Tài Liệu Khác

 

Biết cho chết lin

Chuyện đi tu làm linh mục!

Biết cho chết liền!

      Tuy nhiên có người không đi tu mà biết chuyện đi tu và đã vun trồng ơn gọi linh mục trong tôi ngay khi tôi còn là chú bé không biết gì. Má tôi, người sinh ra tôi, trong ý nghĩa máu thịt sinh thành. Má tôi, trong ý nghĩa người cùng tái sinh với tôi qua bí tích Rửa Tội,  những anh chị em giáo dân quen biết và không quen biết nhưng luôn thương yêu, cầu nguyện và nâng đỡ ơn gọi linh mục nơi tôi bằng nhiều cách.

            Má tôi, một người đàn bà Việt Nam, hiền hoà, chơn chất. Bà không học cao hiểu rộng, nhưng biết gieo trồng hột giống ơn gọi trong tôi thật có phương pháp. Bà gieo mầm ơn gọi trong tôi bằng những dụ dỗ tự nhiên xem chừng rất trần tục, nhưng lại rất cụ thể hấp dẫn gần như rờ thấy được vậy. Song song với những khuyến khích cụ thể và trần tục nầy, bà cũng không quên những yếu tố siêu nhiên đạo đức, thật đơn giản, nhưng rất hiệu quả. Dù tự nhiên hay siêu nhiên, tất cả được thực hiện theo kiểu nhà quê “mưa lâu ướt đất”

            Má tôi hay chỉ cho tôi căn nhà to chầng vầng như cái đình làng nằm trong khuôn viên nhà thờ, họ đạo của tôi. Má tôi luôn nói: Hai Lúa! Con coi nhà lầu của Ông cố Ba kìa! Mầy coi có ai một mình mà ở cái nhà bự tổ chảng như vậy không? Ở miệt tôi, bà con gọi nhà Ông cố ở là nhà lầu. Vì thường chỉ có nhà Cha Sở mới có lầu. Đúng vậy, tôi thường xuyên thấy Cha sở mặc bộ đồ bà ba trắng, thoáng mát, đứng trên lầu, đi tới đi lui đọc kinh hay lần hột. Nhiều lần tôi thấy Ông cố hút thuốc bằng ống vố trông giống như các phú hào Miền Nam ngày xưa. Chúa Nhật,  chầu phép lành trọng thể lúc ba giờ chiều. Trước giờ chầu phép lành, ông cố sở hay đứng trên lầu quăng kẹo xuống cho mấy đứa con nít chúng tôi giành nhau lượm.

            Má tôi nói đúng: Không ai trong làng có căn nhà bự tổ chảng mà lại chễm chệ  khang trang trong khuôn viên nhà thờ như Ông cố sở. Mỗi tuần một lần, Ông cố sở cho giựt máy đèn ban đêm, thắp đèn điện sáng trưng cả khu vực nhà thờ và nhà lầu ông cố ở. Tay vừa chỉ nhà lầu Ông cố Sở, miệng má tôi ngọt ngào dụ dỗ:Con có khoái ở nhà lớn hông Hai Lúa? Nếu khoái, phải ráng học hành và đi tu nghe chưa. Đi nhà trường học làm Cha mới được ở nhà lớn như vậy nghe con!

            Làng tôi thật lớn và trù phú, nằm trên bờ sông Tiền, nước dâng tràn bờ quanh năm. Dân làng, lương cũng như giáo, sống hiền hoà, bình dị và chơn chất lắm! Đời sống trong làng và trong họ đạo thật bình an và rất thoải mái về vật chất. Chỉ cần quăng một chài cá xuống sông là cả nhà ăn cá đã đời luôn. Nấu nồi canh chua, chỉ cần mua cá hay kiếm cá, còn những thứ khác như rau ngò om hay rau tầng dày lá, trái me, trái khóm… đều có thể qua hàng xóm xin. Ông ngoại tôi trồng mấy chục cây dừa và mấy chục bụi chuối chung quanh nhà. Ông không bán lấy một xu. Ai cần, nói một tiếng là Ông Ngoại tôi bảo “thiếu gì đó, muốn bẻ bao nhiêu thì bẻ!”

