Thánh Thể : Ân huệ Thiên Chúa trao ban cho đời sống nhân trần
Tài liệu thần học căn bản cho Đại Hội Thánh Thể lần thứ 49
Lê Y Nhã Trân chuyển ngữ từ L’Eucharistie, Don de Dieu pour la vie du monde
Dẫn nhập : Hôm nay, hãy tưởng nhớ đến Thiên Chúa
Đại Hội Thánh Thể thế giới vào tháng 6 tại thành phố Québec tạo điều kiện cho Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ những giây phút cầu nguyện và suy gẫm thật trọng đại để biểu dương ân huệ Thánh Thể. Từ một thế kỷ nay, đây là lần thứ 49 sau hàng loạt đại hội nhấn mạnh về sức sống của Giáo Hội. Đại hội ở thành phố Québec được tổ chức trùng hợp với ngày đại lễ mừng kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố Pháp đầu tiên tại Bắc Mỹ. Vào thế kỷ 17, nơi đây được mời gọi trở nên nơi truyền giáo quan trọng nhất của toàn Châu Mỹ.
Đại Hội Thánh Thể sẽ là Statio Orbis, nghĩa là với sự hợp tác với Giáo Hội địa phương Québec, Giáo Hội hoàn vũ cử hành và tưởng nhớ đến ân huệ mà Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại là Thánh Thể. Thành phố Québec với phương châm « Ân huệ của Thiên Chúa, con sẽ trân quý » đã in sâu vào dòng lịch sử của một dân tộc mà khẩu hiệu đã tuyên bố: « Tôi sẽ tưởng nhớ ». Khẩu hiệu này làm chúng ta liên tưởng đến lời mà chính Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ trong bữa tiệc ly: « Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. »
Theo nghĩa Kinh Thánh, Thánh Thể - là cuộc tưởng niệm Phục Sinh của Thiên Chúa - không những diễn tả việc tưởng nhớ nhưng là sự hiện diện đích thực của sự kiện cứu độ. Đại hội Thánh Thể tạo cho chúng ta một cơ hội đặc ân để tôn vinh ân huệ Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu và để tưởng nhớ đến cội nguồn Kitô hữu trên nhiều quốc gia đang trông chờ một cuộc truyền giáo mới. Thánh Thể đã nuôi sống thông điệp của Phúc Âm và cuộc gặp gỡ giữa những nền văn minh Âu Châu và bản địa. Vào thời đại chúng ta, Thánh Thể vẫn còn là men cho nền văn hóa và là phương thế bảo đảm cho hy vọng tương lai của một thế giới đang trên đường toàn cầu hóa…
Niềm khát vọng của một thế giới cho tự do tình yêu
Chủ đề chính của Đại Hội, dưới sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là: Thánh Thể, ân huệ Thiên Chúa trao ban cho đời sống nhân trần. Trong thời đại ngày nay, thật là đặc biệt quan trọng phải tưởng nhớ đến ân huệ của Thiên Chúa. Bởi vì thế giới hiện tại - giữa sự thăng tiến của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong giới truyền thông - được biết đến như là một khoảng trống thảm thương trong tâm hồn và đang bước đi dưới sự vắng mặt của Thiên Chúa. Bị quyến rũ bởi những thành tích sáng tạo của mình, loài nguời hiện đại đang trên chiều hướng quên đi Đấng Sáng Tạo của họ và tự làm chủ lấy chính định mệnh của mình.
Ước muốn thay thế chỗ Thiên Chúa cũng không thể xóa nhòa khát vọng vô tận đang ăn sâu vào lòng loài người và những giá trị đích thật mà họ cố gắng làm triển nở, mặc dù điều này có thể mang đến những nguy cơ lệch lạc. Việc quý trọng tự do, mối lo lắng về sự bình đẳng, lý tưởng của tình đoàn kết, việc cởi mở của sự truyền thông vô giới hạn, khả năng kỹ thuật và bảo vệ môi trường là những phẩm giá tuyệt vời không thể chối cãi, và những điều này đã làm vinh dự cho thế giới hiện đại và đem lại những hoa quả công lý và tình nghĩa huynh đệ.
Thảm kịch của chủ nghĩa nhân văn đang sao lãng Thiên Chúa
Mặt khác, quên đi Đấng Sáng Tạo, con người có nguy cơ tự đóng kín chính mình, trong thế giới tự cho mình là trung tâm của vũ trụ sẽ nảy sinh tình tạng không thể yêu thương và dấn thân cách lâu dài, dẫn đến sự phẫn nộ lớn lao về khát vọng một thế giới tình yêu và tự do. Loài người, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và để hiệp thông với Ngài, “chỉ có thể tự tìm thấy mình qua ân sủng tự quên đi chính mình”. [1] Sự thăng tiến bản thân phải trải qua ân sủng này muốn nói lên rằng phải nhìn đến tha nhân, tiếp đón và tôn trọng sự sống.
Tuy nhiên, nhân loại ngày nay luôn gạt đi giới hạn của mình trên quyền làm chủ của việc lưu truyền sự sống và tận cùng của sự sống. Sự chiếm lấy không thể giám sát này trên quyền sự sống và sự chết - mặc dù rất có thể xảy ra trên phương diện kỹ thuật - đang là nguy cơ đe dọa chính loài người. Bởi vì, theo lời phát biểu của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Nhị, “một văn hóa của sự chết” đang áp đặt trong nhiều xã hội thế tục hóa. Sự chết của Thiên Chúa trong văn hóa nhân loại gây nên hầu như không thể tránh được sự chết của loài người. Không những chúng ta nhận thấy điều này trong trào lưu tư tưởng của thuyết hư vô, mà nhất là trong những mối liên hệ xung đột và những hiện tượng tan vỡ đang tăng dần trong tất cả các mức độ kinh nghiệm của loài người, làm rối loạn những mối hôn nhân và gia đình, làm tăng gấp bội những xung khắc dân tộc và xã hội, tăng khoảng cách giữa người giàu và vô số người nghèo.
Mặc dù con người có được một ý thức rất tinh tế về phẩm cách loài người và nhân quyền, chúng ta vẫn thấy sự xâm phạm nhân quyền này đang phát triển gần như mọi nơi trên trái đất. Những khối lượng lớn vũ khí hủy diệt đang được tích lũy đã đi ngược lại với châm ngôn hòa bình. Với hiện tượng toàn cầu hóa, một số lớn tài sản vật chất đang tập trung trong tay một số rất ít người. Trong khi đó, nhu cầu căn bản cần thiết của đại đa số người khốn cùng đang bị lãng quên cách nhục nhã. Sự bất công và sự cùng khổ là mìn nổ cho hòa bình thế giới, và chủ nghĩa khủng bố ngày càng trở nên một vũ khí tự vệ cho những mối tuyệt vọng.
Trên phương diện tôn giáo, loài người ngày nay đã không còn muốn quy phục dưới một quyền lực chỉ đạo nào như khi xưa nữa. Họ đang phải đối chiếu giữa việc truyền bá các thông tin của vô số tín ngưỡng với sự khó khăn truyền lại di sản cho thế hệ mai sau, mà họ đã nhận được từ truyền thống tôn giáo của họ. Đức tin Kitô hữu cũng không ngoại lệ, và điều này lại còn ảnh hưởng nhiều hơn vì sự truyền bá dựa trên mặc khải không thể đo lường được theo lý lẽ bình thường. Đố kỵ với chính sở hữu quý giá là tự do, loài người tự soạn thảo một đời sống tinh thần tách rời với tôn giáo, và như thế, nhiều khi con người đi theo khuynh hướng hết mực quá đáng của chủ nghĩa cá nhân trong nền văn hóa dân chủ hiện đại.
Thánh Thể chứa đựng câu trả lời cốt yếu của Kitô hữu về thảm kịch của chủ nghĩa nhân văn. Và chủ nghĩa này đã đánh mất đi cơ bản chủ yếu của mối liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc.
Thánh Thể là sự tưởng niệm của Thiên Chúa về công việc Cứu Độ. Tưởng nhớ đến cái chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Thánh Thể đem lại cho thế giới Phúc Âm hóa một bình an đích thực, và trở nên niềm hy vọng cho đời sống hiện tại. Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, nhân danh tất cả những người đã được chuộc lại qua giá Máu Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh đón nhận ân huệ của Thiên Chúa đã hứa ban: « Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em » (Ga 14,26). Cuối cùng, chính Thiên Chúa sẽ nhớ lại lời giao ước với nhân loại và sẽ tự hiến để làm của ăn cho đời sống vĩnh cửu. “ Ngài sẽ nhớ lại tình yêu của Ngài” như lời mà Đức Trinh Nữ đã nói trong bài Magnificat (Lc 1,55).
Phần 1: Bí Tích Thánh Thể, ân huệ của Thiên Chúa
I. Thánh Thể, ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa
A. Trung tâm và đỉnh cao của lịch sử Cứu Độ
« Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể Đức Kitô là Đức Chúa của mình, không như một hồng ân trong những hồng ân cao quý khác, nhưng như là một hồng ân tuyệt vời nhất, vì hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và là công trình cứu chuộc của Ngài. [2] »
Tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đăng quang và kết thúc nhiệm kỳ Giáo Hoàng lâu dài của Ngài trong suốt năm Thánh Thể mà Ngài đã thiết lập sau khi ban hành thông điệp Eclesia de Eucharistia. Ngài muốn làm sống động lại trong lòng Giáo Hội sự kính ngưỡng ân huệ tuyệt vời là Thánh Thể và gợi lên một sự đổi mới trong tâm tình thờ phượng bí tích đã chứa đựng chính Bản Thân của Đức Giêsu trong nhân tính Thánh của Ngài. Hội nghị Giám Mục tháng 10 năm 2005 về Thánh Thể trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội đã kéo dài và đào sâu việc suy nghĩ này bằng cách định rõ những dấn thân mục vụ của mầu nhiệm Thánh Thể.
Ân huệ tuyệt vời này đã từ lâu được chuẩn bị bởi Thiên Chúa qua lịch sử Cứu Độ. Quả vậy, Thánh Thể tổng hợp và làm cho hoàn hảo hơn vô số ân huệ của Thiên Chúa đã ban cho nhân loại từ khi tạo thành thế giới. Thánh Thể đã hoàn thành ý định của Thiên Chúa là thiết lập một giao ước cuối cùng với nhân loại. Mặc dù bi kịch của một lịch sử tội lỗi và một lịch sử chối từ Thiên Chúa đã kéo dài từ nguyên thủy, Thiên Chúa vẫn thiết lập cách cụ thể, qua bí tích này, một Giao Ước mới được đóng dấu bởi chính Máu của Đức Kitô. Giao Ước mới này đóng dấu cách dứt khoát lịch sử lâu dài của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài được sinh ra từ tổ phụ của lòng tin là ông Abraham. Cũng như việc cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái trong thời Lời Hứa, Thánh Thể đã cùng đi với dân Chúa trong cuộc hành hương của lịch sử Giao Ước mới. Thánh Thể là một kỷ niệm sống động của ân huệ mà Chúa Giêsu Kitô đã hiến Mình và Máu Ngài để chuộc lại tội lỗi và sự chết của nhân loại và để chia sẻ đời sống vĩnh cửu cho họ.
Trong nghi lễ và lời nguyện thiên niên kỷ, dân Do Thái đã học biết cách mừng sự vĩ đại của Thiên Chúa họ là Đấng Chí Thánh, Đấng Tạo Hóa và Đấng Giải Thoát. Lễ Vượt Qua luôn luôn là trung tâm điểm trong nghi lễ của họ và luôn nhắc nhở từ thế hệ này qua thế hệ khác sự kiện Xuất Hành: « Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời. » (Xh 12,14)
Lễ Vượt Qua, đã được cử hành qua bao thế hệ của những người tin, được liên kết với sự kiện cơ bản của giao ước đầu tiên: việc dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và cuộc vượt qua Biển Đỏ dưới sự can thiệp của Đức Chúa. « Ít-ra-en thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người. » (Xh 14,31). Sự kiện cơ bản này được đóng dấu trên núi Sinai qua ân huệ thiêng liêng của Lề Luật và sự cam kết của dân : « Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này » (Xh 24,8). Và dân đã trả lời : « Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành. » (Xh 24, 3).
