Tài Liệu Khác

Những vấn Nạn Liên Quan Đến Rước Lễ Và Tráng Chén

Câu hỏi 1Nếu tôi tự cầm Mình Thánh chúa chấm vào Máu Thánh Chúa, tôi vừa được rước lễ dưới hai hình, vừa giữ được vệ sinh, tránh bệnh truyền nhiễm do việc uống chung chén thánh với người khác?

Qui Chế Tổng Quát về Thánh Lễ theo Nghi Thức Rôma số 245 (Missale Romanum, Institutio Generalis, n, 245) cho xử dụng bốn hình thức rước Máu Thánh Chúa như sau: 

1) Uống trực tiếp Máu Thánh Chúa từ chén lễ.
2) Chấm Mình Chúa vào Máu Chúa (intinctio)
3) Nhận Máu Chúa từ ống bôm (tube)
4) Nhận Máu Chúa qua chiếc muỗng (spoon)

Giám Mục địa phận có thể bỏ hình thức dùng ống bôm và dùng muỗng trong việc rước Máu Thánh Chúa, nhưng phải duy trì việc rước Máu Thánh Chúa bằng cách uống trực tiếp từ chén thánh và hình thức chấm Mình Chúa vào Máu Chúa.

Hình thức rước Máu Thánh Chúa bằng cách lấy Mình Thánh Chúa chấm vào Máu Thánh Chúa, tiếng latinh gọi là intinctio phải do linh mục thực hiện: chính linh mục lấy Mình Chúa chấm vào Máu Thánh chúa và đặt vào lưỡi của người rước lễ. Bánh lễ dùng cho hình thức chấm vào rượu nầy không được quá mỏng và quá nhỏ, và chỉ Linh Mục mới được cho rước lễ theo hình thức chấm vào Máu Thánh Chúa nầy mà thôi. (Qui Chế Tổng Quát số 285b và 287)

Người rước lễ, không được tự mình nhận Mình Thánh chúa rồi chấm vào Máu Thánh chúa. Lý do:

a) Thần học về Bí Tích Thánh Thể: Thánh Thể, biểu tượng trọn vẹn của hợp nhất. Hợp nhất diễn đạt qua việc ăn cùng mâm và uống cùng một chén rượu “Rồi Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và phán ‘tất cả các con, hãy cầm lấy mà uống, đây là máu Thầy, máu Giao Ước sẽ đổ ra mang ơn tha tội cho muôn người” (Matthêu 26:27-28). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh về hợp nhất trong trong Bí Tích Thánh thể qua Thư gửi Giáo Đoàn Corintô “Vì ổ bánh là một, chúng ta tuy nhiều, nhưng là một thân thể, vì chúng ta cùng ăn chung một ổ bánh” (I Cor.10: 17). Nên người chấm Mình Thánh Chúa vào Máu Thánh Chúa đã không thể hiện được sự hợp nhất trọn vẹn của Thánh Thể. Họ đã không uống cùng chén rượu với người khác. 

Người ta thích chấm Mình Thánh Chúa vào Máu Thánh Chúa vì lý do vệ sinh, tránh những bệnh hoạn truyền nhiễm từ những người đã uống trước. Tuy nhiên, Thánh Bộ Phuợng Tự và Kỷ Luật Bí Tích qua giáo huấn Redemptionis Sacramentum (được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chấp thuận ngày 19.3.2004) không thấy đề cập đến vấn đề nầy. Người ta mặc nhiên đồng ý với Qui Tắc về việc rước lễ dưới hai hình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ số 45 cho rằng: Chén thánh được lau sạch sẽ, kỹ lưỡng sau mỗi lần uống được coi như đã giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm rồi.

b) Kính trọng và bảo toàn Mình Máu Thánh chúa:

• Nếu người rước lễ tự chấm Mình Chúa vào Máu Thánh chúa, họ rất dễ chấm quá sâu, nhúng những ngón tay của mình vào trong Máu Thánh chúa. Điều nầy càng làm mất vệ sinh hơn.
• Nếu người ta tự chấm lấy Máu Thánh Chúa, rất có thể gây nên sự rơi rớt những giọt Máu Thánh Chúa trong khoảng cách giữa chén thánh và miệng của người rước lễ. Đó là chưa nói đến trường hợp Mình Thánh Chúa bị sủng ướt và rơi xuống đất.

Để bảo vệ toàn vẹn sự thánh thiện tuyệt đối của Bí Tích Thánh Thể, Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích qua Giáo Huấn Redemptionis Sacramentum số 107 cũng nhắc đến khoảng Giáo Luật 1367 về hình phạt vạ tuyệt thông dành cho Toà Thánh đối với những ai xúc phạm nghiêm trọng (Graviora delicta) đến bí tích Thánh Thể qua những dạng thức sau:

• Quăng ném Mình Máu Thánh chúa, hoặc mang đi khỏi nhà tạm và lưu giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh. 
• Giả bộ cử hành Thánh Lễ làm cho ngườI khác tưởng đó là thánh lễ thật.
• Đồng tế với những giáo sĩ của các giáo phái không hiệp thông với Công Giáo hay không có Bí tích truyền chức thánh như Công Giáo.
• Giáo Sĩ làm lễ, truyền phép chỉ có một hình. Chỉ đọc lời truyền phép bánh và rượu mà không cử hành trọn vẹn Thánh Lễ.