            Nhà nào cũng chiếm hữu một khoảng bờ sông khá dài tuỳ theo chiều ngang của miếng đất. Thường người ta làm một cây cầu bằng tre hay bằng ván dừa đưa ra khỏi bờ chừng mươi thước. Đàn ông, với cặp thùng thiếc, mỗi thùng chứa hai mươi lít nuớc, với cây đòn gánh trên vai, chiều chiều xuống sông quảy vài đôi nước lên nhà để xài. Nhà làm rẫy cũng thường gánh hàng trăm đôi nước để tưới rẫy dưa, rẫy cà hay công bí rợ… Khi mặt trời sắp lặn, cả nhà xuống tắm dưới dòng sông trong lành, nước chảy boong boong nầy, bên cây cầu gánh nước. Con nít chúng tôi thích lặn hụp, chơi giỡn và lội đua ra xa xem đứa nào lội gỉỏi nhất. Sau cùng, khi đã được nhắc nhở, chúng tôi mau mau gội đầu, kỳ cọ, rồi bận cả quần xà lỏn ướt mẹp chạy một mạch lên nhà thay đồ khô và ăn cơm tối.

            Tôi có ý quan sát nhiều lần nhưng không thấy Ông cố sở đi xuống sông tắm như Cha Má tôi hay như dân làng. Có lần tôi hỏi Má tôi: Ông Cố sở chắc ở dơ lắm hén má! Sao không thấy ổng xuống sống tắm bao giờ? Má tôi rầy: cái thằng Hai Lúa nói hỗn nghe mậy! Ông cố sở mà ở dơ hả! Ổng tắm trên nhà lầu, có người gánh nước cho ổng tắm ngon lành chứ đâu có mà ở trần trùi trụi như cha con mầy ở nhà vậy. À! hoá ra là vậy! Lại thêm một chuyện lạ về Ông cố sở: Có người gánh nước cho Ông cố tắm. Ổng tắm kín đáo trong nhà tắm, nên không ai thấy nuớc da Ông cố trắng hay đen đến mức nào. Cũng không ai thấy bụng Ông cố bự đến cỡ nào. Vịn chuyện Ông cố sở có người xách nước tắm nầy, má tôi không quên dụ khị: Con muốn sướng như Ông cố, có người xách nước tắm và tắm trong nhà tắm kín mích thì phải ráng đi học và đi tu nghe chưa!

            Mùa dưa hấu nào, Cha Má tôi cũng bẻ hai trái dưa đầu mùa lớn nhất và mang vô cho Ông cố Sở. Có lần tôi được đi theo để mang dưa hấu cho Ông cố. Chúng tôi đến nhằm giờ Ông cố ăn cơm. Chỉ có mình ên mà ổng xực nguyên một mâm đồ ăn, nào canh, thịt kho mặn và gỏi đu đủ trộn với tép. Bên ngoài mâm cơm, hai trái xoài cát chín vàng dọn sẵn cho Ổng tráng miệng. Thấy dĩa đựng xoài chỉ có hai trái xoài và một con dao bén ngót. Tại sao nhà bếp không gọt xoài sẵn cho Ông Cố cà? Tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi, âm thầm quan sát. Khi ăn xong, ông cố sở lấy trái xoài to để trên một cái dĩa khác, Ổng dựng đứng trái xoài lên rồi lấy dao xẻ dọc hai bên má trái xoài. Sau khi đã tách cùi xoài ra, Ổng lấy muỗng múc từng muỗng xoài ăn. Ổng ăn ngon lành, cái miệng chép chép.., thấy thèm quá trời! Khi muốn uống nước, ông lấy khăn bàn lau miệng, lau tay rồi bưng ly nước trong veo uống từ từ. Ổng ăn uống thanh lịch, từ tốn và có vẻ sạch sẽ vệ sinh lắm kìa. Không thấy ai trong làng ăn ngon như Ông cố sở, ổng ăn uống như Tây vậy!

            Tôi thích lối ăn uống nho nhã và sạch sẽ nầy lắm! Nó không giống kiểu ăn uống ồ ạt cốt ý sao cho mau no bụng như nhà thường dân trong làng chúng tôi. Ông cố không phải giành ăn như bọn con nít chúng tôi ở nhà. Vừa ra khỏi nhà lầu, tôi nói với má tôi ngay: Ông cố bảnh thiệt nghe! một mình một mâm đồ ăn ngon thấy phát thèm! Được dịp, Má tôi manh dạn khuyến khích: Muốn ăn ngon, muốn sống sang trọng, sạch sẽ, có kẻ hầu người hạ, con phải ráng học và đi làm ông cố nghe chưa! Tôi dạ một tiếng lớn và bắt đầu nghĩ nhiều về chuyện làm ông cố trong tương lai để được ở nhà lầu lớn, được tắm trong phòng tắm có người gánh nước sẵn, và được ăn ngon, lịch sự và có người nấu cơm giúp bàn.