Cuộc vượt qua phần nào của loài người từ ách nô lệ tới tự do đã tiên báo và chuẩn bị cho việc can thiệp quả quyết của Thiên Chúa Hằng Sống và là Cha luôn che chở cho nhân loại, việc chuyển giao Lời cuối cùng của Ngài qua sự nhập thể của Ngôi Lời. Như thế, tới một thời gian đặc biệt của lịch sử nhân loại « ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người » (Tt 2,11). Giáo Hội đã tuyên bố qua việc tưởng nhớ lòng biết ơn: « Lạy Cha Chí Thánh, Cha quá yêu thương thế gian đến nỗi khi tới thời viên mãn đã sai Con Một đến cứu độ chúng con.[3] »
Ngôi Lời nhập thể đánh dấu đỉnh cao của ân huệ Thiên Chúa đã ban: « Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. » Thư gởi cho tín hữu Do Thái đã dạy rằng việc nhập thể của Con Thiên Chúa và hy lễ hiến tế đời sống Ngài đã làm nên một nền tảng và thiết lập nên một phụng tự của Giao Ước mới trong Máu của Ngài. Việc phụng tự này, thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô, đem đến sự hoàn thành bản phác thảo của phụng tự giao ước đầu tiên qua việc hiến tế một hy lễ duy nhất, khác với những hy lễ đến từ các động vật trong Lề Luật cũ. Bởi vì Ngài chính là Chiên Hy Tế không tì vết « đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa », « để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống » (Dt 9,14). Việc phụng tự đời đời này, Đức Kitô đã hiện tại hóa trong không gian và thời gian của chúng ta qua Thánh Thể, đỉnh cao của ân huệ Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể và Thần Khí sống động đến từ nguồn của phụng tự Giao Ước mới.
B. Thiết lập Phép Thánh Thể
« Trong Bữa Tiệc Ly, tối hôm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ sự Chết và Sống lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc phục sinh, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai. [4] »
Điều mà Đấng Cứu Thế đã thiết lập trong đêm bị trao nộp, đó là món quà cho đi chính Ngài, được thúc đẩy bởi tình yêu cao độ của Ngài: « Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. » (Ga 13,1). Thiết lập Phép Thánh Thể là món quà Đích Thân của Tình Yêu, mà chính Thiên Chúa đã cho đi chính Mình trong nhiệm tích lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Chúa Giêsu đã thiết lập nên Bí Tích này trong một nghi lễ, mà sẽ còn mãi lưu truyền món quà của đời sống Chúa Kitô đã tự hiến để làm lễ cứu chuộc cho những tội nhân. Ý nghĩa của điều này đã được thể hiện qua cử chỉ phục vụ trong việc rửa chân cho các môn đệ.
Bữa tiệc tưởng niệm lễ Vượt Qua của người Do Thái đã giúp cho dân tộc Israel tưởng nhớ lại mối giao ước với Thiên Chúa và sống lại lịch sử của họ qua nghi lễ của việc can thiệp có thực và hiệu lực của Thiên Chúa. Trong đêm thứ năm tuần Thánh, Chúa Giêsu biết rằng Ngài sẽ hoàn tất bữa tiệc tưởng niệm lễ Vượt Qua của người Do Thái; Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và nói: «Tất cả các con cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con». Và Người cầm lấy chén rượu cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: « Tất cả các con cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy ». Qua lời nói và hành động, Chúa Giêsu thiết lập một nghi lễ mới, nghi lễ phục sinh mà chính Ngài đã thay thế chỗ con chiên được dâng lên làm của lễ theo truyền thống bằng cách cho đi chính Mình và tự hiến tế qua tình yêu. Hành động tình yêu của Ngài được thể hiện qua Giao Ứớc mới trong Máu Thánh của Ngài, Máu mà loài người được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết.
Vẫn luôn luôn dưới sự thúc đẩy của chính tình yêu này, Đức Kitô phục sinh, trong quyền năng Thánh Thần của Ngài, đã hiện tại hóa ân huệ Thánh Thể mỗi lần Giáo Hội cử hành nghi lễ mà họ đã nhận được qua Ngài trong bữa tiệc ly, trước cuộc khổ nạn. Khi cử hành trọng thể nghi thức này, Giáo Hội kết hợp mật thiết với hy lễ của Chúa Giêsu Kitô và như thế kết hợp mật thiết với việc thi hành thiên chức của Ngài để thờ phượng Thiên Chúa và để cứu độ của loài người. « Sự thật, để hoàn tất công trình vĩ đại này mà Thiên Chúa được hoàn toàn biểu dương và ca ngợi và loài người được thánh hóa, Đức Kitô luôn liên kết với Giáo Hội, Hiền Thê yêu quý của Ngài. Giáo Hội cũng đã coi Ngài như Thiên Chúa của mình và qua Ngài dâng việc thờ phượng lên Thiên Chúa Cha Hằng Sống. [5] »
Việc thiết lập Phép Thánh Thể chứa đựng một mầu nhiệm thâm sâu mà vượt cả khả năng hiểu biết và giới hạn của chúng ta. Đây là một mầu nhiệm đức tin tuyệt vời. Giáo Hội hằng nuôi sống chính mình từ nguồn Thánh Thể. Vì nhờ Thánh Thể, mà Giáo Hội còn sống và tồn tại. Trong đêm tiệc ly, Chúa Giêsu đã trao tặng cho Giáo Hội chính sự hiện diện của Ngài. Tuy dưới hình thức khiêm hạ qua bánh và rượu, nhưng là một sự hiện diện đích thực. Từ tâm điểm của Thánh Thể, Chúa Giêsu đã để cho Giáo Hội đón nhận đời đời lời tuyên ngôn tình yêu của Ngài và ân huệ của Mình và Máu Thánh Ngài như một sự kiện luôn mới đang trên đường tiến hành. Chính ở đây, chúng ta thấy được ý nghĩa thâm sâu của việc « tưởng niệm ». Và như đã có trong truyền thống của người Do Thái, chúng ta thấy được ý nghĩa của một sự kiện khách quan, chứ không phải chỉ là một sự kiện chủ quan về việc tưởng nhớ quá khứ. Việc cử hành nghi thức tưởng niệm làm cho những người tham gia chìm đắm trong mầu nhiệm Phục Sinh của Thiên Chúa.
II- Thánh Thể, sự tưởng niệm của mầu nhiệm Phục Sinh
A. Sự tưởng niệm Phục Sinh của Đức Kitô, một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đâu là nội dung của sự tưởng niệm mà Giáo Hội đã cử hành từ khởi đầu như là một ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa? Chúa Giêsu đã thiết lập hình thức chủ yếu ở bữa Tiệc Ly khi Ngài đọc lời truyền phép trên bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Ngài. Nhưng món quà qua hành động đích thân của Đức Kitô chứa đựng một nội dung vô tận mà chúng ta không bao giờ có thể chấm dứt việc tìm hiểu sâu sa bởi vì ân huệ này chứa đựng tất cả mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài; đó là món quà tình yêu dâng lên Chúa Cha cho đến chết trên thập tự và sống lại từ cõi chết qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Khi cử hành nghi thức Thánh Thể, Giáo Hội đã tiếp đón ân huệ của Đức Kitô, Đấng đã tự nộp mình cho những tội nhân qua việc vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha. Thánh Phaolô đã tuyên bố trọng thể trong bài thánh ca gởi cho tín hữu Philiphê: « Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa" » (Pl 2,8-11).
Và như thế, Giáo Hội đã đón nhận ân huệ của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại qua Người Con nhập thể làm người và chịu đóng đinh: « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. » (Ga 3,16). Ông Origène đã nói: « Hãy nhìn xem với vẻ rộng lượng tuyệt vời của Thiên Chúa đáp trả lại con người: ông Abraham đã dâng hiến cho Thiên Chúa người con sẽ phải chết, nhưng người đã không chết. Thiên Chúa đã trao tặng cho loài người Người Con bất tử, nhưng đã chết cho tất cả chúng ta ».[6] Hiến tế của Isaac trong giao ước cũ báo hiệu và chuẩn bị cho hiến tế tuyệt vời của Giao Ước mới, đó là Con Chiên đích thực.
Hành động tình yêu trao tặng của Người Con phù hợp hoàn hảo với hành động tình yêu của Thiên Chúa Cha trao tặng. Và trong ánh nhìn của chúng ta, sự hoàn hảo của việc phù hợp này đã được xác tín qua Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm cho Đức Kitô phục sinh trong kẻ chết. Trong cùng một đường hướng, Chúa Thánh Thần cũng đã xác tín uy quyền thần linh của Chúa Giêsu qua những lời giảng dạy và những hành động của Ngài và cũng chứng thực cùng lúc sự cần thiết về việc đồng ý toàn diện của đức tin Kitô hữu. Đó là trung tâm điểm của Tin Mừng mà Giáo Hội đã rao giảng cho mọi dân tộc từ khởi đầu và Giáo Hội cũng đã cử hành trong mỗi Thánh Lễ: « Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng » (Rm 1,3-4) . Ân huệ tuyệt vời của Thánh Thể làm hiện diện Đức Kitô phục sinh với tất cả cuộc sống và mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài.
Đó là một ân huệ Thiên Chúa Ba Ngôi có hiệu lực hòa giải giữa thế giới với Thiên Chúa qua sự dâng hiến tình yêu của Người Con cho đến chết và qua sự sống lại của Ngài đã xác nhận sự chiến thắng của tình yêu Ba Ngôi trên tội lỗi và sự chết.
Chúa Thánh Thần đã xác nhận sự kết hợp hoàn hảo giữa Người Cha và Người Con trong trung tâm điểm của mầu nhiệm Phục Sinh qua chính ân huệ của Ngài. Ân huệ mà khi chúng ta vinh danh Người Con, chúng ta cũng vinh danh Người Cha là Đấng đã sai Người Con. Đó là lý do vì sao khi các tín hữu kết hợp với Mình và Máu Đức Kitô thì họ cũng được kết hợp với Chúa Thánh Thần. Thánh Ephrem đã viết: « Chúa Giêsu đã nói bánh là Thân Thể sống động của Ngài, Ngài đã đổ đầy chính Ngài và Thần Khí của Ngài trên bánh. (…) Và những ai ăn Bánh này với lòng tin là đang ăn trong Lửa của Thần Khí. (…) Tất cả hãy cầm lấy, hãy ăn lấy, và hãy ăn Chúa Thánh Thần cùng với Ngài. Đây chính là thân xác tôi và ai ăn lấy sẽ sống đời đời. [7] »
B. Hiến tế Phục Sinh
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã nhắc cho chúng ta với sự nhấn mạnh rằng Thánh Thể là một hiến tế vì Thánh Thể là sự tưởng niệm Phục Sinh của Đức Kitô. [8] Chúa Giêsu đã thố lộ cho các môn đệ trong lời cầu nguyện mật thiết của Ngài: « Vì họ mà con đã hiến tế chính Mình con » (Ga 17,18). Một khi giờ Ngài đã đến, Chúa Giêsu đã không lẩn tránh thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ngài yêu thương Cha của Ngài, và Ngài phó mặc trong tay loài người vì tình yêu Thiên Chúa Cha và vì tình yêu các tội nhân. Thánh Thể là cuộc tưởng niệm việc hiến tế này, nghĩa là một nghĩa cử tình yêu chuộc tội đã tái thiết lập sự kết hợp giữa nhân loại và Thiên Chúa qua việc xóa bỏ chướng ngại vật trong thế giới là tội lỗi.
