động; biết làm quen với cách xử thế chiêm niệm; biết sống một luân lý đạo đức lành mạnh để có sức mà làm chủ cuộc sống, mà chế ngự tật tiêu dùng, v.v. Khi dựng nên vũ trụ, Đức Chúa đã lập một giao ước với muôn vật, không chỉ thấy chúng tốt mà còn chúc phúc cho các sinh vật (x. St 1:22.28; x. 2:3), và sau đó với Noê Người cũng lập một giao ước phổ quát (St 9:1-17). Cha Tạo hóa đã ban cho ta một thế giới tốt đẹp, ta phải gìn giữ và ra sức làm cho ngày càng thêm xinh đẹp. 
 
    Nhiều câu hỏi được đặt ra về mối tương quan giữa tôn giáo và khoa học. Thuyết tiến hóa và đức tin về sáng tạo không còn phải là hai đối cực không đội trời chung. Giả thuyết vụ nổ lớn (big-bang) cho thấy vũ trụ có giới hạn trong thời gian, tức đã có một lúc khởi đầu; thần học thấy đó là điều có thể trùng khớp với đức tin. Thiên Chúa đã dựng nên một vũ trụ không ngừng biến hóa, với số lượng sức năng xác định của các yếu tố, qua đó, chúng mang lại kết quả theo bản chất. Thí dụ: muốn có con người thì phải có sẵn nhiều yếu tố nặng; nhưng các yếu tố nặng này là kết quả của ngôi sao nổ; thế thì phải có ba “thế hệ ngôi sao” (chết đi rồi sinh lại ba lần) mới tạo ra nổi những yếu tố ấy; mà trung bình một ngôi sao cần một trăm triệu năm để “sinh ra”... Nhưng nếu khối lượng của điện tử di dịch dù chỉ là một phần triệu thôi, thì cũng đủ để loài người đã không thể xuất hiện; do đó, khoa học phải nhận là tính theo thống kê, con người có quá ít xác suất để xuất hiện. Nếu hỏi ai đã chỉnh lý những hằng số vũ trụ để cho loài người chúng ta có mặt trên trái đất này, thì khoa học không thể trả lời, và đức tin lại có cơ hội góp ý: đó chính là Đấng Tạo hóa; vậy cả hai, khoa học và tôn giáo, có thể bổ túc hài hòa cho nhau. Tuy nhiên, cũng phải hết sức thận trọng để tránh chủ hướng gọi là “tương hợp” (concordism), tức là lấy những dữ liệu khoa học để làm bằng cớ cho đức tin; đức tin chỉ đơn thuần dựa vào mạc khải của Thiên Chúa mà thôi. Những giả thuyết khoa học có thể đổi thay, có thể bị giả thuyết khác thay thế; còn đức tin thì không bao giờ lung lay, thay đổi. Nhà khoa học phải lưu ý thế nào để tránh tình trạng các dữ liệu ràng buộc trí tuệ (và tâm hồn) mình, làm cho mất đi tinh thần thanh thoát, cũng như để khôn ngoan gạt bỏ đi những kiến thức không có sức thỏa mãn được con tim... 
 
    Sáng Tạo Cánh Chung 
 
    Trong tri thức luận Kitô giáo có một nguyên tắc như sau: chân lý lộ rõ ở cuối cùng. Cả đến thánh danh yhwh cũng có người dịch là: “tôi sẽ là cái tôi sẽ là...” Hơn là của quá khứ, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của tương lai. Sáng thế 2:2 trình thuật: “Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi”; mục đích của tác giả đoạn văn không phải là thông tin về cách Chúa trời đã làm ra muôn vật, nhưng là để nêu bật ý nghĩa của ngày Sabát; Đức Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (Ga 5:17). Thánh vịnh 104 miêu tả như sau hoạt động của Thiên Chúa ở trong thiên nhiên: 
 
    “Chúa khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc... ẩn mặt đi, mọi loài rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,14.29-30). 
 
