Ngài nói: “Phép dìm trong Chúa Thánh Thần làm cho Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo là khí cụ mạnh mẽ theo thánh ý của Thiên Chúa để mang lại sức sống mới cho đời sống của người Kitô hữu”.

Hãng thông tấn Công giáo Zenit đã phỏng vấn linh mục Raniero Cantalamessa về kinh nghiệm hiểu biết của ngài với Canh Tân Đặc Sủng.

Hỏi: Một số người trong Giáo hội nghĩ rằng “Phép dìm trong Thánh Thần” là một sáng chế của người đi trong Canh Tân Đặc Sủng, và tên gọi về kinh nghiệm của phép dìm này không được niêm yết trong Giáo hội. Xin cha giải thích qua kinh nghiệm cá nhân của cha về phép dìm trong Thánh Thần là gì?

Trả lời: Phép dìm trong Thánh Thần không phải là sáng chế của con người; đó là một sáng tạo của Thiên Chúa. Nó canh tân phép rửa và toàn bộ đời sống của người Kitô giáo, cùng với tất cả các bí tích. Đối với tôi, nó còn là một sự canh tân nghề nghiệp trong lãnh vực tâm linh, phép thêm sức, phép truyền chức thánh của tôi nữa. Toàn bộ chức năng cơ phận được hồi sinh như một làn gió thổi trên ngọn lửa vậy. Tại sao Thiên Chúa quyết định hành động vào thời gian này một cách mạnh mẽ như thế? Chúng ta không biết được. Đó là ân sủng của Lễ Hiện Xuống mới.

Chẳng phải Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo sáng chế ra Phép Dìm trong Thánh Thần. Trên thực tế, nhiều người đã nhận được phép dìm trong Thánh Thần mà chưa biết gì đến phong trào Canh Tân Đặc Sủng cả. Đó là một hồng ân; điều ấy là tùy ở Chúa Thánh Thần. Đó là một sự ngự đến của Chúa Thánh Thần được tỏ lộ trong việc sám hối tội lỗi, trong việc tìm kiếm đời sống một cách mới mẻ mà qua đó Chúa Giêsu được khải lộ là một Thiên Chúa đang sống – không phải là một nhân vật quá khứ – và Thánh Kinh trở nên Lời sống động. Thực tế là điều này không giải thích được.

Có một mạc khải về phép rửa bởi vì Thiên Chúa nói, những ai tin thì chịu Phép rửa và được cứu độ. Chúng ta nhận Phép Rửa khi còn là đứa trẻ và Giáo hội tuyên xưng đức tin của chúng ta, thế nhưng, khi đến thời gian nào đó chúng ta phải nhìn nhận điều gì đã xảy ra khi chịu Phép Rửa. Đây là một cơ hội để chúng ta thực thi, không phải là một nỗ lực của cá nhân, nhưng dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta không thể nói rằng hàng trăm triệu người (nhận phép dìm trong Thánh Thần) sai lầm cả. Trongsách viết về Chúa Thánh Thần, Yves Congar, nhà thần học nổi tiếng, một người không ở trong Canh Tân Đặc Sủng nói rằng, trên thực tế, kinh nghiệm này đã thay đổi lớn lao đời sống của nhiều người Kitô giáo. Và đó là sự thật. Điều ấy đã làm thay đổi họ và mở ra những con đường nên thánh thiện.

Hỏi: Làm thế nào cha thi hành mục vụ của mình là một linh mục giảng phòng cho phủ Giáo hoàng với kinh nghiệm có được của cha về Canh Tân Đặc Sủng?

Trả lời: Với tôi, tất cả mọi sự xảy ra kể từ năm 1977 là hoa quả của Phép Dìm trong Thánh Thần. Lúc đó tôi dang là một giáo sư đại học. Tôi dấn thân vào nghiên cứu khoa học về lịch sử những nguồn gốc của Kitô giáo. Và khi tôi đón nhận kinh nghiệm này, không có phản kháng nào, tôi được mời gọi từ bỏ tất cả và trở nên sẵn sàng cho việc giảng thuyết. Sự chỉ định là một linh mục giảng phòng của tôi đến sau khi tôi kinh nghiệm “sự sống lại” này. Tôi nhìn điều ấy như là một ân huệ lớn lao. Sau ơn gọi tâm linh của tôi, Canh Tân Đặc Sủng là một dấu ấn hồng ân lớn lao nhất trong đời sống của tôi.