Sự không tuân phục của loài người đã không ngừng cắt đứt mối liên hệ giao ước với Thiên Chúa trong lịch sử. Sự vâng phục của Đức Kitô đã chuộc lại tất cả những bất tuân của những tội nhân là con cái Adam. Chúa Giêsu là hy tế mà Thiên Chúa Cha đã chấp nhận. Người đã đáp lại sự dâng hiến toàn vẹn của Người Con, Đấng “vâng phục cho đến chết” (Pl 2,8), qua việc dâng hiến chính tình phụ tử của Ngài, nghĩa là trao tặng một cuộc sống mới và vĩnh cửu qua việc làm cho Đức Kitô phục sinh. [9] Việc trao đổi này đã tái thiết lập mối liên lạc và sự kết hợp giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa là Tình Yêu và nhân loại là những người đã được mời gọi hiệp nhất trong tình yêu Ngài qua lòng tin. Như thế, sự hiến tế của Đức Kitô là một hiến tế phục sinh, một hiến tế toàn vẹn của chính Ngài đã làm cho loài người từ nô lệ của tội lỗi được trở nên tự do làm con cái Thiên Chúa. « Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết » (Gioan 6,54).
Việc hiến tế thật sự này đã làm cho Con Thiên Chúa lãnh nhận biết bao đau khổ không đo lường được, kể cả việc xuống ngục tổ tông. Các sách Tin Mừng đã đưa ra một số phương diện về cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, một cuộc khổ nạn đã biểu lộ sự sâu thẳm nỗi đau đớn và tình yêu của Ngài.
Cái khát của Chúa trên cây thập giá, các thương tích, sự phó mình, tiếng la thảm thiết và trái tim tan nát của Ngài làm cho chúng ta phỏng đoán được một phần nào tất cả nỗi buồn phiền về thân xác, tinh thần và tâm linh của Ngài. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã viết: « Trong cái chết của Người trên thập giá, đã thực hiện sự trở lại của Thiên Chúa với chính Ngài, trong đó, Thiên Chúa đã trao đi chính Ngài để nâng cao giá trị của con người và để cứu độ họ - đó chính là tình yêu trong hình thức căn bản nhất [10]. » Khi chúng ta chiêm ngắm tình yêu đau khổ và tình yêu phải chết trên thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta học hiểu cách đo lường tình yêu không thể đo đuợc của trái tim Chúa và chúng ta có thể đoán ra được sự bao la của ân huệ bí tích Thánh Thể.
Dưới ánh sáng của luận thuyết này, chúng ta thấy rõ hơn lý do vì sao tất cả đời sống thánh hiến của Giáo Hội và của mỗi tín hữu có thể đạt được tới đỉnh cao và sung mãn của nó trong Thánh Thể. Thật ra, trong bí tích này, mầu nhiệm Đức Kitô - đã tự hiến làm của lễ dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá - luôn đổi mới không ngừng qua ý muốn của Ngài. Và Thiên Chúa Cha đã đáp trả sự hiến tế này qua một sự sống mới của Đấng Phục Sinh. Sự sống mới này - được thể hiện qua thân xác hiển thánh của Đức Kitô chịu đóng đinh - đã trở thành dấu chỉ hữu hiệu của một ân huệ mới dành cho nhân loại. « Sự phục sinh của Đức Kitô còn hơn thế nữa, là một sự thật hoàn toàn khác hẳn. Sự phục sinh là - nếu chúng ta có thể một lần dùng từ ngữ của học thuyết tiến hóa - một sự chuyển hóa lớn nhất, một bước nhảy hoàn toàn quả quyết nhất trong chiều hướng trọn vẹn mới mà chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử sự sống và tiến triển của nó: một bước nhảy trong một thứ tự hoàn toàn mới lạ mà liên quan đến chúng ta, liên quan đến toàn bộ lịch sử. [11] »
Như thế, Thánh Thể, như là một tưởng niệm sự chết và phục sinh của Thiên Chúa, đã làm hơn thế nhiều là chỉ tưởng nhớ một sự kiện trong quá khứ. Thánh Thể tượng trưng cho một sự kiện luôn luôn hiện tại, bởi vì sự hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá đã được chấp nhận bởi Thiên Chúa Cha và đuợc tôn vinh bởi Chúa Thánh Thần. Và như vậy, sự dâng hiến này đã vượt thời gian và không gian và - bởi vì ý muốn rõ ràng của Thiên Chúa - luôn luôn sẵng sàng hiện diện trong đức tin của Giáo Hội. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Khi Giáo Hội cử hành bữa tiệc Thánh Thể, Giáo Hội không làm như đây là lần đầu tiên. Giáo Hội đón nhận sự kiện cuối cùng, « sự kiện tình yêu duy nhất », mà đang luôn tự phát sinh cho chúng ta. Bữa tiệc Tình Yêu đã rút ra từ nguồn suối bất tận qua việc hiến tế tình yêu của Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã được tôn vinh và luôn can thiệp cho chúng ta.
Phần 2 : Bí Tích Thánh Thể, Giao Ước mới
III- Bí Tích Thánh Thể thiết lập Giáo Hội, ơn cứu chuộc
Ân huệ tuyệt vời của Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm của Giao Ước, mầu nhiệm hôn lễ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thiên Chúa Hằng Sống luôn làm tái sinh không ngừng Giáo Hội như một dân tộc được quy tụ, như Thân Thể và Hiền Thê của Đức Kitô, như một cộng đồng sống động và cùng lúc là một người huyền nhiệm duy nhất với Đức Kitô. Thánh Augustinô đã nói: « Hãy hoan hỉ và cảm tạ Thiên Chúa, không những chúng ta đã trở nên những Kitô hữu, nhưng chúng ta đã trở nên chính Đức Kitô [12] ».
Thật ra, Giáo Hội chính là dân tộc của Giao Ước, không thể tách rời với Bí Tích Thánh Thể, như thân thể không thể tách rời với đầu, như hiền thê sống trong ân nghĩa của phu quân. Với tư cách là người thừa hưởng và đồng hành với mầu nhiệm Thánh Thể, Giáo Hội - dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và theo gương đức tin của Mẹ Maria - tham gia vào ân huệ của Thiên Chúa trên toàn thế giới. Chính Giáo Hội là một bí tích, nghĩa là “dấu chỉ và khí cụ nối kết giữa Thiên Chúa và là khí cụ thống nhất của tất cả nhân loại” [13]. Giáo Hội là một bí tích hoàn vũ của sự kết hợp Thiên Chúa Ba Ngôi cho cả nhân loại.
A. Ân huệ của Giáo Hội hiệp thông
1) Mẹ Maria, Giáo Hội đầu tiên và người phụ nữ Thánh Thể
Ân huệ của Thiên Chúa cho thế giới được thể hiện qua một người nữ, được chúc phúc hơn mọi người nữ, đã tin và đã phó mình không điều kiện vào Lời mầu nhiệm của Thiên Chúa. Maria của Nazareth là một người phụ nữ tuyệt vời đã trả lời « xin vâng » với Thiên Chúa của Giao Ước, và như thế qua việc truyền tin, Mẹ Maria đã trở nên điều hoàn tất của thiếu nữ Sion là Giáo Hội tiên khởi. Tiếng « xin vâng » của Mẹ đồng hành với Ngôi Lời nhập thể từ giây phút thụ thai đầu tiên cho đến cái chết và phục sinh. Không một tạo vật nào khác đã có một kỷ niệm cụ thể với Ngôi Lời đã trở nên người phàm cho đến trở nên Thánh Thể. Không một người nào khác có thể biết rõ ràng ý nghĩa của lòng thương xót, sự tha thứ, lòng trắc ẩn, nỗi đau khổ của Tình yêu Đấng Cứu Chuộc.
Không một chỗ nào đã nói rằng Mẹ Maria đã hiện diện trong bữa Tiệc Ly khi nghi lễ của Giao Ước mới được thiết lập, nhưng Mẹ đã đứng dưới chân thập giá, nơi mà hy lễ thánh của Con Chiên đã được dâng hiến để cứu chuộc trần gian.
Mẹ Maria là người phụ nữ Thánh Thể tuyệt vời nhất [14], là một Evà mới sẵn sàng phó mình để cưu mang một Ađam mới. Mater Dei et Mater Ecclesiae. Với Mẹ và qua Mẹ, Giáo Hội đã hiệp thông hoàn hảo cùng với thập giá, để làm hy lễ thánh dâng Con Thiên Chúa. Giáo Hộ - đã được định trước như Mẹ trong vinh quang là Hiền Thê của Con Chiên - lặng ngắm Mẹ Maria dưới chân thập giá như một tượng thánh đau khổ và vinh quang trong mầu nhiệm hiệp thông của Mẹ. Với Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng đã trở nên người Mẹ cưu mang cả nhân loại được hòa giải, Giáo Hội đã học biết hiệp thông với tình yêu của Đấng Cứu Chuộc và hôn lễ của Con Chiên đã hy sinh, qua ân huệ của Thiên Chúa Tình Yêu.
2) Dân tộc của Thiên Chúa và ơn cứu chuộc
Giáo Hội đã đón nhận và hoàn thành cách đặc biệt mầu nhiệm hiệp thông trong khung cảnh của bữa tiệc Thánh Thể. Quà tặng của Chúa Giêsu - mà Giáo Hội hằng luôn tưởng niệm qua sự trung thành của Lời Ngài - làm nên nền tảng và nuôi dưỡng mối liên hệ giao ước giữa Giáo Hội và Chúa Giêsu nhân danh toàn thể nhân loại. Bữa tiệc vượt qua của Chúa Giêsu đã khai mở cho Giáo Hội trong tình yêu Ba Ngôi, tình yêu dẫn đến suối nguồn tiên khởi là Thiên Chúa Cha và ân huệ cuối cùng là Chúa Thánh Thần.
Thật ra, chính Thiên Chúa Cha đã triệu tập toàn thể nhân loại trong tiệc cưới của Người Con (Mt 22,1-4), bữa tiệc vượt qua mà Người Con đã dùng chính Mình làm Chiên hiến tế từ khi tạo thành trời đất và đã dùng chính Mình như chén rượu của một vương quốc truyền đạt sự say sưa trong Thánh Thần, sự say sưa mà Thánh Phêrô đã nói tới trong ngày lễ Ngũ Tuần. Khi trao tặng cho Giáo Hội Người Con và Thần Khí của Ngài, Thiên Chúa Cha đã liên kết Giáo Hội với mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Ngài đã nuôi dưỡng và nâng cao phẩm giá Giáo Hội bằng cách đón nhận Giáo Hội trong bàn tiệc thiên quốc của Ngài, nơi mà Tình Yêu là của ăn duy nhất và suối nguồn vĩnh cửu của Sự Sống.
Giáo Hội - mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi cho tất cả nhân loại - chính là một ơn cứu chuộc với tư cách là dân của Chúa được quy tụ trong sự hiệp nhất. Dân tộc này đã được Thiên Chúa triệu tập và sắp đặt bởi Chúa Thánh Thần tùy theo các nhiệm vụ với các thứ tự khác nhau và tùy theo vô vàn đặc sủng cho việc phục vụ Giao Ước mới. Giáo Hội biểu lộ sức sống đầy tràn của Hội Thánh và bảo đảm sự hiệp nhất qua việc hiệp thông với Thân Thể Thánh và Máu Thánh Đức Kitô. « Khi chúng con được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Ngài và được đầy tràn Thánh Thần, xin hãy làm cho chúng con được trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô. [15] »
Trong mỗi Thánh Lễ, lời nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần lập lại lời nguyện của chính Chúa Giêsu cầu cho sự hiệp nhất của các môn đệ Ngài: « Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một. » (Ga 17,22). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên lễ vật và toàn dân chính là vinh quang của việc hiệp thông Ba Ngôi đang tiến hành trong mỗi Thánh Lễ.
