Tài Liệu Khác

Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (5)

tiếp theo

 
Đại biểu Mỹ Châu 
 
Trong bài trước, chúng tôi chưa có dịp trình bầy phần phát biểu của đại diện Mỹ Châu. Bài phát biểu của Đức Hồng Y Oscar Rodríguez Maradiaga, Tổng giám mục Tegucigalpa của Honduras, đại diện Mỹ Châu, chỉ được công bố vào ngày 8 tháng Mười. 
 
Trước sự hiện diện của Đức Bênêđíctô XVI và 245 nghị phụ của THĐ, Đức Hồng Y cho hay: có cả một chia cách giữa điều Kitô hữu biết về Thánh Kinh và các hành động họ thi hành trong đời sống công. Ngài nói: “Hoàn cầu hóa có nhiều khía cạnh tích cực của nó nhất là về phương diện thông tin. Chúng ta được thông tri những gì đang xẩy ra tại quốc gia chúng ta, và nhiều khi chỉ là những vụ xì căng đan lớn đủ kiểu… Tuy nhiên, chúng ta rất lấy làm buồn vì nhiều người có can dự vào lãnh vực chính trị và xã hội này đã không đếm xỉa gì tới các trung tâm đào tạo của chúng ta, bất kể đó là giáo lý, các nhóm tuổi trẻ, hay các cao đẳng và đại học”. 
 
Vị giáo phẩm người Honduras này đặt câu hỏi: “Việc giảng dạy lời Chúa có vai trò gì nơi họ? Ta có giúp họ tìm thấy Chúa trong Lời của Người không? Tại sao các giá trị của Phúc âm lại không hướng dẫn đời họ khi họ bước vào đời sống công, vào bất cứ tình thế nào?”. Ngài kêu gọi phải tái suy nghĩ “phương thức giáo dục đức tin bằng Thánh Kinh” để Lời Chúa “thay đổi” và “biến thái tác phong làm Kitô hữu của ta” 
 
Các buổi họp theo nhóm ngôn ngữ 
 
Buổi sáng Thứ Ba, trong khi Đức Bênêđíctô XVI chủ toạ buổi triều yết hàng tuần tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và nói với hàng chục ngàn khách hành hương tại đó về cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Phaolô, thì 253 nghị phụ của THĐ nhóm họp theo ngôn ngữ trong 12 nhóm, gọi theo tiếng La Tinh là "Circuli Minores," (những nhóm nhỏ). Tên gọi là như thế thôi, chứ thực ra các nhóm này chẳng “nhỏ” gì. Chính chúng tạo ra tiếng nói cho nhiều tham dự viên của THĐ và đem lại cho mọi tham dự viên một cảm nghiệm hết sức phong phú. 
 
Đức Hồng Y Francis George của Chicago và Đức Cha Gerald Kicanas của Tuscon, hiện là chủ tịch và phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, được bầu là điều hợp viên và thỉnh báo viên của một trong ba nhóm nói tiếng Anh. Thường thường ít khi hai vị giám mục thuộc cùng một quốc gia được bầu một lúc vào hai chức vụ này. Nhưng các tham dự viên cảm thấy hai vị này rất xứng đáng với hai chức vụ đó, nên đại đa số đã nhất trí bầu cho hai vị. 
 
Lối làm việc của Đức Hồng Y George khá linh động. Dù cha Rosica chỉ là một tùy viên báo chí, không phải là một chuyên viên, càng không phải là một tham dự viên của THĐ, nhưng vẫn được ngài, đến phút chót, sau khi đã đọc kinh khai mạc, ghé vào tai bảo đọc Sách Thánh và cho mấy lời suy niệm đoạn Thư Côrintô 1 nói về bài ca đức ái. Theo cha Rosica, người biết Đức HY từ những ngày còn học ở Trường Thánh Kinh bên Đất Thánh, ngài là một người dễ thương, thông minh, lanh lợi và nói năng lưu loát, thân thiết với mọi người trong nhóm, khiến ai cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Không lạ gì, mọi vị, kể cả Đức Cha N.T. Wright, một giám mục và là một nhà học giả Thánh Kinh nổi tiếng người Anh, Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson, ba phụ nữ rất đặc biệt đến từ Nigeria, Hoa Kỳ và Hồng Kông, các hồng y và giám mục thuộc nhiều quốc gia khác nhau đều phát biểu cảm tưởng về THĐ, và nói lên kỳ vọng thấy THĐ thành công, và ưu tư của các ngài trong việc làm thế nào để Lời Chúa được biết đến, được tiếp nhận và yêu mến nhiều hơn tại đất nước họ. 
 