    Thiên Chúa Ba Ngôi đã dựng nên một vũ trụ bỏ ngỏ; vì thế, các giáo phụ và thần học nói đến một cuộc “sáng tạo liên tục”. Thật vậy, khi nhìn thấy trạng huống hư hỏng của thế sự, các tiên tri đã mời gọi đồng bào mình thống hối trở lại với Chúa, nhưng vì họ từ chối nên các ngài dựa vào lòng trung thành của Đức Giavê để dự kiến về một cuộc tạo dựng mới: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới” (Is 65:17; 66:22), nghĩa là kế hoạch của Thiên Chúa – toàn bộ: vừa sáng tạo vừa cứu độ – sẽ không thất bại, vì lời Chúa hứa sẽ ứng nghiệm. Sau kinh nghiệm sống với Đức Giêsu Kitô, Tân Ước đã nhắc lại lời hứa này; thư 2 của Phêrô nói rằng: “Chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3:13); còn Phaolô thì loan báo sự việc các loài thọ tạo “có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát” (Rm 8:21). Hoàn cảnh kỳ diệu này, ngôn sứ Isaia quan niệm như là cuộc trở về lại trong địa đàng (ch. 11), và sách Khải huyền coi đó như là quà tặng từ Thiên Chúa ban xuống, nơi đó Thiên Chúa cư ngự với dân Người, không còn sự chết, không còn tang tóc, “vì những điều cũ đã biến mất.” Bấy giờ Chúa phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:1-5). 
 
    Cảnh kỳ lạ ấy không thuộc về thế gian này. Chính Đức Kitô đã khánh thành thế giới mới nói trên khi Người phục sinh. Như thánh Phaolô giải thích (x. 1Cr 15): Người là Ađam mới, Ađam cuối cùng (Đức Kitô), sẽ làm cho kẻ chết sống lại vào ngày cuối cùng. Nhưng như “lúc khởi đầu” cuộc sáng tạo cũ nằm ngoài thời gian, thì “ngày cuối cùng” của cuộc sáng tạo mới này cũng ở ngoài thời gian. Bền chí trong hy vọng, “sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.” 
 
    Trọng tâm của cuộc tạo dựng mới này là Đức Kitô. Kinh Thánh nói rõ vũ trụ đã được dựng nên qua Đức Kitô, cho Đức Kitô và tồn tại nhờ Đức Kitô. Khi Người sống lại là một “tạo vật mới” xuất hiện, và “phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5:17). Không chỉ cái gọi là siêu nhiên là mới thật, nhưng cả cái tự nhiên cũng đang mang một “hạt giống mới” và sẽ “mọc lên” hồi cánh chung; ở đây, chỉ có thể dùng ẩn dụ để diễn đạt. Vì là “trưởng tử của mọi loài thọ tạo” (Cl 1:15), cho nên Đức Kitô đã biến thành thể nào thì những người ở trong Người cũng sẽ đổi mới như thế; quả vậy, cái gì đã xảy ra nơi Người thì cũng sẽ xảy ra nơi chúng ta, vì “Người mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15:20tt). Như vậy, Đức Kitô là khởi điểm, là điểm tựa và là cùng đích của vũ trụ, là alpha và omega. Quá trình thành tựu của vũ trụ bất toàn là lịch sử và tác nhân cụ thể là loài người, trong khi tác nhân siêu việt là Thần Khí. Tiến trình đổi mới của con người và của vũ trụ đi đôi với nhau; đó là tác vụ của chúng ta: phức tạp, khổ sở với nhiều kết quả mập mờ nước đôi, khiến cả muôn loài lẫn chúng ta – theo nhận định của thánh Phaolô – còn đang “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22-23). Để miêu tả tình trạng đó, công đồng Vaticanô II đã dùng hình ảnh của “một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối, tiếp diễn suốt trong lịch sử nhân lọai; khởi đầu từ lúc khai nguyên và sẽ kéo dài tới ngày cuối cùng như Lời Chúa phán...” (GS 37b). 
 
    Kinh Tin Kính Nixê còn kể rõ “muôn vật hữu hình và vô hình”; vậy, vật vô hình là gì? Ở đây, thần học bước vào một cảnh vực còn mù mịt hơn nữa. Tôn giáo bình dân thường hiểu đó là thiên thần và ma quỷ; rồi sau đó chẳng còn biết gì nữa. Vũ trụ quan của văn hóa Do thái thế kỷ 1 đã tin là có những hữu thể vô hình mà Tân Ước vẫn gọi là arkhế, exousia, dynamis...(“quản thần, quyền thần, dũng thần”: 1Cr 15:24; x. Ep 1:21; 3:10; 6:12; Cl 1:16; 2:10.15; 1Pr 3:22) hoặc stoikhêia (“yếu tố”: Gl 4:3.9; Cl 2:8.20), hoặc “thủ lãnh thế gian” (1Cr 2:6.8); còn có những tên gọi hơi lạ như “thiên tòa, thiên chủ, thiên phủ, thần uy linh” (Cl 1:16) mà Ep 6:12 gọi là kosmokrator, “những bậc thống trị thế giới tối tăm này, những thần linh quái ác chốn trời cao”; đây là những kẻ thù trong cuộc chiến kia. Đó là những gì? Không biết chắc chắn, nhưng chúng có vẻ dễ sợ. Đức tin cho biết các hữu thể ấy là tạo vật, tức vốn tốt đẹp; Tân Ước xác định rõ Đức Kitô thống trị chúng (Ep 1:21; 1Pr 3:22), và là thủ lãnh của chúng (x. Cl 2:10); nếu trước kia các thần thiêng ấy đã có được quyền gì, thì nay không còn nữa, vì Đức Kitô đã truất phế hết quyền lực của họ (x. 2:15). Tuy nhiên, vẫn còn có một số tiếp tục gây ra loạn lạc trong thế giới (x. Rm 8:38; Ep 6:12) cho đến ngày quang lâm (x. 1Cr 15:24). 
 