Đó là lý do vì sao Giáo Hội, dân của Thiên Chúa và của ơn cứu chuộc, phải tự triêụ tập và tụ họp lại, tự cởi mở cho sự thông hiểu Lời Chúa, phải luôn giao hòa không ngừng và hiệp thông với Sự Sống vĩnh cửu ở đời này qua bí tích Phục Sinh.
3) Hiền Thê của Con Chiên và Thân Thể Đức Kitô
Để tự trao mình cho thế giới trong mầu nhiệm Giao Ước, Thiên Chúa đã phó thác công trình này cho Giáo Hội, là cộng sự viên khiêm hạ của Ngài. Mặc dù nghèo nàn và yếu đuối vì những tội lỗi của con cái họ, Giáo Hội đã tự phó mình bằng cách chìm đắm không ngừng trong ân huệ của phép rửa tội qua phép hòa giải và phép Thánh Thể. Giáo Hội càng ý thức về việc ẩn mình trong mầu nhiệm Thiên Chúa ba lần Thánh bao nhiêu - và được kêu gọi đáp trả Lời Ngài không những chỉ với phương cách là một mẫu gương thôi nhưng với phương cách như một lễ cưới nữa - thì Giáo Hội càng phải cố gắng nhiều hơn để tự thánh hóa và cải tiến chính mình bấy nhiêu. Bởi vì « tất cả đời sống Kitô hữu đều mang dấu ấn tình yêu hôn nhân với Đức Kitô và Giáo Hội. Phép rửa tội, cho phép ta được vào đoàn dân Thiên Chúa, đã là một mầu nhiệm hôn lễ: và như thế có thể nói rằng phép rửa tội là sự tắm trong hôn lễ trước bữa tiệc cưới là Thánh Thể. [16] »
Chính ở tuyệt đỉnh của lời nguyện Thánh Thể, Giáo Hội đã đặt nơi môi miệng các linh mục lời tuyên xưng đức tin này: « Đây là mầu nhiệm đức tin! » Tiếng reo hò hân hoan này nhận biết được sự kiện đang diễn tiến, đó là sự chuyển hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô qua quyền năng Chúa Thánh Thần. Tiếng reo vui này cũng nhận thức được mầu nhiệm Giao Ước mới, đó là cuộc gặp gỡ hôn lễ giữa Đức Kitô là Phu Quân đã tự cho đi chính mình và giữa Giáo Hội là Hiền Thê đã đón nhận và kết hợp cùng với Đức Kitô trên hy lễ. Qua quyền năng của Lời Chúa Giêsu và qua lời nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần trên hy lễ Thánh Thể, Đức Kitô sống động mà chúng ta đã loan truyền sự chết cho đến ngày Người trở lại, đã kết hợp với Hội Thánh như chính Mình Ngài và Hiền Thê của Ngài. Người đã biến của lễ của cộng đoàn họp lại thành chính Mình Ngài và Người đã trao tặng cho Giáo Hội sự hiệp thông với chính Thánh Thể của Ngài như món quà hôn lễ.
Thánh Phaolô đã thốt lên « Mầu nhiệm này thật cao cả » khi ngài nghĩ đến sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội như một mẫu gương và một mầu nhiệm của bí tích hôn nhân (Êphêsô 5,32). Thánh Ambroise đã thấy được trong Thánh Thể « món quà hôn lễ » của Đức Kitô cho Hiền Thê của Ngài và thấy được nụ hôn Tình Yêu trong sự hiệp lễ. Và Thánh Cabasilas đã nhận thức được rằng: « khi thánh Phaolô đã nói “Mầu nhiệm này thật cao cả” là để tán dương mối giây liên kết này. Bởi vì đây là hôn lễ mà Phu Quân rất Thánh đã kết hôn cùng với Giáo Hội như một trinh nữ. Chính nơi đây mà Đức Kitô đã nuôi dưỡng đội hợp ca của những người chung quanh Ngài, và qua bí tích duy nhất này mà “chúng ta trở nên thân thể của Thân Thể Đức Kitô và xương của Xương Đức Kitô”. [17] »
« Thánh Thể đã lôi cuốn chúng ta trong hy lễ của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ đón nhận Ngôi Hai nhập thể một cách tĩnh lặng, nhưng chúng ta đi vào trong sự năng động của hy lễ Chúa Giêsu. Hình ảnh hôn lễ giữa Thiên Chúa và dân Israel đã trở nên hiện thực một cách không thể tưởng tượng được: những ai dựa vào việc đứng vững trước Thiên Chúa, thì giờ đây họ đã được kết hợp với Thiên Chúa qua việc tham dự vào hy lễ của Chúa Giêsu, tham dự vào Mình và Máu của Ngài. Sự thần bí của nhiệm tích được đặt trên nền tảng của việc hạ mình mà Thiên Chúa đã làm đối với chúng ta, là một khuynh hướng hoàn toàn khác và dẫn đưa chúng ta đi xa hơn bất kỳ một nhiệm tích cao thượng nào mà nhân loại có thể dẫn đưa. [18] »
B. Câu trả lời của Giáo Hội về Thánh Thể
1) Tin tưởng và yêu mến trong Chúa Giêsu như Mẹ Maria
Ân huệ của Thiên Chúa trao ban trong bữa tiệc tình yêu dẫn đưa Giáo Hội chia sẻ ân huệ này với toàn thể nhân loại, là những người được kêu mời trở nên Mình và Hiền Thê của Đức Kitô. Lòng tôn kính trước hết của Giáo Hội trước mầu nhiệm này là đức tin trọn vẹn, khâm phục và tôn thờ. Bởi vì, trong chính mầu nhiệm ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa phải tương ứng làm sao với mầu nhiệm đức tin tuyệt vời như sự kết chặt toàn vẹn và đầy lòng biết ơn của Giáo Hội, và kết hợp với đức tin của Mẹ Maria Vô Nhiễm. Nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là bảo đảm mối liên hệ hôn nhân giữa việc hiện tại hóa vĩnh viễn mầu nhiệm Thánh Thể và việc đón nhận của Giáo Hội, là nơi nuôi dưỡng niềm hy vọng của thế giới qua những chứng nhân của mình.
Hình thức đầu tiên của sự chia sẻ - được lóe sáng trong lòng Thánh Thể Chúa Giêsu - là điều răn mới của tình yêu: « anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 13,34). Điều răn này mới bởi vì điều lệ của điều răn này không còn là yêu anh em mình như chính mình, nhưng như chính Chúa Giêsu đã yêu. Điều răn này mới bởi vì nó đòi hỏi sự cần thiết gia nhập vào cộng đồng hậu thế của các tông đồ, là những người đã kết hợp với Chúa Giêsu trong cùng một đức tin. Điều răn này cũng mới vì nó đòi hỏi sự hạ mình và lòng tự nguyện phục vụ, dẫn đến đón nhận chỗ sau hết và chết đi cho người khác.
« Anh em thân mến, Thiên Chúa đã đặt để trong chúng ta sự phong phú của tình yêu mà chúng ta phải có cho mỗi một anh em chúng ta. Ngài đã định nghĩa tình yêu rằng « không có tình yêu nào lớn hơn là chết cho anh em mình ». Và Thánh Sử Gioan cũng đã nói trong một những bức thư của ngài : « Như Chúa Kitô đã ban sự sống của mình cho chúng ta thế nào thì chúng ta cũng hãy dâng hiến mạng sống mình cho những anh em chúng ta như vậy. » Đúng thế, chúng ta cần phải yêu thương lẫn nhau như chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, Đấng đã dâng hiến mạng sống vì chúng ta. [19] »
« Kết hợp cùng với Đức Kitô là kết hợp cùng lúc với tất cả những ai mà Đức Kitô đã tặng chính Mình cho họ. Tôi không thể có Đức Kitô cho chỉ riêng tôi, tôi chỉ có thể thuộc về Đức Kitô khi tôi kết hợp cùng với tất cả những ai đã trở nên hay sẽ trở nên chính Đức Kitô. Sự hiệp lễ đã kéo tôi thoát khỏi chính mình mà đến với Đức Kitô, và cùng lúc, dẫn đến sự hiệp nhất cùng với tất cả các Kitô hữu.
« Chúng ta đã trở thành một thân thể, được tan biến với nhau trong một sự tồn tại duy nhất. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân giờ đây đã thực sự được kết hợp: Thiên Chúa nhập thể đã lôi cuốn tất cả chúng ta vào Ngài. Giờ đây, chúng ta có thể hiểu vì sao agapè đã trở nên tên gọi của Thánh Thể: trong Thánh Thể, agapè của Thiên Chúa đến với chúng ta trong xác phàm để tiếp tục chương trình của Ngài trong chúng ta, qua chúng ta. Chỉ duy nhất từ nơi nền tảng Kitô học và các bí tích mà chúng ta mới hiểu được rõ ràng lời giáo huấn của Chúa Giêsu về tình yêu. [20] »
2) Hãy tự hoà giải trong sự hợp nhất
Việc cử hành Thánh Thể làm thức tỉnh trách nhiệm của mọi tín hữu trước sự cần thiết phải tự hòa giải và trở nên những người góp công xây dựng cho việc giảng hòa. Các tín hữu biểu lộ việc hòa giải này qua sự trông cậy vào bí tích hòa giải, là bí tích thanh tẩy lòng họ để có thể hiệp thông với Thánh Thể. Họ cũng biểu lộ việc hòa giải này qua quyết định của họ về việc đón tiếp tha nhân trong sự khác biệt văn hóa và đời sống. Và họ cũng biểu lộ việc hòa giải này trong những lần xin ơn tha thứ, trong lời nguyện xin ơn trợ giúp cho tất cả mọi người, trong lời nguyện của Thiên Chúa, trong dấu hiệu trao đổi hòa bình, trong mối bận tâm với các bệnh nhân về việc trao Mình Thánh Chúa cho họ, hay tự liên đới với những người nghèo và những người bị xã hội bỏ rơi. Và biết bao nhiêu những dấu chỉ tình yêu tha nhân như thế mà mỗi một cộng đồng đã muốn sống, và những dấu chỉ này đã được xây dựng không ngừng trong Thân Thể Đức Kitô: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy nếu anh em có lòng yêu thương nhau » (Ga 13,35).
« Chỉ có duy nhất và một Hội Thánh đã được thiết lập bởi Đức Kitô. Tuy nhiên, rất nhiều tín hữu hiệp thông tự giới thiệu mình với nhân loại là những người thừa kế của Đức Giêsu Kitô. Điều chắc chắn rằng sự chia rẽ này không nằm trong ý muốn của Chúa Giêsu. Sự chia rẽ này xúc phạm đến ý thức luân thường đạo lý của thế giới và cản trở những lý do rất thánh về việc rao truyền Tin Mừng cho tất cả các tạo vật. [21] »
Sự kiện mà Hội Thánh Kitô hữu trên toàn thế giới đã bị chia rẽ để hoàn tất bữa tiệc của Thiên Chúa cho chúng ta thấy dấu chỉ của sự bất đồng về lịch sử cũng như những học thuyết mà chúng ta không thể nào im lặng hoặc không hề biết đến. Được hợp nhất bởi cùng một phép rửa, các môn đệ của Đức Kitô không thể nào quên được những hậu quả của việc chia rẽ dựa trên những chứng từ cá nhân hay tập thể mà họ đã đem lại cho thế giới. Ý thức được rằng họ không thể nào tự tập họp với sự hiệp thông trọn vẹn trong cùng một bàn ăn và họ cũng buồn phiền về sự sa sút của những lời chứng truyền giáo, đã làm cởi mở lòng họ tìm đến sự hòa giải giữa những thành viên của Thân Thể Đức Kitô, và qua đó họ có thể « trở nên một » (Ga 17,23). Mỗi Thánh Lễ đều được cử hành với niềm trông cậy và hy vọng vào sự hợp nhất một dân tộc duy nhất của Thiên Chúa trong bàn ăn duy nhất của Ngài.