Từ bìa trước tới bìa sau 
 
Trong khi THĐ bận bịu bàn thảo tại Vatican, thì một biến cố lớn khác đang diễn ra suốt 24 giờ một ngày trên hệ thống truyền hình RAI của Ý trong tuần lễ đầu tiên của THĐ. Đó là chương trình đọc Sách Thánh liên tục 138 tiếng đồng hồ từ Sáng Thế tới Khải Huyền. 
 
Đêm Thứ Bẩy vừa qua, tại Vương Cung Thánh Đường Santa Croce in Gerusaleme được xây từ thế kỷ thứ tư, hệ thống truyền hình Ý đã khởi đầu một chương trình gọi là “Thánh Kinh Cả Ngày Lẫn Đêm” trong đó Đức Bênêđíctô XVI đọc chương đầu tiên của sách Sáng Thế, tức các câu mở đầu của Thánh Kinh nói về việc tạo dựng vũ trụ. 
 
Trong cuộc đọc Thánh Kinh vĩ đại này, 1,200 người đọc trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước trong bẩy ngày, sáu đêm. Ngoài người Công Giáo La Mã ra, nhiều thành viên các tôn giáo khác, kể cả Do Thái Giáo, Thệ Phản và Chính Thống Giáo cũng tham dự vào công trình đúng là có tấm cỡ Thánh Kinh này. 
 
Trên màn ảnh truyền hình lớn, sau Đức Bênêđíctô XVI, là Đức Cha Ilarion, đại diện Giáo Hội Chính Thống Nga. Roberto Benigni, nhà đạo diễn từng đoạt giải Oscar qua phim “La Vita e’Bella” cũng trong số những người sẽ tham dự chương trình đọc Sách Thánh này. 
 
Sau mỗi chương Sách Thánh, người ta được nghe các bản nhạc Kitô giáo hay Do Thái giáo xen lẫn. Andrea Bocelli, ngôi sao sáng của nền Nhạc Kịch Ý dẫn đầu những phút xen kẽ này vào ngày Chúa Nhật với bài “Hãy Ca Ngợi Chúa” của Bach. 
 
Cựu Thủ Tướng Ý, Ông Giulio Andreotti, một số vị hồng y và giám mục tới Rôma tham dự THĐ, cũng tham gia chương trình này, trong đó có ĐHY Marc Ouelett của Gia Nã Đại và ĐHY Daniel DiNardo của Houston, Hoa Kỳ. 1,200 người đọc được lựa chọn trong số 180,000 người tình nguyện. Trong diễn văn lúc đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật qua, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: chương trình đọc Sách Thánh này “nếu được chào đón, thế nào cũng đem lại nhiều hoa trái dư thừa”. 
 
Đức HY Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ kết thúc chương trình này bằng cách đọc chương chót của Sách Khải Huyền. 
 
Nước Ý tiếp xúc trở lại với Lời Chúa 
 
Theo Elizabeth Lev, một giáo sư dạy môn Nghệ Thuật và Kiến Trúc Kitô Giáo tại Đại Học Duquesne tại Ý, thì những ai thất vọng về mùa thu trụi lá của Rôma, hẳn phải vui với sắc áo đỏ tím của các hồng y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới về dự THĐ. 
 
Mặt khác, vì Thánh Kinh không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo phẩm, nên không khí lễ hội không hẳn chỉ giới hạn bên trong thành quách Vatican. Rôma cũng có cách riêng để cử hành biến cố này bằng cách đọc Thánh Kinh suốt 24 giờ liên tục một ngày trong cả tuần lễ đầu của ĐH, tại Nhà Thờ Thánh Giá. 
 
Tổ chức việc đọc Sách Thánh tại Nhà Thờ này quả là thích hợp vì chính Thánh Nữ Helena, thân mẫu hoàng đế Constantine, đã xây dựng nên Nhà Thờ này để chứa các di tích cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Nhờ thế, khi đọc tới cuộc Khổ Nạn ấy, người đọc thấy mình như đang đọc lại một truyện thực đang xẩy ra. 
 
Giới truyền thông Ý, bất luận thuộc khuynh huớng chính trị nào, đều đăng tải tin tức về biến cố này trên các tờ báo toàn quốc của họ, tường thuật đầy đủ sự tham dự của các ngôi sao màn bạc, các tác giả và nhạc sĩ. 
 
Nhờ thế, ngay ngày đầu tiên, THĐ đã mang lại hoa trái qua việc đưa nước Ý trở lại tiếp xúc với Lời Chúa. 
 