Giáo sĩ mang những tội phạm kể trên sẽ bị huyền chức (dismissal from Clerical state).

Câu hỏi 2Sau khi rước lễ, người giúp lễ hay thừa tác viên ngoại thường của việc cho chịu lễ có được tráng chén lễ hay bình đựng Mình Thánh Chúa ở bàn bên cạnh bàn thờ không?

Xin xác định một vài yếu tố hay tên gọi cần thiết để tránh lẫn lộn:

Thừa tác viên Thánh Thể (Minister of the Eucharist) là người nhận lãnh chức linh mục thành sự (a validly ordained Priest), chỉ người nầy mới được cử hành thánh lễ trong chính con người của Chúa Kitô (in persona Christi) – Giáo Luật § 900. Nên không ai được gọi là thừa tác viên ngoại thường của Bí Tích Thánh Thể cả (extraordinary minister of the Eucharist) hay thừa tác viên đặc biệt của Bí Tích Thánh Thể (special minister of the Eucharist). Thánh Thể không chấp nhận có thừa tác viên ngoại thường.

Tuy nhiên phụng vụ Thánh Lễ có thừa tác viên ngoại thường trong việc cho rước lễ (extraordinary minister of Holy Communion) khi không có đủ thừa tác viên bình thường để đáp ứng nhu cầu. Thừa tác viên bình thường của việc cho chịu lễ là Giám Mục, linh mục và Phó Tế. Nên Giám Mục, linh mục hay phó tế không được nhường việc trao Mình Máu Thánh Chúa cho thừa tác viên ngoại thường để gọi là “cho có việc phục vụ bàn thánh” Thừa tác viên ngoại thường chỉ thực hành việc cho rước lễ khi không có đủ thừa tác viên bình thường. Thừa tác viên ngoại thường khi thi hành nhiệm vụ không được trao quyền lại cho bất cứ ai khác, thí dụ nhường cho Cha Mẹ trao Mình Thánh Chúa cho con cái trong dịp Rước Lễ Lần đầu. Tất cả trích trong Giáo Huấn Redemptionis Sacramentum từ số 154 – 160).

Về việc tráng chén sau khi cho chịu lễ, xin trích dịch nguyên văn Huấn thị Redemptionis Sacramentum số 119 như sau “ Sau khi đã cho chịu lễ xong, linh mục trở lại bàn thờ, Ngài có thể đứng tại bàn thờ hay tại bàn để bánh rượu bên cạnh bàn thờ (the credence table) để trút đĩa hứng Mình Thánh chúa, bình đựng Mình Thánh chúa vào chén Thánh, rồi Ngài làm sạch chén lễ theo những qui định trong Thánh Lễ và lau sạch chén lễ bằng khăn thánh. Nếu có Phó Tế thì Phó Tế và linh mục trở lại bàn thờ sau khi cho chịu lễ và làm sạch chén thánh. Tuy nhiên, nếu có nhiều bình thánh và chén thánh, thì được phép tạm thu gọn lại, đậy lại, đặt trên khăn tuyết (corporal), đặt trên bàn thờ hay bàn phụ bên cạnh bàn thờ và làm sạch ngay sau khi đã giải tán dân chúng. Ngoài ra, nếu người giúp lễ được huấn luyện chu đáo có thể tiếp tay với linh mục hay phó tế trong việc làm sạch hay xếp đặt chén thánh, bình Thánh cả trên bàn thờ hay trên bàn phụ cạnh bàn thờ. Trong trường hợp không có Thầy phó tế, người giúp lễ có thể mang Bình Thánh và Chén Thánh đến bàn phụ cạnh bàn thờ để làm sạch, lau chùi hay xếp đặt lại trong cách thế thông thường” 

Huấn thị Redemptionis Sacramentum số 119 nầy được trình bày dựa trên Nguyên tắc tổng quát về Thánh Lễ theo nghi thức Roma số 163, 183 và 192. 

Cả trong Huấn Thị và Nguyên tắc tổng quát, chúng ta không thấy đề cập đến việc thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ giúp linh mục tráng chén, làm sạch và mang cất Mình Thánh chúa vào nhà tạm như chúng ta thấy thường ngày trong các nhà thờ. 

Trong Nguyên tắc tổng quát về Thánh Lễ theo nghi lễ Roma số 163 còn nói “ Sau khi cho chịu lễ xong, chính linh mục, ngay lập tức uống cạn Máu Thánh chúa còn lại ngay tại bàn thờ. Mình Thánh Chúa, Ngài có thể rước ngay tại bàn thờ hay mang cất nơi dành riêng cho Mình Thánh chúa”

Chuyện chúng ta thấy và làm dường như sai với luật phụng vụ chăng? Thưa không! Những thừa tác viên ngoại thường giúp linh mục hay Thầy Phó Tế làm sạch bình thánh, tráng và lau sạch chén thánh, sau đó cất Mình Thánh Chúa vào nhà tạm là việc được phép theo qui chế phụng vụ của Giáo Hội địa phương và được chuẩn nhận bởi Hội Đồng Giám Mục hay Giám Mục địa phận. 