3) Tự tập hợp vào ngày Chúa Nhật, ngày của Thiên Chúa
Hội Thánh là cộng đồng của các môn đệ đã tuyên bố thuộc về Thiên Chúa qua những dấu hiệu đặc trưng: việc thực hành tình yêu huynh đệ và tình yêu lẫn nhau với tất cả mọi người. Chúng ta không thể yêu người khác như chính Chúa Giêsu đã yêu nếu chúng ta không ngừng lãnh nhận tình yêu này từ nơi Ngài. Điều răn mới của Chúa Giêsu không phải chỉ là một luân lý lý tưởng cho sự tự do của chúng ta. Đó là một giao ước, một tình yêu được chia sẻ giữa Thiên Chúa và các môn đệ, một tình yêu sẽ tăng trưởng và chiếu tỏ cho thế giới với điều kiện là chúng ta luôn múc lấy từ nguồn Thánh Thể ngày Chúa Nhật.
Thiên Chúa đã tự tỏ mình lần đầu tiên trong đêm Phục Sinh ở nhà cầu nguyện, và Ngài đã trở lại tám ngày sau để gặp ông Thomas, người cứng lòng tin. Những cuộc hiện ra này làm xác tín đức tin của các môn đệ và chuẩn bị cho họ một hình thức mới của sự hiện diện Thiên Chúa trong bí tích, và một cách thức đặc biệc trong Thánh Thể vào ngày Chúa Nhật. « Chúng ta cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật vì sự sống lại đáng kính của Chúa Giêsu Kitô, không những chỉ trong dịp lễ Phục Sinh, nhưng là vào mỗi tuần »: đó là những điều mà Đức Giáo Hoàng Innocent I đã viết vào thế kỷ thứ V, ngài là chứng nhân của một việc thực hành đã được thiết lập vững chắc và đã được khai triển từ những năm đầu sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Thánh Basile đã nói « ngày Chúa Nhật thánh, được tôn kính bởi sự phục sinh của Thiên Chúa, là sản phẩm đầu mùa của những ngày khác ». Thánh Augustinô gọi ngày Chúa Nhật là « bí tích Phục Sinh [22] ».
Thật ra, ngày Chúa Nhật là ngày, hơn tất cả những ngày khác, mà các Kitô hữu được mời gọi để tưởng nhớ đến ơn cứu chuộc, ơn đã được ban tặng cho họ trong phép rửa và ơn đã làm cho họ được trở nên một con người mới trong Đức Kitô. « Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết » (Col 2,12; x. Roma 6, 4-6). Khi các tín hữu tập họp nhau lại vào ngày Chúa Nhật, họ không phải vâng theo trước hết những lời giáo huấn. Nhưng sự hiện diện của họ là một chứng từ của đặc tính phép rửa mà họ đã lãnh nhận, và như thế nói lên rằng họ thuộc về Thiên Chúa. Điều thuộc về Thiên Chúa này được thể hiện qua việc lắng nghe Lời của Chúa, tham gia vào việc hiến tế và hiệp thông vào tình yêu Thiên Chúa.
Ngày nay, thật là quan trọng biết bao phải tái truyền bá Tin Mừng ngày Chúa Nhật, bởi vì rất nhiều nơi, ý nghĩa của nó đã bị xóa mờ dưới những áp lực của một nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vật chất. Làm cách nào để có thể tái khám phá ý nghĩa của sự tập họp các môn đệ chung quanh Đấng Phục Sinh? Chúng ta chỉ cần nhớ lại nguồn gốc của các Kitô hữu với những lời chứng thật thuyết phục. Vào đầu thế kỷ thứ IV, tại bắc Châu Phi, một số Kitô hữu đã thà chết còn hơn sống không có ngày Chúa Nhật, nghĩa là sống không có Thiên Chúa mà họ đã gặp khi cử hành Thánh Lễ. Các vị tử đạo của Abitène vào đầu thiên kỷ thứ ba làm cho chúng ta phải suy nghĩ, và họ cũng đã can thiệp giúp chúng ta để chúng ta có thể tái khám phá sự phong phú của cuộc gặp gỡ cốt yếu với Đấng Phục Sinh đã tự hiến Mình trong Thánh Thể.
Thế giới đang chờ đợi chứng từ này của Hội Thánh được triệu tập, ơn cứu chuộc mà họ đã tự dưỡng nuôi cách âm thầm.
Phần 3 : Cho sự sống nhân loại
Giáo Hội là cộng sự viên của Thiên Chúa phục sinh, đang sống trong ân huệ của Thiên Chúa, và kết hợp với Chúa Giêsu Kitô là Linh Mục tối cao trong việc chuyển đạt ân huệ này với toàn thể nhân loại. Thế giới đang thừa hưởng sự bác ái của các Kitô hữu và cũng thừa hưởng nghi lễ của Giáo Hội đang tôn vinh Thiên Chúa qua việc cầu thay cho thế giới. Dù cho Giáo Hội đang đối thoại với Thiên Chúa qua nghi lễ hay với thế giới trong sứ mệnh truyền giáo, thì Giáo Hội không phải chỉ sống cho chính mình, nhưng là cho những người đã đến, và « cho họ được sống, và sống dồi dào » (Ga 10,10). Sự sống của Giáo Hội là lời chứng cho Sự Sống Thiên Chúa đã được cho đi qua bí tích Thánh Thể.
IV- Thánh Thể, Sự Sống của Đức Kitô trong cuộc sống chúng ta
A. Nghi lễ tôn giáo của những người được rửa tội
« Qua phép rửa, loài người được ghép vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô: cùng chết với Ngài, chịu mai táng, và sống lại với Ngài; họ nhận lãnh Thần Khí làm cho họ nên nghĩa tử, “nhờ đó họ được kêu lên: "Abba! Cha ơi! " ” (Roma 8,15) và như thế họ đã trở nên những người thờ phượng đích thực mà Thiên Chúa Cha hằng tìm kiếm.[23] » « Phép rửa là sự nhận chìm hoàn toàn trong nước, nước làm bóp nghẹt sự chết, nước mà chúng ta chìm đắm trong niềm hân hoan được thở luồn khí mới, được thở hơi Chúa Thánh Thần. Bởi vì nước - từ cái chết tới sự sống và theo dấu chỉ tự nhiên của nó - đã được tháp vào quyền năng phục sinh của Chúa Thánh Thần. [24] » Phép rửa trong niềm tin của Giáo Hội khai mở cho các tín hữu kinh nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa. Khi dìm trong nước là dấu chỉ nói lên sự chết và khi ra khỏi nước là dấu chỉ nói lên sự sống mới của một Kitô hữu, là người đã cam kết đi theo Chúa Giêsu Kitô trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha và qua quyền năng Chúa Thánh Thần.
Đó là lý do vì sao Thánh Phaolô đã khích lệ những người chịu phép rửa sống một đời sống mới. «Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người » (Roma 12, 1). Theo cách nhìn của Thánh Phaolô, thì sự thờ phuợng này là việc dâng hiến trọn vẹn con người mình trong sự hợp nhất với Giáo Hội.
Điều này nói lên một đời sống hoàn toàn đổi mới: « Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa » (1 Corintô 10,31). « Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa » (Roma 12, 2) Cách thức thờ phượng mới này được thể hiện qua sự hạ mình và phục vụ, « mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho » (Roma 12,3).
Bởi vì, Thánh Phaolô tiếp tục, « cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể » (Roma 12,4-5). Sự thờ phượng này được thể hiện qua việc thực hành chính đặc sủng riêng của mình trong tinh thần hiệp nhất và trong phục vụ khiêm nhường, với một tình yêu chân thành, trong niềm hân hoan, và nếu có thể được, trong hòa bình với tất cả mọi người. Và Thánh Phaolô đã kết luận khi nhắc nhở mọi Kitô hữu phải chiến đấu không ngừng để chống trả lại với sự dữ: « Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác » (Roma 12,21). Thánh Cyprien đã viết: « Của lễ cao đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa là nền hòa bình của chúng ta, là sự hòa hợp huynh đệ, là dân tộc được triệu tập qua sự hợp nhất của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần [25] ».
Đời Sống của Đức Kitô, đã nuôi dưỡng của lễ chúng ta qua Thánh Thể, lôi cuốn chúng ta đến với Ngài và làm cho chúng ta trở nên sẵn sàng phục vụ cho người khác, trong sự hợp nhất của một Thân Thể duy nhất và một Thần Khí duy nhất. Đời Sống này đã biến đổi cộng đồng thành đền thờ của Thiên Chúa Hằng Sống để thờ phượng Ngài trong Giao Ước mới: « Nếu anh em là thân thể và là chi thể của Đức Kitô, thì chính mầu nhiệm này đã được đặt để trên bàn tiệc của Thiên Chúa, đó cũng chính là bí tích mà anh em đã lãnh nhận. Trong lời khẳng định anh em là ai (Thân Thể của Đức Kitô) mà anh em có thể trả lời rằng “Amen”, và câu trả lời của anh em như là chữ ký của anh em ». « Đây là của lễ của những Kitô hữu: trở nên một Thân Thể trong Đức Giêsu Kitô. Đó là mầu nhiệm mà Giáo Hội cử hành trong bí tích Thánh Thể, nơi mà Giáo Hội học biết cách tự dâng hiến mình trong của lễ để dâng lên Thiên Chúa [26] ».
B. Sự thờ phượng đích thực
Cử hành Thánh Lễ làm hiện diện Đức Kitô qua hành động thờ phượng tuyệt vời sự chết của Ngài trên thập giá. Qua hành động tình yêu tuyệt đối của Ngài đến chết, Đức Kitô trở về cùng Thiên Chúa Cha với nhân loại được giao hòa và Ngài đã để lại cho họ Thần Khí tình yêu và hòa bình, Thần Khí hướng dẫn Giáo Hội thờ phượng trong thần khí và sự thật. Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà toàn thể Giáo Hội thờ phượng Thiên Chúa nhân danh toàn thể nhân loại được cứu chuộc. Như Thánh Augustinô đã nói: hành động thờ phượng tuyệt vời của Đức Kitô và Giáo Hội được thể hiện qua việc hiến dâng hy lễ thánh in Persons Christi, Caput et Corpus, và qua sự tham gia tích cực của các tín hữu trong mầu nhiệm ca ngợi, tạ ơn và hiệp thông.
Trước hết, từ bên trong, thì việc tham gia này được biểu lộ qua lời nói và những hành động sau đây: đáp trả lời của người hướng dẫn, nghe Lời Chúa, ca ngợi, lời nguyện giáo dân, lời tuyên xưng Thánh Thể và đặc biệt lời Amen, hiệp thông trong Bánh Sự Sống và trong Chén Cứu Độ. Tất cả những điều này tỏ hiện thiên chức vương đế của những người đã chịu phép rửa, những người được thánh hóa phẩm cách nguyên thủy và không thể tước bỏ của thân phận con người.