Cuộc cách mạng Thánh Kinh của Đức Piô XII 
 
Cuộc tranh cãi xung quanh thái độ của Đức Piô XII đối với nạn diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã đã đưa tới hậu quả làm lu mờ cả giáo huấn và sự đóng góp hết sức trổi vượt của ngài trong vai trò dọn đường cho Công Đồng Vatican II. 
 
Thực vậy, các thông điệp “Mediator Dei”, “Humani Genreis”,“Evangelii Praecones” năm 1951 và “Fidei Donum” năm 1957 đã làm nổi bật nhiệm vụ rao giảng phúc âm cho các dân tộc của Giáo hội, như Công Đồng Vatican II sau này tái khẳng định. Chính vì thế, trong cuộc hội nghị mới đây tại Rôma vào trung tuần tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, lần đầu tiên, đã lên tiếng bênh vực vị tiền nhiệm của mình, gọi ngài là vị tiền nhiệm “cao thượng và qúy yêu…can đảm và đầy tình phụ tử”, đã không bỏ lỡ cơ hội nào giúp đỡ các nạn nhân Quốc Xã, hoặc trực tiếp hoặc qua trung gian các định chế của Giáo Hội. Và ngày 9 tháng Mười vừa qua, nhân kỷ niệm 50 sinh nhật của Ngài, tại quảng trường Đền Thờ Thánh Phêrô, trước mặt các đại biểu tham dự THĐ, Đức Bênêđíctô XVI đã cử hành Thánh Lễ tưởng niệm Ngài. 
 
Trong dịp này, ngoài các thông điệp khác được coi là các công trình bác học dọn đường cho hiến chế tín lý “Lumen Gentium” của Vatican II, Đức Giáo Hoàng đặc biệt đề cập tới thông điệp "Divino Afflante Spiritu" công bố năm 1943, trong đó vị tiền nhiệm của Ngài “đã đặt để ra các quy phạm học lý cho việc nghiên cứu Sách Thánh, trong khi nhấn mạnh tới tầm quan trọng và vai trò của nó trong sinh hoạt Kitô giáo… Nó mở ra cửa ngõ vĩ đại dẫn vào việc tìm tòi theo khoa học các bản văn Thánh Kinh”. 
 
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng nhắc nhớ thông điệp này trong bối cảnh THĐ các giám mục thế giới về Lời Chúa quả là điều thích hợp. Vì nhờ trực giác đầy tính tiên tri của Đức Piô XII, mà ta có được phương thức nghiên cứu nghiêm chỉnh các đặc điểm của khoa viết lịch sử ngày xưa. Nhờ thế ta hiểu rõ hơn bản chất của các Sách Thánh mà vẫn không đánh mất các giá trị lịch sử của chúng. 
 
Đức Giáo Hoàng cho hay việc ấy có tính cách mạng vì trước năm 1943, phương thức nghiên cứu ‘thể văn’ (literary genres), một phương thức có mục đích hiểu rõ hơn ý định của tác giả sách thánh, bị nhiều người nghi kỵ. Đức Piô XII không những không nghi kỵ mà còn nhấn mạnh đến tính hợp lệ, hợp pháp của nó trong việc nghiên cứu cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. 
 
Thánh Kinh không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng bình dân 
 
Đức Hồng Y Francis George, Tổng giám mục Chicago, phát biểu trước THĐ, đề cập tới việc tín hữu phải nghe Lời Chúa trong bối cảnh sống thực và trách nhiệm mục vụ phải chú ý đến việc hồi hướng trí tưởng tượng, trí hiểu và ý chí người nghe. Ngài nói rằng: “Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa vừa là tác giả chính vừa là người thủ vai chính. Trong Thánh Kinh, ta gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” 
 
Đức Hồng Y cho rằng nhiều người không có cái nhìn ấy. Họ coi Thánh Kinh như một thứ hư cấu. Cùng lắm, họ coi Thánh Kinh như sách dạy luân lý, một thứ luân lý nhiều khi thiếu sót. Thực ra, Thánh Kinh là linh hồn của phụng vụ và hơn thế nữa nó là linh hồn của thần học. Không tham dự phụng vụ Chúa Nhật, tín hữu đã tự cắt đứt mình ra khỏi việc tiếp xúc với Thánh Kinh trong ngữ cảnh thờ phượng của cộng đoàn. 
 