    Các “yếu tố” hay hữu thể kia ám chỉ đến một chiều kích bí hiểm của hiện thực: cá nhân cũng như tập thể, tổ chức, dù khoa học hay chủ nghĩa, cả kinh tế lẫn tôn giáo; hết thảy đều có những khía cạnh hoặc chiều kích bí hiểm (tốt hay xấu), khiến mỗi sự vật làm như có sức hơn chính mình, mỗi nguyên nhân có thể gây ra kết quả rộng hơn những khả năng tính được. Nơi loài người, là thụ tạo có ý thức, có thể nhận ra được cái chiều kích bí hiểm ấy: khi không làm điều mình muốn, lại làm cái mình không muốn, thì làm như có ai đó, có một điều gì đó, tiềm ẩn, chi phối mình. Muôn vật liên đới với nhau, vì tất cả đều xuất phát từ một hành động tạo hóa mà ra; khoa học nói về vật chất và phản vật chất (với bao nhiêu điều chưa khám phá ra được); thần học nói về hữu hình và vô hình (mà chưa hiểu ra được lãnh vực đó phức tạp như thế nào), đức tin nói về ân sủng và tội lỗi... Thực ra, công trình sáng tạo và công cuộc cứu độ chỉ là một kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa... Tất cả những nhận định sơ phác trên đây cho thấy là tất cả mọi tạo vật đều nằm trong một mối liên đới tương tác; thí dụ: một nhân loại tội lỗi hay thánh thiện thì có ảnh hưởng tác hại hoặc sinh lợi đến các tạo vật chung quanh, trong thiên nhiên, và ngược lại, chịu ảnh hưởng tốt hay xấu đến từ các yếu tố khác trong vũ trụ. 
 
    Ngày nay, cả kitô hữu cũng ít lưu tâm đến thiên thần và quỷ dữ, là những hữu thể có thể có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống loài người. Thiên thần xuất hiện rất thường ở trong Kinh Thánh, nhưng ý nghĩa thì không rõ cho mấy. Tên gọi Hylạp “angelos” có nghĩa là “thiên sứ” nói chung; sau đó, chẳng biết gì thêm chắc chắn. Truyền thống (thật ra là giả thuyết của Điônisiô, thế kỷ 5-6) kê ra được chín bậc hoặc “phẩm trật” thiên thần, là: Luyến thần, Minh thần, Thiên tòa, Quản thần, Dũng thần, Uy thần, Lãnh thần, Tổng sứ thần và Thiên thần; nhưng việc sắp xếp ấy xem ra chỉ là giả tưởng. Tương ứng thì có các loại quỷ, với đầu mục là Satan; ngoài ra, chẳng còn biết thêm gì khác cho chính xác cả. Dù thế, Kitô giáo tin là có các tạo vật ấy. Thực trạng của thế giới đốn mạt đến nỗi thánh Gioan viết: “Cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5:19), do “vương quyền” của “Tội trần gian” (Ga 1:29). Đối với Gioan, Tội là một thứ quyền lực nhân hóa, mạnh hơn tổng hợp mọi tội riêng của hết mọi người; thánh Phaolô cũng nhận thấy “tội ngự trị bằng sự chết” (Rm 5:21), vì loài người làm nô lệ của nó (x. 6:16), khiến cả tín hữu cũng cảm thấy chính mình đang “làm nô lệ luật của tội” (Rm 7:24); đó là một khía cạnh trong “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2Tx 2:7). Tội “nhập thể” vào trong các “yếu tố” của xã hội, dưới dạng những chủ nô, như: tiền của, quyền lực, chủ nghĩa, v.v. Rồi còn có Satan, “là tên sát nhân, kẻ nói dối, cha sự gian dối” (Ga 8:44), đang ẩn mình trong những lực lượng cám dỗ loài người, hằng gieo rắc những thứ hào nhoáng lòe mắt, nửa thật nửa giả để lừa bịp, đề cao những giá trị giả hiệu và hứa hẹn một địa đàng hảo huyền ở dưới đất này. Tinh khôn hơn nữa là làm cho nhiều người tin là mình không có để khỏi đề phòng chống lại những trò cám dỗ và lừa bịp của nó, cũng như làm cho hiểu rằng việc vạch mặt chỉ tên như thế chỉ là “huyền thoại.” Thánh Phaolô nghiêm trọng nhắc nhở: “Theo trào lưu của thế gian này là theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:2). 
 