Hành động thờ phượng Đức Kitô của Giáo Hội trong việc cử hành Thánh Lễ không dừng nơi những nghi lễ phụng vụ, hành động này được kéo dài với dấu chỉ hiện diện vĩnh cửu của Ngài, và gợi lên lòng tham gia của các tín hữu trong việc thờ phượng bí tích Thánh Thể. Chầu Mình Thánh Chúa ngoài Thánh Lễ kéo dài sự tưởng niệm khi mời gọi các tín hữu ở lại gần bên Chúa đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể : « Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy! » (Ga 11,28). Qua việc chầu Mình Thánh Chúa, các tín hữu nhận ra được sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu và họ được kết hợp cùng với hành động hiến tế chính Mình Ngài lên Thiên Chúa Cha. Có thể nói rằng việc thờ phượng của các tín hữu tham gia phần nào công trình của Chúa Giêsu, vì chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài mà mọi lời nguyện và thờ phượng được dâng lên Chúa Cha và được chấp nhận bởi Người. Đức Kitô - Đấng đã tuyên bố với người phụ nữ Samaritain rằng Thiên Chúa Cha hằng tìm kiếm những người thờ phượng Ngài trong thần khí và sự thật (Ga 4, 23-26) - chẳng phải là Người thờ phượng đầu tiên và là Người đứng đầu trong những người thờ phượng Thiên Chúa đó sao?
« Khi sống cùng với Đức Kitô, các tín hữu đạt được sự thân mật sâu kín và, trước mặt Ngài, họ có thể trải bày lòng họ vì họ và vì những người thân yêu, họ cầu nguyện cho hòa bình và sự cứu chuộc của thế giới. Khi dâng hiến trọn vẹn đời sống của họ cho Thiên Chúa Cha, cùng với Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, họ múc lấy từ việc trao đổi tuyệt diệu này một sự tăng trưởng trong đời sống đức tin, tăng trưởng trong niềm hy vọng và bác ái.[27]» « Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một điều thiện hảo. Quả thật vào thời đại chúng ta, Kitô Giáo phải trổi vượt nhất là trong “nghệ thuật cầu nguyện”, làm sao ta không cảm thấy có một nhu cầu cần được đổi mới là được ở lại lâu giờ để trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ trong im lặng, trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh.[28] »
Một lần nữa, chúng ta đang làm chứng ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội sự phục hồi lòng nhiệt tâm trong nghệ thuật cầu nguyện này, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã liên kết với việc tôn sùng phép Thánh Thể. Cùng một luồng gió đó, chúng ta cũng thấy một sự tăng trưởng của những lời chứng tình yêu Thiên Chúa và sự can thiệp của Giáo Hội cho nhu cầu thế giới. Thật ra, tôn sùng phép Thánh Thể làm tăng sức mạnh nơi các tín hữu ý nghĩa thiêng liêng của việc cử hành Thánh Lễ, một việc mà thật đáng tiếc thay đang giảm sút ở nhiều nơi. Bởi vì khi nhận biết rõ ràng sự hiện diện rất thánh của Chúa Giêsu trong nhà tạm ngoài Thánh Lễ sẽ làm thăng tiến việc tham gia tích cực và thâm sâu của các tín hữu khi cử hành nghi lễ này và giúp họ thấy rõ đây còn hơn là một nghi lễ của tập thể.
Hoa quả của việc tôn sùng Thánh Thể cũng ảnh hưởng đến sự thờ phượng thiêng liêng của một cuộc đời luôn đi tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa. Lặng ngắm Đức Kitô với tình trạng hiến tế và hy sinh trong Phép Thánh dạy cho chúng ta biết phải cho đi không giới hạn, năng động hoặc thụ động, phải tự cho đi như chính bánh Thánh Thể đang được truyền từ tay này đến tay khác trong hiệp lễ. Không phải những người đang viếng thăm và thờ phượng nơi nhà Tạm đã dạy cho chúng ta rằng phải luôn kiên trì trong tình yêu với nhịp sống hằng ngày, bằng cách đón nhận mọi hoàn cảnh, mọi biến cố và mỗi giây phút trôi qua với tất cả những sự kiện bên trong, không loại trừ thứ gì ngoài trừ tội lỗi, và bằng cách sinh ra càng nhiều hoa quả càng tốt đó sao? Thờ phượng đích thật là tự dâng hiến mình trong tình yêu, là ngây ngất của tình yêu trong giây phút hiện tại, vì vinh quang Thiên Chúa và vì phục vụ anh em. Như thế, thờ phượng Đức Kitô sẽ hiện tại hóa việc cử hành phép Thánh Thể và kéo dài mãi trong lòng của mọi tín hữu và cộng đoàn.
C. Những thừa tác viên của Giao Ước mới
Những thành viên của dân Chúa, cho dù là những giáo dân hay những vị có chức thánh đều được mời gọi tham gia tích cực trong trung tâm điểm của nghi lễ Giao Ước mới. Việc dâng hy lễ và hành động của các tư tế nói lên phần nào hình ảnh của toàn bộ sự tham gia này. « Dưới một quan điểm nào đó, bánh và rượu đã trở nên hình ảnh của tất cả những gì cộng đồng Thánh Thể đã mang lại cho chính mình để dâng lên Thiên Chúa, và dâng trong thần khí.[29]» Qua trung gian của thừa tác viên đang hành động nhân danh Thiên Chúa và nhân danh chính bản thể của Ngài khi đọc lên lời truyền phép, Đức Kitô nhận của lễ của dân Chúa trong hy lễ của Ngài và biến đổi hy lễ này thành Mình và Máu Ngài.
« Thật ra, các tông đồ, trong trí nhớ của các ngài mà chúng ta gọi là Tin Mừng, đã truyền đạt cho chúng ta điều răn của Chúa Giêsu: Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và nói : Đây là Mình Thầy, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Sau đó, người cầm lấy chén, dâng lời chúc tụng và nói : Đây là Máu Thầy. Và Người đã chỉ trao cho họ mà thôi điều răn này. Từ đó, chúng ta đã không bao giờ ngưng đổi mới việc tưởng niệm này giữa chúng ta. [30] »
Cộng đồng đang cử hành việc tưởng niệm đã trở nên dấu chỉ của Giáo Hội. Tuy Giáo Hội được cấu tạo bởi những thành viên khác nhau, nhưng họ lại liên kết với nhau và với những cộng đồng khác của Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội này của Đức Kitô, được trao phó cho Thánh Phêrô và những người kế vị, đã đón nhận dấu chỉ mà chính Đức Kitô là chủ tọa qua vị chủ tế đang hành động nhân danh Đức Kitô giữa cộng đồng. Hội đồng giám mục và linh mục đã biểu lộ rằng cộng đồng này luôn đón nhận sự tưởng nhớ Thiên Chúa như một ân huệ, ân huệ mà chính Giáo Hội không thể tự mình mà có được nhưng mà là đón nhận từ Thiên Chúa Cha, là nguồn gốc của mọi gia tộc trên trời, dưới đất (Êphêsô 3, 14-15).
Một trọng trách như thế đòi hỏi các vị thừa tác viên của Thiên Chúa, đặc biệt là trong Giáo Hội La Tinh, phải sống lời khấn độc thân đã được quy định cho linh mục của Chúa Giêsu Kitô, là Đầu và là Phu Quân của Gáo Hội. « Giáo Hội, như Hiền Thê của Chúa Giêsu Kitô, mong muốn được yêu mến cách trọn vẹn và hoàn toàn từ nơi các linh mục như chính Chúa Giêsu là Đầu và là Phu Quân đã yêu mến. Đời sống độc thân của thiên chức linh mục là một sự hiến tặng chính mình trong và với Đức Kitô cho Giáo Hội, đời sống này nói lên việc dấn thân phục vụ của linh mục cho Giáo Hội trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa.[31] » Như thế, mặc dù văn hóa hiện đại không thể thấu hiểu được, nhưng sống độc thân hãy còn là một ân huệ không thể đo lường của Thiên Chúa, như là một « động lực cho công việc mục vụ bác ái [32] », như là một sự tham gia đặc biệc vì mọi dân tộc của Thiên Chúa và vì sức năng dồi dào của Giáo Hội. Được bén rễ sâu trong Thánh Thể, chứng tá trong niềm vui của một vị linh mục - đang hạnh phúc trong thiên chức của người - là suối nguồn tiên khởi cho những ơn thiên triệu mới.
V- Thánh Thể và sứ mệnh truyền giáo
Sau khi nhận ra Chúa Giêsu qua việc bẻ bánh, hai môn đệ trên đường Emmau đã đứng lên (xem Lc 24, 33) để ra đi loan báo những gì họ đã nghe thấy. Khi chúng ta đã thật sự trải qua kinh nghiệm với Đấng Phục Sinh thì chúng ta không thể giữ Tin Mừng này và niềm vui đang lãnh nhận cho riêng mình. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô, được đào sâu không ngừng trong sự thân mật với phép Thánh Thể, làm phát sinh trong Giáo Hội và nơi những Kitô hữu một sự cấp bách làm chứng và rao truyền Tin Mừng [33].
A. Phúc Âm hóa và thay đổi thế giới
« Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của loài người ngày nay, đặc biệt của những người nghèo và của tất cả những ai đang sống trong cảnh khốn cùng cũng chính là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của các môn đệ Đức Kitô.[34] » Khi Hội Thánh cử hành lễ tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội đã không ngừng cầu xin với Thiên Chúa: « Lạy Chúa, xin Ngài hãy nhớ đến » tất cả những người mà Đức Kitô đã đem lại Sự Sống. Lời nguyện kiên trì này nói lên tính chất và sứ mệnh của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội tự liên kết với nhau và chịu trách nhiệm về ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Khi sống nhờ Thánh Thể, Giáo Hội tham gia vào việc chuyển cầu chung của Đức Kitô và đem lại cho toàn thể nhân loại niềm hy vọng cho một đời sống vĩnh cửu.
Giáo Hội hoàn thành sứ mệnh của mình qua việc truyền bá Tin Mừng khi dẫn đưa niềm tin của mọi người vào Đức Kitô và qua việc tìm công lý và hòa bình, một việc có hiệu lực cho sự biến đổi của thế giới. Tuy nhiên Thánh Thể mới là nguồn và là đỉnh của việc truyền bá Tin Mừng và việc biến đổi thế giới. Thánh Thể có sức mạnh làm khơi dậy niềm hy vọng vào sự sống đời đời cho những ai đang mất niềm cậy trông.
Thánh Thể làm mở rộng lòng quảng đại của những ai đang có khuynh hướng khép kín bàn tay không muốn chia sẻ. Thánh Thể đặt sự hòa giải lên trên hết thay vì là việc chia rẽ. Thánh Thể hướng dẫn đời sống và phẩm giá của con người nơi trung tâm điểm của việc dấn thân cho đức tin. Trong một xã hội đang thống trị bởi những văn hóa của « sự chết », bởi những tìm kiếm cho tiện nghi bản thân, quyền lực và tiền tài, Thánh Thể làm nhắc nhớ quyền lợi của những người nghèo, nghĩa vụ trong việc tìm kiếm công lý và tình đoàn kết. Thánh Thể làm khơi dậy trong cộng đồng ân huệ cao cả của Giao Ước mới, Giao Ước mời gọi toàn thể nhân lọai vượt xa hơn chính mình.
« Đối với Giáo Hội, rao truyền Phúc Âm là đem Tin Mừng đến mọi tầng lớp của loài người, và xuyên qua tác động này, biến đổi tâm hồn và làm mới lại nhân loại: « Này đây Ta đổi mới mọi sự » (Kh 21, 5). Tuy nhiên sẽ không có một tân thế giới nếu không có trước hết những người được canh tân qua phép rửa và qua đời sống Tin Mừng. Đó cũng chính là mục đích của việc rao truyền Phúc Âm. Qua quyền năng của Tin Mừng mà Hội Thánh tuyên xưng, Giáo Hội truyền bá Tin Mừng khi Giáo Hội tìm cách thay đổi cùng lúc ý thức cá nhân và tập thể của loài người về những hoạt động mà họ tham gia, về đời sống và môi trường của họ. [35] »
Từ trung tâm điểm đời sống Thánh Thể của Hội Thánh, Giáo hội của Đức Kitô đã thường xuyên góp tay xây dựng cộng đồng nhân loại bằng cách củng cố mối liên hệ hiệp nhất giữa những cá nhân và những nhóm người. Đó là lý do vì sao những cộng đoàn Kitô hữu, tuy nhỏ bé và nghèo nàn, đã lớn lên giữa những dân tộc, nơi mà họ đã bén rễ. Trên nhiều quốc gia, Giáo Hội của Đức Kitô đã khắc ghi hạt giống đức tin trong môi trường của những văn hóa mới; chẳng hạn như tại châu Mỹ, những dân tộc bản xứ và những người Châu Âu.