           

            Ước mơ làm linh mục trong tôi bắt đầu bằng những ham thích thật thực tế và rất tầm thường. Chuyện hy sinh cho chức vụ linh mục, phải sống chết cho đàn chiên hay sống một mình không vợ không con... biết cho chết liền. Nhiều khi có dịp ngồi nhớ lại những ước muốn xa xưa. Tôi cười tôi một mình. Nghĩ cho cùng cũng không có gì lạ: Con người được sinh ra và lớn lên trong trần đời. Trần đời hay trần tục không có gì khác nhau ở cái nghĩa diễn tả thân phận con người, từ bụi đất và dính liền với những yếu hèn hay những ước muốn thấp hèn. Chúa hướng dẫn tông đồ của Ngài cũng theo cách “mưa dai ướt đất” nầy. Ngài đưa con người từ đất lên trời, từ trần tục tới siêu nhiên. Chúa đã hướng các ông từ những khao khát địa vị danh vọng trần tục buổi ban đầu theo Chúa đến những khát vọng siêu nhiên, hy sinh rao giảng tin mừng và chết vì phần rỗi của người khác. Chúa cũng đưa người phụ nữ Samaria, bên bờ giếng Gia Cóp, từ cơn khát nước thường đến sự khao khát nước hằng sống. Chúa cho chị thấy là dù đã qua năm bảy đời chồng vẫn chưa đã khát…Sau cùng chỉ có Chúa là nước hằng sống! Trước khi gặp Chúa, người phụ nữ Samaria không biết chút gì về nước hằng sống. Đúng là biết cho chết liền!

            Nhà thờ họ đạo tôi xây cất gần như ở giữa, phân chia họ đạo làm hai. Nhà tôi ở gần cuối xóm đạo, cách nhà thờ chừng hơn cây số. Gần như mỗi ngày, Má tôi đều dẫn chúng tôi đi lễ Misa lúc trời còn tối om. Chúng tôi đi bộ cũng chỉ mất chừng nửa tiếng.  Vừa ra khỏi nhà là Má tôi bắt đầu hỏi sách phần và chúng tôi phải thưa. Nếu bà hỏi: Ai dựng nên trời đất muôn vật? Chúng tôi phải thưa: Thưa Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật…Bà lại hỏi Đức Chúa Trời dựng nên con người để làm gì? Thưa Đức Chúa Trời dựng nên con người có hồn có xác đểnhận biết và thờ phượng Chúa, để yêu thương nhau hầu ngày sau được hưởng phước thiên đàng… Má hỏi, con thưa! và chúng tôi đến nhà thờ lúc nào không hay! Bước vô cửa nhà thờ, chúng tôi phải lấy tay chấm nước thánh, làm dấu thánh giá và đi vào chỗ quì, nam theo nam, nữ theo nữ, để đọc kinh và xem lễ. Má tôi xin Ông cố sở cho tôi và em trai kế tôi được giúp lễ. Chúng tôi được mặc đồ đặc biệt để giúp lễ: Cái củng dài bên trong và chiếc áo trắng bên ngoài. Hai anh em tôi giúp lễ thật nghiêm trang! Má tôi hnh diện lắm vì chúng tôi được ở gần Chúa.

            Má tôi đến trình với Ông cố sở cho hai anh em tôi, Hai Lúa và Ba Đậu đi nhà trường học làm Ông Cha sau nầy. Thấy má tôi đạo đức, thấy chúng tôi đễ thương và ngoan ngoãn. Ông cố khoái lắm! Sau khi giúp lễ xong, ổng biểu chúng tôi vô nhà lầu để hầu bàn cho ổng ăn sáng. Đồ ăn sáng đã dọn sẵn khi Ông cố vừa làm lễ xong. Tôi thích nhất là cách uống cà phê sáng của Ông cố sở. Ổng uống cà phê sáng trong cái tô nhỏ hơn tô canh một chút. Ổng pha sữa bò chung với cà phê, quậy quậy rồi bưng tô cà phê sữa uống ngon lành. “Ông cố uống Cà Phê theo kiểu Tây!” như bà con trong họ đạo nói với nhau.

            Chúng tôi không phải làm gì nhiều trong lúc hầu bàn cho Ông cố sở ăn sáng. Chúng tôi đứng hai bên Ông, chăm chỉ nghe Ông chỉ dạy chuyện nầy chuyện nọ, từ chuyện giáo lý, chuyện đọc kinh bằng tiếng la tinh, rồi chuyện học trường lý đoán… Nghe vậy, chứ biết cho chết liền! Má tôi khoái lắm vì hai đứa con mình được hầu bàn cho Ông cố, được gần với ông cố thì sau nầy chúng nó sẽ khoái làm ông cố. Thiệt bụng mà nói: tôi phục Ông cố sở tôi sát đất vì những chuyện cao siêu ổng nói mà không ai biết. Tôi khoái thành người thông thái hiểu biết nhiều điều như Ông cố và được người ta kính trọng như Ông Cố.