    Trong lãnh vực này, trí khôn thiếu ý niệm rõ ràng và ngôn ngữ thiếu cách thức diễn đạt chính xác, nên đành phải dùng đến lối nói của văn chương thần thoại. Một thí dụ: khi đi vào trong lãnh vực siêu hạt cơ bản thì khoa học không còn biết đâu là vật chất, đâu là năng lượng, đâu là... cái gì đó, thì cũng hệt như vậy đối với thần học khi phải bàn đến những thực tại vô hình, siêu việt. Biết có những “yếu tố” ấy, và chúng đe dọa số phận con người, nên phải cố gắng tìm hiểu (lưu ý Êp 6:12 gọi chúng là “thống trị tối tăm”) để cảnh giác cho hậu thế. Mặt khác, Đức Kitô là kosmokrator (thủ lãnh vũ trụ) thật, như giáo hội Byzănxiô đã hiểu; vì thế, tín hữu nắm vững niềm hy vọng. Đức tin dạy cho biết có những tạo vật vô hình, có loại giúp ích và có loại gây hại; vì thế, giữa cuộc sống, cần phải giữ thái độ tỉnh táo, cảnh giác, và ra sức hợp tác để biến thế giới ngày càng nên tốt hơn, đúng như ý muốn của Đấng Tạo hóa. Đó là ý nghĩa của lịch sử: cố hướng tới một thế giới hoàn thiện trong Thiên Chúa. 
 
    Chỉ khi hồi chung cục điểm thì mới biết được sự thật, chỉ vào lúc cuối cùng thì công cuộc tạo dựng mới hoàn tất, mãn kết... Thiên Chúa mới khai mạc ngày Sabát thật sự, một ngày không bao giờ tàn, một ngày không có đêm theo sau, khi mà lịch sử kết cục, dừng bước ở nơi Thiên Chúa; Sách Giáo Lý viết: 
 
    “Chúng ta tin vững vàng rằng Thiên Chúa là chủ tể thế giới và lịch sử. Nhưng thường chúng ta không biết được đường lối của Thiên Chúa quan phòng. Chỉ khi nào tới chung cuộc, lúc mà sự hiểu biết phiến diện của chúng ta kết thúc, khi chúng ta thấy Chúa “diện đối diện” (1Cr 13:12) chúng ta sẽ hiểu biết một cách trọn vẹn các đường lối này, mà Thiên Chúa đã dùng để dẫn đưa cuộc sáng tạo, dù có phải trải qua các thảm trạng của sự dữ và tội, tới sự yên nghỉ của ngày Sabát chung cuộc, ngày mà Thiên Chúa đã nhắm đến khi tạo dựng trời và đất” (số 314). 
 
    Thư Do thái ghi rằng: “Còn có một ngày Sabát cho dân Thiên Chúa... vì thế chúng ta hãy cố gắng đi vào chốn yên nghỉ này” (Dt 4:10-11). Đó là trời mới và đất mới, nơi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ kông còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4). Thế giới sau cùng ấy – Kinh Thánh gọi là Nước Thiên Chúa hoặc Giêrusalêm trên trời – không phải là thành quả của công lao loài người, mà là ơn Chúa ban; tình trạng ấy là tình trạng thống nhất xóa tan sự chia rẽ do tội lỗi gây ra; tất cả đều được tổng hợp trong Đức Kitô: các thiên thần (x. Dt 12:22), muôn vật được giải thoát (x. Rm 8,21), các quyền lực thần thiêng (x. Cl 2:15), tất cả đều được hòa giải với Thiên Chúa (x. Cl 1:20). Mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng trời đất là chia sẻ vinh quang Người cho muôn vật, chia sẻ chính Người cho loài người, như thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả” (1Cr 15:28). 
 
    Trích trong Hợp Tuyển Thần Học 
 
    [1] Một vài sách về vấn đề sự dữ: Gustave Martelet.S.J., Libre réponse à un scandale. Ed du Cerf, 1986; Richard Swinburne, Providence and the Problem of Evil, Oxford, 1998; A. Cortina, Il male, Milano, 2000;  Peter van Inwagen, Christian Faith and the Problem of Evil,. B. Eerdmans Publishing Company, 2004.