Nơi môi trường này, người Kitô Giáo đã không ngừng, xuyên qua các tín hữu, tìm những giải pháp cho những nan đề mới mà cộng đồng nhân loại đang phải đối đầu. Người Kitô Giáo luôn đi cùng với sự ra đời, tiến triển và sự sống sót của các dân tộc như họ đã làm trong «Tân thế giới »; trong khi đó thì việc tưởng niệm Thiên Chúa đi cùng với sự tiến triển của tôn giáo và xã hội. Vì lý do của tầm quan trọng xã hội và tinh thần, người Kitô Giáo đã đóng góp bàn tay để xây dựng một cộng đoàn thật sự: việc chia sẻ Lời Chúa và Bánh Hằng Sống dẫn đến việc chia sẻ những thực tại khác của loài người. Ân huệ Thiên Chúa đã khắc ghi sâu trong đời sống của thế giới.
Tại Châu Mỹ, cũng như ở những nơi khác, Giáo Hội được bắt đầu từ công việc truyền giáo. Đức tin và những thể chế của Hội Thánh làm phát sinh Giáo Hội địa phương, một Giáo Hội lấy từ cảm hứng của cộng đồng đầu tiên tại Giêrusalem, và những điều này cũng đã góp phần tạo nên những nét đặc điểm của một dân tộc đang trên đường phát triển. Giáo Hội này, cũng như xã hội nơi mà Hội Thánh đã bén rễ, được đánh dấu bởi một bước nhảy đầu tiên: những nữ tu dòng Thánh Ursula, các tu sĩ tế bần, những tu sĩ dòng cải tổ và dòng Tên liên kết với giáo dân và các linh mục triều đã vượt qua đại dương để rao truyền Tin Mừng đến một vùng đất mới.
Qua cuộc phiêu lưu huyền nhiệm của những tôi nam tớ nữ Thiên Chúa - một cuộc phiêu lưu đã dẫn họ chạm trán với giới hạn của mình về sự chịu đựng của thể chất, giới hạn của sự can đảm và đức tin - Giáo Hội đã đồng nhất hóa cách sâu sắc với quốc gia đang trên đường phát triển này. Một lần nữa múc từ nguồn Thánh Thể, bước nhảy lớn lao của công việc truyền giáo này - một công việc đã đánh dấu biết bao lịch sử của quốc gia - được mời gọi tiếp tục và tự đào sâu hơn trước những thách thức mới của sự thế tục hóa.
B. Xây dựng hòa bình bằng sự công lý và bác ái
Giáo Hội là chứng nhân giữa loài người về ân huệ được trao tặng cho sự sống thế giới. Và như thế, Thánh Thể luôn trở nên một sự thách thức cho đức tính đời sống và tình yêu của các môn đệ Đức Kitô. Tôi đã làm gì cho anh em tôi? Anh em đã làm gì cho Ta khi « Ta khát, Ta đói, Ta là khách lạ, Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta ngồi tù »? (x. Mt 25, 31-46). Những gì họ làm có tương xứng với các mối quan hệ xã hội, gia đình, chủng tộc và tôn giáo của họ hay với đời sống chính trị và kinh tế mà họ đang tham gia không?
Chúng ta xem mầu nhiệm Phục Sinh như là trung tâm điểm của lịch sử nhân loại, việc cử hành lễ tưởng niệm này vạch trần mối mâu thuẩn của chúng ta mỗi lần chúng ta khoan dung cho một vài hình thức nào của sự khốn cùng, bất công, bạo lực, bốc lột, kỳ thị chủng tộc và thiếu tự do. Thánh Thể triệu tập các tín hữu tham gia vào việc khôi phục thân phận loài người và tình trạng của thế giới. Nếu không làm như thế, thì họ được kêu gọi cách nghiêm túc phải tự biến đổi để sống theo lời mời của Tin Mừng: « Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình » (Mt 5, 23-24).
Tình trạng hiện tại của thế giới gọi hỏi cách đặc biệt ý thức của các tín hữu trước những vấn nạn thương tâm của sự tôn trọng đời sống con người từ khi thụ thai cho đến lúc thành hình, cũng như trước những cơn đói khát và cảnh khốn cùng của vô số người. Tình trạng này mời gọi các tín hữu phải toàn cầu hóa sự hiệp nhất nhân danh phẩm cách không thể tước bỏ của bản thể con người, nhất là những người không được bảo vệ bởi những thiên tai, bị nghiền nát bởi những máy móc vô tình của chiến tranh, bị khai thác về kinh tế và bị giam hãm trong các trại tỵ nạn. Tất cả những ai đang bị cảnh khốn cùng tước mất lấy thân phận làm người là những người mà Đức Kitô đã chết cho họ. Trái tim Thánh Thể của Ngài đã đón nhận từ trước tất cả mọi sự cùng cực của thế giới trên cây thập giá và Thần Khí của Ngài thôi thúc chúng ta bênh vực cho những người nghèo và cho những nạn nhân vô tội như chính Ngài đã làm cách hòa bình và hiệu quả.
Tiếp nối với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đã mời gọi không ngừng những người cầm quyền, đặc biệt là những vị lãnh đạo và những quốc trưởng: « Theo những thống kê có sẵn, chúng ta có thể xác nhận rằng chỉ với ít hơn một nửa số tiền kếch xù được chỉ định chi cho các vũ trang sẽ lớn hơn là đủ cho việc cứu tế những tình trạng nghèo khó cách vững vàng cho một đội quân vô số người nghèo. Đây quả là một thách thức cho tiếng nói lương tâm của con người.
Hỡi các bạn đang sống ở ngưỡng cửa nghèo khó, vì những tình trạng phụ thuộc vào những tình hình chính trị, kinh tế và văn hóa quốc tế - thay vì là những hoàn cảnh không thể kiểm soát - sự dấn thân của chúng ta vì sự thật có thể và phải cho chúng ta một niềm hy vọng mới. [36] »
« Chúng ta biết rằng sự dữ không phải là tiếng nói cuối cùng - Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại với sự nhấn mạnh trong thông điệp của Ngài nhân dịp lễ Phục Sinh - vì người chiến thắng chính là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Sự khải hoàn của Ngài được thể hiện cách mạnh mẽ qua chính tình yêu của lòng thương xót. Sự sống lại của Ngài làm cho chúng ta chắc chắn một điều rằng: mặc dù tất cả những bóng tối mà chúng ta gặp phải trong thế giới này, sự dữ sẽ không có tiếng nói cuối cùng. Được khẳng định bởi điều này, chúng ta có thể dấn thân cách can đảm và nhiệt tình hơn để làm phát sinh một thế giới đầy công bình hơn. [37] »
VI- Chứng nhân Thánh Thể giữa lòng thế giới
A. Lời mời gọi thế giới trở nên Thánh
« Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (Sáng Thế 1,26): khi mời gọi họ hiện hữu qua tình yêu, Ngài cũng đã mời gọi họ hãy yêu. [38] » Số người đa dạng bao nhiêu thì những khuynh hướng cho tình yêu cũng đa dạng bấy nhiêu. Ân huệ của phép rửa hình thành nhân loại trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu được mầu nhiệm Thánh Thể nuôi dưỡng và hoàn thiện cho đến khi biểu lộ được sự thánh thiện. Cho dù tình trạng đời sống của những tôi nam tớ nữ Thiên Chúa thế nào, độc thân, sống trong hôn ước hay là sống đời tận hiến, thì mọi người đều được kêu gọi trở nên hoàn thiện trong tình yêu mà chính Đức Kitô đã hiện tại hóa qua ân huệ ơn cứu chuộc.
Trong sự hiệp nhất của đời sống Kitô hữu, những ơn gọi khác nhau như là những tia sáng đến từ một nguồn sáng duy nhất của Đức Kitô, “ánh sáng chiếu soi trên khuôn mặt của Giáo Hội”. Những giáo dân, theo đặc tính thế tục của ơn gọi họ, phản ảnh mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể, là Alpha và Oméga của thế giới, là nền tảng và đơn vị đo lường cho những giá trị của tất cả mọi sự thật được thiết lập. Và các linh mục là những hình ảnh sống động của Đức Kitô, là lãnh tụ và mục tử hướng dẫn dân Chúa trong thời « đã có và chưa có », trong khi chờ đợi sự trở lại của Ngài trong vinh quang. Đời sống tận hiến phải biểu lộ cho thấy Con Thiên Chúa làm người, theo danh từ của thời cánh chung thì tất cả đều hướng về một ánh sáng huy hoàng mà mọi ánh sáng đều phải lu mờ, hướng về một vẻ đẹp vô tận, vẻ đẹp duy nhất có thể lấp đầy trái tim nhân loại.
B. Gia đình, Hội Thánh tại gia, cho nền văn minh của tình yêu
« Thánh Thể cũng là nguồn của hôn ước Kitô Giáo. Thật ra, hy lễ Thánh Thể biểu thị mối giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội, được đóng dấu bởi Máu của Ngài trên thập giá. Chính trong hy lễ của Giao Ước mới và vĩnh cửu này mà các phu quân Kitô Giáo tìm được nguồn suối làm mẫu gương trong tâm hồn họ và làm sống động không ngừng mối giao ước phu thê của họ. Như là biểu tượng của hy lễ tình yêu mà Đức Kitô trao cho Giáo Hội, Thánh Thể chính là suối nguồn bác ái. Và trong món quà Thánh Thể của sự bác ái, những gia đình Kitô hữu tìm được nền tảng và linh hồn của sự « hiệp thông » và « sứ mệnh » của họ: Bánh Thánh Thể làm cho những thành viên khác nhau của gia đình thành một thân thể, một việc thể hiện và tham gia vào sự hiệp nhất rộng lớn của Giáo Hội. Việc chia sẻ Thân Thể “hiến tế” và Máu “đổ ra” của Đức Kitô trở nên nguồn suối vô tận của sứ mệnh truyền giáo và tông truyền của các gia đình Kitô Giáo. [39] »
Sứ mệnh cụ thể của gia đình là làm thể hiện tình yêu và đem tình yêu này phục vụ cho xã hội. Tình yêu phu thê, tình yêu phụ tử và mẫu tử, tình yêu anh em, tình yêu cộng đồng, tình yêu đang trải qua dưới dấu chỉ của sự trung thành và sung mãn của đôi nam nữ vì một nền văn minh tình yêu và sự sống. Và để chứng tá này đụng chạm cách cụ thể hơn trong đời sống xã hội, Giáo Hội mời gọi mọi gia đình nên chuyên cần tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Bởi vì chỉ khi múc lấy từ suối nguồn tình yêu này mà gia đình có thể kiên vững được. Hơn nữa, khi củng cố ý thức mình là một Giáo Hội tại gia, các gia đình sẽ tham gia cách tích cực hơn cho chứng tá đức tin và tình yêu mà Hội Thánh đã thể hiện giữa lòng xã hội.