            Ngày Chúa Nhật, chúng tôi ở luôn trên nhà thờ gần như suốt ngày: Sáng sớm đi lễ. Sau đó ở lại và sang bên nhà bà phước để học giáo lý hay làm việc cho các bà. Các bà phước không bằng ông cố, nhưng chúng tôi mến phục họ lắm: các bà đẹp đẽ, sạch sẽ và thánh thiện lắm. Ba giờ chiều, chúng tôi chầu phép lành trọng thể, tôi được giúp lễ và được xông hương. Tối đến, cả nhà quây quần trước bàn thờ trong gia đình để đọc kinh hôm. Má tôi hướng dẫn đọc kinh dài và còn lần hột năm chục nữa! Chúng tôi ngủ gục la liệt. Má tôi luôn nhắc nhở “mở miệng ra đọc kinh tụi bây!” Những lần kinh hôm kinh mai luôn kèm theo lời cầu nguyện ngắn “Xin Chúa chọn con và cho con đi tu làm linh mục để phục vụ Chúa và các linh hồn!” Không những Má tôi và cả nhà cầu nguyện cho tôi, nhưng gặp bất cứ bà con quen biết nào, Má tôi cũng xin họ cầu nguyện để thằng Hai Lúa dâng mình cho Chúa đi tu làm Thầy cả.

            Năm 11 tuổi, Cha cố sở kêu tôi lên nhà lầu để viết đơn xin đi nhà trường. Đơn gởi đi. Tôi được gọi vô tiểu chủng viện để thi. Tôi được nhận và chuẩn bị một ruơng bự đựng đồ đạc và quần áo để đi tu. Má tôi không bao giờ xao lãng chuyện vun trồng ơn gọi làm linh mục trong tôi kéo dài suốt nhiều chục năm. Mỗi tam cá nguyệt, Má tôi đều đi xuống tận Tiểu Chủng Viện thăm tôi. Mẹ con gặp nhau, mừng ơi là mừng! Má tôi mang đủ mọi thứ cho tôi ăn, từ nải chuối chín hườm hườm cho đến một chục xoài cát vừa ửng đỏ và những lời khuyên thật dễ nhớ và nhớ cả đời: “Hai Lúa, ráng đi tu nghe con! Ra ngoài lấy vợ, vợ nó hành tróc da lưng à nghe mậy! Nhớ mỗi ngày phải lần hột cầu nguyện xin Đức Mẹ cho mình được làm thầy cả. Cha mầy nói là nếu mầy mà được làm ông cố mà có ai biểu ổng đốt nhà bỏ, ổng cũng không ngán!”

            Cha Thánh Gioan Marie Vianney nói : “Chức linh mục đến từ tình yêu của Thánh Tâm Chúa”. Nhưng chức linh mục có được và thành tựu được là nhờ lời cầu nguyện, lời khuyên nhủ, sự khuyến klhích và sự nâng đỡ của nhiều người. Những người nầy là má tôi trong nghĩa hẹp huyết thống. Những người nầy là má tôi trong nghĩa rộng, những bà con giáo dân xa gần. Giáo dân Việt Nam kính trọng và yêu thương linh mục cách đặc biệt. Giáo dân Việt Nam liên lỉ cầu nguyện, hy sinh và giúp đỡ những ơn gọi linh mục cho tương lai của Giáo Hội. Những hội bảo trợ ơn thiên triệu hội họp thường xuyên, đóng góp định kỳ để nuôi dưỡng ơn gọi linh mục. Nhiều cá nhân, từ những bà cụ già, dè xẻn từng xu xen để nuôi một thầy làm linh mục. . . Rất nhiều “má tôi” trong hành trình tiến tới bàn thánh của một chủng sinh. Muôn đời tri ơn Chúa ban cho chức linh mục đến từ tình yêu trong thánh tâm Chúa. Muôn đời tri ơn cho chức linh mục đến từ tình yêu, từ lời cầu nguyện và từ sự nâng đỡ của vô số “má tôi” từ khắp nơi và từ thời nầy sang thời khác. Không có những “má tôi” nầy chắc không có nhiều linh mục và không có những linh mục thật xứng đáng như hiện nay.

            Xin viết ra đây với tất cả lòng chân thành của một Hai Lúa.

            Xin viết ra đây như một cúi đầu thật sâu để cám ơn, để nói lời tri ơn với những ai đang cầu nguyện, hy sinh đóng góp và nâng đỡ cho ơn gọi linh mục của chúng tôi.

            Xin viết ra đây để xin tiếp tục hãy là “má tôi!” trong ý nghĩa nầy.

            Xin viết ra đây để muôn đời tri ơn: tình Chúa, tình người!

            Nói láo cho chết liền!

           

            Hai Lúa.

Trích LGSTSVNCND