Huấn thị về phụng vụ Redemptionis Sacramentum số 19 nói “Giám Mục địa phận, vị quản lý hàng đầu về mầu nhiệm của Chúa trong Giáo Hội địa phương được trao phó cho Ngài phải là người điều động, cỗ võ và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo Hội.” Cũng trong Huấn thị nầy, số 21 nói “Điều liên quan đến Giám Mục địa phận là trong quyền hạn của mình, Ngài có quyền ban hành những chỉ thị phụng vụ mà giáo dân trong giáo phận phải giữ.” (Hiến Chế Lumen Gentium số 26)

Các Giám Mục đã vận dụng quyền lãnh đạo của mình và cho phép thừa tác viên ngoại thường trong việc cho chịu lễ để tráng chén thánh, làm sạch bình thánh và cất giữ Mình Thánh vào nhà tạm. Họ có thể làm chuyện nầy ngay tại bàn thờ hay tại bàn bên cạnh bàn thờ.

Hơn nữa, người giúp lễ (Acolyte) theo phân định phụng vụ là người có nhiệm vụ thắp nến trên bàn thờ, mang nến hầu trong việc kiệu rước và mang rượu nước cho linh mục trong việc chuẩn bị lễ vật. Nếu phải so sánh, người giúp lễ không có vị trí quan trọng trong phụng vụ bằng thừa tác viên ngoại thường trong việc cho chịu lễ. Vậy mà người giúp lễ được phép giúp linh mục hay phó tế trong việc làm sạch bình thánh hay tráng chén thánh theo như Nguyên Tắc Tổng Quát về Thành Lễ Rôma hay Huấn Thị Redemptionis Sacramentum cho phép. Điều nầy mặc nhiên cho thấy thừa tác viên ngoại thường trong việc chịu lễ được phép làm điều mà người giúp lễ được làm.

Có người nói rằng việc nầy dành riêng cho linh mục hay phó tế mà thôi, vì có nghi thức, nghĩa là khi tráng chén linh mục phải nguyện thầm “Lạy Chúa! Xin cho con nhận lãnh những món quà nầy thành sự thanh luyện tâm hồn. Xin cho con được ơn chữa lành và tăng sức, từ nay và mãi về sau” Đúng, có nghi thức dành cho linh mục nếu linh mục làm việc tráng chén thánh. Tuy nhiên nghi thức nầy đã không đề cập tới trong việc làm sạch và tráng chén thánh được thực hiện bởi phó tế hay người giúp lễ.

Trong sách lễ Roma bằng tiếng Anh do Hội Đồng Giám Mục Canada cho xử dụng từ năm 1974 nói “The vessels are cleansed by the priest or deacon after the communion or after Mass, if possible at the side table. While cleaning the vessels, the priest says quietly “Lord, may I receive. . . “ Đang khi đó trong Nghi thức Thánh Lễ bằng tiếng Pháp trang 135 nói “ Lorsque la distribution de la communion est achevée, le prêtre, le diacre ou l’acolyte purifie la patène sur le calice, et le calice lui-même, de preference à la crédence. It peut aussi le faire après la messe. S’il faire lui-même la purification, le prêtre dit a voix basse “ Puissions-nous accueillir. . . ” Cũng là nghi nthức thánh lễ theo nghi lễ Roma, nhưng bản tiếng Anh không nói gì đến người giúp lễ. Bản tiếng Pháp nói đến người giúp lễ và nghi thức tráng chén nếu được làm bởi linh mục thì linh mục đọc…Như vậy, phải hiểu là nếu người khác, không là linh mục làm thì không đọc lời nguyện thầm trên, tức không có nghi thức.

Nói rằng: Qui tắc tổng quát về Thánh Lễ Rôma cũng như Redemptionis Sacramentum cho phép người giúp lễ hay thừa tác viên ngoại thường trong việc cho rước lễ được phép làm sạch đĩa hứng, bình thánh hay tráng chén thánh, chúng tôi không hàm ý rằng: Linh mục chủ tế PHẢI để cho giáo dân làm chuyện đó. Không, nếu linh mục chủ tế dành riêng việc đó cho mình, chúng ta phải tôn trọng quyền thừa tác viên Thánh Thể in persona Christi của linh mục chủ tế. Và linh mục chủ tế cũng nên hiểu rằng: giáo dân phục vụ Thánh Lễ trong vai trò giúp lễ hay thừa tác viên ngọai thường việc cho chịu lễ cũng có thể làm chuyện nầy.

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên và những linh mục trong nhóm “cùng nhau học hỏi” ở Canada

LM. Phêrô Trần Thế Tuyên