Ngày nay, chứng tá của Giáo Hội tại gia này được đóng dấu bởi dấu hiệu thập giá, điển hình như khi một trong đôi phu thê bội ước với lời thề hôn, hay khi một hoặc nhiều đứa con chối bỏ đức tin và chối bỏ những phẩm giá Kitô hữu mà cha ông của họ đã bỏ công truyền đạt lại, hoặc khi những gia đình tan vỡ được hợp lại sau một cuộc ly dị hay sau một cuộc tái hôn. Qua những kinh nghiệm đau thương này, Đức Kitô đã chẳng kêu gọi người phối ngẫu bị bỏ rơi, những đứa trẻ bị thương tích và những bậc sinh thành bị tổn thương tham gia cách đặc biệt vào chính cái chết và phục sinh của Người đó sao? Những hoàn cảnh khó khăn và phức tạp của các gia đình ngày nay mời gọi những vị chủ chăn phải tiến xa hơn trong mục vụ bác ái để có thể đón tiếp mọi gia đình và khích lệ tất cả những ai đang sống trong những hoàn cảnh bất thường tham dự Thánh Lễ và tham gia vào đời sống cộng đồng ngay khi họ không thể hiệp lễ.
C. Đời sống thánh hóa, việc bảo đảm niềm hy vọng với Phu Quân
« Qua bản chất của chính mình, Thánh Thể chính là trung tâm điểm của đời sống tận hiến, cá nhân và cộng đồng. Thánh Thể chính là của ăn đàng hằng ngày và là suối nguồn cho bản thân và cho các Hội Dòng. Qua Thánh Thể, mọi người tận hiến đều được mời gọi sống mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, hiệp nhất với Ngài trong của lễ dâng hiến đời sống Ngài lên Chúa Cha, qua Chúa Thánh Thần. Thờ phượng Đức Kitô cách chuyên cần và lâu dài trong Thánh Thể làm cho chúng ta sống lại một phần nào kinh nghiệm của Thánh Phêrô vào lễ Biến Hình: « Thật là hạnh phúc khi chúng ta ở đây. » Và qua việc cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa, sự hiệp nhất và bác ái của những ai đã dâng hiến đời mình cho Chúa được củng cố và tăng trưởng hơn. [40] »
« Thế giới sẽ ra sao nếu không có những người tận hiến? Ngoài những đánh giá hời hợt theo lợi ích, đời sống tận hiến rất quan trọng vì tự nó là một sự phong phú của tính khoan hồng và tình yêu, đời sống này sẽ còn hơn thế nữa nơi một thế giới đang bị nguy cơ chết ngộp theo cơn lốc của sự phù du. “Nếu như không có dấu hiệu cụ thể này, đức ái của toàn thể Giáo Hội sẽ có nguy cơ bị nguội lạnh, nghịch thuyết về ơn cứu độ của Tin Mừng sẽ bị phai nhạt, hạt giống đức tin sẽ tan biến trong một thế giới đang trên đường thế tục hóa.” Đời sống của Hội Thánh và xã hội phải cần đến những người dâng hiến trọn vẹn đời mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì tình yêu Chúa [41] ».
« Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (…) Đức mến không bao giờ mất được. (…) Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1 Co 13, 1.8.13) » Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong tu viện Carmel của người, đã khám phá ơn gọi của mình khi đọc đoạn Lời Chúa nói về đức mến này. « Ơn gọi của tôi là tình yêu », thánh nữ đã thốt lên, « Giữa lòng Giáo Hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ ở trong tình yêu, và như thế tôi sẽ là tất cả. »
Chiến thắng bởi tình yêu lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, thánh nữ đã tận dụng mỗi giây phút trong đời sống mình để ôm chằm lấy Chúa Giêsu, là Tất Cả của thánh nữ, và người đã làm chứng nhân cho Chúa Giêsu qua việc lặng ngắm Ngài và phục vụ cho Ngài. Khi thánh nữ cầu nguyện cho những tội nhân, bước đi vì sứ vụ truyền giáo, nâng đỡ các vị linh mục qua sự sám hối đền tội, huấn luyện cho những tập sinh của người đến sự hoàn thiện trong tình yêu, Thánh Têrêsa được biết đến như là một mẫu gương cho đời sống tận hiến: nữ chủ nhân của những con đường bé mọn, bổn mạng hoàn vũ cho những vị thừa sai, tiến sĩ Hội Thánh. « Tôi không hề thấy hối hận khi tự phó mình cho tình yêu », thánh nữ đã nói trước khi người được Chúa cất về.
Hội nghị Thánh Thể vào tháng 10 năm 2005 đã lên tiếng như sau cho những người sống đời tận hiến: « Chứng tá Thánh Thể của bạn khi phục vụ cho Đức Kitô là tiếng gọi giữa đêm tối của thế giới, là một tiếng vọng bài thánh ca của Mẹ Maria, Stabat Mater và Magnificat. Nguyện người nữ Thánh Thể tuyệt vời, đầu đội triều thiên và giàu có trong tình yêu, là Đức Trinh Nữ Hồn Xác Lên Trời và là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội giữ gìn bạn trong ơn gọi phục vụ cho Thiên Chúa và cho những người nghèo, trong niềm vui Phục Sinh, vì niềm hy vọng của thế giới [42] ».
Kết luận : Thiên Chúa đã yêu thế giới biết bao
Để kết luận, một vài bản văn của công đồng Vatican II đã viết lại cách tổng hợp trong phối cảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, phối cảnh của một hôn lễ và phối cảnh một sứ vụ truyền giáo mà chúng ta đã muốn đề ra cho chủ đề Đại Hội Thánh Thể toàn quốc 2008. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian biết bao đến nỗi đã ban tặng Con Một duy nhất của Ngài để qua Người Con duy nhất này, với Người và trong Người, thế gian có thể sống Đời Sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Thể chính là ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa, một món quà hôn lễ, được đón nhận và cử hành trong Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở nên một bí tích hoàn vũ của một Giao Ước mới. Món quà tình yêu này mời gọi Giáo Hội tham gia chủ yếu vào sứ mệnh của Chúa Thánh Thần, qua sự gặp gỡ khát vọng tự do của toàn thể nhân loại trong tình yêu.
« Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,3.14). Là một Nguời hoàn hảo, đã đi vào lịch sử nhân loại và đưa thời gian đến hồi viên mãn khi quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền của Người (Ep 1,10). Chính Người đã mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) và đã dạy cho chúng ta rằng điều luật cơ bản để loài người trở nên hoàn thiện hơn, và qua đó thế giới được biến đổi, là điều răn mới trong tình yêu [43] ».
« Khi hoàn tất công trình của Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người Con (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được sai đến vào ngày Lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội đời đời và qua đó, các tín hữu nhờ Đức Kitô mà liên kết trong một thần khí duy nhất để đến cùng Chúa Cha (x. Ep 2, 18). Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí của sự sống, là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời (x. Ga 4,14; 7,38-39), và qua Người, Chúa Cha đã ban sự sống cho loài người đã chết vì tội đã phạm, cho đến khi Người làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 8,10-11). (…) Thần Khí ngự giữa Giáo Hội đã làm tươi trẻ Hội Thánh qua quyền năng của Tin Mừng, Người đã canh tân và hướng dẫn Hội Thánh đến sự kết hợp hoàn hảo với Tân Lang. Vì Thần Khí và Tân Nương nói với Chúa Giêsu: “Xin Ngài ngự đến! ” (x. Kh 22,17). Như thế, Giáo Hội hoàn vũ xuất hiện như “một dân tộc được quy tụ trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” [44] ».
« Khi trợ giúp thế giới hay lãnh nhận từ thế giới những quyền lợi nào, thì Giáo Hội chỉ có một mục đích duy nhất là làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị và đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Mặt khác, tất cả những của cải vật chất của dân Chúa trong thời gian còn lữ hành nơi trần thế mà có thể cung cấp cho gia đình nhân loại, đều phát sinh từ một hiện thực rằng Giáo Hội chính là “bí tích hoàn vũ của ơn cứu độ”, được biểu lộ và hiện đại hóa đồng thời mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho nhân loại [45] ».
« Thiên Chúa đã để lại lời cam kết của niềm hy vọng này và lương thực cho cuộc hành trình là: bí tích đức tin, bí tích mà mọi sự của thiên nhiên được làm từ tay con người đều được biến đổi thành Mình và Máu vinh quang của Ngài. Đó chính là bữa tiệc hiệp nhất của tình huynh đệ, một viễn tượng cho bữa tiệc trên trời [46]. »
« Vì Thánh Thể chứa đựng tất cả mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, chính là Đức Kitô, là Đấng Phục Sinh, là Bánh Hằng Sống, là Đấng mà Chúa Thánh Thần đã làm cho sống lại và chính là Đấng ban lại sự sống cho loài người, mời gọi họ và hướng dẫn họ dâng hiến lên Thiên Chúa chính đời sống mình, công việc của mình và mọi tạo vật khi kết hợp cùng với Người [47]. »
[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium và Spes, số 24.
[2] Đức Giáo Hoàng Phaolô II, Thông Diệp Ecclesiade Eucharistia, số 11.
[3] Lời Nguyện Thánh Thể IV.
[4] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum concilium, số 47.
[5] Sách đã trích, số 7.
[6] Origène, Homélie sur la Genèse, SC, 7, chap. VIII, 8. Cf. Genèse 22,10.
[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 17.
[8] Xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1365.
[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, thông điệp Bí Tích Thánh Thể, số 13. xem Redemptor hominis, số 20.
[10] Đức Giào Hoàng Biển Đức XVI, thông điệp Deus caritas est, số 12.
[11] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài giảng đêm vọng Phục Sinh, 15 tháng 4 năm 2006.
[12] Thánh Augustinô, Tract in Joh 21,8 Xem Giáo Lý giáo Hội Công Giáo, số 795
[13] Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium
[14] Xem Đức Giáo Hoàng GIoan Phaolo II, thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 53-58.
[15] Lời nguyện Thánh Thể III.
[16] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1617.
[17] Cabasilas, La vie en Chrits, IV, 30, trad. M.H.Congourdeau, S.C. số
[18] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 13
[19] Thánh Augustinô, Homélie sur l’évangile de Jean. Cf. Livre des jours, 1976, trang 311.
[20] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, thông điệp Deus Caritas est, số 14.
[21] Công Đồng Vatican II, Décret sur l’œcuménisme Unitatis Redintegratio, số 1.
[22] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Lettre apostolique Dies Domini, số 19.
[23] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụng Thánh Sacrosanctum concilium, số 6
[24] Xem Basile de Césarée, Traité de l’Esprit Saint 15, PG 32, 128-129.
[25] Thánh Cyprien, Commentaire sur la prière du Seigneur. Xem Liturgie des heures, vol III, trang 190.
[26] Thánh Augustinô, In Jean Evang, tr XXVI. xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1396.
[27] Nghi lễ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, số 80.
[28] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Diệp Ecclesia de Eucharistia, số 25.
[29] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Chiếu thư tòa thánh Dominicae Cenae, số 9, 19 tháng 2.
[30] Thánh Augustinô, Apologie I, số 66.
[31] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Je vous donnerai des pasteurs, 1992, 29.
[32] Công Đồng Vatican II, Presbyterorum Ordinis, số 16
[33] Đức GiáoHoàng Gioan Phaolô II, Chiếu thư toà thánh Mane nobiscum Domine, số 24
[34] Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Godium et Spes, số 1.
[35] Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, Tông huấn Evangelii mutiandi, số 18.
[36] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Discours au Corps diplomaitque accrédité près le Saint-Siège, ngày 9 tháng 1năm 2006.
[37] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Allocution au cours de l’Audience générale, ngày 12 tháng 4 năm 2006.
[38] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Exhortation apostolique Familiaris Consortio, số 11.
[39] Đức Giáo Hoàng Gioan Phoalô II, Exhortation apostolique Familiaris Consortio, số 37.
[40] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Exhortation apostolique Vita consecrata, số 95.
[41] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Exhortation apostolique Vita consecrata, số 105.
[42] Hội nghị Thánh Thể, Message des évêques au Peuple de Dieu, số 20, ngày 21 tháng 10 năm 2005.
[43] Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 38,1.
[44] Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 4.
[45] Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 45,1.
[46] Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, số 38,2
[47] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh đời sống và sứ vụ linh mục, Presbyterorum Ordinis, số 5.