Hỏi: Theo quan điểm của cha, những thành viên của Canh Tân Đặc Sủng có một ơn gọi đặc biệt nào trong Giáo hội không?

Trả lời: Có và không. Canh Tân Đặc Sủng, cần được nói và lập lại rằng không phải là một phong trào thuộc Giáo hội. Đó là một dòng nước ân sủng để biến đổi Giáo hội – bao gồm giảng dạy, phụng vụ, cầu nguyện cá nhân và đời sống Kitô giáo. Vì thế, nó không phải là một linh đạo theo đúng nghĩa. Các phong trào đều có một linh đạo và đặt mục đích vào một khía cạnh nào đó chẳng hạn như bác ái. Trước hết, Canh Tân Đặc Sủng không có người sáng lập (nếu có, thì là Chúa Thánh Thần). Không ai lại có ý nghĩ về một người sáng lập cho phong trào Canh Tân Đặc Sủng, bởi vì Canh Tân Đặc Sủng khởi sự mỗi nơi mỗi cách khác nhau. Nó không có một linh đạo, nó là đời sống của Kitô hữu sống trong Thần Khí.

Thế nhưng, có thể nói rằng những người sống kinh nghiệm này là một thực thể cộng đồng. Họ là những người làm những cử chỉ và cầu nguyện một cách nhất định – một thực thể cộng đồng có thể nhận diện, vai trò của họ đơn giản là có mặt để những người khác cũng được chia sẻ cùng một kinh nghiệm và rồi sau này tan biến đi. Đức Hồng Y Suenens, một người bảo vệ và ủng hộ mạnh mẽ phong trào Canh Tân Đặc Sủng vào lúc ban đầu nói rằng: số phận sau cùng của Canh Tân Đặc Sủng có thể là sẽ tan biến đi khi dòng nước ân sủng này lan tràn ra khắp Giáo hội.

Hỏi: Cha sắp sửa hoàn tất giảng thuyết cho buổi tĩnh tâm của hơn 1000 đại biểu Canh Tân Đặc Sủng từ khắp thế giới, thông điệp gì cha muốn gởi những tín hữu chưa biết về Canh Tân Đặc Sủng?

Trả lời: Tôi muốn nói với các tín hữu, các giám mục, các linh mục rằng đừng sợ gì. Tôi không hiểu tại sao có sự sợ sệt. Có lẽ, trong vài phạm vi nào đó, bởi vì kinh nghiệm này bắt đầu từ những giáo hội Kitô giáo khác như Ngũ Tuần và Tin lành.

Thế nhưng, Đức Giáo Hoàng không sợ hãi. Ngài đã nói đến các phong trào mới trong Giáo hội và về Canh Tân Đặc Sủng như là những dấu chỉ mùa xuân mới của Giáo hội, và thường nhấn mạnh tầm quan trọng của những phong trào này. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thì nói rằng: đó là một cơ may cho Giáo hội.

Chẳng có gì phải sợ hãi. Có nhiều hội đồng Giám mục như ở Châu Mỹ La tinh – điều này đúng với Giáo hội Ba Tây – nơi mà hàng phẩm trật khám phá ra rằng Canh Tân Đặc Sủng chẳng có trở ngại gì. Nó là một phần của giải pháp cho vấn đề những người Công Giáo bỏ Giáo hội theo Giáo hội khác, bởi vì họ chẳng tìm được trong Giáo hội một Lời sống động, một cuốn Thánh Kinh sống, hay một cách diễn đạt đức tin bằng thái độ vui tươi, một cách tự do, và Canh Tân Đặc Sủng là  phương tiện mạnh mẽ mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội để người ta có thể sống một kinh nghiệm Thần Khí, kinh nghiệm Lễ Ngũ tuần trong Giáo hội Công Giáo mà không phải rời bỏ Giáo hội.

Cũng đừng xem Canh Tân Đặc Sủng như là một “ốc đảo”, nơi mà một số người nhạy cảm tụ họp lại với nhau. Nó không phải là một “ốc đảo”. Nó là một phương tiện mang lại ân sủng cho tất cả những người đã chịu phép rửa. Những dấu chỉ bên ngoài có thể khác nhau, nhưng ở trong cốt lõi, nó là một phương tiện để kinh nghiệm cho tất cả mọi người đã chịu phép rửa.

Tứ Linh chuyển dịch
thanhlinh.net