Đối với ngài, “nhờ đều đặn chú tâm tới Sách Thánh, là Sách vốn tạo nên chu kỳ và lịch phụng vụ, tín hữu sẽ mở lòng mình ra đón nhận sự hồi hướng và phát triển trong cuộc sống ơn thánh” 
 
ĐHY George gọi việc tham dự Thánh Lễ cách thường xuyên là “trường dạy ta vâng theo đức tin”. Ngài nói: “Yêu Thánh Kinh sẽ nuôi dưỡng được ý muốn thờ phượng trong tinh thần và sự thật và đổi lại, việc chúng ta thờ phượng sẽ tạo cơ hội để Chúa biến đổi ta mỗi ngày một nên giống hình ảnh Chúa Kitô cách sâu sắc hơn”. Ngài cũng khuyên ta nên đọc Sách Thánh theo kiểu “đọc lời Chúa” (lectio divina), một hình thức được ngài gọi là cầu nguyện. Lối cầu nguyện này sẽ thanh tẩy ý muốn của ta và giúp ý chí ta hòa hợp với Ý Chúa. Nhưng hiện phương pháp này vẫn còn ít được thực hành, kể cả đối với những người năng đi lễ. 
 
Để giảng hay hơn 
 
Hai đề nghị vừa xuất hiện tại THĐ là phải có chương trình phổ quát nhằm huấn luyện cách giảng trong Thánh Lễ và nên có một năm thánh dành cho nghệ thuật thuyết giảng ấy. 
 
Chủ đề này được Đức Hồng Y Marc Ouelett, Tổng giám mục Québec, và là tổng báo cáo viên của THĐ, trình bầy. Ngài cho hay “Mặc dù bài giảng đã trở thành một chủ đề của Công Đồng Vatican II, nhưng hiện nay, ta vẫn còn thấy nhiều giáo dân không thỏa mãn mấy đối với thừa tác vụ giảng thuyết”. Việc không thoả mãn này khiến nhiều tín hữu chạy qua các nhóm và tôn giáo khác. Ngài tự hỏi phải làm sao giúp đỡ các vị giảng thuyết vun sới được nghệ thuật mời gọi người nghe tiến tới quyết định đức tin, trong khi tránh không rơi vào khuynh hướng dạy đời (moralism). 
 
Đáp lại câu hỏi trên, Đức Cha Mark Coleridge, Tổng giám mục Canberra-Goulburn, Úc, đưa ra đề nghị soạn thảo một Sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Giảng Thánh Lễ (General Homiletic Directgory) theo mẫu Sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Giáo Lý và Huấn Dụ Tổng Quát về Sách Lễ Rôma. 
 
Ngài giải thích: “Một sách hướng dẫn như thế sẽ kiểm kê việc giảng thuyết Công Giáo hiện nay, và sẽ được thực hiện bằng cách chú ý tới lịch sử khoa giảng thuyết Công Giáo. Nó sẽ rút tỉa được kinh nhgiệm và sự khôn ngoan của cả Giáo Hội hoàn cầu, trong đó có các cộng đoàn và phong trào mới, mà không làm tê liệt tính sáng tạo nơi các giáo hội địa phương cũng như nơi các vị giảng thuyết cá biệt… Vào lúc này, ta cần phải có óc hệ thống hóa nhiều hơn trong ‘ars predicandi’ (nghệ thuật giảng thuyết), không nên phó mặc cho may rủi hay ý thích tầm phào. Cuốn Sách Chỉ Dẫn Tổng Quát sẽ giúp ích trong khía cạnh này, nhất là tại các chủng viện và viện đào tạo”. 
 
Còn Đức Cha Gerald Kicanas, Giám mục Tucson và hiện là phó chủ tịch Hội Đồng GM Hoa Kỳ, thì phát biểu rằng: “việc giảng thuyết ngày nay có thể đã chẳng còn hương vị như xưa nữa, hiện nó đã trở thành công thức, chẳng gây cảm hứng chi hết, khiến người nghe thấy trống rỗng”. Đáng lý ra nó phải khích lệ, hàn gắn, đem lại hy vọng và cảm hứng, cũng như dạy dỗ và thách thức. 
 
Đức Cha đề nghị: sau khi kết thúc Năm Thánh Phaolô vào ngày 29 tháng Sáu tới, Giáo Hội nên dành hẳn một năm cho việc giảng thuyết. Theo ngài, năm thánh này sẽ là cơ hội để “các linh mục và phó tế cùng với giám mục của mình gặp gỡ giáo dân để lắng nghe các khó khăn của họ và hiểu rõ hơn cách giảng Lời Chúa thế nào cho có tương quan với các khó khăn ấy”. 
 
Vũ Văn An